BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trò lưu manh mang tên báo chí!

28 Tháng Mười Hai 200712:00 SA(Xem: 1287)
Trò lưu manh mang tên báo chí!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Vietnamnet là một tờ báo điện tử thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Nhưng tiếc rằng, nói nhẹ nhàng kiểu các cụ là, có lớn mà không có khôn, nó lớn, nó nhiều độc giả, nhưng nó chưa tỏ ra xứng đáng với tầm vóc của nó và sự ưu ái của độc giả (nhẹ dạ). Rất nhiều những hạt sạn mà nguyên nhân là do cung cách làm việc thiếu nghiêm túc và kém chuyên nghiệp của BBT, cộng với đội ngũ nhân viên là những nhà báo thiếu khả năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp nhưng lại thừa sự láu cá ma mãnh tiểu xảo. Có thể kể vài hạt sạn trong thời gian gần đây (thời gian không gần thì không nhớ) như vụ phỏng vấn “chàngthơ” Lê Thiếu Nhơn sau đó “cut and paste” nhằm biến báo nội dung, đến khi anh chàng thơ này la làng thì “đính chính” rất khụng khiệng, rất bề trên, là xoá bài cũ, đưa bài mới (là bài chính thức, chưa cắt dán. Người đọc hết đường đối chiếu) lên, với lời dẫn: cho rộng đường dư luận (?). Chàng thơ Lê Thiếu Nhơn không phải tay vừa, không thuộc loại ít mồm; chàng bị xử ép, bị chơi không đẹp, nên chàng tốc váy la làng, chứ nếu như vào trường hợp khác, họ không la lên mà âm thầm chịu đựng (sự thật, có những người như thế) thì vietnamnet nhà ta cứ việc vô tư mà chơi bẩn 

Trong series video clip của vietnamnet, tôi nhớ, có một clip, hình như tựa là “Bướm đêm” hay “Bướm đêm Hà thành” gì đó (lục tìm không còn thấy). Clip này ghi hình những tụ điểm gái mại dâm đất Hà thành, điều đó không có gì đáng nói, điều đáng nói là cái cách thực hiện “phóng sự” của đám phóng viên này. Họ không hề làm mờ mặt của những cô gái được/bị quay, họ ngồi trên xe hơi (khổ thân các em, thấy xe hơi, tưởng khách sộp), gọi gái lại hỏi han, trả giá (với giọng điệu khinh miệt, giễu cợt), rồi … cười khúc khích với nhau. Điều này có thể gọi là gì nếu không gọi là vô lương tâm là vi phạm đạo đức nghề báo ?
Gần đây, không hiểu vietnamnet giao hợp với ai đã đẻ ra đứa con là trang vietimes.com. Không phụ công đấng sinh thành, vietimes đã phát huy tối đa sở trường chọc ngoáy, đâm thóc chọc gạo, bằng những thủ pháp hết sức thô bỉ nhằm câu khách (và thoả mãn ý đồ cá nhân nào đó, không loại trừ). Đúng là dột từ nóc dột xuống. Cha lưu manh thì con mất dậy.

Xin dẫn ra vài trường hợp:

1) Cách đây ít lâu, trang này thực hiện một bài dở dơi dở chuột, nửa phỏng vấn nửa tường thuật nửa chân dung, về nhà văn Hồ Anh Thái. Phóng viên thực hiện bài này, ngay từ đầu đã khẳng định rằng “Có một điều gì đó rất lạ ở người đàn ông này. Không thể nào đoán định nổi. Với ý nghĩ đó, tôi giải phóng mọi định kiến của mình, và lắng nghe nhà văn. Hoạ chăng, có thể phác họa đúng chân dung Hồ Anh Thái” nhưng trước đó đã không quên “mớm” cho người đọc rằng đây là “nhà văn nổi tiếng ngoa ngoắt hơn đàn bà”, “Nhà văn kỹ tính này không muốn chịu nhiều trách nhiệm bởi lời phát ngôn của mình” …v.v. Sự “mớm cung” cho độc giả không phải vô tình mà nó cho thấy, phóng viên viết bài trên một nền định kiến đã có sẵn. Tiêu chí tự đặt ra, rằng “giải phóng mọi định kiến và lắng nghe nhà văn” chỉ là màu mè mà thôi, bởi sau đó, bài viết chen đầy những nhận xét kiểu: “Anh là “ma” trong cả văn chương và cả thế giới thực”, “Một con người vỗ ngực xưng tự do mà lại tự đi cầm tù chính mình?”, “Điều gì ấy, khiến anh không hài lòng với các điều lệ của Hội, và còn nhiều điều không hài lòng hơn nữa, mà vẫn cố thủ vị trí đấy? Điều gì đó, phải chăng là quyền lực và danh vọng?”, “Hồ Anh Thái luẩn quẩn, tỉ mẩn và nanh nọc như một người đàn bà hơn là một người đàn ông” …v.v. Nhưng cái đáng nói hơn hết (vì nó biểu lộ sự cảm tính, định kiến của người viết một cách vô lối, ác ý, dung tục, suồng sã) là phần “vĩ thanh”. Phần này, người viết vứt hết văn với chương, xắn quần lội thẳng vào đời tư nhà văn một cách cực kì khiếm nhã, với lí do hỏi thay cho dư luận (dư luận nào thế ?). Rằng thưa nhà văn, ông là đực hay cái hay xăng pha nhớt ? Ừ thì cố mà chấp nhận điều này, nhưng tay phóng viên này còn đi xa hơn khi cho rằng “Hồ Anh Thái thoáng giật mình. Khuôn mặt biến sắc. Sự hoảng hốt trào ra chưa đầy nửa giây. Rồi khép lại. (Hình như anh vừa chớm gỡ bỏ một lớp mặt nạ, rồi lại vội đeo nó lại ngay)”. Thực hư ra sao không bàn tới, nhưng cái sự nhậy cảm tuyệt vời của tay phóng viên kia sao nó nhuốm mùi tiểu thuyết quá chừng. Làm báo hay viết tiểu thuyết đây? Cứ cái đà thế này, một ngày nào đó, tay phóng viên này, bằng sự nhậy cảm của một tiểu thuyết gia, sẽ gán cho người được phỏng vấn những tội ác khủng khiếp như hiếp dâm trẻ em, hay giết người hàng loạt không biết chừng.

2) Loạt phóng sự về bệnh nhân tâm thần (mục “Tiếng gọi số phận”) cũng thế, vẫn một kiểu làm phóng sự từa tựa như cách làm video clip về gái mại dâm bên trên đã nói. Viết về bệnh nhân tâm thần với vẻ giễu cợt đầy thích thú. Đã gọi là tâm thần, đương nhiên người ta sẽ có những hành vi, lời nói tức cười. Nhưng một người bình thường có nên lấy đó làm trò cười? Viết về họ, tốt nhất là nên tường thuật chính xác với ngôn ngữ thật trung tính nếu anh không thể cảm thông, ngoài ra, mọi tình cảm khác chen vào là không thể chấp nhận. Sự giễu cợt có thể thấy rõ trong bài: “Những sinh viên thay đổi thế giới trong… viện tâm thần” (nội cái đầu đề đã thấy sự mỉa mai), và bài “Sờ-lâu-ly en nót quích-ly – Mật ngữ trong cõi ta bà”. Sự thiếu đàng hoàng, cười cợt bệnh nhân trong series bài này là vô số, không tiện nêu ra, ai quan tâm xin tự đọc ở đây. Chỉ xin đưa ra một minh chứng nho nhỏ: trong bài “Những sinh viên thay đổi thế giới …”, tác giả bài viết đưa ra tấm hình chụp hai bệnh nhân, phía sau hai bệnh nhân này là một bệnh nhân khác đứng đái, với dòng chú thích: “Hai anh chàng này thì không có… hoang tưởng hay khao khát làm to làm lớn gì cả. Họ chỉ một mực đòi nhà báo chụp ảnh và nhớ phải đăng báo nhé. Họ cười suốt ngày, rất hiền. Được chụp ảnh rất vui, rồi lại nhảy chân sáo tưng tưng hô hoán là: Bọn nhà báo chụp ảnh không có phim. Phía sau ảnh là một "đồng đội" đang vô tư tè giữa…ba quân!”. Tôi không hiểu, người tâm thần họ cởi truồng đái bậy ỉa bậy thì có gì đáng nhấn mạnh một cách khoái trá như thế ?

3) Bài phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn (mới tinh, lên ngày 2/11/07) là một minh chứng khá điển hình cho nhận xét bên trên: thiếu đạo đức nghề nghiệp nhưng lại thừa sự láu cá ma mãnh tiểu xảo.

Ngay từ cái tựa và lời dẫn, phóng viên đã ngầm trao vào tay những độc giả nhẹ dạ một hòn đá to để “nhằm thẳng mặt ông Nhàn mà ném”. Đây là cách làm gì vậy, nếu không phải là cách làm của đám “thầy dùi chết chui”, của phường vu oan giá hoạ ?

Ai chuyên bới xấu để làm mầu cho lớp áo trí thức ngoài ông Nhàn? Ai mưu danh lợi bằng cách “làm yếu ớt đi, nhạt nhoà đi” chính cội nguồn của mình ngoài ông Nhàn? Mặc dù lời dẫn vào bài phỏng vấn nói một cách chung chung, phiếm chỉ, là “một lớp người”, nhưng người đọc ngay lập tức thấy lời dẫn này nhắm vào ai.

Nhìn chung, bài phỏng vấn này không còn thuần tuý là một bài phỏng vấn (phóng viên hỏi; người được phỏng vấn trả lời) mà nó giống như tường thuật một vụ, nói cho sang là tranh luận, nói cho chính xác là cãi nhau, mà sự cãi nhau này xẩy ra bởi một kẻ luôn khiêu khích (ở đây là phóng viên). Có những câu hỏi không hề là câu hỏi, bởi trước khi (làm ra vẻ như) hỏi, phóng viên đã cao giọng đưa ra hàng loạt khái niệm, qui định cho chính vấn đề được hỏi (rõ rệt ở phần hỏi đáp về “tự nhận thức”). Hoặc những câu hỏi đầy tính khiêu khích với những định kiến rất võ đoán như “Ông nói sao? Một thiên tài như Nguyễn Du cũng không biểu hiện cho nhận thức của dân tộc sao?”, “Chẳng nhẽ dân tộc Việt đã có hàng nghìn năm lịch sử lại không thể nhận thức được mình?” , “Đây là một cuộc phỏng vấn. Và với tư cách là một người con của dân tộc Việt, ông cảm thấy mình có bao nhiêu tính xấu trong đó?” (câu này đay đi đay lại 2, 3 lần, mặc dù ông Nhàn đã từ chối trả lời) … v.v

Đọc xong bài phỏng vấn, tôi chỉ tiếc cho ông Nhàn, đã không đủ bản lĩnh để đi đến cùng cuộc phỏng vấn bằng cách nhét … “ấy” vào mồm thằng phỏng vấn, theo nghĩa bóng, tức là dùng kiến thức của mình để lập luận, làm cho nó câm họng lại. Hoặc giả, không thể nhét “ấy” bằng nghĩa bóng thì chơi luôn bằng nghĩa đen, nếu không sẵn “ấy” thì ít nhất cũng vả vào mõm nó một phát ra trò rồi muốn ra sao thì ra (Việt Nam chưa có tiền lệ như vậy. Hình như, nước ngoài đã có nhiều)

Nhưng nghĩ lại, thấy phương án 2, tức phương án chơi theo nghĩa đen khả thi hơn, và hiệu quả hơn, bởi chơi theo nghĩa bóng, nó cứng họng, sự việc sáng tỏ, nó đếch đăng, (hoặc đăng mà cắt xén thêm bớt) thế là xong chuyện

Series “Người Việt xấu xí” của ông Nhàn trên TT-VH tôi không đọc, chỉ thỉnh thoảng vô tình bài nào “trôi nổi” trên mạng tôi mới xem qua. Nói chung, tôi không thích lắm. Không thích không phải vì nó đúng hay sai, mà vì cách ông viết hơi khô, hoàn toàn vắng bóng tính hài hước mà một đồng nghiệp của ông bên Trung Quốc (“Người Trung Quốc xấu xí”) có rất nhiều.

Tôi cũng không tin vào cái niềm tin của ông Nhàn, rằng “người ta đọc để biết, để sống tốt hơn”. Chả ai tốt lên hay xấu đi bằng cách đọc báo hay tác phẩm văn học. Nhưng tôi không phản đối và càng không kết tội ông Nhàn hay ai đó viết về “Người Việt xấu xí” là “làm nhạt nhoà nguồn cội”. Mấy chục năm qua, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và nền báo chí cách mạng đã sản xuất hàng mớ người tốt việc tốt, nay bì bõm ra biển lớn, hội nhập nhập hội, “tự vấn” một chút nếu không cho là cần thiết thì cũng chẳng đến nỗi chết bố con thằng nào, đừng có nâng quan điểm thành “nhạt nhoà nguồn cội” với chả “dịch nói xấu”.

Kết luận: Xét cho cùng, những hạt sạn trên trang vietnamnet không phải là đặc sản của tờ báo này, mà nó là căn bệnh chung của báo chí Việt Nam. Một nền báo chí công công thái giám, nền báo chí chưa bao giờ đồng hành và tôn trọng sự thật, mà không có cung cách làm việc như vậy mới là nghịch lí. Bởi thế, để tránh bức xúc không cần thiết, tốt nhất, cứ thấy “báo mậu dịch quốc doanh” thì nên xác định thái độ trước.

Vương Văn Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn