BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vị quốc vong thân

28 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1843)
Vị quốc vong thân
55Vote
415Vote
30Vote
21Vote
11Vote
422
 

 



Mỗi lần đồng bào hải ngoại kỷ niệm ngày quốc hận, 30 Tháng Tư, ngoài chuyện chia sẻ niềm đau chung với mọi người, gia đình tôi còn mang riêng cái tang đau thương cho cái chết của dì út, dượng và em tôi. Dì út tôi, bà Lâm Ngọc Dung rất gần gũi với mẹ. Bà thương chúng tôi như mẹ ruột, dì Dung vẫn muốn nhận tôi làm con nuôi, ở mãi với dì. Khi lập gia đình với dượng Lê Vĩnh Xuân, chúng tôi ít gặp dì nhưng không vì thế mà chúng tôi bớt thương dì, trái lại, chúng tôi còn hãnh diện vì, dượng Xuân là sĩ quan hiện dịch, tốt nghiệp khóa 13 trường Võ Bị Đà Lạt.

Hình ảnh kiêu hùng của dượng Xuân ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của tôi sau này. Tôi rất thích được mẹ dẫn đến thăm dì, tôi thích nhìn thấy tài chỉ huy của dượng và tỏ lòng ngưỡng mộ. Khi em Lê Vĩnh Quốc Khanh, sanh năm 1969, tôi rất mừng cho em, may mắn được sinh trưởng trong một gia đình quân đội đúng nghĩa.

Dượng Xuân thuyên chuyển từ đơn vị này tới khu chiến thuật khác, khi với Sư Đoàn 7 ở Định Tường, lúc lên Pleiku, ra Qui Nhơn, Bồng Sơn, Tuy Hòa, Kontum v.v.. Những địa danh ấy tôi nhớ lâu chỉ vì ở đó đã có những giọt mổ hôi và bao nhiêu giọt máu chiến hữu của dượng. Dượng Xuân về nhận đơn vị Biệt Động Quân, dượng đóng ở Vùng 2, Pleiku là thời gian tôi lo lắng nhất. Tôi nghe nói lính Biệt Động Quân rất tinh nhuệ nên luôn luôn bị di chuyển tới những chiến trường sôi động nhất. Tôi chuyển sự chú ý qua chiến sĩ mũ nâu, tôi có nhiều thiện cảm với những chiến sĩ Biệt Động Quân. Tôi hãnh diện khoe với mọi người dượng Xuân tôi là lính mũ nâu.

Thỉnh thoảng có người từ đơn vị về phép, ghé thăm nhà, mang quà dượng cho mẹ, tôi hỏi chuyện đơn vị rất nhiều, hỏi về những trận đánh mà đơn vị dượng tham dự. Tôi rất hãnh diện khi chiến hữu khoe dượng được nhiều huy chương cao cấp như Bảo Quốc Huân Chương, Đệ Ngũ Đẳng, và rất nhiều Anh Dũng Bội Tinh. Khi dượng tôi bị thương về nằm Quân Y Viện, tôi khóc nhiều và lo lắng cho dượng hơn cả em Khanh nữa.

Tóm lại, dượng Lê Vĩnh Xuân mang cho gia đình tôi niềm kiêu hãnh, có người thân hào hùng như thế đó. Dượng được thăng cấp tá và về làm việc văn phòng. Tôi nghe nói dượng Xuân làm Quân Báo ở Sài Gòn. Lính tác chiến về thành, dượng Xuân không thích lắm, nhưng kinh nghiệm chiến trường bao năm, dượng Xuân trở thành loại chuyên viên rất hiếm trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1975 dượng Lê Vĩnh Xuân làm Chỉ Huy Phó Trung Tâm Thẩm Vấn Trung Ương. Tại đây, dượng Xuân đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều tù binh phía bên kia chiến tuyến. Dượng rất kinh nghiệm trong việc khai thác tù binh, họ hợp tác, giúp dượng ngăn chặn nhiều hoạt động phá hoại cho thường dân vô tội.

Trong công việc, dượng Xuân rất nghiêm khắc nhưng dượng là con người tình cảm. Năm 1970, một thiếu sinh bị bắt vì tội giao liên cho Việt Cộng. Thay vì khai thác tới bến để tìm ra manh mối, dượng Xuân lắng nghe, biết chú bé mới bị dụ vào mặt trận, dượng Xuân bảo lãnh để chú bé ấy được tha và trở thành người hữu dụng. Tôi còn nhớ tên chú ấy là Thắng mà về sau đã trở thành em kết nghĩa thân tín mà cũng là người giúp việc mai táng dượng sau này.

Khoảng giữa Tháng Tư, tình hình chiến sự rất dao động, tôi đã xong dược sĩ, phục vụ trong quân ngũ một thời. Ngày 27 Tháng Tư, tôi và mẹ tới gặp dì Dung và dượng. Mẹ cố thuyết phục để dì dượng cho em Quốc Khanh đi với gia đình tôi. Chúng tôi đã có danh sách đi bằng máy bay ngày 28 Tháng Tư. Mẹ con tôi nói mãi nhưng dì biết chắc chắn dượng Xuân không chịu. Dượng vẫn khăng khăng tuyên bố “sống thì sống chung, chết phải chết chùm” nhất là em Khanh lại là con duy nhất của dì dượng.

Trung Tá Lê Vĩnh Xuân thuộc thành phần nguy hiểm nên DAO lập danh sách ra đi, đã có điểm hẹn, sẽ có trực thăng đến đón riêng. Chúng tôi chào từ giã dì dượng và em Quốc Khanh và chia tay lên đường. Không ngờ lầm tạm chia tay ấy đã thành vĩnh biệt.

Đến trại Orote Point, liên tiếp hàng tháng trời, tôi loan báo trên hệ thống phóng thanh, nhắn tin 5, 10 lần mỗi ngày. Đi kiếm dì dượng, hỏi thăm tin tức những người tới sau. Mọi nỗ lực đều không có kết quả. Đến khi gia đình chúng tôi vào Hoa Kỳ, nguồn tin đầu tiên nhận được về dượng Xuân, dì Dung và em Quốc Khanh làm cho tôi bàng hoàng. Ông bà Lê Quang Cảnh, thân phụ mẫu báo tin chung, trưởng nam của ông bà là Trung Tá Lễ Vĩnh Xuân đã tuẫn tiết cùng với vợ và đứa con trai lên 6 tuổi tại nhà riêng của họ.

Nhân chứng cho hay, Trung Tá Xuân rất bình tĩnh lấy một khẩu súng rouleau, nạp 6 viên đạn. Ba người ngồi trước bàn thờ gia tiên, cáo lỗi cùng tiên tổ, sau đó, rất mau chóng, dượng bắn em Khanh 2 viên đạn. Máu me văng vãi, em gục lên tay dì Dung. Dì ra dấu cho dượng, dượng đưa súng lên và đoàng đoàng hai tiếng. Dì gục vào lòng dượng, và cuối cùng dượng Lê Vĩnh Xuân kê súng lên đầu mình bóp cò hai lần rồi ôm chặt và cùng chết với vợ con.

Trước cái chết kinh hoàng ấy, người thân phải bỏ trốn vì sợ liên lụy, về sau, trong tang lễ, khi nghe truyện, cả nhà khóc ngất trước quyết định thảm khốc của dì dượng. Dưỡng tử Thắng (người giao liên Việt Cộng, được dượng kết nghĩa anh em) đứng ra xin phép phường khóm cho nhận xác 3 người đưa đi hỏa táng. Tro cốt gia đình dượng Lê Vĩnh Xuân hiện vẫn còn để tại chùa ở Sài Gòn.

Từ đó, cứ mỗi lần kỷ niệm 30 Tháng Tư đen, gia đình tôi luôn ghi nhớ làm lễ giỗ dì dượng và em Quốc Khanh.

Hôm nay, một lần nữa, con xin rót cho dượng một ly martel, và thắp cho gia đình Lê Vĩnh Xuân ba nén nhang để nhớ người vị quốc vong thân.


Nguyễn Ngọc Chấn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn