BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hòa Thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn RFA về những chia sẻ với Tây Tạng

19 Tháng Ba 200812:00 SA(Xem: 1098)
Hòa Thượng Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn RFA về những chia sẻ với Tây Tạng
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53

Trước tình hình biến động tại Tây Tạng, Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã gửi một bức thư đến Đức Đạt Lai Lạt Ma để bày tỏ sự ủng hộ cuộc tranh đấu của người dân Tây Tạng.

Hòa thượng Quảng Độ đã dành cho ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt do Ỷ Lan ghi nhận sau đây:

Tải xuống để nghe


Ỷ Lan: Kính chào Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Tình hình đàn áp chư tăng và nhân dân Tây Tạng đang tới hồi kịch liệt. Mới đây, qua bưc thư gửi Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhân danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hoà Thượng đã lên tiếng tỏ tình liên đới với cuộc đấu tranh cho tự do dân tộc của nhân dân Tây Tạng, kính xin Hoà Thượng cho biết động cơ nào khiến Hoà Thượng lên tiếng như vậy?

Hoà Thượng Thích Quảng Độ: Thưa cô Ỷ Lan, người Việt Nam đã có câu nói là "đoạn trường ai có qua cầu mới hay", tức là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng đã bị đàn áp suốt 30 năm qua ở Việt Nam mà những cái nỗi đau khổ, tủi nhục, bị đàn áp mà người Việt Nam tất cả Giáo Hội cảm thấy như thế nào, thì bây giờ đây nghe bên Tây Tạng chư tăng ni và Phật tử nói chung và dân tộc Tây Tạng đang phải trải qua cái vận nạn bị đàn áp thì chắc chắn cũng đau khổ, cũng tủi nhục như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vậy thôi.

Chính vì thế mà Giáo Hội lên tiếng, trước hết là chia sẻ cái nỗi thống khổ của chư tăng ni Phật tử Tây Tạng và đồng thời cũng mong làm sao cho dân tộc Tây Tạng và Phật Giáo Tây Tạng sớm thoát được cái nạn đàn áp và mất nước như hiện nay. Nếu cái nạn này càng thoát được sớm bao nhiêu thì chư tăng ni Phật tử và dân tộc Tây Tạng mới trút được gánh nặng, mới được hưởng sự yên vui hạnh phúc bấy nhiêu, mà càng sớm càng tốt.

Chính vì thế, vì sự đồng cảm như thế mà Giáo Hội lên tiếng để ủng hộ, trước mắt là ủng hộ cái đường lối, cái cuộc vận động, cái cuộc tranh đấu để thoát ách thống trị của chế độ đọc tài toàn trị Trung Quốc, và thứ hai là mong cho dân tộc Tây Tạng trong tương lai cũng được hưởng mọi sự yên vui hạnh phúc như tất cả các dân tộc văn minh tiến bộ trên thế giới.

Ỷ Lan: Bạch Hoà Thượng, trong bức thư nói trên Hoà Thượng có nhắc đến sự kiện lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh tổ chức Đại Hội Phật Giáo Thế Giới vào Tháng 4 Năm 2006, sau 57 năm cộng sản hoá Trung Quốc là một chủ nghĩa phi tôn giáo, Hoà Thượng hoài nghi xem như Trung Quốc lợi dụng Phật Giáo để tuyên truyền cho chế độ, tại sao không nghĩ rằng Trung Quốc cộng sản muốn tỏ tình thân thiện với Phật Giáo. Hoà Thượng nghĩ sao về ý kiến này?

Hoà Thượng Thích Quảng Độ: Về ý kiến phân chia bạn và thù đối với những người cộng sản nói chung, và với người cộng sản Trung Quốc nói riêng, họ rất rõ ràng, rất dứt khoát. Anh theo tôi là bạn, mà anh không theo tôi là thù. Tôn giáo là một trong những kẻ thù chính của cộng sản thế giới chứ không riêng gì Trung Quốc, đó là họ cho tôn giáo là thuốc phiện, trước sau gì cũng phải tiêu diệt. Hiển nhiên như vậy, không thể nào, không bao giờ mà tôn giáo là bạn của cộng sản được tức là thân thiện với cộng sản được.

Cộng sản không bao giờ thân thiện với tôn giáo. Họ có chính sách là lùi một bước rồi tiến ba bước. Bây giờ chưa tiêu diệt được thì họ tạm ngừng, hoặc là họ tạm thoả hiệp để chờ cơ hội lúc nào mà họ tiêu diệt được là họ tiêu diệt, chứ không bao giờ họ thân thiện thực sự đối với tôn giáo nói chung và với Phật Giáo nói riêng. Tất cả các tôn giáo trên thế giới họ coi như là kẻ thù, bởi vậy cho nên chưa tiêu diệt được thì họ tạm thoả hiệp để chờ một cơ hội nào đó đủ điều kiện thì họ sẽ tiêu diệt.

Trong 57 năm ở Trung Quốc họ đã nhằm tiêu diệt Phật Giáo ở Trung Quốc nhưng mà chưa được thế thôi, bởi vì nền Phật Giáo ở Á Đông, ở Đông Phương này nói chung, cái nền Phật Giáo Trung Quốc là lâu đời mà rất là thịnh trong thời quá khứ. Cái nền tảng Phật Giáo Trung Quốc cả hai nghìn năm rồi, nó như một cây cổ thụ vậy cho nên khó đào tận gốc lắm. Thế nên họ mới chỉ chặt qua được những cành, những lá trên thân cây mà thôi, chứ cái gốc của nó vẫn còn. Cho nên họ tưởng là mấy chục năm trước đây họ tiêu diệt được rồi, nhưng cuối cùng không tiêu diệt được.

Bây giờ chưa tiêu diệt được thì họ lợi dụng. Cái gì mà chưa tiêu diệt đựoc thì họ lợi dụng đấy. Đến giai đoạn nào mà tôn giáo có lợi cho họ, ở thời điểm nào đó mà có lợi cho họ thì họ lại lợi dụng. Do đó cho nên bây giờ, sau 57 năm mà họ chưa tiêu diệt đựơc thì bây giờ họ cần lợi dụng tôn giáo để, trứơc hết là để đánh lừa các cường quốc Tây Phương - các cường quốc kinh tế đó. Các tổ chức nhân quyền Tây Phương bây giờ họ quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc nói chung, và ở Việt Nam nữa, nên thỉnh thoảng họ có nhắc đến vấn đề yêu cầu phải tôn trọng nhân quyền.

Do đó người Trung Quốc lúc này thấy phải lợi dụng Phật Giáo để mà làm sao thu hút được những cường quốc kinh tế Tây Phương vào làm ăn, phát triển kinh tế. Rồi khi nào họ đủ mạnh được rồi và không cần nữa thì bấy giờ họ sẽ tiêu diệt sau. Đó là đường đi nước bước của chế độ cộng sản ở trên thế giới chứ không phải là họ có thiện chí muốn làm bạn với các tôn giáo đâu.

Tôn giáo là một trong những kẻ thù của họ, trong đó có "trí phú địa hào" mà họ chủ trương "đào tận gốc trốc tận rễ". Đấy là chủ trương của cộng sản, mà ở Việt Nam cũng vậy. Do đó cho nên bây giờ đừng có thấy họ đề cao tôn giáo, họp bàn về tôn giáo mà tưởng là họ trở về với tôn giáo, họ tôn trọng tôn giáo, không có chuyện đó đâu.

Ỷ Lan: Kính xin Hoà Thượng cho thính giả được biết ý kiến về một hiện tượng tương tự là sắp tới đây vào tháng 5 năm nay nhà cầm quyền Việt Nam sẽ tổ chức Đại Lễ Phật Đản Tam Hợp Quốc Tế tại Hà Nội. Phải chăng nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu thay đổi chính sách đối với Phật Giáo, từ đàn áp chuyển qua thân thiện không.

Hoà Thượng Thích Quảng Độ: Thì cũng tương tự như câu tôi vừa trả lời đó, chị. Họ cũng lợi dụng thôi. Ở Việt Nam, từ năm 1954 họ chiếm được Miền Bắc, mấy năm đầu đi song song với cuộc cải cách ruộng đất, rồi đàn áp văn nghệ sĩ, rồi trong cái chưong trình "xét lại chống đảng", trong thời gian đó họ cũng ra sức tiêu diệt Phật Giáo.

Bằng chứng là họ phá tất cả các ngôi chùa cổ như chùa Quỳnh Lâm, chùa Hương, Yên Tử thì họ không trực tiếp phá nhưng mà họ nhờ máy bay Pháp phá, tức là họ đưa qưân đội đến đóng ở đó, ccong an đến đóng ở đó treo cờ đỏ sao vàng, rồi máy bay thám thính Pháp đến thấy có quân đội cộng sản ở đó là họ bỏ bom chỗ đó. Thành ra họ nhờ tay Pháp phá để họ lợi dụng mà lên án Pháp phá chùa. Người dân Miền Bắc lúc đó thấy Pháp phá chùa, đụng đến Phật nên họ căm thù Pháp ghê lắm. Họ kích động căm thù đến cực độ để ra sức đánh Pháp.

Thế đó là một cái lợi, cái lợi thứ hai trước khi hoà bình lập lại thì họ không phải phá ngôi chùa đó nữa. Tức là những ngôi chùa danh tiếng lịch sử mà nếu họ trực tiếp phá thì họ mang tiếng rất nhiều, do đó họ muợn tay Pháp phá đến khi hoà bình lập lại thì họ không mang tiếng.

Điển hình như ngôi chùa Một Cột ở Hà Nội, không to lớn gì nhưng mà rất có danh tiếng là ngôi chùa lịch sử làm từ đời vua Lý Thánh Tông, cho nên người ta quý trọng ngôi chùa đó. Rồi họ tìm cách phá, nhưng phá không đựoc. Rồi họ mới mượn người Pháp. Trước khi người Pháp rút thì họ lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng mà họ bỏ mìn phá ngôi chùa đó, họ đổ cho là trước khi rút Pháp phá ngôi Chùa Một Cột.

Như vậy đó là chính sách của họ mà thôi. Chẳng hạn như trước mắt đây này, trường hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất suốt 30 năm nay mà họ cứ đàn áp liên tục cho đến bây giờ, không nới tay, không giảm bớt. Một mắt đàn áp như thế nhưng một mặt họ tổ chức Phật Đản. Có nước cộng sản nào đi tổ chức Phật Đản đâu. Họ trắng trợn như thế, ai cũng biết họ lợi dụng một cách trắng trợn nhưng họ cứ làm vì có lợi cho họ.

Thực sự một mặt họ làm lễ Phật Đản một mặt khác họ vẫn đàn áp, nhưng mà theo họ thì họ không đàn áp. Theo họ là bạn, hay tạm gọi là thân thiện. Không theo họ là thù. Bây giờ cái Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do họ lập ra làm cái công cụ phục vụ cho quyền lợi của cộng sản, thì bây giờ họ lợi dụng một cách tối đa để đánh bóng họ nhân dịp kỳ Phật Đản này, để tô son trát phấn cho cái giáo hội nhà nước đó, chứ họ không thân thiện gì mà họ làm như thế cũng vì quyền lợi của họ.

Cũng vì còn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nên họ còn để giáo hội nhà nước chứ nếu bây giờ mà cộng sản mà họ chiếm toàn quyền và dẹp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nữa, tiến đến giai đoạn chủ nghĩa xã hội thực sự thì họ cũng dẹp luôn cái giáo hội Phật Giáo nhà nước. Cho nên tất cả đối với cộng sản là giai đoạn hết, giai đoạn này thì họ phải thế này, giai đoạn khác họ phải thế khác, chứ đừng có tin rằng họ đưa ra vài cử chỉ mềm dẻo mà nghĩ là họ thân thiện với mình đâu, họ tha cho mình đâu. Không có chuyện đó đâu.

Ỷ Lan: Xin cảm ơn Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ.

 (Ỷ Lan, phóng viên Đài Á Châu Tự Do tại Paris.)

 19-03-2008






“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chúng tôi bàng hoàng xúc động trước sự đàn áp bằng vũ lực cuộc biểu tình bất bạo động của chư Tăng và nhân dân Tây Tạng. Đạo Phật mang nguyên lý hoà bình và bất bạo động. Ấy thế mà những cuộc phản kháng ôn hoà của quần chúng Phật tử Á châu - từ Tây Tạng, Miến Điện đến Việt Nam - đã bị đàn áp tàn nhẫn gây đổ máu. Chính quyền Trung quốc bảo rằng đàn áp nhằm mang lại “trật tự và ổn định”. Nhưng người Phật tử ý thức rằng bạo động không thể dẹp tan bạo động, vũ lực tàn bạo không mang lại hoà bình. 

“Người Phật tử Tây Tạng đấu tranh nhằm ngăn chặn sự tiêu diệt văn hoá và tín ngưỡng, đang phản chống sự bất công của một chính sách cai trị độc đảng. Chỉ có đối thoại, chứ không là tàn phá, mới mở đường tiến tới giải pháp tối hậu cho Tây Tạng. Theo quan điểm của tôi, Trung quốc phải tức khắc chấm dứt mọi hình thức bạo động và mở ngay cuộc đối thoại với Ngài, là người lãnh đạo tâm linh và quốc gia của nhân dân Tây Tạng. Để hỗ trợ cho cuộc thương thảo này, Liên Hiệp Quốc, các chính phủ và quốc hội trong thế giới cũng như cộng đồng quốc tế cần tạo áp lực để nhà cầm quyền Trung quốc chấm dứt cuộc đàn áp vũ lực hầu đáp ứng những đòi hỏi cụ thể của nhân dân Tây Tạng.

“Tại Á châu ngày nay, các chế độ độc đoán đàn áp Phật giáo, vì các chế độ này rất sợ lực lượng hoà bình và tự do của người Phật tử. Dù vậy các chế độ ấy vẫn không ngừng lợi dụng Phật giáo để tuyên truyền cho họ, nhằm chế ngự tiềm lực Phật giáo đồng thời bành trướng chế độ của họ. Tháng 4 năm 2006, lần đầu tiên sau 57 năm xích hoá Trung quốc, Bắc Kinh tổ chức Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ nhất với sự tham dự khoảng 30 quốc gia trong thế giới. Năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ tổ chức từ 12 đến 17.5.2008 tại Việt Nam Đại lễ Phật Đản Tam hợp, dự trù mời 4000 khách ngoại quốc đến tham dự. Các nhà lãnh đạo Hà Nội tôn vinh Đức Phật nhưng lại đàn áp tàn nhẫn các Trưởng tử của Đức Phật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị ngăn cấm hoạt động, thành viên và quần chúng Phật tử của Giáo hội bị sách nhiễu và bắt giam. Khôi hài xiết bao khi chỉ có những người Cộng sản và khách ngoại quốc là có quyền tham dự Khánh Đản đức Phật, trong khi đó người Phật tử vắng bóng trên diễn đài ?

 

“Nhân danh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi cầu siêu cho tất cả những người chết vì tự do trong các cuộc biểu tình vừa qua và cầu an cho tất cả chư Tăng mất tích. Tôi hỗ trợ toàn tâm cuộc đấu tranh dũng cảm cho sự sống còn của nhân dân Tây Tạng, và chia sẻ mọi ngưỡng vọng của Ngài để mang lại quyền sống và quyền tự do. Ngày hôm nay đây, mọi người Phật tử Việt Nam đều là người Tây Tạng. Người Phật tử Việt Nam đứng bên cạnh Ngài trong cuộc đấu tranh bất bạo động để thực hiện quyền tự do tôn giáo và quyền làm người. Bởi vì thiếu nhân quyền, con người không thể nào tồn tại trọn vẹn trong tự do.

 
“Đức Tăng thống Thích Huyền Quang và tôi cũng như hàng giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không bao giờ quên những thông điệp, kiến nghị mà Ngài đã cất lên từ đầu thập niên 1990 đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Trong những ngày đen tối nơi tù ngục ấy, chúng tôi khó biết đầy đủ những nỗ lực của Ngài. Chỉ từ khi tôi được ân xá vào năm 1998, tôi mới được người phát ngôn của Giáo hội chúng tôi, là đạo hữu Võ Văn Ái, cho biết sự can thiệp quan trọng đầy lòng từ bi của Ngài. Tôi không bao giờ quên mối liên đới thâm tình của Ngài đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngài luôn hiện hữu trong tâm tư cầu nguyện của tôi, và tôi hy vọng thiết tha Ngài sẽ thành công dẫn dắc nhân dân Tây Tạng qua khỏi cơn nguy biến khó khăn hôm nay”.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn