BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73183)
(Xem: 62205)
(Xem: 39379)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (122 – 125)

02 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1240)
Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (122 – 125)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

PHẦN SÁU


CUỐI THU ĐƯỜNG ĐỜI


122 

Khoa thi đỗ trung học phổ thông bên Nam Định, hạng Bình. Nó về thị xã lĩnh phần thưởng của Tòa tỉnh trưởng, nghỉ vài hôm rồi lên Hà Nội học ngay. Sang năm, Khoa thi tú tài 1. Phần thưởng của Khoa toàn sách giáo khoa tiếng Pháp và những quyển tự điển Pháp-Việt, Anh-Pháp. Đẹp nhất là Petit Larousse illustré 1951. Khoa đem hết tự điển biếu Luyến, đền ơn Luyến kèm dạy. 

Khi đã tìm được nhà trọ và trường học ưng ý, Khoa mới viết thư cho Luyến… Anh Luyến ơi, em thỏa mãn lắm rồi. Kiều Liên của Trần Khoa vẫn như ngày xưa, vẫn yêu em say đắm. Nàng trách móc em đã vào thị xã gần hai năm, hôm na, mới về cửa Ô xưa. Em phải nói em đâu có đi kháng chiến, em theo giặc thì về năm cửa Ô sao được. Em sắp đến ở nhà Liên. Bố mẹ nàng muốn thế. Ở nhà Liên, em có thể kèm Liên học với các em nàng. Năm nay, Liên học đệ tứ Trưng Vương. Em học nhẩy nên không được học Chu Văn An. Anh Luyến ạ, đời sống gia đình ấm cúng lắm. Em sẽ ở bên Liên suốt đời. Em chán Thái Bình rồi, chỉ giành nhau thù hận. Họ cứ việc thù hận nhau. Em ngoảnh mặt lên Hà Nội tìm yêu thương. Mặc kệ cuộc đời, em không mơ chiến đấu nữa… 

- Nghĩ gì đấy, nhà văn Luyến? Ngọc hỏi. 

- Thằng Khoa. Luyến đáp. 

- Khoa dễ mến lắm. 

- Nó khác với Vũ nhiều. Nó hơi giống anh, không nói tới thời đại, có vẻ theo thời đại. Nó mơ ước đơn giản như Vũ, suốt đời sống bên người mình yêu. Không biết Vũ có bỏ Thái Bình không, chứ Khoa coi như đã giã biệt Thái Bình. 

- Khoa viết thư cho anh, hả? 

- Đọc thư nó hay ghê! 

- Đã gặp Liên chưa? 

- Rồi. 

- Như ngày xưa còn bé, chứ? 

- Như. Khoa thật hạnh phúc. Nếu Trời bắt tội nó, cho Liên lấy chồng khác, không nhớ gì tới ngày xưa, Khoa sẽ thay đổi hẳn. Cái hận thù của Côn khác cái hận thù của Khoa, song đều là hận thù. Anh không ngờ nó yêu Liên âm thầm vậy. Âm thầm càng lâu, nổ tung càng dữ dội. May thay, Khoa có hạnh phúc thực sự. 

- Còn anh, có hạnh phúc không? 

- Anh hả? Tất cả con gái trên đời này đều tránh xa thằng cụt chân. Chỉ một người dám yêu anh. Là… 

Ngọc hôn Luyến một cái hôn thật dài. Về sau, nếu cuốn sách tiểu thuyết lịch sử Cầu Bo trầm lặng của Lê Huy Luyến nổi danh, phải nói có sự khích lệ của Vũ Cẩm Ngọc. Ngọc yêu Luyến, đòi lấy Luyến bằng được, đã là chuyện lạ. Lại bảo Luyến làm việc bằng trí óc, đừng nghĩ tới chân tay què cụt. Càng lạ hơn. Ngọc đúng là người đàn bà miền Bắc, thời xưa. 

- Mấy giờ, đám rước Hội Đền Mẫu khởi sự, hả anh? 

- 10 giờ. 

- Thế mà anh gọi em sang sớm quá. 

- Để em chuẩn bị. Một là, chúng ta đứng cửa, ngắm đám rước đi qua. Hai là, chúng ta lội ngược đám rước. 

- Cả hai thứ: Ngắm và lội! 

Hôm nay, Hội Đền Mẫu thường niên vào rằm tháng 5 âm lịch, nhằm ngày 7-6 tây lịch. Hội Đền Mẫu long trọng nhất Thái Bình, không những chỉ riêng thị xã, mà toàn tỉnh. Phủ huyện trong tỉnh đều có đền Mẫu. Người ta không gọi đền Mẹ, cứ đền Mẫu. Chính ra, đền thờ Đức Mẹ mới đúng. 

Có một bà khi sống thì ban phát công đức, lợi lộc cho muôn nơi, khi chết thì linh thiêng ngút ngàn nên dân chúng Thái Bình lập đền thờ bà, coi bà như Mẹ. Bà là người Việt Nam, không phải Trung hoa hay Ấn độ. Đền Mẫu – đền Mẹ – sơ khởi, là nơi cúng lễ nghiêm trang. Riết rồi nó biến thành chỗ đồng bóng, xin xâm… Như đền Đúc thánh Trần Hưng Đạo. Hồi Pháp đô hộ, hễ ngày Hội Đềm Mẫu tới, dân chúng mười hai phủ huyện có bổn phận đóng góp công sức và tiền tài, làm sao cho ngày hội ở thị xã thật lộng lẫy, huy hoàng. Mỗi phủ huyện mang người xuống tỉnh tuần lễ trước để lo kiệu thánh Mẫu và tổ chức ngày hội. 

Ngày Hội Đềm Mẫu, thị xã nhộn nhịp hẳn lên. Dân chúng mười hai phủ huyện nô nức kéo nhau về tỉnh, phố xá chất ních những người và người. Một năm mới có một lần đức Mẹ vào hạ. Từ ngày tiêu thổ kháng chiến, dân chúng nhớ ngày Mẹ gọi, cách mạng không cho vào, mẹ buồn lắm. Hai ông hộ pháp đứng canh trước đền, đã bị bọn thằng Vũ vặt trụi râu ria, lại bị cách mạng quên lãng đèn hương, hai ông gần chết đói. May mắn, dân thị xã hồi cư sớm, đền Mẫu đã có hương đèn. Và, hai ông hộ pháp được cúng hoa trái. Hai ông chỉ còn một nỗi buồn. Là canh gác đức Mẹ, canh gác cả phòng thông tin cho Bảo Hoàng! Năm kia và năm ngoái, tình hình chưa an ninh, người trong tỉnh về thị xã ít. Năm nay, nhờ có hai cuộc hành quân Trái Chanh và Trái Quít, tình thế ổn định rồi, những người Quỳnh Côi, Phụ Dực cũng về tỉnh dự Hội Đền Mẫu. Bộ tối cao chỉ huy quân đội Pháp cứ nhìn Hội Đền Mẫu, ra thông cáo chính xác về tin chiến sự Thái Bình. 

- Trống đánh rồi đấy, anh ạ! 

- Ừ. Lâu lắm mới nghe trống hội. 

- Ta đứng cửa xem, nhé! Hội khởi hành ở trung tâm phố chính, tiến lên ngã tư Vũ Tiên-Thị Xã, trở ngược lại, qua Trưng Trắc, đến bệnh viện, ra cầu Bo, về đền Mẫu. Chúng ta coi hết, rồi đi tới đền. Mẹ anh, mẹ em, mẹ Khoa và mẹ anh Long bê cầu vồng đấy. Bác cả Hồng lo sắp xếp trong đền. 

- Chờ lên đồng chứ gì? 

- Sao anh biết rõ thế? 

- Dạo học lớp nhì 1, bọn anh đã cớp hết tiền lộc thánh của bác ấy. 

Ngọc nhéo Luyến một cái. Đau điếng. Tiếng trống ngày hội đến gần. Luyến hớn hở như một trẻ thơ mừng hội lớn. 

Đi đầu, một chiếc trống thật lớn. Hai người khiêng và một người biểu diễn tài đánh trống. Họ mặc quần áo lính thú ngày xưa, ngang lưng thắt bao vàng. Người nào cũng đội nón sơn đẹp và vẽ dấu quân. Khi người biểu diễn múa hai cái dùi trống, bao nhiêu khán giả đứng hai bên đường đã tấm tắc khen tài. Mấy ông sĩ quan Pháp chụp hình liên miên. Người biểu diễn múa dùi, cơ hồ người làm xiếc ném những cây gỗ ngắn lên không trung rối bắt nó, chẳng rơi xuống đất bao giờ. Người làm xiếc phải tập luôn cho quen tay. Người biểu diễn không hề tập. Anh ta trình diễn đâu lấy tiền. Nông thôn làm gì có thì giờ tập. Múa dùi chừng một phút, anh ta lượn trên mặt trống. Tiếng trống nghe hùng tráng, sôi nổi như thúc giục quân binh tiến lên chiến trận. Tiếng trống đổi điệu. Bây giờ, nó dồn dập, say sưa như tiếng đao gươm rút ra chém giết. Một lúc, tiếng trống trở nên êm đềm, lắng dịu như đã chiến thắng trở về khải hoàn môn. Danh tài Hội Đền Mẫu chỉ có vậy thôi. 

- Em biết trống trận đời nào không? 

- Không. Anh hỏi em, sao em biết? 

- Anh đoán thôi nhé! 

- Đoán đi. 

- Trần Lãm, người Thái Bình, sứ quân giỏi nhất. Đây là trống trận Kỳ Bố, nơi đóng quân của Trần Lãm. Không có trống trận Kỳ Bố, Đinh Bộ Lĩnh dẹp sao nổi 11 sứ quân? 

- Thôi mà, xem đi anh. 

Đi sau cái trống trận, hai hàng dài hai bên đưòng, các cô gái đồng trinh tuổi từ 16 đến 18. Toàn các cô thị xã, cô nào cô ấy đẹp như thơ và thơm mùi chanh cốm. Các cô mặc đồng phục áo dài xanh da trời, quần trắng. Các cô đi dép mầu trắng. Mỗi cô bê một bó hoa huệ. Các cô cười tươi như hoa. Hội Đền Mẫu bầy ra chỗ cho các cô đi rước chỉ để các bà mẹ, các ông cha xem mặt cho con trai mình, cô nào sẽ làm con dâu ông bà. Cũng là dịp các cậu tốn tiền mua phim và mua ảnh các cô. 

- Sao lại chọn rặt con gái đồng trinh? 

- Chắc đức thánh Mẫu còn trinh tiết. 

- Nhỡ cô gái 18 đồng trinh mất trinh rồi thì sao? 

- Bậy! 

Theo sau những cô gái đồng trinh, là giàn trống ngũ lôi của các đồng tử. Mấy chú bé này trông dễ thương lắm. Tuổi từ 13 đến 15. Các chú mặc quần áo xanh, vàng, đỏ bó chẽn vào người. Cái quần lại ngắn tới đầu gối. Các chú đội nón nhỏ, từa tựa nón lính thú đời xưa. Những chiếc bao tím đánh đai lấy lưng các chú. Điều hơi lạ, các chú đi đất. Bốn chú đánh rống nhỏ. Một chú đánh trống lớn. Ngũ lôi mà. Chiếc trống lớn phải hai người khiêng. Hai người này không thuộc giàn trống. Trống nhỏ đánh lên từng câu ngắn. Trống lớn giữ nhịp, ở cuối câu, một tiếng thôi. Các chú chơi trống nhỏ chạy chậm tròn vòng quanh mình biểu diễn trống. Chỗ này thích thú và nghệ thuật vô cùng. Nó quyến rũ khán giả. Sĩ quan Pháp tốn nhiều cuộn phim. Người ta yêu mến giàn trống ngũ lôi, vì giàn trống chỉ có năm đồng tử chơi bay bướm. Lúc các chú đánh dùi vào thân trống để đợi nhịp dẫn đi xa mới ngoạn mục. Những tiếng lắc cắc hòa với tiếng thùng thùng sao mà tuyệt diệu thế! 

- Trống đồng của Khoa chỉ sôi nổi một thuở thôi. Trống ngũ lôi mới sôi nổi muôn thuở. Người ta đã quên dân tộc rồi. Bây giờ, quê hương nhớ dân tộc, Thái Bình tự ý sống với phong tục tập quán rất xưa của dân tộc Việt Nam. Chẳng phải Bảo Hoàng hối thúc. Người Pháp thì kính trọng Hội Đền Mẫu tuyệt đối. Em xem xe căm nhông và xe jeep của lính Pháp không dám chạy trên đường phố chính, hôm nay. 

- Nhà văn hơi cảm xúc rồi đó. A, này anh xem, các bà mẹ đi bưng cầu vồng… 

Kế tiếp giàn trống ngũ lôi, các bà mẹ Thái Bình bưng cầu vồng. Ở hậu phương kháng chiến, các bà đã là mẹ bộ đội. Một khúc lụa dài vẽ hình chiếc cầu vồng, mầu sắc đã nhìn thấy trên trời sau những cơn mưa vừa tạnh. Các bà đi hàng đôi, tay phải và tay trái nắm lấy cầu vồng. Người ta muốn lên Trời – Thiên đàng của Ky tô giáo, Niết bàn của Phật giáo – cuộc sống dưới Đất phải lương thiện, không được gian dối, ác đức… Nêú người ta thích sống bất lương, man trá, độc ác… người ta sẽ về cõi Chết, đau đớn vô cùng. Phải leo cầu vồng dưới cõi Chết – Địa ngục của Ky tô giáo, Âm ty của Phật giáo – Dưới gầm cầu bao nhiêu ác quỷ, chó ngao chờ mình rơi xuống, xé xác mình! Bưng cầu vồng ở Hội Đền Mẫu mang ý nghĩa thế. Các bà mẹ Thái Bình vừa đi vừa cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho chiến tranh sớm chấm dứt, để những đứa con về cùng mẹ. 

- Mẹ em kia kìa… 

- Mẹ anh đâu? 

- Kia kìa, đó đó… 

- Ừ nhỉ, mẹ Khoa nữa, mẹ Long nữa… Các bà vui ra phết! 

Đến những chàng đi khoeo sau lưng các bà mẹ. Đây là dân miền biển. Họ ăn mặc chững chạc, chứ không cởi trần đánh chiếc quần đùi. Khoeo của họ làm bằng khúc cây tre già, cao hơn họ. Quá nửa khúc cây, họ lấy hai miếng gỗ gọt đẽo vừa chân họ, gắn vào khúc cây. Trên ngọn khúc cây, họ máng hai sợi dây cột chân họ. Cái khoeo thật đơn giản. Leo lên nó mà đi là cả một công trình. Với dân biển, đi khoeo, với cây đèn bão, họ đứng chờ cá thấy ánh sáng chiếu xuống nước đến tìm mổi ăn, họ lấy vợt bắt từng con dễ dàng quá. Về thị xã, họ để hai cây khoeo một chỗ, giữ cho khoeo đứng thẳng, họ cho chêm cao lên. Và buộc dây họ đi khoeo, còn nhanh hơn người ta đi giầy. Trên đường phố, họ vui vẻ đùa giỡn nhau, làm cho Hội Đền Mẫu tươi lên. 

- Anh không thích đi khoeo. 

- Không hấp dẫn à? 

- Đi khoeo một chân mới hấp dẫn! 

- Luyến nghịch ngợm có khác 

Các bà vừa lấy chồng theo chân những chàng đi khoeo. Các bà cũng mặc đồng phục quần đen, áo dài mầu gụ, đi guốc. Mỗi bà cầm một giỏ đủ các sắc hoa ngâu, hoa mẫu đơn, hoa ngọc lan… Các bà nổi lắm. Nhất là một con. Gái một con trông mòn con mắt. Khán giả đã cổ võ các bà nhiệt liệt. 

- Giá em đi với các bà này, nhỉ? 

- Anh sẽ ghen. 

- Không, anh sẽ… đả đảo em! 

Bây giờ mới đến đoạn rùng rợn. Bốn tay xuyên lình đi bốn hướng. Họ mặc bốn mầu áo: xanh, đỏ, tím, hồng. Ông nào mặc áo dài xanh, khăn xanh và thắt lưng xanh luôn. Ông áo đỏ cũng vậy… Quần của bốn ông mầu trắng. Họ mang dép Gia Định. Họ đúng là dân đồng bóng. ỏn ẻn và nũng nịu khiếp đời! Mỗi ông cầm hai cây lình bằng thép, tròn như ngón tay trỏ và sắc như nước. Cán lình là chỗ các ông cầm trên tay, tựa cán dao. 

Ông xanh nhẩy múa một lát, nhìn khán giả, cười tủm. Rồi ông vung lình bên trái, xuyên lình má trái sang má phải. Không một giọt máu chầy ra. Ông lại vung lình bên phải, xuyên lình má phải sang má trái. Vẫn không giọt máu nào chẩy ra. Người ta đứng tim xem ông xanh biểu diễn xuyên lình. Sĩ quan Pháp vừa chụp hình vừa kinh ngạc. Ông xanh bịp chăng? Ông đỏ trả lời ngay. Ông xuyên lình má phải sang má trái. Để lình đứng im. Ông chạy ra chỗ sĩ quan Pháp bảo họ rút cái lình ra, bằng tiếng Tây chỉ trỏ. Người Pháp đã chứng kiến tận mắt. Ông đỏ gật đầu cám ơn. Ông vung lình tay trái, xuyên lình má mình. Ông tím, ông hồng… Các ông đua nhau xuyên lình, ròng rã hai ba tiếng đồng hồ. Không có máu chẩy. 

- Y học chịu thua xuyên lình. 

- Họ sẽ nghiên cứu, chứ anh? 

- Từ lâu lắm rồi, khoa học đã chịu thua. Xuyên lình đặt ra vấn đề huyền bí. Mà huyền bí không tài nào nghiên cứu nổi. 

- Giàn nhạc tới rồi… 

Những ông nhạc sĩ sử dụng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn chầu văn, nhị, trống cơm. Họ mặc áo the thâm, quần trắng. Nón đội trên đầu. Họ vừa đi vừa tấu cổ nhạc Việt Nam. Thỉnh thoảng, họ hòa tấu bình bán, lưu thủy… Tay nhị có dịp biểu diễn đơn độc với trống cơm. Trống cơm đi với kèn đám ma thì bất hủ. Giàn nhạc dân tộc, ngoài đình đám hội hè, còn chơi ở gánh hát chèo, ở hát ả đào, ở lên đồng… Thiếu đàn bầu, hôm nay. Đàn bầu, thứ đàn lãng mạn nhất loài người. Chì có một dây thôi. Mà nó làm rạo rực tâm hồn ta. Ca dao phải viết về nó: Đàn bầu khéo gẩy thì nghe, Làm thân con gái chớ mê đàm bầu. Nhạc chơi ở Hội Đền Mẫu chỉ có tính cách trình diễn tượng trưng. Không thể tìm chất nghệ sĩ chốn này. 

Sau giàn nhạc, bốn bà đồng bóng diện đồ Thượng Hải, sắm vai bốn ông hoàng tử đi hộ tống đức thánh Mẫu. Bà nào bà nấy đeo kiếm bên người oai phong, lẫm liệt. Một tay đỡ vỏ kiếm, một tay sửa soạn rút kiếm ra. 

Rồi đến kiệu rước thánh Mẫu. Uy nghi và kính trọng. Kiệu to, cao, rộng, dài, trên đó không có tượng thánh Mẫu. Thánh Mẫu bàng bạc, mơ hồ trong lòng ta. Ngài chỉ là những dòng chữ tạ ơn tự mấy ngàn năm sau của những người thọ ơn. Trên kiệu có những dòng chữ đó, viết bằng chữ Hán. Bốn mươi người khiêng kiệu đức thánh Mẫu. Hai mươi chiếc đòn, mỗi bên mười chiếc và hai mươi người, trong và ngoài, tay trái và tay phải, khiêng kiệu rước thánh Mẫu thăm thú thị xã tiêu thổ kháng chiến. Bốn mươi người mặc áo dài mầu xanh nhạt, quần trắng, đầu đội khăn đen, lưng quấn bao đỏ, đi chân đất. Họ cung kính thánh Mẫu, cho rằng khó lòng mới được khiêng kiệu thánh Mẫu. 

- Nghe lính đánh trống trận, anh nghĩ đức thánh Mẫu là con cháu Trần Lãm. 

- Cứ nghĩ Mẹ là người Việt Nam đã đủ hãnh diện rồi. 

Theo sau kiệu, hàng dài dài những người mưòi hai phủ huyện. Có điều đáng chú ý. Hội Đền Mẫu không ai cầu kinh, không ai lần tràng hạt. Dân tộc hoàn toàn. Kiệu lễ qua nhà Luyến mất hai tiếng đồng hồ. Bây giờ, 12 giờ trưa. Luyến bảo Ngọc: 

- Buổi chiều hãy lượn, em nhé! 

Ngọc nói: 

- Có lẽ chỉ tới đền Mẫu thôi. Em chắc anh đã biết thừa. Toà tỉnh trưởng Bảo Hoàng tạm dẹp phòng thông tin vài ngày. Bên trong toàn đồng bóng, khói hương làm cay mắt, chịu không nổi đâu. Thôi lượn nhé, anh nhé! 

Luyến lại thở dài: 

- Có Côn dự lễ Hội Đền Mẫu năm nay, chắc chắn nó sẽ nguôi ngoai thù hận. 

Ngọc không nói gì, ôm lấy Luyến đi vào nhà… 

123 

Vũ nằm ở bệnh viện dã chiến của quân đội Pháp đã hai tuần. Hôm đầu tiên về đây, Vũ mê man chẳng biết gì. Những viên đạn bắn vào ngực, vào bụng, vào tay Vũ ra nhiều máu quá và Vũ thiếp đi giữa trận chiến. Hôm nay tỉnh táo, Vũ mới hiểu mình còn sống. 

Lính Pháp không nương tay, khi mình còn là ciến sĩ cách mạng đương đầu họ. Khi mình bị thương nằm xuống, lính Pháp lại tận tâm lo chữa cho mình. Y sĩ quân đội Pháp, mỗi ngày bốn lần, thăm bệnh của Vũ diễn tiến đến đâu rồi. Những vết thương ở ngực, ở bụng còn băng kỹ. Vết thương tay trái, người ta phải băng bột, dùng sợi dây vải, đeo cổ nâng lên. 

- Anh nói tiếng Pháp khá đấy. 

Người y sĩ nói. 

- Thưa bác sĩ, tàm tạm thôi. 

Vũ thành thật trả lời. 

- Anh may mắn lắm. Tôi đã gắp hai viên đạn ra. Một viên nằm cách phổi một xăng ti mét, viên kia cách tim hai xăng ti mét. Những viên khác chỉ gây thương tích xoàng. Tay trái anh gẫy đốt xương nhỏ, tôi đã băng bột, chỉ sử dụng được 50 phần 100. Mười lăm hôm nữa anh về. 

Người y sĩ nhìn Vũ, cười tự nhiên. 

- Cám ơn bác sĩ, tôi nhớ ơn bác sĩ suốt đời. 

Vũ nói. 

- Không phải cám ơn, bổn phân của tôi mà. Nhờ chính anh, anh thoát chết, chẳng phải nhờ tôi đâu. Anh có biết cái gì không? 

Người y sĩ hỏi. 

- Không, thưa bác sĩ. 

Vũ đáp. 

- Nhờ anh nói tiếng Pháp. Tiếng nước Pháp đã cứu anh! 

Vũ nhớ lại, trong trận đánh ở Thụy Anh, Vũ trúng đạn nhiều quá, nó liều lĩnh kêu lớn: Sauvez-moi, sauvez-moi, s’il vous plait! Người y tá Pháp chạy khỏi lằn đạn tới chỗ Vũ. Ông ta nâng Vũ ngồi dậy. Vũ thiếp đi, từ lúc ấy. 

- Người ta vào máu cho anh, chở anh lên trực thăng về bệnh viện. 

Ngừi y sĩ vui vẻ. 

- Trước 1950, ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, tôi gặp bất cứ thương binh nào của Việt Minh, họ cũng đều nói tiếng Pháp giỏi cả. Sau 1950, họ không biết nói tiếng Pháp. Tại sao thế? Họ bị cấm nói tiếng Pháp, hả? 

Vũ mỉm cười: 

- Không ai cấm họ nói tiếng Pháp cả. Ngày trước bộ đội Việt Minh toàn những người trí thức thành phố, bây giờ, bộ đội là lính nông dân, họ chỉ biết đánh người Pháp, chứ không biết nước Pháp. 

Người y sĩ ngạc nhiên: 

- Anh là lính nông dân à? 

Vũ lắc đầu: 

- Tôi không phải nông dân, không phải trí thúc. Mà là học sinh thị xã, lớn lên tôi vào bộ đội. 

- Thị xã nào? 

- Thái Bình. 

- Anh ở thị xã này? 

- Vâng. 

- Anh học lớp mấy, trường nào? 

- Lớp nhất, trường Monguillot, nổi tiếng nghịch ngợm. Năm 1945, nước tôi độc lập, tôi học trung học gần hai niên. Thị xã Thái Bình bị tiêu thổ kháng chiến, vì người Pháp đe dọa chiếm đóng. Tôi thôi học, trốn nhà đi làm liên lạc viên quân đội, chờ đến tuổi vào bộ đội chiến đấu với Pháp. 

- Không phải nhiệm vụ của tôi, tôi thấy anh kỳ lạ và độc đáo, tôi có sung sướng được hỏi anh vài câu không? 

- Thưa bác sĩ xin bác sĩ cứ hỏi. 

- Thái Bình đã yên, sao anh không về? 

- Đã yên đâu? Chúng tôi vẫn đánh Pháp khắp nơi. Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thụy Anh, Duyên Hà là nơi xẩy ra những trận đánh lớn, bác sĩ đã biết. Nhiều huyện lỵ Pháp chiếm đóng, tình hình có vẻ yên lặng. Yên lặng để nổi sóng gió, thưa bác sĩ. Yên lặng không phải là dấu hiệu đầu hàng Pháp. 

- Thả anh về, anh nghĩ sao? 

- Tôi tìm đại đội của tôi tiếp tục đánh Pháp. 

- Để làm gì, sau đó? 

- Giải phóng Thái Bình như ước mơ của tôi. 

- Làm gì nữa? 

- Hưởng cuộc đời xưa. Giã từ vũ khí, tôi xây dựng lại căn nhà cũ của tôi, trồng hai hàng hồi thơm hăng hắc, và sống với những người thân yêu. 

- Chỉ có thế? 

- Vâng. Chỉ có thế. 

- Anh sẽ thành tựu ước mơ của anh, vì anh không phải chiến đấu chống Pháp nữa. 

- Sẽ thành tựu ước mơ? 

- Đúng lắm. Anh đã thành kẻ tàn phế trong chiến tranh. Pháp không sợ anh, Việt Minh không dùng anh. Anh yên thân trở về. Cá nhân tôi rất cảm phục anh. Anh càng có sức chiến đấy, tôi càng mừng. Những vết thương trên thân thể anh không cho phép tôi nói anh đã bình phục hoàn toàn. Chứng chỉ của anh khi xuất trại sẽ ghi rõ: Thương binh tàn phế 100 phần 100. 

- Tàn phế! 

- Đừng buồn. Can đảm lên. Anh nằm xuống. Anh tốt lắm. Tôi sẽ gặp lại anh. 

Người y sĩ đi khỏi, Vũ mới bần thần khôn tả. Cuộc đời chiến đấu của Vũ chấm dứt từ đây, ở bệnh viện dã chiến quân đội Pháp, nơi đã hết mình cứu sống Vũ. Nó đi chinh chiến năm năm, bây giờ, trở về với tấm thân tàn phế. Thái Bình chưa giải phóng, nó đã buồn bã hồi hương. Thái Bình sẽ được giải phóng, nó tủi hận quê hương không cần đến nó. Vũ đứng ở một góc phố, nhìn trộm người, lớp lớp đi qua trong niềm vui long trời lở đất của thị xã. Giá Vũ chết trận tại Thụy Anh, đã được vinh dự: Chết vì tổ quốc. Cái vinh dự đó, Vũ không hưởng trong cõi hư vô. Cha nó, dì nó và các em nó phải ngạo nghễ với đất trời. Một kẻ không thích sống hèn, đã sống hèn. Vũ là chàng thương binh Pháp bắt trong chiến trận sôi sục, cứu chữa những vết thương và ghi vào hồ sơ tù binh: Trần Vũ, tàn phế 100 phần 100. Kẻ thù hết sợ Vũ, cách mạng hết cần Vũ, có kiếp sống nào hèn mọn hơn? Từ sống hèn đến chết vinh, chẳng qua một câu Sauvez-moi, sauvez-moi. s’il vous plait. Lính nông dân chỉ biết chết vinh, không biết sống hèn. Vì không biết nói tiếng Pháp. 

Vũ hình tưởng ngày xưa, Vũ trốn nhà đi làm liên lạc viên cho đại đội 4, trung đoàn 44. Vũ sung sướng vô cùng. Nó trở nên hữu ích cho tổ quốc. Cha nó tìm kiếm khắp nơi, Vũ rõ chuyện, nhất định không về. Nó coi gia đình như chiếc lá bay. Đất nước mới là cây cổ thụ treo leo giữa trời. Nó thù thực dân Pháp tự ngày thực dân Pháp chiếm Nam Bộ. Rồi, thực dân Pháp tiến chiếm thủ đô Hà Nội và các thành phố, các tỉnh lỵ Bắc Bộ. 

Thái Bình bị đập phá hết nhà cửa, dinh thự. Nhìn thấy rõ quê hương mình tàn phá vì thực dân đe dọa sẽ xâm chiếm, Vũ căm thù thực dân Pháp còn thẫm nét hơn. Pháp đã sang Thái Bình, năm 1947. Rút ngay. Hồ chủ tịch quyết định Thái Bình là đồng không, nhà trống, sau đó. Vũ đã mong tuổi nó lên vội vàng. Để vào Nam tiêu diệt Pháp. Lại mong để vào bộ đội. 

Vũ đã vào bộ đội. Vẫn đại đội 4, trung đoàn 44, dưới sự dẫn dắt của các anh trí thức thành phố. Trung đoàn 44 luôn luôn chiến thắng. Ở Hưng Yên. Ở Hải Dương… Trung đoàn 44 chưa biết thua trận. Các anh lính trí thức thành phố đánh Pháp thật hiên ngang, thật rạng rỡ. Cuối năm 1949, trung đoàn 44 dưỡng quân tại làng Thư Điền, Tiền Hải. Đầu năm 1950, Pháp chiếm Thái Bình và Vệ quốc quân bị giải tán. Thay đổi cấp chỉ huy hàng loạt. Trung đoàn 44 biến tích. Các anh lính trí thức thành phố đáng yêu đi đâu hết. 

Bây giờ, Vũ là lính trong Quân đội nhân dân. Đảng lao động ra đời. Đảng sẽ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Vũ chẳng cần chi tới Đảng lao động, tới quân đội nhân dân, các văn nghệ sĩ học tập lớp chỉnh huấn, tới những bài hát suy tôn Liên xô, Trung hoa, tới giai cấp đấu tranh. Và, lính đánh Pháp, nông dân thay thế trí thức thành phố. Quân đội nào cũng được, lính nào cũng được, đảng nào lãnh đạo cũng được, miễn là làm cho Thái Bình mau mau giải phóng. 

Một hôm, chính ủy của đại đội 14 – chính trị viên của đại đội 4 cũ – gọi Vũ nói chuyện: 

- Đồng chí có hiểu tại sao bộ đội trí thức bỏ ra đi không? 

- Không. Tôi kh6ng cần hiểu. 

- Phải hiểu chứ, đồng chí! 

- Thưa đồng chí chính ủy, xin đồng chí giảng nghĩa cho. 

- Bộ đội trí thức thành phố là giai cấp tiểu tư sản, không thích hợp cho cuộc chiến đấu hôm nay và cho cuộc chiến đấu mai sau. Đảng đã gạt giai cấp tiểu tư sản ra ngoài cuộc kháng chiến chống Pháp. 

- Thưa đồng chí, đồng chí cũng là trí thức mà! 

- Tôi đã đầu hàng. 

- Đồng chí đầu hàng ai? 

- Giai cấp vô sản! 

- Tôi không chú ý tới giai cấp, vì giai cấp nào cũng đánh Pháp. Tôi hằng mong Pháp đại bại ở Thái Bình, tôi trả súng ống cho Đảng, về sống với gia đình, chẳng màng gì vào cuộc chiến đấu mai sau nữa. 

- Đồng chí có thể về với gia đình tự bây giờ. 

- Thưa đồng chí, tôi đi từ liên lạc viên đến bộ đội, ngót nghét năm năm, không cấp bậc và cũng không cần cấp bậc. Năm năm chịu đựng gian khổ, tôi vẫn trung kiên giữ lời thề: Giải phóng thị xã Thái Bình. Nếu tôi bị Đảng gạt ra ngoài thì đành chịu. Bằng không, đồng chí cứ để tôi chiến đấu với lính nông dân đến ngày thị xã Thái Bình được giải phóng. 

- Phải giữ đồng chí lại chứ. Đồng chí nên hiểu giai cấp của mình, chiến đấu càng đầy nghị lực. 

- Thưa đồng chí, tôi ở giai cấp nào? 

- Bố đồng chí là lái buôn hàng chuyến, chứ? 

- Vâng. 

- Thuộc thành phần trung thương, như trung nông ấy. 

- Vâng. 

- Đồng chí nằm trong giai cấp nông dân! Đó là giai cấp lính. 

- Tôi được chiến đấu? 

- Hãnh diện là khác. 

- Tôi chiến đấu ở Thái Bình? 

- Đồng ý. Chiến đấu tới ngày giải phóng thị xã. 

Từ đấy, Vũ chiến đấu tại tỉnh Thái Bình, các mặt trận bên kia sông Trà Lý. Vũ làm liểng xiểng Pháp ở Quỳnh Cội, Phụ Dực, Thụy Anh, Duyên Hà. Một năm đầu, Pháp đại bại. Lính nông dân mơ làm anh hùng Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu, Bế Văn Đàn… cứ nhẩy vào lửa, xông lên tiêu diệt địch quân. Pháp đã rùng mình kinh sợ. 

Hai cuộc hành quân Trái Chanh, Trái Quít làm giảm cường độ chiến đấu của ta. Bây giờ, thế trận thay đổi, Pháp không chạy nữa, quân ta chạy dài dài. Pháp bắt được quân ta, lại thả ra vì là nông dân. Ta là người nông dân, mặc áo lính, Pháp không hiểu câu hát này, và có hiểu thì, nông dân thời chiến tranh có mặc áo lính bao giờ. Lính nông dân đi chân đất, đánh Pháp, người nông phu đi chân đất, cầy ruộng. Lính nông dân mặc áo cánh rách rưới, quần đùi, khi chạy Pháp, gói súng đạn vào ny lông, ném xuống sông ngòi, Pháp thộp cổ, nhìn những khuôn mặt hiền lành như… nông dân, Pháp thả ngay. Lính nông dân có lợi như thế đó. Phần đông ta đỡ hao hụt quân số. 

Đến những cuộc hành quân đầy rẫy quy mô sau đó, cách mạng tan nát, kháng chiến rã bầy, bộ đội tán loạn. Tình hình ổn định, yên tĩnh khắp nơi, đấy là sự thắng lợi lớn của Pháp. Pháp chỉ tiễu trừ Việt Minh, không sát hại lương dân và thu lương dân về phía mình. 

Cách mạng cho dân biết vẫn còn cách mạng. Thỉnh thoảng vài trận lớn xẩy ra. Trận mà Vũ tham dự ở Thụy Anh là trận đánh lấy tiếng cho cách mạng. Cuộc đời đãi ngộ Vũ thật nhiều, một lần không đãi ngộ, một lần thôi, làm chếnh choáng tâm hồn Vũ. 

Vủ nằm xuống giường bệnh. Nước mắt nó ứa ra… 

124 

- Tôi đã tháo băng trên mình anh. Những vết thương thành sẹo cả rồi. Có tắm rửa, anh nhè nhẹ kỳ cọ nhé! Kẻo những vết thương bị xước máu, làm độc. 

- Thưa bác sĩ, vâng. 

- Tay trái anh, tôi đã ghi rõ ngày tháng gỡ băng bột vất đi. 

- Vâng. 

- Đừng vì ngứa ngáy mà sốt ruột, nhé! 

- Vâng. 

- Bên quân đội đã cấp giấy tha anh chưa? 

- Dạ, rồi ạ! 

- Khoản tiền di chuyển nữa? 

- Rồi. 

- Chứng nhận bệnh tình của, tôi anh cất kỹ. Để anh xin việc làm được dễ dãi. 

- Vâng. 

- Cần gì tôi, anh cứ đến đây. 

- Vâng. Tôi không quên ơn bác sĩ, suốt đời tôi nhớ bác sĩ. 

- Anh nên nhớ rằng, mỗi người có một số phận. Số phận nó tới lúc nào, mình không biết. Chúc anh can đảm. 

Người y sĩ đưa tay bắt chặt tay Vũ. Vũ chia tay người y sĩ ra về. 

Nó mặc bộ quần áo bệnh nhân, tay trái dùng sợi dây vải đeo cổ, nâng cao lên. Kẻ tàn phế đang bước những bước chân bi ai qua cổng quân đội Pháp tới nhà thờ. Nó nhìn vào sân giáo đường. Im vắng. Lúc ấy, 9 giờ sáng, ngày 10 tháng 4 năm 1953. Vũ đi trên hè phố Bùi Viện. Con phố này, từ phố Lê Lợi, dẫn vào nhà thờ. Những nhà cửa công chức kín mít, không thấy người nào ngoài phố. 

Vũ bước thật chậm. Mà, đã đến Lê Lợi. Nó rẽ trái để về nhà nó. Thoạt tiên, Vũ nhìn lên cầu Bo. Lòng nó vấn vương trăm ngả. Nó nghĩ đến hàng hồi mộng tưởng. Nếu một mai, có người yêu dấu kỷ niệm, cố tìm hạt giống hồi đem về thị xã trồng, đứng dưới phố chính, chẳng nhìn thấy cầu Bo. Cầu Bo, Vũ lẩm nhẩm, nơi nó đã dắt con Thúy lên chơi, nó gặp thằng súc sinh Dương, con lão phó cẩm, trêu ghẹo người yêu của nó, nó đánh cho hộc máu mồm, lão phó cẩm bắt nó xin lỗi, nó không xin lỗi và bị đuổi học. Những mảng đời con Thúy dính líu những mảng đời thằng Vũ, lây lất suốt năm năm Vũ theo kháng chiến, không bao giờ Vũ quên Thúy. Từ ngày ông y sĩ quân đội Pháp bảo nó tàn phế, nó sợ hãi, không dám nhớ Thúy nữa. Chả phải sợ hãi riêng Thúy, còn sợ hãi tất cả những người chung quanh nó. 

Vũ định rướn vài bước nữa, sẽ đến phố Lý Thường Kiệt. Qua hiệu phở Phớn, Vũ ghé vào ăn một bát. Tiền của quân đội Pháp cho đây, cứ việc ăn. Vũ đã thấy vài người thị xã quen biết cha dì nó, nhận nó không ra. Có ai tưởng một thằng đầu trọc lốc, mặc quần áo bệnh viện, tay trái què quặt buộc cao lên là thằng Vũ? Thằng Vũ của Monguillot, nghịch như phá, đủ thứ kiểu chơi của học trò. 

Phở Phớn bấy giờ đang đông khách. Vũ tìm chỗ ngồi. Bao nhiêu năm kháng chiến không được ăn phở Phớn. Ngửi mùi nước dùng cũng đã thòm thèm rồi. Vũ gọi phở. Một lát, người bưng bát phở ra. Vũ hít hà mãi mới ăn. Ăn xong, Vũ gọi một bát nữa. 

Lúc ấy, Luyến ngồi trong hiệu, cứ ngó Vũ chằm chằm. Khi nhận ra Vũ, Luyến để mặc Vũ ăn phở. Chừng Vũ trả tiền, Luyến chống nạng vội vã sang bàn của Vũ. 

- Vũ! 

Vũ giật mình. Nó nhìn Luyến. 

- Luyến! 

Và đứng dậy, ôm lấy Luyến bằng một tay. Nó quên nó tàn phế. Mà nghĩ tới bạn cụt một chân đi nạng gỗ. Hai đứa khóc suớt mướt. Luyến đã nói nó phải tiết kiệm nước mắt để dành khóc hai thằng bạn thân nhất trên đời này là Vũ và Côn, nếu chúng nó bị cuộc đời xua đuổi. Côn thì Luyến chưa khóc, vì cuộc đời mênh mông chưa xua đuổi Côn, cộng sản đã xua đuổi, cộng sản bé nhỏ sao so nổi với cuộc đời. Vũ thì Luyến lại khóc, chưa biết ai xua đuổi Vũ, Luyến có linh cảm cho rằng cuộc đời xua đuổi Vũ. Hai đứa vẫn khóc. Nước mắt đã thẫm ướt trên hai vai áo. Khách ăn phở nhìn hai đứa. Mặc kệ, tình cảm nó dâng lên phải để nó dâng lên. 

- Về nhà tao đi. 

- Tao muốn về nhà tao trước. 

- Bây giờ, bố mày vắng mặt, con Tú, con Mai đang ở trường, thằng Khoa lên Hà nội học rồi. Đến tao, trưa mày về đúng nhất. 

- ừ, về nhà mày. 

Hai đứa ra khỏi hiệu phở. Trên hè phố chính, thằng mặc quần áo bệnh viện, tay trái què, đầu trọc lốc, đưa tay phải bá vai thằng cụt một chân chống nạng gỗ. Đó là cuộc đời mới nhất của hai thằng có mảng đời hoa niên lộng gió. 

- Mày trong bệnh viện dã chiến ra, hả? 

- Ừ. Sao mày biết? 

- Tao cũng ở đấy. 

- Bị bắt lúc bị thương như tao? 

- Không, ở sân nhà tao, hôm quân Pháp sang chiếm Thái Bình. Tao thua mày xa, không đi liên lạc, tới tuổi, không vào bộ đội. Những năm tháng sống ở hậu phương, tao đi học, theo triết lý đợi thời đại xoay vần. Tao không theo kháng chiến, không chống kháng chiến, có cảm tình với kháng chiến, vì bạn tao, em tao đang kháng chiến. Thằng Ái say mê kháng chiến và biệt tích. Chị Nhi theo chồng về Hưng Yên. Anh Lưu theo vợ sang Hải Phòng. Còn mình tao, cụt một chân, sống với bố mẹ. Tao không vinh dự được bị thương vì tổ quốc, chẳng đóng góp xương máu chút nào cho giải phóng Thái Bình. Buồn chưa? 

- Tao chịu đựng năm năm khổ sở cho cách mạng, chiến đấu rất hào hùng cho kháng chiến. Bây giờ, tao bị thương đến tàn phế, cách mạng chê bai, kháng chiến hết dùng, giặc Pháp không sợ, giải phóng thị xã mình ở cái khổ nào? Đời tao heo hút quá. Tàn phế rồi! 

- Mày cụt tay, hả? 

- Chưa cụt, chỉ sử dụng được 50 phần 100. 

- Ngực mày nhiều vết thương, hả? 

- Suýt chết. 

- Mày vẫn đi được. Tao mới cụt chân, Vũ ơi! Tàn phế của mày nên nhường cho tao. 

- Tao sầu đau vì thị xã chưa được giải phóng. 

- Chắc mày thích vòng hoa chiến thắng đeo lên cổ mày và những tiếng hoan hô vang dội? 

- Tao ham gì! 

- Có những người, phần đông, không ích lợi cho cho giải phóng. Thế mà khi giải phóng thị xã, họ tung tăng trước đám đông, khoe khoang mình đã là người giải phóng. Có những người, rất ít, làm lợi ích cho giải phóng. Khi thị xã được giải phóng, họ âm thầm về nhà sống cô đơn như người thua trận. Người đáng yêu đó là mày, Vũ ạ! Mày quên tất cả chuyện kháng chiến đi, Giải phóng thị xã càng quên đi nữa, coi như cuộc chơi không tính toán nên hỏng bét. Phải, cuộc đời chỉ là cuộc chơi. Chơi cho tới cùng, tới lúc hết hứng. Mày vừa hết hứng, bỏ cuộc chơi vừa kịp thời. Cái tàn phế của mày, cái tàn phế của tao, cơ hội này, người ta đang chia rẽ giai cấp để giết nhau, chúng ta được bình yên đứng im nhìn thiên hạ tranh chấp. Thế thì tàn phế đâu có heo hút. Nó là cái may hiếm có… 

Người y sĩ quân đội Pháp đã nói với Vũ: Mỗi người có một số phận. Số phận nó tới lúc nào, mình không biết. Bây giờ, nghe Luyến nói, Vũ cảm thấy nỗi tuyệt vọng trong người nó bị đuổi ra ngoài. Luyến không an ủi suông đâu. Luyến chí tình. Vì Luyến cũng tàn phế như Vũ. Luyến nói những điều rất chí lý. Vũ đi kháng chiến chỉ có một niềm ao ước nho nhỏ. Diệt tan thực dân Pháp, Vũ sẽ lui về, không mong cái gì khác để ham muốn. Vũ là người quê hương Thái Bình, Vũ phải làm cho rõ mặt Thái Bình. Diệt tan giặc Pháp, cách mạng chẳng chịu cho Vũ lui về, bắt Vũ nắm một chút quyền bính ở thị xã, ngày cách mạng giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ Thái Bình thì sao? Vũ hết làm chiến sĩ vô danh, đẹp ngút ngàn trời đất. Đi chiến đấu mưu đồ một thứ quyền lợi nào đó, không phải đi chiến đấu. Vũ không dám từ chối, thì Vũ đâu còn là Vũ. Cuộc đời chỉ là cuộc chơi. Cuộc chơi gồm nhiều trò chơi. Trò chơi kháng chiến của Vũ không tính toán. Đến lúc thân thể tàn phế là lúc trò chơi hết hứng. Lại có trò chơi khác, Vũ không chơi nữa, đứng xem thiên hạ chơi. 

- Tao mở cửa nhé! Lúc này, bố ta làm ở Ty công chánh, mẹ tao đang bận rộn chuyện đồng bóng với bác cả Hồng. Chúng mình sẽ tự do trò chuyện. Xuống phòng riêng của tao, nhé? 

- Ừ. 

Hai đứa vào nhà. Vũ nằm trên chiếc ghế xích đu. Luyến ngồi lên giường sát cạnh bạn. Nó rút gói Cotab cho Vũ, để gạt tàn thuốc gần đó: 

- Hút đi. Không biết hút, hãy tập hút. Từ nay, người tàn phế phải hút thuốc lá, mày ạ! Hút thuốc giải buồn phiền và suy nghĩ trong cô đơn. 

Vũ rút một điếu. Luyến bật diêm cho Vũ đốt. Nó cũng ngậm một điếu, mồi lửa: 

- Có bao nhiêu chuyện anh em mình xẩy ra, từ ngày mày bỏ nhà theo kháng chiến, tao nói hết sáng nay, để mày nghe và hiểu. Sau đó, tao không nói nữa. Những chuyện mới sắp tới, sẽ tới và phải tới, làm chúng ta điên đầu. Thì giờ dùng cho nó. Thời đại vẫn xoay vun vút. 

Vũ nhả khói thuốc: 

- Nói chuyện thằng Khoa đi. 

Luyến kể thằng Khoa theo gia đình hồi cư thị xã cuối 1950. Nó đã sống tiếp Vũ thời tuổi vàng hoa mộng ở Tường An. Nó quen con Liên, Nguyễn Kiều Liên, tản cư ở Hà Nội về Tường An. Nó yêu Liên. Khoa học rất giỏi. Nó đỗ trung học phổ thông và lên Hà Nội, nó bỏ đệ tam học nhẩy đệ nhị. Nó đã gặp Liên khắng khít như cũ. Hai đứa sắp lấy nhau. Thằng Khoa hoàn toàn hạnh phúc. Nó gặp thằng Vọng… 

Vũ nhổm ngưòi lên: 

- Vọng ghẻ tầu! 

Luyến cười: 

- Vọng chính ủy, bí danh Kỳ Bá. Chúng mình cứu đói nó chậm ba ngày. Thầy Nguyễn Công Hoan cho người đến mang nó đi và dạy nó thành người cộng sản. Nó là đảng viên Đảng lao động, tức là Đảng cộng sản. Nó tâm sự với thằng Khoa rất nhiều. Vọng đã khóc, vì chúng mình thương nó, cầu chúc chúng mình thành công và hẹn sẽ gặp ngày Thái Bình giải phóng. Chính Vọng nằn nì gia đình mày vào thị xã. Nó đã hỏi cô Thi nào đó ở Tường An làm vợ. Nó mong ước thấp hơn chúng mình, dẹp tan giặc Pháp, nó sẽ về Tường An sống với vợ, làm ruộng chắt chiu nhau. Nó bảo nó thương Vệ quốc quân và trái tim nó vẫn hé mở cho lính tiểu tư sản đồn trú. Nó nói những câu tao thuộc lòng, tao coi thằng Vọng là bậc thầy của tao… 

Luyến gạt mẩu tàn thuốc lá quá dài. Nó say sưa kể chuyện, quên đi mất thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay: 

- Thằng Khoa thông minh nhất thiên hạ. Nó thuộc một câu dài của Vọng: Thời cuộc như ngọn gió heo may, trải dài trên ruộng lúa vào mẩy. Thị xã Thái Bình giống hệt nước Việt Nam. Nhật đảo chính Pháp. Chết đói. Chết no. Cách mạng làm cuộc tổng khởi nghĩa. Giết Việt gian. Lụt lội, Tầu tước võ khí Nhật. Tiêu thổ kháng chiến. Tản cư. Pháp sang Thái Bình… Vẻ buồn tỉnh lỵ cũng là vẻ buồn dân tộc. Em thấy chưa? Một mai, em sẽ oán trách người này, bênh vực người nọ. Rồi, em sẽ ân hận, vì oán trách sai, bênh vực sai nốt. Con người này chống đối con người nọ không phải con người thích chống đối. Mà, hoàn cảnh nó dìu đi. Thằng Vọng đấy, mày thấy sao? 

Vũ dập điếu thuốc: 

- Thằng Vọng là giai cấp vô sản chính gốc. Dù nó có là cộng sản đi chăng nữa, ước mơ và tư tưởng của nó cũng là ước mơ và tư tưởng tiểu tư sản. Vọng cộng sản có tâm hồn tiểu tư sản. 

Luyến hít một hơi thuốc dài; 

- Nó có làm hại ai được không? 

Vũ châm điếu thuốc mới: 

- Không đâu. Hoàn cảnh nó dìu Vọng đi. Đảng cộng sản dìu Vọng đi. Mỗi lời, mỗi việc, Vọng phải làm theo lệnh Đảng. Nó mất quyền tha thứ cho người phạm tội. Tao thương nó lắm. 

- Mày là Vọng, người cộng sản cứu mày, đưa mày lên danh vọng, mày có theo cộng sản không? 

- Vấn đề đó thuộ5c về ân nghĩa. Tao theo cộng sản, chứ! 

- Có một bạn thân của chúng mình không chấp nhận điều đó. 

- Ai? 

- Đặng Xuân Côn. 

Vũ lại rướn ngưòi lên: 

- Côn đã về đây à? 

Luyến buồn rầu nói: 

- Côn về đây, năm ngoái. Gia đình nó hồi cư về Hà Nội. Nó đi học sĩ quan ở Sơn Tây trốn về. Cộng sản quy định nó giai cấp tư sản, thành phần địa chủ ác ôn. Cộng sản đã giết ông nội nó, cụ Hào Điển, một cách dã man. Nó tuyên bố sắt máu: Nó chống cộng sản, nó và cộng sản không đội trời chung. Nó ghét thằng Vọng thậm tệ. Mày, thằng Lôc, nó ghét luôn, vì chúng mày chiến đấu cho cộng sản. Tao khuyên nó, nó không nghe. Nó về Hà Nội và không viết bức thư nào. Có lẽ, nó đã đoạn tuyệt chúng mình. 

- Thù hận làm Côn điên lên rồi. Thương nó quá. 

- Thằng Khoa bảo nó mất trí. 

- Trò chơi giai cấp của cộng sản đấy. Giai cấp, giai cấp cái củ thìu biu à? 

- Côn cũng chửi thế. 

- Tao chán nản chuyện phân chia giai cấp. Người ta chia thành phần tao và quy định giai cấp cho tao. 

- Mày giai cấp gì? 

- Nông dân! Giai cấp lính, bị bóc lột từ bốn nghìn năm! Vì giai cấp nông dân, tao thoát cảnh khu trừ như bộ đội trí thức tiểu tư sản. Tao không được chiến đấu, bị đuổi về, tao sẽ thù hận cộng sản. Y hệt thằng Côn. Vọng tiên tri đúng, hoàn cảnh khốn nạn của một thời điêu đứng nó chia rẽ con người, Chia rẽ Côn và chúng mình. 

- Côn không bao giờ trở lại Thái Bình nữa. Nó học ở Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức miền Nam để chống đối cộng sản. 

- Chúng mình đã mất Côn, mất vĩnh viễn. 

Nước mắt Vũ trào ra, loang đầy khuôn mặt. Nước mắt Vũ quyến rũ nước mắt Luyến. Những giọt lệ hiếm hoi để dành khóc cho Côn, Luyến đã khóc. Một thằng cụt chân, một thằng thương tích đầy thân thể, khóc vì những thằng bạn bị cuộc đời xua đuổi. 

- Còn thằng Long? 

- Nó chết trận ở Duyên Hà. 

- Thằng Lộc? 

- Không tin tức. Gia đình nó chưa hồi cư. 

- Hết rồi, hả? 

- Ngọc tình nguyện lấy tao làm chồng. 

- Mày ấm lòng, nhé! 

- Con Thúy… 

- Đừng nhắc nữa. 

Vũ đứng dậy: 

- Toàn chuyện buồn thảm. Tao đi kháng chiến giải phóng, chẳng được tích sự gì. Cộng sản, giai cấp, thù hận, chia ly, chết chóc. Kết luận của đời tao là tàn phế. 

Luyến chống nạng đứng lên: 

- Những chuyện đời buồn thảm mà tao đã chịu đựng ở thị xã không thiếu gì. Thôi, cứ im lặng chờ đợi thời đại vần xoay. 

Vũ nói: 

- Tao sợ gia đình chưa hồi cư, bước chân có vẻ hồi hộp đến phố nhà mình. Giờ thì chắc chắn rồi, tao về nhé! 

Luyến hỏi: 

- Mày có muốn thay bộ quần aó bệnh viện, đội cái mũ, đi đôi giầy không? 

Vũ nhăn nhó: 

- Tao thích bố tao, dì tao và các em tao ôm bụng rũ ra cười, tưởng chừng tao đã giang hồ cống Đậu! 

Luyến đưa bạn một khúc phố. Vũ nhìn lại đàng sau. Nước mắt nó ứa ra. 

125 

Trời xuống thấp cho quạnh hiu mộ phần. 

Và khói lấp nên đời xa mờ dần. 

Ôi mùa thu, mùa thu cuối lối. 

Ôi mùa thu, hẹn nhau đã tới. 

Có nghe chuông khua vang cáo phó hồn tôi? 

Nhạc thiều hư không… 

Dục gọi thân phận cát về kiếp mịt mùng. 

Để nuối tiếc trăm năm làm người lẻ loi. 

Để thông reo ngàn năm sám hối tội lỗi, 

với vô thường lập lỏe ánh vỡ sao rơi. 

Sầu đạo xưa tôi đến còn nhớ lại gì? 

Rừng bí tích xui tôi lạc vào nẻo mê. 

Mải rong chơi bỏ quên trái cấm…  

Rồi nhạc thiều âm ty đưa tôi đi… 

Giọt nưóc mắt rơi buồn tênh đường trần. 

Sợi nắng úa soi thời gian ngại ngần. 

Ôi mùa thu hẹn nhau đã tới. 

Ôi mùa thu, mùa thu cuối lối

Bánh xe tang lăn trên xác lá mồ côi… 

Vũ thổi kèn ác mô ni ca bài Cuối thu đường đời của anh bộ đội tiểu tư sản, viết cả lời lẫn nhạc, gửi cho, trước khi bộ đội tiểu tư sàn bị gạt ra cuộc kháng chiến chống Pháp. Rồi anh ấy chết. Bấy giờ, Vũ chỉ thấy Cuối thu đường đời buồn thảm, không thích hợp với cách mạng hôm nay. Bây giờ, ôm những vết thương chiến địa, Vũ mới hiểu anh bộ đội tiểu tư sản gửi gấm tâm sự thật khéo léo vào bản nhạc. Cách mạng mùa Thu dẫn tới cuối thu đường đời, mùa thu cuối lối, tận cùng đường đi. Còn một chỗ nằm cho anh: Mộ phần hiu quạnh. Ôi, bánh xe tang lăn trên xác lá mồ côi, sao mà sầu heo hút thế! Xe tang lăn trên xác lá, đã sầu, lăn trên xác lá mồ côi, còn sầu gợn gai ốc. Vũ tin rằng, anh bộ đội hiểu, sẽ có lần, mình buồn muốn chết, khi tỉnh giấc chiêm bao cách mạng, nên tặng Vũ tâm sự của anh. Vũ không chiêm bao cách mạng. Nó chiêm bao giải phóng, mà giải phóng nhỏ bé thôi, giải phóng thị xã của nó. Nó đã buồn rồi. 

Thấm thoát, Vũ trở về với gia đình được ngót bẩy tháng. Những vết thương ở bụng, ở ngực lành lặn cả. Tay trái của nó chỉ cầm những vật nhẹ. Tóc nó đã xanh um. Hè qua, thằng Khoa về Thái Bình chơi một tháng. Nó đã đỗ tú tái 1, ban toán. Khoa yêu Vũ vô cùng. Bao nhiêu thương nhớ Vũ từ lúc trốn nhà đi kháng chiến; bao nhiêu kỷ niệm ấu thời của nó, nó ôm Vũ vừa khóc vừa kể. Nó khoe mối tình của nó với Liên. Vũ sung sướng thấy Khoa no tròn hạnh phúc. Khoa nói nó đã tìm con đường đi mà cả bạn lẫn thù cùng kính trọng. Khoa sẽ học thuốc. Nếu gia đình không lo nổi, nó theo quân y. Vũ bằng lòng lắm. Đáng lẽ, cha Vũ viết thư cho Khoa bảo nó về ngay thăm Vũ. Vũ đã gàn cha để yên cho Khoa học thi, hè nó về, nó càng ngạc nhiên. Khoa ngạc nhiên thật. Thấy Vũ bị thương đến tàn phế, nó đã khóc dầm dề. Rồi nó theo triết lý Tái ông thất mã của Luyến an ủi anh nó. Khoa lên Hà nội đã ba tháng. Nó chăm viết thư cho Vũ, khuyến khích Vũ và hối thúc Vũ đọc sách cho nhiều. Đời sống của Vũ trở nên bình thường, như tất cả đều bình thường ở thị xã. 

Tình hình mỗi ngày một khả quan. Không có súng nổ ở các huyện lỵ xa thị xã Thái Bình. Phụ Dực, Quỳnh Côi, Kiến Xương hay Tiền Hải đều yên tĩnh. Cái vẻ tiêu thổ kháng chiến vẫn còn thẫm nét. Cứ thế này mà sáng sủa thêm, mười năm nữa, nhà cửa sẽ xây dựng bằng xi măng cốt sắt, nước máy sẽ có tràn trề, điện sẽ dùng thả cửa, đình đám hội hè sẽ mặc sức làm. Cầu Nghìn ở Đồng Bằng sẽ bắc lại. Ô tô hàng Con Sóc, Con Ngựa Bay sẽ tiếp tục chạy Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng và Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định, cạnh tranh với Con Voi của ông Lê Văn Định. Bây giờ, Con Voi cứ tạm độc quền trên đường số 10. Vũ sẽ khoan khoái lắm, nếu hai hàng hồi được trồng, ở phố chính Lê Lợi. 

Luyến thích triết lý theo thời đại. Nó khăng khăng phát ngôn theo thời đại, không phải theo thời. Theo thời, sống vương giả, một quãng đời nào thôi, khi thời đổi thay, sẽ khổ sở. Theo thời đại, chịu đựng luôn cả sự xoay vần của thời đại, xem thời đại, Luyến bảo mình đói khát tài năng, đành làm người theo thời đại. Thực ra, mình muốn làm người sáng tạo ra thời đại. Để thành Thành Cát Tư Hãn, Hitler, Lénine… Những kẻ theo Lénine là những kẻ theo thời đấy. Thằng cụt chân Luyến đã vẽ một con đường mà theo. Nó khẳng định theo thời đại, không chống đối kẻ theo thời nào. Cùng với thời đại vần xoay, những kẻ theo thời chết trước, đau đớn và nhục nhã. Nhưng mà, Luyến bảo, chẳng ai có quyền cấm đoán kẻ theo thời đại, bất mãn người và việc, hành động sai láo trong thời đại. Luyến muốn nói gì tự do nói. 

Sáng nay, Vũ rủ Luyến và Ngọc xuống Đoan Túc ăn canh bánh đa nấu cá rô. Nó kê ngoài cửa hai chiếc ghế xích đu, một chiếc ghế dựa. Luyến trễ hẹn quá. Vũ chơi bài Cuối thu đường đời và suy nghĩ vẩn vơ mãi, Luyến vẫn chưa tới. Rút bao thuốc lá, Vũ hút cho đỡ sốt ruột. Chiếc ác mô ni ca này đã thổi Chiều quê của Hoàng Quý, cha cất nó kỹ. Vũ về mới có cây kèn kỷ niệm thổi nhạc. Vũ muốn khoe bản nhạc với Luyến. Tuyệt buồn. Kia rồi, Luyến và Ngọc đã tới. Tiếng nạng gỗ khua lọc cọc làm cả phố biết. 

- Muộn thế? 

Ngọc chỉ Luyến: 

- Tại Luyến nghịch ngợm cãi với Ngọc, phải đứng lại một lúc, rồi trở lại nhà giở Việt Nam sử lược ra tra. 

Vũ cười: 

- Các bạn đấu tranh văn hóa, hả? Ngồi xuống đi, Ngọc! Thằng Luyến nằm xích đu. 

Luyến nói: 

- Tao bảo phố nhà mày cách mạng đặt tên mới Lý Thường Kiệt. Hồi Pháp đô hộ, nó vác thằng lái buôn Jean Dupuis nhét vào phố nhà mày. Jean Dupuis – Đồ Phổ Nghĩa – làm sao sánh nổi Lý Thường Kiệt, năm 1076, viết tuyên ngôn độc lập đầu tiên ở nước ta. Ngọc không tin. Ức quá, tao trở về nhà lôi Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ra tra. Bèn đọc to: Nam quốc sơn hà Mam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Ngọc chịu thua, cô nàng cứ bảo Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn độc lập đầu tiên. 

Vũ gạt tàn thuốc: 

- Jean Dupuis đã sinh sự, hỗn láo với triều đình ta. Ta sinh ở phố Jean Dupuis nên đã sinh sự, hỗn láo với mọi người. Hai bạn chỉ vì Jean Dupuis mà sinh sự, kiện cáo nhau. Jean Dupuis đúng là thằng súc sinh, nó làm trễ hai bạn. 

Cả ba đứa cười thích thú. Luyến lôi Cotab ra hút. Ngày xưa, Vũ hay rủ Côn xuống Đoan Túc ăn canh bánh đa cua đồng. Canh bánh đa cua đồng Đoan Túc ngon hơn thị xã. Cái mầu gạch cua phi với hành mỡ, nó vàng nháy, thơm vô tả. Bây giờ, Côn xa Vũ rồi, thù hận Vũ, Vũ mời Luyến và Ngọc. Để nhớ Côn. Con đường từ phố Lý Thường Kiệt đến Đoan Túc nào có xa xôi mấy. Vũ và Côn đi bộ mất hai mươi phút. Hôm nay, Luyến cụt một chân, chống nạng lê bước, cũng một tiếng là cùng. Vũ nhìn đồng hồ. 9 giờ. Còn sớm chán. 

- Tao vừa nhớ bài Cuối thu đường đời của anh bộ đội tiểu tư sản tặng. Bản nhạc ôm tâm sự anh ta. Anh bộ đội đã chết, trước khi anh bị gạt ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp. Buồn lắm. Tuyệt buồn. 

- Hát đi. 

- Tao hát trước, thổi ác mô ni ca sau, nhé! 

- Ừ. 

Vũ hát. Không hay. Nó diễn tả thật đúng tâm sự anh lính tiểu tư sản. Rồi nó thổi kèn. Tiếng kèn của Vũ bắt cả khu phố phải ra đường thưởng thức. Nó chơi chầm chậm. Nỗi buồn man mác đi vào lòng người nghe, từ từ thành một cơn đau quằn quại, tê buốt ruột gan. Vũ dừng lại. Cơn đau vẫn trải dài. Và nước mắt thẫm má nó. 

Luyến và Ngọc khóc tự bao giờ không biết. Khán thính giả khu phố đứng dài buồn thiu. 

- Anh lính ấy tên là gì? 

- Vũ Thương Anh. 

- Anh ấy trót mê cách mạng mùa Thu, bước đi lỡ trớn đời. Anh không quay lại được, phải chết, nhìn thấy xe tang của mình lăn trong cuộc đời khốn khó. Cách mạng mùa Thu đã anh bước đầu, dẫn anh đến cuối lối. 

- Đúng đấy. 

- Mày cũng trót mê cách mạng mùa Thu, đi mãi, thành người tàn phế. Ông Hồ Chí Minh không bao giờ tàn phế. Ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp… không bao giờ tàn phế. Vì các ông ấy không mê cách mạng mùa Thu, chỉ nói về cách mạng mùa Thu, toàn những đất nước, tổ quốc, anh hùng, dũng sĩ, độc lập, tự do, dân chủ, chiến đấu, kháng chiến, thành công… Những thằng bạn tao đi kháng chiến, tao sợ chúng nó hy sinh tính mạng cho những người không mê cách mạng mùa Thu. Những thằng bạn tao không chết, như mày, Vũ ạ, trở về với gia đình, tao nói rõ tư tưởng của tao. Hiểu chưa? 

- Hiểu rồi. 

- Hiểu thôi, chúng mình không chống đối cộng sản, nhé! Cộng sản đã đến chu kỳ bão lửa, kẻ nào chống đối cộng sản là tự nguyên biến thành que củi ném vào bão lửa. Cộng sản sẽ chấm dứt chu kỳ bão lửa, sẽ thành tro nguội, chưa biết ngày nào. Thời đại chẳng báo trước bao giờ nó xoay vần. 

Ngọc ngồi im, nghe hai người nói chuyện. 

- Mày sẽ là nhân vật chính trong lịch sử tiểu thuwết Cầu Bo trầm lặng của tao. 

- Cái mà người tàn phế sẽ được vinh dự ở trong tiểu thuyết? 

- Chỉ người tàn phế như mày thôi. 

- Bao giờ mày viết? 

- Còn lâu. 

- Đến bao giờ? 

- Vừa đợi thời đại xoay vần, tao vừa nuôi dưỡng những nhân vật tiểu thuyết của tao, cho nó cứng cáp, có chiều sâu, chiều rộng. 

Vũ đứng dậy, đút ác mô ni ca vào túi: 

- Thôi, đi ăn bánh canh cá rô. Tháng này, hết cua đồng rồi. 

Ba đứa đến ngã tư Vũ Tiên-Thị Xã, rồi rẽ phải, xuống Đoan Túc. Trời tháng 11, chưa lạnh mấy. Con đường đi rét mướt vì trống không nhà cửa, gió đông từ cánh đồng đã gặt lúa lùa lên. Chim én đã lác đác bay về. Vũ yêu con đường Đoan Túc như yêu kỷ niệm ấu thời của nó. Dạo ấy, hiệp sĩ Triều Dương Hiệp Vũ thường phóng phi tiêu cho hiệp sĩ Hà Nguyên Khánh, dặn cố xoay vài đồng, xuống Đoan Túc, chén canh bánh đa…

 (Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn