BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73225)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (111 – 114)

28 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1176)
Những đứa trẻ Thái Bình – Cuối Thu Đường Đời (111 – 114)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

PHẦN SÁU


CUỐI THU ĐƯỜNG ĐỜI


111 

Mẹ Luyến dịu dàng: 

- Luyến này, nhà con Ngọc đã hồi cư. Cả bà cả Hồng nữa đấy. Tại sao bác Thụy muộn về? Con Thúy dạo này chắc lớn lắm. Mẹ lại mong thằng Vũ, thằng Côn… Chúng nó đi kháng chiến như thằng Ái nhà mình. Biết còn sống không? 

Luyến cười: 

- Mẹ chỉ lo vớ vẩn. Con cam đoan với mẹ chúng nó còn sống. Thằng Vọng chết chưa, mẹ? 

Mẹ Luyến bình thản: 

- Nó đã chết đói năm Ất Dậu! 

Luyến lắc đầu: 

- Vọng chưa chết, mẹ ạ! Tên mới của thằng Vọng là Kỳ Bá. Nó làm chính ủy trung đội, đóng ở làng em Khoa. Thầy Nguyễn Công Hoan cứu nó và mang nó đi xa, dạy nó thành người cách mạng. 

Mẹ Luyến tặc lưỡi: 

- Gớm, con chỉ muốn biết một mình. Chẳng cho mẹ hay. 

Luyến bẻ bão tay: 

- Cho mẹ biết ích lợi chi? Mỗi đứa bây giờ có một cuộc đời riêng biệt. Khi nào chúng nó về đây, vẫn chào bố mẹ lễ pháp và thăm hỏi bố mẹ ân cần, thế là đủ. 

Mẹ Luyến ôn tồn: 

- Mẹ biết đề mẹ mừng cho chúng nó. 

Luyến hài hước: 

- Mẹ lại phải xuống Đoan Túc lễ chùa và cầu nguyện cho chúng nó, chứ gì? 

Mẹ Luyến đứng dậy: 

- Ừ, chiều nay mẹ đi lễ, sẽ cầu nguyện cho thằng Vọng. À, con Ngọc… 

Luyến tiếp: 

- Mới hồi cư… 

Mẹ Luyến âu yếm: 

- Nó muốn tới nhà thăm con. 

Bà bước ra cửa: 

- Quá trưa, con Ngọc tới đó. 

Luyến ngạc nhiên, tự hỏi sao Ngọc lại đến thăm mình. Ngày xưa, Luyến cũng chơi thân với Ngọc, với Thúy, nhưng không thân như Côn, như Vũ. Luyến thích nghịch ngợm. Nó gặp Thúy, Ngọc ở đâu là chọc cho hai đứa phát khóc mới thôi. Thúy và Ngọc đều ghét Luyến. Nhớ đêm chơi tam cúc ăn đẹt, hồi Vũ lên Hà Nội học, Luyến đã không nịnh đầm giống Côn. Thằng Côn thắng con Thúy hai đẹt. Con Thúy cầu khẩn xin khất nợ. Thằng Côn cao thượng, bằng lòng ngay. Thằng Côn tưởng vắng thằng Vũ, con Thúy sẽ cần thiết nó, sẽ đi ăm kem cầu Bo với nó, sẽ quý mến nó… Côn ta đã lầm. Con Thúy vẫn nhớ thằng Vũ. Thằng Côn bị con Thúy chê lên, chê xuống, khi biểu diễn xe đạp xiếc Tạ Duy Hiển. Con Ngọc bênh thằng Côn. Cái gì của thằng Côn, con Ngọc cũng khen. Thế mà, thằng Côn lại ghét Ngọc, thích con Thúy. Các chuyện tuổi thơ nó trớ trêu làm sao! 

Thằng Luyến thắng con Ngọc hai đẹt. Con Ngọc xin khất nợ. Luyến ta không khất khung gì hết. Được thì hãy ăn cái đã. Hễ ván sau thua, giơ mũi cho làng đẹt. Con Ngọc cáu lắm. Thằng Côn cho con Thúy nợ. Thằng Luyến nó cười khà khà, không chịu cho con Ngọc nợ. Nó khoái chí đẹt mũi con Ngọc. Con Ngọc nhăn nhó. Đến lượt Luyến thắng con Thúy, nó đòi ăn đẹt ngay tút xuýt. Thằng Côn tìm cách gỡ cho con Thúy khỏi ăn đẹt. Thằnng Côn cù nhầy hòa cả làng, lúc thằng Luyến bỏ ngang về. Thằng Luyến bảo không chơi với thằng Côn nữa, vì ăn gian cho con Thúy. 

Luyến chỉ nhớ con gái đêm tam cúc, thuở học trò Monguillot. chả biết Ngọc còn nhớ không? Bây giờ, Luyến đã xa thời nghịch ngợm, ghét con gái. Bây giờ, Ngọc đã lớn lên, đã hiểu thế nào gọi là yêu. Luyến có cảm giác bâng khuâng. Từ ngày chớm mùa tình tự, Luyến chưa yêu ai và cũng chưa ai yêu Luyến. Nó nhìn xuống. Một chân bị mất. Thiếu nữ nào yêu Luyến? Thời đại này, thời đại loạn ly chiến trường nuốt hết mộng mơ của con người. Thời đại cực thịnh lãng mạn, bồng bế và quyến rũ đã chết. Tìm đâu ra những thiếu nữ say đắm Hàn Mạc Tử? Luyến không phải là thương binh được nhạc sĩ cách mạng đưa danh dự lên chót vót mà đòi con gái yêu, con gái tôn sùng thương binh hào kiệt như người tình lý tưởng của cuộc đời lửa đạn: 

… Chàng về 

chàng về nay đã cụt tay 

Máu đào đã tưới trên thây 

trên thây bao nhiêu quân thù 

U hù 

từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa thu… 

Luyến không đi chinh chiến mùa thu, mất một chân, chứ không cụt một tay. Sự mất một chân của Luyến vô tích sự. Nhờ mất một chân, máu đào không tưới trên thây quân thù, được hồi cư bằng cam nhông. Con gái thời đại chiến chinh yêu thế nào được người cụt chân trong chiến tranh không phải là thương binh. Khi cái chất lãng mạn nó bay đi mất tích, chỉ còn cái thực tế phũ phàng, Luyến khó mà tìm ra người yêu. Luyến bâng khuâng nghe tin Ngọc đến thăm mình. Băn khoăn thôi. Không rạo rực. 

Mới xế trưa. Luyến thấy mình nôn nóng. Như thể chờ đợi một cái gì quan trọng. Nó lại thắc mắc y như đã thắc mắc. Tại sao Ngọc đến thăm mình? Con gái ông trưởng ty bưu điện thị xã Thái bình, vụt một cái, cơ hồ trái bóng rót dầu, tuổi hoa niên của Ngọc đã bay đi, biến thành một thiếu nữ hai mươi. Người ta bảo tuổi hai mươi khác với hai mươi tuổi. Khác ở chỗ nào? Ngọc hai mươi tuổi hay tuổi hai mươi? Gặp Ngọc, sẽ có câu trả lời. Quá trưa, Ngọc sẽ đến. Quá trưa là mấy giờ? Bây giờ đã xế trưa. Những hẹn hò của tình nhân thường oái oăm như vậy. Ngọc đâu phải là tình nhân của Luyến? Và, Luyến chẳng hy vọng gì có tình nhân! 

Đến trưa, cha Luyến về nhà ăn cơm. Rồi lại đến sở ngay. Mẹ Luyến đi lễ ở chùa làng Đoan Túc. Còn mình Luyến nằm nhà. Mong Khoa tới, nói chuyện đến lúc quá trưa cho vui, cho đỡ suy nghĩ bâng quơ. Khoa chẳng tới sớm làm gì. Luyến chống nạng đi loanh quanh trong phòng khách. Nó ngồi trên ghế. Rót hai chén nước. Đổ vào ấm. Lại rót. Uống một hớp. Hai, ba hớp. Đứng dậy. Chống nạng ra ngoài cửa. Vào nhà. Ngọc chưa tới. Luyến sốt ruột rồi. Luyến chẳng hy vọng gì có tình nhân. Mà sao sốt ruột? Có lẽ Ngọc gặp Luyến để hỏi tin tức về Côn. Nó thích Côn và nay yêu Côn. Phải, Côn đáng yêu lắm chứ! Cháu nội cụ Hào Điển, Đặng Đình Điền, thủ quỹ Việt Nam quốc dân đảng, thời Nguyễn Thái Học. Nó chơi với bạn chiều bạn hết chỗ nói. 

- Anh Luyến có nhà không? 

- Ai đó? 

- Ngọc đây, Vũ Cẩm Ngọc đây. 

Luyến mở cửa. Biết chắc là Ngọc, còn hỏi ai đó! Luyến choáng váng cả người. 

- Anh lạ lắm hả, anh Luyến? 

Luyến rúng động thân thể, mãi mới nói được: 

- Ngọc…cô Ngọc, ngồi chơi xơi nước… 

Ngọc cười lớn: 

- Dạo này anh Luyến khách sáo quá, nhỉ? 

Luyến cười theo: 

- Bố tôi di làm, mẹ tôi… 

Ngọc nói giùm Luyến: 

- Mẹ anh đi lễ chùa Đoan Túc với mẹ em và bác cả Hồng. Hẹn nhau từ sáng nay đấy, anh ạ! 

- Thế à? 

- Vâng. 

- Cô Ngọc… 

- Anh cứ gọi em là em đi, cho thân mật. Anh lớn hơn em một tuổi. 

Luyến ngồi im. Nó không nói năng gì nữa, chỉ bàng hoàng ngắm Ngọc. 

- Anh lạ lắm, hả? 

Ngọc hỏi lại câu đó. 

- Lạ lắm, cái gì? 

- Về em. 

- Không. 

- Để em nói, anh hết lạ. Em hồi cư vào Hải Phòng, đầu năm 1950, hôm người Pháp tới Phụ Dực quê ngoại em. Bố em được làm ngay. Em phi dê tóc, ăn mặc kiểu thành phố, anh phải lạ lắm, chứ? 

- Vâng. 

- Anh đừng vâng, em giận đó. 

- Ừ, lạ lắm. 

- Sao anh bảo không lạ? 

- À… 

Ngọc tự rót lấy nước uống. Nó mặc chiếc áo dài mầu xanh da trời, chiếc quần đen. Khuôn mặt nó phơn phớt chút phấn hồng. Đôi môi nó tô nhẹ làn son đỏ. Nó xách cái bóp nhỏ. Trời nắng, nó mang nón theo. Luyến chiêm ngưỡng nhan sắc của Ngọc. Mới ngày nào, còn thích chọc ghẹo Ngọc, nó không thấy Ngọc đẹp tuyệt vời như hôm nay. Từ con bé nhỏ ưa ăn vòi, nó biến sang gái chanh cốm. Ngọc đẹp thật, dưới mắt nhìn của Luyến. Thằng Luyến chỉ biết con Ngọc đẹp não nùng, chứ không tơ hào gì cả. 

- Ái theo kháng chiến không về hả, anh? 

- Ừ. 

- Anh Vũ cũng không về? 

- Ừ. 

Luyến đợi Ngọc hỏi tới Côn, Ngọc không hỏi. 

- Bố em xin đổi bề Thái Bình. Người ta đồng ý ngay, vì thị xã thiếu trưởng ty bưu điện. Nhà em còn ở nhờ bác Đông tài chính, sẽ làm nhà lại, anh ạ! 

Luyến hỏi: 

- Cô có thích về thị xã không? 

Ngọc nhăn mặt. Đôi mắt Ngọc đã nẩy vài tia giận dỗi. Luyến thấy ngay. Nó hỏi lại: 

- Em có thích về thị xã không? 

Ngọc cười, nụ cười thơm ngát: 

- Em thích ghê. 

- Tại sao? 

- Thị xã, quê mẹ em, to hơn nhà băng Đông dương, nơi em gửi hết kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm bạn bè, kỷ niệm trường lớp, tại sao em không thích? Anh Vũ có Thúy yêu thương. Anh Côn nhạt nhẽo lắm. Nhớ anh là để nhớ anh, những gì xa xôi nữa, em không lưu ý. 

- Với tôi, thì què quặt! 

- Mẹ anh đã cho em biết. Vì anh què quặt, em mới tới thăm anh, trước nhất. 

- Em thương hại anh què? 

- Đừng nghĩ đến chuyện què, anh ạ! Anh vẫn là anh của em. Nghĩ xem, trên đời này, biết bao nhiêu người đủ tay chân mà vẫn sống vô tri giác. Người ta hơn nhau ở đầu óc. Không đầu óc, chân tay để làm gì nhỉ? 

- Ai dạy em nói thế? 

- Em dạy em. Tuổi tác lớn, suy nghĩ lên cao. 

- Anh thiếu đầu óc, em ạ! 

- Thôi đi, Luyến nghịch ngợm! Lê Huy Luyến thiếu đầu óc, ai có đầu óc? 

Tự nhiên, Luyến sung sướng vô cùng. Ngọc đã nói lên điều Luyến chưa nghĩ tới. Cám ơn Vũ Cẩm Ngọc! Luyến thấy có thể nói đủ thứ chuyện với Ngọc rồi. Ngọc đáng kính mến. Nó không quên dĩ vãng tốt đẹp của mình. 

- Em có ghét anh không? 

- Ghét lắm, nếu anh cứ bảo anh thiếu đầu óc. 

- Vẫn đầu óc. 

- Đầu óc thì ghét sao nổi. 

- Đầu óc giữ kỷ niệm. 

- Thì nhất. 

- Anh nhớ một kỷ niệm về em đây. 

- Nói di, anh! 

Luyến thuật lại canh tam cúc, năm xưa. Có Luyến. Có Côn. Có Thuý. Có Ngọc. Bốn người. Luyến bỏ ngang về, dọa không chơi với Côn nữa. Hòa cả làng. 

- Em hãy còn nhớ. 

- Anh đẹt mũi em, đau không? 

- Đau lắm. 

- Bây giờ, anh đền em. 

- Đền gì? 

- Cho em đẹt mũi anh tơi bời. 

- Bấy giờ, anh đã đền em rồi. 

- Đâu? 

- Anh thắng Thúy, từ chối cho chịu. Anh Côn bênh Thúy, phá đám cuộc chơi, Thúy hết bị anh đẹt mũi. 

Ngưng một lát, Ngọc buồn rầu nói: 

- Anh Côn yêu Thúy, Thúy không yêu anh Côn. Em yêu anh Côn, anh Côn không yêu em. 

Ngọc quên buồn rầu rất nhanh, nhìn Luyến đăm đăm và vui vẻ: 

- Người nào lấy anh, người ấy sẽ hạnh phúc suốt đời. 

Tâm hồn Luyến bay trong mơ lãng đãng: 

- Hạnh phúc hay khổ đau? 

Ngọc bám chặt vào giấc mơ: 

- Hạnh phúc toàn diện. Lấy chồng cụt chân, chồng không bị đi lính, ở bên chồng suốt đời… 

Luyến lặng thinh và Ngọc cũng lặng thinh. Để nghe trời nói những lời tình tự. Chỉ mải nghe trời nói, Luyến quên không hỏi Ngọc: Em hai mươi tuổi hay tuồi hai mươi… 

112 

Luyến và Ngọc đứng trên cầu Bo, nhìn nước lũ xuống dần, và chẩy chậm lại. Nước lũ không còn hung hăng như mấy hôm trước. Mới vỡ đê năm 1945; muốn vỡ đê, phải đợi vài chục năm nữa. Người ta vẫn sợ nước lũ, tuy nước lũ mang về cho nông dân bao nhiêu nguồn trù phú. ruộng đồng đầy mầu mỡ. Ao ngòi vô số cá tôm. 

Nước lũ đe dọa nỗi vỡ đê. Mà, vỡ đê là niềm lo sợ truyền kiếp của dân mình. Nhãn năm nay mất mùa. Đê không thể vỡ được. Nhãn được mùa, người ta hồi hộp đến tận rằm tháng bảy âm lịch. Nếu rằm tháng bảy, nước lũ không lên, người ta mới thở ra, sung sướng. Hết lụt lội, người ta ngại bão táp. Vụ tháng mười, nhiều đường vất vả lám. Chờ tháng chín tới, bão táp không làm lúa gẫy cổ, gục xuống, người ta mới biết chắc được mùa. Để chuẩn bị ăn tết. 

Nhà quê nó liên hệ gắn bó với thành phố. Nhà quê hạnh phúc, thành phố hạnh phúc. Nhà quê bất hạnh, thành phố bất hạnh luôn. Ở thị xã, ngoài cái liên hệ thương mại, học đường gắn bó lấy nông thôn, còn mật thiết về gia đình, họ hàng, người cùng quê hương yêu dấu. Cho nên, bất kể chuyện gì xẩy ra ở nông thôn mình, thị xã cũng bồi hồi tấc dạ. Luyến và Ngọc xem nước lũ xuống dần, đâu phải cho riêng hai đứa chẳng có miếng đất nào ở thôn quê. Chúng nó biết vì người Thái Bình, tất cả. 

- Về thôi, Ngọc! 

Luyến ngó đồng hồ. 

- Mấy giờ rồi, anh? 

- 5 giờ. 

- Tháng chín dương lịch mà vẫn còn oi bức. Mùa thu đấy, giữa thu chứ! Các ông thi sĩ toàn bịa cả. 

Luyến mỉm cười: 

- Em đã lớn lên vì thơ rồi chăng? 

Ngọc vuốt tóc đang bay theo gió: 

- Có lẽ, anh ạ! 

Luyến tán tỉnh: 

- Cho anh nghe một bài đi! 

Ngọc hơi xấu hổ: 

- Một bài mùa thu thi sĩ bịa nhé? 

Luyến không trả lời. Hai đứa cùng ngó xuống sông. Nước chẩy rầm rĩ dưới gầm cầu. Ngọc khe khẽ đọc. 

- Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang 

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng 

Đây mùa thu tới mùa thu tới 

Với áo mơ phai dệt lá vàng 

  

Hơn một loài hoa đã rụng cành 

Trong vườn sắc đỏ rủa mầu xanh 

Những buồn run rẩy rung rinh lá 

Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh 

  

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ 

Non xa khởi sự nhạt sương mờ 

Đã nghe rét mướt luồn trong gió 

Đã vắng người sang những chuyến đò 

  

Mây vẩn từng không chim bay đi 

Khí trời u uất hận chia ly 

ít nhiều thiếu nữ buồn không nói 

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì 

Nước vẫn chẩy rầm rĩ dưới gầm cầu. Nước quyện lấy thơ. Nước im lặng như thôi chẩy. Thơ tắm trong nước. Nước và thơ chỉ còn là hơi thở man mác. 

- Hay quá, buồn thu. 

- Anh thấy ông Xuân Diệu bịa mùa thu chưa? Nóng nung người, ông lại tả Đã nghe rét mướt luồn trong gió. 

- Em đang đứng trên cầy Bo, thị xã Thái Bình, trách móc thi sĩ Xuân Diệu. Mình biết Xuân Diệu làm Đây mùa thu tới ở chỗ nào? Hà Nội hay Ba Vì, Hải Phòng hay Bắc Cạn. Thôi, cứ đọc thơ ngưòi ta là đủ. Cần gì thơ bịa hay không bịa. Bịa là không bịa. Không bịa là bịa. Thi sĩ mà, em. 

- Anh thích không? 

- Xuân Diệu bài nào anh cũng thích. Em biết hát không nào? 

- Biết. 

- Em hát Thu bên sông đi! 

- Không biết bài này. Của ai thế, anh? 

- Việt Lang. 

- Thời Xuân Diệu, hả? 

- Thời kháng chiến. Việt Lang lạ lắm. Anh ta đã làm Đoàn quân đi, Mùa không biên giới, sau anh ta chán nản làm Thu trên sông. Anh hát chả ra cái gì cả, cứ hát cho em nghe, nhé! 

- Anh hát đi, anh! 

Ngọc im lặng. Tiếng hát của Luyến bay lên trời: 

- Nắng phai dần đồi nương áng mây 

gợi nhớ 

Thu tịch liêu bóng chiều về 

tương tư gió 

Ngồi đây nâng phím đàn 

xao xuyến đường tơ 

Đã bao mùa thu chín trái mong chờ 

Ru đời thu mộng du ướt át 

tình thu vàng mơ bát ngát 

Đất trời say thu đó chăng 

  

Ru đời ta quặn đau chất ngất 

tình ta nằm sâu đáy đất 

Chớm thu hồn đã phai tàn 

Buồn trăng nước 

gió lùa bên song lá vàng bay tung 

sầu mênh mông đàn khóc trong đêm 

lửa thiêng nghiêng bóng 

Gọi người nhớ ai 

Thu năm xưa muốn còn tìm tới 

Em xa anh đôi miền đất xa trời 

Thu cô liêu và tôi cô liêu 

Thu úa héo tôi là tiếng thông reo 

Mùa thu chết sắp qua 

xót xa nỗi mình bão táp mưa sa 

Đi là mang sầu thương bến nước 

về muôn trùng dương nỗi ước trường giang 

Nhạc đã tắt. Âm thanh còn rung động sông nước. 

- Nhạc Việt Lang tuyệt vời. 

- Có ngôi thứ trong kháng chiến đấy. 

- Mai anh dạy em, nhé! 

- Sẽ dạy em tất cả nhạc kháng chiến lãng mạn. Từ Nhớ thành Tô của Tô Vũ, đến Ba Vì của Huy Du. Anh sẽ học chơi đàn Y pha nho đệm cho em hát. 

- Anh thấy chưa? Người ta phải tổ chức đêm thơ, đêm nhạc, hát ngâm cho nhiều người nghe. Thị xã có cầu Bo để em và anh hát và đọc thơ cho chúng mình nghe. Thơ mộng chưa, Luyến nghịch ngợm! 

- Hết được nghịch ngợm rồi. 

- Luyến đầu óc nhé! 

- Không, Luyến cụt chân! 

Hai đứa phá ra cười. 

- Mấy giờ rồi, anh? 

Luyến vén ống tay áo: 

- 5 giờ 30. Mình về thôi, em! 

Hai đứa về, vừa đi vừa trêu nhau. Đến đầu cầu, bắt đầu từ con dốc, Ngọc chạy lên đi trước. Con bé đi giật lùi. Để Luyến có vấp ngã, Ngọc kịp nâng lên. Hạnh phúc đang đến với hai đứa. Niềm vui bảng lảng khắp nơi. Chợt, môt chiếc xe cam nhông từ cầu Bo, chạy xuống phía hai người. Rồi, hai, ba, bốn, năm chiếc theo sau. Pháp chở tù binh cách mạng bị bắt trong cuộc hành quân Trái Chanh. Xe để trần, vì trời nóng. Mỗi chiếc chở chừng 30 tù binh, tay bị trói cánh khuỷu. Người nào người ấy, há hốc miệng, thè lưỡi ra, khát lắm. Chắc họ bị bắt từ sáng sớm, chưa được ăn uống gì. Họ ngồi tập trung một chỗ, phơi nắng suốt ngày. Ngồi trên xe căm nhông chật chội như nhét vào hộp, bị nắng thiêu đốt, thèm uống nước đến chết. Tù binh cách mạng toàn mặc quần đùi, áo cánh nâu, nhiều người không mặc áo, ở trần. Trông tận mắt, thấy cảnh tượng con người đối với con người ghê tởm quá, Luyến nổi giận: 

- Em về nhanh trước đi, Ngọc. 

- Không, em đứng bên anh. 

- Làm gì? 

- Để đưa anh về. Mắt anh ngầu đỏ, đang long lanh cơn phẫn nộ. 

Năm chiếc xe tù binh và ba xe jeep lắp đại liên hộ tống, không vào khu quân đội Pháp đồn trú. Mà chạy quẹo tới bệnh viện. Từ hôm, bắt đầu cuộc hành quân Trái Chanh, Luyến chưa hề thấy Pháp bắt tù binh. Hôm nay, Luyến mới chứng kiến tận mắt, và tin rằng Pháp đã bắt nhiều cách mạng, giam hết chỗ, đành đem ra chỗ bắn đại bác, đối diện bệnh viện, tạm nhốt vài hôm. 

- Tù binh không còn là con người nữa, em ạ! 

- Họ bị khát ghê quá. 

- Bị khát thè lưỡi như chó, khiến con người mất hết phẩm cách làm người. Đã đói chưa đủ, khát chưa đủ, còn trói con người, đầy ải cho nắng thiêu con người. Những bài học L’Amour de l’humanité người Pháp dạy anh, ngày xưa, đáng xé đi là vừa. Anh đến bệnh viện đây. 

- Cho em theo. 

Luyến ngạc nhiên. Khu pháo binh đặt đại bác câu đi đã di chuyển. Hàng rào ba lớp dây thép gai mới làm xong. Tù binh bị dồn vào. Chung quanh, lính da đen canh gác. Mấy khẩu tiểu liên sẵn sàng khạc đạn. Người ta cấm không cho dân thị xã đến gần. Luyến và Ngọc phải đứng ở thềm nhà, đằng xa. Tù binh đã xuống xe. Họ ngồi một chỗ. Không có nhà, có lều ở nơi đây. Đêm nay, họ sẽ sống ngoài trời. Sáu giờ chiều, dân thị xã biết gần hết. Dân mang nước, bánh đến cho tù binh. Lính da đen đuổi đi hết. Tù binh vẫn há hốc miệng, thè lưỡi như chó khát. 

Bên cạnh tù binh ngồi, cách một con đê cao, là sông Trà Lý. Con sông nước ngầu dỏ đang chảy ra biển. Tù binh chỉ được uống nước sông ngát phù sa đã tỉnh và, dần dần, biết mình còn làm người. Sự thèm khát khiến con người còn một chút ước mơ, cũng không bao giờ ước mơ tới. 

Bây giờ, con người khát lè lưỡi ra, dẫu được uống nưóc ao tù, nước cống hay nước tiểu cũng say sưa. Cái say sưa của người hết làm người. Tù binh không được uống một thứ nước gì! Lính da đen canh gác, thỉnh thoảng, uống hộp nước ngọt, một cách bình thường. 6 giờ 30, một xe jeep tới, mang lệnh của Hành dinh Pháp, cởi trói cho tù binh. 

Luyến cố nhớ lại ngày Nhật đảo chính Pháp ở thị xã Thái Bình. Nhật hành hạ Pháp, bắt Pháp kéo xe bò chở đá, lột giầy chân không, cho khát rã họng, thè lưỡi như chó. Pháp không thể trả thù Nhật. Phát căm giận phát xít Đức, Nhật. Đành trả thù dân Thái Bình, những người đã lén Nhật, đem nước cho Pháp uống ở bên kia cầu Bo. 

- Pháp cởi trói cho mình kìa. 

- Vẫn bắt khát. 

- Bắt người ta khát làm gì nhỉ? 

- Cho hết theo cách mạng chống Pháp. 

7 giờ. Trời đang nóng nực, bỗng trở nên oi nồng. Tiếng sấm đã nổi dậy. Gió bắt đầu thổi. Muốn mưa hay sao ấy. Tự nhiện, Luyến biến thành trẻ con. Nó cầu mưa. Lạy trời mưa xuống, lấy nước tù binh uống. 

- Cầu mưa đi, em. 

- Vâng, em đang thầm cầu. 

- Cầu to để trời nghe thấy. Chỉ có trời mới làm con người hết khát, lúc này. 

- Anh tin trời à? 

- Tin. 

Gió thổi mạnh. Sấm vang lừng. Chớp chiếu những tia an ủi. Một lát, trời mưa. Luyến nhìn về chỗ nhốt tù binh căng mắt. Mưa ầm ầm đổ. Nước xối xả rơi. Tù binh được cởi trói, nằm ngửa cả ra, há mồm rộng hứng nước mưa từ trên trời đổ xuống. Nơi tạm nhốt tù binh là khu đất phẳng phiu, không có lỗ chứa nước được, tù binh chẳng nằm sấp uống mà đành nằm ngửa. Nằm ngửa, nước không đủ đánh tan cơn khát, tù binh phải cởi áo hứng nưóc mưa. Tù binh nào mình trần, cởi luôn quần đùi hứng nước. Lính da đen dã mặc áo đi mưa, canh phòng kỹ hơn. Tù binh hứng ướt áo quần bèn vắt nước vào miệng. Cơn khát xuống dần. Trời vẫn mưa to không ngớt. Những ông nhà văn viết L’Amour de l’humanité, có thể, xem cảnh bắt khát của lính Pháp, viết lại tình yêu nhân đạo. 

Luyến bị lính Pháp bắn gẫy chân, chở vể bệnh viện săn sóc và an ủi khi Luyến lành bệnh . Luyến đã mang ơn Pháp. Bây giờ, Luyến lại ghét Pháp. Thì ra, Luyến đã quên cái thiện cho riêng mình, chỉ nhớ cái ác cho đồng bào Luyến. Thời chiến chinh, cái thiện đến rất ít, cái ác đến rất nhiều. Cái thiện làm theo cảm hứng, cái ác làm theo mệnh lệnh. Người ta không lường nổi. 

- Đi về, em! 

- Trời đang mưa lớn. 

- Anh muốn lê nạng gỗ dưới mưa. 

- Để làm gì? 

- Làm người Việt Nam bần tiện, thấy đồng bào mình thống khổ, vẫn thản nhiên quay đi. 

Ngọc chiều ý Luyến. Hai đứa bước trong mưa tầm tã. Quần áo bó lấy thể xác. Ướt như chuột. Tiếng gầm của sấm sét làm át tiếng nạng khua. 

114 

Tháng 10, chấm dứt các cuộc hành quân Trái Chanh, Trái Quít. Lính đã về đóng đầy thị xã. Nhiều hiệu ăn uống mở cửa. Ở bến ô tô, quán Sông Trà bán chè sen ngon lắm. Lính ra vào kín mít. Chỉ còn thiếu cao lâu của người Trung hoa. Tù binh trong cuộc hành quân, Pháp tách ra làm ba loại: Loại dân chúng bắt lầm, Pháp thả về ngay; loại dân quân, du kích, Pháp giữ ít ngày dọn dẹp trại, rồi cũng thả về; loại bộ đội chính quy, không người thân thích bảo đảm, Pháp đưa sang Nam Định, giam giữ lâu, chờ thời gian trao đổi tù binh. Lính Bùi Chu – Phát Diệm vẫn ở lại Thái Bình. Còn nhiều cuộc hành quân khác. Trái Chanh, Trái Quít đã thành công. Hưng Nhân, Tiên Hưng, Đông Hà coi như đã ổn dịnh tình hình. Bộ đội chính quy tiêu tan trong cuộc hành quân này. Lính pác ti dăng đóng quân nhiều nơi, không còn ngại cách mạng nữa. 

Lình Bùi Chu – Phát Diệm tản bộ trên đường phố thị xã. Bây giờ, dân chúng mới gặp đích thực sức mạnh của linh mục Hoàng Quỳnh. Họ phần đông là nông dân hiền lành, chất phác, những con chiên ngoan đạo nhất của nhà thờ Bùi Chu, Phát Diệm. Hoàng Quỳnh đem tiền bạc và thế lực của mình tuyển họ vào lính, giữ gìn an ninh vùng tự trị. Thì họ vào, vì tiền bạc. Họ không vì thù hận cách mạng, Hoàng Quỳnh bảo họ đi dẹp cách mạng. Thì họ đi, vì lệnh cấp chỉ huy. Hoàng Quỳnh bảo họ sang Thái Bình. Thì họ sang. Dân thị xã không ghét Hoàng Quỳnh, thù hận Hoàng Quỳnh. Mà lại ghét lính Bùi Chu – Phát Diệm, thù hận lính Bùi Chu – Phát Diệm. 

Bên này phố Lê Lợi, hai người lính Bùi Chu – Phát Diệm tha thẩn bước. Họ đeo cả thánh giá vào cổ. Ra trận cũng như đi chơi. Họ dễ thương không ngờ, nói năng ngọng nghịu đến thương hại. Tiền lương Pháp trả họ, Hoàng Quỳnh ăn hết một nửa. Họ không dám vào hiệu ăn uống, mua sắm ít quà Thái Bình đem về cho vợ con. Họ chỉ nhìn và thèm thuồng. Đằng xa, toán lính pạc ti đăng đi lại, vây chặt hai người lính Bùi Chu – Phát Diệm. 

- Ê mày, lính gì vậy? 

- Thưa anh, lính Bùi Chu – Phát Diệm. 

- Đi hành quân Trái Chanh, Trái Quít giết nhiều Việt Minh không? 

- Nhiều. 

- Được thưởng chưa? 

- Ai thưởng hở, anh? 

- Bố Pháp! 

- Chưa. 

- Vậy hả? Bố Pháp quên lính Bùi Chu – Phát Diệm thì Pác ti dăng nhớ. Đây lĩnh tiền thưởng! 

Toán lính pác ti dăng hùa nhau đấm đá hai người lính Bùi Chu – Phát Diệm. Pác ti dăng đánh họ rất đau. Những trái đấm nhằm mắt họ. Những trái đá nhằm bụng họ. Lính Bùi Chu – Phát Diệm không kịp đỡ. Họ tối tăm mắt mũi: 

- Sao lại đánh tôi? 

- Về hỏi thằng Hoàng Quỳnh. 

- Lạy các anh, tha chúng tôi… 

- Cút về Bùi Chu – Phát Diệm của chúng mày ngay! Rừng nào cọp ấy, đất Thái Bình của chúng tao, nghe chưa? 

Pác ti dăng vẫn đấm đá lính Bùi Chu – Phát Diệm. Lính Pháp ngồi trên jeep phóng qua, thấy lính Việt Nam ẩu đả với lính Việt Nam, lờ đi, chẳng can thiệp. Lính da đen mặc kệ, còn mải tìm y tá chữa bệnh lậu. Bảo chính đoàn lỉnh sang phố khác. Tòa tỉnh trưởng không dám lên tiếng. Pác ti dăng cứ việc tự do hành hung lính Bùi Chu – Phát Diệm. Linh mục Hoàng Quỳnh không biết. Những vết thương trên thân thể hai người lính Bùi Chu – Phát Diệm biết, không nói được. Những lính pác ti dăng yêu Việt Minh, ghét Pháp, thù Bùi Chu – Phát Diệm, đánh hai người lính Bùi Chu – Phát Diệm rã người, gục xuống. 

- Các ông tha chết cho chúng mày. Lúc tỉnh hãy nhớ: Các ông không muốn nhìn lính Bùi Chu – Phát Diệm ở Thái Bình ngày nào nữa. 

Toán lính pác ti dăng bỏ đi, tìm lính Bùi Chu – Phát Diệm khác, để mặc hai nạn nhân khốn nạn đang lồm cồm bò dậy. Dân thị xã không một chút tình thương cho họ. Dân thị xã quả quyết rằng, năm xe căm nhông chở tù binh cách mạng bỏ đói, bỏ khát hôm nọ, lính Bùi Chu – Phát Diệm đóng góp nhiều công lao vào. Cái thù này đẻ ra cái thù khác, chẳng bao giờ hết được. Bên kia phố Lê Lợi, lính pác ti dăng cũng đang hỏi tội lính Bùi Chu – Phát Diệm. Ở các phố nhỏ giống phố chính, người ta đang truy nã nhau. Cùng đánh Việt Minh, một số lớn pác ti dăng lại yêu Việt Minh ghét Pháp và thù Bùi Chu – Phát Diệm. Phải chăng, Việt Minh đã lũng đoạn lính pác ti dăng? 

Tin lính pác ti dăng đánh lính Bùi Chu – Phát Diệm vang động cả thị xã. Dân chúng hả hê lắm. Người buồn tênh là Lê Huy Luyến. Luyến không trách móc, không tỏ vẻ cay cú lính Bùi Chu – Phát Diệm. Luyến chỉ khinh bỉ thái độ của Hoàng Quỳnh, chở căm thù thêm vào vùng trời Thái Bình. Những người lính Bùi Chu – Phát Diệm bị đánh oan sẽ không hiểu tại sao mình bị đánh. Họ đã bị hận thù theo rõi. Hận thù đón mọi ngả để thanh toán mọi người, trên quê hương Việt Nam. Một ngày, hàng chục lính Bùi Chu – Phát Diệm bị xử tội công khai, bị tra tấn công khai, dưới mắt giả vờ mù của Pháp, dưới mắt thông manh của Bảo Hoàng. Người lính già pác ti dăng hỏa đầu quân đã dọa không sai. Mới đánh, chưa phơ. 

Sáng hôm sau, mở cửa quét hè, người làm của ông chủ hiệu sách Đông A phát giác có máu chẩy từ cái bảng hiệu trên mái nhà, đầy hè. Ông Đông A đi trình cảnh sát. Cảnh sát tới, bắc thang leo lên. thấy ba cái đầu lâu nằm sau bảng hiệu. Cảnh sát bê từng chiếc đầu lâu xuống, bầy trên vỉa hè. Tin loan mau lẹ, thị xã biết hết, kéo nhau đến xem. 

- Khiếp quá! 

- Sao lại chỉ có đầu lâu? 

- Dân thị xã hay Việt Minh? 

- Lính thanh toán nhau đấy mà. 

- Lính nào với lính nào? 

- Lính Bùi Chu – Phát Diệm bị giết. 

- Ai giết? 

- Không biết. 

Cảnh sát viên nói: 

- Họ bị giết vào khoảng nửa đêm. Thân thể họ cũng gần đâu đây thôi. Mà sao lại chơi ác thế? Giết một nơi, cắt đầu lâu đem bỏ một nơi. 

Một người dân: 

- Họ nhè ông Đông A đổ nợ, lạ thế? 

Người dân khác: 

- Ông Đông A thân thiết với cha Chỉnh. 

Chưa biết đâu vào đâu, một người đã hớt hơ chạy tới hiệu Đông A: 

- Ông Bình An cũng đi trình cảnh sát. 

- Việc gì? 

- Hai cái đầu lâu dính sau bảng hiệu. 

- Bình An người Lạc Đạo. Tới xem đi. 

Chuyện trở nên quan trọng. Đến nỗi ông tỉnh trưởng phải đến, đại úy quân đội Pháp phải ra để điều tra. Luyến đã biết ai giết ai rồi. Phơ, chúng nó sợ, cút ngay về Bùi Chu – Phát Diệm, cho ăn kẹo cũng không dám bén mảng sang Thái Bình. Người lính già hỏa đầu quân pạc ti dăng đã nói thế. Lính pác ti dăng bỏ đầu lâu trên bảng hiệu Đông A là cảnh cáo Đông A thân thiết với linh mục Nguyễn Văn Chỉnh, trên bảng hiệu Bình An là răn đe dân Lạc Đạo. Có Việt Minh dúng tay vào nên lính pác ti dăng mới chơi đẹp mắt. 

Một tiếng đồng hồ sau, cảnh sát tìm ra năm cái xác trần truồng như nhộng. Quân đội Pháp chở hết vào bệnh viện dã chiến của họ. Tòa tỉnh trưởng ra lệnh nghiêm cấm kẻ nào nhắc tới chuyện này. Không ai dám nói. 

Lính Bùi Chu – Phát Diệm được lệnh phải rút quân về. Từ đó, lính Bùi Chu – Phát Diệm không sang Thái Bình nữa. 

Khoa học lớp đệ tứ, niên học 1951-1952, trường trung học tư thục Trần Lãm. Cậu Trần Khoa chuẩn bị thi trung học, năm nay. Em gái cậu, cô Cẩm Tú, học lớp đệ lục, cô Chi Mai, học lớp đệ thất, trường trung học công lập Nguyễn Công Trứ. Anh trai cậu, Trần Vũ, còn trong bộ đội chống Pháp. Thời đại cứ xoay và mọi người cứ sống…

 (Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn