BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ỦY BAN KIỂM TRA * Số: 751-/BCKTTW TỐI MẬT | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2001 |
BÁO CÁO
Về việc giải quyết thư phản ánh đối với đồng chí Lê Đức Anh, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng
Vừa qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã nhận được nhiều đơn thư của cán bộ, đảng viên phản ánh có liên quan đến đồng chí cố vấn Lê Đức Anh, với nội dung tóm tắt như sau:
1 - Thường xuyên dự sinh hoạt với Bộ Chính trị và dự kiểm điểm của Bộ Chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) vì sao đồng chí không đưa vấn đề Quyết định 234 và thành lập bộ phận A10 ra phê bình, góp ý kiến với đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, mà để đến nay, vào thời điểm sát Đại hội IX mới đưa ra, phải chăng là sự vận động chia rẽ bè phái trong Đảng.
2 - Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã cho Trợ lý đi thông báo ý kiến riêng của mình, phát biểu trước Hội nghị Trung ương phê phán đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục chính trị.
- Đồng chí đã gửi văn bản cho Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo và Cục trưởng Cục An ninh quân đội về ý kiến của Bộ Chính trị đối với quyết định 234 và chỉ thị phải thực hiện một số việc theo ý kiến riêng của mình.
- Trong dip tết Nguyên đán Tân Tỵ (2001), khi vào miền Nam tiếp xúc các tướng lĩnh quân đội, đồng chí đã nói về Hội nghị của Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương lần 11 kiểm điểm đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Phạm Thanh Ngân vi phạm nguyên tắc Đảng; đồng chí Lê Khả Phiêu không xứng đáng làm Tổng Bí thư.
3 - Đã thiếu tôn trọng vai trò, vị trí của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương; thiếu tôn trọng tập thể, thiếu bình đẳng, thường áp đặt ý kiến riêng không khách quan, không công bằng; thậm chí sử dụng lực lượng tình báo theo ý kiến cá nhân.
4 - Báo cáo thiếu trung thực một số vấn đề về lịch sử bản thân như: thành phần bản thân, ngày vào Đảng, về gia đình vợ cũ, về thực hiện một số nhiệm vụ được giao trước đây.
Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 05 - 3 - 2001 (Công văn số 583-CV/TW, ngày 09 - 3 - 2001) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nghiên cứu, xem xét các nội dung phản ánh nói trên. Xin báo cáo Bộ Chính trị như sau:
1 - Về việc thư phản ánh nêu đồng chí Lê Đức Anh biết quyết định 234 sớm, nhưng để đến sát Đại hội IX mới phê phán đồng chí Lê Khả Phiêu: Theo báo cáo của đồng chí Vũ Chính, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo, khoảng tháng 6 năm 2000 đồng chí có báo cáo với đồng chí Cố vấn Lê Đức Anh về quyết định 234 và Kế hoạch A10 do đồng chí Lê Khả Phiêu ký là sai. Đến Hội nghị Bộ Chính trị bàn chuẩn bị nhân sự Đại hội IX (5 - 1 - 2001) việc này mới đưa ra Bộ Chính trị xem xét. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa có điều kiện để xem xét, kết luận về ý kiến phản ánh.
2 - Về việc sau Hội nghị Trung ương 11 đồng chí Lê Đức Anh cử trợ lý đi thông báo ý kiến riêng của đồng chí: Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11, đồng chí Lê Đức Anh đã cử đồng chí trợ lý Nguyễn Bắc Son đi gặp trực tiếp một số đồng chí lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương và tướng lĩnh quân đội. Đồng chí Nguyễn Bắc Son đã đến gặp 19 đồng chí: Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết, Tố Hữu, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Thanh Bình, Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Trần Văn Quang, Đặng Quân Thụy, Hoàng Anh, Nguyễn Chơn, Trần Lê, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Trọng Xuyên, Lê Hai, Phạm Văn Long, Nguyễn Thị Bình. Nội dung cuộc gặp là truyền đạt ý kiến của Cố vấn Lê Đức Anh thông báo một số vấn đề có liên quan đến Bộ Chính trị bàn về nhân sự Đại hội IX; đọc nguyên văn quyết định số 234, Kế hoạch A10 và bài phát biểu của đồng chí Lê Đức Anh tại Hội nghị Trung ương 11. Việc làm trên là vi phạm nguyên tắc.
- Tại Hội nghị ngày 5 - 1 - 2001, Bộ Chính trị thảo luận phân tích việc đồng chí Lê Khả Phiêu ký quyết định số 234 là vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể và đã chỉ thị phải hủy bỏ ngay Quyết định 234 và giải tán ngay bộ phận A10; nhưng không kết luận việc lập bộ phận A10 với động cơ mục đích theo dõi nội bộ cán bộ cấp cao và cũng chưa có cơ sở để kết luận bộ phận A10 đã tổ chức theo dõi nội bộ cấp cao. Nhưng ngày 9 - 1 - 2001, đồng chí Lê Đức Anh đã có văn bản gửi Tổng cục Tình báo và Cục An ninh quân đội, yêu cầu: “phải chấm dứt ngay mọi hoạt động như việc điều tra Ủy viên Bộ Chính trị; việc lấy danh nghĩa và uy tín quân đội để vận động cho người này, nói xấu người kia, nói xấu các đồng chí Cố vấn, phát biểu mập mờ để gây nghi ngờ một số đồng chí Bộ Chính trị”.
Việc đồng chí Lê Đức Anh ra văn bản ngày 9 - 1 - 2001 chỉ thị cho Tổng cục Tình báo và Cục An ninh quân đội phải chấm dứt ngay mọi hoạt động điều tra Bộ Chính trị … là không đúng về nội dung kết luận của Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 5 - 1 - 2001 và vượt quá thẩm quyền đồng chí Cố vấn.
3 - Về ý kiến phản ánh đồng chí thiếu tôn trọng Trung ương, không khách quan, không công bằng … Đối với nội dung này Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa có điều kiện xem xét đầy đủ. Nhưng có một số việc như: Việc máy bay Lý Tống rải truyền đơn phản động ở thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh, ngày 17 - 11 - 2000 và bắn nhầm máy bay dân dụng, ngày 18 - 11 - 2000, có liên quan trách nhiệm và khuyết điểm của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà và một số đồng chí khác; Bộ Chính trị đang chỉ đạo kiểm điểm xử lý những tập thể và cá nhân liên quan. Nhưng tại Hội nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương, ngày 12 - 11 - 2001, đồng chí Lê Đức Anh phát biểu là trong tình hình hiện nay mà đặt vấn đề kỷ luật các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng sẽ gây hoang mang trong quân đội, là thiếu trách nhiệm với Tổ quốc. Ngược lại, đối với đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư của Đảng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, thì đồng chí đã quy kết nặng nề và đặt vấn đề phải thông báo cho các cấp uỷ trong toàn Đảng và các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong toàn quân. Đồng chí còn biết rõ vụ Xiêm Riệp, xảy ra từ năm 1983 và đã được xử lý xong. Đồng chí Lê Khả Phiêu không ở trong số các đồng chí có trách nhiệm phải xem xét, nhưng đến nay, đồng chí lại đưa vấn đề này ra Bộ Chính trị để xem xét.
Qua các sự việc đã xem xét cho thấy, khuyết điểm của đồng chí Lê Đức Anh đã gây phân tâm và mất lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân đối với Đảng, tạo sơ hở để các phần tử thù địch và cơ hội lợi dụng gây chia rẽ, bè phái trong Đảng.
Còn nội dung thứ 4 và một số vấn đề khác chưa đủ thời gian và điều kiện xem xét, kết luận. Vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xin báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: - Thường vụ Bộ Chính trị (để báo cáo) - Lưu hồ sơ | T/M ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG PHÓ CHỦ NHIỆM Đã ký Vũ Quốc Hùng |
Gửi ý kiến của bạn