Tự do tư tưởng là đặc ân to lớn nhất mà Tạo Hóa đã ban cho con người, trong đó có ước mơ và hy vọng. Mỗi cá nhân, gia đình và xã hội mất đi hy vọng sẽ không có tương lai. Tôi thường cho phép mình nương náu vào một góc nào đó để suy nghĩ, như một lối thoát tạm thời khỏi bối cảnh mà tự do dường như bị tước đoạt trong mọi ngõ ngách của đời sống. Tôi chia sẻ cảm xúc với nhân vật Ngư Ông (trong Ngư Ông và Biển Cả của Hemingway), đơn độc với cuộc chiến đấu giữa biển khơi mà không hề mất đi hy vọng, vì rằng: “Tư duy là hạnh phúc”. Tôi viễn vông và tản mạn, chọn kịch bản và vai diễn nầy để nói lên điều suy nghĩ của mình, về một cung đường cần phải đi qua để bắt đầu cuộc hành trình tiến về tự do và phát triển... Xin lỗi tất cả bạn đọc, dưới đây chỉ là bài diễn văn giả định, hoàn toàn không có thật, của một công dân muốn diễn đạt ý kiến của mình, với động cơ xây dựng. Có điều gì gây xúc phạm, xin thứ lỗi cho.
Hạ Đình Nguyên
(09/02/2012)
(09/02/2012)
BÀI DIỄN VĂN GIẢ ĐỊNH CỦA MỘT TỔNG BÍ THƯ TƯỞNG TƯỢNG
Thưa đ/c Chủ tịch Nước,
Thưa đ/c Chủ tịch Quốc Hội,
Thưa các đồng chí,
Thưa quý vị đại biểu,
Thay mặt Bộ Chính Trị Trung ương Đảng, với tư cách là Tổng Bí Thư, tôi xin chúc sức khỏe đến tất cả các vị.
Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, tại hội trường này, với tư cách là đại diện cho bộ máy lãnh đạo cao nhất của quốc gia Việt Nam, có trách nhiệm trả lời một câu hỏi lớn.
89,6 triệu đồng bào đang hỏi chúng ta: Đảng CSVN, với tư cách là một chính đảng duy nhất, nắm quyền lãnh đạo trực tiếp và toàn diện Quốc gia, với 36 năm Độc lập, có còn đủ khả năng và tầm nhìn để giữ vững được nền Độc lập và xây dựng một nước VN Dân chủ và Thịnh vượng, trong thời điểm nhiều biến động của tình hình khu vực và thế giới hiện nay không? Và trong mỗi chúng ta, có tự đặt ra cho mình câu hỏi nầy không ?
Tôi tin là có.
Dù câu trả lời như thế nào, khẳng định hoặc là hoài nghi, thì nhất thiết, phải là sự trả lời đầy đủ trách nhiệm, với sự trung thực, phản ánh chính xác nhân cách của mỗi chúng ta, và tư cách của một đảng viên Đảng cầm quyền!
Chúng ta đang ngồi đây, tập thể này, là tượng trưng cho sức mạnh của Quốc gia VN. Nói tượng trưng, vì sức mạnh đó, đích thực nằm trong nhân dân, là tất cả công dân cụ thể trên toàn thể lãnh thổ hình chữ S nầy, cùng với con em họ đang ở trong guồng máy, và người VN ở ngoài lãnh thổ, với tinh thần thấm nhuần truyền thống và văn hóa dân tộc có sẵn của 4000 năm lịch sử, cùng với sự tiếp cận không ngừng về nhận thức và văn minh của thời đại.
Chúng ta có trách nhiệm với sức mạnh nầy.
Đất Nước VN ở một vị trí địa lý đặc biệt.
Nền chính trị của chúng ta cũng đặc biệt.
Tình thế của Thời đại đòi hỏi chúng ta phải thông minh, cởi mở và có bước đi chính xác, không để mất năng lượng của quốc gia, không cho phép chúng ta thức dậy muộn màng, hãnh tiến và hưởng thụ.
Phần lớn, các vị đến đây bằng máy bay, số rất ít bằng ô tô, chắc chắn không ai đến đây bằng xe đò. Đúng không ? Tất cả quý vị đều ăn mặc tươm tất, văn minh gấp nhiều lần so với các đại biểu đi dự hội nghị TW ở Tân Trào cách đây hơn nửa thế kỷ. Tôi biết, đa số chúng ta, trong đó có tôi, đều có nhà cửa khang trang, có đầy đủ tiện nghi cho gia đình, và còn có thể hơn thế nữa. Và hơn như thế rất, rất nhiều ! Quý vị cũng có con cái, phần lớn đi học nước ngoài, ở các nước có nền văn hóa, văn minh cao hơn chúng ta, xem như 99% là các nước Tư bản, mà có người trong chúng ta đang ngồi đây, vẫn thường nói, đó là nơi mà chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết. Tôi biết, dù đồng lương tượng trưng của chúng ta không bao nhiêu, nhưng thu nhập thực tế thì cao hơn nhiều, hơn rất nhiều, bằng cách nào đó, và bằng nhiều cách, rất nhiều cách "khôn ngoan" và tinh vi…Như thế, chúng ta có thể nói gì với nhân dân ? Vì có nhiều điều không thật. Nhân dân cười to trong bụng khi nghe chúng ta nói về hai chữ "trong sạch", "vững mạnh"!
Về phương diện tinh thần, với tư cách là một Quốc gia độc lập, tuy các chỉ tiêu xếp hạng, theo tiêu chí LHQ, là thấp, rất thấp, về kinh tế, về giáo dục, về thông tin, về dân chủ, nhân quyền, về nhiều chỉ tiêu khác nữa… Nhưng tiếng nói của chúng ta vẫn vang lên một cách bình đẳng ở các diễn đàn Quốc tế. Các cấp lãnh đạo, kể cả các ban ngành của chúng ta đều ngồi ngang hàng với các cấp tương đương của các nước lớn. Tiếng nói đó cũng được chú ý, được lắng nghe, cũng được tôn trọng. Có vị đi về, nói với tôi, là rất hãnh diện, VN ta ngày nay đang nở mày nở mặt với năm châu bốn biển, không như ngày nào gian khổ trong lao tù, trong rừng sâu, nước độc của giai đoạn chiến tranh vệ quốc. Nhưng ngược lại, cũng có vị nói rằng rất áy náy, rất xấu hổ, thậm chí vô cùng xấu hổ trong lòng, về những kém cỏi và lạc hậu không đáng có, so với một số quốc gia khác trong khu vực với thời gian ngắn hơn nhiều, đã làm nên những bước phát triển ngoạn mục. Sự hãnh diện lẫn xấu hổ đó đều xuất phát từ lòng yêu nước của chúng ta thôi. Phải không, thưa các vị? Có chắc là như vậy? Dù sao, đó vẫn là vinh dự lớn lao cho chúng ta ngày hôm nay, vì vinh dự đó, các thế hệ Cách Mạng Tiền Phong của chúng ta chưa có được, bởi còn phải đang nằm rừng, lội suối?
Nhưng tôi nghĩ không ai trong chúng ta phủ nhận được sự thật rằng, tất cả những gì chúng ta có hôm nay, về vật chất và tinh thần, kể cả những cảm xúc áy náy và xấu hổ kia, đều gắn liền với xương và máu của nhiều thế hệ trước, của nhân dân, của cả 100 năm đấu tranh vô cùng gian khổ.
Chúng ta không thể nào quên được điều đó.
Chúng ta không theo chủ nghĩa ngợi ca sự khổ hạnh, theo cách hình thức khoa trương và mị dân, nhưng đích thật, chúng ta xem những hy sinh đó là thiêng liêng. Quên điều nầy là đồng nghĩa với phản bội. Quên không chỉ có nghĩa là không nhớ, mà còn có nghĩa là không làm theo, hoặc làm trái lại với những khát vọng mà vì đó các thế hệ thanh niên, hàng hàng lớp lớp đã hy sinh. Đó là khát vọng Độc Lập-Dân Chủ-Thịnh Vượng của dân tộc.
Quá khứ đó là truyền thống yêu nước cho phép chúng ta tự hào, xứng đáng tự hào, và nó đã chứng minh qua trường kỳ kháng chiến với ba cuộc chiến tranh liên tiếp với các đối thủ có tầm vóc thế giới: Pháp thực dân, Mỹ đế quốc và TQ bành trướng. Thế giới đã hiểu và khâm phục lòng yêu Nước, yêu Độc Lập của nhân dân ta mạnh mẽ và kiên trì như thế nào? Điều đó cũng chứng tỏ về một khả năng và bản lĩnh vươn lên của một dân tộc kiên cường và thông minh.
Và hôm nay đây, chúng ta thấy gì nơi bản thân chúng ta, trong trái tim chúng ta, trước câu hỏi lớn mà nhân dân đã nêu ra?
Thưa các đồng chí, thưa quý vị,
Độc lập đã đạt, và sau 36 năm, ta đã làm gì? Chúng ta có phải là thế hệ góp phần làm nên, hay là thế hệ hưởng thành quả? Câu trả lời là cả hai. Nhưng có lẽ là phần hưởng thì nhiều hơn, hoặc là quá nhiều, mà phần làm thì không tương xứng? Đôi khi, tưởng chừng như có đứa con hư, bán gia sản của ông cha để tiêu xài phung phí, ăn chơi tới bến? Nói như vậy, có phần quá đáng chăng? Rất mong là như thế! Nếu Độc lập chỉ để cho một lớp người phồn vinh và toan tính chuyện chia chác, nối ngôi nhau nhau quyền và lợi ở xứ sở nầy, thì lớp lớp người đã nằm xuống, đương nhiên là không thể trồi dậy từ các nghĩa trang hay nơi nào đó, trong rừng núi, đồng bằng, sông lạch hay biển cả, nhưng những người còn sống và cả nhân dân sẽ nghĩ sao? Trên thế giới ngày nay, chỉ còn một nước Bắc Triều Tiên thôi, không tính tới các bộ lạc xa xôi, mới có cách hành xử bội bạc, không dân chủ và thiếu trí tuệ như thế kia!
Trở lại câu hỏi lớn mà nhân dân đã nêu ra.
Nhà ái quốc có tầm nhìn vượt thời gian Phan Chu Trinh đã nhắc nhở ta những điều gì? Có dân trí, dân sinh, dân chủ mới giữ được Độc lập dân tộc. Ba mươi sáu năm độc lập và trực tiếp cầm quyền, Đảng ta đã làm gì với 3 yêu cầu cực kỳ quan trọng nói trên mặc dù chúng ta luôn hô to khẩu hiệu Do Dân, Vì Dân, mà thật sự thì như thế nào?
Chúng ta có thể liệt kê được nhiều thành tích lớn lao, nhưng là theo cách “cả vú lấp miệng em”. Lấy cái được che chắn cái không được, cái trước mắt che cái lâu dài, cái phù phiếm che cái căn cơ, cái hưởng thụ che lấp sự hy sinh âm thầm và đau khổ, cái thiểu số che lấp cái đa số, nói không thật thay cho dối trá, cái ác nở rộ thay cho lòng nhân ái, gian dối thủ đoạn thay cho công bằng, lương thiện…
Các vị Thủ trưởng hãy phản biện đi.
Tôi lắng nghe. Tôi mong muốn, và nhân dân cũng thế, rất mong muốn ai đó trong chúng ta ngồi đây, có thể nói lên điều ngược lại, mà có sự thuyết phục để làm cho trái tim chúng ta và nhân dân cả nước bừng tĩnh, hân hoan như một ngày hội lớn, nhìn chúng ta với con mắt tin yêu và kính trọng?
Nhưng tôi biết, trước hết các vị sẽ kể một số thành tích, nhận một số khuyết điểm và một ít hạn chế năng lực theo công thức khiêm tốn mà Đảng đã dạy, đã cũ và rất sáo mòn, sau đó sẽ nói nhiều về các nguyên nhân khách quan, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cuối cùng là hứa hẹn rằng sẽ nghiêm túc khắc phục, những điều mà thâm tâm biết rõ là không khắc phục được, hoặc không muốn khắc phục. Nếu cần và lắm lúc, ta nhắc lại lời của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh để tỏ rõ ta đã rất thấm nhuần tư tưởng và tâm huyết của Người. Chúng ta biết rõ, lời nói, hành động xuất phát từ sự suy nghĩ chân thực, mới có sức thuyết phục người nghe. Ngược lại, lời nói chỉ như gió thổi trên đồng trống, vu vơ!
Tôi biết cái lỗi không ở duy nhất nơi các vị Thủ trưởng, cũng không phải của cả đơn vị, từ cấp trên xuống đến cán bộ, nhân viên. Không ở một ai, nên có thể là tất cả. Mà tất cả, lại là không ai hết. Cái lỗi nầy do ai gây nên đây ? Nếu có trách các vị, thì chỉ một lỗi nhỏ thôi, nhưng lại rất căn bản. Đó là sự thiếu dũng cảm. Hình như điều nầy có hầu hết ở chúng ta ? Không phải đức tính dũng cảm trước sự sống chết trong chiến tranh, mà là dũng khí vượt qua chính mình, về nỗi đam mê quyền lợi của cá nhân và của phe nhóm trong hệ thống bộ máy đầy lỗi, đang là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay. Và cũng có phần do một loại tri thức có tính máy móc, giáo điều, ràng buộc, như con ngựa bị che bờm, chỉ biết đi về một hướng theo chiếc roi của ai đó ngồi trên lưng. Các vị có dám đứng lên phản biện trước BCT không, về một sự thật nào đó ? Nếu không hợp khẩu vị BCT, chắc chắn các vị sẽ mất chức. Tại sao gọi là khẩu vị ? Vì BCT tự do, không nằm trong một luật định nào cả, nó gói gọn trong một nhóm gồm mười mấy con người ấy thôi. Không tạm gọi là khẩu vị thì gọi là gì ?
Dám nói và chấp nhận sự mất chức, xem chức nhẹ tợ lông hồng, đó là phẩm chất làm quan thanh liêm của một số người làm quan đời xưa, nhưng nay đó là phẩm chất của thời đại và có giá trị phổ quát. Dân chúng đòi hỏi và yêu quý điều nầy, và rất cần điều nầy. Làm quan mà không có phẩm chất làm quan thì tệ hơn dân thường, vì dân thường không thể gây tai họa lớn cho Quốc gia, bởi sự ràng buộc của luật pháp, đạo đức xã hội và thân phận làm dân.
Tôi sẽ lần lượt nói về ba việc mà tôi cho là cần nói lúc nầy, là Kinh Tế, Giáo Dục và Tư Tưởng, cùng với khái niệm về một vài từ ngữ cần xác định lại cho rõ thêm.
Tôi e rằng ngồi lâu sẽ làm giảm sức khỏe của quý vị, làm mất nhiều thời gian, vì quý vị cần phải trở về để lo việc công, hay việc riêng tư cấp bách nào đó đang chờ đợi. Tôi xin nói rất vắn tắt.
Về kinh tế, có lẽ ai cũng biết, nó đã và đang bị phá sản một cách có hệ thống. Nó đang rơi tự do. Nó làm tan hoang cái vốn liếng của hơn hai mươi năm tích lũy được, kể từ khi đổi mới một mảng, (chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường), do sức lao động tay chân và lao động trí óc, trước hết của người nông dân, sau đó là nhiều thành phần khác, bởi sự làm việc rất kiên trì và rất chân thực mà có được. Nó đã làm cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên mà ông cha nhiều đời giữ gìn và giao lại. Nó cũng làm nhẵn túi vốn vay và vốn viện trợ của các quốc gia khác. Vốn vay mượn đó giờ đây là một của nợ khổng lồ cho trẻ con 10 tuổi trở xuống và những đứa bé mà mẹ chúng nó sẽ sinh ra sau nầy phải trả, trả bằng cách nào chưa ai biết được, là nai lưng đi làm thuê, làm mướn công khai, làm thuê trá hình hay là một kiểu nô lệ mới ?
Bù lại, chúng ta đang có được gì ? Một số dinh thự, cao ốc (một số do nước ngoài đầu tư và làm chủ), đường sá, cầu cống, các trụ sở của Ủy ban các cấp, của Đảng ủy các cấp, khá hiện đại, hoành tráng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những biệt thự, nhà thờ Tộc nguy nga, thời thượng… Những chuyến đi lại vi vu trong nước, ngoài nước, những hoạt cảnh ăn chơi kín hở…Các Tập đoàn, các Tổng Công ty Nhà nước, các Ngân Hàng…, ai cũng biết rồi, đó là những nhà ảo thuật đại tài, biến "Có" thành "Không", không kém gì Tề Thiên Đại Thánh…Cuối năm 2011, tổng kết tạm, có trên dưới 50.000 doanh nghiệp phá sản, số chết lâm sàng, đang và sẽ, chưa thể biết là bao nhiêu ! Đời sống nhân dân đang được “nâng lên một bước” đi về hướng khó khăn và cơ cực. Cướp bóc, giết người, các loại đạo tặc đang tự phát phát triển mạnh hơn vạn lần biểu tình, sinh hoạt văn hóa xuống cấp và nhếch nhác chưa từng có…Đặc biệt, tham nhũng tung hoành đến hoa mắt. Kinh tế đã thế, vốn liếng tinh thần, tài sản văn hóa của dân tộc còn lại gì để làm sức mạnh, làm động lực cho cuộc vươn lên ? Thanh niên Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có niềm tự hào và động cơ mạnh mẽ cho cuộc tranh đua, một bộ phận Thanh niên TQ đang nuôi mộng bá chủ. Thanh niên ta thì bơ vơ, không nhìn thấy mục tiêu, chi nghe toàn là từ ngữ mơ hồ, bóng bẩy. Một bức tranh xã hội loang lổ, không có lấy một mảng xanh cho dịu mắt… Chúng ta không thể đổ lỗi toàn bộ cho sự suy thoái kinh tế toàn cầu, nhẹ nhàng như “nắng mưa là chuyện của trời…” giống một câu ca trong tình yêu nam nữ.
Có ý kiến cho rằng, hệ thống kinh tế của chúng ta là một hệ thống bóc lột, móc túi người dân với nhiều loại kỹ năng thiện xảo, biết ăn mày quá khứ, vừa biết ăn hớt tương lai. Thuế cho nhà nước, đã đành, còn "thuế","phí"... cho quan chức các cấp, các cấp của nhiều ban ngành, trong mọi giao dịch của nhân dân, từ giao dịch hành chánh đến chuyện làm ăn, nhà ở . “Đất đai là sở hữu của toàn dân” là mệnh đề gốc của tham nhũng quy mô lớn và đều khắp non sông đất nước. Vốn vay và vốn ODA là “suối nguồn tươi trẻ” của mùa xuân tham nhũng. Tất cả để nuôi bộ máy cầm quyền, phục vụ sự ổn định của nền cai trị cho vững vàng hơn. Chúng ta luôn luôn biết ơn Quân Đội, Công An, Cảnh Sát, tất cả là con em của nhân dân, ngày và đêm theo nghĩa cụ thể, đã giữ gìn biên cương Tổ quốc và an ninh trật tự xã hội, âm thầm xây dựng trận địa chiến đấu và sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh của chúng ta, vâng, chúng ta đang ngồi đây, dù bất cứ tình huống nào, họ cũng chịu đựng và không có lỗi, họ luôn sẵn sàng xả thân với trách nhiệm thiêng liêng của mình.
Ai chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế nầy ? Dĩ nhiên, hậu quả thì toàn dân chịu rồi, còn trách nhiệm thì ai ? Không ai cả.! Nếu vậy, là chính tôi, Tổng bí thư Đảng cầm quyền ! Đúng thế, mọi thắng lợi vẽ vang đều do Đảng, thì thất bại chẳng lẽ do ai khác ?
Tôi không muốn gây stress (bức xúc) cho quý vị, nếu có, thì cũng đành chịu, không biết làm sao hơn!
Tôi chuyển sang Giáo dục mong rằng nó nhẹ nhàng chăng ?
Về Giáo dục. Thảm hại về kinh tế không phải là tuyệt vọng không lối thoát, dù rằng, cuộc chạy đua của thời đại là cực kỳ khó khăn. Bởi mọi sự đều do con người làm nên. Con người phá hoại được, thì con người xây dựng được. Cho nên, quan trọng hơn hết, vẫn là giáo dục, đào tạo con người. Nhưng con người không chỉ là con trai con gái của những ai đó, mà phải là đông đảo, cả thế hệ, nhiều thế hệ, con cái của cả dân tộc nầy.
Cố chủ tịch HCM nói: “sự nghiệp trăm năm trồng người”. Tôi e rằng như thế là hơi lâu, mà thậm chí có thể lâu hơn nữa, đến nỗi không biết bao giờ, nếu là “trồng con người xã hội chủ nghĩa”!. Nếu chỉ nói về trồng loại con người bình thường, không cao cả gì lắm, nhưng có thực, theo cách nhìn và tính toán trên cơ sở thực tế một số nước của các nhà nghiên cứu, chu kỳ cho một thế hệ, được giáo dục một cách đúng mực trong một hệ thống giáo dục tiến bộ, đến lúc trưởng thành và phục vụ xã hội một cách hiệu quả, để nâng xã hội lên bước phát triển , là 25 năm. Người ta cho như thế là quá lâu. Nếu có sự tiếp nối và nuôi dưỡng không đứt đoạn, cùng với sự nhạy bén thời cơ, thời gian đó đó sẽ được rút ngắn hơn. Nói một cách có nhân nhượng, chỉ tính từ ngày Độc lập đến nay là 36 năm, có thể nói luôn là 40 năm, vì hơn 3 năm nữa không mong gì có một sự đột phá, là chúng ta đã tiêu pha hào phóng hơn một chu kỳ, chưa tới nửa thế kỷ (!), với nhiều cơ hội đã vụt qua, liệu 25 năm tới đây, ta có hy vọng gì về một thế hệ mới đầy nhiệt huyết, đứng lên từ sự đổ đốn hôm nay ?
Chúng ta có thể nói gì về nền Giáo dục đang diễn ra ? Ai trong quý vị có thể đứng lên biện hộ cho mặt tích cực của nó ? Cái không được là quá nhiều, không lẽ đem so sánh với những năm chiến tranh ? Tuy nhiên, nền giáo dục trong chiến tranh đã đóng góp được rất nhiều cho chiến tranh, trong tình huống vừa dạy, vừa học vừa chiến đấu. Nhưng 36 năm hòa bình, độc lập, nền giáo dục hình như không đổi khác, không chuyển hướng, nó y một khung sườn chỉ đạo, với kiểu tư duy cực kỳ lạc hậu. Tại sao chúng ta có thể “vững vàng” và “kiên trì” với công thức của thời kỳ đã qua, đến thế ? Có thực sự là ta trung thành với chủ nghĩa Mác không ? Có khi ta chỉ giả vờ trung thành ở bên ngoài, còn cốt lõi thì đã khác. Mà hà tất phải trung thành với quá khứ một cách vô lối ? Sự giả vờ là không đem lại “chính danh”, mà tất yếu biến thành “bá đạo”. Tại sao ta không trung thành với tương lai? Nền Giáo dục của chúng ta đã làm hỏng tự căn cơ những giá trị chuẩn mực đạo đức tinh thần của dân tộc, nói gì đến giá trị thời đại đang ở tầm cao hơn ? Một vị bộ trưởng Bộ Giáo dục, khi thôi chức còn níu kéo gian dối 5-7000 đô la, gọi là học bổng để học tiếng Anh ở nước ngoài. Có một Oshin trong sách không làm như thế ! Không phải là tất cả, nhưng thí dụ nầy là biểu trưng cho sự thối đến nát về nhiều phương diện, từ nhân cách, đến năng lực, đến hệ thống. Tất nhiên chúng ta cũng có một số bông hoa đã nở tuyệt đẹp trong khu rừng nhân dân, nhưng do nổ lực cá nhân, do mưa do nắng của trời đất, do học tập bốn phương mà có, chứ nào phải do nền giáo dục của chúng ta. Nhưng những niềm tin và hy vọng đó của nhân dân về lớp người trẻ này có cơ may để phát huy khả năng, đóng góp một cách xứng đáng hay bị hoài phí một cách lặng lẽ ?
Theo cách thức đang vận hành như hiện nay, nền kinh tế và nền giáo dục đang lộ rõ con đường lao xuống dốc; cũng may còn có những tiếng kêu gào thống thiết, lại rất tiếc, chúng ta vờ như không nghe!
Thưa quý vị,
Thưa quý vị đảng viên, đại biểu quyền lực và trí tuệ của Quốc Gia đang ngồi đây, chúng ta có bi quan không ? Việt Nam đã từng trãi qua nhiều giai đoạn đêm tối, nhưng dân tộc Việt Nam chưa từng bi quan. Kinh tế với từng kế hoạch 5 năm đúng hướng thì phát triển, nhưng Giáo Dục lạc hướng thì thời gian đòì hỏi gấp bội lần, tối thiểu là lũy thừa 5.
Trong giai đoạn lịch sử tồi tệ nhất, Phan Chu Trinh đã kêu gào chấn hưng Dân Khí, nhằm gây nên sức mạnh tinh thần của nhân dân, mà tinh thần đó, chúng ta ngồi đây cũng là đại biểu nốt, hôm nay có thấy một chút hùng khí dấy lên trong lòng hay không, cho một cuộc chấn hưng, thay cho cuộc giành giật “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” của các tập thể phe nhóm, và không phải của dân tộc ? Nếu lợi quyền nầy là của dân tộc, chúng ta thấy cái hùng khí ấy đang có sẵn trong nhân dân. Về kinh tế, Dân sinh, chúng ta cho rằng tham nhũng đã là nguyên nhân chính làm nó kiệt quệ, nhưng cơ chế nào đã cho phép, tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh, phát triển đến mức nầy ? Do đó, không thể không nói đến Dân chủ. Chỉ có dân chủ mới cứu vớt được thôi. Không thể tránh né, hoặc giải thích huê dạng để che lấp, theo cách “dân chủ gấp vạn lần hơn” mà người có hiểu biết thì không muốn nghe nữa, người thiếu hiểu biết thì không biết đó là cái gì ! Mà cơ hồ, người nói ấy thì cũng không biết mình nói gì ! Nhân dân VN có đáng bị giam hãm mãi trong bi kịch khốn khổ nầy không ?
Có một nguyên thủ Quốc gia của một nước lớn nói: “tất cả chúng ta đều là con người bình thường”, ý nói không ai là “thần thánh”, dù ở vai trò cao nhất trong xã hội. Còn tôi, TBT, xin xác định mình là một người thường, còn lại 13 vị trong BCT, có ai là thần thánh không ? Chắc chắn không ai dám nhận. Tập thể những con người bình thường có thể trở thành tập thể thần thánh không ? Cũng không thể ! dứt khoát là như vậy. Nhưng cơ chế đã biến nó thành một tập thể thần thánh, vì nó ở trên đầu mọi thứ luật pháp Quốc gia. Loại tập thể thần thánh nầy đã trãi qua thực nghiệm ở phạm vi nhiều quốc gia. Tập thể ấy, nhiều lần bị tóm thu vào tay một kẻ tham vọng nhất, để rồi người ấy trở thành kẻ giết người, giết cả những người thần thánh và không thần thánh. Tình huống thứ hai, tập thể ấy, tròng trành dao động cơ học, trong một canh bạc quyết liệt, hiếm có ở đời thường.
Thưa quý vị,
Tất cả chúng ta ở đây, không ai giống như thế, và không ai muốn như thế.
Chúng ta là con dân của một đất nước có một nền văn hiến lâu đời, dân tộc chúng ta trãi qua nhiều đau khổ, yêu hòa bình và lòng nhân hậu tiềm tàng.
Nhưng giặc ngoại xâm đã bao phen, từng đẩy chúng ta vào tình cảnh cam go, buộc chúng ta phải phản kháng và phản kháng quyết liệt.
Nhưng sau đó, chúng ta vẫn là con người bình thường, nên không thể có một tập thể thần thánh, vì thế, nhân dân chúng ta, mà trước hết là chính chúng ta, cần đến một cơ chế dân chủ, để nó kiềm chế bản năng tham lam vô hạn trong chúng ta, tránh cho chúng ta không thành con quỷ dữ. Làm sao mà chỉnh đốn Đảng chỉ với vũ khí phê bình và tự giác, khi mà vũ khí ấy chỉ dùng bằng đạn mã tử, có tiếng nổ vang nhưng không hề hấn gì ai ?
Chúng ta muốn cho nhân dân cơm no áo ấm, muốn cho đất nước phát triển, chúng ta cần một lộ trình để xây dựng một nền dân chủ hợp lý và tiến bộ.
Nền dân chủ đó, chúng ta chưa cần phải sáng tạo, mà nó cũng không thể tự trồi lên từ kẽ đá của núi Hoa Quả. (1) Chỉ cần quan sát kinh nghiệm nhân loại, tìm cách ứng dụng tốt nhất, êm ả mà không gây xáo trộn, để có hiệu quả đưa Đất Nước tiến lên. Điều nầy có đang còn là cơ hội trong tầm tay của chúng ta đang ngồi đây không ?
Về tư tưởng.
Bây giờ tôi xin nói về khái niệm của một số từ ngữ mà chúng ta quen dùng, nhưng đã trở thành rất lạ tai với số đông, để bắt đầu cho vài suy nghĩ.
Từ đầu buổi nói chuyện hôm nay, tôi đã rất muốn tránh dùng từ “đồng chí”, thay vào đó là “quý vị”. Hai trăm vị ngồi đây là ủy viên TW, không ai không phải là Đảng viên, các vị thuộc Quốc Hội, có người không phải là Đảng viên, chắc chắn là ít, rất ít. Nhưng các vị thuộc số ít ấy, khi nghe “thưa các đồng chí” có thấy trong lòng một chút khác biệt, tách biệt nào đó hay không ? Tất nhiên là có. Trong một cử tọa có đông đảo quần chúng nhân dân, đủ các thành phần, đại đa số không phải là đảng viên, cũng như khán thính giả trước màn hình tivi trên cả nước, hơn 86 triệu người, khi nghe “thưa các đồng chí” thì không thấy có mình ở trong (2). Từ "đồng chí" trở thành một sự cách biệt, được tôn vinh theo cách ngoại hạng, có một chỗ đứng riêng, không kết nối với nhân dân qua một luật định nào cả, giống như đẳng cấp “Tăng lữ” ở Ấn Độ thời cổ xưa. Khắn khít cùng nhau với nơi nầy quá (Đảng) và xa rời với nơi kia (Nhân dân). Chí hướng của Đảng ngày nay có gì khác biệt với chí hướng của Nhân dân không ?
Tư “đồng chí” đối với chúng ta trước kia, là một từ ngữ thiêng liêng, nó xuất hiện từ khi những đảng viên tiền phong được hình thành trong bí mật và dám chết trước họng súng của kẻ thù, để giành lại quyền sống của nhân dân đang bị chà đạp và áp bức.
Từ “đồng chí” đẫm máu của bao nhiêu thế hệ đảng viên đã ngã xuống trong lao tù, trong chiến hào, trong rừng sâu bệnh tật và đói rét, chỉ có một nghĩa duy nhất là chia nhau sự hy sinh và một nguyện vọng Độc Lập cho Tổ Quốc, Dân Chủ cho Nhân Dân và Phồn Vinh cho Đất Nước.
Ngày nay, Độc Lập đã có, chí hướng của Đảng là gì ? Có khác chí hướng của Nhân Dân không ? Nếu không khác, thì gọi riêng với nhau bằng một từ ngữ có tính đặc quyền như thế để làm chi ? Ta trân trọng với từ “đồng chí” và đưa nó vào lịch sử của một giai đoạn đặc biệt của lịch sử, trả sự bình thường về cho một xã hội bình thường... Theo tôi, chúng ta ăn xin vào quá khứ, bằng cả từ ngữ nầy, vì ta không tạo nên được phẩm chất mới của mình. Trong nội bộ, ta gọi nhau bằng “đồng chí” nhưng có thỏa hết tận đáy lòng, hay nó đã trở thành và chỉ là một cách gọi thời thượng mà vô cảm , mang chứa nhiều khác biệt bên trong, được dùng khi cần đấm đá nhau ? Những tưởng, chúng ta muốn “quần chúng hóa”từ ngữ nầy để cho Đảng thấm sâu vào lòng nhân dân, nhưng không được, hình thức không thể che dấu được nội dung, nếu như Đảng không có phẩm chất. Đảng trước kia, đã có uy tín từ khi còn trong bóng tối, bằng chính phẩm chất của mình. Nhân dân biết nhìn và biết suy xét.
Cụm từ ghép “Đảng và Nhà Nước” lại cũng là một cụm từ lôi thôi, nhập nhoạng khó nghe. Cuối cùng nó là gì ? Nhà nước hay là Đảng ? Thực thể nào là chủ thể ? Mối quan hệ giữa chúng ? Ai nói và đối tượng để nói là ai ? Cụm từ ghép nầy nói lên mối quan hệ nhập nhằng về chức năng nhiệm vụ trong vận hành của bộ máy ! Thế mà nó xuất hiện lâu ngày thành quen tai, trong nhiều văn bản giấy tờ, báo chí, cả trong doanh nghiệp, thí dụ : “cảm ơn Đảng và Nhà Nước đã…”. "Mừng Đảng, Mừng Xuân", lấy Đảng để trên Đất Trời, ngược với đời sống tâm linh dân tộc! Nhân dân là công dân, chỉ có hành vi quan hệ với Chính Quyền, thông qua hệ thống luật pháp Quốc Gia. Công dân không trực tiếp liên quan với Đảng. Đảng viên, thì dứt khoát phải là Công dân, nhưng Công dân không tất yếu là Đảng viên. Công dân là bao trùm, Đảng viên là riêng của Đảng, vì thế chẳng nên “thưa các đồng chí” trong các tập họp công cộng.. trừ khi Đảng trực tiếp nhân danh chính mình đứng ra tổ chức cái gì đó…như hôm nay !
Thưa quý vị,
Có một từ ngữ nữa, mà tôi cho là rất quan trọng. Đó là từ ‘kẻ thù’.
Đất nước chúng ta đã độc lập, đã thiết lập bang giao quốc tế, đã ký vào các văn kiện hội nhập toàn cầu thông qua Tổ chức LHQ, chúng ta tuyên bố làm bạn với bốn phương, chúng ta chưa tuyên chiến với một Quốc gia nào. Một cách minh nhiên, chúng ta không có ‘kẻ thù’! Chúng ta hội nhập vào dòng chảy tiến bộ của nhân loại, kẻ thù giờ đây có tên gọi khác. Đó là cái ác và sự lạc hậu.
Cái Ác có thể có khắp nơi, có thể ở ngay trong chúng ta hay ở đâu đó. Sự lạc hậu là tiềm năng của cái ác, sẽ trở thành cái ác, cũng ở khắp nơi, có thể có nhiều trong chúng ta, và rất gần chúng ta. Khi chúng ta đưa cái ác và lạc hậu là đối tượng cần để chiến thắng, thì cái Thiện và Tiến bộ sẽ ở bên ta, là đồng minh chân chính của chúng ta, và không lạc lối, chúng ta hòa vào đại dương Nhân bản của nhân loại. Chúng ta cùng nhân loại chống cái ác và lạc hậu. Chúng ta không theo bất cứ học thuyết nào mà nó tạo nên nhiều kẻ thù cho chúng ta, với lý do đơn giản rằng tại vì nó không giống ta. Khi dựng thêm lên một kẻ thù, thì đồng thời và lập tức, ta ở trong tư thế và não trạng là kẻ thù của kẻ thù, và rất nhiều kẻ thù tiếp nối xuất hiện.... Chúng ta không để cho sự khác biệt biến thành mâu thuẩn, như chủ thuyết bá đạo của Mao Trạch Đông (3) .Văn hóa của Thời Đại là tôn trọng sự khác biệt, là tinh thần sống chung với sự khác biệt. Sự giao lưu của văn hóa khác biệt, tạo nên Văn hóa chung của nhân loại., không ai tiêu diệt ai. Đó đang là con đường đi tới rất sáng sủa của nhân loại ở thế kỷ nầy, mà chúng ta thì đang ở trong một vùng phủ bóng tối. Thời đại nầy không còn cho phép, trong nhận thức cũng như trong khả năng, về một sự đối kháng để loại trừ nhau, chẳng còn cái gọi là “cuộc đụng đầu lịch sử” nữa, Nói thẳng ra, thời đại nầy, chỉ có cái đầu nào đang hâm hấp mới nghĩ rằng phải chôn vùi chủ nghĩa tư bản xuống bùn đen. Không còn sự thách đố kiêu ngạo “ai thắng ai” của một thời điểm đặc biệt của lịch sử đã qua, bây giờ không cần nữa, khi mà Độc Lập đã được giải quyết
Vòng hoa dành cho người Cách mạng và Dân Tộc phải đi tới
Cấp thiết, chúng ta phải làm cho Đảng và Thanh Niên ta thấm nhuần tinh thần về đại dương nhân bản nầy, đứng lên từ tư thế « chống cái ác và lạc hậu », không nhập nhằng xếp hàng theo phe, sẽ là tiêu chí cho hội nhập và phát triển, tránh được sự lạc hậu đang biến ta trở thành kẻ thù của chính mình, cũng không tự đặt mình vào vị trí kẻ thù của văn minh và tiến bộ. Chúng ta không sợ rằng tính nhân bản sẽ làm mất đi tinh thần chiến đấu khi cái Ác xuất hiện minh nhiên như một kẻ thù cụ thể, ngược lại, tinh thần chiến đấu sẽ mạnh mẽ hơn vì chân lý nội tại của nó, sức mạnh đó là vô địch trước cái Ác, và được nhân loại đồng tình.
Để làm được điều nầy, ta cần có can đảm để có một cái nhìn mới về tư tưởng.
Tư tưởng của một thời đại đã thoát ra khỏi mọi thứ học thuyết viễn vông, ảo tưởng, mà lực lượng nhân danh nó lại thường trở thành thủ phạm gây ra cái ác.
Karl Marx – Engels (4) đã từng sĩ vả :
“ chúng len lén ca bài ca nửa thú vật, nửa thiên thần“.
Câu nói nầy có thể ứng dụng, “chúng” là chỉ những tập thể nhân danh điều cao cả để có đặc quyền, nhằm thủ lợi thô thiển, vượt lên trên luật pháp và nhân cách. Chúng ta cần một thứ luật pháp có hàm lượng cao về Văn minh và Dân chủ. Nó không thể là luật pháp tù mù, được xây dựng trên nền tảng không vững chắc, thiếu căn bản, vì lấy cái khác biệt nhỏ nhoi, nhất thời làm trái núi vĩnh hằng để thờ cúng.. (thật sự đã qua rồi: giai cấp, đấu tranh giai cấp, xã hội chủ nghĩa, đảng CS anh em nhảm nhí…). Trong ngoại giao có thể vì nặng nợ một chút quá khứ chăng, nhưng trong xã hội và giáo dục, không ai có quyền ngăn cấm chúng ta tiến hành một nền giáo dục nhân bản, mở mắt, mở hồn cho Thanh niên Việt Nam ra khắp năm châu, để chống cái ác và lạc hậu, thay cho một kiểu giáo dục theo đường lối đối kháng và khép kín? Hay chính là sự lạc hậu từ trong tư tưởng chủ đạo đang tự biến thành kẻ thù để cản trở ? Nhưng nó không thể cản trở được tầm nhìn của Nhân dân và TN ta ngày nay, đang có mặt ở khắp năm châu bốn biển, nó chỉ làm trở ngại thôi, nhưng chừng ấy cũng đã là tai họa đáng tiếc !
Từ “kẻ xấu” cũng là khái niệm đang xuất hiện gần đây, cũng rất đáng quan tâm.
Từ “kẻ xấu” thuộc phạm trù đạo đức, xấu và tốt, không thuộc phạm vi luật pháp. Chính Phủ chỉ có quyền phán xét căn cứ trên pháp luật, có tên gọi cụ thể. Kẻ trộm, kẻ cắp, có tội trộm cắp, người ăn hối lộ, có tội về hối lộ, người chống đối là chống đối về cái gì, có khi là đúng, có khi là phạm pháp. Kẻ xấu là ai, xấu về cái gì ? Cơ quan công quyền không được phép dùng từ ngữ mông lung, có tính ám chỉ nầy, vì nó không có trong luật. Người dân có thể hoang mang, mặc cảm, thậm chí phẫn nộ, khi cơ quan công quyền quăng ra một từ ngữ như thế vào mặt một đám đông, hay một cộng đồng. Nó đồng nghĩa với sự đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần hoặc là sự quấy rối…Về phía cơ quan công quyền thì không giống một bà hàng xóm xấu tính chửi bâng quơ khi đuổi gà mất chó... Cơ quan công quyền như Công an, Cảnh sát, Tuyên huấn... thì phải khác, phải nói theo luật. Nói “kẻ xấu”một cách mông lung là không xác định được đối tượng, chỉ khả năng bất lực của mình. Cũng như nói “tàu lạ” là tránh né, không dám xác định chủ thể của người nói, (chứ không phải chủ thể của con tàu).
Nói về các từ ngữ trên đây, là tôi muốn nói về sự “không chính danh” trong tổ chức và vận hành của xã hội, mà trước hết là bộ máy Nhà nước, bắt đầu bằng từ ngữ để đi đến tư tưởng và xuất phát từ cái nhìn của người dân.
Chúng ta đang cần sự tổ chức lại cho “chính danh” đối với toàn bộ Bộ máy Quốc gia.
Thưa quý vị,
Xây dựng một nền dân chủ tiến bộ, cùng với sự vận hành của một bộ máy chính danh, là nền tảng cho phát triển bền vững, mà công đầu của nó trước hết sẽ là diệt tham nhũng. Cái tốt sẽ vươn lên và đè bẹp cái xấu. Cuộc đấu tranh cấp bách hiện nay và cũng là lâu dài của chúng ta là đấu tranh giữa thế lực thiện, tiến bộ với thế lực ác, lạc hậu, chứ chưa phải là cuộc chiến đấu với thế lực thù địch nào khác.
Để trả lời câu hỏi lớn của nhân dân, trước hết, chúng ta tự trả lời câu hỏi :
Chúng ta là AI ?...
Chúng ta đã bao lần chỉnh đốn Đảng mà không thành công, nếu chúng ta không nhận diện được mình, chúng ta rất cần ý kiến của nhân dân.
Một lần nữa, cảm ơn và chúc sức khỏe toàn thể Đại biểu đáng kính.
15-02-2012
Hạ Đình Nguyên
Theo Người Lót Gạch
Chú thích
(1) Tây du ký
(2) thơ tình của Arvers, Khái Hưng dịch. Người con gái xem thơ mà không biết chính mình là nhân vật trong thơ “Xem thơ không biết có mình ở trong…”
(3) Tác phẩm “bàn về mâu thuẫn” của Mao trạch Đông
(4) Gia Đình Thần Thánh của Karl Marx và Engels
Gửi ý kiến của bạn