BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76254)
(Xem: 62978)
(Xem: 40381)
(Xem: 31980)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thông tấn viên Vũ Thư của Thông Tấn Xã Việt Nam phỏng vấn Hòa Thượng Thích Quảng Độ

01 Tháng Năm 200012:00 SA(Xem: 946)
Thông tấn viên Vũ Thư của Thông Tấn Xã Việt Nam phỏng vấn Hòa Thượng Thích Quảng Độ
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56
VNN : Bạch Hòa thượng, hiện sức khỏe của Hòa thượng ra sao?

HT Thích Quảng Độ (TQĐ) : Dạ, cũng kém hơn các lần trước, nhưng về trông thấy các tăng ni, phật tử, mừng quá tôi cũng thấy khoẻ lên được một chút. Nay mai, hoãn hoãn tôi còn phải đi soát lại hết về sức khoẻ, xem cái gì mà nó tồn đọng quá, thì mình phải lo chữa đã.

VNN : Bạch Hòa thượng, trong thời gian ở trong tù Hòa thượng có bị những bệnh như cao huyết áp, hay là triệu chứng gì khác không ạ?

TQĐ : Có cái cao huyết áp là chính, mùa nóng thì nó lên nhanh lắm... Rồi cứ mỗi ngày họ đo áp huyết một lần, nếu thấy cao quá thì cho uống thuốc, còn không thì thôi.

VNN : Bạch Hòa thượng, thầy bị giam ở những nơi nào?

TQĐ : Đầu tiên là ở trại 34 của Bộ Nội Vụ ở Sài Gòn. Sau tháng 8, ngoài ấy vẫn còn nóng, họ chưa dám đưa ra. Đến mùa Đông mát, thì họ đưa ra, trước tiên là đưa ra trại Ba Sao ở Hà Nam, nó gọi là trại Hà Nam (Hà Nam Ninh). Ở đấy được hết mùa Đông, bắt đầu mùa Hạ, là tháng 5 năm 1996 thì họ đưa lên Hà Nội, đến trại Thanh Liệt, Thanh Trì, cách Hà Nội khoảng 10 cây số, cho đến ngày về.

VNN : Bạch Hòa thượng, trước ngày thầy được trả tự do, thì nhà nước Cộng sản có thông báo trước gì không?

TQĐ : Chẳng thông báo trước gì cả. Trước đó thì tôi cũng nghe rục rịch các phòng khác người ta về, thì không biết có chuyện gì. Thế đến 8 giờ sáng hôm mùng 1 tháng 9, thì cán bộ vào bảo tôi rằng là "Dọn đồ đạc!", thế tôi hỏi là "Đi đâu?", lại bảo "Đi đâu không biết, ông cứ dọn đồ đạc đi!". Tôi lại bảo "Nếu biết là đi đâu, đi trại khác thì tôi phải đem một vài thứ cần thiết, còn nếu không thì tôi bỏ lại, chứ giờ đồ đạc của tôi nó lỉnh kỉnh lắm!". Thế nó lại bảo: "Thì ông thích cái gì ông cứ đem đi, còn không thì bỏ lại". Thế tôi cũng đoán chắc là có cái gì chuyển biến đây. Thế đến lúc dọn xong đồ đạc ra, thì là họ bảo vào một cái phòng, làm thủ tục, rồi họ đọc cho nghe cái bản "đặc xá" của ông chủ tịch nước bảo cho về. Đến lúc đó mình mới biết là được về thôi.

VNN : Bạch thầy, sinh hoạt, đời sống trong tù ra làm sao, ăn uống như thế nào ạ?

TQĐ : Thì họ có tiêu chuẩn, mỗi người 13 cân gạo này, 15 cân rau, với ai ăn cá, thịt thì 4 lạng một tháng. Còn riêng tôi thì đậu phụ, khi nào các tù khác ăn thịt cá thì tôi ăn đậu phụ, thế thôi. Tiêu chuẩn của trại chỉ có thế.

VNN : Bạch thầy, trong thời gian thầy ở tù, có tăng ni Phật tử nào được thăm viếng không?

TQĐộ : Chỉ có thầy Thanh Minh là được vào thăm tôi thường xuyên thôi và mỗi một lần gặp như thế là được 30 phút, có cán bộ ngồi bên cạnh nghe mình nói gì. Thầy Thanh Minh cứ mỗi tháng lại ra thì đi vất vả lắm, mà lại tốn kém nữa. Thầy ấy mới uỷ quyền cho một phật tử ở tỉnh Nam Định hàng tháng lên thăm tôi. Họ cũng chấp nhận và chỉ cho người đó vào 30 phút hoặc 15 phút thôi. Chứ còn ngoài ra thì không ai được đến thăm. Những người đến thăm mà Bộ có cho phép thì mới được cho vào, còn không thì phải ngồi ngoài hết, không ai được vào. Chỉ có người chính thức thăm nuôi là họ cho gặp thôi.

VNN : Bạch thầy, thầy Nhật Thiện nói là có lần đi thăm thầy Huyền Quang, có ghé ngoài Bắc thăm thầy.

TQĐ : Đó là trường hợp đặc biệt. Tôi chỉ có 3 người đặc biệt là : Vị sư trụ trì ở chùa Quán Sứ, chùa của giáo hội nhà nước, là được vào ngồi với tôi một mình thôi, mà muốn ngồi mấy tiếng đồng hồ cũng được. Vị thứ hai nữa là vị Hòa Thượng Thích Tâm Thông ở dưới Nam Định, cũng là trong họ hàng, thì lên thăm tôi cũng được ngồi một mình với tôi thôi, muốn ngồi lâu cũng được. Đến người thứ ba là thầy Nhật Thiện. Chứ còn không ai được có cái quyền đó, cái đặc biệt đó.

VNN : Bạch Hòa thượng, trong lúc đất nước còn nhiều vấn đề bất ổn, tôn giáo chưa được tự do, bị áp chế, thì nhà nước Cộng sản lại trả tự do cho thầy, cũng như là hai thầy Trí Siêu và Tuệ Sỹ. Hòa thượng nghĩ sao về sự kiện này?

TQĐộ : Thực sự có những điều ra ngoài thì mới rõ, mới được biết chứ trong tù thì làm gì mà biết. Các nơi điện thoại về cho biết, những người đến thăm mấy hôm nay họ cho biết, tôi dựa vào đó mà suy luận. Đã ở trong tù thì giữa nghìn trùng với gang tấc chẳng khác gì nhau cả. Thế thì, mới ra được mấy hôm nay, thôi được biết qua như thế này : Trước hết là về mặt kinh tế, các nước đầu tư vào đây họ cũng rút ra nhiều; rồi thất nghiệp thì lan tràn. Thứ hai nữa là bây giờ ở đây có nạn hạn hán làm cho dân đói khổ thêm. Cái quy chế tối huệ quốc của Mỹ cũng chưa cho Việt Nam mà. Đó là về kinh tế thì họ cũng gặp nhiều cái khó khăn.

Về áp lực quốc tế, chúng tôi khi ra thì nghe nói là lần này chúng tôi bị bắt thì thế giới họ phản ứng cũng mạnh và gần đây nhất thì có một số nhà lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình có ký một bức thư ngỏ gửi cho ông Đỗ Mười yêu cầu thả tất cả những tù nhân lương tâm; rồi trước năm 1997, cũng có Hội nghị của các quốc gia sử dụng tiếng Pháp ở Hà Nội, tháng 11 năm 1997, thì họ cũng có yêu cầu như thế. Thế thì trước sau, cũng vì nội bộ thì kinh tế như thế và bên ngoài thì dư luận đặt vấn đề nhân quyền, thì bao nhiêu yếu tố, bao nhiêu những cái điều kiện tập trung lại, làm cho mấy ông này không thể kéo dài được nữa. Vì thế mà nhà nước này cũng buộc lòng phải trả tự do cho những người tù lương tâm như thế giới người ta đòi hỏi. Không có những áp lực ấy, không có những sự giúp đỡ ấy, thì cũng còn lâu lắm! Nhưng đặc biệt nhất là, nhân tiện đây, tôi cũng nhờ anh qua hãng thông tấn VNN bên đó, cho tôi gửi lời cảm tạ tất cả những cơ quan nhân quyền thế giới, đồng bào hải ngoại, tăng ni, Phật tử Việt Nam bên đó, các tôn giáo bạn, tất cả những yếu tố đã đóng góp vào để cho chúng tôi được trả tự do.

Nhưng mà, nói cho cùng ở Việt Nam này không có cái gì chắc chắn. Chúng tôi quan niệm mình là con cá ở trong chậu, thì họ mới thả cho vào một cái hồ, cái ao vậy thôi, chứ chưa phải về đại dương! Có đúng không? Thế thôi, nhưng mà nói được đến đâu hay đến đó, còn đỡ hơn là ở trong chậu, có phải không? Chúng tôi còn cái mong mỏi là mình phải trở về đại dương cơ. Mà toàn thể nhân dân Việt Nam cũng phải được trả về đại dương cơ! Thế mới là đạt được mục đích của mình. Còn bây giờ thì thôi được đến đâu hay đến đó. Mình cứ đòi hỏi dần. Và tôi tin rằng với những điều kiện hiện tại, với thế giới này mỗi ngày mỗi khác, nó có đâu như cách đây 50 năm trước được! Trước sau gì thì mình cũng toại nguyện thôi.

Tôi chỉ mong tất cả người Việt Nam nước ngoài cùng về, khi mà ra đại dương rồi đó, mình gặp nhau ở Việt Nam, thế mới thực là vui đấy! Thế mới thật là trọn vẹn đấy! Mong có ngày đó đấy nhé!

VNN : Thưa Hòa thượng, trước khi bị giam, thầy có viết bài "Nhận định về những sai lầm tai hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Dân tộc và Phật giáo Việt Nam", thì ngày hôm nay, sau khi được trả tự do, thầy nghĩ thế nào về vấn đề đạo giáo, về đất nước hiện nay, có gì thay đổi không, so với bản nhận định của thầy trước đây?

TQĐ : Như tôi đã nói, nó cũng có đổi một chút, chút ít thôi. Nhưng mà họ có đổi thì là vì họ bí, cũng là để gỡ cái thế bí của họ, họ nới lỏng đến mức độ nào đó thôi, chứ không phải là đi quá cái giới hạn của họ đâu. Còn tình hình về đạo giáo, thì ở ngoài Bắc, tôi ở ngoài ấy đã 10 năm, biết cái tình hình lúc đó khác, và bây giờ cũng khác nhiều. Nhưng khác là ở cái chỗ trước giờ người ta bị ép mấy chục năm, như cái đám cỏ mà mình đè hòn đá lên, mình tưởng nó chết, nhưng mà nó không chết, lật hòn đá lên thì nó lên nhanh lắm. Tình hình tín ngưỡng ngoài Bắc giờ cũng thế. Khổ nỗi trở thành bị mê tín hết cả. Dân chẳng hiểu gì đạo Phật hết, bởi vì 40 năm có ai giảng đạo Phật đâu? Rồi có người đưa thịt, đưa cá, đến chùa cúng Phật, coi Phật cũng như ông Thần, rồi thì đến cầu may, cầu duyên thế thôi. Chứ không hiểu gì về chính pháp của Phật nữa. Thế nhưng mà được thế cũng là may rồi, mình hướng dẫn dần dần, mình sẽ cố gắng. Ngoài Bắc bây giờ thì ít sư lắm, mấy chục năm họ có cho phát triển đâu. Chùa thì họ không cho thu tiểu nhé, tre thì già mà măng thì họ bỏ. Rồi thì sẽ đào tạo dần dần, đưa vào khuôn khổ lại dần.

Bây giờ thì ai muốn lễ thì cứ lễ. Tuy họ không ngăn cản như trước, nhưng lễ mà không hiểu cái mình lễ thì cũng chả được cái ích gì! Phải không? Theo đạo thì mình phải hiểu chân lý của đạo, mục đích của đạo đó hướng dẫn con người đi đến đâu chứ. Còn bây giờ thì thôi tạm thời, đã mấy chục năm như thế rồi, thôi họ cứ có lòng tin như thế cũng được, rồi mình sẽ hướng dẫn dần dần.

VNN : Bạch Hòa thượng, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, theo nguyên tắc, thì vẫn còn hiện hữu, nhưng lại không được nhà nước cộng sản công nhận như một giáo hội hợp pháp. Theo Hòa thượng, có nên có những nỗ lực đấu tranh tiếp tục để mà - như thầy Huyền Quang kêu gọi trước đây - giải trừ pháp nạn, mà giáo hội vẫn theo đuổi?

TQĐ : Trong Hiến Chương của giáo hội khi thành lập, có điều khoản như thế này: Khi nào mà thấy mình không hoạt động, thì mình tự giải tán; hoặc là có một cái cơ cấu nào không chấp nhận mình thì họ cũng phải có một quyết định giải tán công khai, thì mới là chính thức không hoạt động được. Còn riêng với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thì tự giáo hội chúng tôi chưa giải tán, mà nhà nước này cũng chưa có một cái thông cáo, quyết định gì chính thức giải tán giáo hội cả. Thành ra cho đến bây giờ thì chỉ tạm gọi là "trong hoàn cảnh khó khăn, không hoạt động được" thôi. Còn cái cơ cấu, hay là cái pháp lý của nó thì vẫn còn. Ngay khi nào hoạt động lại được, thì chúng tôi lại hoạt động, để hồi phục thôi. Mà trong khi ấy, thì cũng phải cố gắng. Khi nào mà một nhà nước nào ký quyết định chính thức bảo là "không cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hoạt động nữa" thì bấy giờ hãy hay. Thế nhưng họ chưa có văn bản nào chính thức như thế cả, cho nên chúng tôi cứ hoạt động chứ. Bây giờ trong hoàn cảnh khó khăn thì mình tạm thời ngưng, nhưng ngay khi nào hoàn cảnh cho phép thì lại hồi phục và hoạt động như thường.

Trong khi ấy thì vẫn phải vận động bằng cách này hay cách khác, bởi vì tự do tín ngưỡng mà. Nhà nước cũng có nói là "tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng" mà. Thì giáo hội này, giáo hội khác, như trước kia, vẫn cứ sinh hoạt song song, chứ có ai độc quyền đâu. Không ai độc quyền tín ngưỡng cả. Cái đó chúng tôi vẫn phải đòi chứ, tiếp tục đòi chứ. Khi nào không đòi được nữa hãy hay, còn đòi được, còn phải đòi! Trong nước cũng như ngoài nước. Ngoài nước thì đã có Giáo Hội Hải Ngoại cũng tiếp tục, mà trong này thì chúng tôi cũng tìm cách vẫn tiếp tục. Chứ không ngưng đâu.

Nếu nhà nước không cho, thì chúng tôi đòi hỏi phải có một cái quyết định chính thức. Có muốn dẹp thì dẹp luôn đi, đừng làm cái kiểu dở dở ương ương như thế, không ra tro cũng không ra tấm. Ví dụ không cho chúng tôi hoạt động dưới danh Giáo Hội thì nhà nước giải tán đi, chúng tôi quay về chùa chúng tôi tu niệm, chứ có khó gì đâu! Lúc nào chúng tôi cũng chủ trương như thế, nhưng mà từ suốt 17 năm qua, họ cứ gây khó dễ với chúng tôi, với bản thân tôi, với thầy Huyền Quang đấy, cực lắm. Nếu muốn, thì bây giờ phải có một quyết định công khai đi. Từ đó đến giờ tôi và thầy Huyền Quang không được gặp nhau. Mãi từ 1982 đến giờ có được gặp nhau đâu, chúng tôi phải được gặp nhau, chúng tôi yêu cầu nhà nước phải dứt khoát đi, giờ cho chúng tôi hoạt động hay không này? Phải có một quyết định dứt khoát. Nếu cho chúng tôi hoạt động, phục hồi thì cũng phải có quyết định, mà không thì cũng có quyết định giải tán hẳn đi. Để mình không có trông đợi nữa, để rồi một ngày kia chúng tôi sẽ có công văn đưa lên chính thức đề nghị ngay nhà nước như thế. Xem họ trả lời làm sao? Chứ còn từ khi nhà nước thành lập cái giáo hội nhà nước này này, thì chúng tôi coi bộ khó khăn lắm. Mà có gì đâu, tất cả những cơ cấu, những trụ sở, nhân sự của Giáo Hội trước giờ chỉ đổi cái tên thôi. Trước là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, giờ thì họ bỏ cái chữ Thống Nhất thành Giáo hội Phật Giáo Việt Nam; còn thì cách tổ chức cũng thế, có khác gì đâu. Thành ra "gậy ông đập lưng ông" thôi. Các Ban đại diện từ trung ương xuống địa phương, trước đây là chức vị Tăng Thống, Phó Tăng Thống, bây giờ họ chỉ đổi lại tí là Pháp Chủ, Phó Pháp Chủ thôi; còn các thứ khác là y hệt như Giáo Hội của chúng tôi, chứ đâu phải là khác gì!

VNN : Bạch thầy, là một nhà tu hành, nếu nói về giáo luật, nói về vấn nạn của đất nước, theo ý thầy thì một người tu hành sẽ có những hành xử như thế nào để cho vừa hợp với đạo, mà vừa hợp với tình trạng của đất nước mình hiện nay?

TQĐ : Người tu hành chúng tôi có hai trách nhiệm : Trách nhiệm thứ nhất là đối với đạo pháp, là của người tu hành. Nhưng, trách nhiệm thứ hai, người tu hành trước hết cũng là một người dân Việt Nam. Là một công dân Việt Nam thì nghĩa vụ của người công dân khi đất nước lâm nguy, toàn dân Việt Nam có quyền đóng góp vào để giải mối nguy cho đất nước, có đúng không? Cũng như đạo pháp vậy. Chúng tôi phải làm song song hai nhiệm vụ như thế. Các anh ở ngoài thì chỉ có nghĩa vụ công dân thôi, còn người tu hành chúng tôi phải có 2 nghĩa vụ. Đạo pháp lâm nguy cũng phải có cách để mà cứu lấy, mà đất nước lâm nguy thì chúng tôi là công dân Việt Nam cũng có quyền đóng góp. Các cụ ta xưa có nói "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" mà. Đất nước nguy thì người thất phu cũng có trách nhiệm, chúng tôi cũng còn là người công dân Việt Nam, chứ có phải không còn là công dân Việt Nam đâu. Chúng tôi cũng có quyền, có nghĩa vụ phải đóng góp chứ.

Pháp nạn phải giải trừ pháp nạn, mà quốc nạn cũng phải giải trừ quốc nạn. Tùy theo, ở trong cương vị người tu hành thì còn phải làm thế nào cho thích hợp với đạo pháp nữa đấy. Chúng tôi phải nghiên cứu, và vẫn tiếp tục làm từ trước đến giờ rồi. Làm, nhưng tuyệt đối bất bạo động. Đấy là đường lối, chủ trương của Phật giáo như thế. Giải trừ bằng cách khuyến hóa, hoặc cách này hay cách khác. Thế thì tùy khả năng, hoàn cảnh của mình thì làm sao uyển chuyển để mà vừa hoàn thành được sứ mạng, đáp ứng đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, vừa không vi phạm đến luật của tôn giáo, của đạo Phật.

VNN : Đối với các tăng ni, Phật tử ở trong nước và ở hải ngoại, theo Hòa thượng các tăng ni, Phật tử nên làm gì để có thể giúp vào việc giải trừ quốc nạn, giải trừ pháp nạn hiện nay?

TQĐ : Ở ngoài nước thì dĩ nhiên là tương đối mình có hoàn cảnh hoạt động nhiều hơn. Trong nước thì dù sao cũng còn bị gò bó, giới hạn lắm. Khi tôi về nhà mấy hôm nay nghe được thì cũng hơi buồn là tăng ni, Phật tử ở nước ngoài không được đoàn kết với nhau. Mỗi người mỗi hướng, mỗi người mỗi đường, buồn nhất là cái đó. Nhưng, làm thế nào mà bây giờ tăng ni, Phật tử ngoài ấy phải đoàn kết với nhau một khối, thì mình có muốn làm gì mới làm được. Chứ chia rẽ người hướng này, người hướng khác thì làm gì được! Có phải không?

Dù vậy, nhưng cũng có cái "bàn tay thứ ba" chủ trương quấy phá để chia rẽ mình. Cho nên phải tỉnh táo chuyện đó, phải cảnh giác chuyện đó và phải làm sao tìm anh em cùng chí hướng mà cố kết với nhau để làm việc. Ước vọng của tôi là mong ở các quý vị tăng ni, Phật tử với đồng bào ở ngoài đó, chắc là thấy rõ tình hình hơn ở nhà nhiều, thì điều kiện quan trọng nhất là phải đoàn kết với nhau. Nhờ các anh kêu gọi rằng ở nhà chúng tôi mong mỏi điều đó lắm đấy! Chứ cứ chia rẽ, mà người này kích người kia, kích người nọ, dĩ nhiên là có "bàn tay thứ ba" đấy, mà mình phải cảnh giác. Không phải là không có đâu, có đấy, ở đâu cũng có, nhưng mình phải cảnh giác, mình phải tinh, chứ để họ mà lũng đoạn, họ phá thì mình chẳng làm gì được đâu!

VNN : Thưa thầy, tình trạng sức khoẻ của 2 thầy Trí Siêu và Tuệ Sĩ ra sao?

TQĐ : Thầy Trí Siêu thì khá, hôm qua có đến đây thăm tôi rồi. Nhưng thầy Tuệ Sỹ thì yếu lắm, còn có 35 cân thôi, bây giờ còn đang tạm dưỡng sức, tịnh dưỡng và chữa bệnh ở ngoài Nha Trang, chưa về đây.

VNN : Thưa thầy, tin tức của Hòa thượng Huyền Quang thế nào?

TQĐ : Người ta cho biết luôn. Thầy ở chùa Phước Quang, cách chùa cũ 10 cây số. Tôi đang định là từ nay đến cuối năm, lúc mà trời mát rồi đó (ở ngoài đó là cứ tháng 10, tháng 11 trời mát), nếu được là tôi sẽ ra thăm thầy. Nhưng mà mới dự định thế thôi, việc đi lại của tôi hiện giờ cũng có khó khăn. Trước thì khác, ở trong tù thì nó khác, bây giờ ra ngoài nó lại khác. Tôi mới dự định vậy, nếu điều kiện cho phép và nếu tình hình khá thì tôi sẽ ra thăm thầy, gặp nhau để mà bàn thảo thì nó rõ ràng hơn, chứ thư từ thì nói không hết lời. Tôi cũng mong vậy, mà không biết điều kiện có được không. Từ năm 82 đến giờ, thầy với tôi có được gặp nhau nữa đâu! Trong bản nhận định tôi có nói đấy, mỗi người mỗi nơi, kẻ Bắc người Nam, cũng như hàng triệu gia đình Việt Nam phải lìa tan, như sau 54, như sau 75! Tình hình bây giờ nó vẫn thế đấy.

VNN : Xin cảm ơn Hòa thượng đã cho VNN thực hiện cuộc phỏng vấn đặc biệt này.

TQĐ : Anh cho tôi kính gửi lời thăm tất cả đồng bào, tăng ni, Phật tử ở hải ngoại nhé. Và tất cả các anh chị làm việc với VNN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn