BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77096)
(Xem: 63202)
(Xem: 40604)
(Xem: 32239)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư cha Chân Tín gửi BBT Nữ Vương Công lý và bạn đọc về vụ Tổng Giám mục phó Nguyễn Văn Thuận

17 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1894)
Thư cha Chân Tín gửi BBT Nữ Vương Công lý và bạn đọc về vụ Tổng Giám mục phó Nguyễn Văn Thuận
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 Nhân dịp có bạn đọc đặt vấn đề: “Năm 1975, cha Chân Tín là một trong số các linh mục ký thư đòi trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh Lemaitre và không chấp nhận việc Đức cha Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám mục phó Sài Gòn, thông tin này có chính xác không?”

Ban Biên tập NVCL đã trực tiếp liên lạc với cha Chân Tín để hỏi về vấn đề này. Sau đó, chúng tôi nhận được lá thư ngài gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi xin trân trọng gửi tới quý độc giả nội dung lá thư này.Kỳ Đồng, ngày 17 tháng 2 năm 2012

Ban biên tập NVCL và quý bạn đọc thân mến,



1. Về việc đuổi Đức Khâm sứ, tôi đã nói rõ trong loạt bài: “Ủy ban Đoàn kết: tập đoàn của những âm mưu và tội ác” do NVCL công bố trên mạng vào cuối tháng 8/2011. Sự kiện các linh mục Trương Bá Cần, Vương Đình Bích, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ de dọa và đòi trục xuất Đức Khâm sứ đã được ghi vào giấy trắng mực đen: “Các vị ấy nhảy qua tường đột nhập vào Tòa Khâm sứ, dùng búa đập phá ổ khóa ngoài cổng, trèo lên mái nhà căng biểu ngữ và hạ lá cờ Tòa thánh. Bọn chúng hò hét: Đả đảo! Đả đả! Henri Lemaitre về nước, cút cút đi, cút đi. Họ xô đẩy đức Khâm sứ, linh mục phụ tá người Balan và linh mục Bí thư người Việt từ trong khuôn viên Tòa Khâm sứ ra đường Hai Bà Trưng, rồi đóng sập cửa lại” (Nguyễn Antôn, Công giáo Miền nam sau 1975, trang 219). Chỉ có bốn linh mục ấy chủ động đuổi Đức Khâm sứ.

2. Về Đức cha Thuận, ngày 12/5/1975, nhóm linh mục trên (Cần, Minh, Từ, Bích) đã bao vây Đức Tổng Phaolo Nguyễn Văn Bình và Đức cha Phanxico Nguyễn Văn Thuận yêu cầu Đức cha Thuận rút lui.

Trong lúc thấy tình hình quá căng thẳng có nguy hại tới Đức cha Nguyễn Văn Thuận, một số các linh mục đã viết một lá thư: “Yêu cầu hoãn lại việc bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Thuận nhậm chức”. Lá thư ấy có chữ ký của rất nhiều linh mục, trong đó có Chân Tín (Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản 1975 – 2005).

Qua các tài liệu liệu lịch sử và bằng tất cả lương tâm mình, tôi xin khẳng định tôi không trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh, cũng như không ký thư đòi Đức cha Nguyễn Văn Thuận rút lui. Tôi chỉ ký thư xin hoãn việc Đức cha Thuận nhậm chức lúc đó, vì nhà cầm quyền cộng sản quyết tâm bắt ngài và họ đã bắt ngài, lưu đày ngài 13 năm.

Sau khi Đức cha Thuận được trả tự do, tôi đã nhiều lần phấn đấu để Đức cha Nguyễn Văn Bình đưa Đức cha Nguyễn Văn Thuận vào chức vụ giám mục phó giáo phận Sài Gòn.

Trong một buổi họp của ban cố vấn, tôi đã nói thẳng với Đức cha Nguyễn Văn Bình. Dư luận Công giáo thắc mắc về thái độ của Đức Tổng trước việc nhà nước trục xuất Đức cha Thuận, đầy ải ngài mười mấy năm trời. Có những sự kiện cho thấy Đức cha Bình quá yếu trong việc này. Tôi nói thẳng với Đức tổng Bình:

“Giáo dân thắc mắc về thái độ của Đức tổng vì những sự kiện sau đây:

Sự kiện thứ nhất: Khi Đức cha Thuận bị đưa đi đầy, quan quyền nói với Đức cha Thuận là cụ Bình đã nói với họ cả chục lần là cụ không muốn ông ở đây, thì ông ở đây làm gì phiền người ta.

Sự kiện thứ hai: Sau khi Đức cha Thuận được trả tự do, ở ngay tại Tòa Hồng y Hà Nội, thế mà Đức tổng Bình không ra thăm, trong khi Đức cha Thuận vẫn là Tổng Giám mục phó của Đức tổng Bình trước mặt Chúa và Tòa thánh Vatican. Đức tổng cũng không cử người ra thăm thay mình. Không một bức điện mừng nói gì viết thư thăm hỏi.

Sự kiện thứ ba: Khi Đức cha Thuận gửi thư cho Đức tổng hỏi một số vấn đề trong đó có vấn đề nên ở đâu, nên về Sài Gòn không, thì Đức tổng đã không trả lời.

Sự kiện thứ bốn: Vào dịp tết, nhiều hạt trình xin đánh điện ra Hà Nội để mừng tuổi Đức cha Thuận trong tư cách Giám mục phó Sài Gòn, Đức tổng cũng lờ đi.”

Sau khi tôi trình bày những thắc mắc đó, Đức tổng Bình thừa nhận: “Trong bụng, tôi cũng muốn Đức cha Thuận về đây. Nhưng tôi vẫn lo ngại về đây có yên ổn không? Vì thế, tôi đã không tích cực vận động cho Đức cha Thuận về đây.”

Tôi nói với ngài: “Giáo dân có quyền thắc mắc về thái độ của Đức tổng. Nhà nước muốn hay không là việc của nhà nước. Nhưng, Đức tổng bằng một văn kiện công khai, lên tiếng yêu cầu nhà nước để Đức cha Thuận về lại Sài Gòn như Tòa thánh đã đặt từ trước, được hay không là ngoài ý muốn của Đức tổng. Điều quan trọng là thái độ công khai của Đức tổng.” (Lm. Chân tín, Nói cho Con người, trang 84-85).

Trên đây là những sự thật liên quan tới việc trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh và việc bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn. Trong cả hai sự việc này, tôi xin một lần nữa nói lại: “Tôi không trục xuất Đức Khâm sứ Tòa thánh, cũng như không ký thư đòi Đức cha Nguyễn Văn Thuận rút lui.” Sau khi Đức cha Thuận được trả tự do tôi đã cố gắng hết sức để ngài có thể trở lại Sài Gòn trong chức vụ Tổng giám mục phó. Tôi không bao giờ chống Đức cha Thuận.

Cảm ơn NVCL đã cho tôi một cụ già 93 tuổi được nói lại chuyện này. Kính chúc NVCL và quý bạn đọc bình an, đầy ân sủng để tiếp tục sứ mạng phục vụ Chúa và Hội thánh trên con đường làm chứng cho sự thật. Xin cũng cầu nguyện nhiều cho tôi để còn sống ngày nào tôi luôn trung thành với ơn gọi ngôn sứ mà Chúa đã trao ban.

Chân Tín

38 Kỳ Đồng, quận 3

Theo Nữ Vương Công Lý
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn