Vợ ông Nguyễn Công Nhựt cho biết bà cảm thấy sốc trước kết luận này.
Nói chuyện với BBC chiều ngày 16/2, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền tâm sự: “Nó là cú sốc tại vì em đặt kỳ vọng vào Viện KSND Tối cao."
Ông Nhựt chết tại trụ sở Công an huyện Bến Cát ngày 25/04/2011.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ của ông, đã làm đơn gửi nhiều cơ quan đề nghị điều tra.
Tính đến chiều 16/2, bà Tuyền cho biết chưa nhận được kết quả thông báo chính thức mà mới đọc tin qua báo.
Bà vẫn tin rằng việc chồng bà tự tử là “hoàn toàn không chính xác”.
“Trên thân thể của anh Nhựt bầm từ trên đến dưới: vùng háng, mông, trên ngực, dập cả cái tinh hoàn, chân tay thì lấm chấm như là bị chích điện. Chắc chắn là chích điện tại vì chân đứng bị đơ luôn cả,” vợ nạn nhân nói.
“Nhưng em đã kỳ vọng vào Viện KSND Tối cao có cái nhìn tổng quan và tích cực hơn để bảo vệ cho người dân. Vậy mà, cuối cùng họ lại có kết luận như vậy, thực sự là sốc với em quá.”
“Em nghĩ rằng nếu cuộc sống này bất công, không có công lý như thế này thì thà em chết để em lấy công lý.”
'Hy vọng giải oan'
Bà Tuyền đã nhiều lần gửi khiếu nại đến các cơ quan, ban ngành có liên quan, với hy vọng được “giải oan cho chồng”.
Bà tâm sự: “Em không hiểu là những người cơ quan công quyền, những người thuộc chính phủ Việt Nam, thủ tướng, chủ tịch nước họ có đọc được những cái tin trên báo về hoàn cảnh gia đình em hay không?”
“Và họ có cảm nhận cái nỗi đau một người dân đang gánh chịu như thế này hay không?”
Bà cũng được hỏi về cách giải quyết nếu như nỗ lực gửi khiếu kiện không gây được sự chú ý của dư luận và chính phủ.
Bà nói: “Biết rằng có hiệu quả hay không, em không dám chắc chắn. Nhưng nếu như sự việc này không được giải quyết thì em sẽ nhờ bên tổ chức nhân quyền để giải oan cho anh Nhựt.”
Theo bà Tuyền, bà vẫn luôn giữ trọng niềm tin vào Đảng và Nhà nước, cho nên trước đó bà chưa muốn sự can thiệp của các tổ chức nhân quyền.
“Em luôn luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước và luôn luôn tin tưởng rằng sự việc của chồng em sẽ được sáng tỏ nhưng đến nay thì mộng ý của em đã tiêu tan thật sự.”
Bà nói thêm, phải nhờ cậy đến các tổ chức nhân quyền là con đường cuối cùng của mình.
Trước đó, bà Tuyền đã đến Viện KSND Tối cao tại Hà Nội để yêu cầu được làm sáng tỏ vụ việc đối với ông Nguyễn Công Nhựt.
Bà cho biết một cán bộ tên Phong đã trả lời sẽ làm rõ vì cơ thể của chồng bà có nhiều vết tích nhưng không “hứa hẹn thời gian cụ thể”.
Ông Nguyễn Công Nhựt bị công an bắt tạm giữ để điều tra nghi vấn mất lốp ôtô của công ty Kumho, Hàn Quốc hôm 21/4/2011 và sau đó tử vong tại trụ sở công an huyện Bến Cát hôm 25/4/2011.
Vụ mất trộm gần 7.000 lốp ôtô tổng trị giá gần sáu tỷ đồng vào tháng 10/2010 đã liên đới sáu nhân viên của công ty này.
17-02-2012
Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn