BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhật Ký Trần Dần

14 Tháng Chín 195812:00 SA(Xem: 1817)
Nhật Ký Trần Dần
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Phạm thị Hoài hiệu đính và sắp xếp lại


Một đoạn nhật ký của Trần Dần, viết vào thời gian đang có vụ đàn áp Nhân Văn xảy ra. Trích từ Ghi (nhật ký, di cảo của nhà văn Trần Dần, do nhà văn Phạm thị Hoài căn cứ vào những cuốn sổ tay Trần Dần để lại cho gia đình, đoán các chữ khó đọc, hiệu đính và sắp xếp lại)

.....3-3 đến 14-4 -58

Lớp nghiên cứu 2 văn kiện.

Một lớp học lộn đảo tất cả, từ con ngươi mắt, đến từng tế bào óc! Do đó mà rồi văn học chung cho đến cuộc đời riêng từng người cũng sẽ lộn đảo tung lên hết, từ nay trở về sau.

Từ chỗ khẳng định thế giới bây giờ là ở thời kỳ quá độ chủ nghĩa tư bản tiến sang chủ nghĩa xã hội, đến chỗ khẳng định được, ở nước ta 3 đoạn tiến lên xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu từ ngày hoà bình, những nhận thức chính trị cơ bản và rất giản dị đó giúp cho mỗi người nhận thấy rõ vị trí của mình trong 3 năm qua đã đứng ở đâu, ủng hộ ai, phản đối cái gì?

Nhân Văn Giai Phẩm thế là đã đứng về phe tư bản chủ nghĩa, phản đối xã hội chủ nghĩa; hơn thế, lớp học trình bày sự thực, làm cho tất thảy đều thấy rõ chân tướng bọn cầm đầu Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP), đó là một công ty phá hoại bao gồm những kẻ phản cách mạng, đứa là phần tử Quốc Dân Đảng cũ (Phan Khôi), đứa là mật thám trước (Trần Duy), đứa là tên bất mãn chống Đảng có lịch sử, đi đến chủ nghĩa trotskisme (Nguyễn hữu Đang), ... chúng ngoặc với bọn trotskistes Trương Tửu,Trần Đức Thảo, và với bọn gián điệp vẫn liên lạc với Sainteny, là Thụy An.

Nhìn rõ được chân tướng những ông bạn quý của tôi đó rồi, tất nhiên chân tướng của tôi nó cũng phải lộ ra, không còn có thể che đậy được nữa. Nói thì giản đơn, song quá trình tỉnh ngộ của tôi nó đã là một kết quả hết sức là phải căng não ra, phải có sự trấn áp của khách quan, phải có bàn tay kiên quyết của chân lý cách mạng. Mà tư tưởng thù địch của tôi nó còn chống đánh kỳ cùng, giữ từng căn nhà, từng góc phố, khác gì một cuộc chiến đấu trong thành phố.

Tôi là cái gì?

Trước Cách Mạng, tôi là một thứ hổn lốn phản động của những tư tưởng tư sản điạ chủ: hưởng lạc đến đồi trụy, hám danh to đến bệnh "vĩ đại cuồng", vô chính phủ đến phá phách mọi trật tự, thoát ly đến rơi vào sinh hoạt sa đoạ, và đi vào các trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tượng trưng, lập thể, siêu thực... và vào triết học ru ngủ tối phản động của Bergson.

Trong Kháng Chiến, con người phản động đó bị trấn áp, hoàn cảnh chiến tranh và chân lý vô sản đè cổ nó xuống, nạo rửa mới chỉ được một phần nào.

Trở về Hoà Bình, nhân cơ hội cách mạng gặp khó khăn khắp thế giới và trong nước, lại gặp hoàn cảnh một thành phố "Mỹ hoá" như Hà Nội, tức thì con người phản động cũ của tôi nó lộn lại. Nó không hiện nguyên hình như cũ, mà khoác áo mới, những "chống công thức", "đi tìm cái mới", thực chất đó chỉ là cái vỏ che đậy cho cái ruột thối của chủ nghĩa xét lại và tư tưởng trotskiste. Con người phản cách mạng như thế phát triển với tốc độ "tử vì đạo", nó phá phách khi hung hãn khi tinh vi mọi cản trở, tức là mọi nguyên tắc và lý luận cách mạng, nó húc đầu bướng bỉnh và tàn nhẫn vào quy luật phát triển khách quan của lịch sử. Nó đấu tranh ở bộ đội, ra Giai Phẩm Mùa Xuân, làm thơ phá hoại, đứng cùng hàng ngũ bọn NVGP, bắn lại cách mạng, bắn lại Đảng, trong khi Đảng vẫn dang lớn hai cánh tay kêu gọi nó lộn về, ngực Đảng hở, vô tình, bị viên đạn nhẫn tâm nó bắn đến bị thương.

Không thể đếm hết những viên đạn ròng rã 3 năm qua tôi đã bắn vào Đảng, khi thẳng mặt, khi bắn sau lưng, lợi dụng tình thương của Đảng mà phản bội. Cứ thế, đối Đảng, đối nhân dân, đối bạn bè, đối gia đình, đối văn học, tôi đã gây biết bao tình tội, mà suốt một cuộc đời còn lại, làm việc và ăn năn hết lòng, cũng khó mà xóa đi cho hết.

Tôi đã tự lừa dối là một người có óc suy nghĩ độc lập. Song sự thực chứng tỏ tôi chỉ là một con rối mà những đường dây tư tưởng thù địch nó đã giật cho múa may tùy thích.

Tôi đã tự lừa dối tôi là một martyr của Đảng quan liêu, song sự thực chứng tỏ đối Đảng, đối nhân dân tôi là một kẻ tội đồ mà dân ta, Đảng ta hãy còn chưa trừng trị.

Tôi đã tự lừa dối tôi là tôi đi một con đường cao quý, con đường chịu tội cho loài người (chemin de calvaire). Song sự thực chứng tỏ con đường tôi chỉ là con đường phản bội, con đường phá hoại nhơ bẩn và tàn nhẫn.

Tôi đã tự lừa dối là tôi tử vì đạo vì mục đích đi tìm cái mới cho xã hội, cho văn học, cho con người. Song sự thực chứng tỏ tôi đã là đứa tay sai muốn chết cho bọn tư sản phản động, cho chủ nghĩa xét lại, cho tư tưởng trotskiste, và cho bọn đế quốc chúng đứng trên cao hết, chăng ra một bức mạng nhện những tư tưởng hiểm nghèo và độc địa.

15-4



Báo Nhân Dân với một sinh viên

— cuộc nói chuyện của nhà văn Liên Xô ra, tôi đi với Tử Phác.

Tử Phác thấy phen này là cả một sự đảo lộn trong cuộc đời. Tôi khuyên Tử Phác nên nhân lúc này mà sống mạnh dạn hơn.

Qua nhiều câu chuyện, Tử Phác kể lại chuyện báo Nhân Dân chữa cái bài do một sinh viên viết về Trần Dần ăn cắp Maia. Tử Phác bảo: tay sinh viên đó là học trò Hữu Loan, kỳ này bị truy tợn, mới viết một bài gửi báo Nhân Dân, đại ý chỉ có nói đến những réminiscences thơ Maia còn ở trong thơ Trần Dần. Báo Nhân Dân mới chữa và đặt tít thành: ăn cắp thơ Maia. Dưới lại thêm rằng, cả Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hữu Loan vv... cũng là bọn dùng thủ đoạn đánh cắp đó cả... Anh sinh viên kia hốt quá, đến phân minh báo Nhân Dân, yêu cầu cải chính, không được, bèn đến xin lỗi Hữu Loan, kể tình đầu như vậy. Hữu Loan lại kể với Tử Phác, và dặn chớ nói với Phùng Quán, Lê Đạt, sợ nó bô bô nói đi.

Tôi nghe câu chuyện, cười xoà, nói:

- Kể ra, bọn mình còn vu cho Đảng những vố cay hơn, nên cũng không nên coi những chi tiết đó làm trọng nữa.

Tử Phác cũng gật đầu. Giá trước lớp học thì câu chuyện không thể có một cái kết luận vui vẻ như vậy được.

16-4

[...]

Đi đâu? Làm gì?

Vấn đề đặt ra với tôi là cải tạo lao động, nhưng tôi còn có một gia đình, cũng vấn đề ấy, nó bao hàm thêm một ý nữa: cải tạo lao động thế nào mà có thể đỡ đần thêm chút ít cho vợ con nữa.

Vợ yếu quá, đã mổ ruột, việc nặng không kham nổi; lại còn con nhỏ, vài tháng đã thêm một đứa, là 2, con trước con sau, vợ cứ xoay vào với chúng nó là đã đủ kiệt sức rồi. Nuôi con là một thứ lao động mệt nhọc bậc nhất trong các thứ lao động, chỉ có cái là nó không thể gọi là "lao động sản xuất", trừ phi muốn chơi chữ thì gọi vậy mới được mà thôi... Vậy lấy gì nuôi vợ con? Một gia đình 4 người, chỉ có tôi tương đối còn sức lao động, phải đóng vai lao động chính! Mà viết thì phải ách lại rồi, còn hai bàn tay vô nghề, đi học việc thì lương sẽ khoảng 2 vạn 7! Vợ thì biết làm y tá, khâu khíu bít tất, dệt một chút, máy chữ một chút vv..., cũng muốn làm, mong làm, song không có việc; vả nếu được việc thì phải nuôi người làm trông con, lỗ hà ra lỗ hổng, lại chỉ còn trông độc vào lương tôi mà thôi.

Thật là khó. Tôi chưa biết tính sao? Cho nên bàn với vợ giả nốt cái nhà phố Trần Phú, một tháng thu được 6 vạn, tôi cũng bàn suông vậy, muốn từ bỏ cái nhục ăn bám đó đi nữa mà không có lối cụ thể! Vả lại giả nhà, phải giả cả tiền thu lợi suốt mấy năm qua, trên 2 triệu, thì lấy đâu ra?

Mà vấn đề cải tạo lao động là một vấn đề khẩn thiết bức bách lắm rồi. Không thể đừng được. Tôi có cảm giác phải vượt qua một ngọn Hy Mã Lạp Sơn! Cuộc sống có những lúc thử thách con người ta một cách hết sức nghiêm nghị. Cuộc sống có khi buộc người ta phải sống cho ra sống. Tôi không muốn làm một kẻ hèn nhát. Cái sàng lớn của xã hội chủ nghĩa sàng không thương sót, tôi không muốn làm một kẻ bị sàng đi. Ôi chao, phải nhận chân một sự thật: lòng quyết tâm cải tạo xã hội chủ nghĩa của tôi nó còn ít tự giác quá. Nó còn như bị bó buộc. Cái mới chưa tin hoàn toàn, cái cũ chưa gột cho hết. Một con người thảm hại tột độ.

Lý Đăng Cao và tình hình

Ban tối Lý Đăng Cao đến chơi, với một người nữa không giới thiệu tên, chỉ bảo là: “bạn”!

Vợ tôi sửa soạn đi Nam Định, đi đòi nợ lũ em gái, lấy dăm vạn tiêu xài. Lý Đăng Cao có vẻ nghi, nói xa nói xôi rằng: không nên đi lại “khác quy luật”, rằng bây giờ công an người ta phải theo dõi, vv...

Tôi cười xoà. Một kẻ như tôi thì nhất cử nhất động, người ta đều có quyền đặt vấn đề cả. Tất nhiên.

Người bạn Lý Đăng Cao còn khuyên tôi nên giữ gìn. Vì địch nó còn đang tung tin hoang mang ghê lắm: bắt người này, người kia tự vẫn vv... Và có thể nó thủ tiêu tôi đi, hoặc khiêu khích quần chúng đánh tôi, hòng để bôi xấu chế độ ta.

Tôi nghe làm phải. Đó cũng là cái ý đã có lúc đến trong đầu óc tôi.

Hiện nay, Nguyễn hữu Đang, Thụy An, Minh Đức đã bị bắt, chẳng bao lâu sẽ ra toà. Báo chí vẫn tiếp tục diệt đánh Nhân Văn, một chiến dịch cần thiết, (mà trước kia tôi lại cho là một sự bơm phồng chế tạo!) Bộ 6 Giai phẩm mùa xuân đã buông tha nhau ra. Bọn NVGP cũng ôrơvoa nhau hết. Sỹ Ngọc (theo lời Văn Giáo) đóng kín cửa, miễn tiếp khách!

Bản thân tôi, do chỗ đã tự giác đình bản tư tưởng thù địch (phải nói là một thứ tự giác kết quả của áp lực khách quan!) nên về mọi mặt khác, tôi cũng đình bản cả giao du, đình bản cả việc viết lách! Có cái thú là: đình bản những idées noires, đình bản luồng cảm nghĩ bi thảm cũ! Tự dưng, tôi cảm thấy có cái gì đã nới ra quanh tôi: đất đai cho tôi sống nó rộng thêm nhiều, rất nhiều! Vòng vây do tôi tự tạo nó ra, nay hầu như đã giải toả đi, còn lại ít nhiều cũng chỉ là trong phạm vi sự cảnh giác cách mạng cần thiết mà thôi.

Có nên đi gặp những đồng chí lãnh đạo, để hỏi những việc cần phải làm không? Đi thì lại sợ bị hiểu lầm. Nhưng nếu ngồi nhà, tiêu cực đợi, có khi còn bị hiểu lầm hơn gấp bội: Người ta dễ hiểu những biểu hiện tích cực, hơn là những biểu hiện ngấm ngầm, tiêu cực.

19-4

Tình hình

Lớp học đảng viên trước Tết, lớp 304 cán bộ văn nghệ văn hoá, nghiên cứu 2 văn kiện đã bế mạc rồi. Đó là 2 lớp đấu tranh tư tưởng.

Hiện nay cuộc đấu tranh đang chuyển sang một bước cao hơn: đấu tranh chính trị. Bọn Đang - Minh Đức - Thụy An, thân thì bị cầm tù, tội ác thì đem bêu đầu trên báo chí. Vai trò của bọn chúng trong các vụ phá hoại 3 năm qua đang được vạch trần, mà mới chỉ vạch về mặt hành động, còn mặt bùa mê tư tưởng thì chưa vạch.

Phan Khôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo, tức là trốn cuộc đấu tranh, chỉ đọc các truyện và sách vớ vẩn giải trí. Trương Tửu, Trần Đức Thảo làm gì?

Còn bọn loại B chúng tôi hiện ra sao? Làm gì?

Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt đang tiếp tục kiểm thảo ở cơ quan (lớp học 10 ngày) cùng với những Quang Dũng, Trần Lê Văn Văn, Thanh Châu, Huy Phương, Yến Lan, Nguyễn Thành Long vv... Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình, cứ như ly dị một người yêu. Lê Đạt được mình nhắc cái "Cha tôi" (mon père) thì cười, và rồi cũng đành hạ bút mà hạ thủ nó cho rồi. Bản thân tôi mới tiếc cái "Việt Bắc" làm sao chứ!

Quang Dũng thì thú thực là: ở lớp học nói chữ phản động không sao, bây giờ đặt cho mình chữ ấy, nó cứ thế nào ấy! Anh ta kêu: trưa nay vợ cãi nhau với một anh hàng xóm về chuyện cống rãnh vớ vẩn, mà anh kia thì hoàn toàn là trái rồi, thế mà Quang Dũng không dám nói gì. Hì! Vì cái thằng cha ấy nó chả xem báo nhiều, lỡ ra cãi nhau với nó, nó lại chửi móc phản động này nọ thì khổ! Lát sau Quang Dũng lại kể chuyện ấy một lần nữa, và nói thêm: nếu nó làm quá mình sẽ đưa ra công an.

Nguyễn Thành Long thì cứ thắc mắc về những hiện tượng phát hiện sai, như cái bếp điện Thụy An cho, như chuyện Lê Đạt, Trần Dần đi lại tụ tập ở nhà anh ta! vv... Làm gì có?

Không hiểu Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Tử Phác nay ra sao? Đôi lúc qua nhà Văn Cao nghe thấy tiếng đàn, chắc anh bạn buồn lắm đấy. Vì anh mất cái vương quốc rộn rịp của anh rồi! Anh như người còn lại một mình trên một căn nhà cháy, ôm lấy một cái cột than, trong khi mọi người đã đi hết cả rồi! Khổ thân anh chăng!

Lê Đạt nhìn xa

Chết vẫn chưa chừa cái lối lý luận suy diễn vớ vẩn, Lê Đạt nói: "Trước kia giáo điều chả là một sự cản trở, người ta chống lại, quá đi thành ra xét lại! Bây giờ đánh xét lại là đúng rồi, nhưng nhất định chủ nghĩa giáo điều sẽ nhân cơ hội này mà ngóc dậy. Contrepoids mà! Sẽ giáo điều một thời kỳ lâu. Cho đến khi chủ nghĩa xét lại đã thành một vấn đề lịch sử thì người ta lại sẽ thấy chủ nghĩa giáo điều là một cản trở cần phải chống nó! Đúng như thế đấy!"

Dạo này anh chàng "nhũn" tợn! Anh ta cứ bầu mình lên làm "ông anh tư tưởng" của anh ta! Có bao giờ anh ta chịu cái nước đàn em một cách thực sự như bây giờ đâu?

Phùng Quán kể

Hôm bế mạc lớp học, các tổ trưởng họp bàn xem nên cho ai phát biểu. Rất là gay. Có người nêu: không nên cho Nhân Văn nói! Xong bàn đi bàn lại, thấy rằng lớp học là lớp học chung cả, thì nên để cho họ phát biểu, mới là có kết quả chứ.

Nhưng rồi lại bàn: chọn ai? Bàn mãi, rồi quyết định là chọn: 1) Trần Dần (vì đầu sỏ loại B) 2) Phùng Quán (vì là một anh bị ảnh hưởng)

Nhưng rồi lại sợ nó nói bố láo câu gì, cuối lớp rồi, thì phiền. Xong bàn là: cho nó viết ra, thông qua trước xem có được không hãy.

Nhưng rồi lại sợ nó lên nó nói mồm thêm ra ngoài cái đã viết. Xong bàn là: gài người bên cạnh, gài người thật cứng, để lỡ ra nó có nói gì láo thì còn đập lại được!

Nhưng rồi Trần Dần, Phùng Quán phát biểu, cũng đường được cả thôi.

Kể ra thì khách quan cũng có cái quyền cảnh giác như thế, vì chủ quan tôi và bè lũ, mấy năm qua đã tỏ ra là một lũ người bất trắc, không thể nào có thể dễ tin ngay được!

29-4

Phùng Cung

- Nhục lắm. Mẹ nó. Mình xin về nhà có được không nhỉ? Mẹ nó. Có những thằng nó không bằng một thằng đồ gàn phong kiến nữa! Phan Khôi chẳng hạn. Hắn cho vợ hắn gặp tôi, nhắn rằng: "Tôi đã nói gì với anh, anh cứ tố ra hết đi. Vì tôi thì già rồi, mà anh thì còn trẻ!“ Mẹ nó, nhục quá. Anh bảo nên thế nào? Có nên xin ra biên chế không?

Tôi nhìn Phùng Cung, ái ngại cho anh quá. Đâu như trong khi học tập, anh ta "hỗn" quá, bị đuổi khỏi lớp làm sao ấy... Tôi khuyên anh, rằng nên đầu hàng đi; rằng chỉ có một con đường, "họ" là chân lý, mình đầu hàng, là phải; rằng không nên xin ra biên chế, lúc này việc ấy có thể là một sự tiến công của tư tưởng thù địch; rằng không nên coi là nhục, oan ức gì nữa, mà cứ nghĩ lại xem tổng cộng cái bồ chữ mình đã chửi vào lãnh đạo nó to như thế nào, còn oan và nhục gì nữa?

Phùng Cung xem ý không thông gì lắm. Tôi thấy khổ! Một con người có cái gan "tử vì đạo" là Phùng Cung, than ôi, cái đạo anh định chết vì nó chính là cái đạo phản cách mạng, sao mà anh chưa tỉnh ngộ ra hử anh?

Văn Cao

Ít ngày trước qua nhà Văn Cao, dưới thấy vắng xe đạp, trên gác thì buông ra những nốt đàn, nó lơi bơi và lăn lóc lỏng chỏng trong bầu không, tôi tự dưng cứ nghĩ đến một cái miếu hoang, nghĩ đến nét mặt rầu rĩ của người nghệ sĩ "tiên chỉ" đó. Và nghĩ đến cái đại dương cầm Văn Cao đã tự hào tuyên bố rằng: nó sẽ là một vật quý viện bảo tàng, vì có bàn tay Văn Cao đã đặt trên clavier đó!

Cách đây vài ngày, ở cơ quan về, buổi sáng, tôi thấy nhà Văn Cao mở rộng cửa, có một cái thang bắc từ gác anh xuống dưới đất, bên hè có một cái xe bò to nằm chờ, nhìn lên trên, thấy mấy người ra vào cầm dây, xem hướng, chỉ chỉ, bàn tán nhau: họ đang tính cách giòng cái đại dương cầm xuống, chở đi!...

Chắc không phải là chở đi để đặt vào viện bảo tàng.

Nguyễn Hữu Đang kêu oan

Lê Đạt kể. Đạt gặp công an, về việc phát hiện thêm về Đang và Thụy An. Đồng chí công an cho biết: Thụy An hắn đã nhận là haute police của địch.

Còn Đang thì hắn cũng nhận là hắn có âm mưu lật đổ Trung Ương, bằng phương pháp hoà bình. Về vấn đề tổ chức đảng phái chính trị, hắn khai là chưa có.

Xong hắn lại kêu oan! Rằng: báo chí cứ bảo hắn là đầu sỏ, oan hắn quá; sự thực, đầu sỏ là bộ ba Đang, Đạt, Cầm, chứ không riêng gì hắn! về nội dung số 6 , hắn khai có bàn với Đạt và Cầm. Hắn còn khai có bàn với Đạt và Cầm sẽ ra những số đặc biệt về Cải cách ruộng đất, về công thương nữa.

Theo Đạt nói thì: Hoàng Cầm cũng biết nội dung số 6 thật, chỉ có cái là bây giờ cu cậu chối! Còn những số đặc biệt về Cải cách ruộng đất, công thương, thì Đang hắn chưa hề bàn với ai sốt!

7-5

Kiểm thảo sáng tác

Đảng đoàn Hội Nhà Văn để cả một tuần này, để cho Nhân Văn viết lại cái phần kiểm thảo sáng tác! Theo như đồng chí Nguyễn Xuân Sanh nói, thì tuần trước, phần đó viết chưa sâu, vì thiếu thời giờ, thì tuần này viết lại cho kỹ. Mà phải viết sao cho có thể dùng in công khai được.

Sau khi mọi người đã nộp cái của quốc cấm, nghĩa là cả một đống những Nhân Văn Giai Phẩm rồi, thì tập trung cả ở một phòng, viết kiểm thảo.

Hoàng Tố Nguyên thì cứ thắc mắc: Sáng tác mình, bảo là khuyết điểm tiểu tư sản, giả tạo gì đó thì có, chứ còn đánh đấm phản động gì thì thiệt là hổng có!

Quang Dũng cũng không nhận thấy tư tưởng phản động đánh đấm gì trong tác phẩm. Anh chàng vẫn cái điệu pha trò kiểu Sạclô, tiếng cười đồng nghĩa với tiếng thở dài. Chẳng hạn "Là người rõ ràng mà hoá ra là élément! élément Nhân Văn! Phần tử Nhân Văn mà lị! Hi hi (khe khẽ)"

Cụ Đại thì muốn được nói chuyện một chút: "Hàng mấy tháng rồi chưa được nói chuyện với nhau, thèm hẳn đi chứ lị!"

Anh nào anh nấy lăn vào viết. Lắm hình dung từ, lắm tiếng tự phê dao búa! Ví dụ Lê Đạt, có mỗi câu mở đầu bài "mấy người tự tử" là câu "Nhân đọc báo Nhân Dân số 822", mà Lê Đạt lại tự phê là: "đó là một âm mưu của tôi dùng Đảng để đánh Đảng"!... Nghe mà khó tin thay! Mỗi ngày anh chàng lại có vẻ xích lại gần giống "Thiều Quang"!

Hoàng Cầm tự phê cũng gớm, đúng là bác phó vữa, rất nhiều chữ nghĩa trang kim lóng lánh. Nào: dán nhãn hiệu dân tộc, nào: thuốc độc tẩm đường, nào: bôi đen bọc giấy bóng kính vv...

Tôi cũng không kém. Bao nhiêu hình dung từ phản cách mạng, phản động, phản Đảng, phản bội, chống chế độ, xét lại, tờ-rốt-kít. Không còn thiếu chữ gì. Giặc-bút, viên đạn xét lại, mũi tên độc địa của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, chủ nghĩa vô chính phủ và đầu óc làm phản vv..., tôi sáng tác thêm nhiều chữ nữa để mà miêu tả chân tướng mình, cho nó hết lòng một thể.

Chắc các đồng chí lãnh đạo đọc một loạt kiểm thảo bọn tôi lần này thì phải bựt cười lắm đấy! "Trước kia thì nói nhẹ chúng cũng không nghe. Bây giờ thì chúng lại còn tự sỉ vả gấp triệu lần sự phê bình của lãnh đạo!"

Attention!

- Trần lê Văn bênh vực auto-suggestion là khoa học. Anh bảo: đó là phương pháp của Couet. Rất giản dị. Mỗi tối đi ngủ, thì mình tự nhắc mình 20 lần rằng "je suis meilleur à tout point de vue". Attention!

- Lê Đạt say sưa kể và bênh vực Ẹ Triolet về lời phát biểu mới đây của bà. ẸT. nói: làm avant garde thời nào cũng khó, phải trải qua bị chà đạp, đến moderne, đến trở thành classique! Nhưng thời nay làm avant-garde càng khó! Vì người ta sẽ bảo anh hoặc chống réalisme socialiste, hoặc conformiste vân vân! Rồi ẸT. nói: réalisme socialiste chỉ là l' angle de vue, không phải là một phương pháp! Lê Đạt tán thành quan điểm này.

Tôi tranh luận với Đạt, chưa ngã ngũ. Lời đi tiếng lại, Đạt hỏi tôi: "Có chủ nghĩa Staline không?" Đạt nói: "Văn nghệ phục vụ chính trị có phải là caractère spécifique của văn nghệ đâu, vì ngành nào, kinh tế, giáo dục vv... chả đều phục vụ chính trị cả!" Đạt nói nếu hiện thực là phương pháp thì bó lắm!

"Bây giờ khó lắm!"

Tôi cũng nghĩ: quả là khó!

Vì cứ lý luận của ẸT. thì bản thân nó là một con dao hai lưỡi! Ai chả nhận mình là avant garde được?

Ngoài ra, còn nhiều chỗ quyết đoán. Sao lại bảo làm avant garde thời nay khó hơn xưa? Sao lại bảo chỉ là l' angle de vue?

Tôi chưa được đọc nguyên văn, mới nghe mồm Lê Đạt. Attention!

- Hoàng Cầm kể, có một học sinh gặp Cầm, nói đại ý rằng: ừ thì các anh ấy thuốc phiện, đồi trụy, vv... nhưng sáng tác hay; bây giờ chuyển thì thử sáng tác xem có hay hơn trước không?

Chắc anh học sinh đó là một thứ adepte entête của Nhân Văn, của tư tưởng tiểu tư sản mà thôi. Attention!

12-5

Phùng Quán

Lâu lắm cu cậu lại mò đến mình! Sau lớp học, cu cậu về nhà, nghĩ quanh nghĩ quẩn ra sao, bây giờ thấy cu cậu phản ứng!

Quán kêu nhiều nhất về việc "báo chí nó đánh mạnh quá!" Không riêng báo, mà những báo cáo mồm mới ghê hơn gấp vạn. Nào bảo Phùng Quán đã hủ hoá với Thụy An mấy lần! Nào nói sai cả hiện tượng đi, ví dụ Trương Tửu nó nói trí thức là viên ngọc, thì lại nói rằng Trương Tửu nó kích Phùng Quán là viên ngọc! Hoặc nói rằng Trần Đức Thảo nó bảo Phùng Quán trả lời báo Nhân dân về bài "Nói thật", thì theo Quán nói, "thế là oan nó", vì ý định ấy là "do mình"!

Ngoài ra, Quán còn kêu là do không khí và áp lực lớp học, nên Quán bốc. Ví dụ, đi tu đạo Ấn độ, thì mình nghĩ rằng, "các anh, ai cũng có chỗ bi quan, đi xem bói", mà bản thân mình chả lẽ không có gì, mới bịa ra cái việc tu đạo ấy!

Lại như việc "cầm cờ đi biểu tình" Quán cũng bảo là "mình nói vậy cho nó oai!" Chứ chả lẽ không có gì?

Và bây giờ thì Quán nhận định là: "mình chỉ có cái kiêu ngạo với lại vô kỷ luật! Có vậy thôi!"

Lại sụt mức đến thế nữa cơ chứ! Quán có vẻ chán nản lắm: "Không bao giờ lấy lại được!" Quán kêu là Quán ở một xóm lao động (Vân Hồ) mà người ta không muốn nấu cơm cho tên phản động Phùng Quán ăn nữa cơ chứ! Tôi nghe lạ tai, không tin, bèn hỏi:

- Thế bây giờ cậu ở đâu?

- —... Quán đáp... vẫn ở Vân Hồ...

Tôi cười, không muốn lật tẩy cu cậu: thế nghĩa là, ở Vân Hồ vẫn ở được, tất nhiên vẫn phải có ăn chứ lị!

Phùng Quán lại kêu nhiều về việc đăng "lời thú tội bước đầu" của Phùng Qúan ở tạp chí Văn Nghệ số 12. Sao lại thú tội, tự kiểm thảo chứ! Sao lại bước đầu? Sao lại không hỏi ý kiến mình? Thế mà bảo rằng "không nói ra ngoài mọi việc của lớp học", mà bây giờ lại đăng cả lên vậy! Vân vân...

Tình hình

Cuộc đấu tranh cứ lộn đi lộn lại từ B sang A, lại A sang B, báo chí cứ xoay đi xoay lại mãi, cứ như một cái nồi khổng lồ của vô sản chuyên chính, ninh đi ninh lại cho nó dừ cái chủ nghĩa xét lại ra.

Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ. Không còn cách nào. Đây không phải là một sự trừng trị cá nhân; mà đây là "chúng ta" trừng trị một phong trào, một trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa xét lại... Tôi vừa là một tội nhân. Vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn.

Hoàng Cầm đọc số 12 tạp chí Văn Nghệ, có vẻ run, thấy bị "trích", bêu ra công khai. Anh chàng sống cảm tính quá, giác ngộ cũng chỉ là một thứ "cảm tính phức tạp"! Thấy bị bêu đầu, anh chàng đặt vấn đề: "Có phải là từ lớp học, vấn đề đã bị nêu ra quá to không? Mình vẫn ngờ ngợ ra sao ấy!"

Thanh Châu thì bơm cái chán đời của anh lên! Con người ấy, cả đến cái sự bi quan cũng lại còn "bịa" thêm ra nữa cơ chứ!

Trần lêVăn thì ngơ ngác. Một thứ ngơ ngác có lợi.

Lê Đạt kêu "bị lãnh đạo đánh giá quá cao". Anh kể là Nguyễn Sáng rất thích cái "cương lĩnh của liên đoàn cộng sản Nam Tư".

Bản thân tôi là một mớ nhiều thứ:

- tội chống đối tôi có thấy, song lại cũng thấy là "có cần phải bị bung quá dừ, quá dai dẳng trên báo chí thế này không?"

- xem xét một số tài liệu để ly khai hẳn với những cái gọi là "stalinisme", "stalino-rakonisme", "jdanovisme".

- lo nay mai, cải tạo lao động sẽ bị surménage! Còn có tương lai gì nữa được! Surménage thì tương lai tức là ở trong bệnh viện, nếu không phải là ở một nấm mồ nào đó...

Cái lo này là chỉ đạo, thời gian này, chờ "án"... Còn sự "thấy mình bị bung quá", nó lộn đi lộn lại, mờ nét, mông lung, mãi sau mới rõ hình thù ra, tức thì nó bị tôi dồn đánh ngay: nó chỉ là một biến tướng của tư tưởng làm martyr từ 3 năm nay mà thôi.

13-5

Không khí

QPhòng nói với Quang Dũng về việc đấu tranh tư tưởng kỳ này:

- Mình thấy là làm quá!

Quang Dũng xỏ lá, nháy mắt hỏi lại: "Sao?"

QPhòng giật mình, nói chữa:

- Mình nói là làm kỹ quá! Tốt! Tốt lắm!

21-5

Một cuộc hội đàm bỉ ổi

(Tử Phác kể)

Tử Phác kể về Văn Cao và Hoàng Cầm. Lắm chuyện lạ.

Hoàng Cầm từ lớp về, đâm buồn, và hối là đã tố bạn. Anh ta lại đi pum (nghĩa là đi hút thuốc phiện- chú thích của Văn Học), nhà người anh họ, nhưng theo anh ta nói vì "đến bất ngờ, họ kéo vào!" (Chú ý: bất ngờ mà lại bất ngờ những hai lần!)

Trong lớp, anh ta "tố" tợn, chắc tính rằng từ nay về là "dựa hẳn" lãnh đạo. Còn bạn bè cũ phen này là đi toi cả rồi. Song, trở về thì thấy khác! Sờ vào lãnh đạo cũng chưa thấy cái mấu nào mà víu cả! Mặt khác, Văn Cao lại vẫn thấy Ấđình huỳnh“! Khả dĩ vẫn có thể là một cái tay vịn. Khổ thân cái kiếp anh chàng, suốt đời cứ quẩn quanh tìm cái cọc cho cái thân thể dây leo của mình. Hoàng Cầm bèn tìm cách "trở về" với tiên chỉ. Cũng phải nói thêm, rằng ít lâu nay, thái độ của Phùng Cung (thằng Đang nó bảo: đéo mẹ thằng Hoàng Cầm, nó khai bố láo cả) hay của Hữu Loan (khi kiểm thảo trước cơ quan Hữu Loan 2 lần chửi xỏ: thằng Hoàng Cầm hèn nhát!), những cái đó làm cho Hoàng Cầm "nghĩ ngợi", nhụt cả kết quả lớp học. Vả cuộc đời, nó có cái bình thường "hỗn tạp" của nó, không giống không khí cách mạng của lớp học, cuộc đời Hà Nội đã ít nhiều làm "hả" Hoàng Cầm đi. Anh chàng một hôm viết thư cho Văn Cao, đại ý nói muốn thanh minh về chuyện lớp học, song nhà Văn Cao thì nguy hiểm, thì mời Văn Cao đến nhà mình!

Văn Cao nhận được thư ấy, không biết nghĩ sao, bèn đi gặp Nguyễn Đình Thi, đem việc ấy ra báo cáo, và xin chỉ thị "xem có nên đi gặp Hoàng Cầm hay không?"

Dĩ nhiên Nguyễn Đình Thi không thèm ngăn cản một cái việc chẳng có gì là nguy hiểm mà phải xin chỉ thị ấy!

Văn Cao đến gặp Hoàng Cầm, phố Lý Quốc Sư.

Một cuộc "hội đàm" bỉ ổi bắt đầu. Hoàng Cầm khúm núm, nhận là mình dát, bị đánh quá, mụ đi như "một con đồng", họ hỏi đâu thì cứ phun ra tuồn tuột, không còn nghĩ ngợi gì cả nữa! Thế cho nên, khi về Hoàng Cầm "không dám đi gặp anh em" nữa, sợ bị trách, ngượng mặt! Tóm lại, tức là sau khi đã thành khẩn thú tội trước Đảng trong lớp học, thì bây giờ thì Hoàng Cầm lại thành khẩn thú tội trước "tiên chỉ Văn Cao"!

Văn Cao lên mặt hách. Anh hạch tội Hoàng Cầm, chẳng hạn: - pum thì có phải là chống đối đâu, sao lại khai? Anh lại bảo là Hoàng Cầm tố điêu, để che giấu cái việc có "Đảng phái chính trị", đánh lạc lãnh đạo đi về hướng anh! Hoàng Cầm thì nói hiện tượng, Trần Dần thì nâng lên "nguyên tắc", đều là cái "âm mưu che đậy cái tổ chức chính trị ấy". Anh lại nói là việc ấy, anh đã báo cáo lãnh đạo.

Hơn nữa, anh lại còn cynique đến nước nói là: "Tao chỉ có tội chống Tố Hữu, chứ tao có chống Đảng đâu? Toàn là chúng mày làm đổ vấy cho tao! Sao không tố những điều tốt, tao đã khuyên răn chúng mày?" (Ôi chao, lại có điều tốt Văn Cao khuyên anh em nữa cơ chứ!)

Cuối cùng, Văn Cao bảo thẳng mặt Hoàng Cầm rằng tính mày hay mách lẻo thì nhớ cho kỹ nội dung cuộc gặp hôm nay đấy, có mách thì mách cho đầy đủ!

Cuộc hội đàm bửn thỉu ấy xong rồi, không biết Văn Cao có về báo cáo lãnh đạo hay không?... Nhưng Hoàng Cầm thì có: anh ta gặp Nguyễn Đình Thi, báo cáo ra sao không rõ, nhưng cũng có thể đoán là anh ta chắc không báo cáo đúng về riêng cái phần của anh!

Tử Phác kết luận: Cả hai thằng đều như hai con đĩ rạc đĩ rời cả. Bửn hết chỗ nói!

Hôm sau, tôi gặp Hoàng Cầm, có cả Lê Đạt, ở Hội Nhà Văn. Tôi xạc Hoàng Cầm, sao lại làm thế, Văn Cao nó khinh. Cụ thể, là khi về, Văn Cao nó có rêu rao là vì mày thấy Đảng vẫn bảo vệ nó, nên mày lại định xun xoe dựa nó! Việc gặp Văn Cao thì không sao, nhưng nội dung không thể như thế được!

Xạc Hoàng Cầm xong, tôi lại xạc Văn Cao (chắc rằng những lời đó sao cũng tới tai anh). Tôi nói: Văn Cao không có cái quyền gì đi "hạch tội" anh em như thế! Đứng trên tình bạn hay trên lập trường Đảng, đều không có quyền ấy. Mà lại còn "vu" tổ chức chính trị cho anh em, thật là một sự vu khống rẻ tiền mà bửn thiủ!... Nếu như Văn Cao trách anh em là đã vì dát, vì hèn mà "tố" anh, lời trách ấy cũng chỉ là trách trên quan điểm vẫn đứng ở chống đối mà trách, dù sao nó còn có lý một chút! Chứ bảo là "tố điêu", là "đổ vấy" thì hoàn toàn sai!

Sau đó, tôi cũng khuyên Hoàng Cầm, thôi cái sự pum đi. Thôi cái sự lắng quắng đi tìm chỗ dựa kiểu ấy! Mà bây giờ chỉ có một con đường "dựa hẳn vào lãnh đạo, còn bạn bè thì chỉ là chỗ giao du tình cảm, đứng đắn mới được! Không nên tiếp tục cái lối "thành khẩn" đó với "tiên chỉ"!

Nhân câu chuyện, Hoàng Cầm có hỏi, tôi mới nói rõ cái việc tôi đã "tố" Văn Cao, Đặng Đình Hưng là nghĩa làm sao?

Thực ra, trước khi Hoàng Cầm báo cáo, tôi dự định là giữ Văn Cao và Đặng Đình Hưng lại, như là "giữ lại một nửa thành phố, chỉ đầu hàng một nửa", để sau đây về thì sẽ còn chỗ làm ăn, sẽ cải tạo hoà bình thôi, như vậy khỏi bị bĩ thế quá. Nên báo cáo tổ, bị hỏi, bị dồn, bị truy nữa, tôi vẫn giấu quanh, không chịu thúc thủ cái một nửa thành phố đó!

Đến lúc Hoàng Cầm báo cáo, tức là Hoàng Cầm "rendre" hai ông bạn quý đó rồi. Phan Vũ lên tố thêm Văn Cao. Lê Đạt thì chỉ xác nhận, tố thêm tí tỉnh, còn bao che Đặng Đình Hưng nhiều. Hơn nữa, qua báo cáo Hoàng Cầm và Lê Đạt thì tôi "được“ đưa lên mũi nhọn, "được“ hội trường chờ đợi rất ghê!

Bão lúc ấy chầu chực trên đầu lâu tôi!

Tôi phải tính kế, vừa thoát thân, vừa thoát cho 4 thằng đang bị dồn đánh ghê gớm (Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Tử Phác), vừa để sao cho Văn Cao, Đặng Đình Hưng hiểu mình, qua cái ý ngầm của bản báo cáo!

Cụ thể, tức là tôi nghĩ rằng: "Bây giờ chỉ còn con đường duy nhất, là đầu hàng Đảng. Không có con đường khác. Mà đã hàng thì hàng thực sự, về sau mới thực sự trời êm bể lặng được. Thế nào là hàng thực sự? Hàng thực sự là: mỗi người phải ra mà gánh lấy cái phần bão, do chính trách nhiệm mình gây ra! 4 thằng đang chịu cái trận bão đó rồi, còn hai ông anh Văn Cao, Đặng Đình Hưng thì xin nhờ đến vai hai ông, mang vác lấy cái phần của các ông! Chẳng lẽ mà ai nhận vơ lấy cái phần đó được! Gọi là cái nghĩa đồng sinh đồng tử! Nếu các ông nhận được ra điều đó, thì trở về với Đảng cả, lại còn bạn còn bè. Làm ăn tử tế, thì về sau, tội được nhoà đi, cả 6 thằng lại khá giả cả. Còn như ông anh nào không hiểu, vẫn khăng khăng ở đường cũ,mà trách oán nhau thì, đó, thôi, aurevoir, mỗi người tự chọn lấy số phận của mình!“

Đến giờ tôi vẫn cho chủ trương đó của tôi là đúng, nó có cái lương thiện và thông minh của nó. Đứng trước Đảng, trước bạn bè, tôi không có gì phải nghĩ lại cả.

Thực tế đã chứng minh cho giá trị chủ trương đó. Quả nhiên: ngay trong lớp học, bão cũng đã ngàn đi dần dần trên đầu 4 thằng, và sau khi chuyển mạnh sang đầu 2 thằng kia ít bữa, rồi nó cũng ngàn đi.

Đến sau lớp học nữa, thằng nào cũng đều được sống trong một không khí được giải vây tương đối dễ thở. Với thời gian, chắc nó sẽ càng dễ thở hơn.

Chỉ có cái là trong bộ 6 thì có một sự phân hoá của trách móc, hằn thù... Hoàng Cầm có vẻ khổ! Lê Đạt tự cho mình là oai nhất, "đúng nhất, vừa mức nhất, không vấy cho ai!", Lê Đạt cho tôi là "quá mức!“, Đặng Đình Hưng thì kẻ cả: "Tất nhiên có chuyện đó, nhưng đã thuộc lịch sử rồi!" Tử Phác khó hiểu, vừa ghét Hoàng Cầm, vừa ghét Văn Cao mà vẫn nối lại một phần, còn đối tôi thì lại bảo là: "anh ghê nhất, anh giỏi nhất!“

Tóm lại, có một sự lục đục phức tạp và vô nghĩa lý chưa thể kết luận ra sao.

Riêng tôi nghĩ: một sự lục đục tất yếu, ở đó sẽ nẩy ra một sự phân hoá rất tốt, đồng thời cũng sẽ nở ra một sự đoàn kết lành mạnh. Bộ phận nào thực sự đi với Đảng sẽ đoàn kết nhau làm liên minh. Cá nhân hay bộ phận nào đó đi với Đảng hai mặt, hai lòng thì sẽ phân hoá, mà nên có sự phân hoá đáng mừng ấy.

7-7

Kỷ luật!

Cuộc họp ở Hội Nhà Văn, 51 Trần Hưng Đạo, anh Nguyễn Đình Thi nhân danh tổng thư ký mới Hội Nhà Văn, lên công bố nghị quyết cuộc họp Ban Chấp Hành gần đây. Giữa các mục, có mục thi hành kỷ luật những người đã tham gia NVGP:

Anh nói khá rành rọt, ít hoa mỹ. Sự thành thực có trong lời anh. Việc thi hành kỷ luật này nhất thiết phải có. Trung Ương dặn anh là khoan hồng, rất khoan hồng nữa. Thi hành kỷ luật không có nghĩa trả thù. Không có nghĩa phải công bằng theo luật Talion: "mắt trả mắt- răng trả răng!“ Nó chỉ nhằm: 1) đảm bảo ngăn chặn sự phá hoại của tư tưởng xấu, 2) thúc đẩy sự hối lỗi của những người phạm sai lầm. Còn mục đích: nêu gương trong xã hội, không thấy anh Thi nói. Tôi nghĩ đó cũng là một lẽ quan trọng, nếu không thì sự ăn ở trong xã hội sẽ trở nên impossible!

TƯ cũng có chỉ thị cụ thể: phân biệt kẻ thù địch chính trị với sai về học thuật, phân biệt người hối cải với kẻ ngoan cố, phân biệt người mắc lỗi lần đầu với kẻ chống đối có lịch sử. Liên Hiệp Hội, Tiểu Ban văn nghệ có thêm: chiếu cố đến cống hiến cách mạng.

1: Chiếu theo những điều đó thì bọn Đang, Tửu, Phan Khôi, Thụy An, vv... không được hưởng sự khoan hồng. Một số sẽ bị toà án trừng trị. Còn thì bị khai trừ hết khỏi các hội nghệ thuật. Tiền vay các quỹ các hội, đến kỳ hạn phải trả, toà án sẽ đòi. Tác phẩm họ, không in, trừ phi, một ngày nào đó họ có biến chuyển căn bản... Nghĩa là xã hội cô lập họ, trừng phạt họ. Chuyên chính vô sản làm nhiệm vụ cách mạng của mình. Tuy vậy, cách mạng một lần cuối, cũng mở cho họ một con đường: "Anh có cải tạo lao động không? Hãy thay đổi con người anh thành một người lao động thực sự! Hãy tỏ sự thiết tha tự cải tạo bằng cách ấy!“- Tính chất cách mạng của chuyên chính vô sản như thế: sự trừng trị bao giờ cũng cố gắng tối đa kèm theo một sự mở đường sống cho kẻ phạm tội.

2: Còn những người khác thì kỷ luật, một thứ kỷ luật giả mau lẹ: Tôi và Lê Đạt bị khai trừ 3 năm, vẫn là hội viên, quyền xuất bản cũng đình chỉ trong kỳ hạn đó. Do vậy, tiền nợ chưa đòi. (Đâu như Đặng Đình Hưng, Tử Phác cũng bị khai trừ có thời hạn ở Hội Nhạc- Thế là trong "bộ 6“, chỉ có 2 người được phân biệt đối đãi: Văn Cao, có lẽ vì thế lực của cống hiến Tiến quân ca, và Hoàng Cầm, vì giác ngộ sớm sủa trong lớp học.)

3: Thứ nữa, đến cái mức cảnh cáo, đình chỉ quyền xuất bản 1 năm. Như: Hoàng Cầm,Trần lê Văn, Phùng Quán, Phan Vũ, Hoàng Tích Linh, TLâm, Thanh Châu, Hữu Loan, Chu Ngọc...

Hoàng Cầm từ mức trên được rút xuống mức dưới này, chắc Hoàng Cầm lại nức nở khen sự sáng suốt của lãnh đạo, sau khi anh đã bực bội phản ứng đến tuần lễ, vì việc vợ con phải đưa ra tòa án.

Những kỷ luật này thi hành từ ngày nào? Tôi quên không hỏi.

Việc đình quyền xuất bản, theo anh Thi, là nhằm đảm bảo ngăn chặn sự phá hoại của tư tưởng xấu. Anh cũng nói là, thời gian cũng có thể rút bớt, tùy theo tác phẩm đột xuất. Tốt, thì cũng có thể in, với sự đồng ý của Thường Vụ.

Thế là tôi mất 7 năm, kể từ Hoà Bình bắt đầu sinh sự, cho đến ngày xóa án. Ba năm trước là cái courbe của sự sa sút. Tôi mong 4 năm sau là cái courbe của sự phục hưng. Tư tưởng người ta, nó cũng có cái luật mouvement accéléré. Đó là là một sự an ủi không phải mơ hão. Tôi thì chỉ khoa học mới có thể an ủi tôi thực sự. Chủ nghĩa Mác đối tôi sẽ là thuốc, là an ủi, là đòn bẩy. Bảy năm trong văn học có nghĩa lý gì? Một cái chớp mắt. Nhưng 7 năm trong đời một con người thì có nghĩa lý lắm! Chớp mắt mãi không xong.

Nhưng sự tất yếu tới phục hưng thắng lợi là: sự thực tâm của tôi, cộng với sự thực tâm của lãnh đạo... Điều tất yếu đó sẽ tác động quyết định, xiên qua tất cả sự rậm rịt của bao nhiêu ngẫu nhiên: thành kiến, ghét cá nhân, nghi kÿ, đố kÿ nữa...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn