BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hà Nội, Hà Lội ơi!

12 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 1284)
Hà Nội, Hà Lội ơi!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
HÀ N[L]ỘI ƠI, MỘT TR[C]ÁI T[CH]IM HỒNG – (Ca từ).

 

 



Non nửa thế kỉ trước, nhà văn Vũ Bằng cho ra đời thiên tuỳ bút “Thương nhớ mười hai”. Nếu mang những tuỳ bút viết về Hà Nội của những nhà văn khác đặt cạnh “Thương nhớ mười hai”, e rằng lập tức những tác phẩm kia sẽ trở nên thảm hại. Qua “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng đã dựng nên cả một “trời thương nhớ” với những hình ảnh đẹp và thơ mộng đến nao lòng.

 











 
Vũ Bằng (1913 -1984)
Nguồn: caliweekly.com

 

 

 




“Có ai đã xa Hà Nội lâu ngày, một chiều hiu hắt vọng về Hà Nội, nhớ từng cái ngõ, từng cái nhà; nhớ từ vườn Bách Thảo, hồ Hoàn Kiếm nhớ đi; nhớ từ những hoa sấu rụng ở trên đường đầu thu nhớ xuống”...

“Nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng Hải Đậu rụng xuống bờ sông đào; nhớ sen Linh Đàm hương ngạt cả bầu trời mà nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá Anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phước, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống”.

Cái đẹp của “trời thương nhớ” ấy vượt không gian và cả thời gian. Những người Hà Nội sinh sau đẻ muộn không được sống trong cái Hà Nội của Vũ Bằng cũng dễ dàng cảm nhận, dễ dàng sẻ chia đồng cảm và rưng rưng cùng nhà văn. Những người không sinh ra ở Hà Nội và chẳng liên quan tới Hà Nội, thậm chí chưa một lần đặt chân tới Hà Nội khi đọc “Thương nhớ mười hai” cũng rất có cơ mang khối tương tư để “mơ về nơi xa lắm”!

Nếu không tin, bạn hãy tìm và đọc “Thương nhớ mười hai”, đảm bảo với bạn rằng, ngay cái đề từ đã khiến bạn bâng khuâng:

“Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến cuối Tháng Chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào …”.

Lật vào trang trong, nội cái tiêu đề phần một thôi cũng sẽ khiến bạn phải nao nao mà đọc tiếp:


“Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt”.

Cứ như vậy, bạn sẽ đọc liền một mạch và cùng mộng mơ với nhà văn để nhớ tới một Hà Nội thâm trầm rêu phong cổ kính, hay tưởng tượng về một Hà Nội mơ màng quyến rũ kiêu sa. Hãy tin tôi đi!

 











Hà Nội
Nguồn: east-asia-architecture.org

 

 

 



Để viết nên những dòng đầy cảm xúc cuốn hút người ta như vậy, Vũ Bằng đã “vắt gan vắt ruột” vào tác phẩm. Mà điều khiến nhà văn vắt gan ruột có thể là điều gì khác một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ở đây là tình yêu quê hương, tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng cho dù là người có tình yêu quê hương mãnh liệt như Vũ Bằng thì liệu có một “Thương nhớ mười hai” với cả “trời thương nhớ” ấy không nếu khi đó đất nước không chia cắt và Vũ Bằng có thể vù ra Hà Nội bất cứ lúc nào?

Không! Chắc chắn là không. Tôi tin như thế. Phàm là kẻ si tình, khi đã lỡ quá yêu mà bị phản bội rất dễ nẩy sinh tình cảm “tiêu cực”. Biết đâu khi đó, “Thương nhớ mười hai” sẽ biến thành một tác phẩm kiểu “hậu hiện đại” mà trong đó thay vì thơ mộng thì chỉ là “cởi quần và văng tục” (chữ của ai đó, không nhớ).

Hà Nội hôm nay đang phản bội lại những ai yêu nó. Hà Nội hôm nay không còn thướt tha đài các mà trở nên bệ rạc nhếch nhác bê tha. Người Tràng An “dẫu không thanh lịch” thưở nào nay đang bị lưu manh hoá, từ giới bình dân cho tới giới tri thức. Và hình như, họ tự hào về điều đó. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thảm cảnh này? Cũng chẳng cần nghiên cứu thấu triệt cũng thấy được cái nguyên nhân lồ lộ ra đó.

Năm 1954, khi “năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về” cũng là lúc mà những giá trị được coi là “tư sản”, “tiểu tư sản” bị phế truất. Cái đoàn quân ấy, đoàn quân với thành phần 99% là nông dân mà trong đó tuyệt đại đa số chưa thoát mù chữ được lãnh đạo bởi một số tinh hoa thuộc thành phần trí thức tư sản đầy mưu mẹo, hồ hởi đập phá tan tành những “giá trị tư sản”. Cuộc cách mạng vô sản theo lý thuyết là cuộc cách mạng của giai cấp công nhân khi nổ ra ở Việt Nam lại được thực hiện bởi 99% nông dân và 1% tư sản. Trong cơn hứng khởi mang dáng vẻ của một bệnh nhân tâm thần, “quần chúng cách mạng” đã coi những thơ mộng, tao nhã, đài các là thứ phản động đồi truỵ. Những “Đêm đông”, “Suối mơ”, “Gọt mưa thu”, những tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn, v.v... một thời bị coi là “hàng cấm” (điều này cũng được áp dụng triệt để với Sài Gòn sau 1975).











Ô Quan Chưởng: Cứ đêm đêm từ 5 cửa Ô xa / Hát vọng về theo những canh gà... (Những Con Đường Hà Nội, Thơ Tạ Tỵ, 1966).
Nguồn: wgrass.media.osaka-cu.ac.jp

 

 

 



Giầu có là xấu xa. Nghèo khó là cao quí. Kiểu cách, cầu kì là lỗi thời phản động, đơn giản đến bệ rạc là tiên tiến, là cách mạng. Hẳn chúng ta còn nhớ, có những nữ sĩ thời đó phải tự kiểm điểm vì… xức nước hoa. Cuộc cách mạng đã “thành công rực rỡ” trong việc tàn phá triệt để những giá trị nhân văn vì nó được thực hiện bởi một cá nhân tự xưng là “cha của cả dân tộc” cùng một đám đông chỉ biết tới thứ tình cảm duy nhất là “tình đồng chí” và coi mọi tình cảm khác của con người chỉ là phù phiếm, là thứ vứt đi.

Nhưng những giá trị mới tạo lập cũng không tồn tại lâu. Từ năm 1986, khi công cuộc “đổi mới” của Đảng được tiến hành, cái sự cực đoan ấy lại lặp lại theo một chiều hướng khác. Lúc này, người ta chỉ còn biết tới tiền. Tiền tiền tiền. Đớp và hít và tiền. Tiền là tất cả. Bất chấp tất cả miễn có tiền. Mọi quan hệ xã hội được qui ra tiền. Trọc phú được tôn vinh và người nghèo lại bị coi rẻ. Lúc này, “tình đồng chí” được dùng như một tính từ gợi sự mỉa mai. Công nhân lại phải quay trở về với phương pháp đấu tranh truyền thống: đình công. Dân đen lại quay về với “đêm dài nô lệ”. Mèo lại hoàn mèo.

Ngoài cái nguyên nhân người Hà Nội hôm nay phần lớn là người nhập cư tứ xứ, thì việc ý thức hệ thay đổi như trở bàn tay, mọi giá trị đổi trắng thay đen, cũng là một nhân tố lớn làm nên người “Hà Lội” hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội và người Hà Nội trở nên quái dị đến cao độ từ sau 1986.

Cũng như mọi người, tôi cũng có quê hương và có tình yêu với nó. Nhưng như đã nói ở trên, càng yêu thì càng giận khi bị phản bội. Với tôi, Hà Nội giờ đây chỉ còn trong kí ức. Xa thì nhớ, gần thì kinh. Mỗi khi sắp trở về thì nôn nao, mà về tới nơi thì… nôn mửa.

Năm 2004, nhân một lần ra Hà Nội công tác, tôi có viết một cái bút kí nho nhỏ. Bài đăng lần đầu trên talawas (1) sau đó chừng một năm thì đăng lại trên DCVOnline. Tôi chỉ chính thức gửi bài cho hai nơi này, nhưng bài viết đó được (bị?) rất nhiều báo điện tử và diễn đàn đăng lại. Sở dĩ tôi băn khoăn có thể là “bị đăng” bởi trên các diễn đàn, phần lớn họ post bài này với mục đính chửi bới và chỉ trích tôi. Tôi không lấy thế làm phiền, bởi tôi tin vào tôi khi viết nó với tình cảm phát sinh trên những câu chuyện hoàn toàn có thật. Và hơn hết, tôi quan niệm rằng, đã cầm bút viết cho mọi người thì nên coi khen hay chê chỉ là một.

Có một người bạn văn chương ngoài Hà Nội cho tôi biết, khi anh làm một tuyển kí về Hà Nội, có người giới thiệu bài này, nhưng có người gạt ngay vì cho rằng: “thằng này không trung thực, viết bút kí kiểu ngồi nhà tưởng tượng rồi viết”. Tôi không có cảm xúc gì về cái nhận xét này, nhưng tôi chỉ chán cảnh cho người nói ra nó. Anh/chị ta là một nhà báo “chính thống”, một nhà báo “quốc doanh”. Làm báo “chính thống” mà dám nói về trung thực ư? Quả là hài hước! Tính trung thực của nhà báo không chỉ là không nói dối; biết mà không nói cũng là không trung thực. Có thể vì miếng cơm manh áo, họ, những nhà báo “chính thống” phải im lặng trước nhiều vấn đề; họ không thể làm gì hơn bởi báo chí Việt Nam, dù có tới hơn 600 tờ báo nhưng chỉ có duy nhất một tổng biên tập là Đảng cộng sản, điều đó có thể thông cảm. Nhưng những nhà báo thường phải im lặng và nói theo lệnh lại dám lạm bàn về trung thực thì quả là hơi ít liêm sỉ. Nếu có lòng tự trọng, họ nên bỏ làm báo về nhà bơm xe đạp hay bán phở tuỳ khả năng, lúc đó hãy lên tiếng về lòng trung thực.

Sự thật là trong bài viết của tôi không hề tồn tại bất cứ một chi tiết nào là hư cấu. Thậm chí, có những chi tiết rất hay nhưng tôi không dám đưa vào chỉ đơn giản vì nó quá khó tin. Vâng, đôi khi có những sự thật không thể tin nổi nếu chỉ lấy lí tính, logic mà thẩm định. Chi tiết ấy thế này: Một lần, tôi làm “hướng dẫn viên du lịch” cho mấy cô ca sĩ trong đoàn. Vào một cửa hiệu thời trang, ca sĩ T.T (cô ca sĩ mà tôi có nhắc tới trong bài viết đó) hớn hở chỉ vào một chiếc áo đầm treo trên cao, líu lo giọng Sài Gòn, yêu cầu chủ tiệm (cũng có thể chỉ là người trông hàng) lấy xuống cho xem. Chị chủ tiệm “scanner” ca sĩ T.T từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu, rồi chị nói (rất thong thả, điềm đạm): “Sài Gòn hả? … Đéo bán”. Lúc đó, tôi có cảm giác như ca sĩ T.T chợt biến thành “Từ Hải chết đứng”. Mà có khi chính tôi cũng biến thành Từ Hải trong khoảnh khắc, không biết chừng.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ, trong một bài đăng trên DCVOnline, trong mục “Ý kiến độc giả” có ý kiến của một độc giả kí tên “Chiếu Manh”. Gọi là ý kiến thì không chính xác lắm vì anh/chị ta không nhận xét gì về bài viết mà chỉ kể một câu chuyện có tính chất góp vui. Chuyện mang tính tiếu lâm, khó có thể tin là chuyện thật, nhưng phải thừa nhận, câu chuyện này không phải không có tính khái quát. Và đây là câu chuyện của độc giả “Chiếu Manh”:

Lần đầu tiên, mới tới Hà Nội, tôi không khỏi bỡ ngỡ, khi tìm nhà của một người quen làm trưởng một khu phố văn hóa. Thấy có mấy đứa trẻ con đang nô đùa ngoài ngõ, tôi hỏi: "Này các cháu có biết nhà ông tổ trưởng khu phố văn hóa ở đâu không?". Một đứa trẻ trai, trạc trên dưới 10 tuổi, ngước nhìn tôi bằng ánh mắt xấc láo, ranh mãnh, đáp gọn lỏn: "Biết, nhưng đéo chỉ!". Tôi lắc đầu đi sâu vào ngõ văn hóa, gặp một thanh niên hỏi: "Anh ơi, anh có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa này ở chỗ nào không anh?". Gã trẻ tuổi này chẳng thèm dòm ngó gì đến tôi, trả lời cộc lốc: "Đéo biết!". Khi gặp ông trưởng khu phố văn hóa, tôi đem chuyện này kể cho ông ta nghe với lời than thở: "Anh ạ, các bậc phụ huynh ở đây đã không dạy dỗ con em hay sao mà để chúng nó ăn nói với người khách lạ thô bỉ đến thế hả anh?!". Chẳng cần suy nghĩ gì, ông trưởng khu phố văn hóa đã thuận miệng trả lời tôi ngay: "Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó đéo nghe!". Lúc ấy cô con gái của ông bạn tôi là cô giáo, dạy môn văn, vừa đi dạy về và tôi đem chuyện ấy ra kể lại. Thay vì trả lời trực tiếp cho tôi, cô giáo xin phép thuật lại một chuyện như sau: "Hôm ấy cháu giảng bài văn, có đoạn kể thành tích anh hùng và dũng cảm của nhân dân ta v.v... Cuối cùng, cháu kêu một em học trò trai lớn nhất lớp, bảo nó cắt nghĩa hai chữ: "dũng cảm". Nó đứng lên suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn: "Nghĩa là... là... đéo sợ!". Sau đó cháu có cuộc tiếp xúc với ông bộ trưởng giáo dục và đào tạo, liền đem chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa 2 chữ "dũng cảm" là "đéo sợ!" kể cho ông nghe. Nghe xong, ông bộ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn tôi, rồi gật gù như một triết gia uyên bác vừa khám phá ra một chân lý, chậm rãi đáp: "Ừ, mà nó cắt nghĩa như thế cũng đéo sai”.

 











Quán nước “chuẩn”, Hà Nội.
Nguồn: photobucket.com

  Có một điều đáng lưu ý, cho dù Hà Nội ngày nay có bệ rạc thế chứ bệ rạc nữa thì bộ máy tuyên truyền với những văn nô lão luyện vẫn đang ra sức ngợi ca. Mặc cho những bê bối về qui hoạch tổng thể đầy bất cập khiến Hà Nội biến thành một thành phố lai căng nham nhở, họ vẫn viết Hà Nội đẹp như mơ, vẫn mái ngói thâm u, vẫn ngõ nhỏ phố nhỏ. Mặc cho “đã có Đảng no, dân không phải no”, “lày lày chị bẩu cho mà biết” “đéo bán”, họ vẫn viết, vẫn tự hào người Hà Nội “thanh nịch”. Hà Nội là trung tâm văn hoá. Hà Nội là trái tim cả nước. Hà Nội là v.v... Chẳng cần suy nghĩ sâu xa gì cũng thấy ngay, họ đang cố tình dựng nên một giá trị ảo cho Hà Nội cũng như họ dựng nên những giá trị về cái xã hội chủ nghĩa vậy. Nhưng những cố gắng của họ cũng chẳng thuyết phục được mấy người, vì lời nói và thực tế khác nhau quá xa. Ví như, họ thể hiện, khẳng định giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa bằng việc “Học phí chắc chắn sẽ phải tăng. Có thể phải chấp nhận cả việc số người đi học sẽ giảm vì tăng học phí” (2) trong khi ngay sát nách, nước Malaysia không xã hội chủ nghĩa lại đang miễn phí toàn bộ học phí, thậm chí học sinh đi học còn được “free” cả đồng phục và sách giáo khoa (3). Ví dụ khác, gần đây có một học giả viết rằng “… tiếng dùng ở thủ đô phải được coi là chuẩn mực”. Hy vọng là vị học giả này không coi ngọng “n”, “l” hay “đéo bán” “đéo biết” “đéo sai” là chuẩn mực của thủ đô “Hà lội”.

Than ôi!

Nhưng, nói gì thì nói, trong tôi vẫn còn một Hà Nội đẹp kiểu Vũ Bằng. Một Hà Nội của mộng mơ và kí ức. Đương nhiên, bên cạnh đó chắc tôi sẽ còn nôn ruột dài dài vì cái Hà Nội hôm nay. Diễn tả tâm trạng này bằng cách nghịch chữ một ca từ: Hà N[l]ội ơi, một tr[c]ái t[ch]im hồng, có lẽ không thể chính xác hơn.

Sài Gòn, 12/09/2007

Trích DCVOnline



(1): talawas.
(2): Phát biểu của bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân.
(3) Viet-studios.info/Malaysis.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn