BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77487)
(Xem: 63335)
(Xem: 40783)
(Xem: 32408)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Báo Hải Phòng lên án 'tội đồ' Vươn

14 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1193)
Báo Hải Phòng lên án 'tội đồ' Vươn
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đốt nóng dư luận trong và ngoài nước hơn một tháng qua đã đến lúc hạ hồi phân giải với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp ngày 10/2 vừa qua.

Vụ việc này đã trở thành một hiện tượng của truyền thông Việt Nam: chỉ trong vòng hơn một tháng đã có hơn 800 bài viết về vụ việc trên báo chí các loại tính cho đến ngày chính phủ ra phán quyết, theo thông tin từ ông Vũ Đức Đam, chủ nhiệm văn phòng chính phủ trong buổi họp báo hôm 10/2.

Sự kiện này cũng chứng kiến sự ‘chia rẽ’ có thể nói là bất bình thường trong làng truyền thông Việt Nam, vốn luôn hòa cùng một giọng theo chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo trung ương đối với các vấn đề nhạy cảm về chính trị như vụ việc của ông Vươn.

Hầu hết các tờ báo phổ thông có đông đảo độc giả trên toàn quốc như VnExpress, Dân Trí, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh niên, Sài gòn Tiếp thị... thách thức quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương và cảm thông cho cảnh ngộ của gia đình ông Vươn.

Những bài báo này đã thổi bùng làn sóng căm phẫn của một bộ phận công chúng với hàng ngàn lượt bình luận chỉ trích chính quyền Tiên Lãng và ủng hộ ông Vươn.

Trong khi đó, những cơ quan báo chí chính thống như Thông tấn xã, các Đài truyền hình và Đài tiếng nói của trung ương, báo Nhân dân, báo Sài Gòn Giải Phóng... đều chỉ đưa tin chừng mực theo hướng thông tin về diễn biến của vụ việc chứ không điều tra hay đi sâu tìm hiểu như các báo khác.

Tội phạm nguy hiểm

Đặc biệt, báo chí Hải Phòng, nơi xảy ra vụ việc cưỡng chế, hoàn toàn tách ra xu hướng của báo chí trong nước và đi ngược lại trong luồng dư luận nóng bỏng đang phẫn nộ với vụ cưỡng chế.

Hai tờ báo chính thống của thành phố này, tờ Hải Phòng, cơ quan ngôn luận của chính quyền Hải Phòng, và tờ An ninh Hải Phòng trực thuộc công an thành phố đều ra sức bảo vệ chính quyền và liên tục tấn công ông Vươn.



Hình ảnh ông Vươn xuất hiện trên các tờ báo này giống như một kẻ tội phạm nguy hiểm.

Ông được mô tả là kẻ thiếu hiểu biết pháp luật, tham lam, tư lợi, không trung thực, cố chấp, ngông cuồng, có mưu tính xấu xa và bị chính người dân cùng địa phương với ông lên án.

Ngược lại, chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng, đã hành xử ‘hoàn toàn đúng đắn’ trong các quyết định giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế đối với ông Vươn, theo hai tờ báo này.

Những lập luận trong các bài báo về vụ Tiên Lãng trên báo chí Hải Phòng phản ánh toàn bộ quan điểm của chính quyền địa phương trong khi không hề có ý kiến gì của người nhà ông Vươn cũng như đề cập đến gia cảnh vợ con ông.

Đáng chú ý là hai báo này cũng không hề đả động gì đến việc ngôi nhà của ông Vươn ngoài khu vực cưỡng chế bị đập phá, một sự việc đã làm cho công chúng hết sức bức xúc.

Đúng một tuần trước phiên họp của chính phủ trong khi các cơ quan đang khẩn trương tìm hiểu vụ việc để báo cáo thủ tướng, báo Hải Phòng đã đăng bài báo dưới tiêu đề ‘Những thông tin ít được nhắc đến chung quanh vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Tiên Lãng’ và ký tên là ‘nhóm phóng viên’.

Bài báo này, theo như lời dẫn, là nhằm để đưa thêm ‘những thông tin khách quan và toàn diện’ về bản thân ông Vươn để phản bác lại những ý kiến ủng hộ ông đang lan rộng.

Báo Hải Phòng đã lần lượt kể các ‘tội’ của ông Vươn: từ lấn thêm gần 20ha đất, chặt phá rừng phòng hộ gây hại cho đê biển, trốn thuế, cho thuê đất lại kiếm lời, đầu tư ít mà hưởng lợi nhiều từ các công trình cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư cho đến nổ mìn, bắn người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, bài báo này cũng đưa ra những lập luận bảo vệ chính quyền trước những lời cáo buộc của dư luận như ‘công an thành phố chỉ tham gia truy bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm... chứ không tham gia việc cưỡng chế thu hồi đất’ và căn nhà bị phá của ông Vươn chỉ là ‘chòi ở khu đầm’ để ‘trông coi, khai thác thủy sản’ chứ bản thân ông Vươn đã có căn nhà hai tầng tại sinh quán là xã Bắc Hưng.

‘Ông Vươn phạm pháp’

Cũng kể tội ông Vươn, báo An ninh Hải Phòng lại có một loạt bài phóng sự điều tra dài đến bốn kỳ khởi đăng từ ngày 2 cho đến ngày 6/2, tức là chỉ vài ngày trước phiên họp kết luận của thủ tướng.

Các bài báo này lần lượt có tiêu đề: ‘Đất giao cho Đoàn Văn Vươn là đất bãi bồi’, ‘Đoàn Văn Vươn đã sử dụng đất được giao như thế nào?’, ‘Thu hồi đất đã giao cho Đoàn Văn Vươn là đúng trình tự’ và ‘Diễn biến sau quyết định thu hồi đất’.

Trong bài thứ nhất, báo An ninh Hải Phòng khẳng định đất ông Vươn được giao là bãi bồi ven biển chứ không phải đất nông nghiệp và viện dẫn Luật đất đai để biện hộ cho việc giao đất bồi chỉ 14 năm và hết thời hạn phải thu hồi.

Bài thứ hai điểm lại ông Vươn đã ‘phạm pháp’ như thế nào trong quá trình sử dụng đất. Nội dung của bài báo này gần như giống hệt với những điểm được nêu trong trong bài báo ‘Những thông tin ít được nhắc đến’ của báo Hải Phòng.

Bài báo này nhấn mạnh việc ông Vươn thu lợi ‘phi pháp’ bằng việc cho thuê lại đất được giao và cáo buộc: ‘Phải chăng đây là nguyên nhân xâu xa khiến Vươn cố tình tìm mọi lý do để chính quyền phải giao tiếp đất và toan tính tổ chức lực lượng bắn vào lực lượng thi hành cưỡng chế?’.

Để khẳng định việc ông Vươn được lợi rất nhiều chứ không bị thiệt hại từ khu đầm được giao, bài báo cho rằng trong thời gian 7 năm được miễn thuế ông Vươn đã ‘được hưởng nguồn lợi thủy sản và cây trồng đủ để hoàn lại nguồn vốn bỏ ra xây dựng cơ sở vật chất’ mà không hề đưa ra bất cứ cơ sở nào để chứng minh.

Bài báo thứ ba trong loạt bài bảo vệ quyết định thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng là đúng đắn về mặt pháp lý.

Tác giả bài báo lập luận rằng đất ông Vươn hết thời hạn phải thu hồi vì ông ‘không thuộc diện được xét gia hạn giao hoặc thuê đất do không chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và cũng không làm những thủ tục xin gia hạn theo quy định’.

Bài báo cũng viện dẫn Luật Đất đai năm 2003 để khẳng định trường hợp ông Vươn bị thu hồi đất không được bồi thường. Cũng chiểu theo Luật Đất đai, việc thu hồi đất giao hết hạn để chuyển sang đất thuê để thu lợi thêm cho nhà nước là đúng đắn, bài báo viết.

‘Chính quyền làm đúng’

Bài báo đã khẳng định chắc chắn rằng chính quyền Tiên Lãng đã ‘làm đúng trình tự’ và đúng luật.

Tuy nhiên, trong phiên họp ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận rằng chính quyền Tiên Lãng đã thu hồi đất sai vì trường hợp ông Vươn không nằm trong 5 diện bị thu hồi đất theo Luật Đất đai.

Đáng chú ý, bài báo này còn cho biết là cho đến trường hợp của ông Vươn thì ‘đa số các hộ có diện tích bãi bồi ven biển được giao nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tiên Lãng đều đã chấp hành chủ trương này của chính quyền địa phương’, tức quyết định thu hồi đất mà thủ tướng đã kết luận là sai.

Trong bài báo ‘Những thông tin ít được nhắc đến’, báo Hải Phòng còn đưa ra con số 219 hộ đã chấp hành lệnh thu hồi đất trước ông Vươn sau khi hết thời hạn giao đất.

Bài báo cuối cùng điểm lại nguyên nhân dẫn đến vụ cưỡng chế. ‘Nhóm phóng viên’ của báo An ninh Hải Phòng cho rằng chính quyền buộc phải cưỡng chế sau ‘gần ba năm vận động, thuyết phục ông Vươn’ không thành công.

Bài báo cho rằng chính quyền Tiên Lãng cưỡng chế để thi hành bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Tiên Lãng, trong khi ông Vươn đã rút đơn kháng cáo tại Tòa án thành phố Hải Phòng.

Theo các báo khác thì ông Vươn đã rút đơn kháng cáo sau khi có thỏa thuận của chính quyền sẽ tiếp tục giao đất. Thế nhưng sau khi ông Vươn rút đơn thì chính quyền trở mặt.

“Vụ việc (nổ súng vào lực lượng cưỡng chế) xảy ra liệu có phải do ý chí của Đoàn Văn Vươn hay người nào đó đã "tham mưu" để dẫn đến tình trạng này?,” báo An ninh Hải Phòng cáo buộc.

‘Nhân dân đồng tình’

Hai tờ báo của Hải Phòng cũng sử dụng phương thức tuyên truyền quen thuộc trên báo chí nhà nước của Việt Nam là đông đảo ‘quần chúng nhân dân đồng tình với chính quyền và lên án đòi nghiêm trị ông Vươn’.

Cả hai báo này đều phỏng vấn một số ý kiến người dân và cán bộ địa phương lên án ông Vươn.

Các nông dân bị thu hồi đất giống như ông Vươn như các ông Bùi Trường Viên và ông Nguyễn Hữu Thứ cùng ở xã Vinh Quang được báo An ninh Hải Phòng trích lời đều cho quyết định của chính quyền là đúng đắn và chính quyền tạo mọi điều kiện cho họ sản xuất.

Còn ông Phạm Văn Thủy, phó chủ tịch Hội nông dân huyện Tiên Lãng, phát biểu với báo An ninh Hải Phòng rằng hội của ông đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình giao đất theo quyết định của chính quyền mà thủ tướng đã kết luận là không đúng luật.

Được biết, chức năng của Hội nông dân là bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

“Do ấu trĩ về pháp luật lại nghe rục rịch về dự án sân bay nên anh Vươn đã cố tình chây ì, không thiện chí giao lại đất cho địa phương hòng giữ đất lấy tiền đền bù,” ông Thủy lên án.

“Việc làm của anh Vươn và những người trong gia đình khiến dư luận của nhân dân, cán bộ, đảng viên huyện Tiên Lãng nói chung, xã Vinh Quang nói riêng hết bức xúc, cực lực phản đối và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh trước pháp luật,” ông phát biểu.

Báo Hải Phòng cũng đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Cầm vào đúng ngày có phiên họp xử lý vụ Tiên Lãng của chính phủ cho rằng có đủ căn cứ để xử nặng ông Vươn tội giết người và chống người thi hành công vụ.

Kết luận sau đó của thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan tố tụng xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với ông Vươn và nhiều ý kiến của các luật sư sau đó cũng cho rằng ông Vươn không có tội.

“Đối với gia đình anh Vươn, nếu không đồng ý khi bị thu hồi đất, được quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, đến cơ quan Nhà nước thành phố, Trung ương đề nghị giải quyết, chứ không thể sử dụng biện pháp tiêu cực, manh động, sử dụng vũ khí nguy hiểm chống đối lại lực lượng thực thi công vụ,” ông Cầm phát biểu.

Ngay sau có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính quyền Tiên Lãng đã sai trong việc thu hồi, cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn, các tờ báo của Hải Phòng vẫn bảo lưu những bài báo cho rằng chính quyền địa phương ‘hoàn toàn đúng’ trên trang mạng của họ.

Các tờ báo này cũng không hề có động thái đính chính, xin lỗi công chúng cũng như ông Đoàn Văn Vươn.

13-02-2012

Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn