Blog Quê Choa đăng bài của Nguyễn Trần Sâm với tựa đề viết hoa "KHÔNG CHỐNG TRẢ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI".
Tác giả nói "làm người phải biết nhục" và dẫn câu "chết vinh hơn sống nhục" để Bấm biện minh cho hành động của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Hiện chưa rõ ai là người đã nổ súng cho dù bốn thành viên của gia đình ông bị tạm giam và một số người bị buộc tội "giết người" hay "chống người thi hành công vụ" đã không có mặt trong ngôi nhà mà từ đó phát ra tiếng mìn và súng.
Người ta cũng có thể đặt câu hỏi liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có vụ chống trả có vũ khí hôm 5/1/2012 và liệu vụ việc có tới được cấp thủ tướng và có được giải quyết như đã xảy ra.
Nhiều người dân Việt Nam vẫn đặt niềm tin vào các lãnh đạo cao nhất nhưng bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng có tiếng, trong một cuộc nói chuyện với BBC hồi năm 2011 nói:
"Nông dân cứ gửi thư cho nào là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nào là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nhưng Dũng nào, Triết nào đọc."
Còn trong Bấm phỏng vấn hồi đầu năm nay bà nói đa số các đơn khiếu nại của hàng chục tỉnh thành gửi lên trung ương đều bị trả lại địa phương và các tỉnh, chính những nơi bà nói đã "cướp" đất của dân và tạo ra sự "căm thù" ở người dân địa phương.
Người nhà ông Đoàn Văn Vươn cũng nói với BBC họ chỉ còn hy vọng vào chính quyền trung ương và "không có chút niềm tin nào" vào các cấp xã, huyện và thành phố.
Bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận chính quyền cấp huyện sai trái trong khi một phó chủ tịch Hải Phòng và người đứng đầu ngành công an đã công khai biện minh cho hành động bằng vũ lực của huyện trước khi có quyết định của Thủ tướng.
Như vậy có thể thấy sự mất lòng tin hoàn toàn của người dân vào chính quyền Hải Phòng trong khi những quan chức Hải Phòng có sự đồng thuận lớn về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng.
Hơn nữa bản thân ông Vươn đã kiện chính quyền huyện lên tới thành phố Hải Phòng nhưng không đạt kết quả.
Nếu không chống trả như đã xảy ra, gia đình ông Vươn sẽ chỉ còn cách chấp nhận mất đất và sau đó gửi thư cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam như nhiều nông dân đã chịu mất đất khác và đa số họ không nhận được sự công bằng như gia đình ông Vươn đã phần nào có được.
Nhiều nhà bình luận đã nói tới khía cạnh một vụ việc ở cấp xã nhưng đã phải nhờ tới tiếng nói của thủ tướng mới có thể giải quyết được.
Bạo lực
Nhưng vụ ông Vươn cũng cho thấy cả chính quyền và người dân đều sẵn sàng dùng tới bạo lực và lấy cái đích cuối cùng, một bên để đòi đất, hoặc "cướp đất" như cáo buộc của một số nhà bình luận, còn một bên để giữ đất, để biện minh cho việc dùng bạo lực.
Trên thực tế, trong lịch sử Việt Nam hiện đại hiếm có tấm gương đấu tranh bất bạo động thành công nào được ghi lại trong sử sách.
Người Việt Nam lớn lên được dạy về chuyện Đảng Cộng sản đã "cướp chính quyền", "kháng chiến 3000 ngày không nghỉ", "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" hay "lửa đã cháy và máu đã đổ" ở biên giới phía Bắc.
Các bài hát ca ngợi đấu tranh vũ trang theo kiểu "dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng" xuất hiện thường xuyên trên sóng phát thanh và truyền hình.
Người ta cũng kể cho nhau nghe chuyện không rõ thực hư rằng có lãnh đạo Việt Nam tới một nước Đông Nam Á và thể hiện sự tự hào là dân tộc đã đánh đuổi được nhiều đế quốc.
Đáp lại lãnh đạo nước tiếp đón nói họ tự hào vì đã tránh để không phải đối đầu với nhiều đế quốc.
Người Việt Nam tới thủ đô DC cũng thấy nhiều đường phố không phải đặt theo tên các vĩ nhân hay anh hùng mà được đánh số.
Một sinh viên Việt Nam nói vui "Nước Mỹ giàu vì không có nhiều anh hùng như Việt Nam".
Ngay hôm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp về vụ Tiên Lãng, hãng thông tấn Hoa Kỳ AP đã chạy bài nói ông Đoàn Văn Vươn đã từ chỗ là người bị cưỡng chế đất trở thành một "anh hùng".
Còn Đại tá công an Đỗ Hữu Ca của Hải Phòng nhắc tới chuyện "trước đây người dân Tiên Lãng chống càn rất kiên cường" và nêu tên anh hùng Phạm Ngọc Đa khi nói về Bấm "hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay" với sự phối hợp "giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phóng rất là đẹp" trong sự cố hôm 5/1.
Tình trạng bạo lực và 'bạo hành' trong xã hội Việt Nam nói chung cũng được báo chí thường xuyên nói tới và cũng giống trong vụ Tiên Lãng nhiều trường hợp bạo lực luôn có hai phía đối nghịch tham gia.
Nhưng dường như chưa có nhiều bình luận về tình trạng bạo lực trên cơ sở điều mà triết gia người Đức Nietzsche từng nói:
"Bất cứ ai chiến đấu chống lại quái vật cần lưu tâm để không trở thành yêu quái trong quá trình [đó]. Khi ta nhìn lâu vào sâu thẳm thì sâu thẳm cũng dõi mắt theo ta."
Nguyễn Hùng
12-02-2012
Theo BBC
Gửi ý kiến của bạn