BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tản mạn về (chủ nghĩa) Hậu Hiện Đại

31 Tháng Năm 200612:00 SA(Xem: 1399)
Tản mạn về (chủ nghĩa) Hậu Hiện Đại
59Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
59
Gọi là tản mản, bởi bài viết này sẽ chủ quan nhận xét một số vấn đề nhỏ về chủ nghĩa hậu hiện đại và một số sáng tác theo khuynh hướng hậu hiện đại của văn thơ Việt theo kiểu “trà dư tửu hậu”. Như vậy, nó sẽ dễ chịu & phù hợp với tờ báo “sặc mùi chính trị” như Đàn Chim Việt. Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội, văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ngày nay, nếu cứ chổng mông gồng mình mà hàn lâm học thuật hay nhăn trán siêu hình, thì giỏi lắm cũng chỉ đạt tới trình độ của đám phường chèo luận bàn về sự ra đời của vũ trụ mà thôi

1) Về chủ nghĩa hậu hiện đại









chủ nghĩa hậu hiện đại — Nguồn: iconbooks.co.uk


Trước hết, có lẽ cần bàn qua một chút về nội hàm của thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). Về điều này, cho tới nay, có lẽ chưa có ai (dám) khẳng định một cách chắc nịch thế nào là chủ nghĩa hậu hiện đại, ngay cả các lí thuyết gia phương Tây cũng vậy. Quan niệm về hậu hiện đại của J. F. Lyotard khác với J. Derrida…, hay sáng tác văn chương hậu hiện đại của D. Barthelme khác hẳn với những sáng tác hậu hiện đại của R. Carver…v.v. Một trong không nhiều những cuốn sách có giá trị tham khảo được xuất bản ở Việt Nam – cuốn: Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lí thuyết (nxb Hội Nhà Văn & tt Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) là một ví dụ khá sinh động. Đây là cuốn sách tập hợp những tiểu luận của các lí thuyết gia lừng danh, nhưng đọc thấy họ mâu thuẫn nhau cứ như ông nọ chửi bố ông kia; thậm chí có ông … tự chửi mình. Điều này không có gì khó hiểu, bởi chính bản thân điều đó đã phần nào phản ánh cái cảm quan hậu hiện đại.

Trở lại với nội hàm của thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhiều người, kể cả một số làm chuyên môn, thường hiểu rằng, hậu hiện đại tức là sau hiện đại, tức là tân tiến hơn hiện đại. Chính vì vậy, có một nhà phê bình văn học khá nổi tiếng đã viết (đại ý) thế này: “Văn chương Việt Nam không hiểu đã đi hết nửa chặng đường hiện đại hay chưa, mà học đòi hậu hiện đại”. Mặc dù có nhiều điểm khó thống nhất, nhưng ở điểm này, chúng ta cần thống nhất ngay, hiểu như vậy là rất sai. Quan sát một số điểm về lí thuyết và thực tiễn sáng tác, chúng ta có thể tạm thời kết luận, hậu hiện đại là những cái khác hiện đại. Chữ hậu này, theo tôi, không chỉ thời gian. Nó có thể là trước, là sau, là đang tồn tại song song với cái hiện đại. Ví dụ, nếu lấy lí thuyết mà soi, chúng ta có thể thấy, văn chương hậu hiện đại, ít nhất, đã xuất hiện từ thế kỉ thứ XVI, mà điển hình là những tác phẩm của nhà văn Pháp, Rabelais. M. Bakhtin, nhà phê bình người Nga gọi ông là “thiên tài văn chương trào tiếu”. Khảo sát Rabelais, tôi thấy, ông đã sử dụng những thủ pháp mà chủ nghĩa hậu hiện đại ngày nay gọi là giễu nhại (Parody), biếm phỏng (Pastiche). Nhận xét về Rabelais, M. Bakhtin viết : “… tính phi văn chương đặc biệt ở Rabelais, tức là việc những hình tượng của ông không phù hợp với mọi mẫu mực và qui phạm văn chương thống ngự từ cuối thế kỉ XVI cho đến ngày nay”, “Những hình tượng của Rabelais dường như có một bản chất phi chính thống đặc biệt, mang tính nguyên tắc và không thể tiêu diệt: không một chủ nghĩa giáo điều nào, không một quyền uy nào, không một sự trang nghiêm phiến diện nào có thể chung sống hòa bình với những hình tượng của Rabelais – những hình tượng thù địch với mọi sự hoàn tất và cố định” (1). Có thể thấy, những nhận xét này có thể áp vào bất cứ một tác gia hậu hiện đại nào. Bởi bản chất của chủ nghĩa hậu hiện đại là chống cái gọi là “đại tự sự” (grandsrécits), là “giải trung tâm”, là chống lại những gì đã định hình, chống “chính thống” (bất kể cái “chính thống” nào), chống áp đặt









MALTHUS, T. R. Essai sur le Principe de Population…3me edition française, trés-augmentée. Genève, Abraham Cherbuliez 1830 — Nguồn: riley-smith.com


Để diễn giải cái cảm quan hậu hiện đại, triết gia người Nga M. Epstein cho rằng, vào thế kỉ thứ XVIII, học thuyết Man-thớt (T. R. Malthus, nhà kinh tế học người Anh, 1766 – 1834) ra đời, trong đó Man-thớt đưa ra qui luật con người tăng theo cấp số nhân, trong khi sản phẩm lương thực chỉ tăng theo cấp số cộng, và Man-thớt đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ nhân mãn (bùng nổ dân số) với những hậu quả của nó. Nhưng ngày nay, nguy cơ đó không còn nóng bỏng, khi con người với những tiến bộ khoa học kĩ thuật đã gia tăng đáng kể phúc lợi vật chất, và việc hạn chế sinh đẻ cũng có kết quả nhất định, nhất là ở châu Âu và những nước phát triển. Nhưng con người từ nửa cuối thế kỉ XX lại đối mặt với một nguy cơ mới, nguy cơ bùng nổ thông tin. Sự mất cân đối giữa loài người với tư cách là kẻ sản xuất tổng hợp thông tin và con người cá nhân với tư cách là kẻ tiêu thụ thông tin. M. Epstein đưa ra dẫn chứng: mỗi ngày, tờ New York Time chứa một lượng thông tin bằng với một lượng thông tin mà một người Anh thế kỉ XVII có được trong suốt cuộc đời.

Mối tương quan giữa lượng thông tin của nhân loại và khả năng tiêu thụ thông tin của cá nhân như vậy, thì sự lạc hậu của con người so với nhân loại là điều không tránh khỏi. Nói một cách ví von là, loài người càng uyên bác, con người càng trì độn.

Trong một biển thông tin như thế, con người trở nên bị động, không có khả năng lựa chọn hay đề kháng, họ bị vô số những giáo điều áp đặt, họ trở thành sản phẩm của một guồng máy được vận hành bởi thông tin. Ví dụ, trong khoa học xã hội, cụ thể là văn chương, con người hiện nay muốn tiếp cận văn bản phải thông qua nhà phê bình; quyền lực không còn trong tay nhà văn mà nó nằm trong tay nhà phê bình (thực tế cho thấy, ngày nay, chúng ta thường tiếp cận/cảm nhận một tác phẩm thông qua những thông tin có tính định hướng/quảng cáo) . Điều này lí giải tại sao, có những nhà phê bình tỉnh bơ viết những tiểu luận rất công phu chỉ để ca ngợi vẻ đẹp của một đoạn… lỗi mo-rát. Chủ nghĩa hậu hiện đại cho một giải pháp để phần nào khắc phục tình trạng này. Với chủ nghĩa hậu hiện đại thì “hiện thực không chỉ đơn thuần bị tha hóa mà nó biến mất, và cùng với nó, biến mất luôn cả nền tảng kinh nghiệm chung của nhân loại, và bị thay thế bằng vô số những bức tranh tương đối với cách kí mã hiệu tùy tiện về thế giới. Từng chủng tộc, văn hóa, giới tính, lứa tuổi, địa phương, cá nhân tự dựng cho mình một hiện thực”(2)

Quá trình kinh nghiệm, từ cổ đại tới hiện đại, xã hội loài người đã hình thành nên những trung tâm, những “đại tự sự”. Trong phạm vi thế giới, trung tâm là châu Âu, Hoa Kì; và trong phạm vi một quốc gia, cũng/càng luôn tồn tại những trung tâm với “đại tự sự” của nó. Nói nôm na là dòng văn học nghệ thuật “chính thống”. Nhưng những giá trị tưởng như rất vững chắc của các “đại tự sư” trở nên lung lay, khi kỉ nguyên của công nghệ thông tin bắt đầu.

Thử tưởng tượng, nếu hôm nay, một chàng trai tán một cô gái bằng cách đọc tuyệt phẩm Tôi yêu em của Puskin …, điều gì sẽ xẩy ra? Chắc cô gái kia sẽ chạy mất dép. Tương tự, những câu thoại tuyệt vời trong các bi kịch của W. Shakespeare, nếu như ngày nay nhà biên kịch nào có bắt chước lối thoại đó, chắc chắn là ông ta đang có ý định viết một kịch bản hài. Nhưng hãy thử khảo sát các nhà thơ, nhà văn viết theo lối hiện đại; lấy ví dụ, ngay ở Việt Nam, một số nhà thơ đang nỗ lực cách tân – gọi là “cách tân” nhưng thực ra là bước tiếp nối có phần vụng dại các nhà tượng trưng, siêu thực …v.v ở châu Âu, là những trào lưu tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện đại –, nỗ lực bóp méo con chữ, nỗ lực bí hiểm hóa văn bản, liệu họ tiếp cận được bao nhiêu độc giả? Sự thật, số độc giả của họ có thể đếm trên đầu ngón tay, mà trong số này phần lớn lại thưởng thức tác phẩm theo kiểu ngắm bộ y phục của ông vua cởi truồng. Vậy là một tình thế “tréo ngoe” xẩy ra: Văn chương cổ điển trở nên lỗi thời, còn văn chương hiện đại thì không (thể) tiếp cận được, mặc cho lực lượng PR trát phấn tô son. Tình thế đó khiến cái gọi là cảm quan hậu hiện đại nẩy sinh (trên bình diện cả tác giả/độc giả). Một số tác gia hậu hiện đại chủ trương đời/tầm thường hóa thủ pháp, chất liệu, đề tài sáng tác…; họ không còn đặt ra những mục tiêu cao siêu mà các tác gia hiện đại nhắm tới (mà thường là những giá trị ảo) như tính khái quát, tính nhân loại, sự bất tử …v.v. Chủ trương này, một mặt, làm văn chương trở lại như ban đầu, bình dân, dễ tiếp cận (3); mặt khác, nó phản ánh đúng bản chất của hiện thực, là hỗn mang, tầm thường, và không đáng tin cậy. Theo ý kiến cá nhân tôi, chủ trương của một số tác giả này là hợp lí, đúng đắn, ít nhất là trong bối cảnh hiện thực Việt Nam

2) Về một số tác giả, tác phẩm theo khuynh hướng hậu hiện đại









Lý Đợi, Bùi Chát, Phan Bá Thọ và Nguyễn Quốc Chánh —
Nguồn: nguoivienxu.vietnamnet.vn và talawas.org



Sáng tác theo khuynh hướng hướng hậu hiện đại, hiện nay, những tác giả như Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Nguyễn Quốc Chánh là những tác giả tiêu biểu. Mỗi người trong số họ đều có những nét độc đáo riêng, nhưng tinh thần của họ là nhất quán. Những sáng tác của họ không hề mang dáng vẻ “nghệ thuật” mà giới văn nghệ chính thống qui định. Họ không làm phu chữ, văn bản của họ không bí hiểm, không lòe loẹt, không dọa nạt độc giả; thậm chí, không ẩn dụ. Nhưng đôi khi, chính cái sự không ẩn dụ lại gợi mở nhiều hơn cho độc giả (về mọi góc cạnh, từ nghệ thuật, thẩm mĩ, cho tới những vấn đề họ đề cập) so với những tác phẩm ra dáng ẩn dụ nhưng rất hứa hẹn một nguy cơ vô nghĩa (nhớ lại trường hợp nhà phê bình viết tiểu luận để ca ngợi đoạn văn bản bị lỗi mo-rát)

Bùi Chát, là một tác giả thường sử dụng thủ pháp giễu nhại và cắt dán - không phải lối cắt dán như chủ nghĩa dada, mà lối cắt dán của Bùi Chát mang tính ứng xử, xử lí đời sống trong các tình huống; từ đó, những tác phẩm cắt dán của anh tưởng như rất vô nghĩa, nhưng thực tế lại cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa.

Ở Phan Bá Thọ, sự độc đáo của anh không tới từ sự khéo léo trong sử dụng thủ pháp, mà từ việc anh thiết lập cho mình một giọng điệu riêng - cái giọng điệu xuất phát từ cái cảm quan hậu hiện đại. Không làm chữ, không điệu đàng, những bài thơ kể những sự việc, hiện tượng tủn mủn vặt vãnh trong đời sống của Phan Bá Thọ tác động lên người đọc rất trực tiếp, và nó không phải là thứ dễ xơi cho các nhà phê bình chính thống. Điều này có vẻ như là nghịch lí, nhưng thật ra nó hoàn toàn hợp lí. Vì một tác phẩm đã tự thân có cách đến với người đọc, phát huy ở người đọc khả năng “đồng sáng tạo” có nghĩa là nó đã từ chối quyền lực của nhà phê bình

Về “trường hợp” Nguyễn Quốc Chánh. Ở Chánh, gần giống với Phan Bá Thọ, nhưng Chánh mạnh mẽ, hào sảng hơn. Điều này có lẽ do đề tài mà Chánh quan tâm qui định

Một số ví dụ minh họa
Bí kíp

Mỗi lần vấp ngã tao chống cặc gượng dậy

(Những cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa bới lộn – Bùi Chát, nxb Giấy Vụn, 2005)



Hà Nội đêm phải gió

mỗi ngày
tối nằm
đít mềm
& ấm
cũng có lúc vú mát & săn
lưỡi lè cứng những phương trời thổn thức
thì không

đầu tôi có sợi tóc vừa mới bạc
(thì cũng từ ngày dẹp cảnh sát bình xuyên)
đầu ngực em thâm vuông bốn cạnh một pháo tháp
một đồn tây lô cốt bỏ hoang
trồi trở lại dưới nịt vú & đằng sau lần áo mỏng
(ừ thuỷ lôi cấm vận cảng hải phòng)
lý đợi – bùi chát* vai ngang & kissinger miệng rộng

hà nội
vào giờ đồng cô về nhà cạo lông chân
& bán xôi lục lặc vào thành phố

đêm hà nội váy chùng
em đít ấm & tôi dương vật ngỏng
ai ngờ đít nóng cho nên cặc phỏng

vì bất cẩn nên thất nghiệp vài tuần
mặc quần
rất khó
(Bùi Chát)

Cá nhân lịch sử hay đời sống tự rao bán

ngày 9/ 11/ 2003, khoảng từ 10 đến 10 giờ 30 tối
trên đoạn từ nhạc viện thành phố đến chợ dakao
tôi có đánh rơi một xách tay, trong đó gồm có :
1 giấy chứng nhận đăng ký xe gắn máy
1 bằng lái, dung tích dưới 125cc
1 thẻ căn cước tên trần thị kim hoa, bản photocopy
(công an thị xã sadec cấp ngày 14/ 5/ 1996 )
3 thỏi son lancôme, 1 chai nuớc hoa hiệu cq 1
1 nhíp, 1 móc tai, 1 kềm cắt tỉa móng
2 đồng hồ và 1 nhẫn đeo tay làm bằng mã não
2 đôi bông tai, 3 sợi dây chuyền + mặt, giả bạc
một số vật dụng linh tinh khác và 1 kẹp tóc
ai nhặt được, liên hệ cell phone : 0908.376.459
xin chân thành cảm ơn và, [n] hậu tạ


Chứng động kinh của đô thị

nhiều lúc mệt quá thấy mọi cái quay vòng và vô nghĩa
màu đỏ cây bông vọt lên không với kịp
hướng của một mũi tên cắm xuống
29 inch cứ khèo tôi kể về cái vụ roy keane bay
lập bập lôi thôi như một con chim
back / ham / ground đỗ xuống từ tầng 13
6 tháng xanh ngất + 18 đường khâu thơ mộng dài dài
cái hành động tao nhã nọ
marcel proust gọi móp méo thành :
đi tìm thời gian đã mất
tôi đợi gì trong cái thành phố này
khi, đã được fuck nếu thích
game mỗi ngày rồi ca thơ lẩn thẩn
trước lúc chạy bộ qua núi, mẹ tôi bảo rằng :
tên mới của mày là doble jé


(Đống rác vô tận – Phan Bá Thọ, in photocopy, 2005)

Cải chính về cái tabùbu (tabu)

Bài này lấy nứng từ một nhà thơ Hà Nội vô Đồng Tháp làm phim Người vẫn sống mãi trong lòng miền Nam (chiếu ở rạp dinh Độc Lập vào ngày 30/4 bất tử hay bất gì đó). Sau một câu vô đề tòa lõa, theo Trương Vĩnh Ký thì phải xuống hàng, thụt vô một khoảng (nếu không thì sẽ banh háng) trước khi bày đầu câu chuyện (tào lao) hay xóc lọ mấy cái (tầm phào) thì cũng phải vậy. Ở đây, trong tình huống chỏng gọng này, là một bài lê thê (nhất tề xú uế) để cải chính cái định chế chình ình không thể làm thinh. Nhưng ông Ký ơi, độ này thời tiết Sài Gòn oi bức, lòng tôi hay bực, đôi khi ngậm ngùi, và đang khấp khởi manh tâm giết người. Thiệt tình mà nói, giết càng nhiều, họa may lòng tôi mới vui. Hễ gặp người là tôi muốn giết, liếc qua là tôi muốn giết, vì một cái gì đã chết, một cái gì tối thui, lầm lũi và lì lợm trên mỗi mặt người. Hủy một cái đã chết hay một cái tối thui, đối với tôi, ở đây, lúc này, là một hứng khởi? Nói lải nhải vậy thôi, nhưng chính tôi mới là cái đáng chết hay tất cả đều đã tối thui, giật lùi, lầm lũi. Nhưng lòng tôi, coi bộ, không thể lì thêm nổi, và của đáng tội (dĩ nhiên là của tôi), loài ăn giá sống chính cống, nên bây giờ vẫn còn mơ mộng cảnh ỉa trên sông chùi đít bằng lá chuối. Đó là cái nổi trội của văn hoá Nam kỳ lục tỉnh của ông và tôi, nếu ai không tin, cứ hỏi Nguyễn Ngọc Tư và Sơn Nam thì sẽ rõ. Khi ai nhấn vào bụng hay vuốt vào mông Nam kỳ, là tôi chợt nhớ cái bản sắc đắc địa đó liền, nhất là khi nghe cái tên phim (điếng người) của nhà thơ nọ, tôi càng cuồng tín vào cái bản sắc (ỉa) đó. Tôi mất một buổi lục soát trong lòng, trong tim (và cả trong chim nữa) nhưng không hề thấy, không hề có Người nào ở trỏng. Ông Ký ơi, ông có cái tai thông thái, ông có hay lòng tôi đang lở mồm long móng rồi không. Dù lở mồm long móng nhưng ở trỏng vẫn còn một chút Dạ cổ hoài lang (cha nội cải lương), một tẹo Thanh Nga (chị hai cải lương), một xẻo Nam Phương (hoàng hậu của vua cải lương), một mớ Hồ Hữu Tường (quân sư cải lương), một vốc Bảy Viễn (ăn cướp cải lương), một đoạn Phạm Công Thiện (tư tưởng cải lương), và một tràng Huỳnh Phú Sổ (giáo chủ cải lương) nhưng không thấy Người nào ở trỏng. Cả cái tai thông thái của ông, ông Ký, cũng là cải lương tuốt. Cải lương, cải lương, cải lương ơi mi là những kỷ niệm đã chìm xuồng rồi! Vậy mà tao cứ tưởng bở là đang sống sót, nhưng sáng nay, gã Trịnh Cung đã kết liễu hắn bằng một kinh nghiệm: sống sót trong tình huống chìm xuồng là một tồn tại bất lương! Ê, Viễn, cha nội này coi bộ gân đây, chứ không như Lý Quý Chung (chết rồi) để lại làm chi mấy trăm trang lẩm cẩm, cũng không như Trịnh Công Sơn (cũng chết rồi) mà vẫn mơ chi Nối vòng tay lớn. Của đáng đời cho cái lòng (lợn nhà) tôi, lòng tôi bây giờ là lòng lang dạ sói, lòng tôi bây giờ kinh sợ lòng (lợn) người, lòng tôi bây giờ thoi thóp với một Trái tim chó, nhưng trong nó, coi bộ vẫn còn văng vẳng một chút (máu me) tươi đỏ, chắc vì hồi nhỏ được ăn thịt chó (mỗi tuần một lần) và lại được mấy con đĩ chó (cũng toàn là chó cả thôi) bày cho đủ trò để Quẳng lo đi mà vui sống, nhưng bây giờ thì lòng tôi đã bẩn, trái tim tôi đã rỗng, nó bắt đầu kêu rống, nó hết hạn tiêu dùng cái thành phố (chó chết) nóng, bẩn và đần này (thành phố mang tên Người). Thiên hạ vẫn hát Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi thật nhí nhảnh, nhưng Sài Gòn ơi, mầy cũng là cải lương thôi, mầy chìm xuồng rồi! Thà mầy chết mẹ cho xong, còn hơn bày đặt sống sót để bị thay tên đổi họ. Sài Gòn ơi, tao đang muốn tanh bành đây, tao thề đấy, tao mà nói láo, đụ mẹ, tao bú lồn mầy, nếu lòng tao có Người nào ở trỏng! (Nếu lòng tao có cái đó ở trỏng, tao sẽ ngồi suốt đời trên sông với một tấn lá chuối bên cạnh).

(Mày tiêu rồi – sắp xuất bản photocopy)

Trồng người
Một học sinh bị phạt bằng cách chép đầy 2 trang giấy: em không nhúc nhích.
Một học sinh bị phạt bằng cách tự tát vào mặt: 56 lần.
Một học sinh bị phạt bằng cách cấm địt (4) một tháng.
Một học sinh bị phạt bằng cách không được chảy máu: lúc có kinh.
Một học sinh bị phạt bằng cách uống một ly nước muối: vô lễ trong giờ đạo đức.
Một học sinh bị phạt bằng cách nuốt một tờ giấy A4: bài kiểm tra dưới trung bình.
Một học sinh bị phạt bằng cách ngồi trong cầu tiêu hát quốc ca: khuỵu chân trong lúc chào cờ
Một học sinh bị phạt bằng cách nhổ cho bà hiệu trưởng 1 ngàn tóc ngứa: gãi đầu, ngáp, và không phân biệt được khủng long với loài bò sát.
Một học sinh bị phạt bằng cách bôi nhọ lên trán đứa ngồi cạnh: không giúp bạn giữ im lặng.
Một học sinh bị phạt bằng cách ngậm cục tẩy trong giờ lịch sử: không nhắc đủ 800 tên anh hùng.
Một học sinh bị phạt bằng cách nhắm mắt 1 tuần vì không thuộc lòng bài thơ: Đêm Nay Bác Không Ngủ.

12 năm sau có một học sinh bị liệt chi dưới.
12 năm sau có một học sinh má trái phính hơn má phải.
12 năm sau có một học sinh nghiện mùi thúi.
12 năm sau có một học sinh bị cắt buồng trứng.
12 năm sau có một học sinh bị đứt thanh quản.
12 năm sau có một học sinh thấy giấy thì xé.
12 năm sau có một học sinh không dám ỉa trong cầu tiêu.
12 năm sau có một học sinh ngồi gần ai có tóc thì bứt.
12 năm sau có một học sinh thường bốc cơm trong chén người khác.
12 năm sau có một học sinh nhìn thấy tượng đài là đái.
12 năm sau có một học sinh theo đạo hồi tìm hài cốt Saddam.

Hơn 20 năm trước tao là một học sinh luôn đứng không vững.
Bây giờ tao là chủ một cây cột điện 25 thước nhưng không lèo lái được bọng đái của mình.


3) Kết

Có thể hiểu thế nào về chủ nghĩa hậu hiện đại cũng được, không quan trọng. Và đó cũng là một khía cạnh tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tinh thần đó thể hiện sự dân chủ, sự “tôn trọng sự khác biệt”. Và đó là tinh thần nhân bản. Tôi đồng tình với chủ nghĩa hậu hiện đại chính vì điều này.

Sài Gòn 31/05/2006

Vương Văn Quang

Trích DCVOnline


(1) Lý luận và thi pháp tiểu thuyết – M.Bakhtin. Phạm Vĩnh Cư dịch. Trường viết văn Nguyễn Du, 1992
(2) Văn học hậu hiện đại thế giới- những vấn đề lí thuyết – nxb HNV và trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2003
(3) Đây là vấn đề đặt ra với nhiều loại hình nghệ thuật khác, không riêng gì văn học. Nhà hát opera hoàng gia Anh đã từng thử nghiệm, đưa những vở opera – ballet kinh điển ra trình diễn ngoài đường phố, kết hợp với một số vũ đạo hiện đại và nhạc cụ điện tử (Kênh truyền hình CNN)
(4) “địt” là chữ dùng ở miền Trung và miền Nam, đồng nghĩa với “đánh rắm” ở miền Bắc. (Ê, tao đây – Nguyễn Quốc Chánh, photocopy, 2005)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn