BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 82264)
(Xem: 64537)
(Xem: 42044)
(Xem: 33596)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xuân Z 30 A

08 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 2305)
Xuân Z 30 A
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Ra Tòa, năm 1998, tôi lãnh án tù 8 năm. Trở về Nhà Tù Chí Hòa nằm chờ chống án lên cái gọi là tòa trên rồi đi trại lao động cải tạo, viết đúng là đi Trại Tù Khổ Sai, tôi làm bài thơ;

RA TÒA, VỀ TÒA

Ra tòa trong chiếc xe heo,
Tay còng, áo dấu, ngặt nghèo bước chân.
Mấy năm tòa xử mấy lần,
Bồi hồi Em đến, ngại ngần Anh ra.
Anh tù Anh ở Chí Hòa,
Em tù Em ở riêng nhà vắng anh.
Anh làm, Anh tội đã đành,
Em làm gì tội một cành thiên hương.
Ma dẫn lối, quỉ đưa đường,
Đôi ta qua nẻo đoạn trường đến đây !

Ra tòa trong chiếc xe cây,
Tay còng, áo dấu, dạn dầy bước chân.
Tài tử đa cùng
Hồng nhan đa truân…
Đa tình tài tử, giai nhân,
Đa đoan thân thế mấy lần biển dâu.
Biển dâu, dâu biển mặc dầu
Đoạn trường ta vẫn qua cầu nắm tay.

Tòa về trong chiếc xe này,
Tám năm tòa xử, một ngày bên nhau.
Thời gian qua chậm, qua mau
Mặc thời gian chẩy dưới cầu thời gian.
Em năm mươi tuổi đang xoan,
Anh năm mươi tuổi chửa toan về già.
Tòa về Anh ghé Chí Hòa,
Tòa về Em trở về nhà đón Anh.

Tôi bị đưa ra cái gọi là Tòa Án Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh – tòa án chuyên xử tội nhân dân chống Đảng Cộng sản – hai lần ra toà, lần đầu năm 1986, trong lần ra toà thứ nhất bọn Công An VC kết tôi vào tội “gián điệp.” Theo bộ Luật Hình Sự của chúng, người phạm tội làm gián điệp bị tử hình,

Nhưng lần ra toà năm 1986 chúng hoãn xử bọn chúng tôi, bọn bị chúng gọi là “Biệt Kích Văn Nghệ.” Hơn một năm sau – năm 1988 – chúng lại đưa bọn tôi ra tòa. Lần này chúng đổi tội chúng tôi từ “Gián điệp” sang tội “Tuyên truyền phản cách mạng.”

Án phạt tội Gián Điệp: Tối thiểu Tù 12 năm, Tối đa Tử Hình.

Án phạt tội Tuyên truyền phản cách mạng: Tối thiểu Tù 2 năm, Tối đa Tù 12 năm.

Lần ra tòa thứ nhất tôi xúc động, sợ hãi, lần ra toà thứ hai tôi ở tù lâu, quen rồi, tôi không còn sợ nữa. Ra toà lần hai, tội của tôi trở thành tội “Truyên truyền phản cách mạng.” So với án phạt tội Gián Điệp thì án phạt tội Tuyên truyền phản cách mạng nhẹ hều. Tội Gián điệp Tối thiểu Tù 12 năm, Tội Tuyên Truyền Phản Cách Mạng Tối đa Tù 12 năm, Tối thiểu Tù 2 năm. Khi ấy tôi đã ở tù được 5 năm, tôi đã quen với tù đày.

Tết năm 1989 tôi sống trong Nhà Tù Chí Hòa. Ông bố tôi ngã bệnh ngày Mồng Hai Tết năm 1967, ông mất Ngày Mười Sáu Tết năm ấy. Ngày Mười Tám Tết năm 1989 tôi nhận được thực phẩm gia đình tôi gửi vào tù cho tôi. Trong số thức ăn có bịch xôi vò, chè đường. Bà mẹ tôi làm món này rất ngon. Ngày giỗ Thầy tôi, mẹ tôi thường làm món này. Ngày Hai Mươi Tết, còn gọi là Ngày 20 Tháng Giêng, tôi ra khỏi Nhà Tù Chí Hòa để đến Trại Tù Khổ Sai.

Xe tù rời Nhà Tù Chí Hòa lúc 8 giờ sáng, khoảng 11 giờ trưa xe đua bọn tù chúng tôi đến Trại Lao Động Cải Tạo Z 30 A, Xuân Lộc. Xe ngừng ở cổng trại, tù nhân xuống xe. Việc làm đầu tiên của tôi khi đến cổng trại tù khổ sai, xuống xe, là vào bụi cây bên vệ đường khoái lạc đi một đường tiểu tiện — đã năm năm tôi không được hưởng cái thú đái đường, đái dưới trời cao, đái trên đất rộng — rồi tôi trở lên thoải mái ngồi xổm xếp hàng cùng với anh em chờ cai tù ra lãnh vào trại.



Năm năm trời sống quanh quẩn giữa những bức tường phòng tù – năm năm là bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm? Thử làm con tính 3×365=1,095 – buổi trưa đầu xuân tôi ngồi đó giữa trời, ven rừng, trước cổng trại tù, sung sướng cảm nhận làn gió mát mơn man trên má, gió lùa trong mái tóc bạc, sung sướng nhìn vòng ánh nắng xuyên qua cành lá lung linh trên vai áo, sướng khoái cảm nhận ánh nắng mặt trời sưởi ấm trên vai, mê mẩn nghe tiếng chim hót trong vòm cây. Năm năm rồi tôi không được nghe tiếng chim hót, tiếng lá reo, tiếng gió thổi, không được cảm thấy làm gió mát vuốt ve da thịt, hơi nắng sưởi ấm mái tóc, vai áo, năm năm không được đi dưới nắng, dưới mưa.

Có phải sống quanh quẩn giữa bốn bức tường phòng tù nhiều năm, con người mới thấy sung sường khi được đi giữa trời, được nghe btiếng chim hót, được cảm thấy nắng ấm. Kim Thánh Thán không bị tù ngày nào, trong 40 Khoái Lạc ờ Đời ông kể không có những khoái lạc như tôi vừa kể, những Khoái Lạc tôi được hưởng trong những phút đầu tiên tôi đến Trại Tù Khổ Sai Z 30 A.

Ở Z 30 A tôi gặp lại các tu sĩ Trí Siêu, Tuệ Sĩ, Tâm Lạc, Thượng Tọa Đức Nhuận, Linh Mục Trần Đình Thủ, Linh Mục Nguyễn Công Đoan, Giáo sư Mã Thành Công, Giáo sư Nguyễn Quốc Sủng, Kỹ sư Lê Công Minh. Hai ông Nguyễn Quốc Sủng, Lê Công Minh bị án tù chung thân. Người bị Công An Việt Cộng coi là người cầm đầu nhóm hai ông là Luật sư Phạm Quang Cảnh đã bị tử hình. Năm 1995 Giáo sư Nguyễn Quốc Sủng, hơn 80 tuổi, từ trần ở Trại Z 30 A.

Năm năm sống chật hẹp giữa những bức tường phòng tù, tôi không được trông thấy mặt trời, mặt trăng – ánh nắng, ánh trăng thì thấy – buổi sáng thứ nhất đứng ở sân trại tù nhìn lên núi Chứa Chan mờ mờ trong sương sớm, tôi không làm thơ, những lời Thơ đến với tôi:

Bình minh ngắm đỉnh Chứa Chan,
Tưởng như trời đất bạt ngàn hoa bay.
Đến đây đoạn cuối tù đày,
Năm năm xa mộng một ngày bên nhau.
Ai về Anh gửi đôi câu,
Đón Em Anh đợi bên cầu Quan San.
Em lên chơi núi Chứa Chan,
Ru Em lả tiếng bạch đàn…à…ơi..!

Tiếng ai dậy đất, vang trời:
- Em lên Xuân Lộc, Em ơi, Anh chờ!

Sống ở Sài Gòn từ năm 1951 tôi không biết Núi Chứa Chan, không một lần tôi nghe người nói đến núi Chứa Chan. Tôi chắc nhiều người Sài Gòn cũng không biết gần ngay Sài Gòn có trái núi đá có cái tên gợi cảm là Núi Chứa Chan. Năm 1989 khi đến Trại Tù Khổ Sai Z 30 A tôi mới biết Núi Chứa Chan, tôi mới nhìn thấy Núi Chứa Chan.

Trại Tù Khổ Sai Z 30 A nằm trong thung lũng dưới chân núi Chứa Chan, bên Đồi Phượng Hoàng – hay Đồi Phượng Vĩ? – nơi đóng quân của Sư Đoàn Bộ Binh 18 ngày xưa. Năm Trung Tướng Phạm Quốc Thuần làm Tư Lệnh Quân Đoàn Ba, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo là Sư Đoan Trưởng Sư Đoàn Bộ Binh 18, tôi có lần đến nơi đóng quân cuả Sư Đoàn ở đây dự một cuộc duyệt binh. Nay tôi là anh Tù trở lại thung lũng này. Dấu xưa không còn. Chỉ còn cảnh xưa trong ký ức. Cảm khái cách gì.

Trại Tù Khổ Sai Z 30 A có 3 khu. Khung chính là Khu A, xây dựng vũng chắc nhất, Khu B và Khu C. Khi tôi đến trại năm 1989, vì số người tù ít đi, Khu C đã bị dẹp bỏ, Trại chỉ còn Khu A, Khu B.

Trại trồng nhiều cây bạch đàn. Tù trồng. Cảnh sắc khá đẹp. Buổi sáng Z 30 A mát như Đàlạt, buổi chiều Z 30 A có gió biển như Vũng Tầu. Alice lên thăm tôi. Lúc năm giờ chiều Nhà Thăm Nuôi vắng tanh, năm năm trời mới lại được gần nhau, trong cảnh tù đày vợ chồng tôi mừng mừng, tủi tủi, tôi bảo nàng;

– Anh xách nước cho em tắm nhé.

Tôi sung sướng mang cái xô ra giếng múc nước đem vào nhà tắm cho nàng. Vợ chồng tôi đã sống với nhau những ngày hạnh phúc ở Z 30 A trong tiếng ru của lá bạch đàn. Năm 1989 ở Trại Z 30 A chuyện những người tù có vợ con lên thăm được ra cái gọi là Nhà Khách sống vài ngày với vợ con là chuyện rất thường. Người tù Z 30 A không cần phải lập công trạng hay thành tích gì mới được đặc ân ra Nhà Khách sống với vợ vài ngày, vài đêm. Chỉ cần người tù nộp cho Trại mỗi ngày 3.000 đồng tiền Hồ.

Bọn Cai Tù lý luận:

“Trại nuôi các anh. Mỗi anh có bổn phận mỗi ngày phải làm ra một số của cải vật chất trị giá 3.000 đồng. Anh nghỉ làm một ngày, anh phải đóng 3.000 đồng thay cho số của cải anh phải làm ra.”

Tôi nhớ những đêm trăng vợ chồng tôi đi bên nhau trên con đường đất đỏ trước Nhà Khách, hai bên đường có những cây đại nở hoa, những hàng bạch đàn rì rào. Tôi đặt một lô tên thơ mộng cho cảnh sắc Z 30 A.

Và tôi làm thơ:

CHỨA CHAN

Ta đến mùa xuân Núi Chứa Chan,
Tù đày nay sắp hết gian nan.
Suối Tình Em ngát hương hồng hảo,
Núi Nhớ Anh vang tiếng bạch đàn.
Em thương trời mở xuân huyền ảo,
Anh yêu đất nở hội hoa đăng.
Mái tóc Em thơm mùi dạ thảo,
Cho suốt đời Anh được chứa chan.

Yêu suốt đời nhau vẫn chứa chan.
Chứa Chan nay lại đến tham quan.
Anh chờ, Anh đón Rừng Thanh Thản,
Em tìm, Em đến Suối Miên Man.
Em cho muôn kiếp tình nguyên bản,
Anh hưởng nghìn năm nghĩa huệ lan.
Suối đời trôi mãi yêu chưa chán,
Mới biết rằng Em Núi Chứa Chan.

Núi Chứa Chan, tình ái chứa chan.
Mây mù nắng đến cũng sương tan.
Thiên Thai đứng giữa Rừng Thanh Thản,
Đào Nguyên nằm cạnh Suối Miên Man.
Giáng Tiên Em trắng hoa trinh quán,
Từ Thức Anh xanh lá bạch đàn.
Vợ chồng nhân thế ta chưa chán,
Yêu suốt đời nhau vẫn chứa chan.

Chan chứa tình ta vẫn chứa chan,
Chứa chan tình ái cứ đầy tràn.
Hoa lan Em hái Rừng Thanh Thản,
Trăng vàng Anh thả Suối Miên Man.
Yêu hoài Anh kết mây hồng tản,
Thương mãi Em đan lá bạch đàn.
Ai lên Xuân Lộc xin đừng nản,
Hãy ngắm tình tôi: Núi Chứa Chan.

Khi đến Z 30 A án tù của tôi chỉ còn một năm – với tội Biệt Kích Cầm Bút, nói rõ hơn là tội “tuyên truyền phản cách mạng”, tôi bị lãnh án 8 năm tù khổ sai, sau đó được giảm xuống 6 năm, khi rời Nhà Tù Lớn Chí Hòa tôi đã ở tù được 5 năm – 12 tháng tù cuối cùng của tôi êm đềm trôi qua ở Z 30 A. Tôi sống bình yên chờ đợi ngày về. Trong khi chờ đến ngày về, tôi chờ đợi tháng tháng vợ tôi, các con tôi đến trại thăm tôi.

Đây là bài thơ tôi làm năm 1989 ở Z 30 A:

ANH CHỈ SỐNG ĐỂ CHỜ EM ĐẾN

Như trái đất chỉ quay để chờ nắng lên
Anh chỉ sống để chờ Em đến.
Giòng thời gian muôn kiếp lênh đênh
Ta muôn kiếp vẫn yêu, vẫn mến.
Trên vai Anh mái tóc thương huyền
Em đã ngả từ ngày có biển.
Như mưa nguồn trở lại Đào Nguyên
Em yêu ơi, như thuyền về bến
Anh chỉ sống để chờ Em đến.

Như từ núi nước suôi về biển
Như trên hoa về nhũng giọt sương
Như Eva trở lại Thiên Đường

Anh chỉ sống để chờ Em đến.

Thưở tinh khôi đất trời vừa hiện
Chim mới ca, suối mới đưa hương
Trong thanh không vừa có thái dương
Em đã đến…Và Em sẽ đến.


Khi trái đất chỉ quay để chờ nắng lên
Khi loài người còn mãi tình duyên
Thuyền Thời Gian ta mãi lênh đênh
Anh chỉ sống để chờ Em đến.

Khi trái đất ngừng quay, ngày chẳng còn lên
Đêm thôi xuống, gió không còn thổi

Khi loài người ngừng cuộc tình duyên
Thuyền Thời Gian ta hết lênh đênh
Anh vẫn sống để chờ Em đến.

Chuyện kỳ diệu là hôm nay, liêu lạc ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, 20 năm sau buổi sáng đầu xuân tôi đi ra khỏi những bức tường bao quanh khu Trại tù Z 30 A ở Xuân Lộc, Đồng Nai, khi hồi tưởng những ngày tù đày, những đêm dài nằm như xác chết trong sà-lim, nghe tiếng thời gian chậm bước đi, những nhớ thương, những tuyệt vọng, những hy vọng, những mong ước, những khẩn cầu, tôi thấy trái tim tôi ấm lại. Tôi không chút ân hận hay buồn phiền vì tôi đã phải sống hai mươi mùa lá rụng trong thành phố Sài Gòn thương yêu của tôi, trong hai mươi năm có tám năm tôi sống quanh quẩn trong những nhà tù cộng sản..

Tôi thấy những ngày tù đày đó của tôi có ý nghĩa, chúng cho tôi thấy giá trị con người của tôi. Nhờ tù đày, nhờ tai họa, tôi được biết con người tôi không hay, không bảnh hơn ai nhưng con người tôi không đến nỗi hèn mạtï quá. Với tư cách là người tù nạn nhân của Việt Cộng, tôi không được khen nhưng tôi không bị ai chê, ai khinh, ai chửi, vợ con tôi không bị xấu hổ vì tôi. Được như thế là tôi mừng rồi.

Tôi ra khỏi Thánh Thất Chí Hòa một ngày đầu xuân, tôi đến Trại Tù Khổ Sai Z 30 A một ngày đầu xuân, tôi ra khỏi Z 30 A một ngày đầu xuân. Lúc ấy 9 giờ sáng, anh em tù đi làm hết, trại vắng tanh, Trí Siêu Lê Mạnh Thát đưa tiễn tôi ra đến cổng trại. Hôm nay, một ngày đầu xuân, liêu lạc xứ người, cách quê hương hai biển lớn, nhìn về đông, trông về tây, chỉ thấy biển xanh, mây trắng, tôi gửi Tình Yêu Thương của tôi về Sài Gòn, tôi gửi tình cảm mến của tôi về những ngưiời bạn đă chia cay, xẻ đắng với tôi trong những ngày đêm tôi tù tội, những người bạn tù đã thương xót tôi, bảo vệ tôi, an ủi tôi, nâng đỡ tôi trong những giây phút tôi sợ hãi, tôi tuyệt vọng, tôi biết ơn các bạn tù Trần Văn Bẩy, Lê Vĩnh Thành, Lâm Tới, Lê Văn Cường, Lê Mạnh Thát…Và nhiều bạn tù nữa tôi không thể kể hết tên. Tôi nhớ những phòng tù Số 6, Số 7 Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Phòng Tù Tập Thể Số 10, Lầu Ba, Khu ED Nhà Tù Chí Hòa, tôi nhớ những người bạn đã cùng tôi vào nhà tù cộng sản nhưng không cùng tôi đi ra: anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, bạn tôi Dương Hùng Cường.

Hoàng Hải Thủy

04-02-2012

Theo http://hoanghaithuy.wordpress.com/2012/02/04/xuan-z-30-a/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn