BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39197)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thạch Sanh

02 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1537)
Thạch Sanh
54Vote
40Vote
30Vote
27Vote
10Vote
3.111
Dân Nam: Vốn ở chung phòng tù Việt Cộng, vì những “tội” khác nhau, hồi sinh tiền, hai mươi năm trước (1992), nhà văn Duyên Anh, nhân ở Pháp sang Hoa Kỳ, lại thăm, chúng tôi có nhắc lại chuyện nói cùng ông trong tù rằng không còn là thời kỳ “đánh đấm” như thuở đệ nhất, đệ nhị cộng hòa nữa, mà cần kết hợp để cùng chống cộng. Ông tái xác nhận sự đồng ý và nói bắt đầu chuyển sang “chính văn”, rồi gửi cho bài này.

 Thú thực chúng tôi không biết ông đã cho đăng ở đâu chưa hay riêng… tặng. Nay, đầu năm xuân thủ, ngày rộng tháng dài, xin lục đăng để tưởng nhớ một văn tài, một chiến sĩ văn hóa yêu nước, chống cộng mà chịu khá nhiều oan khiên.




 Thuở nhỏ, bà tôi hay kể cổ tích cho tôi nghe.

Bà tôi, như nhiều bà khác, lạ lắm. Không biết chữ Nho, chữ Nôm, chữ Việt, vẫn nhớ truyện đều đều. Truyện bằng thơ. Cứ một người đọc cho bà tôi nghe vài lần, bà tôi thuộc ngay. Bà tôi lại đọc cho người ta nghe.

Cổ tích dân gian lại nhiều chữ nghĩa, vì thế chẳng ai biết điển tích và cũng chẳng ai thèm biết điển tích. Bà tôi nằm lòng những truyện Tám Cám, Trương Chi, Vạn Lịch, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông…

 Bấy giờ, tôi thường ngủ ngon giấc, khi bà tôi gần kết luận một cổ tích thơm nồng. Tôi yêu cổ tích. Tôi thương cô Cúc Hoa. Tôi tương tư anh Trương Chi. Tôi khóc ròng anh Vạn Lịch. Và, tự nhiên, tôi nổ đom đóm mắt thù thằng Lý Thông đã làm hại anh Thạch Sanh. Rồi, tôi mang trong lòng anh Thạch Sanh với cây đàn muôn điệu.

Đàn kêu tích tịch tình tang

 Ai mang công chúa dưới hang lên lầu

 Đàn kêu cung oán cung sầu

 Thạch Sanh ngồi đó chết dần dưới hang

 Đàn kêu tích tịch tình tang

 Sao mày phụ bạc hỡi thằng Lý Thông

Năm 1945, tôi lên 10, cách mạng tháng 8 bùng nổ, gợi cho tôi một chân trời cổ tích. Bụt, tôi, có thể, nhìn rõ ràng là Hồ Chí Minh. Nếu Bụt hiện lên giúp cô Tấm trở thành hoàng hậu, cụ Hồ hiện lên giúp dân nghèo bớt khổ.

… Dắt đàn con yêu dấu

 Vùng lên tranh đấu

 Bóng Cha trùm lớp dân nghèo…

 Những nhân vật cổ tích mới không còn là Trương Chi, Vạn Lịch nữa. Mà là Em bé Nam Bộ tẩm người đầy ét xăng, lao vào kho vũ khí của thực dân Pháp. Mà là các Em bé Kim Đồng lên chiến khu diệt phát xít Nhật trả thù cho bố.

Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít

 Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu

 Kim Đồng quê anh Việt Bắc xa mù

 Kim Đồng thay cha rửa mối quốc thù…

Tôi say mê Bác Hồ, em bé Nam Bộ và anh Kim Đồng. Cổ tích mới của tôi đấy.

Năm 1947, tôi học đệ nhất ban thành chung, ở Trình Phố, Kiến Xương, Thái Bình. Chương trình Việt văn hoàn toàn thay đổi, lạ lùng nhất đời tôi. Các tác giả vô danh, tôi phải học Trê cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công; các tác giả hữu danh, tôi phải học Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Nhị thập tứ hiếu của Lý Văn Phức. Trích vài đoạn thôi. Đến nay, tôi còn nhớ lõm bõm Trê cóc.

 Nhớ xưa trê cóc đôi nhà

 Vì tình nên phải sinh ra oán thù

 Cóc quen vui thú bờ hồ

 Khi lên đài gác khi vô cung đình

 Tới khi thai sản thành hình

 Xuống ao trê mới đem mình thoắt xong

Trê cóc oán nhau vì tình. Cóc xuống ao đẻ ra nòng nọc. Trê thấy nòng nọc giống trê sơ sinh quá.

Nhìn xem dạ những mừng thầm

 Giống trê như hệt chẳng nhầm vẻ chi

 Bắt về nuôi nấng phù trì

 Con nuôi cũng chẳng khác gì con sinh.

 Một hôm, cóc mẹ đi chăm sóc con. Thì trê đã quyến rũ con cóc rồi. Cuộc cãi vã xảy ra tay đôi. Không có kết quả. Cóc về tham kiến tiến sĩ chão chàng. Tiến sĩ nói: Đợi ít ngày, nòng nọc thành cóc, lên bờ trở về đời sống cóc. Con nhà trê sẽ điên lên vì tức giận. Công nó nuôi là công cốc. Cóc mẹ tham kiến thạc sĩ ễnh ương. Thạc sĩ nói: Kiện bỏ mẹ thằng trê điếm đàng đó. Cóc mẹ tham kiến bác học ếch, ẩn sĩ nhái…, đều cùng nhau bảo kiện tụng. Cóc mẹ gom góp tiền nong ra hầu tòa. Trước khi gặp quan xử kiện, cóc mẹ đã vất vả đút lót bọn sai nha. Bao nhiêu ngày chờ đợi quan nhận đơn, thì cóc nhi đồng đã về hết, vui mừng ăn cơm độn khoai với muối! Bao nhiêu tài sản, cóc mẹ bán hết dâng cho sai nha. Hồi ấy, giá có luật sư nhỉ? Luật sư sẽ trung gian với dự thẩm, biện lý, chánh án khoản tiền lớn, là nòng nọc chưa hóa ra cóc, con nhà trê sẽ [đã?] rũ tù. Mới hay, vô phúc đáo tụng đình, thời nào cũng giống nhau.

Tôi thích Trê cóc và tiến sĩ chão chàng. Nên, thuộc thơ lục bát Trê cóc. Còn Trinh thử, con chuột trinh tiết, và Lục súc tranh công, con nào con nấy kể lể mình làm nhiều, bấy giờ, tôi không khoái học; bây giờ, thì khoái đọc, nhưng là chuyện bây giờ. Đến Nhị thập tứ hiếu của Lý văn Phức, tôi chỉ thuộc hai câu:

Chàng Mẫn Tử hết đường hiếu nghĩa

 Xót nhà huyên quạnh quẽ từ lâu (1)

Và, tới Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, sao tôi thuộc lõm bõm nhiều thế! Thuộc mà chả biết điển tích Trung Hoa là cái chi chi. Và, tôi thích đoạn Vương Tử Trực nhiếc mắng Vũ Thái Loan, vợ chưa cưới của Lục Vân Tiên; Vũ Thái Công, bố vợ chưa cưới của Lục Vân Tiên.

Thái Loan trong trướng bước ra

 Miệng mừng tấn sĩ tân khoa mới về

 Thiếp nay lỗi đạo xướng tùy

 Lỡ đường sửa túi nỏ bề nâng khăn

 Vương Tử Trực khinh bỉ Vũ Thái Loan, mới Trực rằng:

 … Ai Lữ Phụng Tiên

 Mà đem cái thói Điêu Thuyền trêu ngươi

 Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi

 Lòng nào mà nỡ đem lời nguyệt hoa

 Uổng thay mặt ngọc da ngà

 So bề cầm thú dễ mà khác chi

 Vân Tiên anh hỡi cố tri

 Suối vàng có biết việc gì cho ta

 Vũ Thái Công nham nhở:

 Tới đây thì ở lại đây

 Cùng con gái lão vui vầy thất gia

 Vương Tử Trực quạt thẳng tay:

 Vợ Tiên là Trực chị dâu

 Chị dâu em bạn có đâu lỗi nghì

 Chẳng hay người đọc sách gì

 Nói ra nhũng tiếng dị kỳ khó nghe

 Hay là học thói nhà Tề

 Anh em ruột thịt cũng dè lấy nhau

 Hay là học thói nhà Trần

 Bất Vi gả vợ Dị Nhân lấy nhầm

 Cách mạng gây ra nhiễu nhương khó tránh. Kháng chiến gây ra loạn ly đau đớn. Tôi quên cổ tích của bà tôi, vì hút biến vào cách mạng để nhớ cổ tích mới. Rồi, chinh chiến và chạy giặc, tôi quên cả cổ tích cũ lẫn cổ tích mới.

Ai có ngờ đâu, năm 1975, tôi lại làm thơ. Và, nhân vật cổ tích cũ thi nhau chạy về trong tâm hồn tôi…

Quê nhà mẹ có giàn thiên lý

 Một giải râm hiền giữa nắng trưa

 Những chuyện nghe hoài không biết chán

 Bắt đầu là ngày xửa ngày xưa

 Tiếng sáo diều ai làm nhạc đệm

 Chống gươm con bọ ngựa mơ màng

 Thấy chân cổ tích đi trên lá

 Mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang

 Nhìn rõ Thạch Sanh ở dưới hang

 Ôm đàn dạo khúc tính tình tang

 Nhạc xuyên qua đất luồn qua đá

 Thành gió thành mưa phá điện vàng

 Nước mắt đầm đìa thương Cúc Hoa

 Xuân hồng muộn đến, sớm phôi pha

 Mừng cho cái Tấm nhờ ơn Phật

 Khổ trước rồi sau hết xót xa

 Mẹ kể biết bao nhiêu tích cũ

 Buồn như Vạn Lịch với Trương Chi

 Kẻ đốt giải lời thề kết tóc

 Người tan thành giọt lệ lưu ly

 Quê người không có giàn thiên lý

 Trưa nắng đường oan cháy bỏng vai

 Và những chuyện nghe xong chẳng khóc

 Chẳng buồn và chẳng thiết yêu ai

 Đời rất hiếm hoi lần Bụt hiện

 Nên chi đoạn kết thảm vô cùng

 Bộ xương cái bống là dao nhọn

 Đâm nát hồn ta lũ Lý Thông (2)

 Trong bài thơ Nhớ cổ tích, tôi yêu Thạch Sanh, Cúc Hoa, cô Tấm, Vạn Lịch, Trương Chi…

Với Thạch Sanh, tôi còn nhìn chàng bị giam nhốt ở dưới hang sâu thăm thẳm. Và, tôi cho tiếng đàn của chàng xuyên qua đất, luồn qua đá, tạo nên một sức mạnh phi thường để phá nát ngai vàng, nơi Lý Thông và công chúa với đám cận thần đang nghiêng ngửa. Công chúa tưởng Lý Thông cứu mình, đã kết duyên cùng hắn rồi. Vua cũng nhường ngôi cho hắn. Hắn tự tạo một triều đình độc tài. Ôi, những gã dốt nát và nham hiểm thâu tóm giang san về một mối, thì chỉ biết độc tài và tàn ác.



Tôi nghĩ xa hơn: Sức mạnh khôn cùng nằm gọn trong tay nghệ sĩ. Chính quyền chỉ có một đời múa may, nghệ sĩ có vạn vạn đời để phán xét, vạn vạn đời để nhốt những kẻ bất lương. Tôi lại nghĩ gần: Chưa chắc Thạch Sanh đã tận dụng cây đàn của mình, chưa chắc bà tôi kể truyện Thạch Sanh Lý Thông đã đúng. Thạch Sanh đã theo Lý Thông về, giữa đường Lý Thông bị sét đánh chết, hóa ra con bọ hung. Bà tôi kể vậy. Và, bà tôi, luôn luôn, có câu “triết lý” kết luận: Ở đời, trời hại mới chết, người hại thì không chết. Mà, con người hại con người lại có con người khác cứu rỗi, theo ý trời.

Năm 1976, tôi vào tù chế độ mới. Ròng rã 6 năm trời, tôi quên Thạch Sanh và chỉ nhớ có cô Tấm, dầu tôi không đồng ý với cô Tấm về chuyện báo thù. Trịnh Công Sơn đã diễn tả đôi mắt thù hận tới lắm. Đôi mắt thù hận của cô Tấm làm cho cô đau khổ, ở cõi sống và cõi chết. Cô đừng thù hận kẻ cướp hạnh phúc của cô, có phải đẹp không? Vì cô cứ nghĩ tới ngày tuyết hận, nên kẻ thù của cô cần đối phó.

Đầu năm 1981, tôi từ Sờ Công An Nội Chính, đề lao Gia Định, khám lớn Chí Hòa phát vãng đi Xuyên Mộc, rồi Hàm Tân, bài thơ Trái thị ra đời.

Nhưng, tôi không nhắc truyện cô Tấm trừng phạt kẻ thù gớm ghiếc, mà chỉ kể cô thật thà, yêu điều tốt và điều xấu. Dĩ nhiên, tôi chủ ý viết về cô Tấm.

Ngày xưa cô Tấm ngời nhan sắc

 Thật thà như đếm, chả thù ai

 Cô thương điều xấu yêu điều tốt

 Chung hết tâm tư với mọi người

 Có nhiều đứa ác hờn ghen Tấm

 Đầy đọa Tấm, rồi giết Tấm oan

 Tấm hóa thành chim, thành trái thị

 Cuối cùng thành công chúa nhân gian

 Em ạ, anh là cô Tấm xưa

 Lòng anh chứa chất cả hư vô

 Anh đi với tháng dài năm rộng

 Mơ nỗi niềm chưa ai ước mơ

 Anh cũng bị chôn dưới vực sâu

 Trước khi sặc nước mắt cơ cầu

 Và cũng thành chim, thành trái thị

 Ngạo nghễ lên đời chói ngọc châu

 Em, cổ tích này anh tặng em

 Hãy nghe, hãy truyền kể nghìn năm

 Nghìn năm trái thị còn xanh mộng

 Chỉ úa điêu ngoa héo dối gian (3)

Làm bài Trái thị xong tháng 3, 1981, tôi lại quên cả cô Tấm và chỉ nhớ Thạch Sanh.

Những nhân vật cổ tích cũ và mới, tôi quên hết rồi. Vạn Lịch, Trương Chi. Quên. Em bé Nam Bộ, Kim Đồng. Quên.

Cô Tấm và Thạch Sanh ám ảnh tôi. Có lẽ, Thạch Sanh cơ hàn và tủi nhục quá, khiến hồn tôi se lại. Thạch Sanh bước lên khỏi địa ngục cũng chẳng vinh dự gì! Tôi nghĩ, cứ để Thạch Sanh dưới hang, so dây đàn và nhìn rõ hư vô. Đã ai coi nhân vật cổ là thần tượng của mình chưa? Chưa thì phải. Vậy, tôi coi Thạch Sanh là thần tượng của tôi, thần tượng biết tìm Sự Thật và Lẽ Phải.

Đến tháng 7, 1981 Lời Thạch Sanh nói với chúng ta.

Ôi, nhớ làm chi cho vụ lấp hang

 Phiếm thù đâu dễ bật cung đàn

 Ta ngồi trong tối so dây lại

 Nghe rõ hồn ta nhập thế gian

 Đốm lửa nào đây mới nhúm nhen

 Bóng ta in mặt nước thần tiên

 Cái gì xa lắm nhưng gần lắm

 Chưa phải hư vô vẫn ảo huyền

 Ta biết lòng người rũ rượi rồi

 Về đâu chiều bủa khói mù khơi

 Hồi chuông cáo phó sao buồn thế

 Giọt nước mắt còn, ta khóc ai

 Hãy đi hãy đi hỡi Lý Thông

 Ta vút lên đời như mũi tên

 Mũi tên cổ tích thèm bay lượn

 Chuyện cũ xong rồi, ta đã quên (3).

 Tháng 9, 1981, tôi được tự do. Đi từ nhà tù về nhà mình.

Cái tội của tôi là viết văn, đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải. Tôi không kéo dài chiến tranh như người ta ảo tưởng. Mỹ xâm lược, có tôi hay chẳng có tôi, nó vẫn xâm lược. Chán rồi, nó hồi hương ủ ê và đau đớn thân phận bại trận ở Việt Nam. Thế mà họ bắt tôi lâu quá. Nhưng thôi, “chuyện cũ xong rồi, ta đã quên”. Tôi trở về, canh cánh Thạch Sanh bên lòng. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến Thạch Sanh, thần tượng của tôi.

Tháng 3, 1983, tôi học đòi vượt biên để kiếm Sự Thật và Lẽ Phải bên kia đại dương, mà ở Việt Nam không có hay chưa có. Đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai, tôi thấy thế giới ngạc nhiên và nhân loại bàng hoàng khi tôi thành thật hỏi: Thế giới tự do có Sự Thật và Lẽ Phải không? Thế giới tự do coi tôi như thằng cà chớn, hỏi tôi lý do vượt biên. Tôi đáp: Lý do đúng nhất là tìm Sự Thật và Lẽ Phải. Thế giới tự do lè lưỡi: Sang thế giới tự do là tìm tự do chứ anh tìm cái gì? Vẫn bình tĩnh, tôi trả lời: Tự do ở nước tôi thiếu chi, chỉ thiếu thốn Sự Thật và Lẽ Phải thôi. Thế giới tự do bảo tôi là thằng nửa khùng nửa điên. Hơn thế nữa, thế giới tự do nói: Anh mất trí rồi! Tôi mất trí, thực sự. Không mất trí, [mà] đi tìm tự do lại bô bô cái miệng đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải.

Ở đảo Pulau Bidong này, đồng bào của tôi chưa được hưởng tự do, chứ đừng nhắc nhở thế giới tự do phải công bình trong Sự Thực và Lẽ Phải, Thế rồi, tôi cũng được định cư bên Pháp, nước thế giới tự do vĩ đại nhất loài người.

Không có Sự Thật và Lẽ Phải mới buồn chứ!

Giá của Sự Thật và Lẽ Phải, tôi trả rất đắt. Chỉ vì tôi cứ đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải. Tháng 11, 1987, tôi qua Mỹ cho biết sự tình. 30-4-1988, người Việt “quốc gia” đã hạ gục tôi tại Westminster, California, làm tôi bại liệt một nửa thân thể. Khi tôi ngã ngựa, họ còn công kích dài dài, đều đều, tàn nhẫn và vô nhân đạo. Một kẻ đòi hỏi Sự Thật và Lẽ Phải ngã ngựa còn nguy hiểm gấp một ngàn lần kẻ đang trên lưng ngựa dáo gươm tua tủa quanh mình, họ nghĩ thế. Nhân bản ghê! Chả sao cả. Tôi lấy hai câu thơ Nghìn năm trái thị còn xanh mộng, Chỉ úa điêu ngoa héo dối gian làm niềm an ủi.

Tại sao Thạch Sanh hơn người ở chỗ tìm kiếm Sự Thật và Lẽ Phải? Đúng quá rồi, mình chưa ĐỌC CỔ TÍCH Thạch Sanh Lý Thông, mà chỉ nghe bà mình kể, lạc nhiều chữ nghĩa. Những ngày nằm bệnh viện, tôi sai đứa con đi mượn cho bằng được truyện Thạch Sanh Lý Thông. Mượn được. Cuốn sách ấn bản ở Hà Nội, năm 1940, nên cũ kỹ. Và, tác giả vô danh làm thơ lục bát tự thế kỷ nào, thành ra lời thơ trong truyện mộc mạc lắm. Tôi bắt đầu đọc Thạch Sanh Lý Thông

*

Thạch Sanh, con nhà nghèo. Cha làm tiều phu, mẹ săn sóc gia đình. Hai người có một đứa con trai. Cha chàng chết trước. Ít lâu sau, mẹ chết theo, dặn Thạch Sanh vài điều dăng dối:

Ngày nay mẫu tử biệt ly

 Khuyên con giữ lấy nhân nghì hiếu trung

 Ấy là trả nghĩa đền công

 Suối vàng cha mẹ yên lòng ngậm vui

 Thạch Sanh mồ côi cả cha mẹ năm mới 13 tuổi. Gia tài cha mẹ để lại CÓ MỖI CÂY BÚA RÌU, chẳng có CÂY ĐÀN NÀO CẢ. Thạch Sanh làm nghề đốn củi, bên gốc cây đa. NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ THƯƠNG SÓT THẠCH SANH, SAI LÝ TĨNH XUỐNG TRẦN GIAN BAN PHÉP TẮC CHO CẬU ĐỂ CHIẾN ĐẤU CHỐNG KẺ THÙ VÀ NGHỊCH CẢNH. Thạch Sanh không biết có Lý Tĩnh, thừa sai của Ngọc Hoàng thượng đế cử giúp mình. Mấy năm liên tiếp, Thạch Sanh cứ, ban ngày, đốn củi bán, ban đêm, nằm ngủ dưới gốc cây đa. Cậu chẳng buồn phiền chi hết. Thân phận nghèo, côi cút đành an phận sống bằng nghề tiều phu.

Ngày kia, có Lý Thông ngang qua, trong lúc Thạch Sanh đang bổ củi. Thấy Thạch Sanh mình trần vạm vỡ, Lý Thông muốn kết huynh đệ. Thạch Sanh vui vẻ nhận lời. Lý Thông nhiều tuổi hơn làm anh, Thạch Sanh làm em. Lý Thông rủ Thạch Sanh về sống với mình. Lý Tĩnh đi theo luôn.

Lý Thông mồ côi cha, còn mẹ, rất tử tế với Thạch Sanh. Khu Lý Thông cư ngụ, có cái miễu thờ trăn tinh. Vừa phải cấp miễu cho nó, mỗi năm nộp nó một mạng người. Năm nay, đến lượt Lý Thông. Thằng này nói với Thạch Sanh rằng:

Nó là rắn lớn hiện hình

 Nhờ hơi nhật nguyệt thành tinh hại người.

Lý Thông khóc lóc, nói là còn mẹ già phụng dưỡng, không đi nộp mạng cho trăn tinh được, phải năn nỉ người em kết nghĩa chết giúp. Thạch Sanh bằng lòng ngay. Lý Thông đem tin vui mừng kể cho mẹ nghe. Mẹ Lý Thông bất mãn, nhưng cũng đành vậy thôi.

Đêm hôm, tới miếu trăn tinh, Thạch Sanh đã ăn uống no say. Chàng sách cây búa rìu theo. Có Lý Tĩnh mơ hồ bên cạnh. Chàng vung búa rìu chém một nhát, trăn tinh gẫy đôi, chết tức khắc. Trăn tinh chết, chàng trở về nhà Lý Thông, khiến Lý Thông tưởng hồn Thạch Sanh về trách móc. Khi biết Thạch Sanh còn sống, Lý Thông bảo Thạch Sanh dời ngay khỏi đấy, vì giết trăn tinh gây ra nhiều tai hại, vua sẽ bắt bỏ vào ngục tối.

Thạch Sanh về sống gốc đa ngày cũ, tiếp tục sống đời tiều phu. Trong khi đó, Lý Thông được vua phong chức quận công vinh hiển, nhờ cướp công lao giết trăn tinh của Thạch Sanh. Chả cần thiết chi, Thạch Sanh ở gốc cây đa, chế ra thứ cung bắn vô cùng chính xác.

Bấy giờ, Viện vương có cô con gái độc nhất, kiếm các nước chư hầu tuyển phu. Đều thất vọng. Thì xảy chuyện đại bàng vồ công chúa cắp đi. Đại bàng bay ngang gốc cây đa của Thạch Sanh. Thấy đại bàng bắt người vô tội, Thạch Sanh giương cung bắn trúng bên tả. Đại bàng rút mũi tên ra, cắp chặt công chúa, giở yêu thuật, bay về hướng đông. Thạch Sanh tìm dấu máu ở mũi tên nhỏ xuống, liền tới hang núi.

Tự nhiên, lúc này, Thạch Sanh chế được thuốc ngủ. Chắc Lý Tĩnh “gà” cho, để dùng vào việc sắp tới.

Viện vương buồn lắm. Sai Lý Thông tìm kiếm cho được. Quận công Lý Thông nhớ đến người em kết nghĩa của mình, cho quân đến quê hương của Thạch Sanh mờí chàng vô triều đình. Thạch Sanh đi ngay. Chàng mừng ông anh kết nghĩa đã làm tới chức quận công.

Lý Thông nói cho Thạch Sanh biết, đại bàng đã cướp công chúa đi mất tích. Nó, chính danh, là Mãng xà. Thạch Sanh nói đã biết chỗ của nó, kiếm nó chả khó khăn gì. Lý Thông thiết đại tiệc đãi Thạch Sanh.

Hôm sau, Thạch Sanh xuống hang. Rất may mắn, gặp ngay công chúa, Thạch Sanh hỏi: Mãng xà đâu? Công chúa đáp: Bị trúng tên ai bắn, nó nằm trong kia trị vết thương nặng. Thạch Sanh nói: Công chúa vào đưa cho Mãng xà viên thuốc. Nó sẽ uống và ngủ mê. Tôi sẽ đưa công chúa về triều đình. Công chúa làm y lời Thạch Sanh. Chàng buộc sợi dây vào lưng công chúa, đụng mạnh sợi dây. Lý Thông lôi công chúa lên và bảo quân lính dẫn công chúa về trước báo tin cho vua. Lý Thông ở lại lăn đá rào cửa hang, lấp kín mít.

Thạch Sanh bị nhốt dưới hang. Lúc đó, Mãng xà đã tỉnh ngủ, thấy Thạch Sanh, điên lên: Mày cứu công chúa, hả? Ừ, tao đã tặng mày mũi tên trúng bên tả và cho mày uống viên thuốc ngủ. Mãng xà xông vào đánh Thạch Sanh. Bao nhiêu yêu thuật của nó giở ra đều bị Thạch Sanh phá hết. Cuối cùng nó bị Thạch Sanh chém nát từng mảnh. Giết xong Mãng xà, Thạch Sanh lùng kiếm hang động khắp nơi. Chàng thấy một người bị Mãng xà nhốt trong cũi sắt. Người ấy nói: Tôi là thái tử, sẽ nối nghiệp cha tôi hiện đang làm vua Thủy Tề. Tôi bị Mãng xả giam ở cũi sắt một năm rồi.

Thạch Sanh mở cũi cho thái tử ra. Thái tử mời Thạch Sanh xuống thủy cung để được đền ơn. Thạch Sanh nhận lời. Thái tử nói: Phụ hoàng được Ngọc Hoàng thượng đế ban cho Cái Đàn Ba Dây. Nên ngài tặng tiền bạc hay bất cứ gì cũng từ chối. Chỉ xin Cái Đàn Ba Dây thôi.

Vua cha đáp nghĩa vật chi

 Cho tiền cho bạc anh thì chớ ham

 Quí nay, có một chiếc đàn

 Của vua thượng đế Ngọc Hoàng ban cho

 Em tâu vương phụ người cho

 Trong đàn đó đủ trận đồ thuỷ cương

 Thông thay các phép lạ thường

 Hoạn nạn tránh khỏi, giặc loàn cũng yên

 Thì anh lĩnh lấy về liền

 Ắt sau dương thế có phen cần dùng.

 Thủy cung có lối lên trần gian, nên Thạch Sanh từ giã vua Thủy Tề và thái tử, mang Cái Đàn Ba Dây theo. Lúc ấy, công chúa bị câm. Vua lại buồn. Thạch Sanh về cõi người ta. Lý Thông nghĩ rằng Thạch Sanh sẽ tố cáo mình, thì chỉ có chết. Ra tay trước, Lý Thông bắt nhốt Thạch Sanh nghiêm cấm. Đợi ba ngày sau sẽ đem ra chém. Bây giờ, Thạch Sanh biết rõ Lý Thông là người bất nhân, chàng vẫn không thù hận.

Sanh từ đến ở ngục u

 Trong lòng cũng chẳng giận thù cùng ai

 Chàng muốn nẩy khúc Đàn Ba Dây:

 Biết mà lòng chẳng oán hờn

 Mặc ai vô nghĩa bất nhân cũng đành

 Biết mà lòng chẳng phàn nàn

 Lấy đàn mới gảy nhặt khoan tính tình

Và, chàng nẩy thiệt, ĐÀN BA DÂY thật lạ. Chỉ cần nẩy là nó phát ra cả nhạc lẫn lời. Người sử dụng nó không cần hát. Cứ nẩy, đàn sinh ra lời hát luôn.

Đàn kêu nghe tiếng nên xinh

 Đàng kêu tang tịch tình tinh tang tình

 Đàn kêu ai chém trăn tinh

 Cho mày vinh hiển, dự mình quyền sang

 Đàn kêu ai chém xà vương

 Đem nàng công chúa triều đường về đây

 Đàn kêu hỡi Lý Thông mày

 Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân

 Đàn kêu sao ở bất nhân

 Biết ăn quả lại quên ân người trồng

 Đàn kêu năn nỉ trong lòng

 Tiếng ti tiếng trúc đều cùng như ru

 Công chúa nghe đàn ba dây thì hết câm. Không phải ai cũng nghe lời thoát ra tự đàn này. Lý Thông mà nghe được, Thạch Sanh đã chết rồi. Chỉ có công chúa nghe được Sự Thật và làm ngay vì Lẽ Phải. Công chúa tâu với phụ hoàng chuyện Thạch Sanh và Lý Thông. Vua hạ lệnh: Thả Thạch Sanh, không ai động chạm đến chàng, ân nhân của vua và công chúa. Nhốt Lý Thông vào ngục tù u tối. Sau đó, Thạch Sanh trở thành phò mã của Viện vương. Vua cho phép chàng tự do giết chết Lý Thông. Chàng ngỏ lời tha tội chết cho Lý Thông, cho nó về quê cũ. Lý Thông về nửa đường, bị sét đánh chết, hoá thành con bọ hung. Vua Viện vương băng hà, phò mã Thạch Sanh lên làm hoàng đế. Các nước chư hầu đánh nhau, hoàng đế Thạch Sanh đem tấm lòng trải khắp muôn phương. Thiên hạ dẹp binh khí, và thời kỳ thái bình bắt đầu. Hoàng đế và hoàng hậu sống lâu muôn tuổi.

*

Tôi đã đọc Thạch Sanh Lý Thông, và tóm tắt câu truyện. Bây giờ, tôi trở về những điều muốn nói.

Sự Thật và Lẽ Phải không thể tìm kiếm được trên cõi đời này. Một người cứ đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải, như tôi, là người ngu si, đần độn. Sự Thật là tay phải. Lẽ Phải là chân phải. Tôi đã mất một tay, một chân vì Sự Thật và Lẽ Phải.

Thạch Sanh đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải còn có Ngọc Hoàng thượng đế sai Lý Tĩnh xuống trần gian ban phép tắc cho chàng để chiến đấu chống kẻ thù và nghịch cảnh. Chứ tôi, bạn, chúng ta đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải, ai ban phép tắc? Thượng đế hay Lucifer? Tạo hóa hay Ác quỉ? Lucifer và Ác quỉ không hề biết Sự Thật và Lẽ Phải. Chúng ta nhờ cậy ai? Đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải, chúng ta ngập chìm vào thế giới mông lung đầy biển cát. Không sợ bằng nỗi cô đơn lan tỏa khắp trái đất.

Thạch Sanh đau khổ nhất loài người. Lý Thông, Trăn Tinh, Mãng Xà chỉ là sự thử thách Thạch Sanh của thượng đế. Sự thử thách có mặt Lý Tĩnh luôn luôn bá cáo với thượng đế. Đến khi Thạch Sanh xuống đáy âm ti — quê hương vua Thủy Tề — mới mang về trần thế cây tam huyền cầm — đàn ba dây. Bấy giờ, tam huyền cầm khám phá ra Sự Thật và Lẽ Phải, chứ không phải Thạch Sanh.

Ôi, ta cứ tưởng Thạch Sanh đi tìm Sự Thật và Lẽ Phải! Thì ra, Thạch Sanh chỉ là công cụ của Ngọc Hoàng thượng đế.

Đàn ba dây? Tại sao không năm dây, bảy dây, chín dây, mười một dây? Ngọc Hoàng thượng đế lại chơi khăm rồi. Đàn ba dây? Một dây là Chân, một dây là Thiện, một dây là Mỹ. Nó ở xa thăm thẳm cõi người ta. Phải xuống đáy âm ti mới mang lên được. Ngọc Hoàng thượng đế cho vua Thủy Tề, chứ đâu có cho loài người? Nếu không nhờ thái tử nước Thủy Tề mách, thì ngàn triệu năm sau, Thạch Sanh cũng đừng hòng mang lên trần thế.

Thạch Sanh mới nẩy được đàn ba dây hai kiểu: Sự Thật và Lẽ Phải. Đàn ba dây chơi cả ba dây Chân, Thiện, Mỹ thì nó tỏa ra khắp trái đất điệu nhạc kỳ ảo. Cứ nghe điệu nhạc kỳ ảo này, đời thôi chiến trường, không còn ai phản trắc, loài người hạnh phúc khôn lường, gặp nhau chỉ nói chuyện thương yêu… Nhưng, ai chơi nổi điệu nhạc này?

Tôi đang nói cổ tích Thạch Sanh Lý Thông. Cổ tích đấy ạ! Không phải cuộc đời đâu.

Đến ngay cổ tích, Sự Thật và Lẽ Phải đã nhiêu khê. Cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ còn nhiêu khê gấp bội. Ở cuộc đời, không có. Ai theo đuổi nó, như thế giới tự do nói, là người mất trí [1].

Có hai người đầy đủ Chân, Thiện, Mỹ và sống rất Chân, Thiện, Mỹ. Một: Phật Thích CA. Hai: Chúa Kitô.

Kính thưa Đức Phật, hơn 2500 năm nay, người theo Ngài cứ dẫm chân lên Chân Thiện Mỹ. Kính thưa Đức Chúa, ngót 2000 năm nay, người theo Ngài cứ dẩm chân lên Chân Thiện Mỹ. Kẻ hoang đàng chỉ biết lôi cổ tích ra mà gọi hồn Thạch Sanh. Có lẽ, người thứ ba là Thạch Sanh, trong cổ tích Việt Nam.

Le Plessis Robinson

Ngày Phục Sinh

Duyên Anh

1992

Theo Dân Nam

1. Mẫn Tử Khiên

 2. Em, Tôi, Sàigòn và Paris, nhà xuất bản Người Dân, P.O. Box 2674 Costa Mesa, CA 92628 USA, năm 1989

 3. Thơ tù, nhà xuất bản Nam Á, Paris 1984.

 [1] Tất nhiên quan niệm Sự Thật và Lẽ Phải cũng như Chân Thiện Mỹ không hề có trên cõi đời này là của riêng tác giả. Chúng ta có thể nghĩ ngược lại. Chẳng thế mà người thì tin Phật, kẻ tin Chúa, người theo Khổng, kẻ theo Lão,…
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn