BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73311)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tàu Vẫn Là Tàu

02 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1127)
Tàu Vẫn Là Tàu
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi có bài “Tàu là Tàu” được BPT phê bình kỹ và kết luận, “Và cái điều chính chúng tôi băn khoăn là sao gọi “các chú” là … Tàu, quí hữu chẳng giải thích, lại cứ “ngoan cường” muốn mọi người theo, thì cũng… ép nhau quá!” Tôi xin hỏi ngược lại, sao BPT không giải thích sao lại gọi là “các chú” mà lại cứ đòi tôi giải thích? Ai ép ai?

Chẳng giải thích vì tôi cứ “ngây thơ” tưởng Tàu là Tàu, ai mà chẳng biết, cần gì phải giải thích. Cách đây khoảng 80 năm, tôi đã bắt chước người lớn hát: “Ngổ là ngổ pên Tàu, ngổ là ngổ mới sang, sang Nam Việt pán puôn làm giàu. Mới sang ngổ có cái tòn gánh…

Dù sao, BPT đòi tôi giải thích thì tôi giải thích, sợ gì, nhưng nếu tôi có lang bang thì cũng đừng trách, vì chuyện Tàu không lang bang không được. Không những ta gọi Tàu là Tàu mà còn nhiều danh từ khác nữa, nói ra thì dài lắm.

Trước hết phải tìm điển tích để chứng minh rằng từ ngữ “Tàu” đã được người Việt chúng ta dùng từ lâu.

Hai thi sĩ non Côi sông Vị đã dùng từ “Tàu” trong thi văn của họ. Tú Xương khoe “Quanh năm phong vận, áo hàng Tàu, khăn nhiễu tím, ô Nhật Bản” và để vịnh anh Mán, “Khi để chỏm, lúc cạo đầu. Nghêu ngao câu hát nửa Tàu, nửa ta” <*>. Nguyễn Bính thì “Mực Tàu giấy bản là đây. Nước non đi hết những người áo xanh. Lỡ duyên búi tóc củ hành. Trường thi Nam Định biến thành trường bay“.

Có một thuyết cho rằng trước kia người Tàu hay đi tàu sang cướp dọc bờ biển nước ta nên ta gọi chúng là Tàu. Thuyền của chúng sơn đen nên ta gọi là Tàu ô. Về sau quen miệng gọi họ là Tàu, dù không đi tàu cũng chẳng ăn cướp.

Một thuyết khác cho rằng khi quân tướng Nhà Minh nổi lên “diệt Thanh phò Minh” bị thua kéo nhau xuống tàu giương buồm ra khơi dạt vào Đường Trong, được Chúa Nguyễn cho định cư tại miền Nam. Vì thế người Nam gọi họ là dân Tàu, có khi lại thêm là Ba Tàu, có người cho là do tiếng Pháp “bateau” là cái tàu. Có thuyết lại cho rằng chữ Ba thường có nghĩa xấu như ba trợn, ba xạp, ba láp, ba hoa, ba gai, ba phải, ba lăng nhăng, ba que xỏ lá… ta thêm vào để miệt thị người Tàu.



Trong phần phê bình bài “Tàu là Tàu” của tôi, BPT khẳng định: “Quốc hiệu Trung Hoa chỉ bắt đầu từ thời đại Tôn Dật Tiên“. Điều này e không chính xác vì, theo Gia Định báo, đăng trong số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16.2.1870: phần tạp vụ, “Người (bên) Tàu thường gọi là người Trung-Quốc nghĩa là nước ở giữa, vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu; Kinh thành Hoàng-đế lại ở giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc. Người (bên) Tàu thường kêu mình là Đường-nhơn hay Thanh-nhơn, nghĩa là người nhà Đường, nhà Thanh. An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… (Theo Wikipedia tiếng Việt). Tôn Dật Tiên sinh ngày 12 tháng 11 năm 1866, mới lên 4, thì bài báo trên đây đã đề cập đến từ ngữ Trung quốc, và mãi năm 1905, ông mới lập ra Trung Quốc Đồng minh hội.

Lại nữa, bài “Địa danh Lạc Việt trên đất Lĩnh Nam” của Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương chép: “Lai” nghĩa là con Lạch. Sách “Hán thư Vũ Đế kỷ” viết: “Lai, thoan dã, Ngô Việt vị chi Lai, Trung Quốc vị chi Thích, ý là tiếng Ngô Việt gọi Lai là dòng nước xiết, tiếng Trung Quốc gọi Lai là bãi đá sỏi”. Hán Thư do Ban Cố (32-92) soạn, Hậu Hán Thư do Phạm Việp (398-445) soạn, đã dùng đến chữ Trung Quốc, đâu phải đợi đến Tôn Dật Tiên.

Trong mục “Bạn đã hiểu biết hết tiếng Việt chưa?” của Diễn Đàn Khoa Học, học giả An Chi giải thích:

Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huình-Tịnh Paulus Của [1834-1907] làm dẫn chứng: “Người An Nam thấy tàu bè khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu” (Đại Nam quc âm tự vị, t. II, Saigon, 1896, tr. 346).

 Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam Quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo (Xem Thanh Hóa quan phòng, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr. 97). Nhưng nước ta, lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Ngụy (chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng thằng Ngô con đĩ) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thỏa đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Ngụy mà phải dùng họ Tào để gọi?
Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng
曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung, quan cai trị là người Trung Hoa, cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan. Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường, vì hễ là người Pháp thì đều là”thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số – cũng được “vinh dự” gọi là Tàu.

 Chuyện nọ xọ chuyện kia, Tàu lại là Ngô.

Nguyễn Trãi đã viết “Bình Ngô đại cáo” công bố tháng 4.1428 thì được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng nhà văn Vũ Bằng đụng vào “thằng Ngô” là như châm ngòi thùng thuốc súng. Trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” (Cơ sở Xuất Bản Sống Mới, Sài Gòn. 1969), ông thuật lại ở trang 205:

Như thường lệ, vào dịp hai mươi ba Tết năm ấy, trong mục “Thiên hạ sự”, tôi có viết một bài tếu nói về việc đốt vàng mã, và nhân dịp có kể lại câu hát cũ:

Ba mươi tết, tết lại ba mươi,

Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách,

Một tay cầm cái dù rách

Một tay xách cái chăn bông

Em đứng bờ sông

Em trông sang nước người:

“Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi”

Một tay em cầm quan tiền,

Một tay em xách thằng bù nhìn

Quan tiền nặng thì quan tiền chìm

Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi,

Ới ai ơi, của nặng hơn người

Ai ngờ chỉ có thế mà sanh ra to chuyện. Bộ Thông tin — hồi ấy do ông Trần Chánh Thành điều khiển – cho chữ “thằng Ngô” đó là nói xỏ ông Ngô Đình Diệm, nhờ Công An điều tra và làm lung tung lên một dạo, tưởng chừng như là sắp tận thế đến nơi.

Một hơi, nhà văn Vũ Bằng (hay Tú Xương, vì tác giả bài hát trên đây là Trần Tế Xương) cho ra đến 3 tên cúng cơm của Tàu: thằng Ngô, chú Khách, chú Chiệc.

Ngữ vựng của tác giả Hoàng Long Hải trong bài “Nhân vụ Việt Cộng giao cho người Tầu khai thác quặng “Bauxite” ở Cao Nguyên: Người Tầu ở Việt Nam”, còn phong phú hơn:

Từ nhỏ, tôi đã nghe câu hát mỉa: “Chi-Noa là giống bên Tầu, Đẻ ra con lợn hôi màu cứt heo”. Người Việt có khi gọi người Tầu là “thằng Ngô” (“Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách – Trần Tế Xương). “Chú khách”, có khi gọi là “Khách trú” tức là người ngoài nước, coi như khách đến cư trú. Thông thường người ta gọi là người Tầu, nước Tầu. Cũng có khi gọi là Chệt hay Chú Chệt, cũng gọi là chú Ba, (Chú Bảy là người Ấn Độ), hoặc Ba Tầu. Tầu phù, Tầu ô là tiếng gọi rất thường khi quân Tưởng do Lư Hán và Tiêu Văn sang tước khí giới quân Nhựt sau khi Nhựt đầu hàng…

Duyên Anh chỉ khoái có 2 từ ngữ, viết trong truyện “Con Thúy”: “Không khí cách mạng bỗng hôi mùi Tầu phù. Bài hát Tiến quân ca, bài hát thiêng liêng của cách mạng tháng tám, bị đổi lời để mỉa mai quân của tướng Lư Hán. Đoàn quân Tầu ô đi, sao mà ốm thế, bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam. Cờ sao trắng phất phới như giẻ váy. Thằng nào sang không ốm cũng phù chân… Ba thằng sĩ quan Tầu đeo kiếm tước của Nhật nghênh ngang giữa đường. Lính Nhật gặp, hét lớn, đứng nghiêm giơ tay chào. Ba thằng sĩ quan Tầu phù hoảng quá bỏ chạy…“.

Quay lại với chú khách, chú chiệc. Ở Nam Định có Phố Maréchal Foch, bây giờ là phố Hoàng Văn Thụ, thời ấy gọi là Phố Khách, là phố buôn bán xầm uất nhất, đa số người Tàu tập trung tại đó. Họ cũng chấp nhận họ là khách chứ không phải là chủ. Còn chữ “chú” là do người Bắc không phân biệt “chú” với “trú”. Trú là dừng tạm, trú ngụ là ở nhờ. Vậy đáng lẽ phải viết là “trú khách” nghĩa là khách ở tạm, ở nhờ. Còn nếu viết là “chú khách’ thì phải hiểu đó là tiếng gọi kẻ thấp hèn như chú thợ mộc, chú thợ nề, chú tài xế, chú lính kèn…

Tiện đây xin kể một giai thoại lý thú về từ ngữ “chú khách”. Cũng ở Nam Định, có trường Saint Thomas d’Aquin là trường đã đào tạo ra ít nhất 2 ông tướng, trung tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh quân đoàn III và quân khu 3 và chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh (1925-2010), chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang. Xuất thân trường này còn một số nhạc sĩ nổi tiếng như Đặng Thế Phong, Hoàng Trọng, Đan Thọ, Việt Lang Lê Quý Hiệp… Trường này do các sư huynh (Frères des écoles chrétiennes) dòng La San thuê của dòng Đa Minh có đại chủng viện ngay bên cạnh. Các “cha” cho các “chú” tức chủng sinh (chưa được làm cha mới được làm chú thôi) qua một cửa ngách nhỏ sang học, hết giờ lại về. Một hôm, học trò phá quá, ông giáo Mai bắt phạt cả lớp phải ở lại, nhưng nhớ các chú phải về ăn cơm cho kịp giờ nên bảo, “Cho các chú về“. Thế là trong lớp có 5, 6 học trò người Tàu bảo nhau cắp sách ra về. Ông thầy thấy thế quát mắng, họ quay lại cãi, “Thầy bảo cho các chú về cơ mà!“. Đi tu hết chú thành cha. Còn chú Tàu cả đời vẫn là chú Tàu.

Có thuyết lại cho “khách trú” là do chữ “Khách gia” mà ra. Wikipedea giải thích:

Khách Gia, hay Hakka, còn gọi là người Hẹ, nghĩa đen là “các gia đình người khách”, là một tộc người Hán có tổ tiên được cho là gốc gác ở khu vực các tỉnh Hà Nam và Sơn Tây ở miền bắc Trung Quốc cách đây 2700 năm. Họ đã di cư xuống phía nam vì bất ổn, loạn lạc và sự xâm lấn ngoại bang từ thời nhà Tấn (265-420). Những cuộc di cư tiếp theo diễn ra vào cuối thời nhà Đường, khi Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy, vào giữa thời nhà Tống, rồi làn sóng người tị nạn tràn xuống phía nam khi người Nữ Chân chiếm được kinh đô Tống, sau đó là khi nhà Tống bị người Mông Cổ tiêu diệt, rồi nhà Minh bị sụp đổ bởi bàn tay người Mãn Châu, tộc người đã tạo lập nên nhà Thanh. Người Khách Gia đã tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo. Hiện nay người Khách Gia tập trung ở các vùng miền Nam Trung Quốc, như tỉnh Quảng Đông, tây Phúc Kiến, Giang Tây, nam Hồ Nam, Quảng Tây, nam Quý Châu, đông nam Tứ Xuyên, các đảo Hải Nam và Đài Loan. Phụ nữ người Khách Gia không có tục bó chân và nổi tiếng về việc học hành… Tại Việt Nam, người Khách Gia còn được gọi là người Hẹ. (Chú ý: Hẹ cũng là tên gọi khác của người Ngái).

Thuyết này cũng có lý, vì người Tàu di cư sang Việt Nam phần lớn là từ vùng miền nam Tàu, tức là người Khách Gia, sát với nước ta và ta đã đồng hóa người Tàu bất cứ từ đâu đến đều là Khách đến trú ngụ, lâu dần thành “chú khách”. Thuyết này cũng giải thích được từ ngữ “khựa” người trong Nam hay dùng để chỉ người Tàu (Tàu khựa). Chữ “khách” tiếng Quảng Đông đọc là “khưa”, người Việt đọc trại ra là “khựa”, về sau thành “khách khứa”; bây giờ, trong giới giang hồ có tiếng lóng “khứa lão”. Có người còn diễn dịch thêm: “khựa” là chữ đọc trại ra của chữ “bựa” hay biến dạng từ chữ “khú”, có nghĩa là hư thối. Ghét Tàu đến thế thì tôi cũng phải nhận là sư phụ.

Bây giờ lại đến từ ngữ “chú chiệc” hay “chú chệt”. Có người giải thích “chệt” tiếng Triều Châu có nghĩa là “chú”. Nhưng thế thì từ ngữ “chú chệt” thành ra “chú chú”, một trùng phức tự (périssologie).

Để kết thúc tôi lại phải trích dẫn, dốt khổ thế đấy. Tôi trích dẫn bài “Nguồn Gốc Quốc Hiệu, Vật Biểu Của Việt Nam và Tàu” của tác giả Việt Nhân. Trích đoạn dưới đây lại được tác giả Việt Nhân trích từ bài “Nguồn Đạo gốc Nước: Âm vang hai chữ Việt Nho: tr 7-10″ của giáo sư Kim Định:

Vào quảng 23 thế kỷ trước, lúc mà trên đất Tàu nay có hàng vạn quốc, thì trong số đó có quốc của hai ông Nghiêu Thuấn. Quốc đó chỉ rộng bằng một huyện nằm trong Bộc Châu của Việt tộc (Việt tộc cũng có tên là Bộc Việt) ở tỉnh Trực Lệ nay. Nước đó có tên là Tào (trong kinh Thi gọi là Tào Phong), xã chính (tạm gọi là Kinh đô) tên là Đào, người Tàu phát âm là Taou, người Việt Nam đọc là Tàu. Đây là giai đoạn huyền thoại do Khổng Tử đặt nổi lên, để có ít mẫu mực cho một nước đại trị, chứ chưa có gì đáng kể. Nước đó được tiếp nối do hai tộc Thương và Ân hơn kém nhau cũng còn huyền thoại. Rồi đến giai đoạn hai ở thời Xuân Thu Ngũ Bá (821–468) thì nước chính thức dưới tên nhà Châu đã có chút sử, nhưng nước cũng chỉ mới vào hạng nhỏ nhất trong các Bá (trong vụ đốt Phong Hoả đài, chư hầu chạy ngựa một đêm đã tới Kinh đô!). Mãi tới thời Xuân Thu mà nước nhà Châu cũng chỉ bằng một tỉnh nhỏ, như thế thì đủ biết những truyện về nhà Châu toàn là thêu dệt tuyên truyền.

Như thế cũng có thể gọi Tàu là Tào, rõ hơn là Tào Lao, cũng được. Nhưng không thấy ai gọi thế nên vẫn cứ để Tàu là Tàu vậy.

Tịnh Tâm

Theo Dân Nam

Chú thích:

<*> Tôi vừa viết xong bài này thì nhận được của người bạn gửi cho loạt bài “Những bài văn bất hủ của học trò” trong đó có bài liên quan đến Tú Xương:

Đề: Hãy cho biết cảm nhận của bạn về nhà thơ Tú Xương qua bài “Thương vợ”.
- Tú Xương là một nhà thơ thương vợ nên có nhiều con. Đồng thời ông cũng là một người thông minh, khôn khéo biết nhường cho vợ những việc nặng nhọc mặc dù ông thi hoài mà không đậu.


Quả là bất hủ. Tôi chưa thấy một phê bình nào xúc tích và đầy đủ như thế. Học sinh nhỏ tuổi đã biết nhận xét rất “vô tư”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn