BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận Chiến Đầu Xuân

31 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1230)
Trận Chiến Đầu Xuân
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

(Hay Cặp Nhẫn Ngà)


Với nhiệm vụ Đại đội trưởng Biệt Động Quân, Trung úy Thu đã nhiều lần hoàn thành công tác một cách xuất sắc. Đại đội của anh luôn là mũi nhọn xung phong của Tiểu đoàn, thường nhảy trực thăng ngay trên đầu địch quân, quần thảo cận chiến với bọn chúng, và mang về những thắng lợi vẻ vang.

Ngay như ngày hôm qua, đúng Mùng 5 Tết Đinh Mùi (1967), Đại đội được trực thăng đổ vào Mật khu Trà Tiên thuộc tỉnh Châu Đốc, giết chết tại chỗ 28 tên Cộng Sản Bắc Việt. Một số khác bị thương đã tháo chạy về phía bên kia biên giới Việt-Miên, bỏ lại chiến trường trên 50 súng và một số quân trang quân dụng đáng kể.

Vị Tư lệnh Sư Đoàn trong lúc đi thị sát mặt trận đã hết lời khen ngợi, và đặc biệt thưởng riêng cho Đại đội của Thu bằng cách cho trực thăng đưa toàn thể Đại đội về nghỉ dưỡng sức ba ngày tại hậu cứ thuộc tỉnh Vĩnh Long, trong khi cả Tiểu đoàn vẫn còn đang hành quân ở vùng Núi Dài, Châu Đốc.



Sáng nay, sau khi tập họp điểm danh binh sĩ xong, Thu cho họ được thoải mái nghỉ ngơi, nhưng không được ra khỏi thành phố, để phòng khi có lệnh hành quân bất ngờ. Anh vừa ngồi vào văn phòng để phê duyệt một ít giấy tờ cần thiết, thì Hạ sĩ Tám, người phụ trách máy truyền tin của Đại đội gõ cửa xin bước vào.

Sau cái chào đúng quân kỷ, Tám đưa điện tín báo tin mẹ anh đau nặng ở tỉnh Sa Đéc cách đây cũng không xa bao nhiêu, và xin 24 giờ phép để về thăm. Thu gật đầu đồng ý, nhưng chợt nhìn nơi ngón tay út của của Tám có đeo một chiếc nhẫn màu ngà, anh hơi sửng sốt hỏi:

- Anh có chiếc nhẫn kia là nhẫn gì vậy?

- Dạ thưa... hôm qua em lấy ở trong túi của một tên Việt Cộng bị bắn chết. Em thấy không đáng giá, nhưng coi cũng hay hay, nên đeo chơi, ai ngờ nó bằng ngà thiệt đó Trung úy.

- Đâu đưa xem thử! Anh lấy hồi nào mà sao tôi không thấy?

Tám vừa cởi nhẫn vừa nói:

- Dạ... tên bị bắn bể lưng chết [nằm] sấp đó, Trung úy nhớ không?

Trong lúc Thu đang hình dung lại trận chiến hôm qua, Tám vừa để chiếc nhẫn trên bàn trước mặt anh, vừa nói tiếp:

- Chính Trung úy đã dùng chân hất ngửa nó ra. Hai mắt nó mở trừng, rồi rỉ máu. Trước khi bỏ đi, Trung úy còn kêu em vuốt mắt nó nữa đó....

Nhìn chiếc nhẫn, Thu thấy sao giống với chiếc của mình quá. Anh chưa kịp nói gì thì Tám khai luôn:

- Nó là Trung úy Đại đội trưởng của Việt Cộng đó!

- Sao anh biết?

- Em còn lấy được cuốn sổ tay, trong đó ghi tên họ chức vụ rõ ràng, và nó vẫn còn độc thân nữa.

Thu hồi hộp hỏi ngay:

- Tên họ là gì?

- Dạ... hình như tên Đồng hay Đông gì đó, em đọc không rõ.

Thu hỏi dồn:

- Còn họ là gì? Cuốn sổ đó ở đâu?

- Dạ em đã đưa cho Trung sĩ Long của Quân Báo rồi. Còn họ của nó em không nhớ.

Thu nói như ra lệnh:

- Anh đi gặp Thượng sĩ Thường vụ Đại đội xin làm giấy phép rồi đưa ngay lên tôi ký. Kêu luôn Trung sĩ Long vào đây.

Tám “dạ” một tiếng mừng rỡ, đứng nghiêm chào Thu rồi quay lưng định mở cửa bước ra ngoài. Nhưng Thu gọi giật lại:

- Khoan đã...

Tám có vẻ hoảng hốt, vì sợ Thu đổi ý không cho đi phép. Anh còn đang ngơ ngác chưa biết làm sao, bỗng thấy vị Đại đội trưởng móc túi lấy một ngàn đồng đưa cho anh với giọng nhỏ nhẹ:

- Anh có đủ tiền đi xe đò về thăm mẹ anh không? Tôi biếu một ngàn đồng mua thuốc cho bác gái. Còn chiếc nhẫn này cho tôi nghe?

- Dạ!

Chờ cho Tám bước ra, Thu mới mở cánh cửa nhỏ phía sau chỗ ngồi để vào phòng bên trong. Vì anh còn độc thân, nên ngăn nửa phòng làm việc để làm phòng ngủ cho tiện.

Thu mở cái tủ nhỏ ở đầu giường, lôi ra một chiếc nhẫn ngà khác rồi đem so với chiếc nhẫn này. Nó giống nhau như hệt, giống từng nét khắc họa li ti. Anh ngồi sững sờ trên giường một lúc, rồi lắc đầu than nhỏ: “Trời ơi! Đúng thật nó rồi. Của em Đông đây mà! ”.

Vừa lúc đó, có tiếng vọng vào:

- Thưa Trung úy, Trung sĩ Long xin vào gặp.

Thu đút vội hai chiếc nhẫn ngà vào túi quần rồi bước ra:

- À anh Long, cuốn sổ tay của tên Trung úy Việt Cộng bị bắn chết hôm qua đó đâu? Đã đưa lên trên chưa?

- Dạ... hôm qua, tôi đã cùng nộp với chiến lợi phẩm cho Phòng 2 của Sư Đoàn Z rồi.

- Sao không trình tôi xem trước?

- Dạ... lúc đó Trung úy đang bận trình bày trận đánh với Thiếu tướng Tư lệnh Sư Đoàn, phần thì Phòng 2 đòi nạp tài liệu và chiến lợi phẩm gấp để họ kịp thời khai thác, nên tôi không kịp trình Trung úy.

Thu hơi nhíu mày hỏi tiếp:

- Nhưng anh có ghi lại chi tiết không?

- Dạ... có ghi đầy đủ.

- Trung úy Việt Cộng đó tên gì?

- Dạ... là “H... Trung Đông”, người gốc Nam Định. Trùng họ và chữ lót với Trung úy nữa đó!

Thu thấy trời đất như tối sầm, vì đó là tên đứa em ruột của mình. Anh cố lấy giọng bình tĩnh:

- Được rồi! Anh ra ngoài đi! Nhớ giữ kỹ những chi tiết đó, để còn báo cáo về sau này nữa.

Long vừa quay lưng, Thu đã ngã người vào ghế dựa. Hai dòng lệ nóng trào ra. Anh không ngờ cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” này, lại hiện ra quá cụ thể vào chính anh em của mình! Có đến hàng trăm, ngàn trường hợp tương tự như thế. Anh Cộng sản em Quốc gia hay ngược lại cùng cầm súng ra chiến trường. Nhưng mỗi người một Đại đội trực tiếp bắn giết nhau như hoàn cảnh của anh, thật là hiếm thấy!

Chính anh đã đá hất thây em mà không biết! Còn đứa em ruột thịt, khi hồn lìa khỏi xác mới biết mặt anh mình! Mới trào những giọt máu đào lên khóe mắt mở trừng. Chắc nó thống hận vô vàn!

Ôi cuộc chiến này quá tàn nhẫn, thảm thương đến thế là cùng! Thu không nghẹn ngào sao được? Anh lấy cặp nhẫn ngà ra ngắm nghía. Di vật của em anh đây! Nhưng tử thi còn phơi ngoài chiến địa, đang lúc dậy mùi! Làm sao anh có thể đến đó được mà ôm lấy xác em? Để gọi là đắp điếm cho trọn tình cốt nhục!

Anh thở dài đau khổ! Biết bọn họ có dám trở lại Mật khu đầy nguy hiểm đó, để chôn cất đồng đội hay không? Theo tình thế này chắc tạm thời họ chưa dám! Thu nghĩ... mà ngao ngán cho một kiếp người!

Hai mươi tám xác đang làm mồi cho diều quạ côn trùng giữa rừng cô quạnh âm u! Nếu trong đó không có xương thịt của người em ruột, chắc Thu cũng chẳng bận lòng! Mà còn cho là đáng kiếp! Nhưng nghiệt ngã thay, bây giờ hiện có đứa em ruột thịt của mình! Anh đau đớn biết là bao! Ôi câu “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi” thấm thía làm sao! Như xé nát cõi lòng!

Anh cố hình dung lại gương mặt của Đông với đôi mắt mở trừng rỉ máu, rồi ôn lại ký ức của một thời thơ ấu đã qua!

000

“Thu còn nhớ, anh và đứa em trai cùng sống tại một vùng quê nghèo khổ thuộc tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam. Cha và cậu Cả của anh thường sang Lào làm ăn buôn bán, có khi cả mươi tháng mới về một lần.

“Năm 1944, cậu Cả từ bên ấy về cho biết công việc làm ăn khó khăn, cậu phải về làng báo tin cho mọi người hay, là cậu ấy sẽ xuôi vào trong Nam tìm nơi sinh sống. Còn cha của anh sẽ trở về trong một vài tháng sau, rồi cũng đưa gia đình theo vào Nam tất cả.

“Lúc ấy Thu mới tròn tám tuổi, được cho đi theo cậu Cả. Mẹ và thằng Đông ở lại cùng bà ngoại để chờ cha. Đông vừa lên sáu. Tối ngày hai anh em chơi lúc thúc bên nhau. Hình ảnh thân thương đó không bao giờ phai nhạt trong đầu anh.

“Khi cậu Cả từ bên Lào về, có đưa cho hai anh em Thu và Đông mỗi người một chiếc nhẫn bằng ngà. Nói đó là quà kỷ niệm của cha anh. Cặp nhẫn giống nhau như hệt. Từng nét khắc chạm hình ảnh hai nàng xuân nữ, đang múa điệu vũ cung đình Lào, cùng với những nhạc khí cổ truyền của họ rất sắc sảo.

“Theo lời cậu Cả nói, thì đây là cặp nhẫn gia truyền của một dòng họ “Nhạc Quan” trong cung điện vua Lào, truyền đến nhiều đời. Giờ đây dòng họ đó đã suy tàn, còn lại một lão già mù đi hát dạo. Cha anh có nhiều lần giúp đỡ ông ta khi còn sống, và chính tay chôn ông ta khi chết nữa.

“Cho nên trước khi lìa đời, ông ta đã trịnh trọng trao tặng cặp nhẫn này cho cha anh. Về giá trị tiền bạc thì không đáng là bao, nhưng giá trị về mỹ thuật thì thật là tinh xảo có một không hai. Hơn nữa, đeo vào người có thể chống được gió độc của rừng thiêng.

“Thế rồi Thu phải theo cậu Cả xuôi Nam, đành từ giã mọi người thân, trong đó có đứa em ruột thịt, mà anh yêu mến nhất trong đời!

“Vào tới Sài Gòn, cậu Cả phải làm việc hết sức cam khổ. Cậu không chịu lập gia đình, để quyết tâm lo cho anh ăn học nên người.

“Cuối năm 1945, cậu Cả có gặp được người làng cho biết: Cha anh từ bên Lào về chưa kịp xuôi Nam, thì nạn đói xảy ra. Bà ngoại và cha anh đã chết. Mẹ và đứa em trai giờ đã trôi giạt khỏi làng. Chắc cũng đã chết đói dọc đường! Từ đó, cậu anh cũng không còn nhận được tin tức gì thêm nữa. Sau này lớn lên, Thu mới biết đó là nạn chết đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra tại miền Bắc Việt Nam, đã cướp đi mạng sống của gần hai triệu người. Thật là khủng khiếp!

“Đến năm di cư 1954, mới biết tin chi tiết thêm hơn đôi chút. Trong nạn đói đó, người ta nhìn thấy xác mẹ anh trôi tắp ở một bờ sông. Còn xác thằng Đông thì không thấy.

“Khi vào Nam, mặc dù gần 9 tuổi nhưng mới bắt đầu học vỡ lòng, và qua nhiều cố gắng anh mới lấy được Tú Tài Phần I. Anh vào Trường Bộ Binh Thủ Đức được hai tháng, thì người cậu cũng qua đời vì bịnh lao dai dẳng nhiều năm...”

000

Thu tưởng em mình đã chết từ lâu. Ai ngờ, giờ đây nó lại chết dưới tay mình! Cuộc đời nó sao mà bi đát! Bảy tuổi đã mất mẹ cha, không bà con thân nhân, lênh đênh vô định. Rồi chiến tranh lại ném nó vào lửa đạn. Lại bắt nó phải máu đổ thây phơi!

Dù sao anh cũng còn hơn nó. Cũng còn có người cậu thương yêu đùm bọc, nuôi dưỡng được nên người. Anh nghĩ trong cuộc chiến khốc liệt này, biết đâu sẽ đến phiên anh gục ngã. Cô đơn hiu quạnh biết dường nào!

Tay mân mê chiếc nhẫn của Đông, anh nghĩ nếu không chợt nhìn thấy nó, chắc cũng không biết được thảm trạng của em mình! Vì có bao giờ anh để ý đến tên họ của những tử thi Việt Cộng, sau những lần chạm súng như vừa qua đó đâu?

Cho dù có muốn để ý cũng không có thì giờ, vì đơn vị anh luôn nhảy trên đầu địch bằng chiến thuật Trực thăng vận để tốc chiến tốc thắng, thu gom chiến lợi phẩm và tản thương binh sĩ mình một cách nhanh chóng, rồi lại leo lên trực thăng nhảy vào cứ điểm khác của Cộng quân, liên tục từ ngày này sang tháng khác. Đến nỗi, quân số bổ sung cho đơn vị cũng được thực hiện ngay giữa chiến trường! Mạng sống của binh sĩ anh và chính anh nữa, như sợi chỉ mành treo chuông!

Có nhiều khi chính sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ của Đại đội anh vừa bổ sung tới, anh còn chưa biết mặt biết tên rõ ràng thì họ đã tử trận ngay sau đó vài tiếng đồng hồ. Có người được đưa về nhà xác để thân nhân nhận diện, và có người phải nằm lại trong rừng sâu, vì trận chiến giằng co mãnh liệt giữa đôi bên không thể mang xác về được....

Bên phía Cộng quân còn bi thảm hơn, phần lớn xác của cán binh họ, đều phải phơi thây ngoài chiến địa cho đến khi thịt rã xương rời....

Giá mà Hạ sĩ Tám không lục lấy được chiếc nhẫn này... thì cũng đỡ cho anh khỏi phải đau lòng! Anh chắt lưỡi thở dài, rồi nhắm mắt thầm cầu nguyện: “Đông ơi! Hồn em có linh thiêng xin tha thứ cho anh. Chúng ta đều đầu thai lầm thế kỷ, nên phải nhận lấy thảm trạng như vầy! Ngày... tháng... năm 1967 này, là ngày em vĩnh biệt! Ngay bây giờ, anh chỉ còn biết lên chùa để xin siêu độ cho em. Hãy yên nghỉ nghe Đông!”.

Thu buồn bã đứng dậy. Anh vào phòng trong thay quần áo để lên chùa, thì cũng đúng lúc viên Trung sĩ truyền tin của hậu cứ, vừa gõ cửa vừa kêu lên mừng rỡ:

- Trung úy! Trung úy! Có Công Điện báo: “Ông được Tư lệnh Sư Đoàn đề nghị vinh thăng lên Đại úy đặc cách tại mặt trận, vì thành tích hôm qua đây nè Trung úy ơi ! ”. Rồi hắn ta lại hí hửng nói tiếp: “Đích thân Thiếu tướng Tư lệnh Sư Đoàn đề nghị thì chắc ăn như bắp”.

- Cám ơn anh, tôi nghe rõ rồi...

Nói xong, Thu ngồi phịch xuống giường. Anh lẩm bẩm: “Thành tích hôm qua! Ôi thành tích của huynh đệ tương tàn?! ”.

Từ phía xa ở xóm nhà gần doanh trại, một tràng pháo mừng xuân muộn nổ dòn. Anh nghe như có tiếng súng đạn Colt 45 của chính anh bắn ba phát vào sau lưng của em mình, khi anh từ trên trực thăng nhảy xuống ngay bên cạnh miệng hố cá nhân của Đông, và hắn đang phóng người ra khỏi hố lủi chạy thoát thân, sau khi quét ngược một tràng đạn AK-47 về phía Thu, nhưng vì quá hoảng sợ nên bắn không trúng.

Một lần nữa, đôi dòng lệ đau thương lại trào lên khóe mắt của người sĩ quan, vừa được đề nghị vinh thăng trên xác của em mình!

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn