BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đêm Thánh Vô Cùng

26 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1664)
Đêm Thánh Vô Cùng
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Bảy giờ tối đêm 24 tháng 12 năm 1952, chúng tôi lại lên đường. Chúng tôi khởi hành từ thôn Thiết đính, xã Bồng sơn (Bắc Bình định) trực chỉ hướng tây nhắm tới. Đối với chúng tôi những chuyến ra đi "khi trời vừa xẩm tối" như thế này đã quá quen thuộc gần cả năm trời rồi. Không ai trong chúng tôi, thắc mắc băn khoăn là đi đâu, đến đâu, với mục đích gì, lành hay dữ... Vì chúng tôi vốn đã quan niệm:

 "Cũng liều nhắm mắt đưa chân
 Thử xem con tạo xoay vần đến đâu!"


Đoàn chúng tôi gồm độ 10 anh em, có toán Công an Cộng sản 8 người đi kèm với súng ống, còng tay sẵn sàng. Từ ngày chúng tôi bị Việt Minh Cộng Sản bắt giam, ban đầu họ đặt tội danh cho chúng tôi là "Bọn địa chủ ngoan cố chống đối thi hành chính sách ruộng đất" nhưng sau họ đổi lại là "Bọn phản động âm mưu lật đổ chính quyền".

Sự thay đổi tội danh này hẳn cũng nằm trong âm mưu thâm độc của CS. Chính sách Ruộng đất mà chúng hằng khoe khoang là cách làm duy nhất và toàn thiện toàn mỹ để đem lại ruộng cày cho bần nông, nay nếu có kẻ chống đối hẳn sẽ gieo rắc sự nghi ngờ trong dân chúng về chính sách đó. Chi bằng cứ áp đặt cho chúng tôi một tội danh cố hữu mà chúng đã từng dùng là: "Âm mưu lật đổ chính quyền" một cách chung chung như vậy thì chắc ăn hơn. Như chúng đã từng vu cáo Mặt Trận Liên Tôn Chống Cộng Liên Khu V hoạt động trước đây 2 năm mà chúng gọi là: "Vụ Án Gián Điệp Bình Định" do quý Ông: Nguyễn Hữu Lộc, Đoàn Đức Thoan, Võ Minh Vinh, Tạ Chương Phùng, Tạ Chí Diệp... lãnh đạo!

Cộng sản thường đầu độc dân chúng là trong xã hội ta vẫn luôn có thành phần "ôm chân đế quốc" "liếm gót giày thực dân" để chống lại chúng; hòng che dấu cái mặt nạ độc chiếm nhãn hiệu "Đánh Pháp giành Độc lập" của chúng. Cũng chính vì thế mà chúng đã gọi chúng tôi là "bọn phản động" chứ không dám kêu đích danh chúng tôi là: Thành phần Đảng phái Quốc gia chống Cộng vì chúng sợ những trang sử chống Pháp đẫm máu của các đảng phái Quốc gia trước đây vài chục năm vẫn còn âm vang trong lòng dân chúng chăng?...

Có điều khác thường là chuyến đi này chúng tôi không được mang theo hành trang. Hành trang chúng tôi vốn rất gọn nhẹ, có gì đâu ngoài vài bộ quần áo bỏ trong một túi vải mang vai và 5, 10 ký gạo đựng trong ruột tượng thắt ngang lưng. Do đó chúng tôi cũng đoán biết đây là một chuyến đi đặc biệt, chứ không phải di chuyển nơi giam cứu như thường lệ.

Gió núi về đêm mát rượi! Lúc mới ra đi chúng tôi cũng thấy khoan khoái, bởi lẽ bị nhốt tù túng mãi ở một nơi, nay được ra ngoài trời cao đất rộng, được thay đổi không khí nên rất thích thú. Nhưng khi cuốc bộ trên 5 cây số thì chúng tôi đã cảm thấy thấm mệt. Ở vùng kháng chiến, không có xe cộ gì, đi đâu cũng phải cuốc bộ dù đi đôi ba chục cây số cũng chỉ nhờ vào đôi chân mà thôi. Lúc còn tự do ở ngoài xã hội, đã mấy ai có xe đạp để đi? Vì thế đi bộ lâu ngày cũng quen chân. Nhưng hôm nay chúng tôi thấy mệt mỏi rã rời! Sự mệt mỏi không hẳn do cơ thể chưa quen chịu đựng, mà chính là sự chán nản đến tột cùng về tinh thần!

Ai đã từng bị CS bắt giam cũng đều thấm thía điều này. Giam là giam rục, không cần xét xử vội. Giam người, nhưng nhà nước chẳng tốn kém gì cả. Tiền gạo và thức ăn thì hằng tháng gia đình phải đem nộp tại Ty Công an. Giam mà chẳng phải nuôi ăn, cũng chẳng cần hỏi han, cung từ gì, chỉ bỏ lếch đó đến như vô tận trong khi gia đình không được thăm gặp. Công an thì nhởn nhơ, thanh thản, chỉ kẻ bị giam mất tự do, mới nhớ gia đình, lo nghĩ về ngày mai, với tương lai mờ mịt. Trái lại CS coi sự tự do của con người như cỏ rác vậy.

Chúng tôi cởi quần áo, lội sang sông. Nước sông mùa đông, lại vào giữa khuya nên lạnh buốt, trong anh em có người run lập cập. Lên bờ phía bên kia, mặc quần áo vào, bỗng nghe tiếng chuông ngân nga vọng lại. Anh em xì xầm bán tán: "Thôi, đúng rồi, chúng ta sẽ đến nhà thờ Mỹ thành dự thánh lễ nửa đêm" và con sông này chính là sông Mỹ thành.

Nhà thờ Mỹ thành thuộc địa phận xã Ân tín, huyện Hoài ân. Chúng tôi nương theo bờ ruộng tiến về hướng nhà thờ trong đêm tối mịt. Không chăng đèn, không kết hoa, bóng nhà thờ với hình thánh giá cao vút là một khối đen lờ mờ ngự trị trên cánh đồng cũng đen mờ, tối mịt.

Đứng chờ ngoài ngưỡng cửa nhà thờ, tôi những tưởng bên trong nhà thờ sẽ có đèn nến sáng choang như lệ thường. Nhưng khi bước vào trong, chúng tôi cũng thấy một màn tối âm u chẳng khác gì bên ngoài. Trần, vách nhà thờ, đám đông giáo dân dự lễ, mọi nơi đều tối om. Chỉ trên bàn thờ Chúa, mới thắp một ngọn đèn dầu, phản chiếu hình Chúa đóng đinh trên cây thập giá, bóng lung linh in lên tường. Hẳn người ta đã lấy lý do đề phòng máy bay, để cấm chỉ mọi đèn nến ở đây, chứ nếu bên trong nhà thờ có được thắp sáng thì cũng không dễ gì ánh sáng có thể lọt ra bên ngoài!!! Họ đã cố tình khoác cho nơi tôn nghiêm, thiêng liêng này một hình bóng ma quái âm u!

Chúng tôi được C.A dẫn vào giữa đám đông, chỉ định một khu vực bảo chúng tôi đứng yên tại đó, có C.A bao quanh. Bất giác, chúng tôi nảy sinh những cảm giác lạ lùng: Vốn đã bị cô lập từ lâu - dù chưa bị giam vào trại tù - chúng tôi ở chung trong nhà với đồng bào, mỗi nhà một người, ăn ngủ với chủ nhà như người khách trọ. Chúng tôi không có quyền tiếp xúc chuyện trò với chủ nhà. Chúng tôi cũng không có ai bên cạnh để tâm sự, quanh mình chỉ có C.A với súng và còng mà thôi. Nói gì với C.A đây, ngoài việc nhắc nhở đòi hỏi họ kết thúc vụ án để chúng tôi được biết số phận mình sẽ được giải quyết ra sao? Họa hoằn, một đôi khi vì bực tức chúng tôi cũng tranh luận thẳng thắn với họ về những sai lầm của chế độ hiện tại, C.A vẫn vờ vịt khuyên chúng tôi nên kiên nhẫn chờ kết thúc cuộc điều tra.

Sau này, khi đã nhập hai ba người chúng tôi vào ở chung một nhà, thì một hôm chúng tôi hùa với nhau làm áp lực với CA. Chúng tôi đều mang xách đòi ra khỏi nhà, nếu C.A không giải quyết trắng đen lẽ nào. Họ đùng đùng phản ứng, xách súng, lên đạn, đứng chặn ngay cửa ra vào, giận dữ quát: "Bộ các anh coi chúng tôi là đất sét cả sao?" Chúng tôi cũng mỉm cười trong bụng cho dù rất buồn rầu! Nay bỗng nhiên được hội nhập vào đám đông, chúng tôi thấy hình như một giọt nước được hòa vào lòng đại dương! Nhưng đó chỉ là hình thức, còn nội dung thì tuyệt nhiên trống rỗng.

Trong nhà thờ tối om, nhìn người đứng sát vai bên mình cũng không thấy rõ mặt, thì biết ai là CA, ai là du kích, ai là cán bộ, ai là giáo dân mà dám gợi chuyện, hỏi thăm tin tức, tình hình bên ngoài! Thành thử được hòa mình vào dòng người đông đảo mà vẫn phải câm như hến, vẫn không có cái cảm giác được hội nhập vào quần chúng tí ti nào cả!

Cái cảm tưởng kế tiếp là bỗng dưng tôi có một sự so sánh dị kỳ, cảnh nhà thờ đêm nay với cảnh địa ngục. Bóng giáo dân, bóng chúng tôi, bóng CA, những đầu người lô nhô giao động trong bóng đêm nào có khác gì cảnh dưới âm ty. Người dân còn sống trên dương thế mà chẳng khác gì những tội đồ dưới chín tầng địa ngục. Họ cũng bị kềm kẹp, tra khảo, phải nhịn ăn để đem hột gạo cuối cùng đóng thuế Nông nghiệp, phải đi bộ đội cụ Hồ, phải đi dân công tiếp tế chiến trường, thân sống như thân chết, đói không có ăn, đau không thuốc uống, sống trong cái ảo tưởng: "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc!" Duy trên bàn thờ Chúa - là nơi cao nhất - có lẽ đêm nay Chúa ở trên cao mới thấu hết mọi nỗi oan uổng tai ương của đám dân lành, của con chiên! Từ đó, tôi đem lòng thành kính thờ phượng, cầu xin nơi Chúa Cứu Thế: "Chúa đã giáng trần, Xin Chúa Đem Lại Bằng An Cho Mọi Người Dưới Thế".

Người dưới thế chúng con là những người sống trong vùng kháng chiến liên khu 5, đang bị tước đoạt hết mọi quyền sống của con người, từ quyền làm công dân cho đến quyền được phượng thờ. Nhân danh chiến tranh, họ đã đưa chúng con đến cảnh tuyệt vọng cùng cực, đói không cơm ăn, rách chẳng có áo mặc, chẳng dám nói điều gì trái ý chánh quyền, không dám công khai đến lễ chùa, lễ nhà thờ, trong khi họ không ngớt rêu rao: "Cụ Hồ đã đem lại cơm no, áo ấm cho toàn dân". Trong khi đó, chỉ có Thượng tọa Huyền Quang mới có đủ can đảm, công khai đặt vấn đề "Nói vậy, thì trước khi cụ Hồ về nước, vô lẽ dân Nam ta đều ở truồng và đi ăn mày cả sao?" (1946). Và những điều ấy chỉ có Chúa mới thấu hiểu cho chúng con, và cũng chỉ mong có quyền năng của Ngài mới cứu rỗi được chúng con!

Đến đây, nghi lễ chính thức được tiến hành, nhưng tôi thấy đơn giản và rất gọn hơn lệ thường. Trong tiếng cầu kinh rì rào của giáo dân, chúng tôi cúi đầu thành tâm xin ơn Chúa đoái tưởng cứu vớt dân tộc VN sớm thoát cảnh binh lửa, thoát khỏi nanh vuốt của bọn CS vô thần cực kỳ giảo quyệt gian manh này.

Theo tâm lý thông thường, mỗi khi có dịp cầu nguyện như hôm nay thì chúng tôi phải nguyện cầu ơn phước cho bản thân trước. Nhưng chúng tôi đã hiểu thấu bản thân chúng tôi chỉ có lối thoát khi mà cả dân tộc VN này nhờ vào phép lạ hơn là trực diện đấu tranh mới thoát khỏi gông cùm CS mà thôi. Chúng tôi tin tưởng mãnh liệt là Chúa đã cứu cả nhân loại, thì không lẽ Chúa không cứu dân tộc VN chúng con - trong đó có cả chúng con - đặc biệt là do một cơ duyên huyền bí nào đã đưa đẩy chúng con ngàn năm một thuở, được dự thánh lễ Noel đêm nay! Con nguyện cầu Chúa, con xin Chúa đoái thương, con xin Chúa, con quỳ lạy Chúa, cho dù con là người ngoại đạo! (Trên thực tế, chúng con giáo cũng như lương, không được quyền công khai quỳ lạy Chúa đêm nay!)

Chúng tôi ra về sớm, trước khi giáo dân rời nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ, CA đem phát cho chúng tôi mỗi người một nắm xôi và 2 thẻ đường đen. Nắm xôi nén chặt to bằng chén ăn cơm, 2 thẻ đường nhỏ hình quả thận. Không rõ quà này là của CA hay của nhà thờ. Theo suy luận chúng tôi, thì hiếm khi CA tử tế như vậy, mà có thể họ đã thông báo cho nhà thờ rằng lễ nửa đêm sẽ có một toán tù chính trị tham dự (phải thông báo trước vì lý do an ninh). Nhà thờ cám cảnh, nên mới cho quà. Dù quà đến từ đâu, chúng tôi cũng nhất trí đây là Quà Của Chúa!

Trên đường về, chúng tôi thì thầm kể cho nhau nghe một câu chuyện vui nhưng có tính cách triết lý đăng trên một tờ báo Anh nào đó.

Ông Stalin hỏi một vị cố vấn thân cận.Stalin: Đảng ta (Đảng CS) coi tôn giáo như thuốc phiện, tận lực tiêu diệt Công giáo, sao họ không chết, trong khi đảng viên CS lại không tin Đảng.

Cố vấn: Thưa đồng chí Tổng Bí Thư. Sai lầm là ở chỗ các ông Các Mác, Lê Nin và chính cả đồng chí nữa, đã chỉ cho dân Nga biết, thiên đường CS là ở tại nước Nga, trong khi Chúa Jesus thì nói thiên đường ở trên nước trời!

Stalin: Vậy sai lầm chỗ nào?

Cố vấn: Thiên đàng CS ở nước Nga thì dân Nga đã đến rồi. Tới đó, đói không bánh mì, rét không có áo len, bảo sao dân không chán CS. Trong khi tín đồ Công Giáo tin thiên đàng ở trên nước trời, họ không thể nhìn thấy, không thể sờ tới, nên họ vẫn tin chứ sao?

Stalin: ?!... ?!...

Trong đoàn chúng tôi hôm ấy có hai anh bạn Công giáo là Anh Nguyễn Hữu Thạnh và anh Nguyễn Đây, cả hai đều thuộc sở họ Rừng Bường (xã Ân tường huyện Hoài ân). Sau này, chúng tôi có dịp ở chung ngắn ngủi với nhau, hai anh đã giảng giáo lý cho chúng tôi nghe, vì anh Thạnh vốn là thầy dòng tu xuất (thầy sáu). Tôi nói với anh Thạnh, "Đêm qua chúng ta may mắn có được "Một Đêm Thánh Vô Cùng." Anh Thạnh mỉm cười, thông cảm, dù anh biết tôi là người ngoại đạo nên có thể dùng từ sai!

Anh Nguyễn Hữu Thạnh là Bí thư Tỉnh đảng Bộ VNQDĐ Bình định đầu tiên. Anh bị Việt Minh tuyên án tử hình cùng lúc với anh Đoàn Thế Khuyến (Phó bí thư Tỉnh đảng bộ, người Mỹ hiệp, Phù mỹ). Hai Anh đã hy sinh đền nợ nước đêm 18 tháng 9 năm sau (1953) tại thôn Thế Thạnh (xã Ân thạnh, Hoài ân).Anh Nguyễn Đây bị kêu án 15 năm khổ sai, đày đi Phối Sở Liên khu 5. Sau Genève, anh về lại địa phương, được bầu làm Xã trưởng xã Ân tường. Anh đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: chống Cộng và kiến thiết địa phương, nên thời Đệ Nhất Cộng Hòa anh được cử sang Đài Loan tham quan trong đoàn các vị Xã trưởng xuất sắc của Việt Nam Cộng Hòa.Sau 1963, quê Anh mất an ninh trầm trọng, Anh đã cùng với anh em chiến hữu chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Anh nằm xuống để giữ vẹn lời thề với Việt Nam Quốc Dân Đảng và Tổ Quốc Việt Nam!

Noel 1952 là dịp kỷ niệm ngày đản sanh VNQDĐ lần thứ ba của Tỉnh đảng bộ VNQDĐ Bình định son trẻ. Nhưng cũng oái oăm thay cho sự trùng hợp lịch sử. Nếu 25 năm trước (1927 - 1952) Cố đảng trưởng Nguyễn Thái Học đã chọn ngày lễ Noel để tập hợp các đại biểu thành lập VNQDĐ cốt là nhân dịp lễ lạc, tiệc tùng, lại đông đảo để đánh lạc hướng sự chú ý theo dõi của mật thám Pháp. Còn năm nay (1952) thì chính CS đã đưa chúng tôi - những người đang mong nối chí Nguyễn Thái Học - vào tận giữa lòng nhà thờ để vừa lạy Chúa vừa tâm thành kỷ niệm ngày đản sinh VNQDĐ một cách hợp pháp. Anh em, khi ra về, ai cũng tâm đắc về dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng năm nay, anh em được tụ họp công khai một cách thích thú trước cặp mắt ngơ ngác của bọn Công An vừa mới được thành lập chúng chẳng chút hiểu biết gì về lịch sử đấu tranh VN cận đại cả!

Trong đoàn anh em đi dự thánh lễ Nửa đêm để âm thầm kỷ niệm ngày đản sanh VNQDĐ có cả thi sĩ Lam Giang (Nguyễn Quang Trứ) nhưng lại không có nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn) vì Anh hiện đang bị quản thúc tại một nơi khác khá xa nhà thờ Mỹ thành. Về sau, cả Lam Giang và Võ Phiến đều có sáng tác để đánh dấu Đêm Thánh Vô Cùng này, rất tiếc thời gian đã quá lâu nên người viết nếu không còn nhớ nguyên văn! Và điều đáng tiếc hơn cả khiến mọi người ai cũng ngẩn ngơ, nuối tiếc là có ngờ đâu đêm Noel 1952, lại là Đêm Thánh Vô Cùng mà cũng là Đêm Thánh Cuối Cùng của hàng loạt chiến sĩ Quốc Gia kiên cường dũng cảm đã gục ngã trước họng súng tàn bạo của Cộng sản, trước khi đêm Noel năm 1953 chưa kịp trở về. Trong toàn cõi Liên khu 5, từ bắc vào nam, lòng người Quốc Gia chưa hề nguôi ngoai sự kính phục nhớ thương, luyến tiếc khi nhắc đến tên những liệt sĩ đã được ghi danh vào bia người tuẫn quốc: Nguyễn Hữu Lộc, Võ Minh Vinh, Đoàn Đức Thoan, Hồ Đệ, Nguyễn Long, Cao Hữu Chí, Bùi Ân, Nguyễn Hữu Thạnh, Đoàn Thế Khuyến...

 Hồi tưởng nhân mùa Noel 2000
NGUYÊN LẬP
Đặc san LIÊN TRƯỜNG QUI NHƠN Xuân TÂN TỊ 2001
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn