BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76797)
(Xem: 63141)
(Xem: 40542)
(Xem: 32170)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Họa sĩ Vị Ý và quán cà phê Lú

23 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1491)
Họa sĩ Vị Ý và quán cà phê Lú
52Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.33
Quán cà phê LÚ của họa sĩ Vị Ý ở Thị Nghè, nói chính xác là con đường đi vào chợ Thị Nghè. Nghe cái tên quán đã thấy chủ nhân quán cà phê có cái vẻ nghịch ngợm rất văn nghệ rồi. Theo tôi hiểu “ lú” đây có nghĩa là ‘ lú lẫn”. Hiểu một cách khác nữa là cà phê ở quán này khách hàng uống vô ngon đến quên đời , đến lú lẫn chẳng còn biết mình là ai ? Trong truyền thuyết của nhà Phật, thì khi người ta chết xuống âm phủ đi qua đò, qua sông Nại Hà, có quán cháo- bắt buộc mỗi người phải húp một chén. Bờ sông và quán Cháo Lú là cửa khẩu quan trọng giữa dương gian và âm phủ; ai cũng phải húp bát cháo lú, rồi đâu còn ai nhớ gì nữa mà kể, Húp cháo Lú là có chuyện, cái chính là quên, chẳng biết mình là ai khi ở trên cõi đời. Dù anh ở trên đời có là gì, vua chúa, ông nọ bà kia; hay tiện dân, anh cũng quên ráo. Anh quên đời, anh thuần túy là một hồn ma bình đẳng như mọi hồn ma khác để Diêm vương dễ bề xử lý. Anh được lên thiên đường để được thành Tiên, thành Thánh, hay anh ở đia ngục đời đời đền tội ác mà anh đã gây ra ở thế gian; hoặc anh được đầu thai lên cõi chúng sinh, làm sinh vật thượng đẳng hay hạ đẳng, còn tùy ( vào) cái đức của anh ở kiếp trước. Qua cầu Nại Hà rồi trở lại dương gian, anh có thể thành người hay súc vật, cũng còn tùy, số phận đã an bài. Hàng tỷ năm nay chưa có sự khiếu nại hay kiện tụng gì với Diêm vương (cả ).

Thuở đó ở Sài Gòn đầy rẫy. cà phê ngon, cà phê xịn và mỗi quán có cách pha chế riêng, gọi là bí quyết- thường thì pha bằng phin- những cái phin quý giá của tây, làm bằng đồng hoặc thau, hoặc bằng kền bóng loáng; chứ không phải phin nhôm móp méo, những quán cà phê túi , cà phê vơt bình dân phải nhường chỗ cho cà phê chế ngon không… chịu được !

Quán cà phê Lú của Vị Ý trong dạng ấy, quán cà phê Lú ngon và cũng có nhạc, có thơ, có họa; có những bức tranh tài hoa của Vị Ý treo đầy trên tường như một phòng triển lãm. Thú vị biết bao nhiêu cho người thưởng thức cà phê có tâm hồn nghệ sĩ. Tôi không biết tên thật của Vị Ý, nhưng cái tên Vị Ý đã hay, đã có ý nghĩa lắm rồi ! Quán cà phê Lú không đông khách lắm, nhưng là những khách chọn lọc, những anh em văn nghệ sĩ, những nhà văn , nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ ngồi đó thường xuyên. Để nói chuyện văn nghệ, để xem tranh của Vị Ý. Tôi biết chứng đó thôi về quán cà phê Lú của Vị Ý, cũng không biết đó có thật của anh không , hay anh cho mượn tên rồi lấy chỗ triển lãm tranh. Tôi chỉ thấy anh ngồi ngất ngưởng ở đó với cái” pipe” trên miệng.

Sau năm 1968 hình như quán cà phê Lú không còn nữa. Nhưng tôi vẫn nghe tên anh trong sinh hoạt hội họa, anh vẽ những bức tranh sơn dầu thật to, thật vĩ đại trong phủ Tổng thống, chủ đề hình như nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Báo chí thời đó ca tụng nhiều lắm.

Năm 1970, tờ nhật báo” Sóng Thần” ra đời. Tôi ở chung với anh trong tờ báo ấy. Anh trông coi việc trình bày tờ báo. Hình như anh chưa có gia đình, năm ấy anh cũng đã lớn tuổi, anh em trong tòa báo muốn gán ghép cho một cô cháu xinh xinh cũng là nhân viên ở tòa báo. Nhưng hình như anh có bệnh… nhát gái, rồi cũng chẳng đi đến đâu. Cô cháu xinh xinh nói, anh cứ run lên như cầy sấy khi đi chơi với cô…

Sau năm 1975 tôi gặp anh lêu bêu ở Sài Gòn. Anh nói với tôi anh không” đi” được. Lý do gì thì tôi không hỏi anh, những văn nghệ sĩ còn sót lại, chắc lý do đều giống nhau cả thôi. Hỏi lý do lại dây cà ra dây muống. Sau khi tôi đi tù về, tôi gặp anh ở đám ma Minh Đăng Khánh , những năm sau tôi gặp anh ở bữa giỗ anh Khánh. Lần cuối cùng tôi gặp anh cũng ở bữa giỗ Minh Đăng Khánh với những anh em văn nghệ sĩ bị coi là chế độ cũ lần lượt đi tù về. Hôm ấy có nhà văn Duyên Anh, vợ con Duyên Anh đã đi nước ngoài hết rồi.

Sau bữa giỗ Minh Đăng Khánh khoảng 9 giờ tối, tôi, Duyên Anh và Vị Ý còn rủ nhau ra chợ Thái Bình nhậu tiếp để làm việc chia tay. Duyên Anh cho biết anh ta sẽ vượt biên, vì mới bán được căn nhà ở đường Công Lý, có tiền, có thể giúp tôi ”một vé”. Nhưng tôi đành phải cám ơn vì còn bận chút việc nhà mà thời gian đi ra ”Cá lớn”( vượt biên bằng tàu) lại gấp gáp quá. Vị Ý có mối khác đang chờ. Chúng tôi chia tay nhau lúc 12 giờ đêm. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Vị Ý cũng như Duyên Anh . Sau này, một vài tháng sau, tôi nghe nói Vị Ý đi cộng đồng người Việt. Những năm sau này, tôi nghe tin anh qua đời.
Người bạn việt kiều về thăm quê hương, đưa tin:

-Anh ấy chết thật vô duyên trong một cuộc triển lãm tranh của mình. Tự anh ấy leo lên một cái ghế cao để gắn tranh của mình lên tường bị ngã xuống rồi chết.

Thâm tâm tôi nghĩ anh chết không vô duyên tí nào. Tai nạn ấy khiến anh qua đời ý nghĩa lắm chứ, anh chết trong nghệ thuật của anh, trong nỗi đam mê mà mình đeo đuổi, phải tự tay nâng niu tác phẩm của mình mới vừa ý. Như người chiến sĩ chiến đấu vì lý tưởng, vì quê hương tổ quốc, da ngựa bọc thây. Một nghệ sĩ chết trên sân khấu, một nhà văn chết gục trên bàn viết, một nhà giáo đột quị trên bục giảng giữa giảng đường. Như trước đây ở Sài Gòn, trường Đại học Văn khoa, giảng sư, nhà thơ Đông Hồ gục chết trên bục giảng, giữa các sinh viên, học trò của mình.

Vị Ý chết giữa những tác phẩm hội họa của anh, đó là một cái chết có ý vị, không phải một cái chết uổng phí?

Tôi chẳng có gì nói thêm về họa sĩ Vị Ý. Tôi chỉ là người ngưỡng mộ anh hơn là tình bè bạn. Tưởng chừng đêm chia tay 17 năm trước mới xảy ra ngày hôm qua. Khi anh đi bộ vào bóng đêm, tôi còn nhìn thấy tấm lưng mỏng đến còm cõi của anh.

Một chút lao xao ngậm ngùi nghĩ đến họa sĩ Vị Ý- trong những kỷ niệm ít ỏi chừng mực với anh.

Quán cà phê Lú, Vị Ý đã quên đời được chưa ?(*).
-----
Cuối năm 1999
Nguyễn Thụy Long.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn