BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ai có tội trong biến cố Tiên Lãng?

20 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1234)
Ai có tội trong biến cố Tiên Lãng?
52Vote
40Vote
31Vote
21Vote
10Vote
3.84
Đến những ngày này, vụ cưỡng chế Tiên Lãng được báo chí “lề phải” khai thác tối đa theo hướng có lợi cho ông Đoàn Văn Vươn bằng những cách giải thích nguyên nhân sự việc như một kiểu minh oan, với ý kiến phỏng vấn ông Lê Đức Anh, một số sĩ quan cao cấp trong quân đội, cựu quan chức cấp cao của ngành địa chính, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, với sự tường thuật tin tức về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, về sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc v.v...

Về phía khác, cũng chính dòng dư luận này đang làm ra vẻ kết tội những người có trách nhiệm ở Hải Phòng, ở huyện Tiên Lãng và ở xã Vinh Quang. Sự phân tích đốp chát với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng của ông Đặng Hùng Võ với các từ nhận xét như “linh tinh”, “lăng nhăng” là chuyện lạ. Lãnh đạo Uỷ ban trung ương MTTQ nhận xét có ý chê trách về việc điều động quân đội tham gia cưỡng chế cũng rất mới so với động thái tương tự năm 2001 ở Tây Nguyên và mới đây ở Mường Nhé (dù qui mô thế nào, 2 sự kiện vừa nói cũng chỉ là biến cố an ninh nội địa, không thuộc trách nhiệm của quân đội).

Đây là một cách điều chỉnh dư luận, công luận chưa có tiền lệ.



Tuy nhiên, ngẫm cho kỹ, những tín hiệu ấy cũng chưa phải đã hàm nghĩa cho một sự thay đổi gì lớn. Về sách lược, cùng lắm đó chỉ là sự xoa dịu, xả xú páp để cả nước bước vào cái tết âm lịch yên ổn một chút, tránh nguy cơ có thể có môt vụ như Ô Khảm ở Trung Quốc. Ở tầm cao hơn, có thể nó góp phần chuẩn bị cho một vài sửa đổi nhỏ trong Luật Đất đai và Hiến pháp sắp đến.

Đó là chuyện của bối cảnh lớn; còn việc ông Vươn, ông Quý, với hành vi nổ mìn, bắn bị thương nhân viên công quyền thì vẫn là tội và mức án cao nhất, như có báo đã tuyên trong những ngày đầu sau biến cố, là có thể đến mức tử hình. Việc minh oan cùng lắm chỉ làm giảm nhẹ chút ít thôi.

Nhưng tại sao ông Vươn lại phạm tội? Và có phải ông Vươn phạm tội không?

Xét về lịch sử, những người như ông Vươn và những người có đất, vốn là tài sản sở hữu của mình, chống lại sự thu hồi, cưỡng chế v.v... không phạm tội. Người có tội chính là cái gọi là Quốc hội và chính đảng sinh ra tổ chức ấy.

Vấn đề bắt đầu từ việc Quốc hội hợp hiến hoá sự lựa chọn đường lối chính trị cho đất nước theo lý tưởng, học thuyết của một đảng cầm quyền duy nhất với quyết tâm và niềm tin xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản “trên mảnh đất vua Hùng” (1) này.

Quốc hội, với tuyệt đại đa số, nếu không nói là 100% đại biểu là đảng viên cộng sản, được đảng cử ra, buộc nhân dân hợp pháp hoá bằng hành vi bầu phiếu, đã biểu quyết tán thành đường lối chính trị nói trên với 2 lần bỏ qua nhân dân: họ không trực tiếp được nhân dân lựa chọn để bầu ra và họ không đại diện gì cho dân, không hề hỏi ý kiến những người “bầu” ra mình trong việc biểu quyết đường lối chính trị đó.

Chuyện đó bắt đầu diễn ra trong bối cảnh chính trị miền bắc từ năm 1954 và cả nước từ năm 1975. Ở miền bắc, diễn biến ấy có vẻ như là hợp hiến trong khuôn khổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (song đấy cũng chỉ là hợp hiến tương đối vì quốc hội khoá I kéo dài từ năm 1946 đến 1960 đã bị làm biến thể rất nhiều và lẫn lộn trong chức năng lập hiến và lập pháp, trong cương vị bù nhìn).

Với miền nam, diễn biến có phần phức tạp hơn vì cuộc chiến tranh “giải phóng” và quá trình thống nhất đất nước. Trên danh nghĩa, từ 1954 đến năm 1975, miền nam vẫn có một “hệ thống chính trị” hợp hiến trong khuôn khổ “quốc gia” Việt Nam Cộng hoà, được công nhận về ngoại giao và hội đủ điều kiện về thành tố như James Crawford chứng minh trong công trình The Creation of States in International Law, đồng thời tham gia trong quan hệ với Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong chiến tranh, ngưng bắn, đình chiến và hòa bình cũng với tư cách quốc gia. Ở miền nam, các lực lượng quốc gia được hình thành từ những năm 30 kể cả số di cư vào từ miền bắc, các tổ chức xã hội dân sự trung lập hoặc không thân cộng, chống cộng, lực lượng vũ trang và cảnh sát, công chức trong chính quyền, các nhóm tôn giáo không thân cộng v.v… là một bộ phận đông đúc của nhân dân trong “quốc gia” đó. Với họ, quyền công dân và các quyền chính trị, dân sự công nhận sự không thừa nhận chế độ cộng sản của họ; và sự không thừa nhận đó phải được tôn trọng trong một chế độ dân chủ bình thường. Họ cũng không cần một sự giải phóng nào từ bên ngoài cả.

Tính chất hợp pháp của “quốc gia” VNCH được thể nghiệm và thử thách trong hoàn cảnh chiến tranh với việc bầu cử Quốc hội 1961, 1963, 1967 và ra đời của Hiến pháp 1956, 1967. Nó cũng được thử thách trong xu thế dân chủ hóa của thời kỳ hậu thực dân, kể cả như trong cuộc bầu cử Tổng thống độc diễn 3/9/1971 vì dù sao, qua đó, các lực lượng đối lập vẫn thực hiện được sự so sánh chính trị và tỏ thái độ phản ứng, bất hợp tác; sự độc diễn đó vẫn là trường học dân chủ tốt hơn nhiều so với cách độc diễn hiện nay.

Thế nhưng, sau năm 1975, cái quyền đó của nhân dân miền nam đã không được tôn trọng. Cùng với “thắng lợi” của cuộc chiến tranh giải phóng, Đảng cộng sản đã thu hồi Đảng Nhân dân cách mạng miền nam cùng với Trung ương Cục, sáp nhập Mặt trận GPMNVN vào Mặt trận Tổ quốc và xóa sổ cái gọi là Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam bằng những bước đi đầy bạo lực. Như vậy, cùng với lực lượng bộ đội chính qui gồm toàn các sư đoàn nói giọng bắc, cùng với xe tăng T54, pháo 130mm, tên lửa Kachiutsa không phải sản xuất ở vùng giải phóng miền nam lẫn miền bắc, cùng với việc xem thường nguyện vọng chính trị của một bộ phận không nhỏ nhân dân miền nam, công cuộc thống nhất về lãnh thổ, về chế độ chính trị ngày 2/7/1976 giống như một cuộc chiếm đóng quân sự bất hợp pháp và áp đặt mô hình chính thể. Có thể, với nhiều người dân ở miền nam, việc thống nhất đất nước là một điều thiêng liêng chấp nhận được, là một mục tiêu và cam kết chính trị trong Hiệp định Genève buộc phải chuyển hướng và thực hiện bằng chiến tranh, song đó không phải là thiêng liên vô điều kiện. Họ chấp nhận sự thống nhất theo kiểu ấy nhưng không chấp nhận chế độ chính trị lấp ló sau những khẩu súng. Song Đảng cộng sản không xem đó là một sự thực lịch sử để những năm sau đó,1/9 người dân miền nam phải lưu vong ra nước ngoài và cho đến nay, việc hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn là chuyện phù phiếm.

Trong lịch sử, cách áp đặt mô hình chính thể này chỉ xảy ra với một giai đoạn sau cách mạng tư sản Pháp, cách mạng bolshevik Nga 1917, chủ nghĩa nazi Đức từ 1933 và sự ra đời của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sau 1945. Cái được gọi là chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản với tất cả hình thức toàn cầu của nó hoàn toàn không được thiết lập bằng công cụ bạo lực có tính nhà nước như vậy. Chỗ giống nhau của quá trình áp đặt thể chế chính trị là đều bắt đầu bằng niềm tin của một nhóm nhỏ về một học thuyết nào đó; nhóm nhỏ tự tổ chức, phát triển thành chính đảng và tiến hành lật đổ/ cướp chính quyền bằng bạo lực và dùng chính công cụ bạo lực đó buộc bộ phận nhân dân còn lại phải chấp nhận niềm tin của mình. Xét về tâm lý xã hội, quá trình này cũng giống như một nhóm nhỏ nào đó, có công cụ bạo lực trong tay, buộc những người khác trong cộng đồng phải đọc tiểu thuyết mà không được đọc thơ hoặc kịch vậy thôi. Mũi súng tạo ra chính quyền và cũng tạo ra niềm tin chính trị của một dân tộc.

Và từ nền tảng chế độ chính trị được lựa chọn ở Việt Nam như vậy, Đảng cộng sản, thông qua Quốc hội, đã thể chế hóa qua Hiến pháp và Luật Đất đai 1959, 1980, 1992/1993 việc công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất chủ yếu của nhân dân, trước hết là đất đai; xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân đối với tài sản này vì cho rằng đó là nguồn gốc đẻ ra chủ nghĩa tư bản, đẻ ra bất công và chỉ có xóa bỏ sở hữu tư nhân thì mới phát triển sản xuất, tạo nên no ấm, công bằng, giải phóng con người khỏi những xấu xa, suy đồi của sở hữu tư nhân và chủ nghĩa cá nhân. Ở một khía cạnh khác, khi công hữu hóa đất đai, Đảng cộng sản còn muốn xóa bỏ hoàn toàn cơ sở kinh tế của gia đình, dòng họ (đất hương hỏa), cộng đồng (công điền công thổ cấp làng) và tôn giáo (đất thờ tự, đất tam bảo…) và từ đó xóa bỏ tất cả các thiết chế này vì về bản chất, nó không phù hợp với chủ nghỉa xã hội, có hại và thù địch với chủ nghĩa xã hội. Quá trình này có tính phổ biến ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, đậm nét nhất là công xã nhân dân của Trung Quốc và Khmer Đỏ.

Điều đáng nói ở đây là khi tạo ra bước ngoặc vĩ đại như vậy so với lịch sử nhân loại, tức là xóa bỏ một giá trị phổ biến trong sự phát triển của loài người ở tất cả các vùng văn hóa, các quốc gia – sự sở hữu về tài sản đất đai, Quốc hội chẳng hỏi ý kiến một chủ sở hữu nào cả, chẳng hề đưa những đạo luật đó ra để toàn dân phúc quyết. Tất cả đã được đảng quyết định theo niềm tin và sức mạnh bạo lực của mình, thông qua vài ba trăm đảng viên ngồi trong quốc hội đưa tay biểu quyết nhất trí. Đó cũng chính là cách làm trong một hệ thống chính trị lạ lùng mà cả Quốc hội và chính phủ đều được gộp chung vào tổ chức nhà nước, để vận hành theo qui trình: Đảng quyết định, Quốc hội cụ thể hóa bằng luật để chính phủ dùng luật trị dân. Quốc hội hoàn toàn không của dân, do dân, vì dân, không đại diện và là nguyện vọng, tiếng nói của dân, thay mặt dân để giám sát tính vì dân của Chính phủ.

Nhân dân, trước những quyết định phỗng tay trên về quyền chính trị của mình như vậy, vì sợ, nên từ trước đến nay không phản ứng gì. Cũng có thể họ phó mặc vì cố tin rằng thôi cứ góp vốn liếng của cha ông tằn tiện để lại rồi Đảng sẽ dùng nó đưa dân tộc đến thiên đàng.

Luật Đất đai trong suốt hơn 50 năm qua là vậy, kể cả giai đoạn điều chỉnh theo kinh tế thị trường theo đó người dân được giao quyền sử dụng trong khuôn khổ sở hữu toàn dân; nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Cái lắt léo, tránh né, đổi mới nửa vời, thực chất là không phục hồi cái tự nhiên nguyên trạng về quyền sở hữu đất của người dân như vậy đã mở đường cho vô số những tham nhũng, tiêu cực về đất trong tay của những ông đại diện chủ sở hữu đất đai ở nhiều tầng cấp khác nhau. Một các vắn tắt, pháp chế về đất đai từ 1993 đến nay đã giúp các cấp chính quyền gần như cướp trắng đất của người dân, đe dọa người dân về việc thu hồi quyền sử dụng đất bất cứ lúc nào, biến những đại diện chủ sở hữu – tức chính quyền các cấp thành chủ sở hữu – tầng lớp địa chủ đỏ và phục vụ cho việc phát triển chủ nghĩa tư bản (các nhà đầu tư cần đất, dân kinh doanh địa ốc, các chủ đất mới không phải là quan chức).

Pháp chế đất đai đó đã tạo nên những vụ khiếu kiện với nhà nước, biểu tình, dân oan, tranh chấp dân sự, mất đoàn kết nội bộ gia đình họ tộc xóm làng; đã đẩy ông Vươn thành người có tội. Hành vi nổ súng của ông Vươn do vậy được xem là đỉnh điểm cao nhất của tranh chấp đất đai, của sự bất mãn nhân dân về đất đai. Nó chứng minh rằng, cái cơ chế quản lý đất đai còn rơi rớt của công hữu xã hội chủ nghĩa cùng với chủ nghĩa xã hội không phải là ước mơ ngàn đời của dân tộc, là con đường mà nhân dân ta cùng với Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Do cái sự “không phải” đó mà những người dân khác, qua internet, qua blog cá nhân, đã nâng cấp một cách lãng mạn rằng tiếng súng của ông Vươn giống như của Spartacus, của Pugatchov, của Nguyễn Huệ vậy. Cũng là một chuyện buồn đất nước.

Xích Tử

Theo Dân Luận

____________________________________

(1) Lời trong một bài ca “cách mạng”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn