BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72823)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Vừa Biết Chớm Buồn (35 – 40)

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1129)
Những đứa trẻ Thái Bình – Vừa Biết Chớm Buồn (35 – 40)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
35

Sau những ngày đảo chính, tỉnh lỵ náo nức nhộn nhịp. Vẻ buồn thoang thoảng của nó biến đâu mất. Đảo chính ví như một lớp phấn hồng nhạt, đánh phớt trên khuôn mặt lười trang điểm của cô gái tỉnh nhỏ. Đâu đâu, người ta cũng nói chuyện độc lập và Khối Đại Đông Á. Bài hát Tiếng gọi sinh viên, của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, được người lớn và trẻ con thị xã Thái Bình học hát một cách say sưa.

Này sinh viên ơi,

quốc gia đến ngày giải phóng.

Đồng lòng cùng đi

hy sinh tiếc gì thân sống.

Vì tương lai quốc dân,

cùng sông pha khói tên,

làm sao cho núi sông

từ nay luôn vững bền.

Dù cho thân phơi trên gươm giáo.

Thù nước lấy máu đào đem báo…

Thằng Vọng đứng giữa sân trường bắt nhịp và dạy bạn bè hát. Khắp sân trường, học trò túm năm tụm ba, tập hát Tiếng gọi sinh viên. Các lớp đóng cửa im ỉm. Học trò tới trường để hát và bàn tán chuyện độc lập. Vọng tiếc rẻ không có con nhà Vũ thổi ác mô ni ca. Nó hát khản cả tiếng, hát vang lừng, như thể cả đời nó chưa bao giờ được hát.

Sinh viên ơi!

Mau hiến thân dưới cờ

Sinh viên ơi!

Mau làm cho cõi bờ

thoát cơn tàn phá,

vẻ vang đời sống, xứng danh ngàn năm

dòng giống Lạc Hồng.

Người lớn gặp nhau ngoài đường, nắm trái đấm giơ lên cao chào nhau. Trẻ con cũng giơ nắm đấm chào nhau. Đưa đám ma một nhân vật của thị xã, người ta theo quan tài, hát bài Tiếng gọi sinh viên.

Một cơn gió mới lùa vào tâm hồn Côn, cùng với niềm hân hoan của dân tộc. Bản nhạc Tiếng gọi sinh viên đã dạy Côn lớn lên, khôn ra. Nó mới hiểu, yêu nước là phải xông pha khói tên, làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền. Côn nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phơ bay trên ngọn cột cờ trường học. Phải hiến thân dưới lá cờ đó. Thầy Đàn đã hiến thân dưới cờ, thầy đã ra đi, lấy máu đào đền nợ nước. Côn muốn gặp thầy Đàn để ôm chặt thầy. Nó thương thầy gấp bội. Nó hãnh diện là học trò thầy Đàn, như Vọng hãnh diện là học trò thầy Hoan.

Niềm hân hoan của dân thị xã bộc lộ rõ rệt nhất trong ngày giỗ tổ Hùng Vương. Học trò thành chung và học trò tiểu học, áo dài đen, quần chúc bâu trắng, đội mũ trắng, xếp hàng đi trước, dân chúng theo sau, từ trường tiểu học, tiến đến sân vận động. Tất cả hướng mặt về Câu lạc bộ. Nơi đó, một bàn thờ trải cờ Việt Nam và một đỉnh hương trầm nghi ngút. Đội kèn bú rích của lính khố xanh, nay gọi là An Vệ Dân, thổi bài Tiếng gọi sinh viên. Trống đồng đánh thình thình, nghe oai vệ lắm. Học trò giở nón, úp vào bụng. Thằng Vọng được đứng với đội kèn bú rích. Nó lấy giọng, bắt nhịp. Học trò đồng ca:

Bốn nghìn năm văn hiến,

nước Nam khang cường.

Là nhờ công đức ngàn xưa.

Văn hóa như sông rừng,

cùng nâng dắt nhau

tô vào muôn ngàn sắc hoa…

Đời đời nhờ Hùng Vương đã vì quốc dân,

lập nên nước này…

Cúi đầu xin ban phúc

giúp cho con Rồng,

từ nay thôi hết lầm than…

Năm nào, dân thị xã cũng giỗ tổ Hùng Vương nghiêm trang. Năm nay, nghiêm trang và phấn khởi hơn. Quan đầu tỉnh người Việt đọc diễn văn nhắc nhở công đức tổ Hùng Vương. Trên hàng ghế danh dự, không còn quan công sứ Tây nữa, mà chỉ có mấy vị sĩ quan Nhật, ngực đeo huy chương, lưng dắt kiếm dài. Buổi lễ chấm dứt, dân chúng tuần hành khắp phố. Những thông ngôn Nhật dặn dân thị xã rằng: Khi nào họ hô, đả đảo thực dân Pháp, thì tất cả giơ tay, hô đả đảo.

- Đả đảo thực dân Pháp!

- Đả đảo…

- Đả đảo thực dân Pháp!

- Đả đảo…

Bọn thằng Côn hô to nhất. Nó hỏi Vọng:

- Đả đảo là gì hở, mày?

Vọng nắm chặt trái đấm:

- Đả đảo là đánh cho Tây điên đảo, hạ quỵ Tây.

Những tiếng hô vang vọng khắp thị xã.

- Đả đảo thực dân Pháp!

- Đả đảo…

- Nhật Hoàng vạn tuế!

- Vạn tuế…

- Việt Nam độc lập!

- Độc lập…

- Đại Đông Á đoàn kết!

- Đoàn kết…

- Đả đảo thực dân Pháp!

- Đả đảo…

Bỗng, có người hô:

- Đả đảo phát xít Nhật!

Dân chúng quen miệng, hô theo:

- Đả đảo.

Lập tức, những người thông ngôn Nhật rút súng lục ra, lăm lăm trong tay. Một người bắn chỉ thiên ba phát. Lính Nhật theo đám tuần hành chạy rầm rập lên phía trước, chận lại. Họ rút lưỡi lê, cắm vào đầu súng, lên đạn lách cách. Những ngọn lưỡi lê chỉ chực đâm thủng da thịt. Dân chúng đứng im, mặt mày xám ngắt. Thông ngôn Nhật khám xét từng người lớn. Côn run sợ, véo Vọng một cái. Nó nói nhỏ:

- Bỏ mẹ rồi. Thằng nào bị bắt, sẽ bị Nhật chém ngang thây.

Vọng nghiến răng cho hai hàm khỏi đánh nhịp. Nó thúc nhẹ vào mạng mỡ Côn:

- Câm mồm lại đi.

Sau nửa giờ khám xét, thông ngôn Nhật tóm một người tình nghi, lôi ra. Vọng bật nói:

- Anh Đạo.

Ôny Ban tát tai anh Đạo hai cái, nẩy đom đóm mắt. Anh Đạo nhổ nước miếng, trúng mặt ông Ban.

- Đồ Việt gian!

Lính Nhật thúc báng súng trường vào ngực anh Đạo. Anh ta trợn mắt, nhìn mọi người, gầm lên:

- Đả đảo phát xít Nhật!

Một báng súng nữa đập thẳng mặt anh Đạo. Máu anh ứa ra, và anh rũ xuống, cơ hồ một thân cây bị đốn ngã. Dân thị xã run bần bật. Côn úp tay che mặt. Thằng Vọng mở to mắt nhìn. Hàm răng nó không còn đánh nhịp. Nó nắm chặt hai nắm đấm, nghiến răng ken két. Luyến thấy đôi mắt Vọng long sòng sọc. Nhật ra lệnh giải tán đám tuần hành, người nào về nhà người ấy. Côn kéo tay Vọng, Luyến ra về. Đi được quãng xa, ngó lại không thấy lính Nhật, thông ngôn, Côn hỏi Vọng:

- Anh Đạo nào đấy mày?

- Anh ấy ở Đông Cao (1), Tiền Hải.

- Mày quen anh ấy à?

- Thầy Hoan bảo anh ấy tìm tao. Tối qua, anh Đạo kể tội Nhật. Anh ấy nói sẽ xui dân thị xã chống phát xít Nhật. Giá anh Đạo không bị bắt, tao đã theo anh ấy đi rồi.

Luyến lè lưỡi:

- Ông sợ quá, ông chuồn đây.

Luyến co cẳng chạy. Côn không nói thêm gì với Vọng nữa. Tự đáy lòng nó, vừa cuồn cuộn một nỗi đau thương. Côn đã nhìn rõ sự hung ác của Nhật. Nó nhìn Vọng. Thằng bạn nghèo khổ đang ứa nước mắt. Côn thấy nước mắt bạn không giống nước mắt những lần nó bị thằng Hách bắt nạt. Nó vươn tay, khoác vai Vọng:

- Về nhà tao uống nước

(1) Đông Cao, một làng cách mạng chống Pháp thuộc huyện Tiền Hải, gần bãi biển Đồng Châu. Pháp không đánh nổi, phải dùng tàu bay thả bom tàn phá cả làng. Thủ lãnh Đông Cao chống Pháp là ông Ngô Duy Phớn.

36

Niềm hân hoan đã tàn lụi. Lớp phấn hồng đảo chính, trên má cô gái tỉnh lỵ, vội vàng phai nhạt. Bây giờ, chỉ hằn dấu vết sợ hãi. Nhật treo chân hai người Việt Nam, trên một cành cây, đầu dộng xuống. Hai người này, bị bắt quả tang, ăn cắp thóc của ngựa lính Nhật. Họ quỳ lạy Nhật. Nhật không mảy may xúc động. Lính Nhật trói chân họ, dùng dây thừng lớn, kéo lên cành cây cao, ở đầu tỉnh. Một người lính Nhật leo lên buộc chặt. Hai tên ăn cắp thóc giẫy giụa, la hét, cho tới khi chết. Hai người bị Nhật xử tử cùng cư ngụ tại xóm Kỳ Bá. Họ nghèo khổ, như mẹ con thằng Vọng. Chính mắt Vọng đã nhìn thấy, từ lúc họ bị bắt đến lúc họ giẫy chết. Vọng kể cho Côn nghe. Côn đã ôm mặt khóc tấm tức. Nó thương hai người nghèo chết khổ sở quá.

Nhật để hai cái xác chết toòng teng trên cây ba ngày, để làm gương cho dân thị xã. Không ai dám gần chỗ ngựa lính Nhật ăn thóc nữa. Nhật đi khám xét từng nhà. Nhật không bắt rượu lậu, mà chỉ bắt những người chống Nhật. Quan đầu tỉnh người Việt không can thiệp nổi việc gì. Thị xã căng thẳng nỗi sợ. Nhật ra lệnh cho dân quê nhổ lúa non lên trồng đay, để Nhật có đay đan lưới, chống bom Mỹ! Ai không tuân lệnh sẽ bị xử tử. Dân quê phá lúa, trồng day. Gạo bỗng lên giá vùn vụt. Dân quê đổ xô về thị xã, xin việc làm tôi tớ và ăn mày. Chợ thị xã và các vỉa hè, ban đêm, ăn mày ngủ chật ních. Mùa xuân năm may lạnh hơn những mùa đông năm cũ. Khối ông già, bà lão đã chết cóng ở chợ. Ngay tại thị xã, nhiều nhà đã phải ăn cơm trộn ngô, khoai. Có gia đình sáng lót lòng củ khoai, trưa ăn cơm, và tối húp cháo.

Chiến tranh cũng theo đảo chính về Thái Bình. Người Hà Nội, người Hải Phòng, có bà con thân thuộc ở Thái Bình, về đây tránh bom Mỹ. Nhật gây chiến với Mỹ. Và, Mỹ chở bom, dội xuống Hà Nội, Hải Phòng. Bác thằng Côn đi ca nô Nam Định-Hà Nội, bị máy bay Mỹ bắn trúng tay, phải cưa cụt một tay.

Mỹ chưa dội bom Thái Bình, Nhật đã bắt đào tăng sê và tập phòng thủ thụ động. Hôm nọ, máy bay Nhật rượt máy bay Mỹ trên vùng trời Thái Bình, đã làm náo động dân chúng. Chiếc máy bay khu trục của Mỹ, bị hạ rơi ở Quỳnh Côi, cháy từ trên không, rớt xuống nổ tan tành. Người ta sợ Mỹ dội bom Thái Bình để trả thù. Ban đêm, dân thị xã bị cúp điện. Mỗi nhà chỉ được thắp đèn dầu nhỏ, và hễ báo động, phải tắt ngay. Xe Con Voi của ông Lê Văn Định nằm đầy bến. ét xăng hiếm lắm. Nhật không cho xe chạy bằng xăng. Xe Con Voi dùng than, chạy các đường mười hai phủ huyện.

Thằng Vũ đã về Thái, dịp này. Côn thấy bạn khác đi nhiều quá. Nó lớn vượt hơn Côn. Vũ có vẻ ít nghịch ngợm. Nó không kể cho Côn, Luyến, Vọng nghe chuyện vườn Bách Thú, hồ Tây, Nghi Tàm, Quảng Bá, Láng, Voi Phục, hồ Gươm, mà toàn kể chuyện đảo chính Nhật ở Hà Nội và nấp máy bay Mỹ.

Sự hồn nhiên chưa hẳn mất, nhưng thời cuộc đã làm những đứa trẻ duỗi chân. Và, sự hồn nhiên bị đụng, hở ra một cánh cửa, cho nắng gió ùa vào. Giọng nói của Vũ ồm ồm, khó chịu lắm. Nó không nhận ra điều đó. Nó lại khó chịu giọng nói của thằng Côn.

Vũ về Thái được hai hôm, thị xã xôn xao chuyện một sĩ quan Nhật bị giết chết, ở bến đò Hưng Nhân, gần làng Thanh Triều. Một người Việt Nam đã bắn viên sĩ quan này, và đẩy xác xuống sông Trà Lý. Nhật bao vây thôn xóm, quanh bến đò, đòi xác sĩ quan của họ. Họ cho một cái hẹn ba ngày, nếu không nộp xác chết, họ sẽ làm cỏ hết dân chúng. Côn sợ hãi. Vũ coi thường. Chúng nó rủ nhau vào sân trường nói chuyện. Vũ bảo:

- Ở Hà Nội, đêm nào ta cũng giết Nhật và Việt gian.

Côn chợt nhớ hôm giỗ tổ Hùng Vương, anh Đạo nhổ nước miếng vào mặt ông Ban, mắng ông ta là đồ Việt gian, nó quên béng, chưa hỏi Vọng. Nay, Vũ lại nhắc hai tiếng Việt gian, Côn đập khẽ lưng Vũ:

- Việt gian là gì hở, mày?

- Là người Việt làm tay sai cho Nhật.

- Tay sai là gì?

- Là Nhật nó sai đi giết người, bắt người đánh đập.

Côn liếm môi, quan trọng:

- Ông Ban là Việt gian đấy, mày ạ!

Vũ há hốc miệng:

- Thế à? Mày đừng gọi nó là ông nữa. Ở Hà Nội, người ta gọi Việt gian là thằng. Thằng Ban mà ở Hà Nội, là bị giết rồi. Dân Hà Nội cừ lắm. Coi Nhật như tép kho tương. Tao cuộc với mày, Nhật nó chỉ dọa, chứ nó đét dám làm cỏ dân ở bên đò Hưng Nhân đâu.

Nói chuyện Nhật và Việt gian chán chê, Vũ hỏi Côn chuyện Thái Bình:

- Thầy mình còn dạy không?

Côn ơ một tiếng:

- Tao viết thư cho mày rồi thôi.

- Thư lạc bố nó mất rồi.

- Thầy mình đi được mấy tháng. Bố tao bảo thầy là nhà cách mạng.

- Thế hở? Ở Hà Nội, có nhiều nhà cách mạng lắm.

- Thầy khen mày can đảm, và khuyên tao hãy can đảm như mày.

Vũ ngạc nhiên:

- Tao can đảm cái gì đâu?

Côn vỗ vai bạn:

- Mày không thèm xin lỗi thằng phó cẩm. A, hôm đảo chính, thằng Việt gian Ban tát lão phó cẩm hộc máu mồm.

Vũ khoe:

- Ở Hà Nội, tao đi xem đánh Tây mới vui. Về sau, tao thương Tây, mày ạ! Nhật nó đểu quá, nó ác hơn Tây.

Côn nắm chặt cánh tay bạn:

- Mày giống tao ghê. Thằng Vọng nó thích Nhật hành hạ Tây.

Vũ không chê Vọng. Nó đăm đăm nhìn gian lớp cũ. Có lẽ trường xưa, lớp cũ, và những ngày vui đùa năm qua chỉ còn là kỷ niệm. Côn lay bạn:

- Chúng tao mang gạo cho thằng Vọng đấy. Dạo này gạo kém, mẹ con nó phải ăn cháo thay cơm.

Vũ buồn buồn:

- Ở Hà Nội đã có người chết đói. Chúng mình may cái túi vải, mỗi đứa lấy trộm gạo ở nhà, bỏ vào túi, đem đến cho thằng Vọng.

Côn nói:

- Nó bảo vì Tây mà nó đói khổ. Thầy Hoan dạy nó rằng, sự đói khổ là mầm thù hận. À, Vũ này…

- Gì?

- Mày… mày…

- Gì đấy?

- Mày đừng giận tao, nhé!

- Ông đấm mày chết bây giờ.

- Mày… mày… có nhớ…

- Nhớ ai?

- Nhớ con Thúy không?

Vủ phá ra cười. Nó lăn trên sân cỏ. Côn không hiểu gì cả. Con nhà Vũ nghếch đầu lên:

- Nó biến thành con nhặng chưa?

- Chưa.

- Mày trả thù nó cho tao chưa?

- Chưa.

Côn ngẩn ngơ một lát. Rồi, rụt rè hỏi Vũ:

- Tao… tao…

Vũ toét miệng:

- Mày ghét nó, hở?

Côn lắc đầu rất thiểu não:

- Không, tao lại chơi với nó, mới chết chứ.

Vũ chồm tới, nắm chân bạn:

- Thì mày cứ chơi với nó đi. Tao có bạn ở Hà Nội. Mà tao ghét nó rồi. Mày biết không, nó lớn hơn tao, nó ở cạnh nhà tao. Hễ lúc tao đi học, nó chạy theo cho tao ngô luộc với lại bánh rán, tao ngượng quá. Một hôm, nó ôm lấy tao, tao ức, đấm nó một quả, nó khóc, mày ạ! Từ đó, tao không thèm chơi với con gái nữa.

Vũ nhìn Côn ranh mãnh:

- Con nhặng Thúy đã cho mày bánh rán chưa?

Côn cúi gầm mặt, đáp nhỏ:

- Chưa. Chỉ có tao cho nó cái lồng chim cu gáy.

Giữa lúc hai thằng bạn thân đang tâm sự, vua súng cao su Luyến xuất hiện. Nó kéo hai thằng đi ăn phở Phớn. Trời lạnh, đi ăn phở, còn gì ngon hơn? Vũ cuộc một bát phở sào với Côn, là Nhật không giết hết dân quanh bến đò Hưng Nhân.

Không đứa nào thắng cuộc cả. Vào ngày hạn cuối cùng của Nhật, một thanh niên đến nạp mạng lính Nhật, thú nhận đã giết viên sĩ quan. Anh ta nộp luôn khẩu súng lục đã bắn nạn nhân. Anh ta bảo dân chúng vô tội. Cùng lúc ấy, lính Nhật đã kiếm được xác viên sĩ quan của họ, nổi lềnh bềnh, trên khúc sông gần đó. Mùa nước này lặng, nên xác không trôi xa. Nhật tẩm dầu xăng, đốt xác viên sĩ quan, bỏ than vào cái hộp. Họ cử lễ truy điệu viên sĩ quan, rồi rút kiếm chém đứt đầu người thanh niên. Anh ta đã cứu mạng sống của hàng trăm người. Cha thằng Côn kính phục người thanh niên dũng cảm, coi cái chết của anh như cái chết của một liệt sĩ.

37

Côn hớt hơ hớt hải, chạy sang nhà Vũ:

- Vũ ơi, có người vừa chết đói ở cầu Kiến Xương. Tao nhìn thấy.

Vũ đang nằm đọc truyện, ngồi nhổm dậy:

- Mày nhìn thấy à?

- ừ. Ông ta ngã khuỵu, tay giơ lên, cố bám lấy thành cầu, mà không bám nổi. Tao về đem cơm ra cho ông ta, ông đã chết rũ rồi.

Vũ khoe với dì nó:

- Dì ơi, ở cầu Kiến Xương có người chết đói.

Dì nó sợ hãi:

- Bố con nói, năm nay, chắc chết đói nhiều. Các con chớ gần xác chết nhé!

Vũ vâng dạ rối rít. Nó kéo Côn đi chơi. Giữa đường, hai đứa gặp Luyến và Lộc. Thằng Lộc nói hai người chết đói ở cổng Vọng Cung. Thằng Luyến bịt mũi, nói ở ngã tư Vũ Tiên vô số người chết đói.

Tin chết đói loan truyền thật nhanh. Thị xã ngập chìm trong sự lo âu. Người ta quên mọi chuyện, kể cả chuyện lính Nhật hung ác, mà chỉ nói chuyện chết đói. Tháng ba, trời vẫn còn lạnh. Cá thi nhau chết lềnh bềnh trên mặt hồ, ao. Cá rô khoẻ thế, cũng chết cóng. Những hạt sương muối đọng trên ngọn cỏ sắc buốt, như kim châm vào da thịt những bàn chân không giầy dép. Có lẽ người nghèo vừa chết đói vừa chết rét. Họ không phải dân thị xã. Từ các làng quê mười hai phủ huyện, họ dắt díu nhau lên tỉnh, sang Nam Định. Họ bán lúa non cho người giầu. Tiền hết, không ai cho vay lúa, họ bán gia tài, bỏ làng đi kiếm sống. Người đủ sức, đủ tiền, lê lết lên Hà Nội. Có khi mới đến Phủ Lý, họ đã gục chết bên đường. Một vài người vừa thấy Hà Nội, là lăn ra chết.

Thị xã làm gì có việc cho dân quê ra tỉnh. Họ đến chợ ngủ. Dần dần, dân quê xâm nhập thị xã, khiến thị xã toàn ăn mày. Sự bố thí có giới hạn. Không nhà nào nấu cơm sẵn, mỗi ngày, cho hàng trăm người ăn mày. Họ ngồi ủ rũ dưới gốc cây, hiên nhà, sân đền, dưới tường nhà thương, trường học. Phú lít mặc họ, vì đuổi không xuể. Những buổi trưa nắng, họ cởi áo ngồi bắt rận, bắt chấy, cho vào miệng cắn đôm đốp, rồi nuốt trửng. Chấy như một đàn kiến, bò lổn ngổn trên tóc họ, bắt mãi chẳng hết. Họ sống nhờ của bố thí. Dân thị xã kinh tởm họ, chứ không sợ hãi.

Sáng nay, tin chết đói làm thị xã rụng rời. Chỉ nội buổi sáng, người ta phát giác mấy chục xác chết đói. Ty vệ sinh của thị xã lo ván chôn những xác chết vô thừa nhận. Nhật rửng rưng trước nạn chết đói. Không thấy Nhật lo phát chẩn, như Tây thường phát chẩn cho dân nghèo.

Côn cắn môi:

- Bố thằng Vũ nói đúng quá.

Vũ vênh mặt:

- Bố tao nói cái gì cũng đúng.

Luyến hỏi:

- Bố mày biết tại sao chết đói nhiều không?

Vũ chưa kịp trả lời, Lộc vội đáp:

- Anh tao bảo tại Nhật bắt phá lúa trồng đay. Nhật nó thu hết thóc ở nhà quê rồi.

Mấy đứa trẻ nhìn nhau, kinh ngạc. Côn không quên câu chuyện tại nhà thằng Vọng. Nó cũng nhớ những nogn lưỡi lê của lính Nhật lăm lăm chờ đâm dân thị xã, hôm giỗ tổ Hùng Vương. Côn đã bưng mặt, không dám nhìn báng súng Nhật đập vỡ mặt anh Đạo. Hai người nghèo khu Kỳ Bá, ăn cắp thóc của ngựa lính Nhật, bị chết treo, ở đầu tỉnh, còn là giấc mơ kinh hoàng của Côn. Nó buột miệng:

- Nhật đểu ghê!

Vũ nắm chặt bàn tay thành trái đấm:

- Tiên sư Nhật lùn!

Côn đá khẽ Vũ:

- Mày liệu hồn.

Vũ bĩu môi:

- Ở Hà Nội, người ta gọi Nhật là Nhật lùn. Tụi trọc đầu, mắt một mí đểu thật. Ông đét sợ Nhật.

Côn bỗng lây sự can đảm của Vũ. Nó nói:

- Thầy mình trở về, tụi Nhật bỏ cha chúng nó.

Ngay cái lúc hăng máu hiệp sĩ của Vũ và Côn, thì một cái xe bò lọc cọc lê bánh trên đường phố. Hai anh hướng đạo đẩy, một anh quàng dây qua vai kéo, chở ba anh khác, đứng trên xe. Chiếc loa thiếc a lô, a lô ầm ỹ. Vũ nheo mắt:

- Hướng đạo đóng kịch, hở?

Bốn đứa chăm chú nhìn.

- A lô, a lô… Lá lành đùm lá rách. Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng. Một miếng khi đói, bằng gói khi no. Xin đồng bào hãy cứu giúp dân nghèo. A lô, a lô, xin đồng bào hãy bớt chút phần ăn, cứu dân nghèo khỏi chết đói. A lô, a lô…

Côn mừng rỡ:

- Hướng đạo quyên cơm phát chẩn, chúng mày ạ!

Vũ rủ rê:

- Chúng mình xuống đẩy xe bò, đi!

Cả bọn chạy theo hưóng đạo, đẩy xe đi a lô khắp thị xã.

- A lô, a lô… Xin đồng bào hãy đem cơm, bánh tới sân trường tiểu học, để anh em hướng đạo đi phát cho dân nghèo. Lá lành đùm lá rách. A lô, a lô!…

Bọn thằng Côn đẩy xe đến gần chỗ nhà bọn chúng, bỏ về xin cha mẹ thổi thêm nồi cơm lớn. Ăn uống lấy lệ, chúng nó đổ cơm ra rá, đem tới trường. Rồi, nhập bọn cùng hướng đạo thị xã, đi phân phát cho dân nghèo. Côn đứng nhìn những người đói ăn. Họ ăn rất nhanh. Đói ngấu, họ chẳng thèm nhai. Bỏ cơm vào miệng, là họ nuốt trửng. Nhiều người vừa trông thấy rổ cơm đã ào tới, nằm rạp xuống bốc. Lắm người hục cả mặt hớp cơm nóng, như lợn ăn cám. Cơm dính đầy đầu tóc. Họ vuốt mặt, đưa tay liếm từng hạt. Có người được phát bánh chưng, quên bóc vỏ. Họ cắn luôn lá bên ngoài, nhai nghiến, nuốt phùng cả cổ họng. Họ có thể ăn mãi, nhưng mỗi người chỉ có phần mình. Mẹ nuốt cơm, con nhai vú sữa. Cảnh tượng thê lương chưa từng thấy trong một đời người. Tuy đã được cứu tế, hàng ngày vẫn chết đói rải rác khắp xó tỉnh.

Tuần lễ sau, Đoàn Khất Thực Thị Xã ra đời. Hầu hết học trò thị xã đều tham gia Đoàn Khất Thực. Buổi lễ xuất phát thật cảm động. Người trưởng đoàn, nước mắt dầm dề, nói về ý nghĩa của sự thành lập Đoàn Khất Thực.

Côn và Vũ đều rơm rớm nước mắt. Đoàn Khất Thực chia thành những toán nhỏ. Mỗi người đeo một cái bị, đi xin cơm các nhà. Bọn thằng Côn đã trở thành những đứa trẻ ăn mày. Chúng nó vui vẻ đi ăn mày cơm, bánh tây, bánh chưng… Đó là những kẻ ăn mày áo lành, xông xáo khắp chốn. Luyến chống cái gậy. Nó giả vờ khòm lưng, lè nhè:

- Ăn mày là ai, ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày…

Đến cửa nhà mình, Luyến gõ gậy, pha trò:

- Con lạy ông, lạy bà, lạy cô, lạy cậu, xin ông bà cô cậu bố thí cho con đồng cơm bát cháo…

Mẹ nó ôm bụng cười, đổ cơm đầy cái bị của nó. Luyến vẫn còn tinh nghịch. Đảo chính, chết đói không làm nó mất sự hồn nhiên. Luyến chả cần suy nghĩ chuyện độc lập, cách mạng. Có thằng Vũ, nó không thèm muốn giang hồ Hà Nội nữa. Vũ là Hà Nội của Côn. Dường như, Vũ lây thằng Côn rồi. Nó thích nghe chuyện Nhật và chửi tiên sư Nhật lùn. Luyến không ghét ai cả, nó chỉ ghét những ngày mưa, nằm bó cẳng, không được đi bắn chim, bắn gà, bắn chó. Thị xã mới thêm trò ăn mày. Luyến lại thấy thị xã hết chật hẹp.

- Con cá nó sống vì nước, con sống vì ông bà. Xin ông bà cho con bát cơm.

Luyến thuộc lòng những câu của ăn mày, để đi… ăn mày. Thế mà, Vũ và Côn đả bị lây sự vui nhộn của Luyến. Chúng nó không tách rời sang các toán khác. Luyến, Côn, Vũ, Lộc, Long đi riêng một toán. Nhà nào đóng chặt cửa, Vũ bấm chuông điện kêu ầm ỹ. Chuông hỏng, chúng nó đập cổng thình thình. Hễ không mở, chúng nó réo tên, pha trò. Luyến sẵn sàng súng cao su bắn chó, bắn bóng đèn. Mở cửa mà không cho cơm Khất Thực, chúng nó mắng mỏ túi bụi. Vì, chúng nó đâu phải là ăn mày. Côn thấy chỉ nhũng nhà giầu không cho cơm Khất Thực thôi, còn ai cũng vui vẻ bố thí.

Nhờ Đoàn Khất Thực, Côn gặp Thúy luôn, chẳng cần kiếm cớ. Sáng sớm, Côn xách bị lại nhà Thúy xin cơm. Bác Thụy khen nó ngoan ngoãn, biết thương người nghèo. Con Thúy đổ cơm vào bị của Côn. Nó mỉm cười với Côn. Con nhà Côn đi ăn mày suốt ngày không mệt. Một buổi sáng, đúng rồi, một buổi sáng, Thúy hỏi Côn rằng, tại sao thằng Vũ không đến nhà Thúy chơi. Côn ta bỗng buồn ghê gớm. Nó nhớ, hôm Thúy khen Vũ phóng phi tiêu giỏi hơn Côn. Và, Côn chẳng thích lại nhà Thúy xin cơm nữa. Côn tự nhủ, sẽ không nói cho Vũ nghe chuyện này.

38

- Vũ ơi!

- Gì?

- Mày có nhớ những ngày đùa nghịch, năm ngoái, không?

- Nhớ chứ.

- Giá Nhật nó đừng sang Thái Bình, chúng mình sẽ đùa chơi thả cửa, mày nhỉ! Thằng Luyến nó mong mày về, nó hết muốn lên Hà Nội rồi. Tụi tao đã định leo xe ông tài Định, giang hồ Hà Nội đấy. Nhật nó sang Thái Bình, dân mình chết đói nhiều quá.

- Bố tao bảo tao lớn tồng ngồng rồi, không nên nghịch ngợm nữa. Mày thấy tao lớn chưa?

- Mày hơi hơi lớn thôi.

- Mày cũng hơi hơi lớn, giống tao. Sang năm, chúng mình học cua xuýp, hết hè, lên thành chung, là thành người lớn. Tao sẽ thi vào trường Bưởi. Học trò trường Bưởi đánh nhau với học trò trường Albert Sarraut luôn.

- Trườmg Bưởi thắng hay thua?

- Thắng. Lần nào đánh, lần ấy thắng. Bọn học trò Tây sưng vù mặt mày. Dân Hà Nội cừ nhất.

- Tao muốn học trường Bưởi ghê.

- Nhiều anh trường Bưởi chống Tây, bị bắt bỏ tù. Tao chắc, giờ các anh ấy đang chống Nhật. Tiên sư Nhật lùn, ác quá! Nó đốt lúa mày ạ!

- Ai nói thế?

- Bố tao. Bố tao còn nói Nhật bắt lính, thu thóc nặng hơn Tây.

- Chắc vì thế dân mình chết đói.

- ừ. Bố tao mới đi Ninh Giang về. Bố tao kể, dọc đường từ ngã tư Môi, đến gần cầu Bo, xác chết đói ngổn ngang, thối um. Không ai chôn cả. Người qua đường phải lấy khăn bịt mũi. Bố tao bị ốm, ăn cơm là bố tao nôn ọe. Bố tao sợ phát ốm. Xoa dầu Nhị thiên đường nóng bỏng mũi, mà bố tao bảo vẫn ngửi thấy mùi thối. Này, Côn này…

- Gì?

- Ta sắp đánh Nhật, đuổi Nhật khỏi Thái Bình đấy.

- Ai nói thế?

- Bác Thụy, bố mày, bố tao nói chuyện thầm, tao nghe lén.

Côn ngồi bật dậy. Lòng nôn nao lạ thường. Côn nhớ ngày nọ, ở bên kia cầu Bo, Nhật bắt Tây đào đất, kéo xe bò. Lần này, chính Côn leo lên vồng cầu Bo cao nhất, hét lớn Ai sinh ra cái xe bò, Để cho Nhật phải kéo gò lưng tôm. Côn sẽ xui Luyến nhằm bụng lính Nhật mà tia đạn đất.

- Bao giờ ta đánh Nhật hở, mày?

- Sắp đánh.

- Liệu ta thắng không?

- Giấy nói ta sẽ thắng Nhật lùn. Bố mày đọc xong, đưa cho bố tao. Bố tao bật diên, đốt mảnh giấy ra tro.

- Ai gửi giấy cho bố tao?

- Không biết nữa.

Hai thằng bạn ngồi sát bên nhau hóng nắng. Giàn hoa lý, trên đầu chúng, đã hết vẻ héo hon. Bây giờ, mới có nắng xuân, nắng xuân muộn. Nắng xuâm muộn nhẩy múa trên những chiếc lá non. Côn nghe rõ từng chiếc lá chuyển mình, chuyển mầu. Nó cũng nghe rõ cả sự nô nức, trong tâm hồn nó. Tâm hồn thằng Côn đang nô nức mong chờ, ngày ta đánh Nhật.

- Hễ thắng Nhật là hết chết đói, hở mày?

- ừ.

- Thằng Vọng bảo đánh đuổi Tây, Nhật khỏi Thái Bình, ta sẽ độc lập. Tao thích lấy dây thừng trói tay lính Nhật, dẫn nó đi diễu phố. Ông tước kiếm của nó, đeo cho oai.

- Tao ấy à, ông treo nó dộng ngược lên cây, để nó chết giẫy. Nó ác nhất thế giới. Nó giết mình thế nào, mình giết nó thế ấy.

Vũ bỗng reo toi:

- Tao nghĩ được trò chơi mới rồi.

Côn hí hửng:

- Trò gì?

- Chúng mình ra bờ sông, chia phe đánh nhau. Tao với mày phe ta, bọn thằng Luyến phe Nhật. Chúng mình bắt Nhật ném xuống sông.

- ừ, hay tuyệt cú mèo. Mà, Vũ ơi…

- Gì?

- Tao muốn nói với mày chuyện này…

- Hay lắm không?

- Tao… tao…

Vũ phát lưng bạn một cái:

- Ông biết tỏng. Chuyện con Thúy, hở?

Côn chớp mắt:

- ừ.

- Nó bảo mày ăn cắp cái lồng chim cu gáy chứ gì?

Côn lắc đầu:

- Không.

Vũ thoi khẽ Côn:

- Thế sao?

- Nó không thích chơi với tao!

Vũ buồn rầu:

- Kệ mày.

- ừ, kệ tao.

Vũ hỏi:

- Sao mày bảo mày chơi thân với nó?

Côn đáp:

- Dạo xưa cơ. Từ hôm mày về, nó không thích chơi với tao. Nó hỏi thăm mày. Nó nhắn tao, bảo mày tới nhà nó chơi.

Côn ngước nhìn những lá thiên lý tắm nắng xuân. Một nỗi niềm thật là buồn vừa len lỏi vào tâm tưởng nó. Ngày trước, Vũ chơi thân với Thúy, Côn có cần biết gì đâu. Con Thúy làm thằng Vũ bị đuổi học, Côn còn ghét con Thúy, trách móc Vũ đã bênh con bà cô Thúy. Bây giờ, lại khác, con Thúy thích chơi với thằng Vũ, đã làm Côn buồn. Chẳng biết tại sao nó buồn. Côn định ỉm chuyện Thúy nhắn Côn. Rồi, nó không ỉm được. Luôn luôn, Côn cần thằng Vũ.

- Mày đến nhà nó đi.

- Tao ghét nó rồi.

- Tại sao mày ghét nó?

- Nó mắng tao là đồ ăn cắp cái lồng chim của thằng Hội, tao ghét nó.

- Nó khem mày ném phi tiêu giỏi hơn tao. Nó không ghét mày đâu.

Vũ nắm chặt cánh tay Côn:

- Thúy nó khen tao à?

Côn gật đầu chậm chạp:

- ừ.

- Tao không đến đâu. Tao thề rồi…

- Mày không đến, nó giận tao.

- Kệ nó. Nhỡ nó ôm tao, tao xấu hổ chết mất. Con gái nó hay điên. Anh tao ở Hà Nội nói thế. Tao đét thích chơi với con Thúy nữa.

- Mày thích chơi với ai?

Vũ giật mạnh cánh tay Côn. Thằng bạn khuỵu tay xuống.

- Ông thích chơi với mày thôi.

Thằng Côn vẫn buồn. Nó muốn khóc nữa. Nó sợ khóc, thằng Vũ chế nhạo. Côn đứng lên, vươn vai:

- Tao về đây.

- Chiều nay, ra bờ sông, lập trận giả đánh Nhật không?

- Không.

- Sao thế?

- Tao không biết.

Côn bỏ về. Vũ ngồi nhìn theo bạn. Nó thấy dáng điệu của thằng Côn ủ rũ quá. Vũ nghĩ thầm Con Thúy là cái thớ gì mà thằng Côn sợ nó. Đến lượt Vũ không hiểu cái thớ của con Thúy, như, năm ngoái, Côn đã không hiểu, và rỉa rói Vũ. Con Thúy làm Côn bỏ đùa nghịch, chỉều nay. Vũ lại đâm ra ghét con Thúy thêm.

39

Đoàn Khất Thực đành bó tay. Dân quê mỗi ngày một kéo lên thị xã hàng đàn, lũ lượt như kiến chạy mưa. Người ta chết đói nhiều quá, khiến sự cứu tế trở thành vô nghĩa. Ngay ở thị xã, lắm nhà đã phải ăn một bữa, hay ăn cơm độn ngô, khoai. Mùa lúa mới mãi tháng năm mới được gặt. Mà, đồng ruộng nhiều vùng, Nhật đã bắt phá lúa non, trồng đay, trồng gai.

Dân quê chết như rạ, trên các lối đi về thị xã. Khu Kỳ Bá có gia đình chết đói hết. Khu cầu Kiến Xương cũng đông người thị xã chết đói. Dưới An Tập, dân nghèo bắt đầu chết. Không còn gỗ đóng ván nữa, phải bó xác chết đói mà chôn. Rồi, chiếu hết, xác chết chất hàng chục cái lên xe bò, chở tới cái huyệt lớn, chôn chung. Thoạt đầu, ty vệ sinh rắc vôi bột, trước khi lấp đất. Sau, vôi bột hết luôn. Một cái huyệt chôn chung hàng trăm xác chết đói. Người chôn xác chuyên nghiệp của thị xã làm việc quần quật. Tỉnh thuê thêm người. Chôn xác được ít ngày, những người làm nghề chôn xác lăn ra chết, vì tử khí nhập vào cơ thể họ. Thị xã nồng nặc mùi thối, dưới những cơn nắng tháng ba. Người gục chết, ba bốn hôm sau mới chở tới nghĩa địa. Thị xã sợ dịch tả, dịch hạch, tự động xúm nhau đi chôn xác chết. Người ta lấy khăn bịt mũi, dùng dây thừng buộc chân xác chết, lôi xềnh xệch, trên đường phố. Nhiều người chết giấm, chết giúi, mãi khi xác thối rữa ra, mới được phát giác.

Thị xã ngập chìm trong lo âu. Ngay cả người dư dả miếng ăn cũng sợ sẽ bị chết đói. Nỗi sợ khiến dân thị xã quên thưong xót đồng bào ruột thịt..

Nhật vẫn không mảy nay xúc động. Ngựa của Nhật thả cửa ăn thóc. Dân Việt Nam chết đói ngổn ngang. Nhật không quên đi lùng bắt những người chống Nhật. Bên kia cầu Bo, nhiều cảnh chết thật quặn lòng. Những trẻ thơ nhay vú mẹ, nhay mãi mãi mà không biết mẹ đã chết. Những cái vú sữa lép kẹp. Trẻ thơ vừa nhay, vừa khóc, rồi gục đầu trên vú mẹ mà chết. Xác chết chồng lên nhau, Chết không giăng giối. Chết không biết là chết. Mới mở mắt thều thào, quờ quạng, vài phút sau đã chết. Ngồi mà chết. Ngồi bó gối, đầu đội nón lụp xụp, tưởng còn sống, đem cơm cho ăn. Đến nơi, mới biết đã chết tự lúc nào. Cố đứng dậy bước, đói quá, chết ngã úp mặt. Một trận chết đói khủng khiếp nhất nhân loại, đã diễn ra ở Thái Bình.

Dưới gầm cầu Bo, vì mùa nước cạn, dân quê tập trung một số dưới đó, để trốn rét, để trốn đói, và chờ chết. Không ai ngăn cản nổi. Thị xã biến thành mỗt thành phố dã man kiếp nào. Đói quá đỗi, dân quê đâm ra liều lĩnh, để tranh sống. Cảnh vồ bánh trái diễn ra hàng ngày, ở chợ búa. Người vợ bán hàng, chồng con cầm đòn gánh giơ sẵn, đề phòng bị vồ. Dân đói bất chấp, cứ lao vào vồ. Chiếc bánh cầm trong tay, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Những chiếc đòn gánh phang túi bụi. Không biết đau. Cứ nhai, và nuốt. Ăn xong cái bánh, thì chết đòn. Chẳng ai kết tội sát nhân. Cơn đói giết người, và người giết thả cửa. Nhà nước không bắt bỏ tù ai đánh những ngưởi cướp giật đến chết.

Chợ búa vắng hoe, vì tai nạn vồ cướp. Mua cái bánh đa nướng, giấu trong áo mang về, vẫn bị dân đói chạy xô tới, đập vào ngực vỡ nát cái bánh, để xúm nhau nhặt từng mảnh vụn mà ăn. Bọn thằng Côn không dám đến khu Kỳ Bá nữa. Mấy lần đem gạo, cơm, bánh cho mẹ con thằng Vọng đều bị cướp giật. Khu Kỳ Bá chẳng còn gì để ăn chờ mùa lúa mới. Bao nhiêu cây chuối và củ chuối bị chặt và đào hết.

Chó mèo không thấy tăm hơi đâu. Chắc là bị ăn thịt rồi. Vũ và Côn đều thương Vọng lắm. Chúng nó bàn cách nắm cơm mang tới nhà Vọng. Hai hôm nay, bọn thằng Côn không vào nhà Vọng, vì chúng nó tin rằng gạo chúng nó mang cứu giúp Vọng còn đủ dùng. Cũng hai hôm nay, số người chết đói tăng lên gấp bội. Côn lo cho mẹ con Vọng quá.

Nó hỏi Vũ:

- Mày nghĩ được kế nào chưa?

Vũ đáp:

- Chưa.

Con nhà Luyến giục toáy. Thằng Lộc đòi dùng gậy, đánh nhau với những người cướp giật. Vũ sốt ruột:

- Để im tao nghĩ kế.

Nó gõ ngón tay lên trán một lúc, rồi reo to:

- Có kế đây.

Lũ bạn nhao nhao:

- Kế gì, kế gì?

Vũ xoa tay:

- Chúng mình đóng cái hộp gỗ hai ngăn. Dưới đựng mười nắm cơm, trên bày đá. Tao giả vờ kéo, túi quần tao nhét cái bánh chưng. Chúng mày cũng đem bánh chưng. Đến ngõ nhà thằng Vọng, chúng mình cho bánh, rồi kéo cái hộp đá vào nhà nó, thì hết bị cướp giật. Dân đói cướp đá làm khỉ khô gì!

Côn khen Vũ rối rít. Chúng nó bắt tay vào việc cứu trợ thằng Vọng liền. Côn nhờ mẹ thổi cơm, nắm giùm nó. Vũ tìm gỗ đóng hộp. Luyến, Lộc, Long chạy về nhà kiếm bánh chưng, bánh dầy khô. Một tiếng đồng hồ sau, bọn thằng Côn đã kéo lê cái hộp gỗ, chở đầy đá, khỏi cống Kỳ Bá. Chúng nó hồi hộp. Ngực thằng nào cũng đập thình thình.

- Nhỡ họ cầm cái hộp, họ ném tung lên, thì sao hở, Vũ?

- Tao đóng đinh chắc lắm. Hộp cơm nắm này, mẹ con thằng Vọng ăn dè được hai ngày. Có đứa nào gói muối theo không?

- Có.

- Tao sợ quá.

- Sợ thì mày về đi, Lộc ạ!

Vừa tới ngõ nhà Vọng, Luyến nói:

- Hôm kia, bị cướp giật ở chỗ này.

Bỗng Lộc hét:

- Eo ơi!

Nó nhắm mắt, chỉ tay. Vũ và Côn nhìn chỗ Lộc chỉ. Hai cái xác chết nằm bên nhau. Vũ nói:

- Bịt mũi lại đi, thở bằng mồm nhé, tụi mày nhé!

Chúng nó rảo bước. Bốn thằng gặp thêm cả chục xác chết. Cứ vào sâu trong ngõ, lại gặp xác chết nhiều hơn. Vũ bịt mũi chặt, giọng nó khàn khàn:

- Họ chết hết rồi.

Vũ chạy. Chiếc hộp rớt đá ngổn ngang. Chúng nó đã đứng trước cổng nhà thằng Vọng. Côn réo:

- Vọng ơi!

Không có tiếng Vọng trả lời.

- Vọng ơi!

- Vọng ơi, chúng tao đem cơm cho mày, hôm nay không bị cướp giật đâu.

Im lặng. Tiếng thằng Côn vang xa. Lộc xanh mặt:

- Hay thằng Vọng đã chết đói?

Vũ cáu tiết:

- Chết đói cái củ thìu biu!

Nó buông sợi dây kéo cái hộp, chụm hai bàn tay, gân cổ gọi:

- Vọng ơi! Vọng ghẻ tầu ơi!

Sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt năm đứa trẻ. Vũ đẩy cái cổng tre xiêu vẹo:

- Chúng mình vào đi, chắc nó ngủ say.

Năm đứa, ngại ngùng, đi vào sân. Rồi, chính nó mở tấm liếp. Vũ ngó trước. Nó quay ra ngay:

- Mẹ thằng Vọng nằm co quắp trên ổ rơm, chúng mày ạ!

Côn hỏi:

- Nó đâu?

Vũ lắc đầu:

- Tao không thấy.

Luyến và Lộc khênh cái liếp đóng cửa, xích một quãng. Ánh sáng lùa vào gian nhà. Vũ nhắm mắt lại. Giọng nó lạc đi:

- Mẹ… nó… chết… rồi…

Côn chạy xuống bếp. Nó lại réo:

- Vọng ơi!

Lộc lắp bắp:

- Tao bảo nó đã chết, thằng Vũ không tin.

Vũ quát:

- Nó không chết, thằng Vọng không chết…

Vũ ôm mặt, khóc hu hu. Côn khóc theo. Và, năm đứa khóc nức nở. Không có thằng Vọng ở nhà, nó đi đâu chết rồi. Mẹ nó đã chết đói, đang nằm co quắp trên ổ rơm. Chắc nó đi cướp cơm về cho mẹ ăn. bị người ta đánh chết. Năm đứa trẻ nhìn nhau. Những đôi mắt sũng nước, cùng long lanh hình ảnh thằng Vọng và cuộc đời hẩm hiu của nó.

Đứng ngẩn ngơ một lúc, Vũ bước vào gần cái ổ rơm, kéo chiếc chiếu đắp lên xác mẹ thằng Vọng. Chúng nó ném quà bánh đem biếu Vọng quanh cái hộp cơm, rồi lủi thủi ra về. Khuôn mặt chúng nhễ nhãi nước mắt.

40

Chết đói xong là chết no, chết dịch. Cơn ác mộng đã qua. Tỉnh lỵ lại mang cái vẻ bình thản muôn đời của nó. Vẻ bình thản đánh đai lấy cuộc sống người dân thị xã. Sóng gió đang nổi ở đâu xa lắm. Chứ, ở thị xã Thái Bình, sóng ngầm chỉ xô giạt trong lòng một vài người. Hầu như không ai muốn nhớ tới nạn chết đói mấy tháng trước. Dân Thái Bình chết cả mấy chục vạn người. Có làng bị chết đói hết.

Côn thì không thể quên Vọng. Thằng Vọng cũng bị chết đói. Côn tưởng chừng gia đình nó có người chết đói khổ sở, đau đớn. Tháng rồi, dưới giàn hoa thiên lý nhà thằng Vũ, Luyến buột miệng nói Giá chúng mình rủ thằng Vọng về nhà chúng mình ở, chắc nó không thể bị chết đói. Cả Côn và Vũ đều ân hận. Dễ dàng thế, mà Côn và Vũ không nghĩ ra. Thằng Vọng chết đói, sẽ chẳng bao giờ được leo lên vồng cầu Bo, xem Nhật xúc đất, kéo xe bò. Nó sẽ chẳng bao giờ được thấy thầy Đàn, thầy Hoan tát sĩ quan Nhật hộc máu mồm giữa phố. Ta sắp đánh Nhật. Côn tin tưởng ngày thầy Đàn trở về Thái, hiên ngang như Trần Quốc Tuấn trên sân khấu kịch của hướng đạo. Ngày ấy, chắc vui lắm.

Mùa hạ năm nay thật buồn tẻ. Hoa phượng vẫn nở, mầu hoa không rực rỡ. Tại học trò đã nghỉ học trước hè, nghỉ từ tháng ba chết đói. Loài ve sầu rên rỉ mỏi miệng, cũng chẳng ai thèm cảm xúc. Có lẽ mùa hạ sang năm sẽ buồn tẻ hơn. Cồn hồi tưởng những mùa hè năm xưa, mà thương tiếc. Chắc chắn, không còn những trận đá bóng sôi nổi, với An Tập, trường Tầu. Vọng đã mang theo sân cỏ xuống đất sâu. Mất Vọng! Bóng tròn hết quyến rũ đôi chân thằng Côn. Tại Nhật hết. Nhật sang Thái Bình, gây nên bao điều khốn khổ.

Côn nắm quả đấm, thụi lên mặt bàn. Cha nó ngồi đọc sách gần đó, ngạc nhiên:

- Con làm sao thế?

Côn rươm rướm nước mắt:

- Thằng Vọng chết đói, bố ạ!

Cha thằng Côn gỡ cặp kính trắng, dụi mắt:

- Con nói bố nghe rồi mà…

- Phát xít Nhật làm nó chết.

- Bố dặn con, con chả chịu nghe lời bố. Con muốn Nhật bắt cả nhà mình giết chết à?

Thằng Côn đưa hai tay ôm đầu:

- Con biết hết chuyện.

Cha nó buông rơi cuốn sách:

- Con biết chuyện gì?

Côn òa lên khóc:

- Con lớn rồi, con lớn rồi… Con biết ta sắp đánh Nhật, bố đọc giấy gì ở nhà thằng Vũ.

Cha nó đến gần chỗ nó ngồi, cầm tay nó:

- Con lớn rồi, bố không bảo con là trẻ con nữa. Nhiều việc con chớ nên biết tới.

- Con ghét Nhật. Thằng Vũ dám chửi Nhật lùn. Nó bảo, ở Hà Nội, người ta giết Nhật như ngóe. Dân Hà Nội cừ lắm, sao dân Thái Bình không cừ?

- Dân Thái Bình sẽ cừ. Thầy con đã là một người cừ.

- Thầy con sắp đánh Nhật?

- ừ, thầy con đang đánh Nhật, ở xa.

- Bao giờ thầy con đánh Nhật ở Thái?

- Sắp sửa.

Cha thằng Côn dịu dàng:

- Con thấm nước mắt đi. Đã lớn rồi, nghe chuyện người lớn phải giữ kín, hiểu chưa?

Côn rút khăn thấm nước mắt. Nó nhìn cha, mỉm cười.

- Thôi, con đi chơi đi.

Côn chào cha. Nó chạy ra đường, và đến nhà Vũ, rủ Vũ lên cầu Bo. Nước lũ đã về. Chóng ghê. Mới năm ngoái, Luyến và Côn đứng đây, nhìn nước lũ cuồn cuộn trôi ra biển.

- Con nhà Luyến, năm ngoái, đòi đóng bè chuối, thả xuống cống Đậu, ăn canh bánh đa của bác lang Tặng mày đấy.

Vũ phì cười:

- Xuống cống Đậu rửa bát à? Ông chán cống Đậu từ lâu.

Côn kéo Vũ sát bên mình:

- Mày biết chưa?

Vũ thì thào:

- Biết gì?

- Thầy mình sắp về Thái đánh Nhật.

- Thế hở?

- ừ, bố tao dặn đừng nói với ai.

Vũ xăn tay áo:

- Tao sẽ đi theo thầy.

Côn ghé miệng, kề tai Vũ:

- Dân thị xã sửa soạn đánh Nhật. Thầy mình cầm đầu. Bố tao bảo đánh đến đít rồi.

Vũ sướng rên, nhẩy cỡn:

- Tao phải trói một thằng, bắt kiến lửa, bỏ lên bụng nó, mới thích. Kiến lửa cắn rốn nó, nó giẫy đành đạch. Ông đứng ông múa mọi, và dzô tô nay, a ri ga tô.

Côn vung tay:

- Ông nhốt một thằng, không cho ăn cơm, để nó chết đói như thằng Vọng.

Hai đứa trẻ mong đợi thầy chúng nó trở về Thái. Thầy chúng, chắc chắn, sẽ chở về những mộng ước ắp đầy những con mắt chúng. Hai đứa trẻ thị xã không muốn âm thầm sống trong vòng đai bình thản. Chúng nó muốn thoát ra. Nỗi thèm khát của chúng bộc lộ rõ rệt. Bây giờ, mới đúng lúc khung cảnh bình thản của tỉnh lỵ không thích hợp với chúng nó.

- Tao dắt thằng Nhật qua nhà con Thúy, tao đá đít, con Thúy sẽ phục lăn.

Vũ vỗ vai Côn:

- Mày chắc con Thúy phục tao chứ?

Côn gật đầu:

- Nó vẫn phục mày.

Nó hỏi Vũ:

- Mày lại nhà nó chưa?

Vũ thấy Côn thoáng buồn. Nó thúc khuỷu tay vào bụng bạn:

- Tao không đến đâu. Mày đến chơi với nó đi, kẻo nó giận.

Côn thè lưỡi, liếm môi:

- Tao không thích chơi với nó nữa. Tao thề không thèm nói chuyện với nó.

Vũ gậm nhấm móng tay:

- Mày buồn cười bỏ xừ đi ấy. Bây giờ, mày thích cái gì?

Côn nín thinh. Nắng chiều chỉ còn thoi thóp trên các lùm cây bên kia sông. Dòng nước, tự nhiên, buồn bã. Như là nó chán chẩy xuôi ra biển. Nó muốn chẩy ngược về nguồn. Côn hướng mắt nhìn phía xa. Gió thổi tung tóc thằng bé. Đôi mắt nó tròn to, long lanh một niềm ao ước.

Lần đầu tiên, Côn trái lời Vũ. Côn không còn giống Vũ. Côn cũng chẳng giống Côn năm ngoái, năm xưa. Nó đứng đây, không tương tư tiếng tu hú, không nhớ những lần đóng bè qua sông. Phía xa, nó đang tưởng tượng, có thầy Đàn dạy bao nhiêu đứa trẻ yêu nước. Côn, mơ hồ, nghe tiếng nói của thầy. Và, tình nó thương thằng Vọng dâng lên, đùn cay mắt nó.

- Bây giờ, mày thích cái gì?

Côn quàng tay, bá cổ Vũ:

- Tao thích thầy mình về Thái.

Vũ xiết chặt Côn. Nắng đã tắt hẳn. Gió thổi lộng. Hai đứa trẻ tỉnh nhỏ cùng đăm đăm trông về chốn trời xa. Nơi ấy, nhiều người sắp về. Và, tỉnh lỵ sẽ hết thê lương, buồn tẻ.

Còn tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn