BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73356)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Vừa Biết Chớm Buồn (31 – 34)

12 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1226)
Những đứa trẻ Thái Bình – Vừa Biết Chớm Buồn (31 – 34)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
31

Cái lồng chim nhỏ nhắn, xinh làm sao. Lồng đan như hình cái chuông ấy. Con chim cu gáy mới đẹp chứ. Đôi mắt nó hiền hiền là. Cổ nó có những điểm lấm chấm, y hệt công phét ti rắc trên đầu con gái. Cậu Nhị, đem nó từ làng Thanh Triều lên, cho Côn. Nó đã đi nửa ngày đò, xuôi theo dòng sông Trà Lý. Cậu Nhị bảo chim cu gáy nó hay xấu hổ lắm. Vì thế, muốn nó gáy thật nhiều, thật hay, phải lấy vải che kín cái lồng. Cậu Nhị thửa hai cái cóng sứ, đeo hai bên sà ngang. Mỗi ngày, Côn đổ nước và kê vàng nuôi chim. Cậu Nhị còn bảo cho chim cu uống nước sâm, giọng hót của nó hay tuyệt cú mèo. Côn nâng niu con chim cu gáy suốt ngày. Côn muốn cho Thúy con chim. Nó chờ Thúy theo mẹ tới nhà nó mua họ, sẽ khoe Thúy những điều cậu Nhị nói với nó, về con chim cu gáy.

Thúy đã chẳng tới. Thúy giận Côn rồi. Tại Côn nổi giận phóng phi tiêu, làm chết chim khuyên của Thúy đấy mà. Côn nghĩ thế. Nó tin tài phóng phi tiêu của nó. Phóng cả năm phi tiêu, thế nào cũng chết vài chú vành khuyên.

Chắc thằng chó Hội sẽ lại cho Thúy thêm chim khuyên. Thúy chơi thân với nó. Thúy không thèm biết đến Côn nữa. Côn buồn quá. Nó phải tẩn thằng Hội một trận mới được. Có gì, ông Đốc đuổi, nó lên Hà Nội học với Vũ. Sướng chán. Tỉnh lỵ chả còn gì lưu luyến Côn. Thầy Đàn bỏ trường đi. Sân bóng, lính Nhật chiếm đóng. Lối xuống An Tập, Đoan Túc, lính Nhật đặt súng máy. Những băng đạn dài, vàng khè, trông phát sợ. Cầu Bo thì Tây cấm, không ai được dừng chân ngắm sông nước. Lính Nhật rải quân cả ở hồ Phúc Khánh. Mấy tháng trước, lính Nhật chỉ đóng tại đầu tỉnh và Câu lạc bộ. Bây giờ, lính Nhật đóng lung tung. Lính Nhật không còn vẻ hiền hòa như ngày vừa sang Thái Bình nữa. Xe hàng qua ngã tư Vũ Tiên, lính Nhật khám xét.

Từ hôm thầy Đàn khuyên Côn đừng chơi với lính Nhật, rồi bố nó bảo Nhật định bắt thầy giết chết, Côn thấy lính Nhật hung ác vô cùng. Côn chả thích đi đâu. Mà chỉ muốn đến nhà con Thúy.

Thúy không thèm chơi với Côn. Thúy không khen Côn đi xe đạp giỏi, Thúy chế Côn là xiếc Việt Nam, xiếc đi xe đạp rách tan cả quần. Côn ghét Thúy, ao ước Thúy hóa thành con quạ đen, khoang trắng.

Côn không thể ghét Thúy mãi, ghét Thúy luôn. Côn ghét Thúy một lúc, ghét Thúy khi gặp Luyến thôi. Con Thúy là cái thớ gì, mà Côn không dám ghét nó. Côn chẳng hiểu. Chỉ biết không gặp Thúy, Côn thấy nhơ nhớ. Côn thèm nói hai tiếng Thúy ạ, và nghe Thúy nói Côn giỏi ghê. Hai tiếng Thúy ạ ấm áp, cơ hồ một cơn nắng hiếm muộn, trong những ngày mùa đông lạnh lẽo.

Côn đang ngồi trên bực cửa nhà sau, nghe chim cu gáy, nhớ Thúy. Ngọc lon ton theo mẹ tới nhà nó. Côn tựa tay lên cằm, ngước mắt ngó cái lồng chim. Con Ngọc vui vẻ hỏi:

- Côn làm gì đấy?

Thằng Côn lờ đi. Nó không ưa con Ngọc. Đôi bận, Côn đã lẩm bẩm hai tiếng Ngọc ạ. Nó thấy hai tiếng này nặng nề, như tiếng dân miền bể Tiền Hải, chả lên bổng xuống trầm tí ti ông cụ nào. Thúy ạ êm ái, tựa nhạc Chiều quê của Hoàng Quý. Còn Ngọc ạ, giống hệt Anh anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu.

- Côn điếc à?

Côn nghĩ thầm, Con bà cô này đoảng vị ghê. Người ta không thèm thân, mà cứ đòi thân. Nó chẳng buồn tức con Ngọc cái tội bảo nó điếc. Côn ngồi đần mặt ra, tưởng chừng đương lạc vào một niềm bâng khuâng nào đó.

- Thúy nó ghét Côn lắm, nó xui Ngọc đừng chơi với Côn.

Côn vụt đứng dậy:

- Đây nghe rõ hết.

Ngọc nhí nhảnh:

- Côn không điếc à?

- Ừ.

- Thúy nó nói xấu Côn ghê lắm cơ. Nó bảo Côn nhặt kẹo của lính Nhật quăng.

Côn thè lưỡi, liếm môi:

- Ừ, đây biết rồi. Thằng chó Hội bịa đặt đấy. Mai, nó sẽ biết tay.

Ngọc bước lại gần chỗ Côn:

- Côn đánh nó, hở?

Côn nắm chặt trái đấm:

- Cho nó một quả quai hàm, méo miệng thôi.

Ngọc toét miệng cười. Rồi, con bé khen Côn:

- Côn là nhất.

Côn ta hất đầu, nhấm nhẳn:

- Nhất cái gì?

- Côn làn xiếc Tạ Duy Hiển, Côn dộng đầu xuống đất, Côn ném phi tiêu.

Thằng Côn bĩu môi:

- Thế mà nhất à?

Con Ngọc chưa kịp trả lời, Côn đã hỏi:

- Này, chim khuyên của thằng Hội có chết con nào không?

Ngọc ngớ ngẩn:

- Ngọc không đến nhà nó.

Côn gắt:

- Chim khuyên của con Thúy…

Nó nói nhanh:

- … Của Thúy cơ mà!

Ngọc bật cười:

- Con Thúy bảo Côn ném phi tiêu hạng bét, chả trúng con chim nào.

Đến lượt Côn ngớ ngẩm:

- Sao Thúy nó ghét Côn?

Ngọc lắc đầu:

- Ngọc chả biết nữa.

Con bè chìa tay, đưa cho Côn gói ô mai:

- Của chị Ngọc làm đấy. Côn ăn đi, ngon lắm cơ. Nao Côn lại nhà Ngọc chơi, nhé?

Côn lừng lững bỏ lên nhà, để mặc Ngọc buồn thiu, với gói ô mai trong tay. Nó phóng ra đường, đi thơ thẩn dưới những rặng hồi. Mùi trái hồi hắc hắc là. Côn lần đến đầu con phố nhà Thúy. Nó trèo lên môt cây sấu, nhìn về phía nhà Thúy. Chỉ thấy mái nhà và giàn hoa giấy không còn một cánh hoa. Côn không hiểu tại sao Thúy ghét nó. Có chú chim khuyên nào bị chết đâu. Chắc Thúy ghét Côn cái tội nhặt kẹo của lính Nhật. Côn oán thằng chó Hội quá. Nó bịa chuyện, để Thúy ghét Côn. Chắc Côn phải tẩn Hội một trận. Thằng Hội tồi hơn thằng Hách, thằng Dương. Côn muốn xin lỗi Thúy. Nó tìm được cái tội của nó rồi. Tội nói những tiếng cẩn tó, nói phét. Thúy chả trách Côn nói bậy là gì. Nhưng mà, xin lỗi Thúy, nó ngượng chết. Nhỡ con bé mắng thêm, còn ngượng gấp mười. Côn mong một trận gió lớn, thổi gẫy cây sấu. Nó sẽ ngã xuống đường, sẽ bị nằm nhà thương, bác Thụy sẽ dẫn con Thúy vào thăm nó. Và, nó sẽ xin lỗi con Thúy, thì không ngượng chết người đâu. Tưởng tượng nắm tay Thúy, Thúy cười chúm chím hai đồng tiền trên đôi má, Côn muốn ngã quá. Nhỡ ngã què, con Thúy chế nhạo là kẻ tàn tật, nó bèn không thích ngã nữa. Què chân, đi học phải chống nạng. Nạng kêu lóc cóc, nghe chán lắm. Mà, què hai chân lại khổ suốt đời.

Côn ta vội vàng tụt xuống khỏi cây sấu. Chân nó run lẩy bẩy. Nó chạy tới nhà thằng Luyến, rủ Luyến đi Hà Nội. Con nhà Luyến sướng rên. Nó quàng chiếc súng cao su vào cổ, theo Côn ra bến xe. Hai đứa nói chuyện với anh ét quen một lúc, chờ xe Con Voi khởi hành, bám cửa sau, để giang hồ Hà Nội. Anh ét tưởng hai thằng bám xe đến ngã tư Vũ Tiên thôi, nên mới cho bám. Luyến ta hí hửng. Nó sẽ gặp thằng Vũ, sẽ được bắn khỉ, bắn gấu, câu cá trộm ở hồ Gươm. Luyến thèm tia con rùa thần, xem nó có nổi lên trả Luyến viên đạn sỏi không. Côn thì chỉ ước ao xa Thái Bình, xa con Thúy. Con Thúy sẽ hóa thành con quạ. Còn nó, nó sẽ đi tìm thầy Đàn, theo thầy, để trở thành nhà cách mạng, tuy Côn chẳng hiểu cách mạng là cái gì. Hai tiếng này nghe mơ hồ, xa lạ làm sao.

Đến ngã tư Vũ Tiên, xe hàng ngừng lại cho lính Nhật khám xét. Côn bỗng nhớ hồi thằng Vũ bỏ nhà đi giang hồ cống Đậu, cha nó và dì nó cãi nhau, tìm nó khắp nơi. Côn thương cha mẹ, kéo Luyến nhẩy xuống đường. Nó vỗ vai bạn:

- Thôi, gượm hãy đi Hà Nội, mày ạ!

Luyến cụt hứng:

- Mày sợ chết đói à?

- Không, tao quên chưa viết thư cho bố mẹ tao biết tao ra đi giang hồ vạn dặm.

Luyến gật gù:

- ừ nhỉ, ông cũng quên.

Hai đứa cuốc bộ, trở về phố. Không biết bao giờ vua súng cao su Luyến mới được tia rùa thần ở hồ Gươm.

32

Mùa đông năm nay khởi đầu bằng trận mưa dầm. Mưa kéo dài liền mấy ngày. Trời thấp xuống, và đất muốn ủng ra. Không khí ẩm mốc, khó chịu vô cùng. Cảnh tượng buồn thảm, đến nỗi con chim cu gáy của thằng Côn ngại ngùng, không thèm gáy nữa. Nó cũng rét. Nó không được mặc áo len như Côn. Mùa đông chẳng có gì thú cả, ngoài cái thú lén thầy ăn lạc rang trong lớp, đang giờ học. Côn đã nghỉ ở nhà, từ hôm thầy Đàn bỏ đi. Thầy mới chưa về dạy, mà lính Nhật lại theo thông ngôn vào trường, bắt thêm hai thầy lớp ba và lớp tư. Hết sen đầm Tây bắt thầy giáo, tới lính Nhật bắt.

Lính Nhật còn bắt vài người trong thị xã. Cha thằng Côn lo lắng lắm. Luôn luôn, bố nó nhắc nhở nó đừng nói những tiếng độc lập, cách mạng. “Nhật và Tây ghét độc lập, cách mạng”. Cha nó bảo thế. Cha còn dọa “Nhật nó bắt ngưòi, nó đổ nước xà phòng cho uống, rồi nó giẫm lên bụng, nước xà phòng phọt ra mũi, tai để tra tấn”. Côn biết thêm hai tiếng tra tấn. Côn không dám ghét lính Nhật. Nó sợ rồi. Nó sợ cả những con ngựa cao lênh khênh của Nhật, thả rông ngoài bãi tha ma, ngã tư Vũ Tiên.

Côn nằm ỳ ở nhà nghe gió lạnh, buồn tẻ, và trùm kín chăn, tưởng tượng mình là hiệp sĩ Tầu, vung gươm đánh gẫy tan kiếm Nhật. Côn không dám hỏi cha, tuy nó thèm hỏi, về lính Nhật. Một ngày tạnh ráo, Côn chợt nhớ Vọng. Nó rủ Luyến đến nhà Vọng chơi. Thằng Vọng biết nhiều chuyện. Chắc nó sẽ biết chuyện lính Nhật sang Thái Bình làm gì. Khu Kỳ Bá đã có mặt lính Nhật. Lính Nhật đóng khắp thị xã, mỗi nơi chỉ có lác đác hai ba người. Lúc Côn và Luyến tới, Vọng đang đắp chiếu, nằm co tròn trên ổ rơm. Đầu nó gối lên cuốn David Copperfield. Vọng đọc đến trang gặp nhiều chữ khó, nó tức quá, gấp sách, nhét dưới gáy. Cuộc đời gian truân của con nhà David làm Vọng ấm áp, quên giá rét mùa đông. Biết bạn tới, Vọng vẫn nằm yên. Nó khoe:

- Thầy Hoan cho tao cuốn truyện tiếng Tây, bắt tao cố gắng đọc. Tao đọc thấy hay quá. Thằng David Copperfield còn khổ hơn tao.

Côn hỏi:

- Nó có biết đá bóng không?

Vọng đáp:

- Không. Nó mồ côi bố mẹ. Chả hiểu, cuối cùng, nó có sướng không.

Luyến quỳ gối cạnh ổ rơm, đưa tay lôi cuốn sách. Nó giở trang đầu, lẩm nhẩm đọc:

ừ, đói khổ phải đâu là tội lỗi

Anh cứ nghĩ mà càng thêm hổ tủi

Cảnh cơ hàn khốn nạn của chúng ta

Nuôi đi em cho đến lớn đến già

Mầm hận ấy trong lóng xương ống máu

Để mai mốt thêm hăng hồn chiến đấu

Mà hôm nay em đã nhóm trong lòng

Dưới nhũhg hàng chữ này, là mợt chữ ký ngoằn ngèo. Luyến hất đầu:

- Ai ký đây hở, Vọng?

- Thầy Hoan đấy.

Luyến lật trang thứ hai. Nó đọc lớn cho cả Côn nghe: Tặng Nguyễn Hữu Vọng, người học trò thầy thương nhất.

Luyến chớp mắt:

- Thầy mày thương mày ghê nhỉ, Vọng nhỉ?

- ừ.

- Mày có biết thầy mày, bây giờ, ở đâu không?

- Không. Trước ngày thầy tao đi, thầy tao cho tao hai chục, và bảo thế nào cũng có ngày thầy tao nuôi tao ăn học thành tài.

Côn ngồi xuống cạnh Vọng:

- Này Vọng, tại sao lính Nhật bắt các thầy?

Vọng tung chiếu ngồi dậy, mắt lấm la lấm lét:

- Nhật nó ác lắm. Nó là phát xít!

Côn nuốt nước bọt ực một cái:

- Phát xít là gì?

- Là phe trục.

- Phe trục là gì?

Vọng không giải nghĩa phe trục, mà nói nhỏ:

- Thầy tao bảo Tây là thực dân, Nhật là phát xít. Tây và Nhật là kẻ thù của ta. Ta phải đánh đuổi nó, để nước ta độc lập.

Côn há hốc miệng một lát. Nó lại biết thêm những tiếng phát xít, thực dân, phe trục. Và, nó hiểu thầy Đàn đi đánh đuổi Tây và Nhật, chứ không phải trốn tránh Tây, Nhật. Luyến thì thắc mắc những dòng chữ thầy Hoan viết, ở trang đầu cuốn David Copperfield. Nó hỏi:

- Mấy câu thầy mày viết nghĩa là gì?

- Nghĩa là thầy tao bảo đói khổ không có tội.

- Còn mầm hận ấy là mầm hận nào?

- Chắc mầm hận bị đói khổ!

Luyến ném trả cuốn sách cho Vọng. Nó lắc đầu:

- Ông đếch hiểu gì cả.

Vọng nhìn Côn:

- Thầy mày đi, có cho mày gì không?

Côn thò tay vào túi, móc ra nắm lạc rang, đưa Vọng:

- Thầy tao bảo con hãy can đảm, con phải yêu nước. Bố tao bảo thầy tao là nhà cách mạng. Mày biết cách mạng là gì không?

Vọng vê vê vỏ lạc, rồi cho vào miệng nhai:

- Cách mạng là đánh Tây, đánh Nhật, và độc lập.

Côn dụi mắt:

- Thảo nào thầy tao bảo nước ta sẽ độc lập.

Nó nói tiếp:

- Bố tao cấm tao nói đến độc lập, cách mạng.

Vọng thò tay gãi lưng:

- ừ, nói đến, Nhật nó tẩn sặc gạch. Thầy tao dặn, anh em nói nhỏ với nhau thôi.

Côn thấy Vọng cởi trần. Những cái gai ốc nổi trên da thịt nó. Côn ái ngại:

- Mày đừng chê nhé, Vọng nhé!

Vọng cười:

- Chê gì?

- Chốc nữa tao mang cho mày cái áo pun ô vơ cổ lọ của anh tao năm ngoái, mày mặc sẽ vừa, mày đừng chê, nhé!

Vọng mân mê cái mép chiếu:

- Rồi anh mày lấy áo đâu mà mặc?

Côn phát Vọng một cái thật đau điếng:

- Anh tao à? Anh tao có áo len mới. Anh tao lớn, mặc áo cũ chật ních.

Luyến nói:

- Còn tao, tao cho mày cái phu la.

Vọng nín thinh. Nó đã sướng hơn thằng David Copperfield thật. Vọng không còn cô đơn. Vọng đã hết ghẻ, Vọng chẳng biết mùa đông nữa. Cuộc đời hẩm hiu của nó đã được đắp ấm bằng những chiếc chăn hồn nhiên, tha thiết của Vũ, của Côn, của Luyến… Nếu Vũ, Côn, Luyến, Lộc, Long, mãi mãi, là hàng rào, là bóng râm, là cơn nắng của Vọng, nó sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng bị đói khổ là mầm hận. Và, lớn hơn, Vọng sẽ thấy thầy Hoan đã viết tặng nó những câu thơ vô nghĩa.

Côn không muốn ngồi bên Vọng lâu, sợ Vọng đổi ý. Nó kéo Luyến về. Lát nữa đây, Luyến có thể lại sách súng cao su đi bắn những chiếc lá chưa chịu lìa cành, hay nằm mơ mùa hạ chóng sang. Côn không giống Luyến. Nó bước xa, bỏ Luyến một quãng dài. Tâm hồn nó bị những danh từ độc lập, cách mạng, phát xít, thực dân ám ảnh. Chuyện đánh Tây, Nhật, để nước ta độc lập, mà Vọng kể, khiến nó nhớ thầy Đàn thật nhiều. Cơn gió nhẹ của mùa dông đã lùa vào mùa xuân hồn nhiên của thằng Côn. Mà nó không biết. Mà chẳng ai biết.

- Côn này, tết mày có về quê không?

- Không.

- À, con Thúy mới cãi nhau với con Ngọc.

- Kệ nó.

- Tối nay, tới nhà tao ăn ngô rang trộn mật, nhé?

- Bố tao không cho đi. Tao sợ lính Nhật.

Luyến cáu kỉnh:

- Kệ bu Nhật. Mày cứ Nhật Nhật mãi. Nhật ăn thua gì tới mình. Ngày nào tao chả gặp Nhật, nó vẫn vẫy tay chào tao. Ông đếch sợ Nhật.

Côn hích Luyến:

- Thôi, tao về đây.

Cộn đá Luyến một cái rồi bỏ chạy. Vua súng cao su móc súng ra bắn. Nó không cố tình bắn trúng Côn. Viên đạn đất nung trúng cột đèn, vỡ tan. Côn quay lại, lè lưỡi chế Luyến, rồi, vù mất.

33

- Tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, hở?

- Không, tứ tử làm lấy mà ăn.

- Tám đen ăn kết tám đỏ ăn phu, đấy nhé!

- ừ.

- Cấm tướng sĩ tượng đi đầu.

- Mỗi quân mấy đẹt đây?

- Hai.

- Đẹt ở đâu?

- Ở mũi.

- Rồi, bắt cái đi.

- Tượng. Tam tượng, cái Côn.

Luyến chia bài. Tết nhất không còn ai giận nhau nữa. Mùa xuân là mùa xum họp, đoàn tụ. Thúy đã theo mẹ đến nhà Côn, chúc tết gia đình nó. Bác Thụy mừng tuổi Côn mười đồng. Và, Thúy mừng tuổi nó một nụ cười. Nụ cười làm thân của Thúy, khiến Côn nóng bừng tai, dù đầu xuân vẫn còn lạnh lắm. Mùa đông không chịu đi. Nó nằm ăn vạ mùa xuân. Mồng một tết thiếu mưa bụi rây trong không gian. Mà chỉ có những hạt mưa hắt vào mặt, giá buốt. Chưa biết tháng mấy mùa đông mới biến mất. Cá ở hồ Phúc Khánh đã chết cóng, nổi lềnh bềnh. Côn chẳng thấy lạnh, từ lúc Thúy nhìn nó, mỉm cười. Mùa xuân chắc ấm áp, với riêng thằng Côn. Côn tháo cái lồng chim cu gáy mừng tuổi Thúy. Con bé vui vẻ nhận ngay. Thế là Côn quên phát xít Nhật, quên chuyện giang hồ Hà Nội. Sự hồn nhiên vừa bỏ nó đi được một quãng, lại trở về cùng nó, cùng mùa xuân của đất trời. Côn rủ Luyến tới nhà Thúy chơi tam cúc. Cả Ngọc nữa, bàn tam cúc đủ bốn chân.

- Cái Côn, gọi đi chứ!

Thúy giục. Con nhà Côn liếc bài Thúy. Nó ngồi cạnh Thúy, lại khéo giả vờ, nên nó biết rõ bài Thúy. Côn rút ra một cây bài, đặt xuống chiếu:

- Một cây.

Cả làng cùng rút một trong tám cây bài, úp mặt có vẽ hình xuống chiếu. Côn lật cây bài lên:

- Lính khố đen!

Lính khố đen là tốt đen. Tam cúc gồm ba mươi hai quân bài, giấy cứng. Mười sáu quân đen, mười sáu quân đỏ. Tướng ông chỉ huy mười sáu quân đỏ: Đôi sĩ điều, đôi tượng điều, đôi xe điều, đôi pháo điều, đôi mã điều, và năm tên tốt điều. Tướng bà chỉ huy mười sáu quân đen: Đôi sĩ thâm, đôi tượng thâm, đôi xe thâm, đôi pháo thâm, đôi mã thâm, và năm tên tốt thâm.

Hai cây đỏ giống nhau, kết thành một đôi. Xe pháo mã đen, hay đỏ, là bộ ba. Tướng sĩ tượng, cũng vậy. Ai cầm bài, cuối cùng còn tướng ông, tướng bà, mà làng gọi hai cây, thì tướng ông tướng bà đi… tháo tỏng. Hai cây đen, hay ba cây đen sau rốt, làng không ai bắt được, người đánh ăn kết, tức là ăn gấp đôi tiền làng. Bọn thằng Côn không bao giờ kêu đúng tên con bài cả. Chúng nó đặt tên cho từng quân.

- Vần cánh. Thúy lật bài lên.

Thúy hồi hộp nói:

- Xe đen.

Ngọc đẩy con bài vào giữa:

- Chui.

Luyến khoái chí:

- Mừng quá. Đây xe ông Lê Văn Định sơn đỏ. Xe đỏ đè xe đen.

Thúy úp con xe đen, vất lên con bài chui của Ngọc. Luyến ta hí hửng:

- Đôi cây.

Luyến chờ làng đặt bài xuống chiếu, lật lên:

- Voi đỏ.

Luyến lại ăn. Nó gọi tiếp:

- Một.

Luyến ta tướng bà, bị tướng ông của Côn bắt đúng. Côn cười:

- Hì hì, tướng ông bắt tướng bà ăn vụng. Chui đi, Luyến!

Côn khiêu khích Luyến:

- Một nữa.

Con sĩ điều, bây giờ, là chúa tể. Côn ăn luôn, và gọi ba cây. Nó vật bài liền, vì xe pháo mã điều, mất hai tướng, kể như vô địch. Mỗi người phải ăn hai cây mới hòa. Luyến ăn ba cây. Nó vất sang chỗ Ngọc một cây:

- Hai cái đẹt mũi.

Côn vất tiếp cho Ngọc một cây:

- Hai cái đẹt mũi.

Thúy nhanh nhảu:

- Côn cho Thúy nợ bốn đẹt nhé, Côn nhé?

Côn nhé, hai tiếng ấy sao mà êm ái thế. Côn lặng người đi. Nó không trả lời Thúy. Luyến đã vơ một nắm bài, xếp gọn, cầm trên tay. Nó hạch Ngọc:

- Ngẩng mặt cao cao một tí.

Ngọc năn nỉ:

- Cho nợ đi.

Luyến lắc đầu:

- Vừa mới được ván đầu, phải mở hàng, chứ.

Và, nó đẹt xấp bài cứng vào mũi Ngọc, hai cái nên thân. Ngọc xoa mũi:

- Lát thua, đừng có ăn vòi nghe chưa.

Luyên bĩu môi:

- Đây đâu thèm ăn vòi.

Nó nheo mắt:

- Đến phiên mày đẹt, Côn ạ?

Côn vơ tất cả bài lại, trang lia lịa:

- Bắt cái đi Luyến. Côn cho nợ.

Bốn đứa tiếp tục chơi tam cúc. Côn đỏ, được hoài. Thúy nợ Côn đến một trăm cái đẹt. Ngọc đã trả thù Luyến. Sau đó, chúng nó giao hẹn, lúc nào thôi, hãy đẹt một lượt. Thúy cũng nợ Luyến hai chục đẹt rồi. Gần tối, Ngọc phải về, nên bàn tam cúc tan. Chơi ba người càng thích, nhưng Luyến đã chán đánh tam cúc ăn đẹt. Nó muốn chuồn về nhà, ngồi đánh ké bất với chị nó, ăn tiền cơ. Côn rủ Ngọc ở lại, con bé khăng khăng đòi về. Luyến tính sổ nợ. Nó giơ cỗ bài:

- Thúy, giơ mũi ra! Đây đẹt nhẹ thôi.

Côn nắm lấy cỗ bài:

- Mày còn tao mười lăm đẹt, tao trừ cho Thúy.

Luyến ngó Côn, cười xỏ:

- Mày nợ gì nó mà đòi trừ? ờ, mày đẹt ông mười lăm cái đi, ông đẹt lại nó hai mươi cái. Mày bảo mày ghét con gái mà?

Côn chối bai bải:

- Tao bảo bao giờ?

Luyến lượm hạt dưa, cắn tanh tách:

- Năm ngoái, mày quên à?

Côn cứng họng, chẳng biết nói sao. Cuối cùng, nó cù nhầy:

- Hòa cả làng. Giao hẹn rồi.

Luyến cãi:

- Giao hẹn gì?

- Đang chơi bỏ về, không được đẹt.

Luyến đứng dậy:

- Từ nay không chơi với mày nữa, mày ăn gian cho con Thúy.

Luyến bỏ về. Côn giữ Ngọc lại. Con bé không chịu. Con bà cô này dễ ghét. Nó muốn cầm cỗ bài, đẹt vào mũi con Ngọc, cho sưng đỏ lên. Côn không về. Nó muốn ngồi bên Thúy, mãi mãi, để đánh tam cúc, và bênh vực Thúy. Nhưng hết người đánh tam cúc rồi. Thúy bảo hai người chơi buồn lắm, vì biết hết bài của nhau. Căn phòng còn hai đứa. Chúng nó cắn hạt dưa, ăn mứt, và nhìn nhau. Đôi mắt con Thúy, ban đêm, cũng long lanh như ban ngày.

- Côn này, Luyến nó không chơi với Côn nữa, Côn chơi với ai?

- Côn chơi với Thúy.

- Thúy không biết đá bóng.

- Cần gì đá bóng. Côn chán đá bóng rồi.

- Thế Côn thích gì?

Côn nuốt nước bọt ừng ực. Hạt dưa không làm nó khô cổ đâu. Nó muốn nói Côn thích chơi với Thúy, mà chẳng dám nói. Côn vừa bảo Côn chơi với Thúy. Tiếng thích nào khó khăn chi, mà Côn không dám nói. Nó nhón miếng mứt gừng, bỏ vào miệng:

- Muốn cho con chim cu nó gáy, Thúy đừng mở miếng vải che kín cái lồng, Thúy nhé!

- Sao thế?

- Chim nó xấu hổ.

- Nó xấu hổ thì nó không gáy à?

- ừ.

- Buồn cười nhỉ?

- ừ.

Đồng hồ trên tường điểm boong boong tám tiếng. Dưới nhà, bác Thụy đang đánh chắn. Côn bước ra cửa. Trời đã dứt mưa, và ngập đầy bóng tối.

- Côn về đây, Thúy ạ!

Tới hè, Côn ngoái cổ dặn Thúy:

- Thúy đừng chơi với thằng chó Hội, nhé!

Thúy hỏi theo:

- Sao thế, hở Côn?

Côn không đáp. Nó quấn lại chiếc khăn phu la, rồi bước nhanh. Đêm nay, Côn sẽ nằm mơ, thấy nụ cười đầu xuân của Thúy.

34

Khi những cây nêu vừa hạ, và khi vôi bột rắc dưới cửa mỗi nhà vừa sạch dấu vết, thì tỉnh lỵ chuyển mình. Dân thị xã ngủ vùi trong chăn ấm, sáng sau thức dậy, mới biết có đảo chính.

Nhật đã đảo chính Tây. Nhật chiếm tòa sứ, rút cờ tam tài xuống, kéo cờ mặt trời đỏ ối lên. Những nơi có Tây, Nhật chiếm hết. Ông Tây, bà Đầm, Tây con bị Nhật bắt giam một chỗ. Trại lính khố xanh, Nhật chỉ canh giữ chung quanh. Thị xã Thái Bình được phen kinh ngạc. Mọi nhà đóng chặt cửa. Đường phố vắng hoe. Lính Nhật phóng xe khắp đường, súng chĩa hai bên, để thị uy. Đến trưa, có lệnh dân chúng phải mở cửa, buôn bán như thường. Lệnh được những người thông ngôn bắc loa, đi trên xe cam nhông, kêu gọi. Lệnh còn nhắc đi, nhắc lại câu Quân đội Thiên Hoàng diệt thực dân Pháp, và trao trả độc lập cho nước Việt Nam.

Từ một khe cửa hở, Côn đã nhìn rõ người thông ngôn Việt Nam, đứng bên viên sĩ quan Nhật đeo kiếm, trên xe. Người thông ngôn đó tên là Ban. Ông ta được dân thị xã kính sợ, từ ngày lính Nhật sang Thái Bình. Chính ông Ban nói lớn Quân đội Thiên Hoàng diệt thực dân Pháp, và trao trả độc lập cho nước Việt Nam.

Nước ta đã độc lập. Độc lập ra sao, Côn không hiểu, nhưng nó mừng rỡ. Côn sẽ gặp lại thầy Đàn. Chẳng bao giờ nó còn thấy lính sen đầm Tây vào trường, bắt các thầy, đem về sở mật thám.

Côn hỏi cha:

- Nước ta độc lập rồi hở, bố?

Cha nó mắng:

- Con là trẻ con, biết cái gì mà nói nhảm.

- Ông Ban nói.

- Kệ ông Ban. Con lo học hành đi. Không ôn bài vở, mai mốt đi học, theo sao kịp bạn bè. Bố đã dặn, chớ nói chuyện độc lập.

- Rồi thầy con có về Thái không?

- Bố không biết. Đêm qua lính Nhật nổ súng, con chớ ra đường, sẽ bị lạc đạn đấy.

Dưới mắt người lớn, Côn vẫn chỉ là thằng con nít. Cha thằng Côn đâu biết thầy Đàn và thằng Vọng đã nhồi vào tâm hồn nó những danh từ không hề học ở trường. Những danh từ ấy đã ám ảnh Côn. Nó chỉ quên khi ngồi gần Thúy. Và, nếu cuộc sống cứ bình thản trùm kín dân tỉnh lỵ, ngày nào đó, Côn sẽ tưởng thầy Đàn là một nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp. Sự bình thản, thật sự, bị phá rối. Nhật đã nổ súng, bắt Tây nhốt một chỗ! Mấy đời nay chưa xẩy ra chuyện lạ đó. Côn biết một vài điều, mà cha nó không bao giờ tưởng tượng rằng nó đã biết.

- Bố ơi, có phải Nhật là phát xít không?

Cha thằng Côn trợn mắt:

- Mày chết, ai bảo mày thế?

Chuyện quan trọng rồi. Đến nỗi cha nó gọi nó bằng mày. Côn không dám khai cho Vọng. Nó lấm lét:

- Ở trường, mấy anh lớp nhất nói.

- Tao phải xích chân mày ở nhà. Nhật nó nghe thấy, nó rút kiếm chém mày làm hai.

Thằng Vọng đã nói đúng. Nhật hung ác lắm. Côn nín thinh, lỉnh xuống dưới nhà. Trưa hôm sau, thằng Vọng tới tìm Côn. Nó hả hê khoe:

- Nước ta độc lập rồi.

Côn bịt miệng Vọng:

- Nói khẽ chứ, bố tao sợ. Độc lập là gì hở mày?

- Là người mình cai trị người mình. Mày sang bên kia cầu Bo chơi không? Vui lắm. Nhật nó bắt Tây kéo xe bò, chở đất.

- Có bố thằng Dươung không?

- Thằng phó cẩm ấy à? Nó bị ông Ban tát hộc máu mồm, giữa phố chính. Mày đi coi Tây kéo xe bò không? Tụi trường mình kéo nhau đi coi hết.

Côn theo Vọng đi. Hai đứa rủ thêm bọn thằng Luyến. Chúng nó chạy một mạch sang bên kia cầu Bo. Ở đó, những ông Tây, mấy ngày trước còn khệnh khạng, hét ra lửa, mặt mày hốc hác, quần áo lôi thôi, chân đất, đang đào đất, xúc đất đổ lên xe bò. Những ông Tây sen đầm bị kéo, và đẩy xe bò đất, đem đổ trên đê. Bọn trẻ con đã ôm bụng cười thích chí. Lính Nhật cũng cười theo. Thỉnh thoảng, lính Nhật bắt Tây chạy thật nhanh. Mấy anh Tây đẩy xe ngã chúi mặt xuống đường. Quen đi giầy, nay mấy ông Tây đi đất, đá dăm đâm vào chân, chẩy máu, nhăn nhó. Nhiều anh chịu không thấu, cởi áo bó lấy chân. Các bà Đầm bồng bế Tây con, đứng một chỗ, nhìn chồng bị hành hạ, khóc như gi vỡ tổ. Thằng Vọng leo lên vồng cầu, hét lên:

Ai sinh ra cái xe bò

Để cho Tây phải kéo gò lưng tôm.

Bọn nhãi vỗ tay rào rào. Chúng nó bảo Vọng dạy hai câu đó. Thuộc rồi, chúng đến gần các ông Tây, lải nhải đọc. Nhiều ông Tây biết tiếng Việt Nam, xấu hổ, cúi gầm mặt. Có ông khóc hu hu. Giữa trưa, Nhật bắt đào đất, đổ đất, và không cho uống nước, các ông Tây khát lè lưỡi ra, giống hệt những con chó khát. Nhật còn bắt bà Đầm ngồi trên xe tay, chĩa súng, sai ông Tây kéo lên dốc cầu và xuống dốc cầu. Xuống dốc, xe có đà, ông Tây không biết kéo xe, bị ngã nằm bất tỉnh. Xe lật xuống vệ đường, bà Đầm ngã nhào. Nhật cười ha hả. Thằng Vọng lại hét lớn:

Ai sinh ra cái xe tay

Để Tây vất vả thế này hỡi xe.

Luyến rút súng cao su, định tia thằng Tây nhà đoan chuyên môn đi bắt rượu lậu. Thằng Tây này đã, có lần, đến nhà nó, lấy cái que sắt nhọn chọc khắp chỗ. Nó còn sừng sộ với cha thằng Luyến, đòi bắt cha nó nữa. Luyến nạp đạn. Nó kéo căng hai sợi dây cao su. Khi sắp buông tay, Luyến lại thôi. Nó thấy thương hại bọn Tây. Một người lính Nhật dùng tay chỉ trỏ, khuyến khích Luyến bắn. Nó lắc đầu. Côn đã không cười chế nhạo Tây nữa. Sự ghét bỏ của nó kể như hết. Nó bảo Luyến:

- Nhật nó đểu quá, mày nhỉ?

- ừ.

- Nó không cho Tây uống nước, tao sợ Tây chết khát mất. Hay là tao với mày lấy nước cho tụi nó uống đi.

- Nhật nó giết, mày ạ!

Côn vẫy Vọng xuống. Nó hỏi Vọng:

- Mày có dám đem nước cho Tây uống không?

Vọng trề môi:

- Kệ mẹ chúng nó. Chúng nó có thương mình đâu. Thầy tao bảo vì Tây mà dân ta khổ sở.

Côn rủ Luyến và Lộc về. Vọng nói theo:

- Tây nó còn trốn một mớ, ông sẽ đi tìm, bắt giao cho Nhật lấy tiền thưởng.

Chiều hôm ấy, lính Nhật giải các ông Tây, bà Đầm thất thế đi bộ, áo quần lếch thếch, mặt mày phờ phạc, diễu khắp phố. Dân thị xã kéo ra hai bên vỉa hè coi rất đông. Không ai nỡ ném trứng thối, cà chua ủng, hay vỏ sữa bò vào đám người chiến bại. Lính Nhật kêu gọi dân chúng hãy chỉ chỗ Tây trốn tránh. Và dọa ai chứa chấp Tây sẽ bị xử tử.

Mấy hôm sau, Nhật tóm cổ cả chục ông Tây, mặc áo tơi, đội nón mê, từ các làng xa thị xã về. Chẳng hiểu những người nông dân nào đã giúp Tây trốn tránh. Chỉ tiếc những cái mũi lõ không giấu nổi lính Nhật và thông ngôn người Việt Nam của họ. Những ông Tây trốn không thoát, bị đánh đập tàn nhẫn. Côn nghĩ tới Vọng. Nó thấy hơi hơi giận Vọng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn