BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Vừa Biết Chớm Buồn (27 – 30)

10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1188)
Những đứa trẻ Thái Bình – Vừa Biết Chớm Buồn (27 – 30)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
27

Thúy và Ngọc lại ngồi chơi rải gianh. Anh hùng Côn xuất hiện, lần này, giống tay cao bồi vừa diệt tan bọn cướp. Nó bóp chuông miệng kính coong inh ỏi, và ếp ếp ầm ỹ. Thúy nhìn ra đường. Anh hùng Côn phanh chân, nhấc mạnh bánh trước lên hè. Nó uốn éo thân hình, để giữ chiếc xe đứng im một chỗ mà không hề bị đổ. Con Thúy cười khúc khích. Côn nghe tiếng cười trong suốt của Thúy. Tâm hồn nó lâng lâng. Nó sung sướng, hỏi vu vơ:

- Thích xem xiếc Tạ Duy Hiển không?

Con Thúy ngừng chơi rải gianh, đáp trống không:

- Thích.

Côn để xe đạp ngả về bên phải, biểu diễn xuống pê đan, trong khi xe đứng dính bánh trên vỉa hè. Nó nheo mắt, luồn chân phải qua khung, biểu diễn đi xe… luồn. Nổi máu xiếc, nó ngồi chồm hổm trên yên, hai tay cầm hai bên poa nhê, hai chân nó gác lên ghi đông. Xe chạy. Pê đan và xích, đĩa quay vòng. Côn lại phanh chân, ưỡn người, dí bụng vào ghi đông. Rồi, nó cúi thấp, dùng tay lăn bánh trước, khỏi cần đạp, xe cứ chạy như thường.

Con Thúy vỗ tay:

- Hay quá!

Con Ngọc cười lớn:

-Tạ Duy Hiển con đó!

Anh hùng Côn đang bay bổng chín từng mây. Dường như trời bớt nắng. Côn hết trò xiếc đi xe đạp rồi. Xiếc của ông Tạ Duy Hiển có người đi xe đạp những ba mươi tám kiểu, Côn ta chỉ học được một vài kiểu hạng bét. Nó buồn lắm. Phải chi nó học được các kiểu đứng trên xe, nằm trên xe, đi xe bằng bánh, thì, chắc chắn, con Thúy sẽ phục nó sát đất. Anh hùng Côn lại vất xe giữa vỉa hè. Nó thọc tay vào túi quần, hiên ngang bước qua cổng nhà Thúy.

- Xem xiếc Tạ Duy Hiển chưa?

Côn vẫn hỏi trống không. Thúy biết Côn hỏi mình. Nó toét miệng cười:

- Xem xiếc kinh ghê người.

Côn liếm mép:

- Chưa xem à?

Thúy gật đầu. Đôi mắt con bé long lanh, cơ hồ hai hột nhãn vừa mới lột cùi.

- Chưa.

Anh hùng Côn mừng rơn. Nó phiệu:

- Xiếc Tạ Duy Hiển như thế đấy, Thúy ạ!

Tự nhiên anh hùng Côn nói được hai tiếng Thúy ạ. Nó chợt cảm thấy tai hơi nong nóng. Côn quay đi chỗ khác. Con Thúy mà mắng nó cái tội ai cho gọi tên người ta, anh hùng Côn sẽ ê mặt lắm đấy. Côn hồi hộp, lo lắng. Chưa bao giờ nó biết hồi hộp, lo lắng cả.

- Thế hở, Côn?

Côn quay phắt lại, hai con mắt mở to thao láo, nhìn Thúy:

- Ừ.

Thúy ném một viên sỏi ra hè phố:

- Xiếc Tạ Duy Hiển còn những gì nữa hở, Côn?

Côn chớp mắt:

- Nhiều lắm cơ. Khỉ kéo xe, múc nước. Chó ngồi xử kiện…

Thúy chặn lời Côn:

- Chó mà xử kiện à?

Côn tỏ vẻ sành sõi:

- Ông Tạ Duy Hiển ông ấy tập súc vật cừ không tả nổi. Con chó nó sủa như ông quan tòa, Thúy ạ!

Côn muốn nói đi nói lại hai tiếng Thúy ạ. Nó thấy hai tiếng này sao mà êm ái thế. Êm ái cứ y hệt Chiều quê của Hoàng Quý. Con Thúy lè lưỡi:

- Hay ghê nhỉ?

Côn thích chí:

- Ái dà, ông ấy cầm roi da quất sư tử oai nhất thế giới. Các bạn sư tử gầm gừ tợn, sợ ông Tạ Duy Hiển một vành.

Con Ngọc bắt chuyện Côn:

- Thế Côn có sợ sư tử không?

Anh hùng Côn vung tay:

- Côn hở? Côn moa phú.

Ngọc khen:

- Côn giỏi thật.

Anh hùng Côn chả khoái tí ti ông cụ nào. Giá Thúy bảo Côn giỏi thật, anh hùng Côn có thể biểu diễn thêm một kiểu xe đạp nữa. Côn hơi hơi ghét con Ngọc rồi. Ai khiến khen người ta. Rõ thối. Côn nhìn Thúy:

- Côn giỏi thật hở, Thúy?

Thúy mỉm cười. Nụ cười của Thúy ngon hơn bát lục tầu xá ban đêm. Côn chờ Thúy trả lời câu hỏi của nó. Thì con Ngọc vội hớt lẻo:

- Côn sợ ma không?

Côn rủa thầm Mày mới đúng là con bà cô, Ngọc ạ! Khốn nỗi con Ngọc không biết Côn ghét nó. Thúy vô tình nói:

- Ma ai chả sợ. Nó bóp cổ lè lưỡi à… Ma cà rồng nó hút máu người ta nữa. Eo ơi!

Côn lại thích thêm hai tiếng eo ơi của Thúy. Nó thích nói Thúy ạ, nghe Thúy nói eo ơi. Côn không còn nhớ Vũ, không cần nghĩ tới sân cỏ nữa. Côn chỉ biết Thúy khen nó giỏi, Thúy không đáng trả thù và sẽ biết tay nhau. Tự nhiên, Côn chạy ra vỉa hè, dộng đầu xuống nền xi măng, giơ hai chân lên trời. Nó dùng hai khuỷu tay lết đi một quãng. Thúy cười vang. Tiếng cười trong như pha lê. Côn, từ từ, ngả chân. Khi những đầu ngón chân bắt đầu chạm vỉa hè, nó đứng dậy rất nhanh, xoa hai bàn tay:

- Côn không sợ ma. Côn đã từng đánh nhau với ma ở nghĩa địa Vũ Tiên.

Ngọc nhanh nhẩu miệng:

- Ma nó khỏe hơn Côn không?

Côn muốn mắng con bà cô Ngọc quá thể. Phải chi không có Ngọc, Côn đã phiệu bao nhiêu chuyện để làm Thúy lác mắt. Có Ngọc, Côn đâm ra ngượng, nhỡ mình hớ, con Ngọc nó cười, Thúy cười theo thì hỏng bét. Côn lờ di, không chịu trả lời Ngọc. Khiến Ngọc giận dỗi:

- Côn làm bộ ghê.

Thúy về hùa Ngọc:

- Ừ, Côn làm bộ ghê ghê là…

Côn bỗng cụt hứng. Nó nhìn Thúy, nhìn những chú chim khuyên đang nhẩy nhót trong lồng, trên giàn hoa giấy. Đôi mắt Côn chắc giống những đôi mắt ngơ ngác của loài chim khuyên lắm dây. Nó chả hiểu phải nói gì với Thúy nữa. Côn thọc hai tay vào túi quần xoóc. Nó bước đến chỗ chiếc xe nằm phơi nắng, dựng lên, dẫn xuống đường, biểu diễn nhẩy mô tô. Khỏi nhà Thúy một quãng, Côn mới hay hai khuỷu tay nó rướm máu.

28

Tự nhiên, tỉnh lỵ có vẻ gì ngơ ngác. Chiến tranh còn xa Thái Bình lắm. Mãi tận bên Tây, bên Tầu cơ. Người lớn nói chuyện Trung Nhật chiến tranh. Trẻ con vẫn nô đùa, nghịch ngợm, chả cần biết Nãi Mộc tiến quân ra sao, Mã Chiếm Sơn chống cự thế nào. Trên vùng trời êm ả, chưa ai nghe tiếng máy bay gầm vang, như tin chiến sự Âu châu, đăng ở nhật báo.

Quân Nhật đã sang Thái Bình. Sự ngơ ngác có từ hôm đó. Quân Nhật đóng tại Câu lạc bộ thị xã. Họ canh gác ở ngã tư Vũ Tiên. Những khẩu súng chĩa về phía Tân Đệ. Lính Nhật đầu trọc, lùn tì, mắt một mí, trông hung dữ vô cùng. Người nào đeo kiếm thì oai vệ, lính gặp đứng nghiêm, hét lớn, giơ tay chào, nghe phát sợ. Dân tỉnh lỵ sợ lính Nhật, không dám tới sân vận động đá bóng, hay tới hồ tắm bơi lội, vì Câu lạc bộ gần đó. Quan Nhật đeo kiếm, ra vào dinh Công sứ dễ dàng. Ông tây, bà đầm, và các ông cẩm nể nang lính Nhật, bớt hống hách. Mới đầu, dân thị xã lo lắng. Rồi quen dần. Lính Nhật không gây sự với ai. Họ chỉ đóng quân ngoài đầu tỉnh, ít khi vào phố.

Trường học không đóng cửa. Bọn thằng Côn đi học đều. Côn thưòng rủ bạn xuống ngã tư Vũ Tiên xem lính Nhật. Lính Nhật làm quen chúng nó. Côn thấy lính Nhật cuốc đất trồng rau. Họ cởi trần, mặc quần đùi, lấy tay bóp nát phân, nhét dưới gốc mỗi cây rau. Côn lè lưỡi ghê rợn. Lính nhật cười. Họ làm việc suốt ngày, chẳng chịu nghỉ ngơi. Người vác súng canh, người tưới rau, quét dọn. Nơi lính Nhật đóng sạch sẽ vô cùng. Lính Nhật cho bọn thằng Côn kẹo; tháo đạn, đưa súng để bọn thằng Côn nghịch. Có người rút kiếm khỏi bao, chém cành cây lớn đứt dôi, ngọt xớt. Côn phục kiếm Nhật sát đất. Nó nghĩ tới những thanh kiếm trong truyện kiếm hiệp, mà nay nó mới tận mắt nhìn rõ. Lính Nhật dạy bọn Côn tiếng Nhật. Nó nói được mấy tiếng. Hễ gặp Nhật, bọn Côn cười toe toét. Giô tô nay, A ri ga tô, dù chúng nó không biết Giô tô nay, A ri ga tô là cái quái gì. Đến trường, bọn thằng Côn xí xố tiếng Nhật, bạn bè chúng nó phục lăn. Côn bỗng khoái lính Nhật. Trong mắt nó, lính Nhật anh hùng hơn lính khố xanh, và đội xếp. Lính Nhật không bắt nạt dân thị xã. Bọn thằng Côn là những người thân Nhật đầu tiên ở Thái Bình.

Học trò thị xã thích nghe Côn kể chuyện lính Nhật. Bây giờ, ít đá bóng, bơi lội. Chúng nó, đứa thì sợ lính Nhật, đứa thì bị bố mẹ cấm, không cho gần lính Nhật, nên trừ bọn thằng Côn, chả có đứa nào quen Nhật cả. Côn tả thanh kliếm Nhật rút khỏi bao, ánh sáng lấp lóe, chém sắt đứt đôi. Nó phiệu chính mắt nó đã thấy quan Nhật vung kiếm, chém cái khung xe đạp, cắt cái xe đạp làm hai, mà kiếm không hề sứt mẻ. Nó ca ngợi lính Nhật giỏi võ, quật nhau trên nền xi măng như ta quật ngóe. Bọn học trò lắc đầu, lè lưỡi.

Côn, Luyến đã được lính Nhật chở xe đạp, phóng như bay dọc phố chính. Xe đạp của Nhật đen thui, cổ lỗ, bền chắc nhất thế giới. Với Côn, cái gì của Nhật cũng nhất. Nhiều thằng bạn nó nhìn rõ lính Nhật chở xe nó, vào trường khoe rối rít. Côn nổi tiếng, vì biết nhiều chuyện lính Nhật. Dần dà, lính nhật đem cả mấy con ngựa từ Nam Định sang. Chơi với lính Nhật mãi đâm chán, lính Nhật chỉ biết gật, cười, và nói chuyện bằng tay. Khi tỉnh lỵ hết ngơ ngác, Côn bèn tìm đến con Thúy.

Nó không biểu diễn xiếc Tạ Duy Hiển nữa. Mỗi lần Côn gặp Thúy, mỗi lần nó trổ một ngón tài vặt. Hôm nay, Côn dắt quanh bụng hàng chục cái phi tiêu. Thúy đứng ở hiên, nhìn chim khuyên đang nhẩy nhót trong chiếc lồng kết đầy hoa râm bụt đỏ chói. Côn hắng giọng. Thúy lờ đi, Côn bước sát cây ngọc lan, cúi lượm mảnh sành. Nó vẽ cái đầu người to tướng, rồi xoay lưng bước ba bước dài. Nó lại xoay lưng, đối diện thân cây ngọc lan. Côn vén áo, rút ra một mũi phi tiêu. Nó phóng mũi phi tiêu thứ nhất. Cái đầu người không có mắt, mũi, miệng. Mũi phi tiêu găm vào một chỗ, trong vòng tròn. Vô tình, nó trúng khoảng mắt cái đầu người tưởng tượng. Con nhà Côn xoa tay, khẽ reo:

- Ơ, trúng mắt, mày chột rồi nhé! Ông sẽ cho mày mù.

Côn liếc Thúy. Con bé giả vờ không biết. Côn rút mũi phi tiêu thứ hai.

- Ông cho mày mù đây này!

Nó phóng mũi phi tiêu. Mũi phi tiêu găm trệch cái vòng tròn, xuống phía dưới. Côn cười hề hề:

- Gượm đã. Cho mày mù ngay, mày hết xem tài phóng phi tiêu của ông. Hì hì, trúng cổ họng chú chàng.

Côn phóng mũi phi tiêu thứ ba. Lại trệch khỏi đầu người, khoảng giữa, phía trái. Nó chạy tới đích, lượm mảnh sành, vẽ cái tai quanh mũi phi tiêu:

- Xuyên lỗ tai giùm mày, để mày đeo hoa.

Thúy muốn phì cười. Nó cố nín, chờ xem Côn còn làm những trò gì. Con nhà Côn yên chí Thúy đương khen nó ném phi tiêu trứ danh. Nó chạy ra chỗ cũ, phóng mũi phi tiêu mới. Trệch nữa. Lần này, mũi phi tiêu găm trên đầu người. Côn liếm mép:

- À, cái lược chải đầu đó. Tao sẽ rẽ ngôi cho mày.

Thúy bước xuống hè. Con bé ra gốc cây lan, lấy móng tay vẽ cái tai bên phải, lên đầu người của Côn vẽ, và nói:

- Côn cho nó đeo cái hoa nữa đi!

Côn phớn phở quá. Nó chỉ đợi Thúy lên tiếng. Con bé đã lên tiếng rồi. Côn rút mũi phi tiêu. Nó ngắm thật kỹ. Tay nó run làm sao.

Thúy giục:

- Phóng đi!

Côn gật đầu như máy:

- Để Côn nhắm cẩn tó…

Thúy trợn mắt:

- Côn nói tiếng gì đấy?

Côn nuốt nuớc bọt ực một cái:

- Quên, quên. Để Côn nhắm cẩn thận.

Mũi phi tiêu đã phóng. Nó không trúng tai bên phải của đầu người, mà lại trúng gần sát mũi tên thứ nhất. Thúy phá ra cười:

- Nó mù rồi!

Côn đứng lặng, trân trân ngó mũi phi tiêu sái đích. Nó thẫn thờ:

- Ừ, nó mù rồi…

- Côn phóng phi tiêu hạng bét.

- Côn cừ nhất trường.

- Hạng bét. Côn thua Vũ.

Côn mím môi. Trông nó thật thiểu não. Chưa bao giờ nó thiểu não như thế. Côn phân trần:

- Thằng Vũ không biết phóng phi tiêu.

Thúy bĩu môi:

- Côn tưởng Côn giỏi à? Vũ bảo Vũ phóng đâu trúng đó. Côn phóng tai, lại trúng mắt!

Thúy cười to hơn. Côn nóng bừng tai. Nó cáu:

- Thằng Vũ nói phét!

Thúy quay mặt đi:

- Côn nói bậy quá.

Côn cù nhầy:

- Ừ, bậy đấy. Đây phóng phi tiêu, Nhật còn phải lác mắt.

Thúy đua tay, bịt tai:

- Không thèm nghe nữa. Thằng Hội nó nói Côn đi nhặt kẹo của lính Nhật quăng. Lêu lêu… xấu hổ!

Côn tức không chịu nổi. Nó nghiến răng, hỏi ngớ ngẩn:

- Hạng bét, hở?

Chẳng cần chờ Thúy trả lời, Côn rút hết phi tiêu giắt quanh bụng. Nó ngắm cái lồng chim khuyên của Thúy, phóng lia lịa. Rồi, Côn chuồn mất.

Chả hiểu có con chim nào trúng phi tiêu của Côn không. Qua con phố nhà Thúy, Côn cắm đầu chạy tới nhà ông Đốc. Nó đứng bên đây đường, nhìn sang. Phố xá vắng hoe. Côn qua đường. Nó móc thanh kẹo cao su, nhai một chập. Rồi, mon men tiến gần cổng nhà Hội. Nó vớ cục gạch non, viết vào cổng sắt sơn xanh Hội ăn cứt, và nhả kẹo, gắn chặt lấy cái nút chuông điện. Chuông kêu ầm ỹ không dứt. Côn hả giận, co chân chạy biến. Nó đã trả thù cho Vũ, cái tội con nhà Hội dám mách Thúy là Vũ thó cái lồng chim khuyên của nó, hồi năm ngoái.

29

Nước lũ về đồng bằng sớm quá. Dòng sông Trà Lý ngầu đỏ phù sa. Nước chảy phăng phăng. Đứng trên cầu Bo, nghe tiếng nước xoáy dưới gầm, sợ lắm. Nước bị chân cầu cản, xiết mạnh, chắc là xi măng cốt sắt sẽ mòn vẹt. Bây giờ, đang mùa ổi. Khi những cây vải bị hái hết trái, họ hàng nhà tu hú kéo nhau lên rừng, để hè sau lại rủ nhau xuống miền xuôi, kêu nhớ thương giữa trưa nắng, cho thời gian dài ra, và không gian như tĩnh mịch thêm. Năm nay, mất mùa nhãn, thành thử nước lũ dâng cao, dân tỉnh lỵ không lo lắng mấy. Cứ bão nhiều, chẳng ngại lụt. Những trận bão vừa qua thật lớn, làm trốc cả gốc cây, tung nóc nhà. Hoa quả rụng cơ man. ổi làng Bo vẫn còn nhiều.

Ổi làng Bo ngon nổi tiếng. Ngon như lê. Cùi dầy, chỉ có một tí ruột, ăn giòn giòn là. Người Phủ Lý, Nam Định phải sang tận Thái Bình xin giống ổi Bo. Có lẽ làng Bo nhờ ổi ngon, mà cây cầu thơ mộng bắc ngang sông Trà Lý được đặt tên cầu Bo chăng?

Côn và Luyến đứng trên cầu Bo nhìn dòng nước cuốn. Con đê chạy dài xuống cống Đậu, vắng hoe. Bến tắm chả còn nhộn nhịp nữa. Luyến nghĩ tới bè chuối, năm ngoái, hồi Vũ chưa lên Hà Nội. Nó vỗ vai Côn:

- Giờ mà có bè chuối, mày nhỉ? Đếch cần chèo, cứ ngồi trên bè, cho nước chở mình đi. Nháy mắt, là đến cống Đậu.

Côn không muốn nghĩ tới bè chuối, cống Đậu. Một lần, dưới gốc cây soan tây, trong sân trường, Vũ đã nói với Côn chuyện bỏ nhà đi giang hồ, lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn, y hệt mấy thằng hiệp sĩ Tầu. Nó đang nghĩ chuyện giang hồ. Côn chán thị xã Thái Bình, chán trường học, chán nô đùa, nghịch ngợm rồi. Nó thích đi xa, đi thật xa. Vì, hôm qua, Côn vác xe đạp đến nhà Thúy, biểu diễn xiếc Tạ Duy Hiển, để làm hòa với Thúy, đã bị Thúy chế nhạo: Xiếc này là xiếc Việt Nam, Xiếc đi xe đạp rách tan cả quần. Côn xấu hổ quá, biến mất. Con bà cô Thúy đanh đá làm sao! Côn muốn nó hóa thành con quạ như, có lần, Vũ đã muốn Thúy hóa thành con nhặng. Thúy hóa thành con quạ, sẽ khổ lắm. Ai cũng ghét quạ. Quạ chả được cái tích sự gì. Tiếng kêu của nó nghe sợ. Con Thúy đã chế nhạo Côn, bằng tiếng kêu của con quạ.

- Mày nhỉ?

Luyến tưởng Côn thích cái bè chuối thả trên dóng nước lũ của nó, vội vàng ba hoa:

- Bè trôi nhanh hơn ca nô. Tao thèm ăn canh bánh đa ở nhà bà lang Tặng ghê đi ấy.

Côn lắc đầu:

- Chán chết.

Luyến cười:

- Chỉ nói phét. Mày chén canh bánh đa chuyên môn đòi thêm nước mầu. Ăn ba bát một lúc, mà bảo chán.

- ừ, hôm nay tao chán canh bánh đa.

- Thế mày thích gì?

- Ông thích phiêu lưu, mạo hiểm.

- Như con dế mèn hở, Côn?

- Ừ.

- Rồi tiền đâu ăn cơm, may quần áo?

Côn nhắc lại lời thằng Vũ đã nói với nó:

- Mày ngu quá, Luyến ạ! Bọn hiệp sĩ Tầu có thằng nào mang tiền đi giang hồ đâu?

Nó nói thêm:

- Thằng Vũ, hồi giang hồ cống Đậu, chỉ sống bằng chim sẻ rán và táo tầu của bác nó.

Luyến nghe bùi tai. Đôi mắt nó vừa mở rộng một chân trời quyến rũ. Luyến nắm lấy cái chạc súng cao su đeo lủng lẳng trước ngực:

- Ông bắn chim, bắn gà, bắn ổi, bằng bòng ăn trừ cơm.

Một mảng bèo tây lềnh bềnh trôi dưới nước. Luyến gỡ súng, lắp viên đạn sỏi, tia một phát.

- Mày thấy chưa, ông bắn vẫn kền.

Côn nhìn Luyến:

- Đi giang hồ phải ghét tụi con gái. Mày ghét tụi con gái không?

Luyến bĩu môi:

- Tao thèm vào chơi với con gái. Hôm nọ, mày không can, tao đã tia chết hết chim của con bà cô Thúy.

Côn khoe:

- Ông phóng phi tiêu chết hết chim của con nhà Hội rồi.

Côn không muốn nói đến con Thúy nữa. Nó không muốn Luyến ghét con Thúy. Nó muốn nột mình nó ghét con Thúy thôi. Côn lảng chuyện:

- Tao với mày lên Hà Nội, nhá?

- Xa quá.

- Đi bằng ô tô, xa cái khổ gì?

- Mày có tiền mua vé chứ?

- Ông đi boóng. Tao quen với thằng ét xe Con Voi của ông tài Định. Tụi mình lên Hà Nội, con nhà Vũ sẽ phục lác mắt. Thằng Vũ mới viết thư cho tao.

- Nó nói gì?

- Nó bảo nó theo thằng anh họ nó, học trường Bưởi, đi bơi ở Nghi Tàm.

- Tao muốn biết Nghi Tàm quá.

- Nó bảo anh em nó ăn cắp ổi ở Nghi Tàm. Nó còn khoe bơi thuyền ở hổ Tây. Sướng ghê.

Luyến nao nức chuyện Hà Nội. Chỉ cần có thằng Vũ, có bơi lội, và ăn cắp ổi, là đủ làm Luyến nổi máu giang hồ rồi.

- Thằng Vũ còn kể những gì nữa?

Côn đập khẽ nắm tay xuống thành cầu:

- Ái chà, nó đi xe điện trốn thuế; ăn bánh tôm ở Cổ Ngư; nghịch ngợm ở Voi Phục; và trêu hổ ở vườn Bách Thú.

Luyến giậm chân thình thịch:

- Giời ơi, ông thích tia khỉ ở vườn Bách Thú quá. Thầy mình, tuần trước, kể chuyện vườn Bách Thú, ở Hà Nội, có cả gấu.

Hà Nội bỗng trở thành một giấc mơ, một cái đích phiêu lưu của hai đứa bé tỉnh lỵ. Hà Nội, trong trí tưởng tượng của thằng Luyến, thật tuyệt vời. Nó nhiều trò chơi khác xa Thái Bình. Luyến thèm những trò chơi khác lạ, hơn là đá bóng, kết bè, qua sông Trà Lý, đánh nhau với bọn nhãi trường Tầu, bắn chim sẻ. Nó mơ bắn hổ, bắn gấu ở vườn Bách Thú Hà Nội cơ.

Mỗi ngày, dường như, tỉnh lỵ không còn thích hợp với chúng nó nữa. Khung cảnh cũ chật hẹp và tẻ nhạt khiến những đứa bé xa dần. Như một cơn gió xuân len lén về, một đêm nào đó, cuối mùa đông. Chẳng ai biết cả. Rồi, mùa xuân sang, cho cây cối đâm chồi, nẩy lộc. Sự hồn nhiên đã bước một chân khỏi ngưỡng cửa tâm hồn Luyến. Nó đâu có hay. Ngay tỉnh lỵ, cũng đang thay đổi, huống hồ người tỉnh lỵ.

Nghe đâu đây, có tiếng cựa quậy, chuyển mình. Tiếng cựa quậy, Côn, Luyến, Lộc, Long, Vọng không hề nghe thấy. Chắc chắn, thầy giáo Đàn đã nghe thấy, nghe rõ, kể từ ngày lính Nhật sang Thái Bình.

- Vậy, tao với mày lên Hà Nội, nhá?

- Ừ.

- Chúng mình trốn nhà ra đi.

- Ừ. Bao giờ đi?

- Vài hôm nữa.

- Tao muốn đi ngay.

Hai đứa kề vai nhau, thả bộ sang bên kia cầu. Ở đó, ổi Bo chất đống trong những cái sọt, chờ bán cho hành khách đáp xe ô tô Hải Phòng-Nam Định. Bao giờ đến cầu Bo, xe Hải Phòng-Nam Định cũng dừng lại một lát, để hành khách mua ổi hay vải, nhãn. Hành khách chỉ mê ổi làng Bo.

Luyến và Côn đang nhồm nhoàm mỗi đứa một trái ổi lớn. Xe con Ngựa Bay, rồi xe Con Sóc đã về. Sắp tới lượt xe Con Voi của ông Lê Văn Định. Hãng xe Con Voi của ông tài Định là niềm hãnh diện của bọn trẻ tỉnh lỵ, vì Con Voi dám chạy đua với con Ngựa Bay, Con Sóc, trên các đường Nam Định-Hà Nội, và Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng.

Chờ xe Con Voi về tới đầu cầu, Côn và Luyến gạ anh ét quen, để chúng đứng trên bực sau, bám chắc vào cái thang sắt, leo lên mui. Xe chạy qua cầu, qua phố chính một đoạn, rồi ghé bến. Côn phục những anh ét lắm. Cứ xe chạy một quãng xa, những anh ét mới đuổi theo, nhẩy lên. Khi xe chưa đậu, những anh ét đã nhẩy xuống, chạy theo xe cho tới lúc xe phanh lại. Xe chạy chậm, ở phố chính. Côn và Luyến giơ tay vẫy bọn nhãi, như những tay ét. Khiến bọn nhãi phát thèm.

30

Hôm nay, thầy Đàn nghỉ dạy. Học trò sắp hàng vào lớp, chờ thầy đến giờ ra chơi, thầy vẫn không tới. Ông Đốc cho phép học trò lớp nhì 2 về. Tối qua, Côn đến nhà thầy trọ thăm thầy. Thầy hỏi nó rất nhiều chuyện, khuyên nó không nên quen với lính Nhật. Năm ngoái, thầy Đàn yêu Vũ nhất lớp. Vũ bị đuổi học, thầy dành tình yêu ấy cho Côn. Khi Côn chào thầy ra về, thầy cầm chặt tay nó, dặn dò:

- Con hãy can đảm như thằng Vũ. Không xin lỗi những kẻ như lão phó cẩm, dù có chịu thiệt thòi. Thầy bằng lòng có nhiều học trò can đảm. Con phải biết yêu nước, như những thằng bé mà thầy đã kể cho các con nghe, rút trong truyện Tâm hồn cao thượng. Nước ta sẽ độc lập, con ạ!

Côn chưa hiểu độc lập là gì. Nó nhớ lời thầy dặn. Buổi chiều, Côn lại đi học. Thầy vẫn nghỉ dạy. Lúc giờ ra chơi, thằng Vọng cho Côn biết, thầy Hoan cũng không tới trường, sáng nay. Côn bỗng giật mình đánh thót một cái. Nó chợt nhớ chuyện bố thằng Huấn theo lính sen đầm vào trường, khóa tay thầy, bắt về sở cẩm, hồi năm ngoái. Côn hỏi Vọng:

- Sáng, mày vào trường sớm không?

Vọng đáp:

- Tao leo cổng vào. Tao đến sớm nhất, nên lão tùy phái chưa chịu mở khóa cổng.

- Mày thấy lính sen đầm vào trường không?

- Không.

- Lạ nhỉ?

- Lạ gì?

- Thầy tao không bị bắt, tại sao thầy tao nghỉ?

- Chắc thầy mày ốm.

Côn gật gật cái đầu. Mó rủ Luyến và Lộc đi thăm thầy. Bà chủ trọ bảo thầy chúng nó xách hành lý ra bến xe từ sáng tinh mơ. Côn buồn lắm. Nó tưởng chừng vừa đánh mất một bảo vật. Không, Côn tưởng chừng người thân yêu của nó vừa chết. Thầy Đàn đi đâu? Côn rươm rớm nước mắt, nghĩ tới những lời thầy dặn, tối qua. Nó thầm trách thầy bỏ học trò mà đi không nói, không cho biết thầy sẽ dạy ở đâu để nó viết thư thăm thầy. Côn chia tay bạn. Nó lầm lũi về nhà, chẳng thiết ăn cơm. Nó lên giường, đắp chăn ngủ, quên cả thay quần áo. Cha nó tưởng nó bị cảm, rờ đầu nó. Thì Côn khóc thút thít:

- Sao con khóc? Đứa nào đánh con? Hay bị thầy phạt?

Côn ôm lấy cánh tay cha:

- Thầy con đi rồi…

Cha nó thấm nước mắt cho nó:

- Thầy con đi có việc, thầy con sẽ trở lại.

Côn nức nở:

- Không, thầy con đi luôn. Thầy con bỏ con rồi. Con không thèm đi học nữa đâu.

Cha Côn dỗ dành mãi. Lát sau, Côn ngồi dậy, hỏi bố:

- Bố ơi, thầy bảo nước ta sẽ độc lập hở, bố?

Cha thằng Côn vội đưa tay đặt khẽ vào miệng Côn:

- Con đừng nói thế nữa.

Côn tròn mắt:

- Tại sao, hở bố?

- Mật thám sẽ bắt. Con nhớ chưa, cấm không được nói độc lập với bất cứ đứa nào. Con mà nói, mật thám nghe được, sẽ bắt con, bắt cả nhà, hốt vào nhà lao.

Trái tim thằng Côn đập thình thình. Nó vẫn hỏi bố:

- Tại sao thầy con bỏ đi?

Cha nó nhìn quanh, rồi khẽ nói:

- Thầy con là nhà cách mạng. Thầy con bỏ đi, vì sợ Tây và Nhật bắt giết.

Côn lại nằm xuống:

- Con thương thầy con.

Cha nó đập nhẹ bàn tay lên lưng nó:

- Con thương thầy con, đừng nói những tiếng độc lập, cách mạng, nhớ chưa?

- Thầy con dạy con phải biết yêu nước.

- Thầy con thương con lắm. Thôi ngủ đi, nhớ đừng nói chuyện này với bạn con.

Côn nhắm mắt. Chờ cha đi khỏi, nó lại mở mắt thao láo, nhìn lên đình màn. Côn đã biết tại sao thầy nó bỏ ngôi trường tiểu học thị xã. Thầy nó là nhà cách mạng. Thầy nó bỏ đi để làm cho nước ta độc lập đây. Côn mong độc lập. Nước ta độc lập, nó sẽ gặp lại thầy nó. Bây giờ, Côn mới ghét Tây, ghét Nhật. Tây và Nhật định bắt thầy nó giết chết, nên thầy nó phải trốn tránh. Côn sẽ không thèm chơi với lính Nhật nữa. Suốt đêm đó, Côn không ngủ. Nó chỉ chập chờn mơ màng. Thức giấc, Côn lại cầu khấn Phật Trời phù hộ thầy nó, để thầy nó khỏi bị Tây và Nhật bắt giết.

Hôm sau, Côn đến trường thật sớm. Nó ngồi dưới gốc cây soan tây. Hoa soan đã kết thành trái. Những chùm trái dài đen xì, trông đáng ghét quá. Hoa nở đỏ rực rỡ, thế mà kết trái gớm ghiếc. Côn thèm kể những gì nó biết cho Luyến nghe. Nó sợ mật thám bắt cả nhà nó. Ngồi cạnh Luyến, cơn thèm càng tăng lên. May mắn, Luyến không gợi chuyện thầy nghỉ dạy. Con nhà Luyến bị giấc mơ Hà Nội ám ảnh. Nó hích Côn:

- Bao giờ đi Hà nội hở, mày?

Côn đáp:

- Sẽ đi. Thằng Vũ nó bảo nó dám đứng trên cầu Thê Húc câu cá trộm ở hồ Gươm.

Luyến khoái chí:

- À, hồ Gươm tao biết rồi. Sách Quốc văn giáo khoa thư kể truyện hồ Gươm có con rùa thần dâng kiếm trả vua Lê. Nhân tiện thầy nghỉ, tao với mày lên Hà Nội đi.

Côn không còn thể nhớ lời bố nó dặn nữa. Nó vỗ vai Luyến:

- Thầy mình đi luôn rồi.

Luyến ngạc nhiên:

- Sao mày biết?

Côn xuỵt khẽ một tiếng:

- Tao nói cho mày nghe thôi, đừng kể cho đứa nào nghe, nhé! Mày mà kể, mật thám nó bắt cả nhà tao, lẫn nhà mày. Bố tao bảo nó sẽ giết chết.

Luyền thề:

- Ông mà kể cho đứa nào nghe, ông chết hộc máu.

Côn dặn:

- Nhớ nhé!

Luyến gật đầu lia lịa:

- Nhớ rồi.

- Tao dẫn mày vào nhà xí nói nhé?

Luyến nhìn khắp sân. Sân trường im vắng. Các lớp đã vào học. Những đứa được nghỉ kéo nhau đi bơi hay về nhà hết. Luyến nói:

- Nói đi, đếch có đứa nào.

- Mày ngó trên cây xem.

- Chỉ có quả soan tây.

Côn làm bộ quan trọng, ghé sát tai Luyến:

- Thầy mình là nhà cách mạng!

Luyến hỏi:

- Cách mạng là cái gì?

Côn nói nhỏ hơn:

- Bố tao bảo Tây và Nhật nó định bắt thầy đem giết, nên thầy trốn.

Luyến lè lưỡi. Tự nhiên, mặt nó xám xanh.

- Thầy dặn đừng chơi với lính Nhật. Mày ghét Nhật không?

Luyến vung tay:

- Ông ghét Nhật.

Hai đứa đang thì thầm to nhỏ, thấy từ cổng, cha thằng Huấn dẫn lính sen đầm đến trường. Côn nắm chặt tay Luyến:

- Hễ hé răng, mày chết đó.

Côn và Luyến đứng dậy, mon men về phía lớp học. Chúng nó đứng run lẩy bẩy, nhìn ông Đốc đưa lính sen đầm vào từng lớp. Nửa tiếng sau, lính sen đầm ra về. Ông Đốc vẫy Côn tới gần:

- Họ đến bắt thầy con.

Côn thở phào sung sướng. Thầy nó đi xa rồi. Côn lấy làm hãnh diện câu chuyện của nó. Nó thúc bụng Luyến:

- Mày tin tao chưa?

Luyến định kể cho Lộc nghe. Tận mắt nó, nó chứng kiến cảnh lính sen đầm đem khóa tay vào trường bắt thầy, nó đâm ra sợ. Luyến liếm môi:

- Tao không nói với đứa nào cả.

Hai đứa khoác vai nhau, ra khỏi sân trường. Côn ngước nhìn những quả soan tây đen xì. Và, nó tiếc những cánh hoa đỏ rực, giữa mùa hạ.

Còn tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn