BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mạn bàn về sự chính danh của lực lượng đối kháng

06 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 897)
Mạn bàn về sự chính danh của lực lượng đối kháng
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Xét về tổng thể, và trên danh nghĩa thì hiện nay ở Việt Nam chưa chính thức có phe đối lập. Nhưng trên thực tế đã hình thành lực lượng đối kháng. Trong một chế độ Dân chủ Đa nguyên, đối kháng là một tùy biến của đối lập, một khi nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh bị phá vỡ. Trong một thể chế chính trị Độc tài thì ngược lại, bao giờ đối kháng cũng phải ra đời trước, và từ đó mới hình thành phe đối lập…

Thế nào là chính danh? “Danh” là tên, còn “chính” ở đây là chính thức, chính đáng (hàm chứa sự đúng đắn). Như vậy một lực lượng đối kháng muốn trở nên chính danh thì họ phải được chính thức công nhận bởi tính chính đáng.

Bao giờ cũng vậy, bất cứ một tổ chức hay phe nhóm chính trị nào lúc mới manh nha hình thành thì đều thiếu tính chuyên nghiệp, khâu tổ chức chưa chặt chẽ, nhất là lực lượng còn hạn chế. Nhưng trong quá trình hành động, vận động, họ đã gây được thanh thế, thu hút được sự chú ý của công luận trong và ngoài nước, được quần chúng ủng hộ. Lúc đó chính là lúc họ có chính danh.

Trong chính trị và hoạt động xã hội, chính danh còn mang yếu tố chính nghĩa: Khi người ta có ý chí muốn đổi mới xã hội theo hướng tích cực, xóa bỏ bất công, chống độc tài, giành tự do dân chủ và nhân quyền về tay người dân, bảo vệ mọi quyền và lợi ích chính đáng của đại chúng, thì đương nhiên họ có chính nghĩa. Và một khi chính nghĩa phát triển thành đối kháng để giải quyết xung đột, xóa bỏ áp bức cường quyền thì chính nghĩa đương nhiên trở thành đại nghĩa. Đại nghĩa ở bất cứ thời kỳ và giai đoạn lịch sử nào cũng đáng được suy tôn…

Về tính chính danh, trong bài viết trước, tôi đã đề cập đến vấn đề “danh chính ngôn thuận cho những người đấu tranh”. Đối với cá nhân, chỉ khi có chính danh thì họ mới tự tin hành động. Và đối với một tổ chức, một phe nhóm, thì chỉ khi có chính danh người ta mới dễ bề phát ngôn và thu hút được đông đảo các thành phần xã hội tham gia.

Sau khi phổ biến bài viết “Để danh chính ngôn thuận cho những người đấu tranh…” tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi ủng hộ từ một số nhà dân chủ nổi tiếng, và một số nhà báo chuyên nghiệp trong cũng như ngoài nước. Một số câu hỏi tôi đã trực tiếp trả lời bằng email, đặc biệt có một câu hỏi khá thú vị (trích): “Tôi nhất trí với định nghĩa “nhà” và “nhà dân chủ” của anh, nhưng tại sao người ta lại dùng câu “nhà nông”? Vậy nhà nông có thể trở thành nhà dân chủ được không?

Xin được trả lời: Nhà nông hoàn toàn khác với nhà trí thức hoặc nhà dân chủ. Trong tiếng Việt thì hai chữ “nhà nông” để chỉ (chung) bộ phận nhân dân sống bằng nghề trồng trọt. Còn nhà trí thức là để chỉ (riêng) từng cá nhân làm nghề lao động trí óc và có công (đóng góp) nhất định với xã hội. Câu “nhà nông” là để nhấn mạnh về nề nếp, về văn hóa trong văn minh lúa nước. Chính vì vậy người ta không bao giờ dùng “nhà ngư” để chỉ người làm nghề đánh bắt thủy hải sản, “nhà tiều phu” để chỉ người làm nghề đốn củi chẳng hạn. Chữ “nhà” luôn mang ý nghĩa chính thống căn bản và khái quát. Nhà nông (cụ thể là một người nông dân) vẫn có thể trở thành nhà dân chủ nếu họ trải qua quá trình đấu tranh trong thực tế, đồng thời họ đã làm những công việc mang tính trí thức áp dụng vào đấu tranh.

Nhân đây cũng xin nhắc đến một khái niệm "nhà" khác là "nhà giáo": Đây là cách nói rút gọn chỉ dùng (chung) trong cụm từ "ngày nhà giáo". Nếu nói "ngày thầy giáo" cho những người làm sư phạm thì chưa chính xác, vì ngành sư phạm có cả nam và nữ (thầy, cô). Trên thực tế, một giáo viên mới ra trường thì chỉ được gọi là thầy (cô) giáo mà thôi. Đối với cá nhân một người làm nghề sư phạm mà được tôn vinh là nhà giáo, thì họ cũng phải trải qua quá trình cống hiến nhất định cho sự nghiệp sư phạm...

Đối với mỗi cá nhân hoạt động đấu tranh ôn hòa chống Độc tài, họ nên xác định rõ vị trí của mình. Họ hoàn toàn có quyền tự quyết định vị trí ấy, tỉ như vị trí nhà đấu tranh, nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến, nhà đối lập vv… Tất cả những vị trí vừa kể đều mang tính đối kháng, nhưng ở từng cấp độ khác nhau. Người ta nói đối lập mang tính đối kháng và đối kháng là tùy biến của đối lập là như vậy.

Ở Việt Nam hiện nay phe đối kháng đã hình thành, bao gồm các tổ chức đảng phái người Việt hải ngoại và các tổ chức cũng như cá nhân trong nước. Mặc dù nó chưa có một liên minh thống nhất, nhưng phe đối kháng này sẽ trở thành phe đối lập, một khi chê độ chính trị trong nước chấp nhận sinh hoạt chính trị đa nguyên. Và nó sẽ ở cấp độ đối kháng mạnh hơn, một khi nó tiếp tục bị đàn áp bắt bớ thô bạo như trong thời gian qua.

Cho dù không được chế độ Cộng Sản công nhận, nhưng phe đối kháng ở Việt Nam hiện nay đã có chính danh, tại sao lại nói như vậy? Khi một người bị kết án vì một tội xâm phạm an ninh quốc gia theo điều khoản nào đó, trước tòa đương nhiên người đó đã có chính danh. Khi một nhóm người trong một tổ chức hoặc đảng phái (tạm gọi là phản động) bị kết tội, danh xưng của tổ chức hay đảng phái của họ được công luận nhắc đến qua phiên tòa xét xử đảng A, tổ chức B, đương nhiên họ đã có chính danh. Chính danh đó có thể không chính nghĩa với chế độ Độc tài nhưng nó lại chính nghĩa với giai cấp bị trị. Như vậy đi tù không phải là việc vô giá trị, và nó có tác dụng ngược với âm mưu thủ tiêu lực lượng đối kháng của nhà cầm quyền…

Một vài năm gần đây một số nhà đấu tranh, nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến trong nước đã được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế trao tặng các giải thưởng báo chí hoặc các giải thưởng về hoạt động nhân quyền. Một số khác đã chính thức được Bộ ngoại giao các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp vv.., lên tiếng bày tỏ sự quan ngại, ủng hộ, bênh vực như các trường hợp các vị: Điếu Cày, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ…Gía trị của những động thái đó không gì quan trọng hơn là đã khẳng định tính chính danh của những người đối kháng.

Để tránh đối kháng, các nước Dân chủ chủ trương chấp nhận và tôn trọng phe đối lập. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh chính trị lành mạnh mà khu vực được hưởng lợi nhiều nhất chính là người dân. Một ví dụ khá lạc quan ở Myanmar trong thời điểm hiện nay: Cách thức triệt tiêu đối kháng mà nhà cầm quyền đang áp dụng hiệu quả, chính là việc công khai chấp nhận chính danh cho phe đối lập. Họ đang “tùy biến ngược”, tức là biến đối kháng thành đối lập để cạnh tranh chính trị lành mạnh, chấm dứt xung đột…
Trên danh nghĩa, chế độ Cộng Sản độc tài ở Việt Nam hiện nay đang có chính danh với quốc tế. Nhưng vì họ không còn chính nghĩa với đông đảo các tầng lớp nhân dân, bởi vậy họ “chính mà không chính”. Một khi chính quyền không đồng nghĩa với chính nghĩa thì sự sụp đổ ắt đang đến rất gần. Nếu họ thông minh, chấp nhận chuyển đổi cơ chế, chấp nhận sinh hoạt chính trị đa nguyên, chấp nhận đối lập, thì họ sẽ có cơ hội rút lui an toàn. Nếu không, một kết cục như Đông Âu, như Bắc Phi, Trung Đông vv.., sẽ phải đến với họ.

Lê Nguyên Hồng

06-01-2012

Theo Công Dân

Phụ lục: “Để danh chính ngôn thuận cho những người đấu tranh…”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn