
Thuốc làm khuây mấy điếu
Vài ba hớp nước trong
Suy nghĩ chuyện bao đồng
Vẫn không ngoài chuyện đói
Đầu sàn, canh bốc khói
Chén cá nức mùi thơm
Lên họa với mùi cơm
Sao mà như cám dỗ!
Bạn ta.. Bạn vừa đọc mấy câu đầu bài thơ “Con Cá Chuột Nưa,” bài thơ do người cộng sản Tố Hữu làm khi anh ta tuyệt thực ở nhà tù Lao Bảo Tháng 11 Năm 1940.
“Chuột nưa“, một loại khoai, trong thơ khoai được nấu với cá. Cá đây là cá tươi vì người tù tuyệt thực tả trong thơ: “Chén cá nức mùi thơm..”, canh là canh nóng vì canh bốc hơi, “bao đồng” là suy nghĩ ba lăng nhăng, lông bông.
Bài thơ cho ta thấy Cai Tù Thực dân Pháp ngày xưa đối xử với những tù nhân chính trị nước ta ra sao. Tù nhân tuyệt thực — không ăn — để phản đối chế độ tù đày hay để đòi hỏi quyền lợi, bọn Cai Tù Pháp để cho người tù tuyệt thực nằm yên trong phòng giam, cho nhà bếp nấu canh cá thơm phức, cơm trắng, đem vào bày trên sàn phòng tù để quyến rũ người tù bỏ tuyệt thực, làm cho người tù đói thèm quá phải bò dậy, gục đầu xuống mà ăn.
Người tù Lao Bảo Tố Hữu tuyệt thực phải tranh đấu với cái dạ dầy của y, đương sự kể:
Muốn ngủ mà không ngủ
Cái bụng cứ nằn nì:
“Ăn đi, thôi ăn đi!
“Chết làm chi cho khổ!”
Nghe hắn thầm quyến rũ
Tôi đỏ mặt bừng tai:
“Im đi cái giọng mày
“Tao thà cam chịu chết!”
Những ngày như lá, tháng như mây.. Thời gian vỗ cánh bay như quạ.. Thực dân Pháp xách va-ly lên tầu bay, xuống tầu thủy về nước năm 1956. Năm 1954 những người Cộng Sản Việt Nam đưa quân đội của họ vào Hà Nội, năm 1975 họ cho binh sĩ của họ vào Sài Gòn. Họ rêu rao Việt Nam độc lập, thống nhất và nước Việt Nam Độc Cờ Máu có số nhà tù nhiều gấp trăm lần số nhà tù thời Pháp thuộc, có số tù nhân nhiều gấp ngàn lần số tù nhân năm xưa bị Thực dân Pháp bỏ tù, đời sống của người dân Việt Nam trong gông xiềng của cái gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa” đói khổ, cay cực, sợ hãi, mất an ninh, khốn khổ khốn nạn nhiều lần hơn thời họ bị ngoại nhân đô hộ, cuộc sống và cái chết của những người Việt bị tù khi nước họ độc lập — những người Việt Nam bị những người Việt Nam Cộng sản bỏ tù, giết — thê thảm nhất trong lịch sử thảm họa của dân tộc.
Năm 1940 khi tù nhân chính trị tuyệt thực, Cai Tù Pháp dụ dỗ họ bỏ tuyệt thực bằng cách dọn cơm canh ngon, nóng, mời tù ăn. Những năm 1960, 1970, 1980.. khi tù nhân chính trị Việt Nam tuyệt thực, Cai Tù Việt Cộng — Việt Cộng cũng là người Việt — đối xử với những tù nhân đồng bào ruột thịt của họ như thế nào?
Mời bạn đọc bài thơ Nguyễn chí Thiện làm trong Hỏa Lò Hà Nội năm 1982:
Tuyệt thực
Nói chi rừng núi âm u
Ngay giữa Hỏa Lò Hà Nội
Bất cứ người tù nào tuyệt thực
Cộng sản cấm uống lập tức!
Chiếu chăn thu thẳng
Bắt nằm không trên sàn xi-măng
Sát ngay hố xí
Ra lệnh cho tự giác canh kỹ
Cấm mọi người trò chuyện, can khuyên
Ai vi phạm cùm liền
Nhiều thanh niên bỏ mạng!
Đây không phải tuyệt thực đấu tranh gì với Đảng
Mà vì chuyện riêng gia cảnh
Chán đời muốn chết đi cho rảnh!
Nhưng Cộng sản coi đó là đấu tranh
Cần phải cho chết nhanh!
Người tuyệt thực muốn ăn
Cũng còn khó khăn
Phải làm đơn nhận khuyết điểm, xin ăn
Xin lỗi Đảng
Rồi sau đó kỷ luật cùm hàng tháng!
o O o
Để khủng bố tinh thần tù nhân, làm cho tù nhân sợ không dám tuyệt thực, Cai Tù VC bắt người tù tuyệt thực phải chết thê thảm bằng cách “Cấm không cho người tù uống nước.” Con người có thể nhịn ăn đến lả dần mà chết nhưng không thể nhịn uống. Trong chế độ tù đày cộng sản người tù cứ tuyệt thực là bị Cai Tù VC giết chết, công khai, lạnh lùng, tàn nhẫn, quyết liệt, không chút nương tay, bọn Cai Tù VC bắt người tù tuyệt thực phải chết, chúng công bố việc bắt chết đó cho tất cả những tù nhân khác biết.
Thơ Tố Hữu cho thấy người tù Tố Hữu tuyệt thực chống Pháp ở Nhà tù Lao Bảo năm 1940 có thuốc hút, có nước uống thoải mái, đã nước mà còn là nước trong — “Vài ba hớp nước trong..” — cơm canh đưa đến tận chỗ nằm, muốn ăn là ăn. Bốn mươi năm sau, năm 1979 người tù chính trị Nguyễn Mạnh Côn của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa tuyệt thực ở Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc, lập tức ông bị Cai tù VC Xuyên Mộc giam riêng một nơi, không cho uống nước cho đến chết, thân xác ông nằm lại rừng già Xuyên Mộc.
Tù nhân chính trị Nguyễn Mạnh Côn tuyệt thực đòi VC phải cho ông ra khỏi tù, ông nói án cải tạo của ông là ba năm; bị bắt Tháng 4 năm 1976, ông ở tù đến giữa năm 1979 là đã ba năm; VC không thả ông, ông tuyệt thực phản đối, đòi thả. Từ khi nghe tin ông bị bọn Cai Tù VC giết chết ở Trại Tù Xuyên Mộc tôi vẫn thắc mắc không biết ông đàn anh văn nghệ của tôi căn cứ vào đâu mà nói rằng án cải tạo của ông là ba năm. Hai mươi năm sau ngày ông chết thảm trong tù ngục VC, khi bánh xe biệt xứ đưa tôi đến Rừng Phong, Hoa Kỳ, đọc Nhà Tù, Hồi Ký của Duyên Anh, tôi mới biết:
Nhà Tù. Hồi Ký Duyên Anh, Nhà Xuất Bản Xuân Thu, bản in năm 1987. Trang 514. Trích:
… Đến ngày thứ mười, một cán bộ hồ sơ đến phòng, mở rộng cửa “làm việc” với chúng tôi. Chiếc bàn gỗ kê sát cửa. Anh ta gọi tên từng tù nhân và yêu cầu tù nhân bước đến gần bàn, đứng nghiêm chỉnh, đọc sơ yếu lý lich của mình để anh ta xem hồ sơ ghi đúng hay sai. Mỗi tù nhân riêng một hồ sơ đựng trong một tấm bìa. Đằng Giao, Nguyễn Mạnh Côn “can tội văn nghệ sĩ phản động,” cán bộ hồ sơ xác nhận đúng. Anh ta nói thêm:
- Các anh đi lao động cải tạo đúng ba năm thì về. Còn vài tháng nữa thôi. Án phạt tính từ ngày các anh bị bắt.
Ngưng trích.
Theo tôi, anh Côn là người cực khổ nhất trong số những văn nghệ sĩ Sài Gòn bị VC bắt vào tù. Khi bị bắt năm 1976 anh đã ngoài sáu mươi, anh nghiện thuốc phiện từ những năm anh mới ba mươi. Người nghiện trẻ hay già khi không có thuốc phiện, đều bị vật — bị hành hạ về thân xác, bị đau đớn — cực kỳ ghê rợn. Những đau đớn ấy như cảm giác Thiền, chỉ ai đau nó mới biết, không thể tả được. Tôi có một thời “đăng hỏa,” tôi có thời cũng là Lính của Cô Ba Phù Dung như anh Côn, tôi từng qua vài cơn vật vã vì “thiếu thuốc phiện.” Chỉ mới là “thiếu” tức không được hút một bữa. Dù những cơn bị thuốc phiện vật của tôi chỉ qua loa thôi tôi cũng đã biết thế nào là cảnh chết đi, sống lại, cảm giác sống không sống được, chết chẳng chết cho của người nghiện thiếu thuốc. Bị vật ở nhà đã khổ rồi, người nghiện bị vật trong tù khổ cực gấp ngàn lần. Tôi biết anh Côn đã phải qua những ngày đêm khủng khiếp như người xuống địa ngục. Tuổi cao, sức yếu, trong nhà tù thiếu đủ mọi thứ, anh đã chết đi, đã sống lại nhiều lần, anh đã qua được cuộc bắt buộc phải Cai Vo — Cai, không hút mà không có thuốc Cai trợ lực — và anh đã chết khổ cực trong ngục tù chỉ vì anh tin ở lời nói khơi khơi của một tên công an VC Cai Tù về án tù của anh. Anh là văn nghệ sĩ duy nhất tôi biết đã tuyệt thực trong ngục tù cộng sản và đã chết vì tuyệt thực.
Người Việt Nam ít người không biết câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương.. Người trong một nước phải thương nhau cùng..”, rồi những câu như “một giọt máu đào hơn ao nước lã..”; chúng ta vẫn nghĩ, vẫn tưởng Tây, Tầu, Nhật, Mỹ.. là người khác giống, họ không thương xót dân mình, mình với mình với nhau mình yêu thương nhau, mình là đồng bào, mình cùng một tổ tiên, mình không nỡ đối xử ác với nhau.. vv.. Trong thời kháng chiến chống Pháp Việt Minh có câu ca dao tuyên truyền:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc Pháp có thương dân mình…
Phải đến khi chúng ta được độc lập, nói rõ hơn là đến thời những người Việt đảng viên Cộng sản nắm chính quyền, khi họ có quyền bỏ tù, họ có quyền giết nhân dân, chúng ta mới thấy sự thực phũ phàng, khủng khiếp: người Việt Cộng sản tàn ác với người Việt hơn người khác giống đối xử với người Việt. Hai bài thơ bạn vừa đọc là một bằng chứng, cái chết thảm khốc của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là một bằng chứng.
Câu ca dao tuyên truyền thời kháng chiến chống Pháp của Việt Minh phải đổi thành:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời Cộng sản có thương dân mình!
Những năm 1981, 1982 đen hơn mõm chó mực, đen hơn lá đa ca dao tôi sống ở Thành Hồ, có lần tôi đọc một bài viết về nhân vật VC Võ thị Sáu — một nữ anh hùng của Việt Cộng, tên Võ thị Sáu được đặt tên cho đường Hiền Vương, một trong những đường lớn của thủ đô Sài Gòn của tôi, thủ đô tôi đã để mất. Bài viết về Võ thị Sáu đăng trong một quyển sách dậy Quốc văn của Việt Cộng, bài viết có chi tiết tả lúc Võ thị Sáu bị đưa đi hành hình ở Côn Đảo, nôm na là bị đưa ra bãi bắn:
“… Trên đường đi chị hái bông hồng dại nở bên đường, đưa cho người lính Bắc Phi, một trong những người lính giải chị đi và sắp bắn chị..”
Ra cái điều người nữ tử tù cộng sản dũng cảm tuyệt vời, đạo đức cách mạng vô sản cùng mình, tinh thần trong sáng như vầng trời vằng vặc trăng sao, biết mình đi đến chỗ chết mà lòng không hận thù, thương những người lính sắp bắn mình vì họ chỉ là những tay sai của kẻ thù mình vv..
Chi tiết ” Nữ tử tù trên đường ra bãi bắn hái bông hồng dại bên đường trao cho người lính..” làm tôi chán quá. Vẫn biết đó là bài viết tuyên truyền, nhưng tuyên gì thì tuyên, tuyên cũng phải cho có lý một chút, không thể tuyên ngu ngốc đến như thế. Em nhỏ lên ba, cụ già chín bó cũng biết không đời nào có chuyện tử tù bị đưa ra pháp trường chịu tử hình mà lại không bị trói, không bị còng tay, lại có thể đi phây phây như đi dạo mát, nhất là lại có thể dừng lại, cúi xuống hái bông hoa bên đường trao cho người lính sắp bắn mình…
o O o
Mời bạn đọc bài thơ của Nguyễn Chí Thiện tả cảnh Cai Tù VC ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa đối xử với những người Việt Nam chẳng may bị tù can tội trốn trại, thời Pháp trị gọi là “vượt ngục,” bài thơ được làm năm 1987:
Trốn Trại
Trốn trại bắn hai mạng
Dù đã giơ tay hàng
Xác phơi bên lề đường
Cho kẻ khác làm gương!
Chỉ chuột rừng là sướng
Đảng chiêu đãi cho hưởng
Một đêm no chán chường!
Sáng sau khó mà tưởng
Mắt và tai đều bay
Hai bàn chân, bàn tay
Chỉ còn xương gậm dở
Ruồi nhặng lại vớ bở
Đen ngòm trông khiếp kinh
Lũ công an rùng mình
Thuốc lá châm, nhổ khạc
Ra lệnh cho tự giác
Đem chôn hai cái xác!
Và đây là bài thơ Nguyễn Chí Thiện tả cảnh Cai Tù VC xử tử những người tù Việt Nam bị án tử hình, bài thơ được làm năm 1981:
Tòa tuyên án tử hình
Là cấm gặp gia đình
Ngay cả ngày hành hình
Gia đình cũng không biết!
Những người mang án Chết
Là xà-lim cùm miết
Họ ăn uống cũng hệt
Như những tù bình thường
Cơm nước muối thảm thương!
Sớm hôm đi pháp trường
Phải xốc nách dìu ra
Cùm lâu bước muốn ngã
Ba bốn điếu thuốc lá
Một ca con nước trà
Hai bánh ngọt bày ra
Tiêu chuẩn trước khi Chết
Phần nhiều bỏ lại hết!
Họ ngồi trong xe hòm
Mắt bịt vải đen ngòm
Tay khóa quặt đằng sau
Xe băng băng rất mau
Chở họ tới nơi bắn
Một cục giẻ để sẵn
Thường thường là giẻ bẩn
Được tọng vào tận họng
Bằng que thông nòng súng
(Phòng chửi bới lung tung!)
Đôi khi lợi bị thủng
Một dòng máu ứa ra
Dây thừng được mang ra
Những người ốm, người già
Bị ghì trói cật lực
Trói đã đủ chết thực
Bắn chỉ là thủ tục!
Bản án đọc kết thúc
Đội bắn bắn lập tức
Sáu viên đạn vào ngực
Dây thừng được chặt đứt
Xác chết liền đổ lăn
Tên đội trưởng đội bắn
Tay lăm lăm súng ngắn
Mũi giầy đá vào mặt
Lật hất phía thái dương
Bắn một phát thông thường
Gọi là phát nhân đạo!
Pháp y liền bước vào
Khám thi thể qua loa
Đội bắn đeo mặt nạ
Phòng xa bị trả thù
Lên xe về trại tù
Hưởng vại bia bổ dưỡng!
Thủ tục xử tử tù nhân được Cai Tù VC đưa từø Hỏa Lò Hà Nội vào Nhà Tù Chí Hòa Thành Hồ, y như nhau: bữa ăn cuối cùng lúc 4 giờ sáng của người tử tù ở Nhà Tù Chí Hòa thường là cái bánh bao mua từ tối hôm trước — 4 giờ sáng đường Hòa Hưng chưa có hủ tíu, công an cai tù mang gà-men trên xe đạp đi mua hủ tíu lích kích — một chai nước ngọt, hai điếu thưốc có cán, trái chanh, hay trái cóc, nhét vào mồm — đề phòng tử tù trước khi chết la mấy tiếng “ca tụng” người đã sinh ra Hồ Chủ Tịt; nhiều người tù bị nhét trái chanh hay trái cóc quá lớn vào mồm chết ngạt trước khi đến bãi bắn. 4.30 giờ sáng người tử tù bị đẩy lên xe, 5 giờ sáng bị bắn ở bãi bắn Thủ Đức. Bắn xong, xác tử tù chôn tại chỗ, thân nhân — không được báo cho biết ngày xử tử — nếu tìm được mộ có thể làm mộ chí, bia phải đề rõ tử tù phạm tội “phản quốc,” bị xử tử ngày…. Bia không ghi tội bị Công An VC đi xét đập vỡ. Bãi bắn tử tù Thành Hồ ở Thủ Đức, tử tù bị đưa lên đứng trước những thùng phuy đổ đầy đất. Tù nhân Chí Hòa có thành ngữ “lên thùng phuy” chỉ việc người tử tù bị hành quyết.
Mai sau biết có bao giờ.. ta được biết có bao nhiêu người công dân quốc gia Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản xử tử vì tội yêu nhân dân, yêu tự do, kể từ ngày 30 Tháng Tư 1975? Khi Quốc Gia VNCH còn, nhiều người chống Cộng bị chửi, bị nghi là chống Cộng để được người Mỹ chi đô-la, bị cho là dùng chiêu bài chống Cộng như một thứ nghề để sống, để có địa vị — kể ra cũng không oan, quả thật trước 1975 trong phe ta có một số người như thế — nhưng những năm sau 1975, trong tuyệt vọng, trong cô đơn, anh em ta vẫn có những người dũng cảm chống Cộng sản. Biết chống là chết, biết chết mà vẫn cứ chống, bao nhiêu anh em ta đã bị VC đưa lên những thùng phuy ở bãi bắn Thủ Đức trong những buổi sáng tinh sương khi mặt trời chưa lên trên thành phớ tang thương, khi chúng ta vẫn còn ngủ vùi.
Làm sao ta biết? Có bao giờ ta biết? Chắc sẽ không bao giờ ta biết.
o O o
Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, Ngày 28 Tháng 11, 2011.
Với tâm trạng u tối nặng những Sầu buồn, những Chán nản, tôi viết những dòng chữ này.
Năm 2011, tôi thấy ở Kỳ Hoa có tình trạng những người Việt chống Cộng bị chính những người Việt ở Kỳ Hoa miệt thi, nôm na là “khinh bỉ.” Người Việt chống Cộng ở Kỳ Hoa năm 2011 bị gọi là bọn “Hành nghề chống Cộng.” Đã có người bị kiện, bị Toà Án Mỹ xử phạt cả Triệu Mỹ Kim.
Bài viết đã đủ dài, tôi ngừng ở đây.
Hoàng Hải Thủy
05-12-2011
Theo Blog Hoàng Hải Thủy
Gửi ý kiến của bạn