BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tản mạn với thi sĩ Hà Thượng Nhân về thi sĩ Duyên Anh

24 Tháng Bảy 200512:00 SA(Xem: 1810)
Tản mạn với thi sĩ Hà Thượng Nhân về thi sĩ Duyên Anh
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Khóc Duyên Anh


Duyên Anh
Tôi tiếc biết nhau quá trễ

Hai đứa cùng ở Sàigòn
Cùng chung thế hệ
Mà sao cách biệt muôn trùng?

Tôi đọc anh mỗi chữ, mỗi dòng
Mỗi lúc thấy lòng mình trẻ lại
Mười năm trước đây nghe nói anh viết bằng tay trái
Như nghe tiểu thuyết Kim Dung
Đọc thơ anh tôi xúc động vô cùng
Tiếc không được nói một câu bây giờ tôi muốn nói
Anh là nhà thơ vĩ đại
Là con người chiến đấu, tự do
Tài năng lấy thước nào đo?
Tôi chẳng hiểu vì sao ta vô duyên đến thế?
Bởi từ nhỏ say mê văn nghệ
Yêu người thơ như yêu cuộc đời
Gặp nhau thăm hỏi nói cười
Vẫn không biết đứng trước một nhà thơ vĩ đại
Mê Đỗ Phủ viết Thạch Hào lại,
Mà không thèm biết Duyên Anh!
Tôi thẹn với mình.
Thẹn với tám mấy năm trời lăn lóc.
Bây giờ bỗng nhiên ngồi khóc

Duyên Anh


Hà Thượng Nhân


CA, ngày 8 tháng 4 năm 2005


Ngày xưa tôi tiếc không chú ý đến Duyên Anh vì tôi không ngờ một tài năng như vậy. Tôi đã nói với Vũ Đức Nghiêm: "Giá mà Duyên Anh sống lại, tôi nói với anh ấy rằng tôi cảm phục anh ấy". Tôi sướng lắm bời vì lúc bấy giờ tôi đã coi thường Duyên Anh bởi những bài viết chuyên "đả kích" ký tên Thương Sinh. Nhưng khi đọc tập thơ này thì tôi cảm nhận được ra Duyên Anh quả thật là một nhân tài. Tôi chưa bao giờ thấy một người nào viết thơ tranh đấu đạt đến bằng Duyên Anh.


Nếu so sánh với Tố Hữu hay Nguyễn Chí Thiện thì sao ạ?


Nguyễn Chí Thiện chưa phải là nhà thơ. Tôi kính phục anh ta vì anh ta là một dũng sĩ nhưng anh ta không phải là thi sĩ. Thơ của Nguyễn Chí Thiện là "matière brute". Nghĩa là vật còn nguyên khối. Cục vàng là cục vàng thôi chứ chưa được trau chuốt thành cái vòng hay cái xuyến. Thơ đó mới chỉ là khẩu hiệu, là tuyên truyền chứ chưa phải là nghệ thuật.


Tố Hữu là người rất tài. Anh ấy đã nổi tiếng rất sớm vì có lần anh ta cãi nhau với một giáo sư Pháp về chữ Quốc-Gia tức "État" và cho rằng cái "État" mà ông giáo sư Pháp nói là cái "État" của bọn giàu có, bọn tiểu tư sản chứ không phải là của nhân dân lao động, của "Peuple". Giáo sư Pháp rất tức giận: "Monstrueux communist, asseyez-vous!" (Anh cộng sản quỷ quái kia, ngồi xuống!). Sau đó anh ấy bị đuổi vì đã cầm đầu một cuộc biểu tình chống thực dân để đón Godard, là đại biểu của nước Pháp sang. Về thơ thì Tố Hữu là một người rất tài hoa. Nếu các anh có đọc các bài thơ của anh ấy viết về tranh đấu thì tuy chưa bằng Duyên Anh nhưng mà đạt lắm. Chẳng hạn như bài "Phá đường". Rõ ràng là hắn nói dối nhưng mình tưởng thật. Cái khó của người có nghệ thuật là ở chỗ đó. Nhiều bài của Tố Hữu vào thời đó thì là giả dối cả nhưng mà cái giả dối đó kinh lắm mới thấy được.


young_duyenanh1Chứ còn như Duyên Anh chẳng hạn, mấy bài mà anh ấy viết tôi chỉ sợ là báo ở đây không dám đăng thôi: chửi mấy tướng dữ dội quá. Tôi nghĩ rằng chính vì các tướng đó mới mất nước. Bắt người ta đem máy bay đi mua phở cho nhân tình ăn, đúng là có như vậy, thì làm sao mà chống lại cộng sản được? Trong hàng ngũ lãnh đạo của mình, người trong sạch ít lắm.


Ở đời có nhiều khi nổi tiếng cũng là một cái duyên cả. Có những người rất tài hoa, thí dụ như Trần Huyền Trân, các anh có nghe tiếng bao nhiêu đâu, nhưng mà anh ta rất tài hoa:


" Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió "


Viết thơ đến thế thì ghê gớm lắm. Cũng như thơ Duyên Anh có mấy người biết đến. Vì người ta chưa thấy được. Thường thường thiên hạ nói theo kẻ khác. Nếu anh không nói về Bùi Giáng, về Thanh Tâm Tuyền thì không hợp thời.


Bác từng nhận định : "Thơ Duyên Anh cần thiết phải dịch ra tiếng nước ngoài". Đã có ai làm chuyện này chưa?


Cô Mai Nguyên khen thơ Duyên Anh rất hay nhưng mà tôi không biết cô ấy có đủ sức dịch không!


Ngoài cô Mai Nguyên, bác có đề cập thơ Duyên Anh đến những người khác?


Có. Tôi có nói với Vũ Đức Nghiêm là một người yêu Duyên Anh lắm. Tôi nói rằng: "Tôi tiếc quá Vũ Đức Nghiêm à. Tôi tiếc là ngày xưa tôi không nói được với Duyên Anh một câu là tôi kính phục cậu. Cậu đúng là một nhân tài lớn của đất nước mà tôi không biết”. Cũng như ngày xưa tôi không biết mấy về anh Phạm Kim Vinh. Chỉ biết anh ấy viết văn nhưng không thấy anh ấy lớn.


Lúc nào thì bác mới thấy giáo sư Phạm Kim Vinh lớn?


Khi sang đến Hoa Kỳ thì tôi mới thấy.


Giáo sư Phạm Kim Vinh cũng là một trong những người rất phục anh Duyên Anh.


Tôi biết. Lúc đọc được các bài thơ của Duyên Anh, tôi phục lắm. Xưa nay chúng ta chưa có một người nào viết thơ đấu tranh bằng Duyên Anh được. Chưa ai.


Ý bác nói về bài thơ "Nhân Danh Những Gì Tôi Biết"?


Tôi xin nói như thế này. Tố Hữu là một nhà thơ có tiếng. Anh ấy tin vào chủ nghĩa cộng sản. Tôi không biết là anh ấy có tin thật không. Lúc đầu thì thơ anh ấy có lửa vì những lời nói chân thành. Về sau thì khác. Anh ấy biến những khẩu hiệu thành thơ một cách rất tài tình nhưng vẫn không che mắt được người ta vì có những sơ hở. Tôi nghĩ rằng Tố Hữu không thể che được cái dối trá của mình. Thơ của Tố Hữu chung chung, không sâu. Anh khóc thật nó khác mà anh khóc giả nó khác ghê lắm. Tố Hữu là một người đóng kịch giỏi. Nhưng mà Duyên Anh thì tôi cho là nhà thơ bởi vì dòng thơ làm cho mình đau đớn lắm. Cái câu thơ mà anh ấy nói về những tướng ăn chơi xa hoa trên đau khổ của người vợ lính, ăn cướp tiền tử tuất của vợ lính, những cái đó ghê gớm quá anh ạ. Mà vô liêm sĩ quá. Mình đọc mình rợn óc lên.


Tại sao cùng một lối viết mà nhà văn Duyên Anh đưa được những hình ảnh trung thực, ghê rợn ấy đến được với người đọc thành công?


Nhờ vào tài năng. Đó là một sự cảm xúc sâu xa lắm. Thí dụ như mấy ông cha, thương Chúa lắm nhưng mà thơ có ra cái gì đâu? Mấy ông sư làm thơ cũng nhiều lắm nhưng mà thơ có ra cái gì đâu? Không thấy chi là Phật cả. Đọc vào mình dửng dưng lắm bởi vì họ nói bằng trí chứ không bằng tâm. Đứa con nít nó nói tuy là rất đơn sơ nhưng có nhiều khi làm cho mình ứa nước mắt ra bởi vì nó nói bằng cả tấm lòng của nó chứ không suy nghĩ.


Chúng ta nói, chúng ta cân nhắc bằng trí óc để thuyết phục kẻ khác. Nhưng mà không thuyết phục được ai đâu. Ngoài ra tôi cũng phục Duyên Anh chỗ này. Ngày xưa Nguyễn Mạnh Côn là đàn anh của Duyên Anh. Duyên Anh phục Nguyễn Mạnh Côn lắm nhưng Duyên Anh cũng đã từng nhiều lần chỉ trích, phê phán Nguyễn Mạnh Côn. Nhưng theo tôi, Duyên Anh đúng. Có lần tôi nói với Duyên Anh: "Cậu đúng vì rằng nhà văn là thế, là nói thật". Nguyễn Mạnh Côn chưa dám nói sự thật cho nên Nguyễn Mạnh Côn không thành công. Những người có tài ghê gớm ở trong nước như anh Hồ Hữu Tường thế mà vẫn giả, không phải là thật.


Tôi thích thơ Duyên Anh vì thơ Duyên Anh thật. Khi nào anh cảm được, anh không cần biết ai khác, chỉ biết mình thôi. Đó là do mình tự hỏi lòng mình. Nếu mình thành thật, đọc bài thơ với tất cả tấm lòng của mình thì tự nhiên cảm được. Cái hay nhất của Duyên Anh là thế này: nói thật, nói rất thật. Mà cái lớn nhất của nhà văn, nhà thơ là nói sự thật. Vì chỉ có sự thật mới cảm hóa được lòng người. Mãi tới thời gian gần đây tôi mới được đọc những bài thơ của Duyên Anh. Lạ quá! Bài nào cũng hay hết anh nhỉ. Giá mà được gặp các thi sĩ Mỹ dịch thơ Duyên Anh thì hay biết mấy.


Tại sao nhiều người khen thơ Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Chí Thiện... mà ít người biết đến thơ Duyên Anh?


Vì thơ Duyên Anh không được phổ biến nhiều. Nó phải lâu lắm anh à. Cái gì cũng thế, nếu muốn thưởng thức được thì không phải ai cũng là tri âm. Thí dụ như Dostoievsky là một đỉnh cao của văn học thế giới nhưng mà mãi đến năm 1923 mới được đề cập đến một cách rốt ráo rồi được công nhận. Thật sự ra có mấy người hiểu được Dostoievsky đâu bởi vì họ không thấy được giá trị chân thật của ông ấy. Cần phải kinh qua sự lọc lõi của thời gian vì thời gian chính là thước đo. Như Truyện Kiều, không phải một sớm một chiều mà người ta thưởng thức được. Cha giảng con, thầy giảng trò rồi dần dần nó thấm vào.


Hơn nữa, bao giờ cũng thế, phải có người đi trước rồi mới có kẻ đi sau. Đó là sự mở lối, là thói quen của con người. Thí dụ người ta đang khen ông A là hay mà ta lại cứ chúi mũi khen ông B thì người ta cười mình. Mình không dám nói cái lý lẽ của mình ra là vì lẽ đó. Thế cho nên bây giờ nếu thiên hạ cứ nói ông này hay, ông kia dở, mình không dám nói ngược lại.


Người ta thường thích cái giản dị nhất, cái tầm thường nhất. Từ người con gái quê, đầu tiên chỉ biết cái màu chói lọi. Đến khi biết cái màu nhạt nhạt tức là bắt đầu biết làm dáng. Việc ấy phải cần đến thời gian. Giống như lúc đầu người ta chỉ biết có vàng thôi, mấy ai biết đế hột xoàn đâu? Biết đến hột xoàn là cao rồi đó. Thơ của Duyên Anh là có nghệ thuật rồi. Tôi có thể chủ quan nhưng vì cả cuộc đời tôi với hơn 70, 80 năm trời theo thơ nên tôi nghĩ tôi cũng có tư cách để nói lên nhận định ấy.


Tôi thật không hiểu vì sao có những người như Duyên Anh được, tài hoa quá. Tôi không thể hiểu nổi vì người thường viết được một, hai bài như thế đã ghê rồi mà Duyên Anh viết cả một loạt bài như thế này. Anh ấy không chỉ có tài thơ mà cả tài văn nữa. Tôi không được đọc hết nhưng tôi biết Duyên Anh viết nhiều lắm, viết kinh khủng lắm. Nhất là cái quật cường của anh ta làm tôi sợ đó. Một người đã bị tàn phế rồi mà còn tập viết bằng tay trái nữa. Cái chí của Duyên Anh ghê gớm quá.


Duyên Anh là một con người rất có giá trị. Đằng Giao, nhân chuyến qua Mỹ, đã nói với tôi: "Cháu cam đoan với bác là Duyên Anh nhất định không phải ăng-ten. Nhất định không phải. Nhưng Duyên Anh mà, bác còn lạ gì về tính hắn. Hắn hay sốc óc người ta lắm. Thí dụ như hắn hay nói: Ông sẽ dẫm lên xác chúng mày. Và chẳng thèm cải chính gì hết". Theo tôi, thái độ không thèm cải chính lại còn muốn nói hơn nữa là một thái độ cao ngạo, bất chấp dư luận. Duyên Anh là một thứ người tự tin mình quá đi. Tin vì người ta không thể ngờ mình như thế được. Vì mình không thể là hạng người như thế được cho nên anh ấy bất chấp cả dư luận. Tôi là tôi thôi. Những người mà họ có giá trị thật là như vậy. Tôi tử tế thì không bao giờ tôi nói tôi tử tế cả vì đó là chuyện đương nhiên rồi. Thành ra tôi nghĩ một người như Duyên Anh không thể nào là ăng-ten được. Tuy nhiên, thái độ ấy của Duyên Anh lại có sự thiệt thòi. Thật ra ngay cả lúc ban đầu tôi còn hồ nghi cho đến lúc tôi được đọc thơ Duyên Anh và được nghe Đằng Giao xác nhận: "Cháu nói, bác có tin cháu không? Bác là bạn thân của bố vợ cháu. Bác biết rằng cháu kính trọng bác. Cháu không nói dối. Duyên Anh không hề làm ăng-ten". Theo tôi, có thể vì Duyên Anh không phục ai cả. Tôi không biết rõ vì tôi không chơi thân với Duyên Anh nhưng tôi biết chắc một điều: "Người có tài như thế không phục ai được." Đương nhiên như vậy vì không thấy thằng nào đáng cho mình phục cả. Người có chí hướng như Duyên Anh hiếm lắm. Phải có tâm lắm mới viết được những vần thơ như thế vì nếu không có tâm với đất nước, với nhân dân thì không thể nào viết như thế được. Duyên Anh đã đem máu xương mình gửi trong những vần thơ.


Ngày nay đọc thơ Duyên Anh tôi cảm thấy tiếc lắm vì trước đây tôi không được đọc. Nếu không tôi sẽ viết nhiều về thơ Duyên Anh lắm. Chẳng thể nói sơ sơ như thế này được.


Bác có thể giới thiệu một nhà thơ nào phân tích thêm về thơ Duyên Anh?


Tôi sợ người ta không đủ khách quan, anh ạ. Nguy nhất là ở chỗ đó.


1/ Bấy giờ, em ơi:


Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu


Mình xa quê hương mà hỏi quê hương mình ở đâu? Tại sao trời mưa ngâu? Trời mưa ngâu vì đó là thời điểm hẹn hò của đôi tình nhân mà cả năm mới gặp nhau có một lần.


Có bao giờ em nói
Lời tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau


Ca dao là tiếng mẹ đẻ ra mình ngày nhỏ. Cái đó tha thiết lắm. Những câu thơ này thì chẳng có gì là lạ nhưng mà nó khơi dậy trong lòng người viễn xứ cả một nỗi niềm


Mùi hương nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu đòi gió
Gửi nhạc sáo lên cao


Nếu các anh có ở nhà quê các anh mới biết được. Tiếng lá mo cau mà rụng ở cuối vườn lúc nửa đêm, nó lạ lùng lắm. Anh nhà quê thường đi lượm mo cau về để đựng cơm nếp muối vừng đem theo đi học trường xa. Cái mo cau là cả một kỷ niệm. Các câu thơ nhắc đến hoa cau, diều nâu, nhạc sáo… đã gợi nhớ đến thời trai trẻ. Ban đêm anh đi đâu về nghe thoang thoảng mùi thơm của hoa bưởi, hoa cau trước sân nhà. Đó là quê hương. Là tuổi trẻ.


2/ Sàigòn trường ca:


Hay lắm. Những bài thơ như thế nàu không hay sao được. Ghê gớm quá! Mấy người nói được như thế đâu. Duyên Anh dài hơi lắm. Bài "Tỳ Bà Hành" của Bạch Quy Dị có 88 câu thôi nhưng mà được xem là một bài thơ dài của Tàu. Bài "Ballatre" của ông Victor Hugo nói về Paris có bao nhiêu câu đâu. Bài "Sàigòn trường ca" của Duyên Anh dài và diễn tả một cách tha thiết. lạ lùng lắm. Rất tiếc là bây giờ tôi không còn đủ sức khỏe để mà tôi ngồi viết về những vần thơ Duyên Anh. Tôi sẽ cố gắng từ từ nói lại cho các anh.


Em thuở ấy còn hoa phong nhụy
Trên bản đồ địa lý giáo khoa thư
Rất thật thà và cũng rất ngu ngơ
Anh mực tím vẽ giấc mơ viễn xứ
Giấy trắng học trò viết tên em đầy vở
Viết đầy hồn tuổi nhỏ của anh xưa
Chuyến tầu vô Nam còi thét trong mơ
Nên ga bến chỉ đợi chờ tưởng tượng
Thế đã đủ làm anh sung sướng
Đủ làm anh chiêm ngưỡng em rồi
Hỡi Sàigòn xa lạ của anh ơi
Anh thầm gọi khi đất trời hiu quạnh
Nuốt miếng nắng vàng lòng thôi mưa lạnh
Và thèm bay như đôi cánh hạc hồng
Đêm sách đèn chữ nghĩa chạy lung tung
Ngày trường lớp cũng uổng công thầy dạy
Cái bảng đen mịt mù sao anh thấy
Xa nơi anh lộng lẫy một Sàigòn
Một Sàigòn tươi mát ngọt ngon
Đang vẫy gọi lời mật ong say đắm
Bước chân đời hiền ngoan nhưng chậm lắm
Anh theo nhanh mà vẫn cứ dại khờ
Sàigòn ơi, biết đến bao giờ
Anh khôn lớn để ước mơ đầy tuổi


"Nuốt miếng nắng vàng lòng thôi mưa lạnh." Không phải Duyên Anh quên quê hương miến Bắc đâu. Nhưng Duyên Anh đã gặp Sàigòn, đã yêu Sàigòn ngay trong lần đầu gặp-gỡ. "Nuốt miếng nắng vàng?". Làm sao nuốt được nắng vàng? Vì ở đây lòng người cởi mở. Vì ở đây Duyên Anh thấy mình được tự do. Cho nên "lòng thôi mưa lạnh".


Năm anh mười chín
Đường hoa xưa lầy lội
Quê nhà anh cằn cỗi thê lương
Như chim hạc hồng anh vội trốn mùa đông
Đôi cánh mỏng chĩu cong tâm sự
Tổ quốc mình đã ho lao quá khứ
Còn ung thư một hiện tại qua phân
Anh đến cùng em, anh đến thật gần
Với lòng anh bản đồ ngày xưa vẽ dở
Em nắng vàng xoài, mưa xanh vú sữa
Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê
Sông miền Nam chẳng ai thích ngăn đê
Nên tình cảm mênh mông biển nước
Sàigòn, em là mộng ước
Em áo bà ba đơn sơ và em giọng nói thiệt mùi
Em chân tình và em tha thiết quá em ơi
Xao xuyến ù ơ, bồi hồi vọng cổ
Em cho anh hơi thở
Cho anh niềm tin xây dựng tương lai
Em cho anh cả đất lẫn trời
Cả nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết
Em cho anh đếm làm sao hết
Đời yên vui nhờ liếp ấm em che
Đời yên vui nhờ một chốn lui về
Anh thấy rõ ngọn đèn soi cuộc sống
Phóng tầm mắt anh nhìn xa trông rộng
Thế giới ơi tôi kiêu hãnh có Sàigòn
Nếu phải lìa em, anh sẽ mỏi mòn
Anh sẽ dối giăng đọc tên em từng hàng cây, con phố
Theo bước chân người anh rày đây mai đó
Mỗi chia ly mỗi gần gũi em hơn
Mỗi chia ly mỗi thơm ngát nỗi buồn
Anh mới hiểu
Sàigòn, trái tim anh, tim đất nước
Anh mới hiểu
Tại sao mình yêu tổ quốc
Và tại sao mình yêu dấu Sàigòn
Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không
Tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm
Em cho anh no tròn sự nghiệp
Để anh đi làm đẹp cuộc đời
Sàigòn
Tên em trên những vệt son môi
trong ánh mắt và trong hơi thở
trong hạnh phúc và trong đau khổ
ở tuổi non và ở tuổi già
ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua
ở hôm nay anh sống và ngày mai anh chết
ở ngàn dặm kẻ chân mây mù mịt
ở tấc gang người cuối phố đầu phường
ở sớm công viên ngọn cỏ ngậm sương
ở chiều bùng binh đèn màu phô sắc
ở bình minh nụ cười
ở hoàng hôn nước mắt
ở chốn ngoài ta
ở cõi vô thường
ở nghẹn ngào vết chém thê lương
của lịch sử trăm năm phản bội
của lịch sử làm nên bởi những tên gian dối
những tên bù nhìn yêu nước độc quyền
những tên tay sai tráo trở đảo điên
Em ngự đền đài, em là đà huyệt mộ
ở mọi nơi vì em là thành phố
Là chứng nhân và là cả nạn nhân
Anh yêu em muốn cắn nát vai trần
Muốn ghì chặt môi hôn bay giờ và mãi mãi


Mười chín tuổi, Duyên Anh bỏ quê hương chạy vào Nam như con hạc hồng chạy trốn mùa đông rét mướt.


"Tổ quốc mình đã ho lao quá khứ
còn ung thư một hiện tại qua phân"


Duyên Anh dùng chữ thật bạo và thật chính xác.


"Em áo bà ba dơn sơ và em giọng nói thật mùi
Em chân tình và em tha thiết quá em ơi"


Ít có ai yêu Sàigòn và nói được tình yêu của mình như Duyên Anh.


"Anh yêu em muốn cắn nát vai trần
Muốn ghì chặt môi hôn bây giờ và mãi mãi"


Em đây là Sàigòn.


Nhưng rồi:


"Sàigòn khăn sô
Mùa xuân tím tái"


Duyên Anh viết:


Ta ở lại địa ngục trần gian
Và ta tự tìm lên thiên đàng hạnh phúc
Bởi vì ta được khóc với Sàigòn


Thủy chung đến độ:


Em đã cho anh hai mươi năm sung sướng
Anh phải van lơn để hứng chịu cơ cầu


Bị tù đày, bị phát vãng chốn rừng sâu nuối độc, Duyên Anh vẫn không phàn-nàn. Vì anh yêu Sàigòn. Sàigòn đau đớn, anh cùng chịu chung cảnh ngộ với Sàigòn.


"Mãi là nắng thi ca, mưa tiểu thuyết"


Sàigòn dù trong hoàn cảnh nào, vẫn là như thế đối với Duyên Anh.


"Nó đầy ta suối độc, rừng thiêng
Nó còn giả vờ giăng khẩu hiệu nhân quyền
Con ó bảo mỏ mình thôi nhọn hoắt
và con gấu khoe chân mình cùn nanh vuốt"


Nhưng dù thế không ai có thể cấm cản Duyên Anh yêu Sàigòn, thương Sàigòn.


Ta thì vẫn nằm dài trong những đề lao
Nghe nỗi nhớ Sàigòn thơm ngát


Tiểu đoạn 5 là những ngày lao-tù, là nỗi hối-hận của người-trai Sàigòn đã thật sự làm mất Sàigòn.


Mùa thu nghe con cuốc cuốc
Có gần ta những buổi chiều nhung
Em đến luôn luôn, em đến rất thường
Với cỏ úa công viên, với cây khô tước vỏ
Với phấn son, lược gương vất bỏ
Với móng tay dài, ánh mắt diều hâu
Phan Đình Phùng tạm trú nơi đâu
Trần Quý Cáp hộ nào chứa đó
Ôi, Cần Vương trăm năm cũ
Cũng biển dâu dâu biển dưới mồ
Giải khăn sô trên vừng trán tháng Tư
Cho người chết và cho lịch sử
Cho nhiệt tình và cho danh dự
Cho quên trời xa cho nhớ đất gần
Em đến hoài hoài, em đến thật chăm
Với bước chân em rã rời cõi tạm
Với mũi tên găm tim sưng phổi nám
Em gọi ta về máu đỏ chiêm bao
Em gọi ta về xao xuyến dạt dào
Em có hiểu vì sao ta ở lại
Em có hiểu vì sao ta đóng đinh chịu tội
Sàigòn ơi, nay mới thật yêu em
Xưa đã yêu rất mướt rất mềm
Đã tha thiết chỉ gọi là tha thiết
Chưa điên cuồng, dại rồ, mãnh liệt
Vẫn ngỡ tình yêu khói nắng mơ hồ
Vẫn tưởng tình yêu bọt nắng hư vô
Nên mới có bây giờ ta sám hối
Ta tình nguyện lưu đày chuộc lỗi
Bởi mãi rong chơi đánh mất Sàigòn
Bởi trót lơ là làm héo đóa môi son
Làm suối lệ thành đại dương nước mắt
Hạnh phúc trong tay ta vừa tuột mất
Em gọi ta về hiu hắt dặm đường xa
Ta,
những chàng trai của Sàigòn mở hội hôm qua
Của hôm nay đề lao, tập trung lao cải
Của Sơn La, Lai Châu, Lào Kay, Yên Bái
Của Ninh Bình, Vĩnh Phú, Gia Trung
Của Kàtum, Thanh Nghệ, Phước Long
Của Trảng Lớn, Vườn Đào, Đồng Tháp
Của Chí Hòa, Hàm Tân, Sa Ác
Của Gia Rai, Xuyên Mộc, vân vân
Hỡi Sàigòn, người tình chói lọi chân dung
Em gắng đợi ta về trong nỗi nhớ


Duyên Anh hối hận:


Em có hiểu vì sao ta đóng đinh chịu tội


và:


Sàigòn ơi! nay mới thật yêu em.


Yêu em vì không bảo vệ được em, vì để mất em. Đó là lời thú tội chung của những người di-cư lương thiện. Vào đến Sàigòn rồi. làm ăn thành đạt rồi, rất nhiều người bắt đầu quên những nỗi thống khổ mà họ đã chịu đựng dưới ách độc tài của cộng sản. Cho nên mới để mất Sàigòn.


Duyên Anh chủ trương yêu thương mà ở đây anh lại hối hận vì không chống cộng quyết liệt. Hóa ra chống cộng chính là bảo vệ yêu thương, bảo vệ nhân tính. Chiến đấu tính trong thơ Duyên Anh chính là nhân tính. Nó bắt nguồn từ lòng yêu thương. Yêu thương muôn vật, muôn loài. Cho đến cả kẻ thù. Yêu thương bằng cách đánh thức họ, chỉ cho con đường phải, con đường đúng. Ta mạnh là vì thế...


Anh sẽ về thắp sáng ngọn đèn xưa.


Vì Sàigòn không thể già, không thể chết.


Vì thành phố yêu em cũng nghìn năm như thế


Duyên Anh kết thúc bài thơ dài bằng một niềm tin:


Sàigòn mênh-mông
Sàigòn vời vợi
Sàigòn rất tươi
Sàigòn thật mới
Thế giới ơi, tôi không mất Sàigòn


Và người đọc thơ anh bỗng lồng lộng niềm tin. Thơ anh có lửa vì thơ anh có tình.


3/ Ở nơi xa lạ sẽ kể chuyện tù với người di tản:


Rồi có một ngày anh gặp em
Ở nơi nào đó chẳng ai quen

Ở nơi tình nghĩa chưa lìa cuống
Nắng rất ngoan và gió rất êm


Sẽ kể em nghe chuyện ngục tù
Những năm hay là những thiên thu
Hay là giấc ngủ ngon trên võng
Mà mỗi roi thù một điệu ru


Sẽ kể em nghe chuyện biệt giam
Đề lao Gia Định, sở Công An
Hãi hùng bị nhốt trong cô nếch
Ngày nắng thiêu và đêm lạnh oan


Ôi rét Lào Kay rét Sơn La
Mong manh áo phạm trại Nam Hà
Gió Lào Thanh Nghệ rang da thịt
Đau buốt hồn ai khám Chí Hòa


Sẽ kể em nghe miền Hàm Tân
CàTum, Suối Máu, Tống Lê Chân
Vườn Đào, Sa Ác, Bù Gia Mập
Phú Khánh, Long Thành... cõi tập trung


Anh ngất ngư dài theo địa danh
Đế giầy lưu vãng vẹt lênh đênh
Rừng sâu suối độc, đèo heo hút
Bước thoát bàn chông, đạp bãi mìn


Rồi cũng chênh vênh đỉnh ngọn buồn
Vòng tay ôm gọn đất cô đơn
Vòng tay ôm gọn trời hiu quạnh
Khi muốn đi tìm sự lớn khôn


Sẽ kể em nghe sẽ kể nhiều
Đâu cần em hiểu được bao nhiêu
Chỉ cần đôi mắt thôi lơ láo
Đã đủ quê nhà bớt hắt hiu.


Ngày nắng thiêu và đêm lạnh oan” Tại sao lại oan? Tính từ của lạnh phải là lắm, nhiều, ít chớ sao lại oan? Nỗi lạnh là của trời đất. Lại cũng oan uổng nữa sao? Mới hay ở nhà tù không có gì là bình thường cả. Nóng thì như rang lên, lạnh thì oan uổng. Chữ nghĩa của Duyên Anh chọn lọc kỹ đến vậy. Nhiều lúc Duyên Anh bất chấp luật tắc. Câu thơ "Vì rét Lào Kay rét Sơn La" là một câu sai luật. Nhưng luật chỉ giúp câu thơ thêm hoàn chỉnh. Luật không phải là thơ. Đôi khi luật chính là phủ luật. Luật chỉ là để nói tới những sự việc bình thường. Ở tù không có gì là bình thường cả. Âm nhạc là êm dịu. Những tiếng thét hãi hùng cũng là âm nhạc. Đập vào tấm tôn cũng là âm nhạc. Ca dao có câu:


Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó đứng trông đầu bờ


Cục cứt và con chó ở đây không có gì là thô tục nữa. Nó vẫn là thơ. Nguyễn Công Trứ viết:


Đéo mẹ tiên sư bố cuộc đời
Lạt như nước ốc bạc như vôi


Nhà nho ấy làm thơ mà văng tục đấy. Thế mới là cuộc sống, thế mới là sự thật.


Chỉ cần đôi mắt thôi lơ láo
Đã đủ quê nhà bớt hắt hiu


Kể chuyện tù mà người nghe không còn ngạc nhiên nữa. Kể để hiểu đó là sự thật oái ăm nhất trần gian, để người ta chống lại chế độ dã man hà khắc ấy. Đó là bước đầu của hòa bình, của yêu thương.


Bài này hay lắm nhưng tôi thích bài "Sàigòn trường ca" hơn vì nó đau đớn hơn. Các bài thơ hay như thế này mà không báo nào đăng thì tôi lấy làm lạ quá. Mấy bài thơ hay như thế này mà tôi không được biết trước kia, lạ ghê!


4/ Bà mẹ Tây Ninh


Tôi về làng Trảng Lớn
Thăm bà mẹ gặp ở Sàigòn
Dạo ấy hàng dừa bên bờ ao trái hãy còn non
Và vú sữa chưa ngọt mùi vú sữa
Đến chẳng hẹn hò
Mẹ mừng vui hớn hở
Mi rưng rưng chơm chớp, dạ xôn xang
Thoáng ngập ngừng nhìn mái lá tàn hoang
Chân dừng lại: Mắt già gặp mắt trẻ
Quê miền Đông sao mà nghèo nàn thế
Rừng nối rừng đất liền đất xác xơ
Đón mạ xanh không biết có bao giờ
Bông lúa mẩy của Cà Mau, Đồng Tháp
Đường gập ghềnh,
con ngựa gầy mệt nhọc
kéo lê xe thổ mộ vài người
Ở đây ít nói
ít cười
Buồn như nắng hoàng hôn
chầm chập nhỏ
xuống núi Bà
mờ mịt phía trời xa
Giàn mồng tơi gió lay sụp đổ
Tiếng ru nức nở
Nhịp võng sầu tênh
Ù ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Nghìn xưa trăm trứng phân ly
Nghìn sau Rồng với Tiên chia hai bờ
ù ơ...
Mẹ muôn thuở đẹp thơ
Sừng sững Bà Đen, huy hoàng thánh địa
Biển có khi nào lên nguồn không nhỉ?
Mà máu đào xuôi ngược lại về tim
Máu về tim, máu đoàn viên


Tôi chờ một câu 8 chữ. Nhưng lại là một câu 8 chữ vần trắc:


Anh em hận thù, anh em phiêu bạt


Câu thơ bỗng trở nên đột ngột. Phải mấy câu sau Duyên Anh mới "xuống lục bát":


Đan nhau, mẹ bỗng bùi ngùi
Đất nghèo quê khổ, đời đời héo hon
Mẹ già thèm bát canh ngon
Mải mê chém giết, bầy con tuyệt tình


Lời thơ có những đoạn thật sôi-nổi:


Sẽ núi hôn đồi
biển gọi hồn sông
Sẽ lời dừa non ru ngoan vú sữa
Sẽ lục-bát ngô,
ca-dao lúa


Nghĩa là sẽ rất dân-dã, sẽ rất mộc-mạc anh em. Bài thơ kết bằng hai câu thất ngôn thật dễ thương:


Ruộng nhà con gái xanh mơn mởn
Bầy cháu tung tăng chạy thả diều


5/ Từ giọt nước mắt một người tù


Anh ngồi góc cachot
đặt tay trên đầu gối
Giọt nước mắt rơi xuống chiếc còng
trong đêm tối
Ánh sáng bỗng hiện ra
soi giùm anh bên ngoài thế giới
buồn tênh
như anh ở tù
Thế giới đang đợi chờ
cái gì đó
Cái gì đó
là mầm đau khổ
sắp nhú lên
Sắp mọc cao xum xuê cây lá nhân sinh
Sẽ đơm hoa
Và phải kết quả ái tình
cho nhân loại triền miên hạnh phúc
Ôi Việt Nam
hai nghìn năm tủi nhục
hai nghìn năm vác thánh giá cứu đời
Giọt nước mắt quê hương anh vẫn rơi
tưới mát cây nhân sinh
cho trái đất ngày mai đổi mới
chẳng còn ai gian dối
con người gần gũi nhau
mắt áng si mê đi dự đại hội thương yêu


Đây là một giấc mơ, một ước vọng. Uớc vọng này phải đến, sẽ đến. Vì hạnh phúc của con người là sống, là yêu thuơng, chứ không phải căm thù, chán ghét. Là môt mơ ước rất người. Tôi nghĩ đến một bài thơ của Đỗ Phủ ước làm được một căn nhà lớn ngàn gian để cho con người trú nắng trú mưa. Hơn một ngàn năm sau ở Việt Nam lại có Duyên Anh nói giấc mơ của Đỗ Phủ ngày nào:


Con người gần gũi nhau
Chẳng còn ai gian dối


Duyên Anh! Tôi thương anh, thương những con người "tính thiện" như anh.


6/ Cám ơn ngục tù


Cám ơn em nhé ngục tù
Nhờ em giải đoán giấc mơ tuyệt vời
Nhờ em dẫn xuống vực đời
Chỉ con đường lạ lên trời hư vô
Lửa nào nổi cuộc phần thư
Cũng thiêu luôn cả cái xưa phận mình
Bây giờ anh mới biết anh
Nỗi đau tiền kiếp đóng đinh làm người
Thân anh nghe sắp rã rời
Với hồn anh nữa ngậm ngùi phù du
Cám ơn em nhé ngục tù
Cám ơn em lớp sương mù huyền vi
Nhờ em anh đến anh đi
Nhờ em anh ở anh về nhẹ tênh


Tạ Tỵ về từ Đáy địa ngục, Hà Thúc Sinh gọi là đại học máu. Nghĩa là tất cả mọi người đều ghê sợ kinh khủng truớc sự tù đày của cộng-sản. Tập trung cải tạo là một hình thức tù ngục dã man nhất lịch sử mà con người có thể nghĩ ra để hành hạ con người. Duyên Anh cũng đi tù cải tạo nhưng anh không thù hận nó mà cám ơn nó. Anh có lập dị không? Tất nhiên anh có đau khổ. Nhưng đau khổ về một phương diện nào đó lại làm cho con người lớn khôn hơn và thấm-thía hơn thân phận của con người. Tư Mã Thiên nói: "Nếu không có nỗi .... bất bình, nuốt chẳng vào, khạc chẳng ra thì người ta không thể trở thành danh sĩ được. Bộ Sử Ký đồ sộ nhất của Trung Hoa được viết ra vì Tư Mã Thiên bị cực hình thiến. Thiên không những đau đớn về thể xác mà còn là một sỉ-nhục về phương diện tinh thần. Nỗi đau đớn kinh hoàng ấy đã tạo nên những tác phẩm vĩ đại. Người ta thực-sự mới biết thế nào là đói, là khát, là nhục trong nhà tù lao cải. Đó chẳng đáng cho người nghệ sĩ như Duyên Anh cám ơn sao? Tập thơ tù của Duyên Anh cũng là tiếng thét tuyệt vọng của một con thú bị lùa vào tử địa. Bình thường no đủ, Duyên Anh không viết nổi những bài thơ kiểu này. Anh cám ơn ngục tù là vì thế.


7/ Nhớ cổ tích


Quê nhà mẹ có giàn thiên lý
Một dải râm hiền giữa nắng trưa
Những chuyện nghe hoài không biết chán
Bắt đầu là ngày xửa ngày xưa...



Tiếng sáo diều ai làm nhạc đệm
Chống gươm con bọ ngựa mơ màng
Thấy chân cổ tích đi trên lá
Mặt nước hồn thơ bỗng xốn xang




Nhìn rõ Thạch Sanh ở dưới hang
Ôm đàn dạo khúc tính tình tang
Nhạc xuyên qua đất luồn qua lá
Thành gió thành mưa phá điện vàng




Nước mắt đầm đìa thương Cúc Hoa
Xuân hồng muộn đến sớm phôi pha
Mừng cho cái Tấm nhờ ơn Phật
Khổ trước rồi sau hết xót xa




Mẹ kể biết bao nhiêu tích cũ
Buồn như Vạn Lịch với Trương Chi
Kẻ đốt giải lời thề kết tóc
Người tan thành giọt lệ lưu ly




Quê người không có giàn thiên lý
Trưa nắng đường oan cháy bỏng vai
Và những chuyện nghe xong chẳng khóc
Chẳng buồn và chẳng thiết yêu ai




Đời rất hiếm hoi lần Bụt hiện
Nên chi đoạn kết thảm vô cùng
Bộ xương cá bống là dao nhọn
Đâm nát hồn ta lũ Lý Thông



"Bắt đầu là ngày xửa ngày xưa". Câu nói cửa miệng mà biến thành thơ, Duyên Anh tài tình là như thế. Duyên Anh muốn nhắc đến Thạch Sanh, đến Phạm Công, Cúc Hoa; đến truyện cổ Việt Nam và ca dao. Người Việt Nam yêu thơ anh là lẽ đương nhiên vì anh rất Việt Nam.

8/ Giã từ đề lao

Giã từ em nhé đề lao
Giã từ lối hẹp dẫn vào xà lim
Giã từ em, giã từ em
Những ngày mòn vẹt những đêm vẹt mòn
Giã từ tay xích chân còng
Giã từ hồi kẻng úa lòng héo gan
Giã từ em, giã từ em
Tâm hồn song sắt trái tim cai tù
Giã từ củ sắn, bắp ngô
Chén cơm Đại mễ, bo bo sượng mày
Giã từ án phạt khổ sai
Gỡ bom, san núi, hạ cây, phá rừng
Giã từ cuốc xẻng đắp đường
Giã từ gánh nước đầy thùng oằn vai
Giã từ sước máu mây gai
Giã từ thù hận rạc rài đớn đau
Giã từ em nhé đề lao
Giã từ tha thiết với bao chân tình
Mai anh làm chuyến viễn hành
Nhờ em nên mới trưởng thành biết chưa
Giã từ em, thế đã vừa
Sáu năm cuộc rượu say sưa tỉnh rồi
Anh về với đất với trời
Với hoa với lá với đời khác xưa
Anh về với nắng với mưa
Với cây với cỏ đong đưa tuyệt vời
Anh về ấm áp tình người
Buồm căng gió lạ trùng khơi dạt dào
Giã từ em nhé. đề lao
Cám ơn cay đắng nghẹn ngào em cho

"Những ngày mòn vẹt những đêm vẹt mòn". Những chữ mòn vẹt, vẹt mòn lặp đi lặp lại. Hết cả chữ rồi.

"Nhờ em nên mới trưởng thành biết chưa". Em đây là nhà tù. Duyên Anh đã từng viết cám ơn nhà tù. Nhà tù cải tạo. Địa ngục trần gian. Về với ai! Chẳng cần với ai cả. Với đất với trời với nắng với mưa, với cuộc sống bình thường. Đây là một bài thơ viết theo thể lục bát mà lời thơ quằn quại, nghẹn ngào. Lục bát thường để diễn tả những tình cảm tươi sáng, nhẹ nhàng. Ở những nhà thơ lão luyện thì thơ nào cũng thích hợp cả. Tôi nghĩ đến Trần Huyền Trân và bài Độc ca hành.

9/ Về nỗi khổ thật mới

Báo tin cho em biết
Bạn anh vừa cuốc đất trúng mìn
Mìn nào đó, ôi trái mìn xảo quyệt
Ai cũng được quyền gài và quyền lớn tiếng thanh minh


Bạn anh qụy xuống rất êm
Ôm chân máu vì không muốn chết
Sau những giây phút sững sờ oan nghiệt
Bạn anh được cõng vội về
Chẳng thuốc mê và chẳng cả thuốc tê
Người ta đè bạn anh ra cưa sống




Lưỡi cưa cùn cưa gỗ cưa cây thật ớn
Đã cưa xương cưa thịt con người



Hai chữ thật ớn nghe lạnh lùng, nghe như một lời kể chuyện tầm thường nhưng bỗng nhiên ta như lạnh xương sống. Con người trong nhà tù hết còn là một con người. Đó là một khúc gỗ nào đó.

Bạn anh thét kinh âm hưởng vút lên trời
Bạn anh dẫy dụa đất nứt tung cục cựa
Anh ghì tay bạn anh
Mắt cài then kín cửa
Hồn đi xa khỏi thế giới lầm than
Nỗi đau đóng đinh thập giá có đâu bằng
Bạn anh bị cưa chân bởi thứ cưa cưa gỗ
Nhân loại có nhiều nỗi khổ
Nhưng chưa có nỗi khổ nào giống nỗi khổ bạn anh
Chưa có nỗi khổ nào giống nỗi khổ Việt Nam
Nỗi khổ vàng son xứng đáng tôn vinh
Nỗi khổ làm cho anh em mình biết sống
Nỗi khổ làm cho loài người rung động
Anh mở mắt nhìn
Chân bạn anh rụng mất rồi
Hôm nay bạn anh chống nạng mĩm cười
Báo tin cho em biết

Nỗi khổ Việt Nam, nỗi khổ làm cho con người biết sống. Những người làm báo ở các nước dân chủ không thể biết đến những cảnh cưa người như thế. Họ không thể tưởng tượng rằng đó là sự thật. Cho nên họ đứng về phía cộng sản. Vì nghĩ rằng cộng sản là cách mạng, là những người chiến đấu cho một xã hội công bằng hơn, tự do hơn. Đến bây giờ mà những con người mệnh danh là trí thức ấy vẫn chưa chịu mở mắt.

Chúng ta còn cần rất nhiều những Duyên Anh.

10/ Những thứ sẽ mang về

Mang về một chiếc mũ
Đã dãi nắng dầm mưa
Trầy vai câu chuyện cũ
Chảy máu sự nghiệp xưa


Mang về bộ quần áo
In dấu tù lem nhem
Z30D, TH6
TCT, CTXN




Mang về đôi giầy tã
Đế mòn vẹt đường dài
Băng rừng sâu núi cả
Đi hết kiếp lưu đầy




Mang về chiếc lược nhôm
Bao nhiêu ngày mài dũa
Bao nhiêu là thương nhớ
Lược sẽ làm vui gương




Mang về thêm cái trâm
Gọt từ rễ giáng hương
Để em cài lên tóc
Và để tóc em thơm.



Những thứ sẽ mang về sẽ rất ít ỏi nhưng không thể bỏ lại. Nó là máu, là nước mắt của một đoạn đời.

Mang về bộ quần áo
In dấu tù lem nhem

Không còn gì ít-ỏi hơn và cũng không còn gì chua xót hơn. Nhưng người tù thường chỉ đem về bộ quần áo. Hắn còn đem về chiếc lược nhôm hắn đã tốn bao công sức, mài, gọt bằng bao nhiêu thương nhớ. Hắn còn đem về cái trâm gọt từ rễ giáng hương để vợ cài lên tóc.

Ở cảnh ngộ nào Duyên Anh cũng nhìn thấy yêu thương. Một thứ tấm lòng nhân hậu như thế mà chịu làm chó săn, chim mồi ư?

11/ Chỉ có nhà tù

Những cuộc tình rồi sẽ lãng quên
Chỉ có nhà tù
làm anh nhớ mãi
Những người tình rồi cũng sẽ lãng quên
Chỉ có nhà tù
anh mong gặp lại
Để tìm hạnh phúc trong cơn quằn quại
để tìm cô đơn ở những miếng đời câm

Chỉ có nhà tù
anh biết bâng khuâng
biết thơ anh đổi mới
biết tỏ bầy hồn anh cùng bóng tối
và bóng tối nhà tù soi sáng nỗi niềm anh
Những chuyện buồn rồi sẽ cũng lãng quên
Chỉ có nhà tù
theo anh viễn du phơi phới
Những hận thù rồi cũng sẽ lãng quên

Chỉ có nhà tù
giúp em chờ anh mòn mỏi
Và anh hiểu tình yêu tồn tại

Chỉ có trong nhà tù người ta mới ở trong những cảnh ngộ cùng quẫn đến như vậy. Những cảnh ngộ cùng quẫn cũng chính là gia vị của cuộc đời nếu người ta biết sống. Hạnh phúc có được cả trong khổ đau. Ngay khi đang ở trong tù, Victor Hugo cảm thấy tự do nhất. Không ai bỏ tù được chúng ta nếu không phải là chính chúng ta. Nhưng cả những cái đáng nhớ nhất rồi chúng ta cũng sẽ quên. Vì cái ý nghĩa yêu thương mới là nét chính của cuộc sống. Nếu không có nhà tù làm sao: em chờ anh và anh hiểu tình yêu tồn tại?

12/ Cô độc

Rồi tất cả tù nhân sẽ trở về
sẽ chết
Trại tập trung vắng hoe
kẻng dọa nạt hết khua ầm ĩ
hàng rào kẽm gai han rỉ
mệnh lệnh chẳng còn ai nghe
muông thú lần lượt bỏ đi
họng súng hận thù chẳng còn ai khiếp sợ
chủ nghĩa mốc meo
nhện giăng che lấp chân dung lãnh tụ
Bấy giờ
gã cai ngục buồn thiu
buổi sáng như buổi chiều
đêm khuya như chập tối
Nỗi cô đơn bủa kín khắp nơi
gã cai ngục bối rối
thèm nói chuyện yêu đương với con người

Đây là một bài thơ lạ, một ý tưởng lạ. Ở tù, Duyên Anh lại thương cho người cai tù, khi hết tù. Tất nhiên là phải thế. Tất nhiên là mọi thứ sẽ chấm dứt. Lúc ấy:

Gã cai ngục bối rối

vì thèm nói chuyện yêu thương với con người.

Duyên Anh thật đáng yêu. Một người có những ý tưởng nhân bản như thế lại có thể là ăng ten ư?

13/ Buổi chiều biệt giam

Buổi chiều trong biệt giam
Chân còng và tay mỏi
Miệng khô và bụng đói
Anh vuốt ve nỗi buồn

Ngủ đi ngủ cho ngon

Nắng bên ngoài thoi thóp
Trời bên ngoài tịch liêu
Người bên ngoài vàng vọt
Em bên ngoài hắt hiu

Phải thế không, em yêu

Anh nằm cạnh thùng phân
Nghe hương đời lạ quá
Nghe tiếng đời rộn rã
Trong đau đớn nhục nhằn

Anh quên mình lầm than

Chân anh còng tự mở
Lòng anh tiêu ngậm ngùi
Bông hồng ngoan sẽ nở
Trên đất đắng phận người

Như vậy đó, em ơi

Những ai đã đi tù cải tạo, đã bị biệt giam khi đọc đến những câu thơ:

“Anh vuốt ve nỗi buồn
Ngủ đi, ngủ cho ngon"

không thể không khóc.

Nắng bên ngoài cũng thoi thóp, trời bên ngoài cũng tịch liêu, người bên ngoài cũng vàng vọt, sao bên ngoài cũng hắt hiu. Trong tù là cõi chết nhưng ngoài tù cũng là cõi chết, cũng buồn thảm không kém. Có ai tưởng tượng được con người nằm bên thùng cứt mà ngủ mà ăn không?

Duyên Anh! Tôi cám ơn anh đã nói dùm tôi những nỗi niềm này.

14/ Khi anh về

Khi anh về con đường mòn cỏ úa
Lại hồi xuân tình tự bướm hôn hoa
Em tóc mây hong nắng mật vườn nhà
Nghe hạnh phúc ngọc ngà len lén tới
Ôi, lúc ấy, sao lòng anh bối rối
Như lần đầu rất vội nói yêu em
Đất dịu trời hiền thật cũ thật quen
Nhưng tất cả bỗng ảo huyền mới lạ
Mưa xanh ngát nụ cười em ngon quá
Gió nồng hương ân ái má em thơm

Khi anh về cây hồng bệnh trổ bông
Bầy ong cũ cũng gầy xong nôi ổ
Anh nhìn lên lưới mây chì oan khổ
Đã vụt tan thôi chụp bủa đời nhau
Cảnh tượng quanh mình sương nhuộm chiêm bao
Từng giọt ngọc thấm hồn đào mơ ước
Em yêu dấu, hãy mở mùa gương lược
Hãy tô son điểm phấn dự hội người
Sông núi thay màu đời hết chia phôi
Nêm nước mắt thấy ngọt bùi hạnh ngộ
Khi anh về dòng sông xưa rực rỡ
Tiếng thơ ai làm chợt nhớ ca dao
Anh hôn em trời xuống thấp mây đào






Nỗi buồn khi ở tù càng sâu sắc thì khi anh về niềm vui càng to lớn.

Sông núi thay màu đời hết chia phôi
Nêm nước mắt thấy ngọt bùi hạnh ngộ

Chữ nghĩa của Duyên Anh sao mà giàu sang vậy?

Tiếng thơ ai làm chợt nhớ ca dao”. Nhớ ca-dao là nhớ lời ru của mẹ, nhở thuở thiếu thời. Tấm lòng của Duyên Anh là một tấm lòng nhân loại. Tôi thích những câu:

Ôi, lúc ấy, sao lòng anh bối rối
Như lần đầu rất vội nói yêu em

Niềm vui sướng to lớn khiến người thơ trở thành vụng về, ngờ nghệch như một đứa trẻ thơ.

Mưa xanh ngát nụ cười em ngon quá
Gió nồng hương ân ái má em thơm

Không là thi sĩ làm sao viết được những câu thơ lạ lùng như vậy.

15/ Nỗi buồn mới

Những nỗi buồn đã nói
Từ anh ôm cuộc đời
Dìu anh vô bão nổi
Bỏ anh ngoài biển khơi


Những nỗi buồn đã gọi
Từ anh ngủ đất sầu
Xui anh lời gian dối
Đẩy anh xuống vực sâu




Những nỗi buồn đã hát
Từ anh buốt giận hờn
Đưa anh vào mê hoặc
Và anh thấm cô đơn




Những nỗi buồn đã viết
Từ anh đêm chán chường
Dẫn anh tìm oan nghiệt
Để anh biết đau thương




Những nỗi buồn quen biết
Còn chi nữa ngậm ngùi
Như cỏ cây đã chết
Buồn cũ cũng tàn hơi




Em, anh vừa đi tới
Vùng hiu quạnh tuyệt vời
Nghìn năm không muốn nói
Hôm nay chợt vỡ lời
Nghìn năm không muốn gọi
Hôm nay chợt vẫy mời
Em, nỗi buồn tươi mới
Sẽ dạy ta làm người



Thơ ngũ ngôn của Duyên Anh thật giản dị và thật điêu luyện. Ngòi bút anh viết ra tưởng như không khó khăn. Dòng nước chảy ra từ nguồn suối. Không cần gạn lọc nó vẫn trong. Duyên Anh là như thế. Anh chân thành trong suy nghĩ, trong cảm nhận. Cho nên thơ Duyên Anh làm chúng ta xúc động:

Nghìn năm không muốn nói
Hôm nay chợt vỡ lời

Như thế đó. Bất bình tắc minh. Nước không kêu. Mái chèo đập xuống cho nên nước kêu. Cây không kêu. Gió rung cho nên cây kêu. Con vật rú lên vì bị đánh. Tất cả đều nằm trong cảnh ngộ bất bình thường.

Duyên Anh không muốn nói, không muốn làm thơ. Bất đắc dĩ phải nói, bất đắc dĩ phải làm thơ. Cái bất đắc dĩ làm cho người thơ trở nên vĩ đại. Anh muốn quên đi nhưng không được. Vì anh đau khổ quá, nhục nhã quá. Một bài thơ mà làm chúng ta căm hờn cộng sản đến như vậy không phải là một bài thơ giá trị sao?

16/ Một năm thèm đường

Người tù ngồi lựa gạo
Nhặt được vài hạt ngô
Bắt đầu một giấc mơ
Một giấc mơ ảo não


Ngay miếng đất anh nằm
Những hạt ngô reo rắc
Những hạt ngô nẩy mầm
Những cây ngô ao ước




Thân ngô nhú cao dần
Từng phân rồi từng tấc
Từng sáng anh tưới nước
Từng chiều anh ngó thăm




Ngô lên bằng đầu người
Gió đùa lá ngô vui
Nỗi niềm tan trong máu
Tù nhân dấu nụ cười




Anh múa lưỡi dao rừng
Những thân ngô ngã rạp
Mỗi khúc mỗi người cạp
Ôi, ngọt đến vô cùng




Đám bạn tù nhìn nhau
Mắt long lanh giọt ngọc
Bây giờ là hạnh phúc
Tìm thấy khi qua cầu



Người tù ngồi nhặt thóc, nhặt được mấy hạt ngô, đem trồng và có kết quả.

“Mỗi khúc mỗi người cạp”. Anh không viết mỗi khúc mỗi người ăn, hay gậm mà “cạp”. Lối ăn mà gọi là cạp ấy là lối ăn của loài thú. Cái nhu cầu ăn uống đã biến con người thành con thú. Cái vui của người tù thật giản dị và thật ngắn ngủi.

Không đi tù cải tạo, chúng ta có thể cảm thông được với niềm vui "cạp" cây ngô non?

17/ Tiếng gọi không thể vọng ra ngoài

Nhà tù của tôi
rất nhiều tiếng gọi không thể vọng ra bên ngoài
Những tiếng gọi bỡn đùa sự hoang vắng
những tiếng gọi chọc cười niềm trắc ẩn
mà tôi nghe ròng rã nghìn đêm
mà tôi nghe tưởng đã khùng điên
bởi mỗi lần một tù nhân vĩnh biệt
Báo cáo cán bộ: Cachot có người chết.


Thế giới vẫn phóng lên sáng rực tín hiệu nhân quyền
Và nhà tù của tôi vẫn bóng tối triền miên
ở biệt giam hàng chục kiểu còng ngồi còng đứng
còng chéo hai tay còng chung một cụm
còng rướn ngón chân còng dộng ngược đầu
còng khoan dung một lối chết thật lâu
để thấm thía lòng yêu tự do dân chủ
Báo cáo cán bộ: Cachot có người tự tử




Nhân loại thường cảm thông nỗi khổ rất mùa màng
và phải rất thời trang
nên cụ thể dễ biến thành trừu tượng
Nỗi khổ khác hẳn niềm sung sướng
nó cần quên ngay
nó không được phép rên xiết dài dài
Một đêm mưa lạnh
tôi nghe tiếng trẻ thơ kêu kinh hoàng trong hiu quạnh
Bố ơi bố ơi Mẹ chết rồi




Anh khó hiểu nổi nhà tù của tôi
Người cha bị lưu đầy ra hải đảo
Người mẹ mang bầu dắt con theo cải tạo



Thế nào là nỗi khổ rất mùa màng, rất thời trang? Là nỗi khổ mình tự tạo ra để cho mình buồn, mình giận mình đau khổ. Như một mối tình ngang trái chẳng hạn. Thực sự là mối tình ngang trái cũng buồn, cũng khổ lắm chứ? Nhưng cái khổ cụ thể cứa vào da thịt

còng chéo hai tay còng chung một cụm
còng rướn ngón chân còng dộng ngược đầu
còng khoan dung một lối chết thật lâu

Để rồi!

Báo cáo cán bộ: Cachot có người tự tử

Như thế là cụ thể. Nhưng nó cũng biến thành trừu tượng. Vì người tù phải quên ngay. Quên tiếng trẻ thơ kêu trong đêm mưa lạnh.

Bố ơi! bố ơi !Mẹ chết rồi!

Còn có gi đau đớn hơn nữa không? Buồn thảm hơn nữa không?

18/ Chào mừng năm mới

Tù nhân tập trung giữa sân trại
nghe giám thị chúc tết mừng thêm một tuổi tù
Hôm qua một đội cuốc đụng mìn
người chết chưa kịp chôn
người mang thương tích còn đang rên xiết
Tù nhân thương bạn
nỗi đớn đau khó nói ra
Giám thị ban lệnh không được nhớ nhà
nhớ vợ nhớ con nhớ cha nhớ mẹ
Chào mừng năm mới
lao động thi đua là đáng kể
Những khẩu AK dí sát gáy mọi người
Cười
Cười
Cười
Cười
không cười chưa tiến bộ
Tù nhân òa lên cười khốn khổ
cười rơi nước mắt cười lệch cả đời
cười lạc giọng cười hụt hơi


Nhưng thế giới chẳng ai biết
ít ngày sau có tù nhân cười hóa điên bị bắn chết



Năm mới đối với tù nhân là thế đấy. Bạn thân vừa cuốc phải mìn, vừa chết nhưng người tù không có quyền khóc. Tù nhân phải cười, vì tù nhân được cải tạo, được đảng khoan hồng. Ở chế độ cộng sản, nghịch lý là như thế. Lúc nào nhà nuớc cũng nói vì nhân dân. Dân phải biết ơn đảng, ơn nhà nước. Dân bị bóc lột đến xương tủy nhưng phải luôn cười chứ không được khóc. Đó là lập trường. Câu kết như một lời buộc tội nghiệt ngã, chỉ chế độ tồn tại nhờ man trá, bịp bợm.

19/ Tra tấn

Người ta đưa cho anh một sấp giấy trắng
đã kiểm soát số trang
anh có thể gạch xóa nhiều hàng
nhưng cấm anh xé bỏ
tư tưởng anh bị soi kính hiển vi từng cái chấm nhỏ
Viết gì
Tự khai
Tự khai gì
Cuộc đời anh từ lên mười đến ngày anh vào rọ

Người ta đưa thêm cho anh một sấp giấy trắng
đã kiểm soát số trang
Viết gì
Tự khai
Tôi viết rồi
Viết nữa
Khai gì
Cuộc đời anh từ lên mười đến ngày anh vào rọ


Người ta lại đưa cho anh một sấp giấy trắng
đã kiểm soát số trang
Viết gì
Tự khai
Tôi đã viết hai lần
Viết thêm nữa
Khai gì
Cuộc đời anh từ lên mười đến ngày anh vào rọ




Anh phải viết ngày này qua tháng nọ
viết đến khi anh phờ phạc dại khờ
dĩ vãng hiện tại anh đảo lộn mập mờ
Viết đến khi anh đớn đau chết ngất
Đó là lúc người ta tìm ra sự thật
để kết án anh dù anh chẳng có tội chi




Này bạn
Bạn sẽ chép lại được mấy lần bức thư tình đã viết
Riêng tôi rất oanh liệt
Viết bốn trăm lần một bản tự khai



"Viết bốn trăm lần một bản tự khai!” Tôi nhớ lại những lần viết bản tự khai. Thật là kinh hoàng. Bản tự khai viết đi viết lại hàng trăm trang giấy. Từ cha mẹ, anh em, chú bác, cô dì, bạn bè thân thích. Của cải ra sao, hành động ra sao, chết lúc bao nhiêu tuổi, chết vì lẽ gì. Không biết cũng phải biết. Bịa ra mà viết. Cho đến bao giờ cán bộ tìm ra chỗ sơ hở để kết tội. Hóa ra mình tự kết tội mình. Nhà nước vô can, đảng vô can. Bất nhân đến thế là cùng. Vậy mà bọn trí thức mù lòa vẫn điên cuồng tưởng đứng về phía cộng sản là ủng hộ một lập trường tiến bộ. Đọc Duyên Anh, bọn họ có tỉnh ra chút nào không? Tất nhiên là có. Tôi tin như vậy. Duyên Anh không chửi bới hàm hồ. Anh chỉ diễn tả. Anh là một thi nhân chứ không phải một cán bộ tuyên truyền.

20/ Ai tín

Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Như lòng anh buồn bã thuyền nhân
Sài Gòn tuy xa nhưng vẫn rất gần
Paris trước mắt mà trăm năm hiu quạnh
Cái gì lửng lơ trên miếng đời mỏng dính
Đó hồn anh giá lạnh quê người
Anh đi giữa trưa thương nhớ mặt trời
Anh đi giữa đường tương tư cơn gió
Mặt trời ấm vừa má em hây đỏ


Cơn gió hiền đủ sợi tóc em bay
Anh đi giữa người thương nhớ ai đây
Anh đi giữa đời cát mù sa mạc
Anh đi tội tình lưu vong ngơ ngác
Anh đi dại khờ trẻ lạc quê hương
Anh đi không nhớ phố nhớ phường
Anh đi chẳng cần giờ cần giấc
Anh đi nghe đìu hiu lau lách
Với tuổi anh hạnh phúc quá tầm tay
Với tuổi anh hạnh phúc tiếng rên dài




Khi cúi xuống anh nhìn dấu giầy lữ thứ
Còn trong anh một hồi chuông quá khứ
Chưa kịp rung đã cáo phó tương lai
Anh đi ngẩn ngơ quên tháng quên ngày
Anh đi hững hờ quên trời quên đất
Anh đi miệt mài xác xơ hành khất
Mà thiên đường thiếu phép lạ thi ân
Thượng đế kiêu căng, thượng đế nghèo nàn
Không thể bố thí cho anh tổ quốc
Cái gì rét run lặng câm đau buốt
Đó hồn anh lìa nước bơ vơ


Tổ quốc anh đâu, tổ quốc nghìn xưa
Tiếng anh gọi đã sương mù vĩnh quyết
Tiếng anh gọi đã nghĩa trang đào huyệt
Nghĩa là anh mất hết tự đêm nào
Giòng sông đưa anh ra biển ngập sao
Dòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Xác lá mùa thu, xác lá duyên anh

Lời thơ mạnh mẽ như thác chảy. Tưởng không có luật tắc song rất đúng luật tắc. Tưởng như không cần vần điệu nhưng vần điệu rất tề chỉnh. Quạnh, dính + người, trời + gió, đỏ...

Duyên Anh phải lìa bỏ tổ quốc, anh căm giận cả đến Thượng Đế nhưng Duyên Anh không phải là kẻ vô thần.

Thượng Đế kiêu căng, Thượng Đế nghèo nàn

Thượng đế mà nghèo nàn ư? Nếu không nghèo nàn mà sao Thượng Đế không bố thí cho Duyên Anh một tổ quốc? Khi chẳng có cha mẹ, chẳng có tổ quốc mà nhà thơ lại đòi "bố thí" cho một tổ quốc? Có nghịch lý không? Nhưng đối với người Việt Nam sau cơn hồng thủy tháng 4-1975 lại là sự thật. Chúng ta rất yêu quê hương mà đành phải lìa bỏ quê hương để trở thành dân Pháp, dân Mỹ, dân Úc...

Đọc bài thơ mà muốn khóc. Còn có gì chua xót hơn con người không có cha mẹ, không có quê hương nữa hay không?

21/ Bài lưu vong (gửi Dương Nghiễm Mậu)

Bài thơ là một nỗi căm hờn chất chứa. Căm hờn ta, căm hờn bạn, căm hờn thế thái nhân tình. Cả bài thơ dùng chỉ một vần, viết theo thể trường thiên thất ngôn, đó là một thứ thơ cũ, rất cũ. Nhưng hơi thơ mới, rất mới. Có những câu tự nhiên mà đối:

rượu mốc mềm môi tanh dĩ vãng
giả vờ ngất ngưởng dấy phong ba

Dân tộc ta là một dân tộc nhỏ, ưa sự vừa phải, sự cân đối. Trời với đất, xấu đối với tốt. Hai mặt của một vấn đề.

Đọc mà xót xa:

đã đem Chung Tử ra bêu nhục
lại ví mình như nỗi Bá Nha

Duyên Anh đối với chúng tôi thuộc lớp người trẻ. Cái học Khổng Mạnh đến thời anh gần như đã phai mờ rồi. Nhưng anh đọc rất nhiều truyện Tàu, biết rầt nhiều điển tích Tàu. Cũng có thể anh nghe cha anh, bạn bè chung quanh nhắc đến. Nhưng chắc chắn là anh đã đọc kỹ Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, túi khôn của xã hội nông nghiệp cũ.

Bao nhiêu là dằn vặt, bao nhiêu là bất bình. Duyên Anh hình dung ra sự ngờ vực của Dương Nghiễm Mậu, một bạn văn thân thiết để tự hành hạ mình. Trong thi-ca Việt Nam viết được những bài thơ cổ phong kiến này chỉ có Thâm-Tâm. Nguyễn Bính, Thanh Nam cũng có viết hành, nhưng thơ hành của Nguyễn Bính, của Thanh Nam "nhẹ" hơn nhiều, "phải chăng" hơn nhiều.

Duyên Anh dùng điển tích nhưng không phải là cách khoe chữ. Đây là một sự cần thiết nếu muốn câu thơ xúc tích hơn, dùng ít lời mà diễn tả được nhiều ý. Tôi nghĩ đến bài thơ Hạo ca hành của Bạch Cư Dị:

Thiên trường địa cửu vô chung tất
Tạc dạ kim triêu hựu minh nhật
Mấn phát thươnglãng như sĩ sơ

Bất giác thân trưởng tứ thập thất

Dục lưu niên thiếu đãi phú quý
Phú quý bất lai niên thiếu khứ
Một bọc hóa thành trăm vạn bọc

Nhân tình thua tấm giấy đô la

Duyên Anh ơi! Anh hơi bi quan đấy. Nhưng có lẽ anh bi quan vì ước ao con người "khá", xã hội "tử tế" hơn.

22/ Bài lưu đầy (tặng Kiều Vĩnh Phúc, bạn tôi)

Những người tử tế tường thích chơi với những người tử tế. Kiều Vĩnh Phúc là một người tử tế. Tôi chưa từng gặp anh nhưng biết chắc anh là một người tử tế. Vì một người tử tế đã nói như thế về anh. Người tử tế ấy là Trần Kim Tuyến. Trần Kim Tuyến có thể là một người làm không giỏi công tác mật vụ, nhưng dưới mắt tôi, ông là một người tử tế. Một người làm một công việc mà rất nhiều người ghét nhưng lại được rất nhiều người thương. Người ấy phải là người tử tế.

Đây cũng lại là một bài viết theo thể hành, độc vận. Nhưng theo tôi, bào thơ chưa đạt vì tình chưa sâu. Nhiều điển tích còn "sượng", thực sự không cần thiết. Nhưng quả nhiên là Duyên Anh dài hơi. Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị chỉ có 88 câu. Riêng bài này đã hàng trăm câu.


Nguyễn Tiến Đức ghi lại nhân dịp đến thăm thi sĩ Hà Thượng Nhân

07/2005




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn