BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76303)
(Xem: 63007)
(Xem: 40404)
(Xem: 32000)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Duyên Anh – Qua Cái Nhìn Của Một Người Đọc

24 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 1727)
Duyên Anh – Qua Cái Nhìn Của Một Người Đọc
52Vote
41Vote
31Vote
20Vote
11Vote
3.65
 

 
Tôi bắt đầu đọc truyện của Duyên Anh vào giữa thập niên 60 cho đến năm 75. Thời ấy các môn giải trí cho tuổi trẻ không có nhiều. Trẻ con ở thành phố thỉnh thoảng đựoc xem phim cao bồi võ hiệp ở các rạp xi nê Kim Đô, hay Hồng Bàng. Truyền hình chỉ có màn ảnh trắng đen và chỉ các nhà khá giả trong xóm có truyền hình. Đôi khi muốn xem truyền hình có người phải xách ghế con qua nhà hàng xóm xem ké. Cách giải trí giản dị nhất, rẻ tiền nhất, và ít làm phiền đến ai nhất là đọc sách, nếu người ta có thể tìm sách để đọc. Có lẽ nhờ thế mà chúng tôi đọc sách nhiều. Nhà tôi ở Khánh Hội khu ổ chuột, sau trận cháy lớn năm 1963, dân nhà cháy được dời về Tân Qui Đông, ngoại ô của Sài Gòn, cách thành phố lớn nhất Việt Nam chỉ có một con sông nhưng sao quê mùa hoang dã quá. Muốn đọc sách báo phải đi bộ hàng mấy cây số, ra bến đò qua sông tìm sạp báo. Tôi đọc bất cứ cái gì tôi vớ được, ngay cả giấy gói thịt mua ngoài chợ. Tôi không nhớ rõ vì duyên cơ nào, tôi đọc Hồ Biểu Chánh khi tôi còn học lớp tư (còn gọi là lớp hai).

Có lần chị Tiền hàng xóm bắt gặp tôi đang đọc bà Tùng Long và Mạnh Lệ Quân, chị quát cho bảo là trẻ con thì không nên đọc thứ của người lớn đọc. Tôi lờ đi vì làm gì có báo trẻ con mà đọc. Nhưng may làm sao, ít lâu sau ông Nguyễn Vỹ làm báo Thằng Bờm, rồi sau đó có báo Tuổi Hoa, rồi Ngàn Thông của Quyên Di và Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Hầu hết chúng tôi thời ấy đều đọc và mê truyện của Duyên Anh có khi hơn cả Kim Dung, hay Quỳnh Dao cũng là những tác giả ăn khách thời bấy giờ. Tôi đọc ngốn ngấu hầu hết mọi tác giả Việt Nam cùng chung nhóm Báo Tuổi Ngọc với Duyên Anh như Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện. Có thể nói từ Duyên Anh tôi khám phá ra thêm Đinh Hùng, Mai Thảo, Nguyên Sa hay Tạ Tỵ là những tác giả Duyên Anh hay nhắc đến trong truyện của ông. Và cũng từ Duyên Anh tôi ngưỡng mộ và yêu mến một số tác giả trẻ như chị Nguyễn Thị Ngọc Minh (hay là Nguyễn Thị Minh Ngọc) và Duy Nguyên là các cây viết thường xuyên của Tuổi Ngọc.


Tôi đọc hầu như toàn bộ tác phẩm của Duyên Anh, nhưng ngay lúc này thì không còn nhớ được nhiều những gì trong tác phẩm của ông mà tôi đã từng đọc và say mê bởi vì luật thời gian và giới hạn của trí nhớ. Các bài viết về ông trên internet thì khá nhiều nhưng tác phẩm của ông nhất là những tác phẩm rất thành công trước năm 75 thì chỉ có một phần rất nhỏ được sưu tầm. Tôi rất muốn được đọc lại Điệu Ru Nước Mắt, Ngựa Chứng Trong Sân Trường, Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang là những tác phẩm rất được giới trẻ yêu chuộng, yêu chuộng đến nỗi được viết thành phim, được viết thành nhạc. Đọc lại để tìm kiếm, để xác định, cái mãnh lực gì đã thu hút tôi, một bạn đọc thời bấy giờ. Tôi muốn đọc lại để xem sau mấy thập niên, thêm tuổi đời và kinh nghiệm sống, mức độ quyến rũ truyện của Duyên Anh còn quyến rũ tâm hồn tôi đến mức độ nào. Rất tiếc, số tác phẩm của ông trên internet lại không có những tác phẩm cũ mà tôi muốn tìm. Những tác phẩm mới như Đồi Fanta tôi chưa có dịp đọc. May mắn sao tôi tìm được một phần trong tập truyện ngắn Hoa Thiên Lý, Con Ốc Nhỏ Trong Lòng Đại Dương, và Con Sáo Của Em Tôi. Đây là những tác phẩm đầu tay của Duyên Anh mà cũng là những tác phẩm đã đưa những nhân vật của Duyên Anh vào tâm hồn, và ở lại trong tâm hồn người đọc.


Có rất nhiều bạn hữu của Duyên Anh nhận xét là truyện của Duyên Anh thu hút bạn đọc là vì văn của ông rất trong sáng giản dị. Duyên Anh thì lại cho rằng người ta phê bình văn ông viết theo kiểu Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Có người nhận định rằng Duyên Anh hấp dẫn bạn đọc vì ông viết về những đề tài nóng bỏng hiện thời, thí dụ như quyển sách Ngựa Chứng Trong Sân Trường dựa theo chuyện học trò đánh thầy giáo ở Nha Trang. Tôi không biết tôi sẽ nhận định ra sao nếu tôi đọc lại những tác phẩm này. Nhưng khi tôi đọc lại ba truyện ngắn mà tôi nhắc đến trước đây, cộng thêm chút trí nhớ còn sót lại về những tác phấm của Duyên Anh mà tôi có thời đọc và say mê, tôi nghĩ Duyên Anh thành công nhờ văn của Duyên Anh có những điểm đặc biệt như sau:


1. Duyên Anh rất nhạy bén, am hiểu chính xác cách thu hút người đọc qua cách xây dựng nhân vật.
a. Người đọc không thể không thương xót những trẻ em bất hạnh của Duyên Anh.
Các nhân vật chính trong ba truyện Hoa Thiên Ly’(Long), Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ , và Con Sáo Của Em Tôi (hai anh em Hữu và Mai) đều rất nhạy cảm, có cuộc đời bất hạnh, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương, bị cuộc đời hất hủi. Thông thường người ta dễ có cảm tình với trẻ em bất hạnh thiếu tình thương của cha hay mẹ. Cứ nhìn trong văn học Việt Nam Nghi Xuân Tấn Lực, cô Tấm trong truyện dân gian, cô bé Gigi trong Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến được thương xót đến ngần nào, và nhìn ra văn học nước ngoài ai mà chẳng yêu Oliver Twist của Charles Dickens hay cô bé Annie của Thomas Meehan, rồi Snow White và Cinderella. Và gần đây nhất là Harry Potter. Có lẽ tâm ly’ con người vốn nhiều lòng nhân đạo dễ thương xót những trẻ em mồ côi khốn khổ hơn mình.


b. Thấp thoáng trong tâm hồn của những nhân vật của Duyên Anh luôn có những mơ ước, mong mỏi về hình ảnh một người cha và những xâu xé biến động trong nội tâm, và những tình yêu thương không nói nên lời như những nghẹn ngào nuốt vội vào trong lòng.

Nhân vật của Duyên Anh là những người giàu tình cảm, nhạy cảm, mơ mộng, luôn luôn tìm kiếm một tình yêu hay một lý tưởng tuyệt đối. Họ biết yêu và yêu rất nhiều. Họ hiền lành, chịu tai ương, giỏi chịu đựng. Họ hiền nhưng không hèn và luôn hy sinh cho những người họ yêu. Những nhân vật của Duyên Anh luôn cố gắng ngoi đầu lên cho dù cuộc đời dìm đầu họ xuống. Nhân vật của Duyên Anh bị dằn xéo khổ ải trong tinh thần vì khi yêu họ làm những việc trái với lương tâm của họ. Tôi muốn nói đến nhân vật Hữu cái cậu bé đã làm tôi rơi biết bao nhiêu nước mắt trong truyện Con Sáo Của Em Tôi. JK Rowling cho Harry Potter phép thuật để chống trả với cuộc đời, (gia đình người dì rất khắc nghiệt và pháp thuật của Voldermore) trong khi cậu bé Hữu hoàn toàn không có một thứ gì để bão vệ đứa em gái bé bỏng của mình, thương em không muốn em bị đói thèm mà phải giết con sáo mà em rất yêu. Và tôi cũng muốn nói đến người cha bất hạnh trong truyện Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ. Cái hình ảnh của người cha thất thời lỡ vận này đã theo đuổi dai dẳng trong trí nhớ tôi nhất là những năm 1975 cho đến 1985 khi mức sống ở Việt Nam đã xuống thấp cùng cực. Có lần đi trên dường phố Sài Gòn khỏang cuối năm 79, có rất nhiều người trước là công chức hay giáo viên vì thời thế ra ngôi lề đường sửa xe đạp. Tôi bùi ngùi nhớ đến hình ảnh người cha trong truyện của Duyên Anh và đoạn văn sau đây:


“. . . Cha tôi sắm ít dụng cụ chữa xe đạp. Người ta đặt tên mới cho cha tôi: ông Phó. Cha tôi sửa chữa, lau dầu, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Nếu ai cần tô điểm xe mình thì cha tôi cũng biết sơn xì, sơn hấp, mạ kền bằng... ngân nhũ. Nhiều lần nhìn cha tôi nghiến răng vặn cái ốc lâu ngày thiếu dầu mỡ, lòng tôi thắt lại. Tay cha tôi mạch máu nổi bật, chằng chịt. Có khi "lắc lê" nhờn, tuột mạnh bật tay ra. Cha tôi mất đà, chúi về một bên. Thường thường, tay cha tôi bị xước da, máu chảy ri rỉ. Cha tôi mải mê công việc không để ý, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Máu ở vết thương được dịp hòa với mồ hôi... Nhưng cha tôi nín lặng không kêu ca, không than vãn, không kể lể với vợ con. Sự nín lặng đó tôi đã khổ tâm học hỏi song tôi thấy tôi thất vọng. Vì, cho tới ngày nay, hễ gặp bất cứ con rắn độc cuộc đời nào, dù lớn dù nhỏ, cắn đau hay cắn hụt, tôi vẫn thích tìm người băng bó hộ.”


Câu văn cuối trong đoạn văn tôi vừa mới trích là một trong những câu văn của Duyên Anh mà tôi rất yêu thích. Ông không múa chữ như Mai Thảo. Văn của ông cứ như một ngọn “dao nhọn, dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm, quỵ té trên đường rồi. . . ”

Trong rất nhiều truyện, những nhân vật của Duyên Anh luôn tìm kiếm bóng dáng của một người cha như bóng dáng một cây cổ thụ che chở cho loại cỏ leo yếu mềm. Người cha vắng bóng được thay thế bằng hình ảnh người chú (chú Nghị), người thầy giáo (Trên Sông Tình Thương, Ngựa Chứng Trong Sân Trường), Cha Sở (Đêm Thánh Vô cùng), người anh (Hữu, Con Sáo Của Em Tôi), người lãnh tụ (ông Hiển, Ảo Vọng Tuổi Trẻ), người đỡ đầu (chú Tường, đồi Fanta)


2. Trong cả ba truyện ngắn Hoa Thiên Lý, Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ, và Con Sáo Của Em Tôi Duyên Anh xử dụng một cách tài tình và rất thành công kỹ thuật bộ ba chân vạc.


a. Người kể chuyện (narrator), dễ diễn tả tình cảm, và người đọc có cảm tưởng đang chia xẽ những tâm tình của Duyên Anh. Tác giả dùng nhân vật tự truyện này để diển tả cuộc sống nội tâm của những nhân vật khác. Nhân vật tự truyện này là một chân trong bộ ba chân vạc trong truyện ngắn của Duyên Anh.

b. Một chân vạc khác trong bộ ba này có khi là một người đàn ông có tài, nghệ sĩ tính, cố ngoi lên trong cuộc đời với những mơ ước không tròn, những dằn vặt khắc khoải của một người chồng người cha không gồng gánh nỗi những trách nhiệm trong đời là nuôi vợ nuôi con (Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ). Có khi lại là một người đàn bà yếu đuối mỏng manh sống với nỗi đợi chờ khắc khoải một người chồng biền biệt chịu đựng miệng tiếng nghiến ngầm nguyền rủa của người chung quanh (Hoa Thiên Lý). Có khi là đứa em xinh xắn ngây thơ thiếu thốn nghèo nàn, trò chơi đồ chơi chỉ là một con chim sáo (Con Sáo Của Em Tôi).



c. Duyên Anh tài tình dùng hoa thiên lý, chim sáo, và con ốc như một chân trong bộ ba chân vạc đi vào tâm hồn người đọc. Đây là những biểu tượng, những hình ảnh dễ nhớ, dễ thấm sâu vào trong lòng người đọc. Có thể nói đây là những hình ảnh mà tôi mang theo từ trong lòng từ lúc rời Việt Nam suốt hơn hai mươi năm qua.


Người miền Nam ít người biết đến hoa thiên lý. Truyện của ông làm người ta tưởng tượng đến một miền đất xa xôi, với chùm hoa dìu dịu hương thơm. Có lần tôi đứng dưới giàn hoa thiên lý tìm hoài chẳng thấy hoa đâu vì hoa lẫn vào và hầu như cùng màu của lá. Năm 2005 về thăm Việt Nam, có người cho tôi ăn hoa thiên lý xào tỏi, tôi nghĩ ngay đến Duyên Anh và truyện ngắn Hoa Thiên Lý của ông.


Con sáo là một loại chim mà dân miền Nam ai cũng biết và yêu. Yêu sáo là vì chim sáo rất khôn, biết hót, và nhại cả tiếng người. Người ta yêu chim sáo cho nên có cả những bài ca của người Nam gọi là Lý Con Sáo. Ai đem con sáo sang sông. Để cho con sáo sổ lồng bay xa. Yêu sáo đến thế mà phải giết sáo đi để lấy thịt cho em. Duyên Anh khéo quá nên người đọc choáng váng mặt mày, bị ông thu hết cả hồn phách không ai hỏi vặn lại là tại sao chú bé Hữu không bắt cá bắt tôm nấu cháo cho em ăn, hay chỉ nấu cháo với xu hào, cớ gì phải làm thịt sáo cho đứt cả tay cho máu mình hòa với máu sáo. Nhưng ông viết như thế thì chao ôi, tôi khóc hết cã nước mắt.


Có lần tôi đi chơi biển Atlantic City, New Jersey, tiểu bang tôi đang ở. Có một cậu bé cầm một con ốc khá to đặt vào tai của cậu ấy. Tôi hỏi cậu bé ấy có nghe gì không. Cậu bé ấy nói rằng nghe như có tiếng sóng. Tôi chợt nghĩ ngay dến nỗi buồn câm nín của người cha trong Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ


“. . . Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời.”






Nguyễn Thị Hải Hà – New Jersey, Tháng Năm 2007


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn