BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bài viết cho nhà văn tôi yêu mến

03 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 1934)
Bài viết cho nhà văn tôi yêu mến
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 

Tôi yêu Duyên Anh. Yêu lắm. Chắc ăn luôn. Trăm phần trăm là thế. Tất nhiên, không phải là tình yêu cầm tay nhau đi vào túp lều tranh quả tim vàng, cũng không phải là thứ tình yêu khóc lóc than thở luyến tiếc tháng ngày qua. Dẫu rằng tôi yêu ông ngay khi còn là một con nhóc tiểu học, mỗi sáng nhín chút tiền quà để dành mua truyện đọc. Có nghĩa là tôi đã yêu ông bằng một trái tim rất trong sáng, rất ngây thơ, rất thiển cận, rất tự nhiên, rất thật lòng.

Tôi – một bà già 51 tuổi – về hưu non. Hồi còn đi làm, có người nói tôi bị điên chữ, vớ được cái gì cũng đọc, đọc ngấu đọc nghiến, đọc tuốt tuồn tuột, ngay cả khi đó là tờ báo Nhi đồng tranh vẽ nguệch ngoạc dành cho trẻ con lớp 1 hay tờ Mực tím cho tuổi mộng mơ. Trong khi ở tuổi tôi phải đọc những gì đúng đắn hơn, thời sự hơn, Công an bắt kẻ giết người cướp của chẳng hạn. Họ nói vậy – chắc cũng đúng. Ngay từ khi biết đọc tôi đã đọc rất say mê, thấy cái gì đọc cái đó. Đã vậy, năm 7 tuổi tôi còn được thừa hưởng một tủ sách to đùng với biết bao nhiêu là Kiến thức ngày nay, Tự lực văn đoàn, Văn học cổ điển, cận đại, hiện đại nước ngoài và ngay cả Kim Bình Mai (Ôi ! lạy Chúa !). Chẳng phải cha mẹ tôi giàu có gì mà để của thừa kế lại cho tôi thế đâu. Một ông sinh viên tên Mạch đến trọ tại nhà bà nội tôi (bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao chú ấy lại đến đấy – một địa phương chó ăn đá gà ăn muối – mãi đến năm 2005 mới xây nỗi trường cấp 3) mang theo cả một kho tàng sách truyện. Mỗi ngày tôi lân la qua nài nỉ xin mượn truyện đọc, mới đầu là những tranh truyện Lucky, Aberis, Poppey; dần dần tôi đọc đủ thứ tá lả tùm lum. Mà ổng cũng hay, cho tôi lựa thả cửa, không hề nói cái nào nên đọc cái nào không, cái nào hợp hay không hợp với con bé lớp 2 như tôi. Đương yên đương lành thì một buổi tối, có người gõ cửa dắt ổng đi, nói là ổng trốn quân dịch. Ổng chỉ kịp dặn lại một lời với bà nội tôi là tặng lại cả tủ sách cho tôi. Rồi mất biệt luôn cho tới bây giờ. Mà tôi cũng bắt đầu điên chữ từ ngày đó.

Cái tủ sách của ông chú sinh viên là cả một gia tài to lớn cho tôi, tôi đọc – không – phải nói chính xác là nghiến – vớ được cái gì nghiến cái đó, nghiến như điên. Có chuyện – vừa bằng cái đầu bé nhỏ của tôi, đọc là hiểu; nhưng có những chuyện – như cái nón quá rộng úp lên cái đầu chút xíu – hiểu chết liền. Như truyện ngắn Viên mỡ bò (có bản dịch là thùng nước lèo) của tác giả Guy de Maupassant, tôi đọc đi đọc lại, mà mãi đến nhiều năm sau mới hiểu tác giả muốn nói gì.

Trong cái tủ đó tôi chưa tìm được ai tên Duyên Anh – cũng có thể lúc đó ông ký bằng một cái tên khác mà tôi còn bé quá nên chả biết. Chớ tôi không tin ông chú sinh viên của tôi sưu tập cả một cái tủ to đùng thế kia mà lại bỏ sót một nhân vật đình đám như thế. Có thể lúc đó ông còn là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Độc Ngữ hay là ông gì gì đó. Tôi chỉ biết là cái tủ sách to đùng kia thực sự là bước khởi đầu cho tôi vào cái bệnh điên chữ đáng yêu.

Vậy rồi cứ điên như thế, gặp cái gì đọc ngấu nghiến như thế, tôi gặp ông Duyên Anh lần đầu tiên trong Hưng mập phiêu lưu, khởi đầu là cuốn sách bị rách mấy tờ mà dì tôi, một chủ tiệm sách cho thuê ở Long Khánh, thải ra để thay mới. Hù hù, lúc đó tôi còn nhỏ quá mà, mới hết tiểu học chứ gì. Thấy sao mà hay quá chừng, mà ngộ quá chừng; từng câu từng chữ giống như là hàng xóm đâu đây, là gia đình mình, là thằng em trai mình thấp thoáng. Đơn sơ, chất phác, thiệt thà …. Tôi mê tít cuốn truyện, mê luôn cái ông Duyên Anh nào đó viết hay quá sức, gần gũi quá sức, không phải xa tít tắp như Tom Sawyer, Huckleberry Finn của Mark Twain (mặc dù ông này cũng hay quá đi chớ - nhưng mà nói thiệt, nó xa lạ quá). Cuốn truyện ngày một rách thêm, do chúng tôi chuyền tay nhau (xin lỗi ông Duyên Anh – cái xứ khỉ ho cò gáy này của chúng cháu tìm mõi mắt cũng không ra chỗ nào mà mua), nhưng mà đứa nào cũng thích, cũng trầm trồ.

Thừa thắng xông lên, tôi bắt đầu mè nheo mẹ cho tôi được về nhà dì tôi. Cái tiệm truyện của dì đầy thứ, phần đông là kiếm hiệp và tiểu thuyết người lớn như Bà Tùng Long, Người khăn trắng, Ngọc Linh, Nghiêm Lệ Quân gì đó lung tung. Tôi chỉ háo hức hỏi dì truyện của Duyên Anh, dì chỉ cho tôi ngăn sách đó. Tôi mê mẫn với Chương còm, với Dzũng Đakao, với thằng Côn, thằng Vũ. Nhưng mà dì chỉ cho phép tôi được lấy có 1 cuốn thôi, dì nói tụi con nít nó thuê mấy cuốn này dữ lắm. Tôi lộn hết túi trên túi dưới, năn nỉ dì mua lại truyện khác, rồi ôm bốn năm cuốn về nhà – gia tài của tôi có bao nhiêu đó thôi mà. Đọc, rồi cho mượn, cho mượn quanh xóm, cho mượn ở xa hơn. Kết quả: Nát bươm.

Hai năm sau mẹ cho tôi về Long Khánh học, ở nội trú gần trường. Lần này tôi lợi dụng tiệm sách của dì hết mức, đây là thời điểm truyện của Lệ Hằng xuất bản mạnh nhất, cả Quỳnh Dao nữa. Tôi đọc tuốt tuồn tuột. Tất nhiên – tôi phải đọc của Duyên Anh chứ. Và đọc lại, lần nữa, lần nữa những cuốn mà trước kia tôi đã từng mua, từng đọc. Nhưng mà mấy bà sơ cấm đọc tiểu thuyết, kể cả đọc chui đọc nhũi trong mền bằng đèn pin cũng bị phát hiện. May làm sao những Con Thúy, Bồn lừa, Ngày xưa còn bé, Giặc ô kê không bị xếp là tiểu thuyết nên tôi chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng. Lại tíếp tục mượn, tiếp tục chuyền tay trong nội trú, cũng may, lần này lớn rồi, khôn hơn, và dù sao cũng là truyện đi mượn, không dám để cho rách. Nhưng cũng đủ thời gian cho bọn tôi nhấm nháy từng câu văn, săm soi từng câu nói, để cuối cùng, phát biểu thật con nít và cũng rất thật lòng: Hay quá chừng.

Hai năm sau nữa, cuộc chiến kết thúc. Cái tủ sách thân yêu của tôi gánh tội tuyên truyền văn hóa độc hại nên bị các chú du kích đem ra đốt sạch. Các ông bà Alexandre Dumas, Margaret Mitchell, Emily Bronte, Ernest Hemingway, Charlotte Bronte, Henryk Sienkiewicz, Victor Hugo bị ra giàn hỏa thiêu trước nhất, ngay cả các ông Lev Tolstoy, Aleksey Nikolaievich Tolstoy, Dostoevsky cũng được chết chung, vì lý do là hễ cái tên mà đọc không được là các chú du kích giết chết ngay, thà bắn lầm hơn bỏ sót.

Rồi các chú ấy cũng lần nữa bắn lầm hơn bỏ sót, đốt tưng bừng toàn bộ những Kiến thức ngày nay, Tự lực Văn đoàn, Tuổi thơ, Tuổi ngọc, Tuổi hoa và tất tần tật các loại tuổi yêu dấu của tôi. Tất nhiên, cả ông Duyên Anh cũng chết cháy luôn, chớ sao? Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Trần Côn, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Gia Thiều còn chết cháy thê thảm mà, Duyên Anh là cái gì chớ. Ngay cả hai Đức ông Trần Nhân Tông với Cư trần lạc đạo phú và Trần Quốc Tuấn với Hịch Tướng sĩ các chú ấy còn chẳng tha nữa là. Các chú ấy vô tư mà. … éo biết thằng nào, bắn lầm hơn bỏ sót …. hà hà hà.

30 năm trôi qua , tình yêu của tôi với nhà văn Duyên Anh ngày một mõi mòn, chỉ có lần, đâu năm 76 thì phải, trong tập thơ chép vội của 1 người bạn, tôi đọc được 3 bài thơ của Duyên Anh. Tôi hí hửng chép lại, giữ cho mình ….. Trong trái tim tôi, Duyên Anh vẫn cứ mãi trẻ thơ như những ngày là thằng Vũ ở Thái Bình, vẫn cứ là anh chàng ngớ ngẩn tập tọe mãi trông vời áo tiểu thư. Ở một xứ quê mùa hẻo lánh, tôi không có thông tin gì của nhà văn tôi yêu mến, không hề biết ông ở trại tù nào, sống chết ra sao, cho đến khi internet lan rộng, người người xài net, nhà nhà có net.

Vậy mà lại hay. Trong trái tim ngây thơ của tôi chỉ có hình ảnh một nhà văn tôi ngưỡng mộ, người đã viết ra những áng văn rất gần gũi, rất thật thà. Tôi chỉ biết ông mang lại cho những trái tim non của chúng tôi nhịp đập hồn nhiên, dạy dỗ chúng tôi bằng những câu từ chất phác, đơn sơ, không lên gân xuống giọng. Để tôi (và chúng tôi – những người đã hạnh phúc với những áng văn chương hồn nhiên đó) biết phải sống như thế nào mới gọi là cao thượng, để chúng tôi hiểu rằng tình cảm gia đình là rường cột trong cuộc đời, để chúng tôi biết tránh xa những âm mưu đen tối vây phủ bọn nhóc ngây thơ, để chúng tôi biết cư xử với nhau như những hình ảnh đẹp trong truyện cổ tích.

Tôi đã khóc rưng rức khi đọc Con sáo của em tôi, thấy bóng dáng mẹ mình thấp thoáng trong Hoa Thiên lý, ngẩn ngơ rơi nước mắt vì hình ảnh đẹp của 2 anh em cùng cha khác mẹ nhà Vũ. Tôi mến yêu hình ảnh người mẹ kế lo lắng cho con chồng, đã cảm phục khi bắt gặp hình ảnh không đánh kẻ bại trận của Dzũng Đakao. Tôi đã xao xuyến vì những câu nói dịu dàng của Thúy, đã phì cười khi thấy Dũng, thấy Côn cầu mong cho bạn mình biến thành … nhặng, thành quạ, đã đồng cảm với tình yêu của tuổi mới lớn của Vũ, của Thúy, của Côn, cười nắc nẻ với hình ảnh Côn đi bằng hai tay đến nhà Thúy mong gợi sự chú ý của đối tượng, để sau đó 2 cánh tay rướm máu; yêu tha thiết đoạn văn ngớ ngẩn “Côn ghét Thúy một lúc, ghét Thúy khi gặp Luyến thôi. Con Thúy là cái thớ gì mà Côn không dám ghét nó. Côn chẳng hiểu. Chỉ biết không gặp Thúy, Côn thấy nhơ nhớ. Côn thèm nói hai tiếng Thúy ạ và nghe Thúy nói Côn giỏi ghê. Hai tiếng Thúy ạ ấm áp cơ hồ một cơn nắng hiếm muộn trong những ngày mùa đông lạnh lẽo”.…. . Và không chỉ mỗi mình tôi, tôi biết, còn có rất nhiều người như thế. Bài học tôi học được từ nhà văn lớn này rất vui tươi, rất nhẹ nhàng, rất dịu dàng, rất tự nhiên, rất êm đềm mà hữu ích.

Mặc kệ những lời nói không hay về nhà văn. Mặc kệ những phê phán nghi ngờ. Tôi – nghe một câu từ ông chủ hãng phim Mỹ Vân: Yêu người nghệ sĩ là hãy yêu những cống hiến của họ chớ đừng nhìn vào đời thật của họ. Tôi thấy câu này đúng chính xác, nhân vô thập toàn mà. Khi phim truyền hình chiếu phim Bao Thanh Thiên, mọi người đều yêu mến nhân vật Triển Chiêu trừ gian diệt ác, ai mà thèm để ý diễn viên Hà Gia Kinh ngoài đời nổi tiếng trăng hoa, trác táng. Tôi cũng thế, tôi yêu Duyên Anh, chả quan tâm đến những điều ong tiếng ve của người khác. Cái mà tôi đọc được, học được từ Duyên Anh nó che mờ hết mọi nghi ngại, mọi lời xúc xiểm độc ác. Dẫu rằng những tác phẩm về sau này, đưa ông lên văn đàn cao vòi vọi của thế giới, tôi vẫn chưa hân hạnh được đọc. Nhưng chỉ với những tác phẩm ông viết trong những ngày còn ở Việt Nam, trong trái tim bé nhỏ và khờ khạo của tôi, Duyên Anh mãi mãi là nhà văn lớn nhất, là người giáo dục thế hệ trẻ đạt yêu cầu nhất, là người mà tôi và nhiều người khác – như tôi – thành tâm ngưỡng mộ.

5/3/2010.
Anchu. Một tấm lòng.
Ý kiến bạn đọc
05 Tháng Ba 20128:00 SA
Khách
AnChu cảm ơn bạn
04 Tháng Ba 20128:00 SA
Khách
tôi thì yêu những truyện của Duyên Anh và cả AnChu , tôi buồn với Cảnh Hồng Nhan , tôi thương Mùi Quá Khứ và tôi xót xa và hạnh phúc cho Miền Kí Ức
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn