BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73212)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Suy nghĩ về một tờ báo

06 Tháng Bảy 200412:00 SA(Xem: 1168)
Suy nghĩ về một tờ báo
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Tôi, cũng như nhiều người Việt Nam yêu văn chương khác hẳn không mấy ai không biết và không đọc tờ Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ – cơ quan ngôn lụân của Hội nhà văn Việt Nam. Riêng tôi là một độc giả trung thành của mấy tờ báo này. Nhà tôi thường đặt hai tờ này cả năm, giá không hề rẻ. Tất nhiên, văn chương thì không thể rẻ. Tuy nhiên thời gian gần đây tôi bắt đầu chán. Chán vì chất lượng hai tờ báo này ngày một tồi tệ.

Về mảng sáng tác, mỗi số đăng chừng 2, 3 truyện ngắn, chục bài thơ của hai, ba tác giả. Tìm trong số này được một hai cái kha khá như đãi cát tìm vàng.

Mảng phê bình thì đến gần năm nay không có bài viết nào ra hồn. Chủ yếu là những bài giới thiệu thơ hay điểm sách, với những lời tán nhạt nhẽo vô duyên. Trong tờ Thơ (phụ bản báo Văn Nghệ, hình như số Tết) có một bài viết rất dài, chiếm gần trọn trang báo, bình về bài thơ Cửa chớp của Louis Aragon. Đọc bài viết này thì đến ôm bụng mà cười. Sao thế? Bài viết khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện của G. García Marquez. Ông kể rằng đã sướng điên lên khi hai nhà phê bình ở Barcelona phán rằng: tiểu thuyết Mủa thu của ngài trưởng lão của ông có cấu trúc của bản concerto số 3 của Béla Bartók. García Marquez vốn hâm mộ Béla Bartók và đặc biệt say mê bản concerto số 3, nhưng ông không sao hiểu nổi cấu trúc cuốn tiểu thuyết của ông với cấu trúc của bản concerto số 3 giống nhau như thế nào. Khi viết bài Cửa chớp, Aragon chỉ có ý định đơn giản là trêu đùa mấy ông bà phê bình –như kiểu “một bông hồng là một bông hồng là một bông hồng” của “bà béo độc tài” Gertrude Stein để chọc tức, thách đố giới phê bình. Vì bài Cửa chớp là của Aragon nên ông (bà) tác giả kia cứ thả sức mà múa bút, còn nếu như bài Cửa Chớp đó mà của một nhà thơ Việt Nam không tên tuổi thì có mà ông (bà) ... đập vào mặt.

Có thời kì, liên tiếp đến hơn chục số báo Văn Nghệ đăng bài tranh luận về chữ Rợ hay Chợ trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Các nhà vào cuộc hào hứng quyết liệt lắm. Càng về sau không khí tranh cãi càng ngoa ngoắt hơn (có lẽ chính vì thế mà phải dừng). Gần đây, cụ thể là từ số 14 lác đác tới số 21 ra ngày 23/5, các nhà lại bắt đầu cãi nhau về chữ Tiễn, Tạn, Tịn. Không biết cuộc cãi vã này kéo dài bao lâu. Mà đất dành cho mấy bài này đâu có ít.

Mảng chính luận và tin tức thì miễn bàn.

Chính vì thế, thời gian này mỗi khi có báo tôi chỉ lật qua, lướt qua. Vì đã mất tiền mua, không đọc qua cũng tiếc. Tiền đặt rồi, còn hai quí nữa mới thoát nợ. Vợ tôi an ủi: - Thôi, cuối năm cân kí bán ve chai cũng được.

Một tờ báo dở cũng là chuyện bình thường, chẳng có gì khiến ta phải mất công lọ mọ mổ cò bàn phím. Nhưng gần đây, có mấy việc khiến tôi bực tức đến độ không thể không mổ cò.

1.

Tờ Văn Nghệ số 16 có đăng truyện ngắn Cha và con của nhà văn Anh Đào, với danh nghĩa là truyện ngắn dự thi. Vấn đề ở đây là: Trong các cuộc thi văn chương của các báo và tạp chí thì trong điều lệ bao giờ cũng có qui định: Các tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa in trên sách báo trung ương hoặc địa phương. Vậy mà truyện Cha và con đã xuất hiện trong cuốn “Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam” do Nhà xuất bản Giáo Dục ra năm 2003. Với tư cách là hội viên Hội nhà văn Việt Nam chả nhẽ tác giả Anh Đào không biết cái qui định kia? Hay cố tình quên để thâm canh kiếm thêm ít nhuận bút? Về phía BBT của Văn Nghệ, họ biết hay không biết? Nếu biết thì không còn gì để nói. Nếu không biết thì đây đích thị là chứng lười đọc và bệnh quan liêu. Nhưng quan trọng hơn nữa là truyện Cha và con đã được chính Văn Nghệ đăng trước đó (1998). Với tư cách là người bỏ tiền mua báo tôi cho rằng việc này là không thể chấp nhận. Với những suy nghĩ đó, sau khi đọc xong tờ Văn Nghệ số 16 ra ngày 17/4/04 tôi viết một lá thư (kí tên thật) tới toà soạn với góp ý mang tính xây dựng, nhưng đáng buồn là báo không quan tâm, không hề trả lời hay giải thích gì cả.

2.

Tờ Văn Nghệ Trẻ số 21 ra ngày 23/5/04 có đăng bài Ghi lại những trang sử của dân tộc của tác giả Thu Huyền, nói về bộ phim Kí ức Điện Biên (có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến tôi phải viết bài này).

Bài viết chia làm 3 mục chính: 1.Tái hiện được đầy đủ cuộc chiến tranh: “... Lần đầu tiên trong các phim Việt Nam người xem được thoả mãn tai nghe của mình...Từ đại cảnh chiến trận, đến những bối cảnh như khói lửa, âm thanh, một cảm giác thật toát ra. Không khí chiến tranh ngột ngạt, khốc liệt sống động trước mắt người xem...” 2. Diễn viên trẻ thể hiện được chính mình: Phần này miễn trích dẫn, bởi lối khen “bốc thơm” vốn là sở trường của các nhà phê bình Việt Nam. Không có gì mới lạ. 3. Những cái “nhất” của bộ phim: “ Có thể nói chúng ta có nhiều phim về chiến thắng Điện Biên, nhưng lần này vượt qua những phim “cúng giỗ”, phim kỉ niệm trước, Kí ức Điện Biên đã được khán giả đón nhận nhiệt tình...”

Tôi xin miễn bình luận, bởi trước khi Văn Nghệ Trẻ cho đăng bài này thì thực tế khán giả có nhiệt tình đón nhận hay không, bộ phim có giá trị nghệ thuật thực sự hay không ... nhiều bài báo đã phân tích kĩ lưỡng và trả lời. Tôi chỉ xin lấy tựa đề bài viết của tác giả Hà Giang đăng trên tờ Sài Gòn Giải Phóng để các bạn hình dung: Bộ phim 13 tỷ đồng, 2 người xem/ xuất chiếu. Còn rất nhiều bài báo khác cho chúng ta thấy bộ phim giá trị tới đâu và khán giả đón nhận nó thế nào. Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những bài viết ấy trên các tờ Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Công An Thành Phố... số ra những ngày gần đây.

Như trên tôi đã nói, đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến tôi phải viết bài này. Tại sao? Vì tôi chưa từng được đọc một cái gì trơ tráo đến như thế. Sự trơ tráo khiến tôi muốn lộn mửa. Họ có thể khen “bốc thơm” nhau thế nào cũng được, nhưng chỉ được phép làm thế với tư cách cá nhân. Còn lấy tư cách của “khán giả” nói chung thì thật vô liêm sỉ. Xin hỏi tác giả Thu Huyền, rằng cô/ chú/ bác có biết 13 tỷ dùng để làm phim ấy ở đâu ra không? Xin thưa rằng không phải là Liên Xô viện trợ đâu, mà của dân đấy, của những người nông dân chổng mông cấy lúa kia kìa.

Cuối cùng, tôi muốn hỏi BBT Văn Nghệ Trẻ, rằng các vị cũng đồng quan điểm với tác giả Thu Huyền chứ? Hay các vị không quan tâm tới cái vụ Kí ức Điện Biên đang ầm lên kia. Mà cũng chả trách được, 13 tỷ chứ 130 tỷ thì có ảnh hưởng gì đến ai. Tiền của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà.

Hai việc tôi nêu trên cho thấy, mấy tờ Văn Nghệ này không hề quan tâm và coi trọng độc giả, những người bỏ tiền tiêu thụ sản phẩm của họ. Điều này tôi cũng cho là hợp lí, bởi ngay đầu trang nhất là khẩu hiệu: “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Họ quan tâm và coi trọng đến những cái to lớn ấy thì còn hơi đâu mà quan tâm tới mấy người mua báo lẩm cẩm.

Tờ Văn Nghệ là tiếng nói của Hội nhà văn Việt Nam, vì thế nó được xuất bản chủ yếu là phục vụ cho hội viên (được phát không). Ai lỡ mua đọc, có điều gì bức xúc thì ráng chịu, đừng có phàn nàn. Ai bảo mua. Cho chết.

Vương Văn Quang



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn