BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72814)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo

12 Tháng Năm 200412:00 SA(Xem: 1307)
Cú điện thoại của nhà thơ Trần Mạnh Hảo
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Chiều ngày 24.4.2004. Trời Sài Gòn nóng bức ngột ngạt. Đi làm về, tôi thấy mọi người trong gia đình gồm: bố vợ, mẹ vợ và vợ tôi, ai nấy đều run rẩy sợ sệt, mặt xám ngoét cắt không ra giọt máu. Tôi gặng hỏi tới lần thứ ba, mọi người mới kể: Có một ông tự xưng là nhà thơ, nhà báo, nhà văn tìm tới nhà yêu cầu bố vợ tôi xuất trình chứng minh thư nhân dân, và bảo rằng, ông Vương Văn Quang đã viết bài trên báo Ngày Nay, "nói láo"... "chửi"... "phản động"..., rằng sẽ có chính quyền, công an tới xử lí v.v. Tôi hỏi, ông ta tên gì? Mọi người trong nhà bảo, ông ta giới thiệu tên là Trần Mạnh Hảo (TMH) và đưa ra rất nhiều loại thẻ. Ông ta có hẹn lát nữa sẽ gọi điện lại (vì gia đình cho ông ta biết là tác giả thật sự hiện không có nhà). Tôi giật mình, vội vàng lấy tờ Ngày Nay số 8, ra ngày 15.4.2004, đọc lại bài Thử trò chuyện với hoa thuỷ tiên để tìm hiểu thể loại văn học gãi ngứa và hội chứng chửi có thưởng, xem có câu nào là "phản động". Sau nửa tiếng soi kĩ lưỡng bài viết của chính mình, tôi không thấy một câu chữ nào tỏ ra là "phản động". Vậy nhà thơ TMH, một tên tuổi lớn, tìm tới tận nhà tôi để lớn tiếng vì lí do gì nhỉ?

Tôi bỏ vào đi tắm. Khi tôi đang tắm, chuông điện thoại đổ hai lần. Cả nhà tôi lấm lét nhìn nhau, không ai dám nhấc máy. Mọi người gọi tôi ra cầm máy, thế là tôi phải vội vàng quấn chiếc khăn tắm chạy ra. Giời ạ! Một lần là người ta nhầm số, một lần là ông tổ trưởng dân phố gọi để nhắc treo cờ trong dịp lễ và bầu cử. Tôi tắm xong chừng nửa tiếng thì thật vinh hạnh, nhà thơ TMH đã gọi tới.

Đây là lần đầu tiên được nói chuyện trực tiếp với một nhà thơ lớn, nên tôi không khỏi hồi hộp. Sau khi giới thiệu, giao đãi, ông TMH lớn tiếng: "Tại sao anh dám chửi tôi?"

Ô hay, tôi có chửi bới gì đâu nhỉ? Cái nhà bác này... Nghĩ thế nên tôi bảo: "Bác cứ đùa, nào em có dám chửi ai. Bác thích chửi nên bác cứ hay dùng cái từ đó."

Nói đến đây, tôi chợt nhớ ra rằng, trong giới phê bình văn chương ở ta, khi viết phê bình hoặc trao đổi họ hay dùng từ "đánh" hoặc "chửi". Là kẻ ngoại đạo, nên tôi rất dị ứng với những từ ngữ đầy bạo lực ấy. Vẫn với giọng hùng hồn, đanh thép, ông TMH nói tiếp: "Anh có biết thằng Nguyễn Huy Thiệp (NHT) là thằng phản động không? Nó đã phát biểu bêu riếu cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta."

Chết rồi, tôi thấy vấn đề có vẻ trầm trọng đây. Tôi bảo: "Thưa bác nhà thơ, em chỉ biết NHT qua tác phẩm của ông ta, còn việc ông ấy phản động hay ông ấy đua xe hoặc ông ấy đánh bạc ... em không quan tâm lắm."

Ông TMH: "Cậu không biết NHT là người thế nào mà tại sao cậu lại dám viết!" Tôi thưa rằng: "Em viết về văn chương NHT, là cái em biết, và em phát biểu quan điểm của em trên cơ sở em cảm nhận hai bài viết: bài của bác trên Văn Nghệbài của NHT trên Ngày Nay. Theo em thì như thế không thể gọi là phản động."

Lúc này, nhà thơ Trần có chùng giọng xuống. Ông bảo: "Tôi gần bằng tuổi bố vợ cậu, tôi là một người lính chiến, tôi đã từng ... đã là... đã bị..." Thật lạ, khi nhà thơ TMH chùng giọng thì tôi lại cảm thấy bực tức. Tôi nói: "Em biết tuổi của bác, em cũng biết bác đã từng... đã là v.v. Xin thưa với bác, rằng ở tuổi như bác và cả tuổi em, dân Việt Nam ta thật ít người chưa từng là lính. Hiện tại vợ em còn đang phục vụ trong quân đội. Tổ quốc, dân tộc là của chung. Tất cả mọi người Việt Nam ai ai cũng đều yêu Tổ quốc, yêu dân tộc (trừ một số rất nhỏ ở đâu đó, loại này ta không nên đếm xỉa tới). Chính vì vậy, không nên nhân danh những cái lớn lao đó để phục vụ, thoả mãn ý đồ cá nhân. Như thế chính là vô lương tâm đấy, chính là phản động đấy."

Tôi không tin rằng nhà thơ, nhà phê bình TMH có thể đuối lí trước một kẻ tầm thường như tôi. Nhưng ông TMH có im lặng một chút, sau đó ông bảo: "Nhưng anh đã phạm luật báo chí." Tôi hỏi: "Bác cho em biết, em phạm điều luật gì?" Ông TMH: "Mạo danh!" Ngạc nhiên quá, tôi hỏi: "Em mạo danh ai?". Ông TMH: "Mạo tên ông bố vợ cậu." Tôi ra sức thanh minh, rằng tôi lấy tên tác giả là bố vợ tôi (Vương Văn Quang) như một thứ bút danh, còn địa chỉ và số điện thoại sờ sờ ra đấy, tôi có "mạo" đâu? Tôi đã từng viết một số bài báo nho nhỏ và lấy tên tên vợ, tên bố vợ... những người tôi yêu quý, làm bút danh. Nhưng nhà thơ TMH kiên quyết bác bỏ những lí lẽ của tôi, và ông kết luận tôi là "kẻ mạo danh". Trước khi kết thúc cuộc đàm thoại, nhà thơ còn ưu ái: "Rồi mày sẽ biết tay ..."
Mạo danh - theo tôi đây là một động từ chỉ hành động xấu xa, với mục đích:
Mạo tên một người nổi tiếng, với mục đích lợi dụng uy tín người đó, hoặc bôi nhọ chính người đó.
Mạo tên một người vô danh nào đó, với mục đích bêu xấu ai đó mà muốn lẩn tránh trách nhiệm, kiểu "ném đá giấu tay".

Trong cả hai trường hợp này, đương nhiên người ta phải giấu địa chỉ thật .

Sau khi suy nghĩ, tôi thấy việc mình lấy tên bố vợ làm tên tác giả đều không thoả mãn hai điều kiện trên. Tôi suy ra rằng, mình không làm gì sai trái.

Người ta nói "văn là người". Quả đúng thật. Những bài tiểu luận, phê bình của ông Trần Mạnh Hảo rất giống với cách hành xử của ông Trần Mạnh Hảo hôm nay đối với tôi và gia đình.

Nghĩ như vậy, nên tôi hoàn toàn thanh thản. Tôi còn thấy rất vui và vô cùng hãnh diện, rằng đã được tiếp chuyện nhà thơ nổi tiếng. Nếu không có bài viết vừa qua trên tạp chí Ngày Nay thì biết bao giờ tôi mới có diễm phúc đó, dù chỉ là diễm phúc nghe mắng mỏ, doạ nạt (nghe nói, đối tượng bị nhà thơ TMH mắng mỏ toàn là các giáo sư, tiến sĩ hay các nhà văn, nhà thơ lớn).

Nhưng cái niềm vui của tôi thì nhỏ, không thể lấn át cái không khí tang tóc trong nhà. Phía trong bếp, tôi nghe cả nhà đang thì thào bàn bạc. Vợ tôi thì bảo nên đổi số điện thoại, mẹ tôi đòi chuyển nhà, bố vợ tôi đưa ra giải pháp là đi thuê chỗ khác ở, còn nhà mình cho người khác thuê. Thật buồn cười, nhưng cũng nên thông cảm. Cả đời làm ăn lương thiện, tự nhiên bị chụp lên đầu cái mũ "phản động", bố ai chả hãi. Tù chứ bỡn à.

Tối hôm đó, vợ tôi than thở: "Đang yên đang lành. Giời ơi là giời. Thôi, thế là hết cả mộng văn sĩ nhé. Tự nhiên lại rửng mỡ đi viết báo tán nhăng, chả lợi lộc gì, đi mua cái lo vào người." Chả là gần đây tôi có học đòi viết lách, trong gia tài văn chương của tôi có chừng vài chục cái truyện ngắn, một mớ thơ "con cóc". Đã định cuối năm nay bán cái xe máy để in lấy hai tập truyện. Thế là đủ điều kiện, tư cách để xin vào Hội nhà văn. Nay có chuyện "mạo danh", "phản động" này thì còn gì hi vọng mà góp mặt với văn đàn.

Vương Văn Quang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn