BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39400)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Việt Nam - Nhìn lại năm 2011!

20 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 848)
Việt Nam - Nhìn lại năm 2011!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nếu có thể kể ra một cách trung thực những nét chính trong tình hình chính trị, xã hội, văn hóa các mặt của Việt Nam trong năm 2011, hẳn người ta không thể bỏ qua những điểm sau:



Kinh tế khó khăn: Theo một số chuyên gia về kinh tế, năm 2011, Việt Nam thật sự rơi vào tình hình khó khăn nhất kể từ năm 1991. Các báo cáo theo dõi kinh tế 6 tháng của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), tổ chức tài chính Bloomberg hay báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân Hàng Thế Giới (World Band)... đều cho biết, lạm phát ở Việt Nam liên tục tăng, cao nhất Châu Á, có những lúc cao nhì thế giới.

Đồng tiền Việt Nam bị phá giá mấy lần trong năm. Đời sống người dân, đặc biệt là tầng lớp công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, công nhân viên chức... hết sức khó khăn.

Một nhà nước điều hành kinh tế kém cỏi và bất lực. Đứng trước tình hình khó khăn, mới thấy rõ nhà nước Việt Nam đã thật sự bất lực trong việc kềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô. Và vì bất lực nên càng rối. Những chính sách, biện pháp khác nhau cứ liên tục được đưa ra nhằm cứu vãn nền kinh tế nhưng chẳng ăn thua gì và chỉ khiến cho người dân mệt mỏi thêm.

Sự kiện vụ Vinashin bị kiện ra tòa án ở London và những hệ lụy nặng nề cho Việt Nam, cùng với tình trạng làm ăn thua lỗ của hàng loạt tập đoàn kinh tế quốc doanh như tổng công ty xăng dầu Petrolimex, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam EVN, Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam... Hoặc vỡ nợ, phá sản như Vinashin, công ty cho thuê tài chính II (ALCII)-một công ty con của Agribank...

Việc các doanh nghiệp quốc doanh, vốn được sự ưu ái rất lớn của nhà nước và nằm giữ khối tài sản quốc gia khổng lồ nhưng lại làm ăn thiếu hiệu quả, tham nhũng nặng nề gây thua lỗ đã không còn là chuyện mới mẻ gì. Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước kêu gọi nhà nước Việt Nam phải tái cấu trúc kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Cụm từ “tái cấu trúc kinh tế” đã được đặt ra nhưng mới đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001-2010, được tổ chức ngày 8 tháng 12, tại Hà Nội, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:

“Đánh giá hiệu quả của DNNN phải công bằng, không thể nói DNNN là ‘ăn hại’. Những kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có DNNN thì nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô”.... (theo Kinh tế và Dự báo ngày 8 tháng 12). Có nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tồn tại dài dài!

Quốc Hội VN khóa XIII qua kỳ họp thứ nhất vào tháng 7 năm 2011 đã kịp phơi bày chất lượng của một số đại biểu nhân dân (nhưng không do nhân dân bầu lên). Với những nhân vật bị tố cáo về tư cách như đại biểu quốc hội Đặng Hoàng Yến (Long An), bị tố khai man bằng cấp như đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội)...

Hoặc đầu óc dốt nát, kiến thức nhiều lỗ hổng như đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), đại biểu Đỗ Văn Đương (Sài Gòn), đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An)... Đình đám hơn cả là ông nghị Hoàng Hữu Phước (Sài Gòn) với bài phát biểu về luật biểu tình, cùng những bài viết trên blog cá nhân phản ánh một đầu óc hoang tưởng, bất bình thường!

Một số nhân vật như Bộ Trưởng Tài Chính Vương Đình Huệ, Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Thống Đốc Ngân Hàng Nguyễn Văn Bình có những câu phát biểu và một vài hành động có vẻ quyết liệt ngay khi vừa lên nhậm chức, được báo chí không tiếc lời khen ngợi! Thậm chí ông Nguyễn Văn Bình còn được độc giả VNExpress bầu chọn là nhân vật của năm.

Nhưng từ lời nói đến hành động rồi hiệu quả thực sự là cả một chặng đường dài. Có thể những con người như ông Bình hay ông Huệ thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ đảm nhiệm, so với những người khác, và thực tâm muốn làm một điều gì đó. Nhưng với cái guồng máy chung trì trệ, chồng chéo, trong một cơ chế không rõ ràng, minh bạch, bị chi phối bởi những “nhóm lợi ích” như hiện nay, họ sẽ rất khó làm được gì.

Sự kiện bầu chọn vịnh Hạ Long cũng là một trong những vụ lố lăng nhất trong năm. Khi lòng yêu nước, tự hào về đất nước của người dân đã bị “xỏ mũi” trong một chiến dịch bầu chọn “7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới”, được nhà nước Việt Nam tuyên truyền tối đa. Thực chất là cúng tiền cho NewOpenWorld khi tổ chức này được lợi gần 50% phí từ hơn 20 triệu tin nhắn điện thoại đã bầu chọn cho vịnh Hạ Long.

Còn Việt Nam được một danh hiệu mà thực ra là không cần thiết bởi vịnh Hạ Long dù sao cũng đã được được UNESCO công nhận là Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới. Sự kiện này cho thấy tính háo danh đã trở thành căn bệnh mãn tính của nhà nước Việt Nam.

Về mặt đối nội, nhà nước Việt Nam tiếp tục tiến thêm một bước trong thành tích đàn áp tôn giáo, đàn áp nhân quyền, tự do ngôn luận... Những vụ đàn áp, khủng bố diễn ra tại giáo xứ Thái Hà, Giáo Phận Vinh, hay các tổ chức Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành... tiếp tục diễn ra. Trong các vụ xét xử người bất đồng chính kiến nổi bật là vụ án Cù Huy Hà Vũ.

Tình trạng các blogger viết bài bày tỏ chính kiến tiếp tục bị nhũng nhiễu, bị bắt giữ. Đáng nói hơn, nhà nước Việt Nam có thêm những “chiêu trò” mới như bắt cóc mất tích với trường hợp anh Nguyễn Thiện Thành, sinh viên ngành công nghệ thông tin, hoặc bắt cóc rồi đưa vào trại... giáo dục cải tạo như chị Bùi Thị Minh Hằng. Hoặc giam giữ vô thời hạn không cho biết tình hình còn sống hay đã chết như blogger Điếu Cày. Còn gia đình nhà văn-blogger Huỳnh Ngọc Tuấn thì bị phạt một số tiền lớn!

Thật ra, cái trò bắt mất tích hoặc phạt tiền người bất đồng chính kiến này cũng chả phải là sáng kiến của nhà cầm quyền Việt Nam mà là học lại từ... nhà cầm quyền Trung Quốc!

Năm 2011 còn ghi dấu bởi hàng chục cuộc biểu tình phản đối chính sách ngoại giao hung hăng và đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông của người dân Sài Gòn, đặc biệt là Hà Nội.

Dù sao, những cuộc biểu tình đó cũng buộc nhà cầm quyền từ chỗ tránh né coi như không có, hoặc gọi là những cuộc tụ tập tự phát... đã phải gọi đúng tên là “biểu tình yêu nước”. Ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải đề xuất luật biểu tình, và trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc Hội tháng 11 năm 2011 đã phải chính thức đề cập đến việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp của đảng CSVN thừa nhận những điều này. Trong khi thực tế thì người biểu tình đã công khai bày tỏ lòng tri ân đối với những người chiến sĩ đã ngã xuống trong cả hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988.

Nhưng những biến chuyển đó rất chậm chạp, nhỏ giọt nếu so sánh với tình hình thế giới trong năm 2011. Khi mà hàng loạt chế độ độc tài ở các nước Bắc Phi và Trung Đông phải sụp đổ trước phong trào cách mạng Mùa Xuân Ả Rập của người dân. Rồi phong trào biểu tình chiếm phố Wall tại Hoa Kỳ và một vài nước phương Tây, cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tại Nga, sự cải cách chính trị tại Miến Điện... Tất cả cho thấy tự do dân chủ, công bằng xã hội là nhu cầu chung của con người và dân chủ là xu hướng tất yếu của mọi chế độ.

Về đối ngoại, năm 2011 tình hình biển Đông tiếp tục dậy sóng. Việt Nam đã có những cố gắng mới để đa phương hóa vấn đề tranh chấp trên biển Đông, mở rộng quan hệ ngoại giao cũng như nâng cấp tiềm lực hải quân, quốc phòng trước sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng chính sự trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cùng với việc nước này thiết lập những vòng đai với các nước đồng minh trong khu vực, nhằm hạn chế và cô lập Trung Quốc mới là yếu tố chính khiến Trung Quốc buộc phải xuống giọng. Và Việt Nam nhờ vậy cũng được hưởng lợi.



Tình hình thế giới, tình hình chung của khu vực cũng như những nhu cầu nội tại bức thiết đều buộc Việt Nam phải đổi mới, cải cách chính trị, kinh tế triệt để nếu muốn vượt qua sự khó khăn và những nguy cơ đánh mất vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải, hội nhập với các nước tự do dân chủ, giàu mạnh trên thế giới.

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình chung của xã hội và những chính sách lớn về đối nội, đối ngoại ở Việt Nam thì có thể thấy, trong một thời gian nữa mọi việc sẽ vẫn chẳng có gì thay đổi lớn. Khi chính người dân-nhân tố chính của sự thay đổi, vẫn chưa thực sự ý thức được tình hình của đất nước cũng như sức mạnh của mình!

Song Chi

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn