BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lam Phương, tài hoa và bất hạnh (Kỳ cuối)

19 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1003)
Lam Phương, tài hoa và bất hạnh (Kỳ cuối)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Như một số nhạc sĩ cùng thời kỳ, thể tài âm nhạc của Lam Phương khá rộng. Khởi đầu với khả năng “nhập vai” vào tâm tình, hay nỗi niềm của đồng bào di cư từ miền Bắc vào miền Nam, khi ông còn ở độ tuổi niên thiếu.



Để rồi sau đó, những sáng tác kế tiếp của Lam Phương là hình ảnh quê hương Nam Bộ chan hòa nắng thương yêu.

Từ vai trò của một nhiếp ảnh gia ghi lại trung thực cảnh sắc đồng quê, tâm tình của người dân miền Nam bằng nốt nhạc và ca từ, cõi nhạc Lam Phương lại mở vào những chân trời khác. Chân trời tự sự, chân chất, không cường điệu, không lãng mạn hóa người lính.

Ở thể tài nào, bằng vào tài hoa đủ lớn của mình, Lam Phương cũng đã đưa sáng tác của ông tới những thành công có tính cách khẳng định.

Nhưng, cũng như nhiều nhạc sĩ khác, tình ca vẫn là ngọn đèn nghìn nến, là “spot light” tỏa rộng, rực rỡ nỗi muộn phiền nhất, trong sự nghiệp ca khúc của ông. (4)

Sau ca khúc “Kiếp Nghèo” được xây dựng trên nền tảng đời thường hoặc tâm sự cá nhân, nhiều hơn là một tình khúc, nhạc sĩ Lam Phương cho ra đời ca khúc “Duyên Kiếp.” Đó là tình khúc đầu tiên, đúng nghĩa, tiêu biểu cho sự “thành công có tính cách khẳng định” tài năng của ông. Nhưng đồng thời, tự thân tình khúc ấy, ở mặt khác, cũng chính là nỗi muộn phiền rực rỡ nhất của người nhạc sĩ tài hoa này:

 Em ơi nếu mộng không thành thì sao

Non cao đất rộng biết đâu mà tìm

Đường đời mịt mời vạn nẻo về đâu

Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu

 

Em ơi nhắc lại phút xưa gặp nhau

Trên đê vắng người lúc tan chợ chiều

Ngại ngùng mỗi lần anh đến tìm em

Má em ửng hồng vì quá thẹn thùng.

 

Em ơi nhớ chăng thuở ấy

Mỗi khi bóng chiều xuống dần

Em về trên quãng đường xa

Gặp nhau dù không dám cười

Nhìn nhau, nhìn nhau mà lòng vẫn vui.

 

Em ơi phải chăng phút giây ngày ấy

Đôi tim ước mộng bấy lâu thành lời

Dù rằng đường đời ngăn cách tình ta

Phút giây ban đầu mãi không phai nhòa.

(Lam Phương, “Duyên Kiếp”)

 “Duyên Kiếp” đã mau chóng trở thành “nỗi lòng chung” của nhiều đôi trai gái thuở đó. Thuở mà phong tục, tập quán còn trói buộc những người yêu nhau trong lễ giáo nghiêm ngặt. Tới mức độ “gặp nhau dù không dám cười” - Tuy nhiên tác giả cũng đã rất chân thật khi ghi nhận ngay sau đấy: “Nhìn nhau, nhìn nhau mà lòng vẫn vui.”

Tôi không biết vì tính đơn giản, chân chất của giai điệu và ca từ, có phải là chìa khóa mở rộng cánh cửa thành công của ca khúc này hay không (?).Nhưng điều nên nói thêm theo tôi là, chỉ một thời gian ngắn, sau khi “Duyên Kiếp” được phổ cập, đã được quần chúng mau chóng cho nó những lời hát khác.

Những ai theo dõi sinh hoạt tân nhạc của miền Nam, ở những năm cuối thập niên (19)50, đầu thập niên (19)60, hẳn còn nhớ, không phải bất cứ một ca khúc nổi tiếng nào, cũng cho được cho nó lời... hai. Từ đó, nhiều người đã đi đến kết luận, “Duyên Kiếp” là một vài tình khúc mở đầu phong trào đặt lời... hai, cho những ca khúc được nhiều người yêu thích, sau này.

Tôi vẫn nghĩ, nếu định mệnh của mỗi con người, thường được dự báo qua những biến chuyển bất ngờ, ngoài dự trù của chúng ta thì, trong văn học và nghệ thuật, những báo trước ấy, cũng thường biểu hiện mơ hồ, hoặc khuất lấp đâu đó, giữa hai hàng chữ, giữa giai điệu và ca từ.

Nói như thế không có nghĩa tất cả những tình khúc đổ vỡ, bi thương của chúng ta, đều dẫn tới địa-chỉ-bất-hạnh của những người sinh thành ra chúng.

Sự khác biệt, theo thiển ý của tôi, nó nằm ở một trong hai phía của vạch phấn: Chân thật hay vay mượn, giả tạo.

Ở trường hợp Lam Phương, những tình khúc làm nao lòng người của ông, nằm bên phía chân thật của vạch phấn.

Điển hình như ca khúc “Thành Phố Buồn,” được Lam Phương sáng tác vào đầu thập niên (19)70. Khi đó, ông đã lập gia đình với kịch sĩ nổi tiếng Túy Hồng. Đó cũng là thời gian đời sống vật chất của ông, được kể là thong thả, ung dung nhất, với tài sản, xe cộ, luôn cả ngân khoản nhiều con số, gửi ở các ngân hàng.

Vậy mà, khi ông được người bạn đời thuở đó của ông, nhờ sáng tác một ca khúc, làm bài hát chính cho vở kịch nhan đề “Thành Phố Buồn,” ông đã viết:

 Thành phố nào nhớ không em?

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm

Thành phố nào vừa đi đã mỏi

Đường quanh co quyện gốc thông già

Chiều đan tay nghe nắng chan hòa

Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em

Mắt em buồn trong sương chiềuà

Anh thấy đẹp hơn...

 

Một sáng nào nhớ không em?

Ngày Chủ Nhật ngày của riêng mình..

Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa

Người lưa thưa chìm dưới sương mù

Quỳ bên nhau trong góc giáo đường

Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương

Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.

 

Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa

Rồi từ đó chốn phong ba, em làm dâu nhà người

Âm thầm anh tiếc thương đời,

Đau buồn em khóc chia phôi

Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui.

 

Thành phố buồn, lắm tơ vương

Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn

Và con đường ngày xưa lá đổ

Giờ không em sỏi đá u buồn

Giờ không em hoang vắng phố phường

Tiếng chuông chiều chậm chậm thê lương

Tiễn đưa người quên núi đồi,

Quên cả tình yêu!

(Lam Phương, “Thành Phố Buồn.”)

 “Thành Phố Buồn” chỉ là một trong rất nhiều tình khúc của Lam Phương, đến nay, sau gần nửa thế kỷ, vẫn còn long lanh trong ký ức nhiều người.

Đồng thời, cũng sau gần nửa thế kỷ “Thành Phố Buồn” vẫn được cất lên âm thầm từ một cá nhân, như lời tỏ tình thầm lặng với kỷ niệm của chính họ. Hoặc nó được tái hiện trên sân khấu Thúy Nga Paris, dưới chói lòa ánh đèn...

Nhưng ở hoàn cảnh nào thì, những câu hỏi (mang tính tiên tri), không thể đơn giản, ngậm ngùi hơn, như:

 Thành phố nào nhớ không em?

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm...

 Hoặc:

Một sáng nào nhớ không em?

Ngày chủ nhật ngày của riêng mình...

 

Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa

Người lưa thưa chìm dưới sương mù...

 Tuy nhiên, dù cho đó là những câu hỏi ngậm ngùi hay, những lời tự bạch, ở những năm tháng sung mãn trong sự nghiệp âm nhạc Lam Phương, chúng vẫn là những dự báo! Những lời tín hiệu sớm sủa của định mệnh dành cho con người tài hoa này.

Tôi trộm nghĩ, có thể một số người trong chúng ta, cũng từng nhận được những tín hiệu định mệnh, như vừa kể. Vấn đề là, người nhận có đọc được “thông điệp” của tín hiệu một cách sớm sủa? Hay phải đợi tới cuối đời, mới vỡ được ý và nghĩa của những báo trước ấy?

Du Tử Lê

(Calif., tháng 11, 2011)

 Chú thích:

(4) Ở đây, chúng tôi không nhắc tới những tình khúc được nhạc sĩ Lam Phương (đồng thời cũng là “con tin” của những bất hạnh, tan vỡ đời thường), sáng tác sau tháng 4, 1975. Số ca khúc ấy đã được dư luận ghi nhận là đỉnh cao chót vót của những rực rỡ nỗi muộn phiền, nơi ông! Bởi vì loạt bài này của chúng tôi, nằm trong chủ đề “Phác họa toàn cảnh 20 năm văn học và, nghệ thuật miền Nam Việt Nam.” Những sáng tác của Lam Phương sau tháng 4, 1975, chúng tôi sẽ đề cập tới trong một bài viết khác, khi có dịp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn