BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73361)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người nhập cư sống nhờ lề đường

16 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1030)
Người nhập cư sống nhờ lề đường
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trước đây, chúng tôi có dịp đi về hướng quốc lộ 50, có gặp người đàn bà bán trái dừa nước ở đoạn đường gần Cần Đước-Long An. Vì sao chúng tôi lại nhớ về một người bán hàng rong chỉ gặp thoáng qua?



Có lẽ vì chúng tôi bị bất ngờ khi người đàn bà tỏ vẻ rất hãnh diện, bà nói: “Ai cũng ưa dừa tui bán. Muốn ăn dừa dẻo tui đưa đúng dừa dẻo, ăn dừa mềm bán đúng dừa mềm. Tui bán đúng hàng, uy tín mà!” Có thể với ai đó nghề bán trái dừa nước thì có đáng hãnh diện. Nhưng với những người biết chuyện thì chỉ mỗi việc họ tồn tại nhờ bán thứ trái cây ăn chẳng để no, chẳng để ngon cũng đáng nể phục.

Ai từng nhìn thấy hai bàn tay đen thui vì nhựa của trái dừa nước thì sẽ hiểu người đàn bà này đã giỏi như thế nào khi kiếm được miếng ăn. Chị nói rằng, chị bán dừa nước ít ra cũng trên cả chục năm. Nguyên do vô nghề này chỉ vì, “Anh có nghe Yamaha không? Ba tôi trước đây là ông già mà ham vui, nên đất đai bán rẻ để chơi bời, tới lượt chồng tôi cũng già mà ham luôn, bây giờ nhà của tôi ở đây nè.” Chị vừa nói vừa chỉ vô cái xe bán dừa nước rồi nở nụ cười bình thản.

Trở lại chuyện bán dừa nước của chị, chị cho biết, mỗi ngày bán đắt kiếm cũng được trên dưới trăm ngàn. Chị khoe: “Mấy người ở ngoài Bắc cứ tấp xe vô hỏi quả này là quả gì, tức cười lắm. Nhưng mấy ông bà Việt kiều lại ưa, mùa Việt kiều về nhiều tui bán được lắm. Mà sao mấy ổng bả cứ sợ là tui bán kiếm sống không nổi vậy cà. Có người còn xúi tui đổi nghề để làm giàu như người ta. Trời đất! Người ta lanh lợi quyền thế, người ta có chừa cho mình gì đâu mà tơ tưởng.”



Nhìn những trái dừa nước sau khi tách vỏ có màu trắng mịn trong bịch nylon, chúng tôi lại hỏi: “Lỡ mai mốt đất trồng dừa bị cất nhà hết thì chị tính bán cái gì?”

Chị lại cười hồn nhiên, “Cha ơi, tới chừng đó mình chết mất tiêu rồi, lo chi cho mệt.”

Chúng tôi hỏi chị sao không lên Sài Gòn làm ăn có khi gặp may mắn hơn. Chị thiệt thà nói: “Anh cho tiền mướn nhà hả! Ở đây bà con cho tui che chòi ở tạm trên đất của người ta. Mai mốt họ lấy lại bán, chừng đó thì tui đi, con tui đi trước hết rồi.”

Nếu chị biết rằng những vùng đất ven Sài Gòn, nơi trước đây cây dừa nước mọc thành rừng nay đã thành những khu đô thị sang trọng bậc nhất như Phú Mỹ Hưng... thì chị sẽ hiểu những cuộc đời bám đường kiếm sống tới chết của những người mất đất, buộc phải rời khỏi quê nhà như chị sẽ không bao giờ tìm lại hoặc mua mới được một mái nhà.

Một người đàn bà miền Nam đảm đang khác có số phận tạm coi là khá hơn. Bà tên là T., có một xe nước mía ở lề đường Nguyễn Oanh. Quê bà ở Bến Tre, lưu lạc ở Sài Gòn từ năm 1975, lúc đó bà chỉ 15 tuổi. Bà cho biết, cả đời bà chỉ bám lề đường mua bán, bán từ khu trung tâm Sài Gòn, qua quận Tám... giờ dạt về Gò Vấp. Một trăm thứ món, món gì bà cũng bán qua rồi. Bà nói: “Cái miệng của dân Sài Gòn thay đổi liền liền hà anh ơi. Ban đầu mình không kinh nghiệm chạy theo đứt hơi luôn, may mà sống được. Bây giờ thấy rồi, cứ mấy món giải khát nước mía, cà phê, trà đá là chắc ăn.”

Người ta bỏ mối, mỗi bó mía chừng khoảng 12 cây, mỗi cây cỡ một thước, mía róc vỏ sẵn thì năm mươi lăm ngàn còn tự tay róc vỏ thì bớt năm ngàn. Mùa mưa thì mỗi ngày bà bán được cỡ một bó mía, mùa nắng thì đắt hơn. Gồm cả các món giải khát, thuốc lá... mỗi ngày bám mặt đường bà kiếm trên dưới hai trăm ngàn.

Biết được khoản thu nhập tương đối khá của bà, chúng tôi hỏi thêm về gia cảnh thì bà nói: “Chồng làm nghề tài xế xe buýt. Cả hai vợ chồng tôi phải kiếm được chục triệu một tháng chớ lơ mơ là chết liền.” Rồi không cần hỏi, bà kê ra sơ sơ chi phí của gia đình. Tiền mướn nhà hai triệu rưỡi, tiền lo cho thằng con học cấp ba khoảng một triệu, tiền ăn, tiền điện nước, tiền đi đám... vậy là nếu tháng nào không đau bệnh linh tinh thì không đến nỗi đi đứt cả chục triệu, có cái để dành.



Chúng tôi ngồi uống nước mía được một lúc thì thấy có một tay thanh niên đến đưa bà một miếng giấy nhỏ, tò mò chúng tôi thận trọng hỏi. Bà cười toe toét, “Mua số đề giải trí chơi. Cũng trúng hoài hà, còn hơn thằng chồng tôi mang tiền đi nhậu, đái ra hết chớ có tích sự gì đâu.” Nhưng bà không chỉ mua số đề mà còn mua cả số kiến thiết nữa. Bà nói: “Ghi đề giải trí thôi, còn đây mới là đầu tư để mong kiếm được căn nhà.”

Tất nhiên có rất ít sự khác biệt giữa chị bán dừa nước ở vùng ven Sài Gòn cho đến bà bán nước mía, bởi vì như hàng triệu người lao động khác họ đều có chung một điểm là sẽ về ngủ qua đêm ở một căn nhà không phải là nhà mình. Ở Sài Gòn và các đô thị lớn của Việt Nam hôm nay không ai biết được số lượng những gia đình không sở hữu được nhà ở.

Nhưng người ta có thể đoán chắc được một điều rằng hàng triệu triệu người đang chen chúc trong đô thị ngộp thở, đang cùng ngoắc ngoải hy vọng là mua được một căn nhà. Từ đó có thể đưa ra một nhận xét: Bên trong cái vẻ phát triển hoành tráng, hào nhoáng của các đô thị ở Việt Nam là sự bế tắc, tuyệt vọng của hàng triệu cuộc đời không mong gì có được một mái nhà do mình sở hữu hôm nay và con cháu ngày mai.

Trần Tiến Dũng/Người Việt
Ý kiến bạn đọc
19 Tháng Mười Hai 20118:00 SA
Khách
Nuoc Viêt muôn nam,Dang cuop công san noi guong ho Kim bac han cu tiêp tuc CCCC va co ngay co mau bi dap duoi dât!.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn