BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73392)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thế lực nào làm công lý biến dạng? (phần 2)

23 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 968)
Thế lực nào làm công lý biến dạng? (phần 2)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong bài trước, luật sư Trần Đình Triển kể về cách hành xử bất thường của Công an tỉnh Hà Giang và khả năng sự thật có thể bị biến dạng đối với tất cả các thành phần có liên quan tới vụ án xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên.


Luật sư Trần Đình Triển trao đổi với báo chí sau phiên tòa xét xử vụ “mua dâm học sinh” ở Hà Giang hôm 27/1/2010. Photo courtesy of vietnamnet.vn


Mặt khác, sau một thời gian ngắn tiếp tục đào xới các diễn biến có liên quan đến vụ án này, báo chí Việt Nam đã đồng loạt im lặng, sau khi có tin ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh cho hệ thống truyền thông ngưng đưa thông tin về ông Nguyễn Trường Tô. Đây cũng là lý do để luật sư Trần Đình Triển gửi công văn đề nghị ông Tô Huy Rứa trả lời. Các diễn biến sau đó ra sao? Trân Văn tường thuật tiếp.…

Không cấm nhưng hệ thống truyền thông tắt tiếng 


Công văn của Văn phòng Luật sư Vì Dân, gửi ông Tô Huy Rứa đề ngày 11 tháng 7. Sau đó thì sao? Ban Tuyên giáo Trung ương phản ứng thế nào?

Sáng 20 tháng 7, luật sư Trần Đình Triển cho biết:

"Theo tôi được biết, văn bản về giao ban thứ ba hàng tuần của Bộ Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo với các báo thì không đề cập đến việc cấm đưa thông tin về vụ Nguyễn Trường Tô nữa. Theo tôi biết thì các báo đang rất vui mừng về thông tin đó.

Tôi biết là tại cuộc họp giao ban thì có nói đến việc đó nhưng khi thành văn bản chính thức thì không có chuyện cấm đưa thông tin về vụ ông Nguyễn Trường Tô. Nếu nhìn nhận một cách khách quan về vụ án này thì không nên ngăn cản. Phòng chống tội phạm có lợi cho pháp luật, có lợi chung về mặt dư luận.

Tôi tin rằng ai cũng vậy cả thôi. Trong khi chỉ đạo thì cũng có những lúc sai, có những lúc đúng nhưng mà khi dư luận lên tiếng rồi thì có thể rút lại ý kiến của mình. Đó là chuyện bình thường trong công việc hàng ngày thôi anh!"

Trưa 20 tháng 7, chúng tôi đã liên lạc với Ban Tuyên giáo Trung ương nhưng chỉ có thể gặp thư ký của ông Tô Huy Rứa.

Trân Văn: Thưa anh Đức phải không ạ?

Thư ký ông Rứa: Dạ vâng!

Trân Văn: Thưa anh, tôi có thể gặp ông Tô Huy Rứa được không ạ?

Thư ký ông Rứa: Xin lỗi anh ở đâu đấy ạ?

Trân Văn: Dạ thưa anh, tôi ở Đài Á Châu Tự Do.

Thư ký ông Rứa: Anh ơi thủ trưởng đi nghỉ trưa rồi anh ạ!

Trân Văn: Vậy lúc nào thì tôi có thể gọi lại cho ông?

Thư ký ông Rứa: Thủ trưởng đi nghỉ trưa rồi anh ạ!

Trân Văn: Thưa anh, cho đến bữa nay, văn bản của ông Trần Đình Triển, luật sư Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân đã đến Ban Tuyên giáo Trung ương chưa?

Thư ký ông Rứa: Anh ơi, văn phòng có gửi, đồng chí Trưởng Ban có ủy quyền trả lời anh Triển rồi đấy anh ạ!

Trân Văn: Anh có thể cho tôi biết nội dung thư trả lời không ạ?

Thư ký ông Rứa: Công văn đã gửi rồi, còn tôi, tôi vừa đi dự Đại hội về xong, tôi không nhớ chính xác đâu anh ạ. Tôi đang ăn trưa anh nhá. Chắc là, các anh quan tâm thì các anh cũng sẽ có thôi bởi vì đã có một cái công văn của anh Chánh Văn phòng trả lời rồi anh ạ. Vậy anh nhá!

Trân Văn: Dạ rồi. Cám ơn anh Đức

Đến sáng 21 tháng 7, chúng tôi liên lạc lại với luật sư Trần Đình Triển và ông thông báo:

"Chiều hôm qua thì tôi đã nhận được văn bản trả lời của Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương. Nội dung thì rất tốt. Tôi có thể cung cấp nội dung cơ bản. Ban Tuyên giáo Trung ương trả lời Văn phòng Luật sư Vì Dân là đồng chí Tô Huy Rứa, cũng như Ban Tuyên giáo Trung ương không có lệnh và không ngăn cấm báo chí đưa thông tin về vụ việc của ông Nguyễn Trường Tô.

Văn phòng Luật sư Vì Dân cũng chỉ mong muốn như vậy, bởi vì mọi sự việc cần phải đưa ra ánh sáng để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đồng thời để làm trong sạch bộ máy của nhà nước và tránh sự oan sai. Với cách làm như thế, chúng tôi rất trân trọng đối với Ban Tuyên giáo Trung ương và cá nhân ông Tô Huy Rứa."

Đó là những thông tin mới nhất từ luật sư Trần Đình Triển về phản ứng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tuy nhiên, sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản trả lời Văn phòng Luật sư Vì Dân với nội dung như thế, liệu báo chí Việt Nam sẽ lại tiếp tục lên tiếng? Vào lúc này có lẽ rất khó xác định là có hay không.

Dẫn dắt dư luận và thế lực thù địch, phản động



Phiên tòa phúc thẩm vụ án Sầm Đức Xương tháng 1/2010 thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. photo courtesy of Vitinfo


Đến đây, có lẽ cũng nên nhắc lại một chút về những tuyên bố của ông Nguyễn Trường Tô với Đài Á Châu Tự Do, hồi giữa tháng 2 năm nay.

Vào thời điểm đó, ông Tô đã khẳng định: "Bây giờ nếu tôi là người như vậy thì tôi cũng rất khó điều chỉnh dư luận và dư luận đúng hay sai thì đương nhiên là nó cũng đều có ý đồ cả, có mục đích cả. Thế còn để dẫn dắt dư luận thì điều ấy, đến giờ phút này đã là người trong cuộc thì cũng rất khó dẫn dắt, đúng không ạ? Bắt buộc phải có cơ quan khác xem xét, công bố và dẫn dắt dư luận. Thậm chí có thể dẫn dắt còn phản cảm. Có lẽ anh hiểu điều đó?"

Ông Tô còn giải thích thêm về những cơ quan mà ông tin sẽ giải oan cho ông:

"Để cho cơ quan điều tra và những người có chức năng, có đủ thẩm quyền để công bố thì nó hay hơn. Thế còn đã nói đến vấn đề chính trị thì cũng không thể nói như thế nào được, nhưng mà tôi chỉ nói một điều không là không. Nhưng có dư luận như vậy thì cũng không thể nói như thế nào được. Tốt nhất là để người khác người ta thanh minh, chứng minh." 

Một vài nhà báo Việt Nam cho biết lý do chính khiến hệ thống truyền thông ở Việt Nam đột ngột im lặng, ngưng đào xới, tìm kiếm sự thật về vụ án xảy ra ở trường trung học Việt Lâm là vì lãnh đạo Đảng không muốn các thế lực thù địch, phản động lợi dụng.

Đây là lý do khiến chúng tôi quyết định hỏi thêm quan điểm của luật sư Trần Đình Triển về thế lực thù địch, phản động:

Tôi quan niệm thế này, bây giờ chúng ta cần phải xem xét lại thế nào là phản động, thế nào là thù địch. Đừng nên cả vú lấp miệng em. Người ta vì tiêu chí độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam thì đấy không phải là thù địch! Thứ hai là tất cả người ta tập trung vì nhân dân Việt Nam đoàn kết, giàu có, văn minh, trí tuệ và hạnh phúc. Tôi cho rằng, mục tiêu của người ta như vậy thì không phải là phản động.

Chứ còn nếu chúng ta nêu mục tiêu như vậy nhưng việc làm chúng ta lại khác, ý thức chúng ta khác thì đấy chính là phản động, phải không ạ?

Chúng ta phải nhìn nhận lại. Đừng đánh giá một cách rất là ồ ạt hay là không ưng nhau rồi tự kết luận cho nhau là phản động hay là chống lại chính quyền, quan điểm của tôi như vậy. Cần phải xem động cơ, mục đích, tiêu chí của người ta với hành động của người ta là thế nào để chúng ta đánh giá việc đó. Như thế mới là khách quan." 

Thế còn quan điểm của Đảng CSVN về "thế lực thù địch, phản động" nói chung và trong vụ án này nói riêng thì sao? Chúng tôi đã gọi ông Đào Duy Quát, cựu Phó Ban Tuyên giáo Trung ương và nay đang là Tổng Biên tập báo điện tử Đảng CSVN:

Ông Đào Duy Quát: Alô

Trân Văn: Thưa ông Đào Duy Quát ạ?

Ông Đào Duy Quát:
Ai đấy?

Trân Văn:
Thưa ông, tôi là Trân Văn ở Đài Á Châu Tự Do.

Ông Đào Duy Quát: Tôi nghe không rõ gì cả.

Trân Văn:
Tôi nghe ông rất rõ ông ạ! Thưa ông, tôi muốn hỏi thăm ông một số vấn đề có liên quan đến quan điểm của Đảng CSVN về "thế lực thù địch, phản động", ông nghe được không ạ?

Ông Đào Duy Quát:
Không! Không nghe được!

Vì ông Quát không nghe được, nên ý định nhờ ông giúp nhận diện những "thế lực thù địch, phản động", đang khiến công chúng mất niềm tin như Đảng và Nhà nước lo ngại chưa thực hiện được. 

Trân Văn, phóng viên RFA

22-07-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn