BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73230)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lính thiết giáp Hải “bầu”

22 Tháng Tư 201012:00 SA(Xem: 1260)
Lính thiết giáp Hải “bầu”
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Người trong hình là Hải “bầu,” một cựu binh thiết giáp thuộc đơn vị xe tăng M-48 đầu tiên của quân lực VNCH. Khi anh được chuyển đến trại Xuân Phước A-20, một trại tù nằm trong một thung lũng mà chúng tôi tự mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần, tôi nghe các bạn bè gọi anh là “Bầu.” Còn tại sao họ lại gọi anh là “bầu” thì thực tình cho tới nay, tôi cũng không hỏi Hải. Tôi còn không nhớ cả họ của anh nữa dù chỗ anh làm cách tòa soạn tôi không bao xa và tôi có số điện thoại di động của anh. Tôi cứ muốn gọi Hải là Hải “bầu” để giữ mãi được tình thân mật, những kỷ niệm sống, chết bên nhau trong một giai đoạn mà chúng tôi thường gọi đùa là “đỉnh cao của giỡn mặt với tử thần” và để phân biệt với một cựu sĩ quan khác cũng trong số anh em chúng tôi là Hải “cà,” can đảm, trực tính, đàn hát, vẽ, làm thơ rất hay và khi hát không “cà” chút nào cả. Hải “cà” cũng có nhiều bài thơ và vẽ minh họa cho tờ Hợp Đoàn.

Tại sao bọn tôi lại gọi Xuân Phước là Thung Lũng Tử Thần? Xin thưa, vì đây là một lòng chảo, vào rồi thì khó ra, ngoại trừ ra nằm ngoài “đồi thông” (nghĩa trang tù). Thực ra, trại này nằm trong vùng tiền sơn của quận Đồng Xuân, thuộc tỉnh Tuy Hòa, nhưng từ phi trường Chóp Chài vào đến Xuân Phước phải đi 60 cây số đường mòn và lội qua 19 con suối lớn nhỏ, đất cát thì cằn cỗi chỉ trồng được khoai mì và bắp đá. Trại tù này trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nhưng giai đoạn đầu của chúng tôi kéo dài 7 năm là kinh hoàng nhất. Đói, làm việc nặng, ốm đau bệnh gì cũng chỉ xuyên tâm liên, lao tâm, lao lực và bị hành hạ tinh thần, kiệt sức, phù thủng và chết.

Tù cải tạo trong trại này có 4 thành phần: Các sĩ quan cải tạo nổi loạn tại Suối Máu, các sĩ quan cải tạo được chuyển từ các trại miền Bắc sau khi Trung Quốc tấn công 6 tỉnh năm 1979 và khi được chuyển vào các trại trong Nam đã nổi loạn lần thứ hai, các sĩ quan và công chức bị đưa về đây theo phương án 4, nghĩa là phương án “trừng giới vì không thể cải tạo được” và tất cả tù nhân bị kết tội phản động trước tòa án từ 15 năm đến chung thân và tử hình.

Hải “bầu” nằm trong số sĩ quan cải tạo nổi loạn ở Suối Máu, còn tôi nằm trong số sĩ quan và công chức bị lựa đưa về Xuân Phước theo phương án 4 tức là phương án “hết thuốc chữa.” Mục tiêu của trại trừng giới này chỉ là: Dùng mọi phương thức phá vỡ tinh thần của người tù. Bằng phương thức cho ăn thật đói và giới hạn việc trợ giúp của gia đình để lũng đoạn đời sống của các tù nhân, gây nghi kỵ trong các tù nhân bằng hệ thống ăng ten chằng chịt, gây chia rẽ, thúc đẩy cảnh “giậu đổ bìm leo” (sĩ quan cấp dưới xỉ vả sĩ quan cấp trên), thù hận giữa các sĩ quan, công chức cấp cao và sĩ quan, công chức cấp thấp hơn.

Ở các trại khác, khi bị vào xà lim, chuồng cọp hay trại kỷ luật thì chỉ một tuần, nửa tháng, cùng lắm là 3 tháng, nhưng ở Xuân Phước giá chót là một năm và dài nhất là 5 đến 7 năm như trường hợp cá nhân tôi và một số anh em khác. Tuy nhiên, khi vào biệt giam, hay còn gọi là “hộp,” là chuồng cọp, một người tù phải trải qua những giai đoạn “bị đì” sau đây: Cùm hai chân, có khi bị “cùm cánh én” (tay trái luồn qua lưng, tay phải luồn qua vai, rồi cùm hai tay bằng còng số 8-hay còng omega-cách cùm làm người tù đau đớn và khỏe lắm cũng chỉ chịu đựng một tiếng đồng hồ là nôn ra mật xanh, mật vàng rồi ngất đi), rồi đến giai đoạn chỉ bị cùm một chân, sau đó có thể lại bị cùm hai chân nhưng còng chéo nhau, nên chỉ có ngồi và không thể nằm xuống ngủ được, trong trường hợp bị cấm ngủ để điều tra thêm.

Khi đã bị vào chuồng cọp, thực phẩm (khoai mì khô luộc và muối) bị bớt chỉ còn từ 6 đến 9 kí lô một tháng, nghĩa là lượng thực phẩm không làm cho chết đói, nhưng người lúc nào bị mệt lả. Muốn cho người tù bị phù lên, bọn cai tù trại kỷ luật hạ đòn độc thủ: Cho ăn hai muỗng cơm trộn muối và mỗi bữa chỉ có hai muỗng nước. Chúng tôi có thể chỉ ăn một muỗng cơm, nhưng chỉ được uống hai muỗng nước một bữa thì khó lòng chịu đựng được nếu tinh thần không vững. Có bạn đã phải uống nước tiểu vì quá khát. Nhưng lâu dần chúng tôi tìm ra một phương pháp chống lại đòn thù này: Những lần bị gọi đi thẩm cung, tôi xin uống nước và khi uống thì uống thật nhiều để khi trở về biệt giam tiểu ra ca đựng để dành uống vì nước tiểu đầu bao giờ cũng nhạt, dễ uống và đỡ nguy hiểm hơn.

Trong bối cảnh của một trại tù như thế, chúng tôi chẳng còn gì để mất nên khi Hải “bầu” và một số sĩ quan trẻ khác gặp tôi và cùng tính toán những cuộc “vui chơi” chỉ với mục đích: Phá vỡ những âm mưu làm tê liệt sức đề kháng của chúng tôi và cũng phải làm sao cho tên trại trưởng mất ăn mất ngủ và mất chức, tôi đồng ý liền. Ngoài những cuộc hát tù ca, viết khẩu hiệu, treo cờ VNCH trong trại, diệt ăng ten, trị một số những phần tử nối giáo cho giặc, tuyệt thực không đi lao động của những nhóm khác, tôi mở cuộc vận động một số trí thức trong trại như luật sư Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp (Quốc Gia Hành Chánh), PCT( Chính Trị Kinh Doanh), Phạm Đức Nhì (Sĩ Quan Chính Huấn) cùng các sĩ quan trẻ khác như Hải “bầu,” Hải “cà”, Ngọc “đen,” Khiết “móm” ... để làm một tờ báo chui, lấy tên là Hợp Đoàn.

Báo chỉ có một bản viết tay giống như cách mà Mao Trạch Đông làm tờ Truyền Đăng, trước khi nó trở thành hậu thân của tờ Nhân Dân Nhật Báo sau này. Mục tiêu của tờ báo chỉ là những tin tức từ bên ngoài qua những bài chúng tôi phân tích theo những dữ kiện lấy từ tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, tập san Học Tập, Tuổi Trẻ, Thanh Niên là những tờ báo cung cấp cho chúng tôi những dữ kiện, nhưng được nhìn với cách nhìn của chúng tôi. Trên nguyên tắc, trại vẫn cấm không cho bọn tôi đọc những tờ báo này, nhưng vẫn có cách để thẩm nhập chúng từ ngoài trại vào qua những tù hình sự thuộc diện rộng, tức là diện được gần dân chúng ngoài xã hoặc nhóm tù có án “tư sản mại bản,” những ông thương gia người Việt gốc Hoa nắm vận mệnh của gạo, máy cày, máy đuôi tôm, tầu đánh cá, ngành xuất nhập cảng tại VNCH trước đây như LS, LT, TDN... Tuy án ông nào cũng từ 20 năm đến chung thân nhưng họ được “giảm án” nhiều hay ít là tùy theo số tiền họ lót tay ngay tại Bộ Nội Vụ lớn hay nhỏ. Tôi không biết số tiền đó là bao nhiêu, nhưng cho tới 1983, người nhà đã đem xe đón họ ra về. Với những con người ấy, vài tờ báo hay tin tức “không được loan báo ngoài đời hay trên báo nhà nước thì dễ như trở bàn tay.” Tờ Hợp Đoàn “ăn khách” là nhờ vào những tin này, nhất là tin đại loại như chính sách nhân quyền mà Tổng Thống Ronald Reagan tung ra năm 1982, tin về tờ Tin Sáng bị đóng cửa, tin về ông Võ Đại Tôn về nước bị bắt, tin về phong trào Hoàng Cơ Minh, tin về những vụ vượt biển...

Làm một tờ báo chui trong hoàn cảnh an ninh và ăng ten dày đặc như thế, xem ra cũng không khó dù phải bảo đảm được rằng nếu chẳng may, tờ báo bị phát giác thì chỉ một ít người trong nhóm chủ trương bị liên lụy. Chúng tôi không dùng giấy và bút bi mà các tù nhân dùng để viết thư cho gia đình để làm báo mà dùng giấy từ những bao xi măng và mực tím, ngòi viết buộc vào một đũa tre dùng làm quản bút. Nhưng trong trại giam gồm hơn ngàn tù cải tạo bị trừng giới thì liệu họ có dám đọc tờ Hợp Đoàn không? Do đó, nhiệm vụ phát hành của Hải “bầu” rất khó khăn và phải là người can đảm mới dám làm.

Hải “bầu” trong đời sống hàng ngày trong trại rất trực tính và lúc nào cũng coi trọng việc giữ danh dự của một quân nhân trước bọn cán bộ trại giam và cực lực chống lại những bạn tù nào nhiễm cái chất “giậu đổ bìm leo,” cho dù rằng một số nhỏ sĩ quan đàn anh khi vào trại đã không giữ được sự kính phục của những sĩ quan cấp dưới. Có một vài lần khi đưa báo cho một số “độc giả” nhưng bị phản ứng ngược, Hải “bầu” giận tím mặt, tìm tôi trút sự giận dữ: “ĐM... anh tính coi, nó không giám coi thì nói mẹ nó là không dám coi, còn lý luận nào là báo chưa đưa ra tới ngoài được, mà anh em trong trại đã biết những gì mà tụi mình nói rồi, nào là các anh làm vầy tụi nó bắt được làm anh em trong trại bị ảnh hưởng. Nó còn nói phải đưa được báo ra nước ngoài chứ ở trong này nguy hiểm quá.” Tôi chỉ còn biết khuyên Hải “bầu” rằng phải kiên nhẫn hơn vì ngay cả mấy anh chàng bảo rằng biết hết, nhưng thực sự họ không biết gì cả. Đã bị đưa lên trại này thì ngày về còn xa lắm và có khi chưa kịp về đã lên đồi nằm dưới ba tấc đất. Cho nên khi “chúng ta đưa tờ Hợp Đoàn tức là đưa bản án cho họ rồi, họ không dám nhận cũng là phải thôi, trách họ sao được, tự nguyện hết mà.” Tôi nhấn mạnh với Hải: “Bầu à, cậu phải tìm đến mấy anh độc giả này xin lỗi họ đi để tin tức này đừng đến tai thằng Lý ‘lé’ (cán bộ an ninh trại giam). Điều cần là chúng ta chỉ phổ biến cho những người dám cầm tờ báo và bảo đảm người ta không mang tờ báo lên cho Lý lé.”

Hải “bầu” biết nghe và anh cùng Ngọc “đen” đã bảo vệ được những độc giả và bảo vệ được tờ báo một cách hữu hiệu. Chúng tôi đã tạo được niềm tin cho những người cần niềm tin để sống và vượt qua khó khăn.

Chúng tôi làm việc với nhau trong tờ Hợp Đoàn được một năm thì tôi bị đưa vào xà lim vì bọn cán bộ trại giam nghi là chủ chốt những vụ lộn xộn trong trại, chứ bọn chúng chưa biết bọn tôi làm tờ Hợp Đoàn. Mãi cho đến 5 năm sau, tôi mới được tha khỏi xà lim với tình trạng sức khỏe mà ai cũng nghĩ rằng khó qua khỏi con trăng. Nhưng may mắn thay, tôi và một số bạn khác được chuyển về Z-30A Xuân Lộc theo phương án 5 vì một biến chuyển do cuộc thương lượng chương trình HO giữa Mỹ và Hà Nội. Nhưng đến năm 1987, công an PA-24 đem xe lên Z-30A “đón” đón tôi, Nguyễn Chí Thiệp và Trần Danh San về “nghỉ mát” ở trại giam Phan Đăng Lưu trước chợ Bà Chiểu. Dù sao năm đó, chúng tôi đã ở 12 năm trong tù rồi nên rất tỉnh. Ngày bị thẩm cung đầu tiên, chúng nhá cho tôi thấy Hải “bầu” dù anh đã được thả cách đó hai năm. Điều này có nghĩa là Hải “bầu” bị bắt lại vì chuyện gì đó tôi không biết, nhưng đây là cách dằn mặt thường thấy trong các vụ lấy cung từ mà bọn công an điều tra thường dùng.

Khi vào làm việc, viên cán bộ hỏi cung không nói không rằng, đưa cho tôi tờ Hợp Đoàn. Rồi anh ta nói với tôi: “Đây là tờ báo bọn các anh định đưa ra nước ngoài.” Vào khoảng thời gian đó, trong số anh em chúng tôi đã có những đồn đại về một sự phản bội nào trong hàng ngũ, nhưng như tôi đã nói nhiều lần, đã “vui chơi” với nhau trong tù thì không bao giờ nghĩ rằng người này hay người kia trong đám là phản bội. Một người trong bọn khi bị bắt, bị đánh đau họ có thể nhận tội thì cũng là chuyện thường thôi, có gì ảnh hưởng đến tình anh em? Họ đi với mình thì chẳng có lợi gì mà ngoài việc phải lãnh cùm kẹp hay đánh đập cũng như có thể chết. Vả chăng trong chốn tù đầy có một tấm huy chương nào xứng đáng với lòng quả cảm của họ? Thành thử trước khi vào cuộc, chúng tôi đã nói với nhau khi bị bắt nếu không chịu đựng được thì phải khai cho những người chủ chốt nhất định và “không để họ bắt thêm người nào nữa.” Đây là cuộc vui, đừng để cho anh em buồn bã bất cứ điều gì.

Khi gặp lại Hải “bầu” ở Mỹ, tôi mới được biết sau khi được thả về Sài Gòn, lập gia đình và kiếm sống được rồi, anh lại “ngứa nghề” tham dự vào một tổ chức mà theo lời Hải “bầu” kể lại với tôi rằng khi bị thẩm cung, viên sĩ quan công an điều tra nói ngay: “Tổ chức mà anh theo là của chúng tôi đấy.” Tôi đã trải qua hoàn cảnh của Hải “bầu” nên tôi hiểu. Có điều, ông chủ tịch của đảng mà Hải “bầu” theo lại là một bạn đồng tù mà tôi biết từ hồi còn ở Z-30C đã được thả từ năm 1980. Hải “bầu” bị lừa và bị bắt vì chuyện này chứ không phải là bị bắt vì tội là “nhà phát hành” cho tờ Hợp Đoàn. Nhiều lần bị đánh đau, nhưng không nhận, cho đến khi tôi tình cờ nhờ được người nhắn: “Cứ nhận và đổ hết cho anh.”

Chuyện qua đi đã qua đi 23 năm rồi, tôi chỉ nhắc lại chuyện này như một kỷ niệm khó quên trong đời. Ngoài ra không có ý gì khác. Hôm tôi cùng người bạn sang quán Kang Lạc ngồi ăn, thấy Hải “bầu” lu bu lấy “order” cho thực khách, tôi mừng lắm dù trong trái tim tôi như có ai bóp lại. Tôi biết “bầu” chịu làm lụng vất vả và yên phận là vì hạnh phúc cuối đời của anh. Và như vậy là đúng rồi đó “bầu.” Chúng ta đã trả gần xong nợ với một biến cố lớn lao nhất trong lịch sử của miền Nam, chúng ta cũng cần sự nghỉ ngơi nào đó riêng tư cho mình. Và khi Hải “bầu” giới thiệu tôi với người bạn đời của anh và cậu con trai cũng đang ngồi ăn trong quán, tôi cảm động vô cùng và chỉ còn biết ôm vai người bạn. Tôi nói với Hải: “Đời sống bây giờ không còn là của cậu nữa mà là của vợ và con.” Hải nắm chặt tay tôi: “Alpha, em hiểu.”

Hôm đến thăm tôi ở tòa soạn nhân ngày nghỉ, anh em gặp lại tâm sự cũng khá lâu. Tôi biết thêm về người bạn đời của Hải và cậu con trai vừa đi học và học giỏi lại vừa làm huấn luyện viên quần vợt cho nhà trường (Bolsa Grande High, nếu tôi không nhớ lầm). Đời sống của Hải “bầu” như thế là cũng ổn định dù sang đây rất muộn. Khi chia tay, Hải “bầu” hỏi: “Anh thấy em sao?” Tôi nói: “Cậu vẫn còn là người lính, lính thiết giáp.”
Vũ Ánh




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn