BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73165)
(Xem: 62197)
(Xem: 39370)
(Xem: 31127)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những giây phút oái oăm của lịch sử VN năm 1979

22 Tháng Mười Hai 200712:00 SA(Xem: 1173)
Những giây phút oái oăm của lịch sử VN năm 1979
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1979. Trại tù Hàm Tân Z-30C. Buổi sáng tinh mơ vào lúc đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội loan báo Trung Quốc dùng hai lộ quân đánh chiếm 6 tỉnh miền Bắc Việt Nam. Thời điểm đó trùng vào giờ giới nghiêm trong trại giam. Chúng tôi nằm im bất động, nghe bản tin được khuếch đại trên các loa phóng thanh mà tù cải tạo chúng tôi vẫn gọi là những dụng cụ tra tấn. Giọng của người xướng ngôn viên của đài Tiếng Nói Việt Nam xúc động, run rẩy, gần như đứt quãng. Có tiếng nói nhỏ của vài bạn đồng tù thiếu ý thức : “Tới rồi bác tài. Hoan hô Đặng Tiểu Bình”. Ngoài sân, công an vệ binh được tăng cường kéo vào sân trại giam. Họ lên đạn xoành xoạch như những lời cảnh cáo nếu chúng tôi vọng động họ sẽ nổ súng. Không thể ngủ tiếp, nhiều người vén mùng ngồi dậy, lần mò trong bóng đêm tìm chiếc điếu cày sau khi bản tin chấm dứt, và tiếp theo là nhạc hùng. Tiếng kêu sòng sọc từ nõ của những chiếc điếu cày vang lên trong ánh sáng của những đóm lửa.

Thật khó biết những người tù cải tạo nghĩ gì trong đầu, nhưng ở vào thời điểm giữa đêm và ngày ấy, tôi nghe rất nhiều tiếng thở dài.

Chúng tôi hiểu bằng trái tim của mình rằng, những người thật sự có lòng yêu nước trong số những người tù như chúng tôi lúc đó còn đang tuổi thanh niên và chỉ mới rời khẩu súng chưa đầy 4 năm, nên tự nhủ “Nếu bây giờ nhà cầm quyền Cộng Sản đưa súng cho mình và lùa ra biên giới Việt Trung để chống lại ngoại xâm, liệu mình còn hăng hái bắn lại giặc Tàu không ?” Yêu nước thì phải chống ngoại xâm chứ, dù đó là một kiểu ngoại xâm do người Cộng Sản rước về “trong tình huynh đệ anh em” từ thời họ khởi sự cuộc chiến tranh dưới chiêu bài “giải phóng” miền Nam. Cho tới lúc đó, vết thương chiến tranh trong lòng chúng tôi vẫn còn đang bật máu, chúng tôi đang bị đầy ải, bị trả thù và bị sỉ nhục.

Tôi nói rằng chúng tôi bị đẩy vào thực tế oái oăm nhất trong thời trai trẻ của mình vì một mặt Việt Cộng nhất định cho rằng chúng tôi là thành phần phản quốc, theo chân đế quốc Mỹ, nợ máu với nhân cần phải trừng trị. Và mặt khác, rõ ràng Hà Nội đã cõng rắn cắn gà nhà, đã tạo những cơ hội thuận tiện khuyến khích giặc Tàu lúc đó ỷ thế đông ngang nhiên vượt qua biên giới đánh chiếm 6 tỉnh một lúc trong một thời gian rất ngắn và Đặng Tiểu Bình huênh hoang : “Dạy cho Việt Nam một bài học”. Vậy mà trong hoàn cảnh ấy, nếu chúng tôi được tra khẩu súng vào tay và được đưa ra biên giới chắc chúng tôi sẽ đánh hăng hơn cả thời kỳ chiến tranh ngăn làn sóng đỏ, vì bọn ngoại xâm là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam, dù vẫn biết sau khi chấm dứt chiến tranh chống Trung Cộng, có khi chúng tôi lại phải “khăn gói quả mướp” vào ngồi tù lại không chừng.

May quá, những suy nghĩ và ưu tư của những người tù cải tạo không trở thành hiện thực. Hai tuần sau khi Trung Quốc rút quân và trao trả tù binh, chúng tôi lại lên hội trường để nghe những cái loa tuyên truyền của Cộng Sản nói về điều gọi là “đánh thắng chủ nghĩa bá quyền và buộc Trung Quốc phải rút về nước”. Họ ca tụng hết lời những anh hùng đã hy sinh trong công cuộc chống quân xâm lăng Trung Quốc vừa rồi. Và chúng tôi cũng đồng ý chuyện vinh danh này, gạt bỏ ý thức hệ sang một bên. Khi sang phần giải đáp thắc mắc, một vài anh em tù nhân cải tạo đã yêu cầu viên chính ủy của trại Hàm Tân Z-30 C lúc đó là Thiếu Tá Công An Phan Quang nhận xét và trả lời về chuyện vinh danh những chiến sĩ VNCH, nhất là các chiến sĩ hải quân đã hy sinh tại Hoàng Sa trong việc bảo vệ quần đảo này chống lại quân xâm lăng Trung Quốc như sau : “Chống ngoại xâm và hy sinh vì bảo vệ tổ quốc thì phải vinh danh, đúng rồi. Như vậy thì những người lính hải quân và địa phương quân VNCH bảo vệ Hoàng Sa chống sự xâm lăng của Trung Quốc và họ đã hy sinh chẳng hạn như hải quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà của chiến hạm HQ-10 cùng nhiều thủy thủ dưới quyền ông cũng phải được vinh danh chứ. Chúng tôi đề nghị cán bộ trình lên trên để tổ chức một lễ vinh danh và dựng bia tại trại này để ghi ơn những chiến sĩ thuộc Quân Đội Nhân Dân và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc bảo vệ đất nước chống ngoại xâm năm 1974 và 1979. Nếu được như vậy có phải là đẹp không cán bộ ?”

Viên thiếu ta công an giữ vai trò chính ủy của trại bị “chiếu tướng bí” nên bực tức nói càn : “Lúc đó các anh còn ôm chân đế quốc, là tội đồ của dân tộc nên có đánh xâm lăng Tàu thì cũng không có giá trị gì”. Mấy cựu sĩ quan VNCH tù cải tạo tức quá, lại giơ tay hỏi nữa : “Như vậy, phải là người Cộng Sản mà đánh Tàu thì mới gọi là yêu nước, còn những kẻ chơi trò anh em với Tàu rồi để chúng ngang ngược chiếm Hoàng Sa mà không dám lên tiếng thì gọi là gì thưa cán bộ ?” Cả hội trường vỗ tay rần rần. Viên chính ủy cáu đến đỏ mặt, không nói gì nữa và ra lệnh giải tán. Hậu quả của cuộc đối thoại này là một tuần sau chúng tôi khăn gói quả mướp vào xà lim nằm, bị cùm hai chân trong mấy tháng liền, cái giá mà bạn bè tôi gọi đùa là “đáng đời cho cái tội dám tranh luận với ‘ban’ và những tên đầu óc đặc sệt, ngu dốt và bị nhồi sọ, nhưng lại là bọn có súng và cùm trong tay.”

Nằm trong xà lim ở Hàm Tân, tôi duyệt lại những chi tiết trong vụ chiếm Hoàng Sa và phản ứng của VNCH đối với vụ này. Ngoài việc gởi hải quân ra Hoàng Sa để đương cự với Trung Quốc, đưa quân củng cố căn cứ quân sự ở Trường Sa, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia VNCH còn tính tới chuyện có thể phải cho các chiến đấu cơ F-5 tấn công theo kiểu Kamikaze vào các chiến hạm Trung Quốc và đưa toàn bộ hạm đội vào Hoàng Sa để cố chiếm lại hải đảo này vì thể diện quốc gia.

Tinh thần quân đội VNCH và dân chúng Việt Nam lúc đó lên cao hừng hực. Các chiến đấu cơ F-5 của không quân VNCH là loại chiến đấu cơ duy nhất lúc đó có thể ra đánh tại Hoàng Sa rồi quay về nếu mang theo bình xăng phụ. Trong không khí hừng hực ấy, tôi đã tự nguyện xin trở lại vị trí phóng viên mặt trận, ba lô nón sắt tìm phương tiện ra Đà Nẵng để chờ theo các chiến hạm hải quân nếu có chiến dịch tái chiếm Hoàng Sa. Tôi nhớ buổi sáng hôm xe sở đến nhà đón tôi vào căn cứ Phi Long để leo lên chiếc C-119 ra Đà Nẵng, tôi đã phải từ giã bố mẹ tôi : “Trận này chắc có nhiều nguy hiểm hơn, nhưng sống chết có số cả, bố mẹ yên tâm”.

Vài ngày sau khi tôi có mặt tại Đà Nẵng, thì tại Sài Gòn, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia VNCH cũng đã quyết định ra một thông cáo đề nghị VNCH-CSBV cùng ra tuyên bố lên án án Trung Quốc cũng như thỏa thuận việc Nam Bắc hợp lực tái chiếm Hoàng Sa. Tôi không biết Hà Nội có nhận bản tuyên bố chung này không, nhưng chỉ vài ngày sau khi tin tức về vụ này được tiết lộ thì Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Bắc Việt ra thông báo nói rằng họ sẽ giải quyết vấn đề lãnh thổ trong “tinh thần tương nhượng anh em”.

Cuối cùng, VNCH không đơn phương thực hiện chiến dịch tái chiếm Hoàng Sa. Theo tôi, có thể là do chúng ta không đủ lực lượng để đương cự với một đất nước có trên 1 tỷ dân và một quân đội đông đến hơn 6 triệu người, hoặc có thể là do chúng ta không thể hy sinh lực lượng không quân và hải quân một cách vô ích, trong khi chúng ta vẫn còn phải đương đầu với chiến dịch giành dân, lấn đất của Cộng Sản Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam dù về lý thuyết đã có cuộc ngưng bắn theo Hiệp Định Paris. Hơn nữa, một thực tế đáng chú ý : Mỹ vào thời điểm đó đã bắt tay với Trung Cộng qua bản thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 nên chắc chắn họ sẽ dùng áp lực bằng cách không yểm trợ VNCH chống lại Trung Cộng.

Cuộc chiến tại Hoàng Sa đã sống lại trong các trại tù Cộng Sản khi Bắc Kinh xua quân “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979 và trận chiến này đã củng cố thêm niềm tin cho chúng tôi rằng dân chúng miền Nam qua phản ứng của Hà Nội về trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Trung Cộng, trong khi Hải Quân Quân Đội Nhân Dân Việt Nam thì đứng ngoài hò hét hỗ trợ ngoại xâm, đã hiểu đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là thứ Lê Chiêu Thống tân thời. Sau bao nhiêu năm tìm cách lấp liếm cho cái gốc gác Lê Chiêu Thống này, ngày nay một lần nữa họ đã hiện nguyên hình là bè lũ phản quốc qua vụ Bắc Kinh dựng lên huyện Tam Sa bao gồm cả phần lãnh hải và hải đảo của Việt Nam mà im lặng không dám phản ứng mạnh. Miệng lưỡi của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Sản vẫn không thay đổi so với lần họ cúi đầu khi Hải và Không Quân Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa, nghĩa là Hà Nội vẫn chủ trương “giải quyết nội vụ trong tình đồng chí anh em”.

Thậm chí, ngay sau hành động ngang ngược của “đồng chí, anh em Trung Cộng”, các thanh niên, sinh viên và dân chúng Việt Nam phẫn nộ biểu tình chống Trung Quốc thì nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam xua công an, mật vụ ra ngăn cản và ra những bản thông cáo đe dọa tất cả những người nào biểu tình bày tỏ phản ứng chống ngoại xâm.

Là những Lê Chiêu Thống, cho nên những người Cộng Sản ở cấp lãnh đạo thượng tầng đã hèn nhát, đã không dám huy động lực lượng quân sự để bảo toàn lãnh thổ, đã không dám phản đối dù chỉ bằng tuyên cáo, bằng việc triệu tập viên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc ở Hà Nội đến Bộ Ngoại Giao để đưa công hàm chính thức phản đối hành động chiếm đất của Việt Nam. Không những đã không dám hành động “một cách hòa bình” như vừa kể trên, Hà Nội còn làm nhục cả 80 triệu dân Việt Nam trong cũng như ở ngoài nước khi không lên tiếng đính chính lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng là sẽ công khai hóa những văn kiện chứng tỏ Hà Nội nhường đất, nhường biển cho Trung Quốc. Nếu không có hành động bán nước cầu vinh như thế thì tại sao vào những tuần trước, Bắc Bộ Phủ ở Hà Nội im re trước lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ?

Thực ra, ngày nay Hà Nội đang bị đẩy vào tình trạng há miệng mắc quai bởi vì trong một tập tài liệu nhan đề “30 Năm Liên Lạc Việt Nam-Trung Quốc” mà các tù nhân cải tạo bị buộc phải đọc sau khi bị lùa vào những trại giam sau biến cố 30/04/1975, Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam còn huênh hoang ghi thành tích của nhà nước Việt Nam Cộng Sản trong thời kỳ xua quân “giải phóng” miền Nam, đó là việc Phạm Văn Đồng ký kết một văn kiện vào năm 1958 nhường trọn phần lãnh hải Việt Nam và phần đất ở dọc biên giới Việt Trung và đặt dưới sự bảo vệ của Trung Quốc” để Hà Nội rảnh tay chiến đấu “vì sự nghiệp giải phóng ở miền Nam”.

Tôi có thể quên tất cả những tài liệu mà chúng tôi bị buộc phải đọc trong trại giam, nhưng tài liệu liên quan đến mối liên lạc Việt Nam-Trung Quốc nói trên thì tôi không thể nào quên được. Ngày nay, sau sự kiện Hoàng Sa, Bản Dốc, Tam Sa ... tập tài liệu vừa kể chắc chắn sẽ trở thành một lời thú nhận tội của Hà Nội.

Vì thế theo tôi, những vụ đàn áp, áp lực, đe dọa thanh niên, sinh viên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc thực ra không phải là để giải quyết các vụ này trong tình đồng chí anh em gì cả mà chỉ là để khỏa lấp hành động bán nước của Cộng Sản Việt Nam mà thôi. Hiện nay, một vài quan sát viên cho rằng hậu quả vụ Tam Sa cho thấy có sự tranh chấp quyền lực và ngáng chân nhau của phe lãnh đạo thân Mỹ và phe thân Trung Quốc ở Việt Nam. Nhưng dù việc khai thác vụ Tam Sa có lợi cho phe nào đi nữa thì nó thực chất nó vẫn là điều tệ hại cho đảng Cộng Sản Việt Nam vì rõ ràng đảng này đã phạm phải tội phản quốc. Ngày nay, việc phản đối mới chỉ là do những nhóm thanh niên, sinh viên trong nước tập họp chưa đủ mạnh và chưa phối hợp tích cực được với nhau vì còn bị đàn áp. Nhưng khi lòng căm phẫn của toàn khối dân chúng Việt trước hành động ngang ngược của Trung Cộng lên cao, hiển nhiên “một giọt nước sẽ đủ sức làm tràn ly nước”.

Vũ Ánh
12/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn