BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72828)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lãnh đạo và trách nhiệm

14 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 873)
Lãnh đạo và trách nhiệm
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Đã bàn đến quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý, có lẽ chúng ta cũng nên bàn tiếp một khía cạnh khác: quan hệ giữa lãnh đạo và trách nhiệm.

Thường, nói đến lãnh đạo, người ta nghĩ ngay đến quyền lực. Đó chỉ là một khía cạnh. Và khía cạnh ấy trở thành tiêu chí để nhận diện bản lĩnh cũng như bản chất của các nhà lãnh đạo: Một số người xem quyền lực như cứu cánh và một số khác xem quyền lực chỉ là phương tiện. Loại thứ nhất là những tên hoạt đầu khi đang theo đuổi quyền lực và là những kẻ độc tài sau khi đã nắm được quyền lực trong tay. Loại thứ hai khá đa dạng, tùy theo những mục tiêu họ nhắm tới: Một số người dùng quyền lực như một phương tiện để làm giàu khác hẳn những người sử dụng quyền lực như một phương tiện để thực hiện các hoài bão lớn lao và cao cả hướng đến dân tộc, hoặc rộng hơn, nhân loại.

Với những nhà lãnh đạo thực sự, lãnh đạo gắn liền với trách nhiệm trước khi nó đi với quyền lực. Đã đành không thể có trách nhiệm lớn, càng không thể hoàn thành các trách nhiệm lớn ấy, nếu không có quyền lực. Nhưng quyền lực, khi đứng một mình, sẽ là một đe dọa. Khi gắn liền, hay đúng hơn, xuất phát từ trách nhiệm, thì lại là một điều cần thiết. Bởi vậy, ranh giới giữa quyền lực và trách nhiệm rất mơ hồ. Từ góc độ tâm lý, người có tinh thần trách nhiệm bao nhiêu càng ham hố quyền lực bấy nhiêu. Sự khác biệt nằm ở hai chỗ: một, ở mức độ ưu tiên: người thì ưu tiên cho trách nhiệm; người khác thì ưu tiên cho quyền lực; và hai, ở góc độ hành xử: người thì hành xử quyền lực một cách có trách nhiệm, người thì không.

Ở đây, có hai điều cần lưu ý:

Thứ nhất, tinh thần trách nhiệm trong cách hành xử quyền lực, một mặt, xuất phát từ cá tính và ý thức, nhưng mặt khác, lại cần được kiểm soát từ bên ngoài. Biết được điều đó, ở tất cả các nước phát triển, người ta luôn luôn cố gắng xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát quyền lực của giới chính trị gia. Để không có ai lạm dụng quyền lực, ngay cả khi nhân danh tinh thần trách nhiệm. Đó chính là lý do quan trọng nhất để biện minh cho sự tồn tại của các chế độ dân chủ: ngăn chận, ngay từ đầu, sự xuất hiện của các tên độc tài và bạo chúa.

Thứ hai, ở Việt Nam, người ta hay phê phán những người ham quyền. Ở Tây phương, ngược lại, người ta xem đó là điều tự nhiên. Không ai ngạc nhiên hay chê bai các chính khách khi họ bày tỏ tham vọng quyền lực của họ. Người ta chỉ chê bai các chính khách thiếu tham vọng và không dám chấp nhận thử thách để đạt được quyền lực. Người ta xem, chỉ riêng điều đó thôi, các chính khách ấy đã không đủ tư cách để trở thành nhà lãnh đạo.

Lãnh đạo đi liền với trách nhiệm. Hơn nữa lãnh đạo và trách nhiệm là một.

Nhưng những trách nhiệm đó là gì?

Lại phải phân biệt hai loại trách nhiệm: Trách nhiệm đối với bản thân và trách nhiệm đối với người khác. Làm lãnh đạo là nhận lãnh trách nhiệm với người khác chứ không phải chỉ với bản thân. Câu nói đã thành danh ngôn ở Việt Nam: “Không thành công cũng thành nhân”, thật ra, là câu nói của một người thất bại. Đó chỉ là một chọn lựa cuối cùng của những người có hoài bão và chí khí nhưng lại bị đẩy vào đường cùng. Với những người lãnh đạo, nghĩa là những người chiến thắng, đã có quyền lực trong tay, mục tiêu lớn nhất là thành công chứ không phải là thành nhân. Đúng hơn, ở cương vị ấy, người ta chỉ thành nhân khi, và chỉ khi, thành công. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà lãnh đạo thường tỏ ra lo lắng về các di sản mà họ để lại sau bao nhiêu năm cầm quyền cũng như cách lịch sử đánh giá về sự nghiệp của họ.

Cái gọi là trách nhiệm với người khác, ở vai trò người lãnh đạo quốc gia, có một định nghĩa rõ ràng: trách nhiệm với đất nước. Trách nhiệm đó được cụ thể hóa tùy theo hoàn cảnh, ở đó, một số vấn đề nổi bật lên, trở thành ưu tiên, cần được hoàn tất trước các vấn đề khác. Nhưng dù hoàn cảnh có thay đổi đến mấy thì nội dung chính của trách nhiệm đối với đất nước cũng là, trước hết, đáp ứng được các nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Quần chúng đang quan tâm đến vấn đề kinh tế nhất? - Kinh tế sẽ trở thành trách nhiệm hàng đầu! Quần chúng quan tâm đến dân chủ nhất? – Dân chủ sẽ trở thành trách nhiệm hàng đầu!

Hơn nữa, quần chúng không phải chỉ là những người dân đang sống và đến phòng phiếu theo kỳ hạn mà còn bao gồm cả những người đã khuất và chưa ra đời. Với những người đã khuất, tức với tiền nhân, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là phải bảo vệ di sản và truyền thống. Với những người chưa và sẽ ra đời, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là phải để lại cho họ một di sản tốt đẹp hơn cái di sản mà thế hệ hiện tại đang có. Không có nhà lãnh đạo nào có thể được xem là có trách nhiệm nếu tiêu sạch cả vốn liếng của con cháu, thậm chí, để lại cho con cháu những gánh nợ do chính mình tạo ra và không thể trả được.

Như vậy, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo không phải chỉ là giải những bài toán trong hiện tại mà còn phải giải cả những bài toán trong tương lai. Người ta đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có viễn kiến là vì vậy. Thiếu viễn kiến, người ta, may lắm, chỉ là nhà quản lý chứ không phải là nhà lãnh đạo.

Viễn kiến là nhìn xa về tương lai. Tương lai lại là một cái gì khá mơ hồ. Bởi vậy, người ta thường đòi hỏi ở nhà lãnh đạo không phải chỉ khả năng phân tích sâu sắc mà còn một niềm tin mãnh liệt. Không có một niềm tin mãnh liệt, nhà lãnh đạo không thể làm cho người khác tin tưởng và theo mình.

Nhà lãnh đạo cần có viễn kiến. Nhưng họ không đi vào tương lai một mình. Sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo và các nhà cố vấn của họ chính là ở điểm đó. Cả hai đều có thể có viễn kiến, nhưng chỉ có nhà lãnh đạo là có khả năng tập hợp lực lượng để biến viễn kiến ấy thành hiện thực. Có ba cách tập hợp lực lượng: cưỡng bức, lừa dối và tự nguyện. Cách thứ nhất và thứ hai là của những tên độc tài. Cách thứ ba là của các nhà lãnh đạo dân chủ. Tập hợp dựa trên cưỡng bức hay lừa dối, nếu thành công, chỉ thành công trong ngắn hạn. Và cũng không bao giờ trọn vẹn. Chỉ có sự tập hợp dựa trên tự nguyện, hình thành từ sự đồng thuận và sự ủng hộ mới chắc chắn và lâu dài: Ở đây người ta không chỉ tập hợp được sức người mà còn tập hợp được cả tâm hồn và trí tuệ.

Sự tập hợp dựa trên tự nguyện cần một điều kiện căn bản: tin cậy. Trách nhiệm của nhà lãnh đạo là tạo dựng và bảo vệ sự tin cậy ấy. Để hoàn thành trách nhiệm ấy, nhà lãnh đạo có trách nhiệm khác: đối thoại. Không thể có sự tin cậy nếu không có đối thoại. Nhưng không thể có đối thoại nếu từ chối hoặc cấm đoán sự phê phán. Trong lãnh vực chính trị, đối thoại thực chất là dám đương đầu trước các phê phán. Đó là nguyên tắc của dân chủ đồng thời cũng là điều kiện của tin cậy, đồng thời cũng là điều kiện để tập hợp lực lượng, nghĩa là, cũng chính là điều kiện để tạo nên sức mạnh cho nhà lãnh đạo.

Nhìn lại giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, bạn thử nghĩ xem họ có phải là những người có trách nhiệm không?

Nguyễn Hưng Quốc

14-12-2011

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn