BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72823)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tự do báo chí có điều kiện tại Việt Nam

22 Tháng Tám 200712:00 SA(Xem: 1036)
Tự do báo chí có điều kiện tại Việt Nam
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Trong số báo cách đây khoảng 3 tuần lễ, tác giả Hồ Văn Xuân Nhi trong bài nói về sự “thành công quá xa của anh em VW khi họ dám đi vào Việt Nam trong vai trò nhà báo, họ xin phép thực hiện nghiệp vụ báo chí ngay trong nước. Ông Nhi nhấn mạnh: “Không lén lút, cũng không cần nịnh hót xin xỏ chính quyền giấy phép. Hãnh diện, tự tin và thách thức khi họ yêu cầu được làm các nhiệm vụ báo chí. Điều duy nhất giúp VW có giấy phép để thực hiện công tác báo chí những lần vào Việt Nam, đó là khi họ viết, họ viết trung thực, không diễn tả sai lệch, không có mục tiêu chính trị, ẩn ý khi tường thuật”.

Không đầy hơn một tuần sau, ông Lê Doãn Hợp, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vừa mới được Quốc Hội chuẩn thuận đã tuôn ra ngay một lời phê khi ông nói về “qui chế quản lý báo chí trong nước”. Lê Doãn Hợp nói: “Qui chế quản lý báo chí chính là để chúng ta tự do hơn, lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh, chúng ta hoàn toàn tự do nếu đi đúng lề đường bên phải”.

Có lẽ chúng ta cần phân tích những yếu tố chứa đựng trong hai cách nhìn của hai ông Hồ Văn Xuân Nhi và Lê Doãn Hợp. Trước hết, chúng ta thấy, dù có diễn tả cách nào thì cả hai ông Nhi và Hợp đều đã khẳng định một điều là muốn thực hiện nghiệp vụ báo chí ở Việt Nam phải làm sao xin được một cái giấy phép. Ở Việt Nam, theo như ông Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp, báo chí bị nhà nước quản lý bằng một qui chế. Mà qui chế không là gì khác hơn là một luật để kiểm soát việc điều hành các tờ báo cũng như đường lối và chính sách.

Như vậy, báo chí và truyền thông tại Việt Nam trực tiếp hay gián tiếp đều là của nhà nước hay do nhà nước kiểm soát. Điều này có nghĩa là tư nhân không thể tự động ra báo như ở Mỹ và không có có một tờ báo nào có thể đứng độc lập, không theo qui chế của nhà nước được. Mà nhà nước Việt Nam là nhà nước độc đảng và chuyên chính.

Nhưng khi ông Hồ Văn Xuân Nhi viết rằng tờ VW mà ông cộng tác không lén lút, cũng không cần nịnh hót xin xỏ chính quyền (Việt Nam) giấy phép thì liệu người ta có thể hiểu rằng có trường hợp nếu lén lút, xin xỏ và nịnh hót chính quyền Cộng Sản vẫn có thể xin được giấy phép thực hiện nghiệp vụ báo chí như thường?

Thực tế từ nhiều năm nay cho chúng ta thấy, chính quyền Việt Nam Cộng Sản là một chính quyền rất nổi tiếng về tham nhũng. Tham nhũng tràn ngập trong đủ mọi ngõ ngách của đời sống. Làm lớn thì tham nhũng lớn và chức nhỏ thì tham nhũng nhỏ. Thủ tục “đầu tiên” là một cách nói lái của thủ tục “tiền đâu”, một phương thức nã tiền người dân mỗi khi họ có chuyện phải đến nơi công đường là điều khá phổ biến.

Chỉ bước qua cổng hải quan Tân Sơn Nhất người ta cũng đã có thể hiểu ngay thế nào là thủ tục “đầu tiên” chứ chưa cần nói gì đến những hoạt động khác. Cho nên, chúng ta tin rằng, nếu lén lút, cam kết, xin xỏ và nịnh hót kèm theo quà cáp chắc cũng giúp cho một nhà báo có nhiều cơ hội có được cái giấy phép thực hiện nghiệp vụ, nhưng thử hỏi trong trường hợp ấy, nhà báo này còn giữ được sự tường thuật độc lập không?

Khi một nhà báo không còn sự độc lập suy nghĩ thì đồng thời anh ta hay cô ta không còn sự tự do. Ấy vậy mà ông Lê Doãn Hợp, tân bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông lại có những suy nghĩ ngược lại khi cho rằng một nền báo chí bị quản lý bằng một qui chế thì các nhà báo hoạt động trong đó sẽ được tự do hơn. Nghe ông Hợp nói như vậy, có người nói: “Như vậy khi một người bị trói chân thì có nghĩa là người này tự do hơn?

Nhà báo Thiện Tiến ở trong nước viết cho Người Việt: “Nhưng khi ông bộ trưởng công khai đưa ra phán quyết qui chế quản lý báo chí chính là để chúng ta tự do hơn thì đúng là sự thật đến trắng trợn. Và điều tốt nhất là cánh nhà báo nên vâng dạ cúi đầu tự hiểu: càng có nhiều hàng rào, nhiều dây trói thì người làm báo càng được tự do... ngoan hiền hơn”.

Khi ông Lê Doãn Hợp nói từ lâu nay báo chí quản lý theo mệnh lệnh thì phải kèm ngay một câu hỏi khác: thế bây giờ không còn phải quản lý một tờ báo theo mệnh lệnh nữa hay sao? Nhà báo Thiện Tiến giải thích ngay: “Nói là chấm dứt quản lý theo mệnh, cứ thử coi. Nhà báo ở trong nước ai mà không hiểu hàng tuần tổng biên tập phải đi họp với biên ủy trong Ban Tư Tưởng và Văn Hóa Đảng. Các xếp ho một tiếng là tụi này phải tự mài sắc vũ khí tự kiểm duyệt rồi”.

Trước ngày 30 Tháng Tư 1975, các nhà báo được tự do hành nghề và hành nghề độc lập vì báo là báo tư nhân. Nhưng chỉ vì chính phủ thiết lập một cơ quan kiểm duyệt ở Bộ Thông Tin cho nên nền báo chí của VNCH vẫn không được quốc tế công nhận là một nền báo chí tự do. Chính phủ giải thích rằng, trong thời chiến thì phải kiểm duyệt và khi hết chiến tranh sẽ bãi bỏ việc này.

Ngược lại, ngày nay Việt Nam, dù đã hết chiến tranh từ 32 năm trước, vẫn duy trì chế độ kiểm duyệt gắt gao, không cho tư nhân xuất bản báo, báo chí và cơ quan truyền thông bị nhà nước quản lý.

Như thế mà ông Lê Doãn Hợp lại cho rằng nền báo chí và truyền thông của Việt Nam nay sẽ được tự do hơn thì tài thật. Nó cũng giống như khi ông Hồ Văn Xuân Nhi cho rằng những nhà báo bạn của ông “hãnh diện, tự tin và thách thức yêu cầu được làm nhiệm vụ báo chí” tại một nước mà các ký giả bị trói với nhiều lớp dây trói như nền báo chí truyền thông tại Việt Nam.

Chúng ta hoàn toàn tự do nếu đi đúng theo lề đường bên phải” ... ông Lê Doãn Hợp đã nhắc lại những điều kiện của tự do cho báo chí và truyền thông trong nước bằng một câu nói mang nhiều hình ảnh. Có nghĩa là nếu anh ký giả nào không đi đúng lề qui định thì sẽ không được tự do. Cho nên chỉ còn cách hiểu lời ông Lê Doãn Hợp như thế này: khi các anh viết đúng chính sách và đường lối đã được đảng Cộng Sản đề ra chính là cách anh đã đi đúng lề đường bên phải. Nếu các anh đi ngược lại đường lối và chính sách của đảng, tức là các anh đã bước sang lề trái. Hai lề đường song song nhau, tùy theo hướng của người đi đường thì một trong hai là lề trái hoặc phải. Bí hiểm thật đấy. Cho nên, theo lời ký giả Thiện Tiến, cách tốt nhất là một nhà báo nên ngoan hiền hơn, cúi đầu thấp hơn thì sẽ vô hại dù đi trên lề đường trái hay lề đường phải.

Thật là một câu nói tuyệt hảo. Nó cũng tuyệt hảo tựa như khi ông Hồ Văn Xuân Nhi viết: “Điều duy nhất giúp cho VW có giấy phép để thực hiện công tác báo chí những lần vào Việt Nam, đó là khi họ viết, họ viết trung thực, không diễn tả sai lệch, không có mục tiêu chính trị, ẩn ý khi tường thuật”.

Nếu so sánh với lời tán của ông Lê Doãn Hợp thì điều này phải được hiểu là VW đã đi đúng lề đường bên phải do chế độ Cộng Sản qui định? Định nghĩa thế nào là một nhà báo trung thực rất khó khăn. Nói sao nghe vậy, gọi dạ bảo vâng có thể là viết trung thực những gì mà một người nói ra, nhưng lời nói đó có đúng sự thật không lại là chuyện khác.

Đảng Cộng Sản chỉ muốn một nhà báo tường thuật không sai lệch thêm bớt những gì mà phía cầm quyền nói, nhưng lại không muốn một nhà báo tường thuật y hệt những gì mà một người dân hay một nhà đối lập nói ngược lại phía cầm quyền.

* Thực tế cho thấy, có nhà báo nào ngoan ngoãn đi theo lề phải như chế độ Cộng Sản hiểu và muốn mà bị “đì”, bị cấm thực hiện nghiệp vụ báo chí ở Việt Nam đâu?

* Cứ tự do đi theo lề phải, mắc mớ gì mà cấm cản?

Nhưng việc ông Lê Doãn Hợp nói về chuyện hơn 600 tờ báo ở Việt Nam hoàn toàn tự do nếu đi đúng theo lề đường bên phải không gây bấn loạn cho bằng một lời tuyên bố khi ông nhậm chức: “Tổng biên tập là người của Bộ Thông Tin sau này sẽ cắm ở từng tờ báo”.

Vẫn theo lời ký giả Thiện Tiến, một tổng biên tập là người của đảng, của chính quyền mà được “cắm” vào mỗi tờ báo thì đố anh chị ký giả nào mà có thể bước sang lề trái được. Kiểm soát như thế là nhất, khó có ai cắt đứt được thứ dây trói này.

Trên đây là một phần nội dung của việc quản lý báo chí không bằng mệnh lệnh của nhà cầm quyền Cộng Sản qua lời một ông tân bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, một người không cần biết rằng họ đang sống trong một thế giới mà quyền tự do báo chí đã trở thành một đệ tứ quyền, và là một hình ảnh cần thiết cho nền văn minh hiện đại.

Vũ Ánh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn