BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73249)
(Xem: 62217)
(Xem: 39403)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lá thư gởi Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ

22 Tháng Bảy 200712:00 SA(Xem: 1433)
Lá thư gởi Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Thưa thiếu tướng,

Trong suốt 14 năm tù dưới chế độ cộng sản, tôi vẫn gọi những đàn anh bằng cấp bậc, mặc dù tôi biết rất rõ có một số ông rất thiếu tư cách, nịnh bợ, khúm núm trước kẻ thù. Lý do rất dễ hiểu: để cho kẻ thù của chúng tôi dù có ghét cũng không thể khinh chúng tôi rằng tù đầy, khổ nhục có khả năng biến chúng tôi thành loại “giậu đổ bìm leo” và vẫn còn có trên có dưới.

Ngày nay, dù thiếu tướng có bợ đỡ những người cộng sản một cách quá đáng như bài diễn văn đọc trong vụ đón tiếp ông Nguyễn Minh Triết vừa rồi tại Dana Point, tôi cũng vẫn gọi ông bằng cấp bậc, nhưng lần này không phải để chứng tỏ với người cộng sản rằng, chúng tôi vẫn có trên có dưới mà để cho ngay cả những người đang được ông khúm núm bợ đỡ cũng phải khinh ông. Họ sẽ nhìn thấy những người Việt Nam ở hải ngoại mà có thể Chủ Tịch Nhà Nước Nguyễn Minh Triết của thiếu tướng có vì ghét hay vì sợ phải trả lời những câu hỏi không thể trả lời được, ông ta cũng phải thấy rằng, nếu có thực lòng muốn xóa bỏ lằn ranh Quốc-Cộng cần ngồi với kẻ thù có tư cách hơn là ngồi với một người đã đánh mất tất cả kể cả nhân phẩm, đã xu nịnh với một cách thức có thể làm người được xu nịnh cũng phải đỏ mặt.

Thưa thiếu tướng,

Tôi không nghĩ là ông Nguyễn Minh Triết lại không biết rõ thiếu tướng là người như thế nào trong cuộc chiến. Tôi cũng không nghĩ là ông Nguyễn Minh Triết lại coi thiếu tướng là một nhân vật có uy tín trong cuộc đồng người Việt ở Mỹ. Hơn nữa, ông Triết cũng như mấy ông khác thừa hiểu là thiếu tướng về Việt Nam chẳng phải là muốn hòa hợp, hòa giải xóa bỏ lằn ranh quốc cộng gì cả. Ông về chỉ là chuyện làm ăn kiếm tiền ở Việt Nam giúp cho người tình của ông sau này ở Singapore có những hợp đồng tốt. Nhưng Hà Nội đâu có dễ dàng để cho thiếu tướng, một người từng chống họ, một người từng là một thủ tướng đã từng làm chết bao nhiêu người ở phía họ cũng như ở phía ta xóa bỏ lằn ranh Quốc-Cộng dễ dàng, đơn phương như vậy. Tôi nghĩ rằng, nếu quả thật ông Võ Văn Kiệt hay ông Nguyễn Minh Triết thực lòng có muốn xóa bỏ lằn ranh Quốc-Cộng thì họ không thể nào ngây thơ đến nỗi dùng một người môi giới không có uy tín gì với cộng đồng mà họ muốn hòa giải, không đến nỗi ngu dốt dùng một vài anh nhà báo cò mồi một cách kém thông minh như ông ta đã thấy vào đúng lúc ông xuống quận Cam.

Tôi cho rằng, ông Chủ Tịch Nhà Nước VNCS Nguyễn Minh Triết là người cũng khá thâm. Ông ta để cho một ông tướng mất nhân cách ngồi chung bàn với ông ta, rồi lại còn để cho thiếu tướng lên đọc một bài diễn văn, trong đó thiếu tướng lại thậm xưng đại diện cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ tuyên bố xóa bỏ lằn ranh Quốc-Cộng và thở ra toàn lời xu nịnh, thực ra cũng chỉ là một cách dùng thiếu tướng để lăng mạ những nạn nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam. Thiếu tướng cứ thử tưởng tượng coi, khi thấy một người “lửa rơm” như thiếu tướng quay lưng lại với những đồng đội đã từng “bị” thiếu tướng lãnh đạo mà thất trận, Nguyễn Minh Triết rất có thể nghĩ trong bụng như thế này: “Anh là Nguyễn Cao Kỳ phải không, anh là thằng hết thời vì chỉ biết bỏ chạy sang ngoại quốc, ăn chơi sa dọa, bây giờ hết chỗ làm ăn, quay lại cái đất này kiếm chút cháo. Tôi cho anh cái anh muốn, nhưng với tụi tôi của cho cũng phải có cái giá của nó. Anh phải trở thành công cụ để tôi sỉ nhục những đứa tới nay mà chưa chịu bó thân về với triều đình. Anh phải hiểu thân phận mình là một trái banh rơi vào chân những thằng cầu thủ tồi. Tôi cho phép anh tuyên bố xóa bỏ lằn ranh Quốc-Cộng, nhưng chỉ tuyên bố thôi đấy nhé, anh làm thật là chúng tôi cho vào nằm hộp đấy. Anh chưa bị nằm hộp bao giờ, đôi khi cũng nên thử cho biết với người ta”.

Thiếu tướng ơi,

Thật sự khi đám lính chúng tôi bị đẩy vào các nhà tù cộng sản, dù phải nhận chịu những ngục hình, dù bị những nhà lãnh đạo bỏ rơi, nhưng anh em chúng tôi đều mừng cho bất cứ một vị tướng nào thoát được ra ngoài, không phải có mặt trong trại Sơn Tây. Anh em chúng tôi cố gắng giữ gìn nhân phẩm, vì lúc đó chúng tôi đã mất hết, đã bị tước đoạt hết chỉ còn nhân cách và lòng tự trọng là che chở được chúng tôi, là cho chúng tôi niềm hy vọng sau này có ra tù còn sống được cho xứng đáng là một con người trong cái xã hội tan nát ở Việt Nam lúc ấy. Rồi khi được Hoa Kỳ, vì lòng nhân đạo của chính phủ Mỹ, sống ở một đất nước có dân chủ, tự do và nhân phẩm, chúng tôi cũng biết quí sự tự do, chúng tôi cũng biết phản đối những anh lợi dụng sự tự do này mà có những hành động quá đáng chẳng hạn như lúc nào cũng đem cái mũ cộng sản chụp lên đầu những người khác chỉ vì họ không đồng chính kiến với mình, chúng tôi cũng đã biết ngăn không cho những phần tử lợi dụng chuyện chống cộng vu oan cho kẻ khác, biểu tình chống cộng trước một cơ sở thương mại chỉ nhằm làm “sập tiệm” cơ sở ấy, chúng tôi cũng đã từng phản đối những ai làm khó dễ một hai ca sĩ từ Việt Nam sang đây chỉ để trình diễn tình ca kiếm sống, chúng tôi cũng đã từng kiệt liệt chống những hành động quá khí của một số người mang danh chống cộng ở đây để chính nghĩa khỏi bị thương tổn, nhưng ở cộng đồng này, người Việt Nam vẫn còn rất giận dữ và chắc chắn họ không chấp nhận một Trần Trường mang tượng Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng vào đây, lợi dụng tu chính án số 1 để thách thức cũng như khiêu khích cộng đồng, chắc chắn họ cũng không thể chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để ca tụng Hồ Chí Minh như một thánh nhân, ca tụng chiến thắng Tết Mậu Thân mà không hề lên án việc cộng sản đã đập đầu hay chôn sống những thường dân và tu sĩ tại Huế, điều mà chắc hẳn thiếu tướng biết rõ hơn ai hết. Vì chúng tôi quí sự tự do cho nên chúng tôi không muốn bất cứ một người nào trong cộng đồng này lợi dụng sự tự do ấy cho quyền lợi riêng của mình.

Ở đây, cho đến sau này, không còn ai lên án việc chuyển tiền về Việt Nam cho gia đình, gởi tiền về cho người nhà làm ăn tại Việt Nam, thậm chí cũng không ai còn phê phán những người về Việt Nam hưởng thụ... Có tiền thì có quyền làm điều này, nhưng không bao giờ nên làm quà cho Hà Nội bằng những lời tuyên bố thiếu tính chất thuyết phục đã đành lại còn xu nịnh, khúm núm, khơi dậy nỗi đau của hàng triệu người khác. Khi chúng tôi còn ở trong trại tù cộng sản, chúng tôi nghiệm ra một điều như thế này: bọn cán bộ không bao giờ ép buộc một người tù nào đó làm ăng ten. Nhưng họ ra những tín hiệu cho biết nếu anh nào chịu cộng tác sẽ được bù đắp bằng quyền lợi qua việc nâng lượng khẩu phần hàng ngày. Khẩu phần ấy họ lấy ở đâu. Chẳng bao giờ có chuyện họ cho thêm những anh nào quì lạy để xin làm ăng ten một hạt gạo hay một lát khoai mì nào. Chúng cắt bớt khẩu phần của những anh em tù nhân cải tạo nào giữ được nhân cách, đứng thẳng lưng trước mặt chúng, và thêm vào khẩu phần của những anh ăng ten ăn no hơn. Ở xã hội Việt Nam bây giờ cũng vậy thôi. Vẫn là sự đánh đổi. Tôi cho anh một chút lợi lộc, anh phải bán nhân cách của anh đi. Khi anh không còn nhân phẩm và nhân cách anh mới thực sự là nô lệ cho tôi được. Dễ hiểu quá phải không thiếu tướng.

Theo chiêm nghiệm của tôi, những người đánh mất nhân phẩm ở trong tù, ra ngoài đời cũng vẫn chỉ là một anh nô lệ. Trường hợp thiếu tướng có lẽ đặc biệt hơn loại người mà tôi vừa kể. Có lẽ vì thiếu tướng không phải trải qua tù đầy nên còn dùng chút hào quang cũ che đậy được cách sống như một người nô lệ hiện nay của thiếu tướng. Thiếu tướng đã giúp chế độ nô lệ ở Việt Nam thêm đa dạng. Nhưng hào quang đó, ông thừa biết là được vẽ lên bằng máu của những đồng đội của thiếu tướng đã hy sinh trong cuộc chiến và của những thanh niên bị Hà Nội xua vào cuộc tương tàn chỉ để phục vụ cho một chủ thuyết ngoại lai, xa lạ và cô đơn.

Thưa thiếu tướng,

Nếu thiếu tướng chịu khó nhìn hình chụp ông và ông Nguyễn Minh Triết bắt tay nhau với một lời chua: “Vì hai ông này, bao nhiêu xương máu của người Việt Nam đã đổ ra”, thiếu tướng nghĩ sao? Tôi biết ông chẳng còn nghĩ gì được trong lúc này đâu ngoài việc nghĩ làm sao cho vừa lòng những người đã ban ân huệ cho ông. “Gió chiều nào che chiều ấy”, đó là quyền lựa chọn của ông mà. Những đứa phản bội hay những anh nương theo thời thế để thủ lợi chắc chắn là rất thích câu “gió chiều nào che chiều ấy” lắm. Nhưng tôi không tin là thiếu tướng thích ngạn ngữ ấy, dù tôi biết ông rất khó giải thích hay lấp liếm những chuyện ông làm trong mấy năm qua.

Riêng cá nhân tôi, một người mà thời còn trẻ rất ngưỡng mộ thiếu tướng khi lập Nội Các Chiến Tranh, tôi cho rằng không nên phủ nhận những điều ông đã làm khi ông là thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng không bao giờ quên được hình ảnh ông mặc một bộ đồ bay màu đen gắn đầy huy hiệu, đeo khăn quàng tím, tóc chải bóng với bộ râu đẹp. Ông ngồi lên ghế phụ của chiếc AD-5 vì ai cũng biết ông thuộc chỉ số vận tải chứ không phải phi công khu trục và ra lệnh Bắc tiến, và khi trở về thiếu hai người mà nếu tôi nhớ không lầm trong đó có Phạm Phú Quốc. Dù bị một số mất mát khó bù đắp, nhưng sự hiện diện của ông trong chuyến đi ấy đã đẩy mạnh tinh thần chống Cộng của quân đội và nhân dân miền Nam Việt Nam lên cao hơn. Không khí chống Cộng ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó hừng hực. Chắc một tướng lãnh như ông cũng thừa biết rằng, trong không khí ấy, trên chiến trường miền Nam Việt Nam đã có bao nhiêu người lính hăng hái xông vào mục tiêu sau tiếng súng lệnh. Trên khắp chiến trường miền Nam, biết bao nhiêu người lính đã đổ máu, đã để lại một phần thân thể trên chiến trường và đã hy sinh. Da ngựa bọc thây nào có sá gì khi thấy một thủ tướng cũng ngồi máy bay ra chiến trường.

Nhiệt tình của thanh niên khiến những người trẻ chúng tôi lúc ấy không nhận ra được rằng, đằng sau những hào quang của ông được tạo nên bằng máu của những người lính và người dân miền Nam, là những điều tệ hại và hèn nhát của cá nhân ông. Sau những dàn xếp quyền lực để chứng tỏ cho miền Bắc không nhận ra những rạn nứt giữa thiếu tướng và Tướng Nguyễn Văn Thiệu, sự tranh chấp đã lộ ra chỉ mấy tháng sau khi các ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống và phó tổng thống. Cho đến năm 1971, những rạn nứt ấy không còn có thể che giấu được nữa. Ông Thiệu đã dùng áp lực ngăn không cho ông ứng cử năm 1971. Tổng Thống Thiệu đã thật lầm lẫn trong hành động này, nhưng thiếu tướng thì lại quá hung hãn khi ông dùng vũ lực để nộp đơn ứng cử. Sự tham quyền cố vị và tranh giành giữa hai ông đã tạo thành một vết nhơ cho lịch sử của miền Nam Việt Nam. Có bao giờ thiếu tướng nghĩ rằng, quyền lợi quốc gia Việt Nam Cộng Hòa lúc đó bị thử thách nặng nề không? Có bao giờ, vào những lúc miền Nam mất, nhà cửa của những đồng đội của thiếu tướng và người dân vô tội tan nát, thiếu tướng có nghĩ rằng thời đó mà ông và ông Thiệu còn không xóa được những lằn ranh thù hận, tức là lằn ranh quốc gia với quốc gia, huống chi bây giờ thiếu tướng lại còn lên tiếng xóa bỏ lằn ranh quốc cộng. Làm sao mà thiếu tướng tự xóa được, ai cho thiếu tướng xóa? Thiếu tướng tuyên bố nhân danh ông Nguyễn Minh Triết hay nhân danh cộng đồng Việt Nam. Nếu ông nhân danh cộng đồng thì rõ ràng ông mất điểm với ông ta vì trong lúc thiếu tướng đọc diễn văn thì cái cộng đồng mà ông nói là ông nhân danh đang biểu tình phản đối trước khách sạn mà?

Tôi còn nhớ những năm đầu trong trại giam, một hai ông “họa sĩ nửa mùa” muốn lấy điểm tỏ ra tay đây đã thần phục chế độ mới đã kiếm được một mảnh ván ép lớn và xin viên cán bộ trực trại vẽ hình Hồ Chí Minh. Vẽ xong hí hửng lên yêu cầu trực trại báo viên trưởng trại. Tên trưởng trại tên là Thích xuống ngắm nghía một hồi rồi kêu hai ông “họa sĩ” này lên và hoạnh họe: “Này ai cho phép các anh vẽ bác Hồ, bố láo, các anh đâu có xứng đáng để vẽ bác. Tưởng vẽ bác dễ à, phải nghệ sĩ nhân dân may ra mới được vẽ bác”. Hai ông thợ vẽ tẽn tò, nhưng đau nhất là phải xuống đội đi cuốc như người khác, không được ở ban văn hóa thi đua, một cái ban chuyên ăn hớt của các bạn đồng tù với mình và lấy điểm bằng cách rình mò báo cáo anh em.

Thiếu tướng chưa bao giờ “thưởng thức” việc nằm tù như chúng tôi, chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh mà tôi vừa mô tả nên không biết xấu hổ. Hai anh bạn “họa sĩ” trên đã không thể ý thức được sự trần trụi của người bại trận nên vội vã muốn tự xóa bỏ lằn ranh quốc cộng thành thử đã bị lãnh những cái tát vào mặt. Bây giờ, tôi nghĩ rằng thiếu tướng cũng đang ở vị thế của hai anh “họa sĩ” tôi vừa đề cập, chỉ khác là ông chưa bị tát tai và đá đít thôi. Chưa, nhưng chắc chắn sẽ. Đến những người theo ông Hồ ngay từ đầu cuộc kháng chiến như các ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ... mà cho đến nay đã trở thành kẻ thù của Hà Nội chỉ vì không đồng tình với những tên sâu mọt trong đảng Cộng Sản đang đục khoét công quĩ, trác táng, hà hiếp và bóc lột nhân dân. Khi bọn họ không thể xóa bỏ lằn ranh, không thể chơi được với những người còn giữ được nhân cách thì chúng tìm kiếm những người thiếu nhân cách và hèn hạ để chơi. Điều ấy có gì lạ đâu. Cái lạ là một người như thiếu tướng mà cũng có những hành vi hèn hạ như thế à?

Với tư cách cá nhân, thiếu tướng có thể làm đầy tớ cho bất cứ ai, nếu đó là lựa chọn của ông, nhưng tôi cắn cỏ xin thiếu tướng một điều: chớ nên nói thay cho cộng đồng này, bởi vì hầu hết họ là nạn nhân của những người mà ông đang cố công nịnh bợ. Từ khi ông bỏ chạy vào chiều 29 Tháng Tư cách đây hơn 32 năm, ông có sống bên cạnh họ đâu, ông có nhận những nhục nhã của việc mất quê hương như họ đâu. Thiếu tướng vẫn phây phây sống một cuộc đời lãng tử, thỉnh thoảng buông vài câu chống Cộng để cho người ta khỏi quên ông. Đến khi ông thấy mình đã không chịu làm việc gì để kiếm sống nên khi vớ được cái phao của một bà nhân tình về làm ăn ở Việt Nam, liền giở giọng bợ đỡ xin xỏ về nước. Nhưng nếu thiếu tướng ngậm miệng, âm thầm cam chịu thân phận đã xuống chó nên phải hầu kẻ lên voi thì cũng còn giải thích được. Đằng này ông lại còn giở cái mánh hòa hợp, hòa giải xóa bỏ lằn ranh quốc Cộng. Đến ngay cả tên cán bộ Cộng Sản xã ấp thôi nghe thiếu tướng “xóa” lằn ranh quốc Cộng như xóa mạt chược chúng cũng còn cười hộc lên huống chi là Nguyễn Minh Triết hay Võ Văn Kiệt.

Đã là người Việt Nam, không ai còn muốn kéo dài mãi thù hận. Máu của người Việt Nam đã đổ ra vì chủ nghĩa ngoại lai quá nhiều. Sự chia cắt lòng người Việt Nam vì những chủ nghĩa xa lạ này là điều ai cũng đã nhận ra rồi. Mỗi khi một sự kiện thể thao quốc tế diễn ra, Nam Hàn và Bắc Hàn thường diễn hành dưới một ngọn cờ trắng và bản đồ bán đảo Hàn Quốc (cả hai miền) màu xanh dương. Điều này đã làm cho những người như tôi hy vọng là Bắc Hàn và Nam Hàn sẽ trở thành mẫu mực của sự hòa giải. Hòa giải thôi chứ chưa hẳn đã hòa hợp ngay được. Nhưng cho đến nay, công việc hòa giải của hai miền Nam Hàn và Bắc Hàn cũng còn gặp nhiều trở ngại. Họ cũng đã mở được một con đường xe lửa trực tiếp giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, nhưng đây vẫn chỉ là sự thành công rất nhỏ mà thôi. Những điều kiện khách quan như ảnh hưởng nặng nề của Hoa Kỳ đối với Nam Hàn và điều kiện chủ quan như hành động bướng bỉnh và khiêu khích của Bình Nhưỡng đã khiến cho tình hình hòa giải Nam Hàn và Bắc Hàn vẫn giậm chân tại chỗ sau một vài bước tiến. Đó là chưa kể đến việc Nam Hàn đang ở thế mạnh về cả kinh tế, chính trị và quân sự so với Bắc Hàn.

Mong thiếu tướng nhớ lại sự kiện quốc tế này để biết rằng cái thế và lực sau thiếu tướng là con số không. Biết thế nên vào đến giờ phút chót, Nguyễn Minh Triết mới quyết định để cho thiếu tướng đọc một bài diễn văn vô thưởng vô phạt đối với chế độ Cộng Sản tại Việt Nam, nhưng làm thương tổn đến người tị nạn Việt Nam ở quận Cam này rất nhiều. Họ đau đớn và nhục khi thiếu tướng nhân danh họ một cách thiếu lương thiện để hành động một tồi tệ đến như thế.

Thưa thiếu tướng,

Sống ở dưới chế độ Cộng Sản khá lâu, tôi hiểu rằng, thực ra thì người Cộng Sản chẳng cần đến sự nịnh bợ chính trị của những lái buôn như thiếu tướng. Chúng chỉ cần tiền. Ông làm ra tiền ở cái đất nước ấy, chỉ cần ông “phải trái” bằng đô la, chia chác đúng tỷ lệ thì việc gì cũng êm xuôi. Không có tiền thì ông có cúi lạy Nguyễn Minh Triết ngàn lạy, ca tụng người Cộng Sản đến gãy lưỡi, cần bắt là họ vẫn bắt thôi, bắt không cần lý do và để che đậy dư luận bên ngoài chỉ cần gán cho ông tội trốn thuế là vào nằm Chí Hòa, chứ có gì đâu mà thiếu tướng phải cần đến dao to búa lớn như thế? Thiếu tướng nịnh bợ đến mức cúi mọp đầu y như ngôn ngữ bài diễn văn ông đọc ở khách sạn St Regis Monarch Beach Resort có được vỗ tay bao nhiêu, làm chúng hài lòng đến đâu đi nữa cũng không bằng ông đưa cho họ vài xấp đô la. Vâng, đô la chứ không phải khúm núm và vuốt đuôi.

Thời kỳ chúng tôi mới đi tù về, cũng không thiếu gì những anh xum xoe tính làm lại từ con số không và thường tìm cách lân la để trở thành tay em của những tên trùm buôn lậu. Một bạn tù với tôi rơi vào trong trường hợp này. Anh ta đầu tiên đi ghi hàng lậu cho hắn, sau đó áp tải và chuyển hàng. Mà chắc thiếu tướng chưa biết đâu, những tên trùm buôn lậu thường là những tên gốc gác lớn, ô dù bự. Trong những lúc ăn nhậu, chén chú chén anh, anh bạn tôi muốn lấy lòng tên cầm đầu nhóm buôn lậu, tưởng chúng là đám “con nhà” thật nên nhâng nháo nói đến chuyện cách mạng. Tên cầm đầu bọn buôn lậu vốn dân Hải Phòng xỉ vả: “Này cái nhà anh kia, mẹ kiếp anh theo cách mạng hồi nào, mà cách mạng có thí cho anh hạt cơm nào không mà anh theo. Bọn chúng tôi đã chán cách mạng bỏ mẹ mới sang nghề buôn lậu này. Báo cho anh biết, một là buôn lậu, hai là cách mạng, chọn một trong hai thứ. Đi theo cánh này mà anh còn bơm thối vào là không được với tụi tôi đâu đấy nhé...”. Cả bọn cười rộ. Ông bạn tù của tôi được học bao nhiêu bài học trong tù, nhưng ra tới ngoài đời vẫn còn chưa sáng ra được. Huống chi là thiếu tướng, một người chẳng có lúc nào phải sống khổ sở, chưa có lúc nào bị những kẻ chiến thắng hạ nhục. Liệu ông có thể tưởng tượng ra được rằng khi nghe bài diễn văn xóa bỏ lằn ranh quốc Cộng, Triết nghĩ thầm trong bụng như thế này không: “Anh này bố láo thật, anh tuyên bố xóa bỏ quốc Cộng một cách đơn phương như vậy, mấy thằng trong Đảng ngoài Hà Nội lại mượn cớ khỉa tôi nữa. Không biết anh có biết là bọn trung ương Đảng ở Hà Nội đang hoài nghi đám trong Nam chúng tôi làm loạn sau khi ôm chân được Mỹ không”.

Chắc thiếu tướng không biết rằng, sau ngày 30 Tháng Tư, người miền Nam còn ngưỡng mộ ông không? Tôi còn nhớ là khoảng một tháng sau khi chúng tôi bị tập trung, một hình thức bắt tập thể, bọn công an đã thực hiện một kế hoạch giống như “kiểu trăm hoa đua nở”. Chúng tìm hiểu và thấy rằng tên tuổi thiếu tướng còn “hot” nên chính bọn này, cộng thêm với đám tay sai tung ra những tin đại loại như “Tướng Kỳ đã trở về và vào mật khu qui tụ những tàn quân Việt Nam Cộng Hòa còn trốn trong rừng để kháng chiến”. Dĩ nhiên đây là mẻ lưới lớn nên chúng tung vào thành phố những tên giả dạng người trong rừng về và rủ rê các nhóm thanh niên, tìm cách kéo nhau trốn vào khu theo thiếu tướng. Toán nào lọt được vào là vô rọ chúng hết. Tinh thần phục quốc của thanh niên miền Nam lúc đó lên cao lắm. Những tin tức truyền tai nhau, nào là Tướng Kỳ trở về Dương Minh Châu, Tướng Thiệu và Cao Văn Viên trở về vùng Thất Sơn lập cứ điểm và Tướng Trưởng quay lại vùng Tiền Sơn Quế Sơn. Tinh thần lên cao đã đành, họ lại còn hâm mộ những tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, dù bị bắt nhốt đầy nhóc trong tù mà sự tin tưởng này vẫn không suy suyển. Họ kính trọng, kỳ vọng và tin tưởng những người như thiếu tướng biết là chừng nào.

Nhưng đến khi sang đây, tôi hỏi thực hư về những chuyện như thế, bọn bạn đến đây trước tôi cười hộc lên. Chúng nói: “Thằng ngố, giả lập mật khu ở mấy chốn ăn chơi bên này chứ sức nào mà rừng với rú. Mày hỏi ông râu kẽm thì chúng tao mới nói, chứ nếu mày hỏi về những ông tướng khác tao không biết”. Những chiến dịch cướp cạn bằng đổi tiền đã khiến dân chúng sạch túi. Giai đoạn ấy, người dân chỉ còn biết nhìn sang bên kia bờ đại dương mà chờ đợi, mà hy vọng các ông trở về trong bộ quần áo vải thô kháng chiến phục quốc chứ không phải trở về trong mũ áo xênh xang một cách đáng phỉ nhổ như thiếu tướng đang làm bây giờ. Tôi còn nhớ một lần chúng tôi bị đẩy lên những chiếc xe vận tải molotova, trùm bao bố để chuyển trại. Buổi trưa, đoàn xe đến một nơi khá vắng vẻ ở Ninh Hòa, bọn vệ binh súng dài giở vải bố lên để chúng tôi (họ xiềng hai người một bằng sợi dây xích) leo xuống xe, đi tiểu và ăn trưa (mỗi tù nhân được phát cho một khúc khoai mì). Chúng tôi ngồi bên đường, tay xiềng chân xích đang ngồi nhai ngấu nghiến khúc khoai mì luộc thì nghe có tiếng người gọi nhau ơi ới. Chúng tôi lại tưởng bọn công an tổ chức dân ném đá chúng tôi nên chúng tôi thế thủ và chờ đợi những cục đá thù hận rơi vào đầu. Phần đông dân kéo đến là phụ nữ, trẻ em và người già. Bọn vệ binh đuổi họ ra cách xa chúng tôi và nói: “Dân chúng hận các anh lắm, ăn mau rồi lên xe nếu không họ xé xác các anh”. Một ông già, tuổi trạc 70 đến chìa những bao thuốc lá Jet mời các anh chàng vệ binh. Thiếu tướng biết sao không? Ông cụ hối lộ bọn vệ binh để tiếp tế đường, thuốc lá và bánh tét, bánh ú cho chúng tôi. Xong ông cụ đến gần chúng tôi và nói vừa đủ nghe: “Này các anh, dân chúng thương các anh lắm, mong các anh giữ gìn sức khỏe chờ ngày trở về làm lại...”. Ông già nghẹn ngào, lấy vạt áo lau những giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt nhăn nheo của cụ, cố gắng nói câu cuối cùng: “...Thôi các con đi may mắn...”.

Thưa thiếu tướng,

Trong lúc tôi viết lá thư này cho thiếu tướng, vị ân nhân của chúng tôi chắc đã ra người thiên cổ, nhưng tôi còn nhớ mãi câu nói trong tiếng nấc: “ Thôi các con đi may mắn...” của cụ già. Chính hình ảnh ấy đã là nguồn động lực khiến chúng tôi khi vào trong trại đã cố gắng sống cho ra con người dù hoàn cảnh trại giam giống như những cái chuồng nuôi súc vật. Dân còn thương chúng tôi và vì thương nên họ trông đợi một ngày chúng tôi về xây dựng lại mọi chuyện. Chúng tôi đã hèn nhát không thực hiện được những ước mơ ấy của người dân. Tuổi tác, sức khỏe hao mòn khi trở về những thành phố mà lòng người đã tan tác, ly tán mười mấy năm sau. Chúng tôi đành phải chọn cuộc sống đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm, sống nghèo khổ nhưng lương thiện. Chúng tôi phải nuôi một ý nghĩ an phận trong đầu: dù gì thì ở cái nhà giam vĩ đại ngoài đời cũng đỡ hơn là những cái “cũi chó” nơi rừng xanh núi đỏ. Trong xã hội nhầy nhụa mà chúng tôi phải sống sau khi ra khỏi trại giam, khổ và cực không làm tâm hồn chúng tôi nổi sóng nhưng điều làm chúng tôi khổ sở nhất là phải chứng kiến những thay đổi của một số bạn tù: nịnh bợ, xum xoe, nói vuốt đuôi những tên có quyền chỉ để được sống an nhàn hơn, no đủ hơn. Nhưng nói cho ngay, vào thời điểm đó, những anh bạn bị anh em chúng tôi cho là phản bội còn biết ngượng. Họ tránh chúng tôi khi bất ngờ đối mặt. Họ ngồi yên không dám nói gì nếu có muối mặt đến họp mặt chén chú chén anh với nhau ở các quán lộ thiên ngoài đường phố khi kiếm được tiền hay trong những dịp đặc biệt. Chẳng anh nào mà đã bỏ đi một con đường khác dám khơi mào nói tới chuyện hòa giải, chuyện xóa bỏ lằn ranh quốc Cộng như thiếu tướng đâu. Các bạn tù cũ nào của chúng tôi mà trót chạy theo bọn tư sản đỏ để hưởng thụ, ít ra cũng phải trả cái giá của nó. Tôi nghĩ, thiếu tướng rồi sẽ không tránh khỏi phải trả cái giá ấy đâu. Tôi vừa mới đọc xong tác phẩm “Perfect Spy” của Larry Berman viết về cuộc đời của một nhà báo, một điệp viên là ông Phạm Xuân Ẩn. Tôi rút ra được một điều: một người công cán với Cộng Sản như thế mà phần thưởng cuối cùng mà Hà Nội dành cho ông ta vẫn là cải tạo, bị kiểm soát từng giờ từng phút, bị quản thúc tinh vi trong 9 năm. Về tinh thần, đó là một sự sỉ nhục lớn đối với ông Ẩn. Thế còn thiếu tướng? Ông nghĩ sao về cái thân phận “bó thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình ra sao” của chính ông. Có lẽ thiếu tướng bắt đầu suy nghĩ ngay từ lúc này là vừa.

Thưa thiếu tướng,

Có thể tôi đã quá dài lời với thiếu tướng, điều này tôi có lỗi, nhưng chuyện chẳng đặng đừng, mong thiếu tướng thông cảm. Điều tôi biết chắc rằng, ở đây, có những người lính, lính nói chung từ tướng cho đến binh nhì đã từng nghe lệnh của ông, đã từng đổ máu, đã từng hiến một phần thân thể cho đất nước, rất giận dữ. Họ muốn nói, nhưng lại ngại trong cơn giận dữ ấy, họ thóa mạ ông thành chẳng ra làm sao cả. Sự ấm ức ấy làm cho những ngày còn lại trong hoàn cảnh lưu vong này không yên ổn, nhất là lâu lâu, ông lại thở ra những lời làm thương tổn đến cả một đời trận mạc chiến và hy sinh của họ. Thiếu tướng nghĩ lại đi.

Nếu cách đây 42 năm mà tôi viết một lá thư cho ông chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương như thế này, không những lá thư không đến tay thiếu tướng mà tôi còn phải khăn gói quả mướp vào nằm trong Chí Hòa hay quân lao không chừng. Trong quãng thời gian ông làm thủ tướng, dân quyền và nhân quyền bị giới hạn, kể cả quyền tự do báo chí. Thiếu tướng ăn nói mạnh dạn, đốp chát với báo chí dù cái hùng biện của ông nhiều lúc chỉ là ngụy biện. Bị giới hạn khá nhiều quyền tự do, dân chủ bị thu hẹp, nội các được thành lập ra gồm những người trẻ, trẻ thực sự cả về tuổi tác lẫn tâm hồn để đối phó với cuộc chiến. Ngày ông đem Tạ Vinh ra pháp trường, tinh thần của dân chúng miền Nam Việt Nam lên cao. Không khí chống làn sóng đỏ, làm sạch chính quyền hừng hực sức sống. Trên khắp chiến trường từ vĩ tuyến 17 trở vào, tôi đã chứng kiến những người lính VNCH lao vào lửa đạn với một tinh thần mới, gởi về hậu phương những thành tích để bảo đảm với thiếu tướng rằng, con đường ông đang đi lúc đó là đúng là hợp lòng dân quân. Phải nói rằng thiếu tướng đọc diễn văn rất hay. Giọng của ông ấm, kích động. Đến ngay cả một phóng viên, những người thường phải cân nhắc bất cứ một lời tuyên bố nào, cũng thấy nức lòng. Những bài tường thuật của tôi sống động hơn, gởi gấm vào đó nhiệt tình của tiền tuyến và tôi trở nên liều mạng hơn, xông xáo hơn vào những trận đánh. Cả quân lẫn dân miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào thấy rằng mình cần phải chấp nhận những giới hạn tự do, dân chủ để tập trung vào việc chống kẻ thù.

Tôi nhắc lại những kỷ niệm này chỉ để cho thiếu tướng hiểu rằng, tôi cũng không vui gì khi thấy một cựu thủ tướng mà tôi từng ngưỡng mộ quay lưng lại với những đồng đội, những người dân mà vì ông mà họ đã hy sinh. Ông từng là đại diện cho quyền lợi của quân dân miền Nam. Súng đạn, bè phái, mưu mô không thể cho ông bất cứ thứ quyền lực nào mà chính là dân cho ông thứ ấy. Do đó, thiếu tướng cũng cần hiểu rằng, việc ông chấp nhận đứng chung liên danh với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu trong vai trò phó tổng thống đã làm cho họ vô cùng thất vọng. Họ có cảm tưởng rằng, các ông chia chác quyền lực trên sự hy sinh của họ. Ai cũng biết vai trò phó tổng thống chỉ là vai trò “ngồi chơi xơi nước” (từ ngữ này chính ông dùng đầu tiên, thiếu tướng nhớ không). Ông ngồi ghế chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương mới có hai năm, tình hình miền Nam đã có nhiều thay đổi thấy rõ. Nhưng ông đang lên mà tại sao phải đứng phó cho ông Thiệu, người mà lúc đó vẫn chỉ là một ngôi sao mờ nhạt. Thiếu tướng bị áp lực của Hội Đồng Tướng Lãnh? Thiếu tướng bị áp lực từ phía Hoa Kỳ? Có phải người Hoa Kỳ sợ tính tình đôi khi “bốc đồng” của ông không? Hay chính vì sự bốc đồng của thiếu tướng mà ngay cả các tướng lãnh khác cũng ngại mà ngả về phía ông Thiệu? Hay thiếu tướng đã tính một nước cờ sai?

Việc tranh chấp quyền lực trong các chính quyền, nhất là chính quyền quân sự tại các nước Á Phi vào giữa thập niên 60s rất phổ biến. Có thể nói đó là chuyện bình thường phải không thiếu tướng? Nếu một chính quyền quân sự biết đặt quyền lợi của người dân lên trên tất cả, họ sẽ được ủng hộ. Ông đang làm được việc, dân đang ủng hộ ông, tại sao ông tự nguyện xuống? Có phải là thiếu tướng không coi trọng quyền lợi đất nước và dân chúng không? Hãy nhìn sang Nam Hàn lúc đó. Tổng Thống Phác Chính Hy là một nhà độc tài, đôi khi rất sắt và máu. Nhưng chính quyền của ông là một chính quyền ổn định và một nền kinh tế rất vững vàng. Người dân Nam Hàn biết rằng, họ phải đối đầu với Cộng Sản Bắc Hàn, nên họ chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng. Dù độc tài, nhưng Tổng Thống Phác Chính Hy sống một đời sống khắc khổ, một tổng thống “nghèo”. Ông đã “chặt” hàng tá những quan chức tham nhũng, những tướng lãnh chỉ lo vun quen đời riêng bằng cách chiếm những vụ bỏ thầu cung cấp thực phẩm cho các căn cứ Hoa Kỳ. Ông làm mất lòng những viên tướng thiếu nhân cách, nhưng họ không làm gì ông được chỉ vì hai điều: Phác Chính Hy cứng rắn và sạch. Ông cũng là một trong những tổng thống sáng chói của Nam Hàn trong chính sách “đu dây” lúc uyển chuyển, lúc cứng rắn với Hoa Kỳ.

Tôi nhắc tới những sự kiện trong quá khứ nhiều, thì có thể cũng mang tiếng là người dạy khôn thiếu tướng. Nếu thiếu tướng nghĩ như thế, tôi xin lỗi thiếu tướng. Thời gian thiếu tướng ở địa vị lãnh đạo, tôi chỉ là một anh phóng viên quèn. Nhưng do quèn như vậy, nên tôi có cơ hội sống lăn chai trên mặt trận và trong dân chúng, nên tôi nghe được và hiểu được nguyện vọng của họ. Cho nên, biến cố 30 Tháng Tư 1975 bày ra bao cảnh tang thương và sự thất bại của vùng đất của người quốc gia đã khiến cho mọi người thất vọng về hàng ngũ những người lãnh đạo như thế nào. Tâm hồn và trái tim của họ chảy máu. Sự thương tổn tưởng như không có gì bù đắp được. Cá nhân tôi và những bạn bè quanh tôi khi vào trong trại giam, điều làm chúng tôi khổ sở nhất là hàng năm cứ đến ngày 30 Tháng Tư, 1975, đám cán bộ cộng sản trong trại giam buộc chúng tôi phải chứng kiến những thất bại của mình qua những khúc phim thời sự ghi những hình ảnh vào sáng 30 Tháng Tư 1975 với những lời bình phẩm và gọi chúng tôi là bọn ác ôn nhuốm máu nhân dân. Thời mới vào trại chúng tôi mới ở độ tuổi 30, đã từng chứng kiến việc chúng đập đầu những người dân bằng cuốc, xẻng và chôn sống trên 6,000 người ở Huế, đã từng chứng kiến bọn cộng sản đuổi theo dân di tản trên Đại Lộ Kinh Hoàng ngoài Quảng Trị bắn pháo vào họ, cho nên chúng tôi chẳng coi những khúc phim thời sự đó có giá trị gì mà chỉ là những tờ truyền đơn có mục đích làm tan rã tinh thần những tù binh như chúng tôi. Anh thắng thì anh viết hay nói gì mà không được. Người cộng sản còn dám sửa lịch sử tiền nhân được mà. Một số anh em chúng tôi lựa chọn những giải pháp khác nhau. Hoặc là chịu đi cùm không xem hoặc là ra ngồi xem, nhưng nói chuyện gẫu hút thuốc lào chờ đến giờ chúng chiếu những chẳng hạn như “Đến hẹn lại lên” chờ cho đến khi những hình ảnh ngây ngô của họ xuất hiện trên màn ảnh, chúng tôi cười ô lên. Những lần sau, phim nào tụi tôi cười rộ càng nhiều thì lần sau chúng không chiếu nữa. Bọn cán bộ trại hiểu rằng, những cảnh chúng văng bẩn như mô tả chúng tôi như một đám ăn cướp, mặc đồ nhà binh, tóc tai dài, mặc quân phục áo bỏ ngoài quần trên ngực còn đeo huy chương nữa, tay cầm súng lục tay cầm chai bia... chỉ làm cho chúng tôi thêm buồn cười và chỉ khiến cho dân chúng miền Nam hiểu rằng, người cộng sản thích nói dối và ngay cả khi thắng lợi rồi vẫn nói dối, vẫn cần phải ngậm máu phun người.

Tôi nhắc lại chuyện này cũng là để thiếu tướng thông cảm với tôi, với anh em chúng tôi. Chúng ta khác nhau về cách nhìn nhiều vấn đề có lẽ cũng chỉ vì nó bắt nguồn từ việc chúng tôi đã sống thực sự với giai đoạn lịch sử vừa qua, đã sống sót trong cuộc chiến và đã đau khổ, còn thiếu tướng thì chưa phải trải qua những giai đoạn đau khổ, phải trả những cái giá với cộng sản.

Thưa thiếu tướng,

Việc ông xin phép trở lại Việt Nam, nhục nhiều hơn vinh. Nhưng sẽ chẳng ai nói gì thiếu tướng đâu, vì họ biết ông cần tiền. Bởi vì hơn 32 năm ở Hoa Kỳ, ông đâu có làm việc gì một cách chính thức như các vị tướng lãnh VNCH khác thường là kiếm một công việc liên quan đến nghiên cứu chiến tranh Việt Nam hoặc vào làm cán sự xã hội, hay nếu may mắn có con cái lớn, chúng có hiếu nên để cho cha mẹ mình nghỉ ngơi, ở nhà coi sóc các cháu nội ngoại, đi chùa, đi nhà thờ và làm thiện nguyện bác ái. Người ta thường nói, đất Mỹ này là đất nước của cơ hội. Thiếu tướng sang Mỹ vào trước 30 Tháng Tư, ông vẫn còn tuổi và còn cơ hội để học thêm hay kiếm được một việc làm chắc chắn. Nhưng dường như ông không thể tạm gác được quá khứ của mình để mưu sinh trong hiện tại thì phải.

Quá khứ là điều khó quên, gần như không thể quên, nhất là người đó lại từng ở vào ngôi vị lãnh đạo và sống lừng lẫy một thời. Nhưng luật đào thải ở Hoa Kỳ sẽ trở thành hình phạt cho những ai thiếu ý trí mưu sinh và những ai còn nặng tình với quá khứ một cách quá đáng. Đã thế ông lại còn không hoạt động gì cho những người lính của ông đang bị kẹt lại Việt Nam. Ông không hề có bất cứ một cuộc vận động hay cứu trợ nào cho những thương phế binh, những người đã vì lệnh của ông mà để một phần thân thể của họ nơi chiến trường. Dĩ nhiên, chẳng ai đòi hỏi ông phải làm điều đó, nhưng tôi nhớ không lầm thì trong suốt quãng thời gian ông làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, ông luôn luôn kêu gọi “huynh đệ chi binh” mỗi lần ông đọc diễn văn ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu.

Riêng cá nhân tôi, dù lúc đó chưa qua tuổi 30, tôi cũng đã biết được vài chuyện liên quan đến cách đối xử của ông với những chiến hữu sát cánh với ông trong cuộc chiến chống cộng. Tôi không nói đâu xa, tôi chỉ nói tới trường hợp của cố cựu Trung Tá Vũ Đức Vinh, tổng giám đốc hệ thống truyền thanh quốc gia dưới thời nội các chiến tranh. Chúng tôi rất kính mến vị chỉ huy này, bởi vì ông sống khiêm tốn, trong sạch, làm việc cần mẫn, chỉ huy sáng suốt, lúc nào cũng quan tâm tới đời sống của nhân viên. Tuy là một sĩ quan cao cấp, nhưng tay nghề về khai thác thông tin của ông rất cao và dưới thời của ông, đài Phát Thanh Sài Gòn đã có thể cạnh tranh về mức độ “nhanh” và “chính xác” với đài BBC.

Mậu Thân 1968 diễn ra, đài Phát Thanh Sà Gòn bị Việt Cộng chiếm, nhưng chúng đã không phát được cuốn băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh, trong khi cả tổng thống và phó tổng thống đều đi nghỉ Tết với gia đình. Tiếng nói quốc gia cũng chỉ bị gián đoạn có ít phút đồng hồ, rồi tiếp tục lại. Thiếu tướng có biết nhờ ai mà quốc gia ta thoát khỏi một trận “động đất tâm lý” không. Vâng nhờ Trung Tá Không Quân Vũ Đức Vinh. Linh cảm và sự phân tích chính xác những tin tức, nhất là những nguồn tin của Đại Úy Liên Thành Trưởng Ty Cảnh Sát Huế, ông nghĩ rằng, Việt Cộng có thể bất ngờ tấn công vào cách thành phố vì Tết Mậu Thân là cái Tết lớn, các đơn vị cho lính đi phép vượt quá tỷ lệ bình thường.

Cho nên trước Tết vài ngày, ông đã họp nhân viên và huy động bộ phận kỹ thuật để tiến hành việc thành lập hệ thống báo động cho Trung Tâm Phát Tuyến và các đài dự phòng trong trường hợp Việt Cộng tấn công. Do đó mà khi đại đội đặc công Việc Cộng tấn công vào đài Phát Thanh Sài Gòn, nhân viên kỹ thuật trực đã kịp cắt sóng để cho Trung Tấm Phát Tuyến cho chạy dài dự phòng tại đó. Theo kế hoạch của Trung Tá Vinh, trực thăng đã được huy động đón các toán đặc nhiệm gồm phóng viên, biên tập viên và nhân viên kỹ thuật đến làm việc tại đài dự phòng. Khi nhảy dù giải tỏa đài Phát Thanh Sài Gòn, hầu như tất cả bọn đặc công đều bỏ mạng, ngoại trừ Nguyễn Văn Mừng, đại đội trưởng đặc công thoát và anh ta bị bắt sau đó tại cầu Phan Thanh Giản. Mừng bị giam một thời gian và được hưởng qui chế hồi chánh rồi Mỹ sử dụng Mừng vào cuộc chiến bí mật. Năm 1975, tôi gặp lại Mừng trong trại cải tạo Hàm Tân. Anh ta bị kẹt không di tản được và bị “cách mạng” bắt. Trong tù anh ta cho tôi biết nếu đêm mồng một Tết Mậu Thân mà cuốn băng ghi hiệu triệu của họ Hồ do anh ta mang vào phát được, tình hình sẽ khác đi rồi. Ông xếp tôi vốn là người khiêm tốn, phục vụ quốc gia mà không đòi hỏi gì nơi chính phủ, sống với đời quân nhân lương ba cọc ba đồng, hút thuốc lá Ruby Quân Tiếp Vụ, đi xe chính phủ cấp ít khi mang về nhà, không tơ hào một đồng nào từ nhà thầu quảng cáo (trước Tết Mậu Thân, hệ thống B của đài Sài Gòn có cho phát thanh thương mại và ông Ngô Bảo là người điều khiển chương trình phát thanh thương mại và các quảng cáo do Ban Phát Thanh Thương Mại của ông trở thành tiêu chuẩn cho quảng cáo thương mại trên làn sóng điện. Sau Tết Mậu Thân, phát thanh thương mại bị hủy bỏ). vMột quân nhân mẫu mực, tiêu chuẩn nghề nghiệp cao, thanh sạch, tận tụy, phản ứng thật nhanh và chính xác đã góp phần rất lớn vào công cuộc ngăn làn sóng đỏ cho quốc gia như Trung Tá Vũ Đức Vinh đã được đãi ngô như thế nào, thiếu tướng biết không? Cả Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đều lờ đi chuyện gắn cho ông một Bảo Quốc Huân Chương và chẳng có ngay cả một bằng tưởng lục. Cho nên trong những dịp uống cà phê thân mật với ông, chúng tôi thường trêu chọc người chỉ huy của mình: “Trung tá ơi, chắc cả hai ông mải lo tranh chấp nhau nên quên người đã bảo toàn danh dự cho quốc gia rồi”. Ông Vinh chỉ cười và nói: “Mình làm việc cho đất nước chứ có làm việc cho hai ông ấy đâu”. Con người và nhân cách của Trung Tá Vũ Đức Vinh cho tôi thấy là ông nói thật lòng ông.

Tôi đưa ra những chi tiết trên không phải để kể công cho vị chỉ huy cũ của tôi bởi vì bình sinh ông ấy không kể công với bất cứ ai. Nhưng tôi phải nói để cho mọi người hiểu rằng, ông không hề quan tấm tới những người đã giúp ông trong thời còn chiến đấu, huống chi là thời đã lưu vong. Thiếu tướng thiếu tiền, không biết kiếm đâu ra thì quay về Việt Nam làm ăn. Không ai cấm và không ai trách. Họ trách và giận dữ vì những lời tuyên bố, lời nói làm quà của ông cho những cựu thù của họ. Những lời lẽ nịnh bợ của thiếu tướng đối với cộng sản làm cho những người tị nạn ở đây xấu hổ lây. Bọn Việt Cộng cầm quyền trong nước có thể chỉ tay vào chúng tôi thở ra những lời lẽ như thế này: “Đấy, chúng mày thấy không. Ngay cả đến thằng Nguyễn Cao Kỳ đấy, hùng hổ là như thế, mang bom đến ném vào chúng tao rồi thì cũng phải qui hàng thôi, qui hàng chứ không phải xóa ranh giới Quốc Cộng gì cả”. Xin lỗi thiếu tướng vì đã dùng chữ “thằng”, bởi vì tôi muốn viết lại đúng nguyên văn những lời lẽ bọn người mà hiện ông đang bợ đỡ đã từng gọi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Nguyễn Ngọc Loan... bằng thằng hết. Không thiếu gì những sĩ quan thuộc cấp của thiếu tướng đi cùm (vô xà lim) chỉ vì phản đối cách gọi xấc láo của chúng với những nhà lãnh đạo trước đây của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, khi thiếu tướng quay lưng lại với những người lính cựu của VNCH ở hải ngoại và ở trong nước thì cũng chẳng phiền ai cả vì ngay từ khi đặt chân tới Mỹ ông không còn ảnh hưởng gì vào họ được. Họ đã coi thiếu tướng như không có vì tư cách đã hà tì của ông. Do đó, thiếu tướng có thể bợ đỡ người thắng trận, nhưng ông nên làm cho khéo léo một chút đừng phùng mang trợn mắt lên đòi đại diện cho cộng đồng Việt Nam bày tỏ thái độ của một người nô lệ như thế. Thà ông nói thẳng ra là bây giờ ông không còn đường làm ăn ở đây thì về nước kiếm chác, như thế cũng còn giải thích được. Đàng này ông lại đem những người từng sát cánh với ông trong chiến tranh để làm quà cho những chuyện làm ăn buôn bán riêng tư tại Việt Nam. Có người nói rằng: “Nếu tướng Kỳ bỏ ra khu với Việt Cộng từ Tết Mậu Thân, thắng trận ông trở về kêu gọi xóa bỏ lằn ranh Quốc Cộng thì tôi sẽ đến phủ phục lạy ông ta ba lạy”.

Thưa thiếu tướng, theo dõi hành động của thiếu tướng từ đầu đến cuối, người ta có thể thấy ông đã đánh giá nhầm cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại nên mới có cái kiểu làm tay sai một cách rẻ tiền như vậy. Này nhé, thiếu tướng thấy rằng, cộng đồng Việt Nam ở Mỹ lục đục từ hai thập niên qua, người nọ tố cáo người kia là cộng sản mà không dẫn chứng, hô hào kéo nhau đến biểu tình trước cơ sở thương mại gia đình một người mà họ không thích, thậm chí do không cùng chính kiến, không cùng đường lối chống cộng, do muốn gây rối trong cộng đồng bằng những lời lẽ phản đối thiếu thuyết phục hay đưa ra những cáo buộc không bằng chứng, đem áo cộng sản ném vào nhiều người mà không hề cho họ biện minh.

Tôi và nhiều người khác đã lên tiếng phản đối chuyện này và cho tới nay tôi vẫn dứt khoát chống lại những chuyện làm mất chính nghĩa, nối giáo cho giặc như thế. Nhưng nếu vì thế mà bảo chúng tôi chấp nhận cộng sản thì đó là một lầm lẫn rất lớn. Thiếu tướng cũng như một số người ủng hộ ông đã tưởng lầm là đã đến lúc cộng đồng này quay về nước qui hàng cộng sản, phủ phục để trở về làm ăn buôn bán và hưởng thụ. Việt Cộng cho những người Việt về thăm nhà, thăm quê hương thì họ thăm. Cấm hay làm khó thì họ không về nữa, nhưng nếu bảo họ ở lại làm săn sinh sống thì có bao nhiêu người hành động theo lời kêu gọi của Hà Nội? Không người Việt Nam nào sinh sống trên đất Mỹ này phủ nhận một số những thay đổi tại Việt Nam, nhưng liệu những thay đổi này có đủ để người Việt Nam chấp nhận cộng sản không? Huống chi sự thay đổi này cũng là một dịp tạo cơ hội cho bọn sâu mọt trong đảng cộng sản lợi dụng “cấu” công quĩ bỏ vào “tư quĩ”. Tham nhũng phát sinh cửa quyền, cửa quyền phát sinh nạn cường hào ác bá đỏ. Đó là những hiện tượng xuất hiện ở một đất nước thiếu tự do, dân chủ. Người Việt ở hải ngoại vốn là nạn nhân cộng sản. Họ thừa hiểu rằng, những điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị ở Việt Nam vẫn còn là những điều kiện trong khuôn khổ của một nước cộng sản, đã có gì đâu mà thiếu tướng vội vã đến quì gối trước Bắc Bộ Phủ như vậy.

Nói đến chuyện quì gối, tôi lại phải kể cho ông một việc xảy ra trong tù cải tạo với một sĩ quan cấp nhỏ hơn thiếu tướng nhiều. Anh là đại úy khóa 26 Thủ Đức, Hoàng “lì”. Lì là tính chất chúng tôi thêm vào để mô tả tính khí của anh. Lúc đó, chúng tôi cùng ở một đội làm lò gạch ở trại tù A-20. Một hôm khi bốc gạch đã nguội từ trong lò ra, Hoàng “lì” cười rởn gì đó, tên quản giáo nghe được, tập họp đội để lên án anh. Cán bộ quản giáo rất giận dữ, quát tháo và bắt anh quì xuống. Nhưng Hoàng “lì” không quì. Anh đứng thẳng người nói lớn: “Cả đời tôi có 4 lần quì, hai lần đầu tôi quì tại vũ đình trường Bộ Binh Thủ Đức để gắn alpha và gắn cấp hiệu sĩ quan. Lần thứ ba và thứ tư tôi dành sẽ quì trước quan tài của bố, mẹ tôi lúc các người qua đời. Với tôi sẽ không bao giờ có lần quì thứ năm đâu, cán bộ đừng hòng”. Dĩ nhiên, Hoàng “lì” lãnh một cái án trong xà lim liên tiếp 3 năm, còng hai chân. Việc quì gối là một việc làm của một người giữ lễ hoặc một tên đầu hàng. Hoàng “lì” giữ lễ vì coi trọng những lời thề trung thành với tổ quốc. “Sinh viên sĩ quan, quì xuống các người...”, thiếu tướng chắc quên hẳn cái giây phút quì xuống trong ánh đuốc thiêng liêng bập bùng để nhận một cấp hiệu đánh dấu sự trưởng thành của một thanh niên ở giai đoạn sắp thực sự phải lao đầu vào chinh chiến. Có lẽ vì thế mà ngày nay ông mới quì gối trước những cựu thù một cách hèn nhát như vậy. Cái đau nhất là ông không phải quì, nhưng bài diễn văn của thiếu tướng tại Dana Point làm cho người ta hình dung ông như đã quì mọp trước Nguyễn Minh Triết.

Sau bài diễn văn của thiếu tướng, một nhà bất đồng chính kiến vốn là một cựu lãnh đạo cộng sản hiện đang sinh sống tại Sài Gòn e-mail cho tôi với lời lẽ như thế này: “Cái nhà ông Kỳ rõ buồn cười thật. Sao hèn thế. Chúng có buộc ông ta phải nịnh như thế đâu, mà ông ta nịnh sao bằng bọn đang ngồi trong bộ chính trị được. Dân ở đây họ không thích cộng sản, nhưng họ chưa dám nói ra, bây giờ nghe ông Kỳ nịnh, có thể họ nổi giận chửi thầm trong bụng”. Thiếu tướng đã thấy rằng, hiện ông đang lội dòng nước ngược chưa? Dân Thái Bình hiện nay họ đã chống chính quyền, họ đã công khai viết tuyên cáo và chụp hình đưa lên mạng. Những người chống chế độ đã cùng với những nhà vận động dân chủ, tự do và nhân quyền hải ngoại thành lập khố 8406, những nhà bất đồng chính kiến và vận động dân chủ tuy bị cô lập nhưng đã trăm phương ngàn kế liên lạc với hải ngoại để phối hợp tranh đấu và vận động. Trong khi nhiều người tìm cách nhả đảng cộng sản ra thì ông lại đang cố gắng nuốt vào. Nhưng liệu chừng thiếu tướng có nuốt được không, liệu ông có thay được chiếc áo trắng bằng chiếc áo đỏ không. Tôi không nghĩ thiếu tướng có thể làm được chuyện này đâu.

Thưa thiếu tướng,

Tôi nhắc lại một kỷ niệm này, chắc ông nhớ nhiều chi tiết hơn tôi. Ngày 31 Tháng Ba năm 1973, mấy tháng sau khi ký Hiệp Định Paris, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hướng dẫn một phái đoàn viếng thăm chính thức Hoa Kỳ, Anh, Đức, Ý, Vatican, Nam Hàn và Đài Loan. Tôi có mặt trong phái đoàn báo chí tháp tùng. Sau khi hội họp tại Tòa Bạch Ốc miền Tây ở San Clemente quận Cam với Tổng Thống Richard Nixon về số tiền viện trợ cuối cùng cho VNCH, chúng tôi lên đường đi Washington D.C. để khởi sự một vài vụ thăm viếng xã giao tại Quốc Hội Mỹ và Tổng Công Đoàn AFL-CIO. Phái đoàn báo chí và tùy tùng ngụ tại khách sạn Canergie bên cạnh công viên La Fayette, một khách sạn cổ (dường như bây giờ đã bị đập để xây một khách sạn mới đầu thập niên 80?). Vào buổi tối ngày thứ hai sau khi đến Washington, tôi chuẩn bị đến đài VOA gởi bản tường trình về Saigon thì nghe tiếng gõ cửa phòng khách sạn. Ra mở cửa thì thấy một người đàn ông, tóc hoa râm, để râu mép, ăn mặc không được tươm tất lắm. Tôi nhận ngay ra cựu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, người đã phải đi “chữa mũi” từ cuối năm 1966 sau vụ Phật Giáo Miền Trung. Hai chúng tôi bắt tay nhau rất chặt. Giữa tôi và ông có mối thân tình sau khi tôi ra nhận nhiệm vụ trưởng phòng chương trình đài Phát Thanh Đà Nẵng kiêm nhiệm đặc phái viên Mặt Trận Vùng I Chiến Thuật. Tướng Nguyễn Chánh Thi lúc đó là tư lệnh Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật. Tôi nói ông chờ tôi ở phòng, đi gởi tin xong tôi quay lại và mời ông dùng cơm tối ngay tại restaurant của khách sạn. Nhưng ông nói lấy taxi cùng đến VOA sau đó ăn tối tại Georgetown. Chi tiết câu chuyện trong cuộc gặp gỡ giữa tôi và cựu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, trong đó có vài chi tiết liên quan đến thiếu tướng, tôi đã viết thành bài ký, nhưng Tướng Nguyễn Chánh Thi mới qua đời cho nên tôi tạm gác lại việc công bố vì một nhân chứng đã ra người thiên cổ, không có cơ hội biện minh nếu trong số những điều tôi ghi lại, có điều nào sai lạc.

Cho nên, tôi sẽ chỉ nhắc lại với thiếu tướng những gì tôi đã từng trải qua trong biến cố ấy. Cái vụ âm mưu chia cắt miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam âm ỉ khá lâu và khi tôi đến Đà Nẵng thì câu chuyện vùng trái độn trung lập đã được đồn đại trong dân gian. Những nguồn tin từ các thủ lãnh VNQDĐ còn nói với tôi khá nhiều về hai nhân vật: Đại Tá Đàm Quang Yêu, tư lệnh Biệt Khu Quảng Đà và Thị Trưởng Đà Nẵng Nguyễn Văn Mẫn cùng ông Tôn Thất Tương, một sĩ quan cấp tá cánh tay mặt của ông Yêu. Ít ra đã hai lần tôi tường trình bằng đường SSB riêng của đài với Trung Tá Vũ Đức Vinh để ông Vinh trình lên thiếu tướng hầu có ngay biện pháp trước khi quá muộn. Nhưng dường như những tin tức tôi cung cấp không có ảnh hưởng có lẽ vì lúc ấy tôi mới 24 tuổi lại mới vào nghề, nên thiếu tướng không tin những gì tôi cung cấp. Thiếu tướng chắc không bao giờ ngờ những tin tức ấy tôi lượm từ một người tài xế lái chiếc quân xa của quân đoàn biệt phái cho tôi, hạ sĩ Hồ Thi. Anh tài xế này trả ơn việc tôi đã giúp anh 6,000 đồng chi trả món tiền giải phẫu khi vợ anh sinh đứa con đầu lòng gặp khó khăn, bằng cách báo cho tôi biết là tôi nên rời Đà Nẵng vì “cách mạng” sẽ chiếm đài phát thanh. Tôi cũng không tin lắm vào lời của Thi, nhưng khi tôi vào Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí của Mỹ ở phía sau Viện Bảo Tàng Chàm tính xin trực thăng đi Cửa Việt vì lúc đó TQLC/VNCH đang phối hợp với TQLC Mỹ mở cuộc hành quân lùng và diệt địch thì thấy sự có mặt của rất đông báo chí ngoại quốc từ Saigon ra, nhớ lại lời Hồ Thi, trong đầu lóe một ý nghĩ là chắc có chuyện gì rồi. vTôi quay trở lại đài và liên lạc với Trung Tá Vinh báo cáo sự việc và nhờ văn phòng chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ra lệnh thẳng cho Tướng Thi tăng phái lực lượng bảo vệ đài. Một ngày sau, Quân Đoàn I đưa một đại đội biệt động quân đến tăng cường an ninh lập công sự phòng thủ và gia cố thêm những vòng kẽm gai. Tình hình yên tĩnh chỉ kéo dài được 3 ngày cho tới một buổi sáng, lúc chúng tôi vừa dứt buổi phát thanh sáng thì một đoàn biểu tình ùn ùn kéo tới bao vây đài. Lực lượng an ninh được báo động chạy ra công sự với súng lên đạn răng rắc. vThiếu Tá Tôn Thất Tương tự là “Tương điên” cùng Thị Trưởng Nguyễn Văn Mẫn từ trên một xe jeep trí súng đại liên 30 bước xuống với vệ sĩ. Họ vào thẳng trong đài kêu tôi ra trình diện và đưa lên xe Jeep mang đến tạm giam ở tư thất Thị Trưởng Mẫn. Tôi bị thẩm vấn khoảng 2 giờ đồng hồ và sau đó họ ra lệnh: “Anh phải giao lại đài cho cách mạng”. Tôi nói: “Tôi chỉ là trưởng phòng chương trình, trên tôi còn quản đốc”. Tương “điên” nói: “Anh giao được rồi, sau đó các anh sinh hoạt tại chỗ, đi đâu phải xin phép những người tiếp thu đài”. Bị giam lỏng như con tin, không biết làm gì cho hết ngày nên chúng tôi hàng ngày kéo nhau ra bãi biển Mỹ Khê tắm. Hai ngay sau khi “cách mạng” do các ông Nguyễn Văn Mẫn, Đàm Quang Yêu và Tương “điên” chủ trương cùng một nhóm Phật Tử Đà Nẵng, tôi nhận được mật lệnh phải phá hủy đài Phát Thanh Đà Nẵng trước khi “cách mạng” họp báo tại Tòa Thị Chính Đà Nẵng để tuyên bố thành lập vùng trái độn trung lập từ Quảng Trị ra hết lãnh thổ Quảng Nam. Trung Tá Vinh cho tôi biết lệnh đó là của thiếu tướng. Họp báo diễn ra lúc 4 giờ chiều ngày Thứ Bảy, nên tôi phải phá vào khoảng 3 giờ chiều, vì buổi phát thanh chiều sẽ bắt đầu từ 6 giờ. Trong giờ nghỉ phát thanh, phòng máy không có ai. Từ phòng ngủ của tôi ở đài có thể đi qua phòng máy bằng một cửa thông. Loại máy phát thanh thời ấy có công suất 10 kilowatts, vùng thẩm âm có thể tới Cam Ranh và Ban Mê Thuột, có máy thu thanh tốt vẫn nghe được làn sóng 49 thước. Chỉ cần rút bộ phận định hướng là cục thạch anh (crystal de quartz) đập nát vứt xuống giếng là máy phát thanh đó kể như bỏ. Mỗi máy có một cục thạch anh định hướng riêng, lấy từ máy này không thể thay thế cho máy kia. Chỉ có tôi, anh quản đốc và trưởng phòng kỹ thuật là biết vị trí cục thạch anh ở đâu. Chỉ cần 5 phút tôi đã có thể tháo cục thạch anh, ra ngoài sau nhà lấy đá đập nát và vứt xuống giếng nước. Sau đó, tôi ra lệnh cho tất cả những nhân viên từ Saigon ra tăng phái lên xe đi tắm như thường lệ, nhưng tôi buộc Hồ Thi lái vào đồn quân cảnh gần Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1, ở đấy Đại Tá Dương Thiệu Hùng Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 41 cho xe đón chúng tôi vào không đoàn và dùng một chiếc C-47 đưa chúng tôi về Saigon. Với cái máy phát thanh bất khiển dụng đó, “cách mạng” sau khi họp báo ở tòa thị chính đã không truyền đi được bản tuyên ngôn ly khai.

Thưa thiếu tướng,

Cuộc biểu tình tại Đà Nẵng một ngày sau với bàn thờ Phật xuống đường đã diễn ra vô cùng sôi động. Án tử hình do “cách mạng” tuyên phát đã được treo vào cổ tôi. Tướng Nguyễn Văn Truân và Tướng Huỳnh Văn Cao đều bất lực sau khi thay thế Tướng Nguyễn Chánh Thi bị đưa sang Hoa Kỳ “chữa bệnh thối mũi”. Buổi họp ở Bộ Tư Lệnh Không Đoàn 41 có mặt Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tướng Lê Nguyên Khang, thiếu tướng và hai tư lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn Nhảy Du. Thiếu tướng đã không dám quyết định dùng biện pháp mạnh để đàn áp biểu tình mà trong đó tôi nghĩ không thiếu vắng những tên cộng sản nằm vùng đứng đằng sau giật dây. Cuối cùng Đại Tá Loan đứng lên chửi thề và lãnh trách nhiệm điều khiển cuộc “bình định Đà Nẵng” với sự hỗ trợ của ba tiểu đoàn nhảy dù. Tôi được lệnh quay lại Đà Nẵng để làm việc trong đài Phát Thanh Dã Chiến do Trung Tá Vũ Đức Vinh thành lập ở phi trường trong chớp nhoáng để phản tuyên truyền và trấn an đồng bào. Nguyễn Văn Mẫn, Tương “điên” và Đàm Quang Yêu bị bắt đưa về Saigon và hàng loạt đường dây năm vùng ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế bị nhổ. Một số cán bộ cộng sản nằm vùng dưới lớp áo tu sĩ Phật Giáo bị lật mặt nạ.

Tôi nhắc lại sự kiện tôi đã sống trong đó để thiếu tướng thấy rằng, trong vụ Phật Giáo Miền Trung ở Đà Nẵng ông đã hành động thiếu sáng suốt khi đưa Tướng Nguyễn Chánh Thi ra khỏi quân đoàn I. Bảy năm sau, gặp lại tôi ở Mỹ ông phân trần: “Tau đâu can dự chi vào vụ đó, tau bị áp lực của đảng phái và tôn giáo. Chủ chốt là thằng Đàm Quang Yêu, thằng Mẫn cũng chỉ bị lôi kéo. Bọn nó không hề điều tra kỹ, tau xin về nước mấy lần nhưng Thiệu-Kỳ đều không chịu. Tau có làm chi đâu...” Bữa cơm tối hôm đó, chẳng ai trong hai người chúng tôi ăn gì được. Tôi có khuyên ông gọi điện thoại cho Tổng Thống Thiệu để trực tiếp nói với ổng. Tướng Thi chỉ cười, râu mép nhấp nháy: “Thằng đó bây giờ còn nhớ đến ai...?” Câu chuyện của Tướng Thi 34 năm trước đã không được thuật lại vì tôi nghĩ nó chẳng ích gì cho Tướng Thi mà tôi lại còn bị phiền hà điều tra lên xuống. Chuyện này đã đi vào lãng quên cho đến ngày tôi nhận được tin Tướng Nguyễn Chánh Thi qua đời tại Pennsylvania. Tôi đã viết một bài sổ tay, nhắc lại vụ Phật Giáo Miền Trung (1966-1967), nhưng tôi cũng chẳng hiểu cuộc sống của Tướng Thi những năm gần đây ra sao nên lại giữ lại không đăng. Nay nhân dịp viết thư cho thiếu tướng tôi nhắc lại một số ít chi tiết để đánh thức và để cho ông hiểu rằng, lúc cờ đến tay thì ông phất, nhưng nếu thiếu tướng không có những người một lòng một dạ giúp ông thì làm gì lịch sử Việt Nam có một ông thủ tướng trẻ tuổi mà đã làm được một số việc đáng kể như ông đã làm, nếu ông không có những người lính can đảm xông vào mục tiêu địch.

Thiếu tướng nên nhớ rằng, những người giúp ông đạt được những thành tích nêu cao tên tuổi của ông rất nhiều khi chỉ là anh binh nhì, rất nhiều khi chỉ là một “phó thường dân” như ông thường gọi. Ông không nhớ tên họ, nhưng ông phải nhớ những việc làm của họ, bởi vì họ phục vụ lý tưởng quốc gia chứ không phải là người hầu kẻ hạ của thiếu tướng. Vậy mà nỡ lòng nào ông chà đạp lên đóng góp quí giá ấy cho công cuộc ngăn làn sóng đỏ ở miền Nam Việt Nam bằng những hành động đầu hàng cộng sản. Cần đầu hàng sao ông không ở lại với anh em để cùng nhau chia sẻ nỗi khi bị bức tử. Ông chạy đi làm gì để rồi lại phải quay về phủ phục trước sân rồng? Ông luôn luôn nói đến trái tim, đến hơi ấm của trái tim, đến tình của những người lính với nhau, nhưng dường như thiếu tướng không hiểu nổi cái hơi ấm đó ra sao cả. Ông chỉ biết ông mà thôi cho nên ông sẵn sàng ném bùn vào mặt các đồng đội cũ của ông để ôm chân những “đồng đội mới” ở Hà Nội.

Do đó, ông sẵn sàng bán rẻ lương tâm, bằng những lời lẽ làm hoen ố tình chiến hữu trong bao nhiêu năm trong bài một diễn văn chỉ vẻn vẹn có 3 phút đồng hồ khi đón Nguyễn Minh Triết ở Dana Point. Thực tình tôi nghĩ rằng, thiếu tướng về Việt Nam không phải do động lực chính trị mà là chuyện làm ăn kinh tế. Làm ăn thì phải có nhiều tiền, bởi vì nhiều tiền thì bọn cầm quyền ở Việt Nam khó làm áp lực buộc thiếu tướng phải bán rẻ nhân cách của mình. Còn làm ăn mà chỉ là chạy cờ thì chắc chắn chúng bóp nặn ông thành một anh tùy phái ngay. Thiếu tướng sẽ không bị ai phản đối nếu ông nói như thế này với đồng hương: “Tôi hiện bất lực không kiếm ra tiền nên phải Việt Nam may ra cứu vãn được cuộc sống của chính tôi” và ông im lặng trở về, đừng có kèm theo những lý do dao to búa lớn quá, nào là khuyến cáo, nào là góp ý với những nhà lãnh đạo cộng sản trong nước, nào là góp tay xây dựng quê hương, nào là xóa bỏ biên giới Quốc Cộng.

Thưa thiếu tướng, tình hình trong nước bây giờ thua xa lúc Nguyễn Văn Linh bắt đầu cởi trói cho người dân. Bắt bớ nhiều hơn, bắt hung bạo hơn, coi nhân quyền nhẹ tựa lông hồng, thậm chí có khi chỉ là bó hoa dại trang điểm cho những cuộc hội nghị trong đó gồm toàn những anh điếc lác và tham lam. Cộng sản đâu có cần ông góp ý, mà ông có ý gì đâu mà góp, ông hiểu họ như thế nào, ông nghĩ họ là người yêu nước thật sao? Nếu họ là người yêu nước thật sự thì biên giới Quốc Cộng đã được xóa từ trước khi ông lên làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và nếu quả thật những nhà lãnh đạo cộng sản chỉ cần dùng 10 phút trong 24 tiếng đồng hồ một ngày để biểu lộ lòng yêu nước bằng hành động, ông đã không phải lập Nội Các Chiến Tranh, chúng tôi đã không phải đổ máu trên các mặt trận.

Nhiều lúc tôi thầm nghĩ là nếu trước đây khi đi oanh tạc Bắc Việt, thiếu tướng áp lực cướp phi cơ của ông Hợi “voi” lái chiếc AD-5 bay thẳng ra Hà Nội, có lẽ ngày nay thiếu tướng không cần phải biểu diễn hành động bợ đỡ thiếu nhân cách như vừa rồi ở Dana Point. Thiếu tướng bị bắt phải làm trò hề ở Dana Point hay thiếu tướng tự nguyện? Thiếu tướng có được trả thù lao để làm chuyện này không hay ông thật sự muốn chơi nổi? Nguyễn Minh Triết và Võ Văn Kiệt có thật sự muốn thiếu tướng bắc cầu giữa họ với cộng đồng tị nạn cộng sản này không? Vào lúc này, tôi không nghĩ là họ muốn thực sự bắc cầu hòa bình. Họ phải phá vỡ sự đoàn kết của cộng đồng này trước khi bước trên con đường Bolsa.

Thưa thiếu tướng,

Chắc thiếu tướng không biết rằng từ nhiều ngày nay, nhiều bạn trẻ đọc cuốn “Con Cầu Tự” (Budha Child) điện thoại hỏi tôi về thiếu tướng. Nhưng quả tình cái biết của tôi cũng chỉ giới hạn là cái biết của một phóng viên hoạt động rất hăng say vào thời ông làm thủ tướng Nội Các chiến tranh. Nhưng riêng trong cuốn “Budha Child” ông đã nói không đúng về những gì xảy ra tại đài Phát Thanh Sài Gòn và dường như sau đó ông tự coi ông như một người “ngồi chơi xơi nước” trong vai trò phó tổng thống, nên cũng chả màng gì chi tiết nội vụ, nên khi viết hồi ý ông đã viết sai về sự kiện Tết Mậu Thân tại đài Phát Thanh Sài Gòn. Người phụ tá rất đắc lực của ông, một công bộc tận tụy của ngành tuyên truyền đầu não này là Trung Tá Vũ Đức Vinh đã phải từ chức trở về với quân đội để trọn tình nghĩa với ông vì tranh chấp giữa ông và ông Thiệu đã không thể hàn gắn được nữa.

Chúng tôi là người trong cuộc vào giai đoạn hoạn nạn đó thừa biết rằng nếu như không có kế hoạch đài dự phòng của ông Vinh và các phụ tá kỹ thuật của ông ấy như các kỹ sư Trần Công Thân, Vũ Ngọc Đỉnh và hàng tá cán sự, bọn đặc công đã không thất bại trong việc phát cuốn băng hiệu triệu của Hồ Chí Minh. Họ đã thất bại như thiếu tướng đã thấy, nhưng tôi không chắc là ông có hỏi ông Vinh chi tiết, mà nếu không hỏi thì ông xếp tôi chắc không nói. Mãi đến chín, mười giờ sáng Mồng Một Tết mới liên lạc được với Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và sau đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Và nếu không thiết lập được hệ thống gồm 4 đài dự phòng, chính phủ sẽ không biết phải xoay xở ra sao nữa vì trụ sở trung ương ở góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Đình Phùng đã bị cháy và sập. Vậy mà sao không thấy “Budha Child” nhắc nhở gì đến chuyện này?

Thiếu tướng coi chuyện trên là nhỏ chăng? Hay ông không muốn người đọc thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo mà tiếng tăm được xây dựng hoàn toàn trên mối quan tâm và sự làm việc tận tụy của thuộc cấp rồi đến bây giờ quay lưng lại với giá trị tinh thần ấy? Khi thiếu tướng xin về Việt Nam là ông đã phủ nhận quá khứ của mình rồi. Khi lên tiếng đơn phương đòi xóa bỏ ranh giới Quốc Cộng là ông đã sỉ nhục những người đã vì ông mà hy sinh.

Thưa thiếu tướng,

Nay, nếu quả thực ông được giao cho việc trùng tu nghĩa trang quân đội thì ông không nên nhận. Nếu trong lòng ông còn một chút lương tri, xin ông từ chối và nói thẳng với họ rằng ông không xứng đáng vì đã phỉ nhổ vào linh hồn những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Bức tượng “Tiếc Thương” trước đây ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa linh thiêng lắm và bây giờ bức tượng dù đã bị kéo đổ, nhưng sự linh thiêng cũng chưa mất đi đâu. Ông lạng quạng đi vào trong đó có khi lãnh quả. Tốt nhất là ông đừng có xía vô chuyện này và hãy để cho một người nào đó giữ vai trò trùng tu, khi xong ông tự nguyện cạo đầu làm người gác nghĩa trang, sáng tối quét dọn, nhang khói, chăm sóc những ngôi mộ còn lại của những người lính của ông trong đó cho đến cuối đời để chuộc lại những lỗi lầm của ông. Như thế, thiếu tướng đã sám hối, đã làm được việc thiện và công bằng hơn. Nếu được như vậy, tôi tin rằng những ô uế thiếu tướng tự gây ra cho chính ông có cơ may nhạt bớt đi, miệng đời cũng đỡ phải cay đắng khi nhắc đến Nguyễn Cao Kỳ nguyên chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng đã phải phủ phục trước Bắc Bộ Phủ.

Tôi viết lá thư này cho ông đã khá dài và tốn khá nhiều lời, nhưng không phải như viết một cáo trạng mà một ngày nào đó Hà Nội hoặc Sài Gòn sẽ viết cho ông, nếu hai phe Cộng Sản này tranh quyền nhau gay gắt hơn bây giờ. Tôi viết cho ông trong tình huynh đệ chi binh. Chắc là thiếu tường thừa biết những phe phái Cộng Sản Nam, Bắc cùng ngồi ở Hà Nội, nhưng lại “bằng mặt mà không bằng lòng nhau”. Nguyễn Minh Triết, Võ Văn Kiệt hay Trương Tấn Sang... nếu có nổi lên được thì rồi cũng sẽ bị đám trung thành với Trung Quốc tìm cách đạp xuống. Phe nào thắng ông cũng chết vì ông đã mắc vào hai cái bánh xe có răng cưa quay ngược chiều nhau. Phương thức chiếm quyền của các phe phái Cộng Sản có thể khác nhau, nhưng bản chất của họ giống nhau. Bản chất đó là bản chất gian manh và lật lọng. Thiếu tướng không bị kẹt lại tại Việt Nam nên thiếu tướng không hiểu được Cộng Sản miền Bắc dập nát tổ chức Câu Lạc Bộ Kháng Chiến cuối thập niên 80 như thế nào. Từ Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Dương Quỳnh Hoa cho đến Trần Văn Trà, Nguyễn Hộ và toàn bộ tay em bị bắt, bị quản thúc và làm kiểm điểm. Các cơ sở kinh doanh của Câu Lạc Bộ Kháng Chiến bị phá tan tành, bao nhiêu chức vụ quan trọng trước đây dành cho người của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam đều bị lấy lại cho những đảng viên từ Bắc vào. Cái hận ấy, chắc những người Cộng Sản trong Nam chưa thể quên. Do đó chuyến đi của Nguyễn Minh Triết chưa hẳn làm hài lòng những phần tử thân Tàu nào còn đang có ảnh hưởng mạnh tại miền Bắc.

Trong bối cảnh ấy, làm thế nào mà chủ tịch Nhà Nước Việt Nam Cộng Sản dám thực hiện hòa hợp hòa giải, xóa bỏ biên giới Quốc Cộng? Huống chi ông Võ Văn Kiệt là người không còn quyền hành gì. Nếu ông Triết có yêu nước thực sự, có muốn làm thì cũng không làm được vì phe thân Tàu phá (hiện còn khá mạnh) và nếu ngược lại phe thân Tàu muốn xóa biên giới Quốc Cộng để có thêm người ủng hộ chắc cũng bị phe Cộng Sản trong Nam ngăn. Thực tế của 32 năm qua cho thấy, Cộng Sản dù thân Tàu hay thân Mỹ cũng chưa yêu nước được. Họ mới chỉ yêu quyền lực và cần sự trung thành của người khác với phe của họ. Vì thế khi không cần, họ có thể hy sinh thiếu tướng không mấy hồi. Với những loại cán bộ Cộng Sản có sạn trong đầu như họ, tôi nghĩ rằng họ nhìn thiếu tướng như một con nai vàng đang ngơ ngác trong cái mê hồn trận của cuộc tranh chấp quyền lực giữa các phe phái trong đảng Cộng Sản với nhau. Tôi nhớ lại rằng trong thời gian tù đày, không thiếu những anh cán bộ an ninh kêu tôi lên thẩm vấn. Đầu tiên bao giờ, anh ta cũng rót cho tôi một điếu nước trà, mời một điếu thuốc rồi nói: “Anh cứ thoải mái đi rồi mình tâm tình với nhau một chút”. Sau đó vừa hút thuốc anh vừa tuôn ra bài học thuộc lòng đại loại như thế này: “...Anh biết đấy, hoàn cảnh lịch sử oái oăm lắm. Chúng ta là người Việt Nam khác chiến tuyến trong chiến tranh, bây giờ hòa bình, đất nước thống nhất rồi, đưa các anh vào trại cải tạo cũng là để bảo vệ an ninh cho các anh, vì dân chúng rất phẫn nộ đối với quá khứ của các anh. Cố gắng cải tạo cho tốt, thời gian sau, cách mạng cho về góp tay xây dựng lại quê hương. Mình nói chuyện với nhau đây là để cho anh thấy rõ rằng ngày xưa nếu tôi ở miền Nam thì cũng sẽ là người phản quốc như anh giờ thôi, nhưng biết làm sao được...”. Sau khi nghe xong bài ca ấy, anh ta hỏi láp nháp vài câu rồi dẫn tôi vào chuồng cọp. Hàng chục lần là y như rằng mấy tên cán bộ an ninh này nói tới xóa bỏ biên giới Quốc Cộng như vậy và kết quả là lần nào tôi cũng nằm cùm trong chuồng cọp từ 6 tháng đến một năm. Lần cuối là 5 năm liên tiếp. Chuyện nhỏ xưa, nhưng nó cho bài học ngày nay. Tôi nghĩ là Nguyễn Minh Triết, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải... cũng chỉ nhìn thiếu tướng dưới nhãn quan như các tên cán bộ an ninh thường phủ dụ những điều nhân nghĩa, xóa bỏ ranh giới Quốc Cộng với những người tù như chúng tôi trước khi áp dụng đòn trừng phạt mà thôi. Chỉ có điều, ông là cấp lãnh đạo và chuyện xảy ra ở cái nhà tù vĩ đại ngoài đời bây giờ, còn chúng tôi là những sĩ quan quèn bị nhốt và gánh hết trách nhiệm cho các ông trong nhà tù nhỏ trong những khu rừng già cách đây gần 20 năm mà thôi.

Nghĩ lại thấy cũng cay đắng, phải không thiếu tướng?

Thưa Thiếu Tướng,

Tôi hiểu rằng, hiện nay còn một số người vẫn còn mến mộ Thiếu Tướng vì những ân tình trước đây ông dành cho họ. Số người này dĩ nhiên là thiểu số và những lý lẽ họ đưa ra để bênh vực Thiếu Tướng chỉ là sự chỉ trích một số những anh em chiến hữu trong không quân lên tiếng mắng mỏ Thiếu Tướng. Họ cho rằng những người chống Thiếu Tướng đều là những người trước đây được hưởng ơn mưa móc của Thiếu Tướng. Tôi không hiểu họ dùng nhóm từ “ơn mưa móc” ở đây với hàm ý gì. Nhưng theo tôi, ngày xưa, khi Thiếu Tướng còn là chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, những điều ông ban cho các thuộc cấp chẳng hạn như thăng cấp, thăng chức hay gì gì đi nữa đều là những người phải có chiến công và là những công bộc có tài, có trách nhiệm và trọng danh dự. Những người này tuy là thuộc cấp của Thiếu Tướng nhưng họ chiến đấu hay làm việc để phục vụ quốc gia. Tôi nghĩ đây không phải ơn mưa móc mà là sự tưởng thưởng cần thiết và công bằng của người lãnh đạo.

Chỉ những người nào chỉ do việc “điếu đóm” mà hưởng ân sủng của Thiếu Tướng mới là không xứng đáng. Loại người này dĩ nhiên phải bênh ông dù ông có làm những điều sai trái với các chiến hữu của ông. Vấn đề ông về Việt Nam và làm ăn kinh tế với cựu thù không phải là nguyên nhân chính dẫn tới những phẫn nộ của những cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa hay của những đồng hương từng là nạn nhân Cộng Sản ở đây. Biết bao nhiêu người ở đây đã về Việt Nam làm ăn rất sớm. Có vài người thành công, nhưng không thiếu gì người thất bại, mất cả chì lẫn chài. Cứ coi như đó là chuyện riêng của họ và bây giờ là của Thiếu Tướng.

Bao nhiêu lần Thiếu Tướng tuyên bố những điều như đâm vào lỗ tai mọi người, chúng tôi nào có phản ứng. Nhưng ở trong cái ốc đảo sang trọng St. Regis Monarch Beach Resort thành phố Dana Point, Thiếu Tướng đã có một hành động khiêu khích những nạn nhân chế độ Cộng Sản và những chiến hữu từng vào sinh ra tử vì những lệnh ban của một cựu Thủ Tướng như ông. Ông khúm núm trước kẻ thù của họ từ lâu, đã có những việc làm mà một người trọng luân lý bình thường nhất coi là thiếu nhân cách từ lâu. Nhưng không sao, miễn là ông không nhân danh họ. Dĩ nhiên, người tị nạn cũng cảm thấy thương tổn vì ông đã đi ngược lại tất cả những gì ông từng tuyên bố và từng làm chết nhiều người trong cuộc chiến 32 năm trước đây. Lẽ ra ông nên nói thẳng với đồng hương ở đây như thế này: “Trước đây, tôi là Thủ Tướng không phải lo lắng gì về cuộc sống, quốc gia lo cho tôi và gia đình tôi, nhưng bây giờ chúng ta đã thất bại, sống cuộc đời lưu vong không ai lo cho tôi cả nên cuộc sống căng thẳng, khó chịu. Nay đã già rồi quay đầu về làm ăn kinh tế và chính trị với kẻ cựu thù, vì đối với tôi bây giờ không còn Quốc Cộng gì nữa...” Nếu Thiếu Tướng có can đảm nói như vậy, câu chuyện đã khác đi nhiều. Đồng hương ở đây bất quá là thấy mặt ông lúc nào thì quay mặt đi để tránh, chứ tôi không tin là họ phẫn nộ như hiện nay.

Nhưng Thiếu Tướng trâng tráo nhân danh đồng hương ở đây để kêu gọi xóa bỏ biên giới Quốc Cộng và khơi khơi đại diện đồng hương Việt Nam để đọc diễn văn với giọng nịnh bợ không sạch sẽ chút nào cả. Ông đã làm họ đau đớn, cái tội lớn nhất của ông là như vậy.

Thiếu Tướng tưởng rằng Nguyễn Minh Triết tin là ông đại diện cho những người Việt Nam ở đây thật à? Không đâu, Triết là người trưởng thành trong một guồng máy chính quyền đầy mưu mô và trí trá trong chế độ Cộng Sản. Ông ta thừa biết tư cách của Thiếu Tướng bởi vì nếu thực sự Thiếu Tướng đại diện cho người tị nạn Cộng Sản ở đây thì làm gì có hàng ngàn người chỉ đứng cách ông ta vài trăm thước hô khẩu hiệu đả đảo và căng biểu ngữ chống ông, làm gì đoàn xe đón ông phải cần một đội hộ tống đông đến như thế, làm gì mà ông tổng lãnh sự San Francisco lại phải thanh lọc những tờ báo được mời dự buổi gặp mặt kỹ như thế. Nguyễn Minh Triết cũng thừa thông minh để biết rằng một vài tờ báo mà ông sử dụng thì có tư cách gì mà hòa hợp hòa giải, nhưng ông ta vẫn dùng chỉ vì một mục tiêu: quấy rối cộng đồng, và tạo chia rẽ trong cộng đồng. Hay nói một cách khác, ông Triết chỉ muốn tạo một Trần Trường thứ hai ở đây trong một giai đoạn nào đó để cuối cùng những con nai vàng ngơ ngác này không đạp trên lá vàng khô mà đạp vào bãi mìn.

Riêng với Thiếu Tướng, Nguyễn Minh Triết cũng không kém thông minh đến độ tin vào khả năng đu dây với Mỹ, với Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại của ông. Ông ta chỉ mượn sự hiện diện của Thiếu Tướng trong bữa tiệc tiếp tân ở khách sạn St. Regis để làm nhục cộng đồng Việt Nam ở Mỹ bằng cú đấm phủ đầu mà thôi. Cho nên, các đồng hương Việt Nam ở khắp nơi trên nước Mỹ gọi Thiếu Tướng là kẻ phản bội thì cũng đúng thôi. Trong thâm tâm, tôi nghĩ từ “phản bội” cũng là còn nhẹ đối với Thiếu Tướng. Trải qua bao nhiêu biến chuyển của thời thế, nhất là biến cố 30 Tháng Tư năm 1975, chứng kiến không thiếu những kiểu phản bội... tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao còn đủ kiên nhẫn để viết một lá thư dài như thế cho một người như Thiếu Tướng, một người mà tôi tin rằng sẽ không còn lẽ phải nào hơn những ân sủng mà chế độ Cộng Sản dành cho ông.

Nhưng rồi tôi cũng tự an ủi mình rằng dù quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu dũng mãnh trong suốt những năm chiến tranh, họ đã phải nhận tất cả những nhục nhã và cay đắng của phía thất trận chỉ vì một số nhà lãnh đạo đất nước thiếu tài năng, thiếu đức hạnh và không thể tưởng tượng nổi là họ thiếu cả nhân cách như Thiếu Tướng. Tôi mượn lời của một nhân vật từng là bộ trưởng trong chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa: “...có những cấp lãnh đạo như vậy thì cần gì kẻ thù...”

Điều mà chúng tôi tiếc cho Thiếu Tướng là ông phản bội muộn quá. Nếu ông phản bội sớm hơn hai thập niên, có lẽ giờ này ông có thể trở nên ít ra thì cũng ông này ông kia trong chính phủ của ông Triết thay vì cứ phải đi chạy cờ, chạy hiệu ở Việt Nam như ngày nay ở vào cái tuổi gần đất xa trời rồi.

Chào Thiếu Tướng.

Vũ Huy Thục

Trích Người Việt Online
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn