BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đầu Xuân Nghĩ Về Cái Chết

08 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1324)
Đầu Xuân Nghĩ Về Cái Chết
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Đầu năm mới, đáng lẽ phải viết những gì vui tươi, phấn khởi, nhưng không hiểu sao tôi làm ngược lại. Tôi nghĩ và viết về cái chết của một số "tù không án" tại các trại cải tạo trên hai miền Nam Bắc. Những cái chết thương tâm tôi đã chứng kiến khi còn ở tù, hoặc nghe thuật lại sau khi đã được phóng thích.

Sở dĩ tôi nhớ và viết là vì một bạn tù của tôi đã nằm xuống đúng ngày mồng 3 Tết Nguyên Đán cách đây 25 năm. Đó là anh Đậu Quang Dương cựu thiếu tá Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. Anh chết chiều mồng 3 Kỷ Mùi (5-2-1975) tại trại tù Phú Sơn 4 ở Bắc Thái (Bắc Cạn - Thái Nguyên).

Tôi ở chung với anh Dương từ tháng 7 - 1976 tại trại 4 Hoàng Liên Sơn. Cuối tháng 10 năm 1977, chúng tôi chuyển trại đến Bắc Thái. Tại đây anh Dương ở Đội lò gạch, còn tôi, Đội nông nghiệp. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau để trao đổi tin tức sinh hoạt đội và gia đình. Lúc bấy giờ, sức khoẻ anh bắt đầu xuống dốc. Anh không còn khả năng lao động nặng. Tuy nhiên, bọn cai tù vẫn bắt anh công tác như các anh em khác. Mỗi ngày, sau khi một mẻ gạch được nung chín và xuất lò, anh phải gánh đúng chỉ tiêu từ lò đến bãi quy định để xếp thành đống. Khoảng 2 tháng sau, anh không thể gánh gạch, nên được phân bố công tác nấu nước uống cho anh em tù trong Đội (trong giờ lao động, mỗi Đội được cắt cử một người nấu nước lã (đun sôi) cho toàn Đội. Công việc tương đối nhẹ. Nhưng phần tuổi già, sức yếu sẵn, phần thiếu dinh dưỡng, anh lâm bệnh phù thũng. Chân tay, mặt mũi bắt đầu sưng lên trông thấy. Trại phải cho anh đi bệnh viện thị xã Thái Nguyên. Bẵng đi một thời gian lâu, tôi không biết bệnh tình và kết quả chữa trị ra sao. Thời gian lao động khổ sai và đói rét đã vùi dập thân xác người tù vào hố thẳm mệt mỏi, rã rời. Đầu óc hầu như không còn nghĩ gì khác ngoài miếng cơm, manh áo, những nhu cầu tối thiểu cho sự sống còn. Do đó, tình bạn, tình người, nhất là đối với những người xa cách, dần dà bị quên lãng.

Tháng 11 năm 1978, anh Dương bị trả về trại với lý do: không còn phương cứu chữa. Anh được chuyển đến một góc nhà lá trong khu trạm xá, chật hẹp, tồi tàn. Lúc nầy, chân tay, mặt mũi anh không còn sưng phù nữa. Trái lại, teo tóp, nhăn nheo và và như nghệ, biến chứng rõ rệt của căn bệnh gan đã đến giai đoạn chót. Anh nằm cô đơn, mệt nhọc trên một chiếc giường tre cũ kỹ, hôi hám. Tôi đến thăm anh mấy lần. Anh còn tỉnh táo, nhưng đôi mắt càng ngày càng vàng. Giọng nói run run, yếu ớt. Lúc còn ở trại 4 Hoàng Liên Sơn (1976), anh quen thân anh P.T.T , một sĩ quan cấp uý trẻ tuổi, ở chung Đội. Khi chuyển qua Bắc Thái, T. cũng được đi theo. Anh nhận T. làm nghĩa tử . Hai bố con rất tương đắc, thương yêu như ruột thịt. Trong giờ nghỉ, T. được trại cho phép túc trực bên cạnh bố nuôi để săn sóc, giúp đỡ.

Dịp Tết Kỷ Mùi (1979), trại Phú Sơn 4 tổ chức vui xuân cho tù. Ngoài 2 bữa cơm không độn và thêm tí thịt heo kho, mỗi đầu tù được phát một chiếc bánh chưng khoảng 2 lon nếp. Lúc bấy giờ, mặc dù chưa có lệnh chính thức cho tù được thăm nuôi, nhưng trại "chiếu cố" cho những anh em có tù nhân ở miền Bắc được gặp và trực tiếp nhận quà. T. quê quán miền Bắc, được người nhà đến thăm vào chiều 30 Tết. Chiều ấy, T. mang cho bố nuôi một cặp bánh chưng. Sáng mồng một, tôi đến thăm anh Dương và gặp T. đang săn sóc bố nuôi. Trong câu chuyện, T. buồn rầu nói với tôi rằng trước kia, bố đói thèm từng hạt cơm, nhưng bây giờ, trong ngày Tết, bố có hai ba chiếc bánh chưng (bánh của trại phát và của T. biếu), nhưng bố chỉ treo, nhìn chơi, chứ có ăn uống gì được đâu! T. vừa nói vừa đưa khăn chùi nước mắt. Tôi cũng xúc động, quay mặt đi, không dám nhìn thẳng vào mặt anh Dương.

Sáng mồng 3 Tết, tù đi lao động lại. Trại cho nghỉ hết ngày mồng 3, nhưng buổi sáng phải xuất hành để thực hiện cái gọi là " trồng cây nhớ ơn Bác Hồ". Trồng xong lúc nào, được về nghỉ lúc đó. Toàn trại tập trung vào công tác trồng cây. Đội nào cũng ra sức trồng thật nhanh để sớm nhập trại. Do đó, kết quả mà Bác Hồ được hưởng chỉ có khoảng một phần ba, nghĩa là số cây tù trồng đầu năm không bén rễ và sống được một nửa.

Vừa về đến trại, tôi nghe tin anh Đậu Quang Dương đã từ trần. Tôi chạy vội xuống trạm xá. Anh T. đã đến trước. Người con nuôi hiếu thảo ngồi bất động bên xác nghĩa phụ, một bộ xương cách trí nằm co quắp, bọc trong bộ quần áo tù bạc màu. T. và tôi đặt người chết nằm vào vị thế ngay ngắn, cho đầu gối lên đống quần áo rách gói gọn trong miếng vải thô màu cháo lòng. Đồng thời lấy chiếc mền đỏ Trung Cộng (do trại phát từ lâu) đắp kín người chết. Ngoài ra, một chiếc khăn tay còn mới được phủ lên mặt. Tôi rút mẫu thánh giá bằng đồng cực nhỏ cất giấu trong túi áo đặt vội lên môi người chết, để yên một giây, rồi bỏ lại vào túi và thầm đọc một kinh "Lạy Cha" xin Thượng Đế cứu rỗi người tù chưa được phóng thích. Đến hơi thở cuối cùng, thân xác anh Đậu Quang Dương vẫn còn bị bọn Cộng Sản trói buộc, xiềng xích trong cái gọi là "trại cải tạo". Nhưng tôi tin rằng linh hồn anh đã được giải thoát nhờ Niềm Tin của anh và tình thương bao la của Thượng Đế.

Chiều mồng 3 Tết Kỷ Mùi, trại cho chôn cất anh Dương. Một đám tang kỳ lạ, có lẽ chỉ xảy ra tại các trại tù dưới chế độ Cộng Sản:


Xe tang là một cỗ xe trâu
Mưa nắng thời gian đã bạc màu
Đặt chiếc quan tài, chiều rộng đủ
Chiều dài thiếu hụt phía đằng sau
Trâu kéo xe đi bước nhịp nhàng
Một tù hình sự dẫn xe tang
Men theo đường dốc quanh đồi núi
Thấp thoáng sau xe bóng "áo vàng" (công an)



Nhân cái chết anh Đậu Quang Dương, tôi liên tưởng đến một số bạn tù khác đã nằm xuống vĩnh viễn trước, trong khi bị giam giữ tại các trại cải tạo, hoặc sau ngày được thả. Những cái chết oan khiên, tức tưởi. Tháng 7-1976, VC sử dụng những toa xe lửa chở súc vật, hàng hóa để chuyển tù từ Nam ra Bắc. Chúng nhét hằng ngàn tù trong toa và đóng kín cửa. Khi đến nơi quy định, hai anh bị chết ngộp. Đó là anh Ngô Văn Hùng (bút hiệu Ngô Quân, cựu trung tá thuộc tổng cục CTCT) và anh Lan (cựu trung tá Nha Cảnh Sát Quốc Gia Đà Lạt). Tại trại Vĩnh Phú, anh Đặng Bình Minh (cựu trung tá không quân) chết vì nắng nông trường. Tại trại Gia Trung (Pleiku), anh Nguyễn Vân Thanh (cựu trung tá), trong cuộc điều tra về một vụ gì đó, không chịu cung khai theo ý bọn thẩm vấn, nên bị đánh chết bằng "hội chợ". Tại trại 9, liên trại 1 Hoàng Liên Sơn, anh Trịnh Công Hưng (cựu đại uý) đi rừng chặt nứa. Anh em tù phải trèo lên cao mới có đủ nứa để chặt. Khi xong, thay vì vác bó nứa xuống theo đường mòn sẵn có hoặc mở lối đi cần thiết, anh em lợi dụng độ dốc của đồi để thả bó nứa xuống. Làm như vậy vừa nhanh, vừa khỏi vác nặng. Anh Hưng đã thả bó nứa từ trên cao xuống. Vì trục trặc về phương hướng hoặc địa hình địa vật sao đó, anh tránh không kịp, bị nứa đâm vào bụng chết thê thảm. Trong vụ nầy, Đội anh bị kiểm điểm và người chết cũng bị khiển trách vì thiếu ý thức về an toàn lao động.

Tháng 4-1979, tôi ở chung trại 6 Nghệ Tĩnh, nhưng khác Đội, khác buồng giam, với anh Lê Viết Mỹ, cựu thiếu tá Trưởng Ty An Ninh Quân Đội Bình Định. Buổi trưa, trong giờ ăn, anh Mỹ đến buồng tôi, tặng một chén rau lang luộc. Độ một tiếng đồng hồ sau, tôi nghe tin anh chết bất đắc kỳ tử. Tôi sửng sốt, chạy sang buồng anh để hỏi tin tức. Anh em cho biết anh Mỹ nằm giường trên (giường dành cho tù có 2 tầng). Anh Mỹ đi lao động về, trèo lên giường, một tay vịn vào giường, một tay bưng thức ăn. Vừa mệt vừa đói lả, kiệt sức, tay chân run rẩy, anh té từ giường trên xuống nền nhà bằng xi măng, bị chấn thương sọ não, đem đến trạm xá và chết sau nửa giờ ói mửa.

Tháng 7-1983, anh Võ Văn Nghĩa, cựu trung tá thuộc Ty Bình Định và Phát Triển Tiểu Khu Gia Định, chết bất ngờ và nhanh chóng tại Trại Z30D/K2 ở Hàm Tân (Rừng Lá). Anh Nghĩa và tôi ở cùng trại và chung buồng. Anh thường chơi đàn Tây Ban Cầm buổi tối sau khi trực trại đã khoá cửa buồng giam. Anh biết sáng tác nhạc. Tôi có đưa lén cho anh một bài thơ để nhờ anh phổ nhạc. Bài thơ tình cảm nói về chuyến thăm tù của "bà xã" lúc tôi còn ở Trại 6 Nghệ Tĩnh. Anh chưa làm xong bản nhạc thì đã chết. Vào buổi chiều, lúc gần "tan tầm"(hết giờ làm việc), anh Nghĩa ngất xỉu tại bãi lao động, nhưng chưa có phương tiện đưa anh về trại ngay. Khoảng 1 giờ sau mới có băng ca khiêng anh về. Lúc bấy giờ, anh chỉ còn thở thoi thóp. Nhịp tim đập rất yếu. Tôi không rõ anh được khám và chữa trị như thế nào, thuốc men ra sao. Vào khoảng 6 giờ tối hôm đó, trước khi điểm danh tù để "nhập buồng", phòng trực của trại bảo buồng tôi cắt cử một người đến căn phòng bỏ trống nơi dày nhà gần trạm xá trại để canh chừng "bệnh nhân" đang hấp hối. Tôi tự nguyện đi phụ trách công tác đó. Đến nơi thì thấy, qua ngọn đèn điện mờ yếu, một chiếc giường gỗ có mùng rủ xuống (loại mùng màu xanh như mùng nhà binh cũ). Tôi vén mùng xem thì thấy anh Nghĩa đã chết từ bao giờ. Mặt mũi, tay chân anh lạnh ngắt. Tôi thì thầm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn anh vì tôi biết rõ anh là người Công Giáo. Sáng hôm sau, tôi được đi dự đám tang của anh tại khu đất rừng gần trại. Ở đó đã có một số mồ mả cũ được đánh dấu sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cắm trên mô đất. Trên ván có ghi tên hoặc vẽ hình thập tự hay bông sen.

Bao nhiêu mùa xuân đã qua đi. Không biết bao nhiêu anh em cựu tù nhân chính trị Cộng Sản khác nữa đã ra người thiên cổ. Tôi thương nhớ tất cả. Nhưng, có lẽ nỗi nhớ thương to lớn, dai dẳng, đậm đặc nhất, một nỗi nhớ thương khó có thể quên. Đó là nỗi nhớ thương khởi đi từ những hình ảnh về cái chết của một số không nhỏ anh em tù như tôi vừa trình bày:
Tù chết trong tù bị bỏ quên
Như loài cỏ rác vứt bên thềm
Như con chó ghẻ ngoài vòng loại
Như cỏ cây rừng, phận ốc sên
Tù chết không người khóc tiễn đưa
Không cầu nguyện Chúa, tụng kinh Chùa
Mùng mền rách nát là khăn liệm
Manh chiếu bọc thây mặc thiếu thừa
Một cỗ xe trâu thật rẻ tiền
Xác tù bó chiếu đặt lên trên
Vài anh hình sự theo đưa tiễn
Cuốc xẻng thay hoa, thế nến đèn
Tù chết, trại tù chẳng báo tin
Cho người còn sống, cho gia đình
Khi gia đình biết, tìm thăm mộ
Thì mộ đã mòn, cỏ mọc xanh

Bao nhiêu mùa xuân đã qua. Tôi không rõ hôm nay gia đình những nạn nhân nói trên có biết những tin tức rõ ràng, chính xác về cái chết của chồng, cha, con, anh, em mình hay không. Có ai lặn lội ra miền Bắc, đến tận vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh Yên Bái, Sơn La, Lao Cay, Bắc Thái v.v.....để bốc mộ người thân hoặc đặt lên một vòng hoa, vài nén hương, hay nhỏ xuống đó những giọt nước mắt xót thương tồn đọng trong óc, trong tim, trong máu, từ ngày biết tin người thân nằm xuống, nhưng chưa xác định được địa danh và vị trí mai táng.

Ai đã gây nên những thảm cảnh nói trên? Chính bọn cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên. Thử hỏi: nếu Nhà Nước không cho áp dụng một chính sách tống giam giữ tù khắc nghiệt, bỏ đói rét, thiếu thuốc men khi đau ốm, hành hạ, đánh đập thân xác, khủng bố, áp bức tinh thần, thì những trường hợp tử vong kia có dễ dàng xảy ra không?

Lưu Thái Dzo
Xuân Bính Tuất

Trích sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" tập II/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn