BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73237)
(Xem: 62215)
(Xem: 39394)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bè Gỗ Trên Ngọn Hòn Dù

08 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1675)
Bè Gỗ Trên Ngọn Hòn Dù
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Sau 75, tôi "được đi học tập cải tạo". Hơn năm năm trong hai trại lao Cộng Sản, Đá Bàn và A.30, tôi đã trải qua biết bao điều lao khổ, cơ cực, và tủỉ nhục trong cái gọi là "lao động vinh quang" và chính sách "khoan hồng" của Đảng.

Năm 81, ra khỏi trại một thời gian, với cảnh gà trống nuôi con, ngày ngày phải lăn lộn kiếm miếng ăn và nuôi bầy con dại, đầu óc tôi ngày càng mụ mị, tôi quên dần hết dĩ vãng khổ đau ê chề đó. Nhưng có một điều mãi mãi tôi không thể naò quên được. Đó là những ngày tháng ở Đá Bàn, một trại cải tạo của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà nhập lại gọi là Phú Khánh.

Đá Bàn là một địa ngục trần gian. Năm đầu tiên ở trại Đá Bàn thật khủng khiếp với công tác "đi bè gỗ" trong những tháng mưa lũ. Từ tháng chín đến tháng chạp âm lịch, bầu trời lúc nào cũng xám xịt một màu chì. Những đám mây đen kịt, sũng nước, từ trên đỉnh Hòn Du ở Đá Bàn Thượng, sà thấp đến nỗi có cảm tưởng lấy tay sờ được, liên tục đem đến những cơn mưa lũ.

Mưa như thác lũ, mưa từ sáng đến tối.

Không biết nước ở đâu mà nhiều thế. Nước cứ tuôn ào ào từ trên trời xuống. Trắng xoá mờ mịt cả không gian. Nước theo các khe rãnh từ trên đỉnh núi đổ xuống, nhập bầy thành những dòng thác lớn. Càng xuống thấp, dòng thác càng lớn. Thác chảy lúc quanh co, lúc thẳng đứng. Reó ầm ầm, hung dữ quật đổ những cây cổ thụ nằm trên đường nó đi, cả những cây to hai người ôm không xuể.

Dưới trời mưa như vậy, thêm cái lạnh cắt da, cắt thịt, đội chúng tôi hằng ngày phải ra đi từ mờ sáng, lặn lội trong rừng dầy bịt, rậm rịt dây mây, thứ dây leo người ta bứt về để cột, để làm mọi thứ gia dụng.... Thứ cây này đầy những gai nhọn hoắt, đâm tua tủa chung quanh. Nếu vô ý một chút dễ bị lãnh năm bảy phát như chơi. Mũi nhọn gãy ghim sâu trong da thịt, nhức buốt. Rồi làm độc, mưng mủ thành ghẻ.

Nhưng nỗi khổ nhất mà chúng tôi ai cũng kêu trời trời không thấu là mòng, bù mắt và vắt. Trời thì tối. Dẫu chín mười giờ sáng, ở trong rừng vẫn tối như bưng. Chúng tôi cứ người nọ nối đuôi người kia mà đi. Đâu ai có aó mưa. Cứ lấy những mãnh nylon che được phần naò hay phần nấy cái thân hình còm cõi để giữ hơi ấm trong người. Ấy vậy mà những con mòng, con vắt cứ nhè trong lỗ tai, trong cổ, chui vào mà cắn, mà hút máu. Khổ nỗi, hai bàn tay ướt nhẹp, lạnh như nước đá, tê cóng, không còn cảm giác, không dám đút vaò gãi. Trân mình mà chịu. Những con vật bé tí khốn nạn đó, lúc nha lúc nhúc, thay phiên nhau di chuyển khắp nơi, nhè những nơ hiểm hóc mà cắn, mà ngọ ngoạy. Đến khi hút máu no nê mới chịu buông tha. Nhưng hết đám này lại đến đám khác. Những nốt cắn sưng lên to bằng đồng xu, mận đỏ khắp người. Tha hồ mà gãi, nhất là về đêm.

Đội bè súc chúng tôi gồm toàn những công chức biệt phái, được Đảng qui kết là thành phần nguy hiểm, cần phải biệt lập với các đội khác, và giao cho những công việc cũng đặc biệt: chuyển gỗ trên rừng về trại bằng đường rừng vaò muà khô và bè súc bằng đường suối, thác vaò mùa mưa.

Ai đã từng thấy trại cưa mới hình dung ra kích cỡ thế nào là cây súc. Sức một con người làm sao mà di chuyển được một cây súc dài từ 5 đến 8 thước, đường kính một thước, nặng từ một đến hai tấn. Có nói ngoa không? Mà phải di chuyển khối súc đó từ trong rừng ra bờ suối giữa một rừng cây rậm rịt, cây nọ đan cheó cây kia như thiên la địa võng. Trên thì mưa như thác lũ, dưới thì trơn trợt như thoa mỡ. Đôi dép cao su nhãn hiệu Hồ Chí Minh làm bằng vỏ xe hơi phế thải, vượt Trường Sơn, vô dụng ở đây. Lớp bùn nhão làm cho đôi dép trượt ngược lên mắc cá trông thật khôi hài, cười ra nước mắt. Chúng tôi phải bứt dây cổ ruà để quấn ràng rịt bàn chân với dép thành một cục tổ bố mới đi được.

Lại thương cho mấy anh em cận thị khốn khổ với đôi kính. Nước mưa cứ như dòng thác trên mặt gương thì làm sao mà thấy đường đi! Vậy mà cứ phải đi! Đi để bè súc.

Chỉ tiêu định ra: Mỗi người một ngày, một cây súc. Đường xa tuỳ theo số súc được chặt ở núi cao hay thấp. Những khối súc này được toán thợ rừng chặt từ muà hè khô raó, bỏ rãi rác khắp núi rừng. Thường thường xa từ 5 đến 7 cây số.

Đội chia thành bốn tổ. Mỗi tổ mười một người. Tôi thuộc tổ bốn. Tổ trưởng Đỗ Phương Anh, cận thị năm "đi-ốp",giaó sư triết Trung Học Võ Tánh,Nha Trang. Tổ phó:

Lâm Giũ Hoà

, Hiệu trưởng trường Tàu Khải Minh, Nha Trang. Tổ viên:

Bác sĩ Kỳ, Bác sĩ Trân; Giáo sư Toán Lý Hoá Ngô Văn Sung; Giáo sư Võ Văn Thạnh

cận thị năm "đi-ốp". Thêm hiệu trưởng trường Tân Phước:

Trần Văn Tiến

. Hiệu trưởng trường Nguyễn trường Tộ:

Nguyễn Văn Thượng

. Kỷ sư, Trưởng Ty Hoả xa Nha Trang :

Bùi Văn Minh

. Lạc loài một anh dân tộc Thượng:

Man Tin

, hạ sĩ biệt kích, cũng được xếp loại nguy hiểm cho vào đội "ác ôn" chúng tôi. Và tôi là người thứ 11. Trong tổ 11 người, "thầy" Sung khai là không biết bơi nên được miễn xuống nước. Nhưng phải chạy bộ trên bờ, mang hết đồ lề của anh em, gồm quần aó, ống bơ, guy gô, nồi xoong chứa thức ăn.....Nhiệm vụ của "thầy" là phải có mặt trươc tại các địa điểm cuả đội bè dừng chân trên các chặng đường, đốt sẳn một đống lửa thật to để đoàn "khu trục" cặp bến là có lửa sưởi ấm ngay. Và cũng không được quên là vấn sẳn cho mỗi người một điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái, để "bập" liền. Cái này cần hơn lon cơm và củ mì. ( Sau này khi được thả, thấy "thầy" Sung đi tắm biển Nha Trang dài dài. Hỏi mới biết, lúc đó "thầy" sợ quá nên tìm cách nói dối để được ở trên bờ.) Phần chỉ tiêu của thầy Sung, tổ phó Lâm Giũ Hoà gánh. Ban Giám thị trại rất "dễ dãi" trong khoảng này. Làm sao thì làm, miễm mỗi ngày có đủ 11 khối súc về trại an toàn là được.

Năm giờ sáng kẻng baó thức, anh em lãnh phần cơm xong, đùm túm ra khỏi trại. Ngoài vòng kẽm gai trại là rừng. Chúng tôi theo đường mòn len lỏi trong rừng cây,dây leo chằng chịt dầy đặc. Rựa cầm tay, vai vác hai cây tre khô,dùng để cột cặp vaò cây súc cho súc nổi. Lạnh, run, răng đánh bò cạp. Nhưng thỉnh thoảng phải la gaò to lên hoặc gõ nồi xoong, ống gô để hù "ông ba mươi" núp đâu đó chực chờ. Muà hè, chúng tôi vẫn thường thấy cứt của "ông" dưới những cây thị. Chưa lần naò thấy "ông". Chỉ nghe kể lại. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bị mất bò. Mấy hôm sau tìm lại được đống da và bộ xương. Cái sợ vẫn lẩn quẩn sau lưng.

Mưa cứ rả rích, dai dẳng. Cho đến xế thì mưa bắt đầu lớn dần..........

Đến địa điểm ước đoán chỉ định, anh em từng cặp, tản ra, đi tìm súc. Khi gặp được thì hú lên baó hiệu để cả tổ xúm lại "xử lý". Súc nằm rãi rác khắp rừng, nhưng không xa nhau mấy. Mười một khối súc ẩn mình trong vòng một cây số vuông. Khoảng hai giờ đồng hồ là tổ đã phát hiện đủ chỉ tiêu trong ngày. Công việc tiếp theo là chia nhau thành những nhóm nhỏ đi chặt dây "cổ rùa" và dọn đường từ những khối súc đang nằm ra tới bờ suối. Dây cổ rùa là một loại dây leo, thân xù xì, dồn lại thành những ngấn trông giống như cổ con rùa. Loại dây này ngâm nước rất dai và chắc. Phơi khô thì giòn, dễ gãy. Chúng tôi chọn những dây lớn bằng cổ chân, thẳng, dài độ năm mét mà chặt. Nước trong thân cổ rùa chảy ra lênh láng, đỏ như maú. Lần đâù thấy phát sợ. Xong, đập giập, tướt xơ ra thành từng sơị. Thân cổ ruà có nhiều lớp bao bọc. Hết lớp này đến lớp khác. Lột lúc còn tươi rất dễ. Trong cùng là lõi, vất đi, không dùng. Bó lại thành từng khoanh tròng vào vai và cổ mang về địa điểm những cây súc. Toán dọn đường vất vả hơn. Đứng từ vị trí cây súc nằm, lắng tai nghe về hướng tiếng suối reo, thác reó để nhắm đường ngắn nhất, theo hướng chim bay mà dọn đường. Mỗi toán hai người. Hai chiếc rựa chém ngang chặt dọc, phạt hết những cây cối cản trở trên lối đi. Một con đường dã chiến rộng độ 2 mét bề ngang đủ để lát nữa đây "một con khủng long" sẽ được khiêng ngang. May mắn thì gặp đoạn đường toàn những cây nhỏ. Nếu ruỉ bị cây to chận đường thì phải né quanh, càng tăng thêm một phần vất vả. Dưới cơn mưa lúc to, lúc nhỏ, chúng tôi ước loi ngoi, rét run cầm cập. Có lúc bàn tay tê dại không kiểm soát được cây rựa. Dơ lên, chặt xuống, cây rựa sút khỏi bàn tay, bay vaò bụi rậm hoặc quật ngược vào chân. Mãi đến trưa,nghe chừng đói lắm, là khoảng 12 giờ đứng bóng. Đồng hồ bụng cũng chính xác không thua gì đồng hồ hai cửa sổ, không người lái. Chúng tôi tạm nghỉ để ăn trưa. Vội vội, vàng vàng nuốt lấy, nuốt để mấy củ khoai mì trộn lẫn với ít cơm lãnh từ sáng sớm đã lạnh ngắt, cho đầy bụng. Chúng tôi hôí hả chuyển những "ông khủng long" ra bờ suối. Dây cổ rùa được quấn quanh thân súc, chia đều thành năm quãng. Mỗi quãng hai người, xỏ đòn ngang để khiêng. Y như khiêng quan tài. Một người đi sau dùng đòn để bẫy tới. Giống hệt một con rít khổng lồ đang bò. Từng chút, từng chút một, chúng tôi lần lượt đưa cả 11"ông khủng long " ra tận bờ suối. Lên dốc, xuống đèo. Vấp ngã, xô vaò nhau. Thở hồng hộc. Dừng lại để nghỉ. Nhiều vực sâu,không khiên được,phải xúm nhau xô xuống. Theo triền dốc trơn trợt, bò xuống dọn đường khác, đi tiếp. Đường đi như có bôi mỡ, lại vấp ngã. Mình mẩy bê bết bùn đất. Chửi thề. Cãi lộn um trời. Reó tên thằng trơì đánh thánh vật ra mà chửi:

"Chính mi! Chính mi! Mày làm cho chúng tao khổ sở khốn nạn. Chính mi là thằng Cảnh Sát (CS). Tao giết mày!...."

Công việc hoàn tất thì trời bắt đầu sụp tối. Mỗi người lãnh một "ông" để cõng. Còn phải lo chặt cây, đẽo thành một mái dầm để chèo chống,lái " ông" đi. Đàng sau đuôi cây súc phải cột một sợi dây lái, thật dài, để lái qua những khúc thác uốn quanh đột ngột. Bấy giờ 11 "ông khủng long" trở thành một"phi đội khu trục", chờ giờ G "cất cánh". Theo lệnh tổ trưởng Đỗ Phương Anh, lần lượt từng "khu trục" ra "phi đạo". Mỗi chiếc "cất cánh" cách nhau vài mươi giây, để khỏi đụng nhau gây tai nạn chết người.

"Khu trục" số 1 lên đường! à- "Khu trục" số 2 lên đường......

Dây lái vừa được thaó ra khỏi cành cây trên bờ là khối súc băng băng theo dòng thác, trôi vùn vụt với tốc độ khủng khiếp, mang trên lưng thằng người bé tí tẹo, vưà chống,vưà chèo, hết bên phải, sang bên trái, vưà tránh những tảng đá nhô lên thình lình, giữ cho khối súc đi chính giưã lòng suối. Nếu không kịp trở tay, khối súc tấp vào bờ, chỗ những cây cổ thụ đổ ngã xuống thì chỉ còn nước khóc. Không có lực nào lôi nổi cây súc mắc kẹt trong lùm cây ra ngoài với sức nước đang réo ầm ầm, càng lúc càng đẩy sâu vào hốc kẹt. Cứ thế, chúng tôi mạnh ai giữ hồn nấy, điều khiển khối súc, cứ băng băng theo dòng suối mà đi. Lòng suối có khi rộng ra độ mươi thước thì còn dễ điều khiển. Có lúc hẹp lại chừng ba, bốn thước thì thật là nguy hiểm vô cùng. Những thân cây to kềnh càng đổ quặt xuống, nằm chắng ngang suối. Với tốc độ trôi của cây súc, chúng tôi ngồi ở trên, chỉ một cành cây gạt ngang cũng dễ chết như chơi.

Muà hè vừa rồi, xe be chở toán đi rừng chặt gỗ, một cành cây đã quất vào mặt bác sĩ Hà thúc Cù, chỉ huy trưởng Trung Tâm Hồi Lực Nha Trang, lấy đi một con mắt của ông.

Trên thì mưa tầm tã. Dưới thì nước bạc, lạnh như băng. Nhưng cái sợ, cái khủng khiếp từng phút, từng giây cận kề cái chết làm cho chúng tôi quên đi hết cái lạnh, cái run. Gặp những cây ngã trên lòng suối, chúng tôi nhảy xuống, lặn ẩn dưới thân cây súc tay nắm dây lái, chờ qua khỏi tàng cây thì thót lên, tiếp tục hành trình. Đáng sợ nhất là những buị tre rừng. Một lần bác sĩ Kỳ không kịp nhảy xuống, cây súc đâm vào giữa bụi tre, cành gai móc vào khắp người, một cái gai móc ngay lổ mũi. May mà hôm ấy sức nước không siết lắm. Bác sĩ Kỳ hai tay nắm cứng cành tre,miệng la làng cầu cứu chói loí. Thả tay ra để gỡ gai lổ mũi thì càng bị móc đau hơn bởi nước chảy làm cây súc xê dịch. Tấn thối lưỡng nan. Ra, vô, lên, xuống đều không được. Trời thì càng lúc càng tối. Chỉ một mình Lâm Giũ Hoà có đủ can đảm vào cưú Kỳ. Anh lặn một hơi vào giữa bụi tre nơi Kỳ mắc kẹt. Anh dặn Kỳ chịu đau một chút để anh chặt cành gai rồi ôm luôn cả cành tre lẫn người lặn sâu xuống nước, ra khỏi lùm tre, qua phía bờ bên kia để gở. Lần ấy Kỳ thoát hiểm nhưng có lẽ suốt đời Kỳ không quên kỷ niệm này.

Con suối vòng vèo chừng mươi cây số. Có lúc nó trải rộng ra thành con sông hiền hoà. Có lúc nó thắt lại rất hẹp ở những địa thế hiểm trở biến thành những cái thác hung dữ vô cùng. Gớm nhất là thác Trâu Đụng. Muà hè nó chỉ là một vũng nước sâu chừng ngang ngực. Từ bờ naỳ sang bờ kia chừng hai mươi thước. Hai bờ là hai triền dốc dựng đứng. Hằng ngày chúng tôi hai bận vác gỗ đi, về đều phải lội ngang. Tắm rửa, giặt giũ xong, chúng tôi nằm phơi nắng trên những tảng đá lớn như mặt bàn, tròn, méo, đủ hình dạng, nhô trên mặt nước. Trần truồng cả đám như những người tiền sử. Nằm ngửa, vắt chân chữ ngũ, mắt nhìn trời xanh, từng đợt mây trắng bay qua, tai nghe tiếng con chim "khó khăn, khăc phục" lập lại điệp khúc hằng ngày không mệt mỏi. Đứng xa nhìn vaò cảnh này, thật là thơ mộng, lãng mạn. Khác gì đời thái bình của mấy ông Trang Tử, Lão Tử! Vậy mà đến mùa mưa cái vũng nước này đột nhiên biến thành vùng tử thần. Nó giết người trong chớp mắt. Con thác đang hồi đổ dốc, nước cuồn cuộn, réo ầm ầm, thình lình quặt phải một góc chín chục độ. Nó xói dữ dội vaò vách nuíi đá, tung bọt trắng xoá, keó ra những đám bùn nhão làm nước trở nên đục ngầu, rồi dội ngược lại thành cái xoáy, quay tít như con vụ, tạo nên một lòng chảo, nhấn chìm mọi vật lọt vaò trong tâm điểm của nó. Nơi góc xoáy là một hang sâu thẳm đầy những rễ cây bị đánh gãy, chĩa ra tua tủa như những bàn chông.

Cái huyệt tử thần

.

Anh Trần Thái, tổ ba, là nạn nhân đầu tiên của nó. May mắn, ơn trên phù hộ, anh không chết. Nhưng cây súc lọt vào lòng chảo, dựng đứng, quăng anh lên cao, rớt xuống, bể ngực, hộc máu mũi, máu mồm. Nằm bệnh xá Vạn Ninh sáu tháng mới bình phục. Cây súc vẫn cứ dựng đứng như thế chờ đến mùa khô, lượng nước ít đi dần, sức nước yếu hẳn đi, nó mới từ từ ngã xuống. Lúc đó chúng tôi mới có thể keó đầu "ông" về trại.

Nhưng cái chua xót, uất ức nghẹn ngaò đã làm cho chúng tôi nhớ đời là thái độ và lời nói của tên Phó Giám thị Trần Rụ.

Khi anh em bẻ cây rừng làm cáng khiêng anh Thái về trại, tên Rụ từ Văn phòng chạy xuống trạm xá xem. Nó không hỏi han gì bệnh tình của nạn nhân mà chỉ hỏi về cây súc:

_Thế cây súc còn ở đấy không?
_Thưa còn đứng ở đó ạ !
_Thế thì tốt. Có thể mất mạng chứ không thể mất gỗ được!

Nhờ bài học xương máu đó, chúng tôi rút kinh nghiệm, học cách lái cây súc thế naò cho nó khỏi lọt vào vùng cấm địa.

Độ chừng hai trăm thước, cách thác Trâu Đụng, chúng tôi phải phóng xuống nước lội thật nhanh theo dòng thác chảy, tấp vaò bờ đối diện, một tay trì keó dây lái giữ không cho cây súc trôi tự do vào vào vùng nước xoáy, một tay bấu lấy những cành cây trên bờ để khỏi bị cây súc lôi theo. Cứ như thế, thật kéo leó, thật liều lĩnh, chúng tôi vừa buông cành này ra, chạy vài bước, chụp lấy cành cây khác để theo kịp cây súc đang trôi phăng phăng. Cây súc dần được hướng dẫn thoát qua ải tử thần. Diễn tả thì chậm. Nhưng mọi sự xẩy ra không đầy hai phút. Hai phút này lâu hơn hai thế kỷ. Mà nó cũng nhanh hơn hai sát-na. Vừa quành khỏi hiểm địa chúng tôi lại phóng ngay xuống nước, bơi sải đến cây súc, leo lên chèo chống cho nó đi thẳng. Nếu không kịp nó trôi ngang mắc kẹt giưã hai tảng đá thì toi công ngày hôm ấy. Hoặc nó lủi vào bờ, đâm vào một bụi rậm um tùm, nằm cứng ngắt ở đó, thì cũng khốn nạn với nó hàng giờ, nhờ cả tổ xúm vào keó đầu. Anh em lại có dịp chửi rủa, xả bớt cái căng thẳng, cái uất hận đè nén trong lòng. Qua khỏi thác Trâu Đụng chúng tôi đã thâu ngắn được nưã đọan đường. Điểm sắp đến là một đập nước. Nơi tạm dừng để nghỉ ngơi, ăn chiều, lấy lại sức. Tại đây, anh Sung đã đốt sẳn một đống lửa to. Những khối súc được cột cẩn thận vào những gốc cây to, nằm yên vị, hiền lành, ngoan ngoãn như những con khủng long đang say ngủ. Chúng tôi bấy giờ mới thực sự thấy cái lạnh ứ đọng từ sáng đến giờ bùng vỡ ra. Ai nấy cũng run lên bần bật. Hai môi tím ngắt. Hai bàn tay trắng bệt, những ngón tay, da nhăn nheo, xếp lại thành từng lằn run lẩy bẩy. Hai ống chân, hai đầu gối đánh vaò nhau, đi chệch choạng muốn té. Hàm răng đánh lập cập liên hồi. Anh Sung trao cho chúng tôi những chiếc aó khô để choàng vào người. Cả bọn quay xung quanh đống lửa, giơ hai bàn tay vaò lửa để hơ cho ấm. Mỗi người một điếu thuốc rê, châm lửa, hít lấy, hít để cho ấm phổi, ấm bụng. Đỗ Phương Anh, Võ Văn Thạnh bấy giờ mới có thì giờ thaó đôi kính dày cộm ra lau bùn. Dây cổ rùa nối hai gọng kính, vòng ra sau ót để giữ cho kính khỏi rớt dọc đường, siết chặt hai mang tai, hằn sâu xuống như hai vết chém. Hai đôi mắt không kính, lờ đờ như người mất hồn. Anh người Thượng, Man Tin, lầu bầu chửi thề liên tục:

"Đ.M Bác Hồ ác quá, nói đi học tập mà không thấy phát sách vở. Ngày nào cũng bắt lên rừng khiêng cây, bè gỗ. Đ.M Bác Hồ ác quá!"

Độ nưã giờ sau, chúng tôi ấm lại, đem một nữa phần ăn còn lại ra ăn, hút thêm một điếu thuốc nưã, rồi vội vã lên đường. Bây giờ thi ai cũng ngại xuống nước. Đang ở chổ ấm cúng, bỗng nhiên nhảy xuống nước lạnh như cắt thịt cắt da, ai mà không ớn? Nhưng thân tù tội làm sao mà cưỡng được? Tổ trưởng Đỗ Phương Anh, cái thân ốm nhom không đầy 40 ký lô, lại một lần nữa xuống nước trước để làm gương. Đoạn đường từ đây về trại tuy còn xa nhưng sức nước đã yếu dần. Chỉ ngại lúc xuống nước. Giống như người lính ra trận ngại lãnh viên đạn đầu tiên, sau đó thì chấp hết. Đỗ Phương Anh tháo dây lái ra khỏi gốc cây, quay lại dặn anh em:

"Mỗi người cách xa nhau 30 giây! Nhớ nghe!"

Rồi anh ra lệnh cho chính mình:

"Khu trục số 1 xuất phát!"

Veò một cái, cây súc được đẩy ra khỏi bờ đập đã phăng phăng trôi mất tiêu. Như lúc ban đầu buổi sáng, chúng tôi bậm gan nhảy xuống nước, lần lượt số 2, số 3.... xuất phát. Lâm Giũ Hoà, tổ phó, ôm hai khối súc một lúc đi sau chót.

Cũng cần nói về "thầy Sung" một chút, nếu không thì e thiếu sót. Có khi bị hiểu lầm là ai cũng khổ, chỉ có mình "cha Sung" là sướng mà thôi.

Như đã nói ở trên, vì không biết bơi nên được miễn xuống nước, Sung phải tay xách nách mang hết mọi thứ đồ lề lỉnh kỉnh của anh em, chạy bộ trên bờ. Phải đến chỗ các điểm dừng chân, trước anh em. Chuẩn bị sẳn sàng đống lửa. Quấn sẳn những điếu thuốc rê. Gặp ngày tạnh hay nắng ráo thì đỡ khổ. Trúng ngày mưa dầm Sung chạy trơn trợt, té lên, té xuống. Đầu cổ mình mẩy đầy bùn đất. Vẫn cứ chạy. Phải đến trước anh em. Khổ nổi củi khô tìm đâu cho ra? Loay hoay hết cả xăng cái bật lửa Zippo mà đám lá làm mồi vẫn không bén được lửa. Khói um lên dầy đặc. Nước mắt nước mũi ràn rụa. Khóc như cha chết. Hai bàn tay ướt nhẹp run lẩy bẩy vì lạnh. Quấn điếu thuốc nào cũng rách bươm, bùng xè. Những lúc như thế Sung trân mình để anh em sỉ vả. Sung cũng ân hận, thấy mình cũng có lỗi với anh em, trước những nỗi hiểm nguy vưà trải qua, cái lạnh lẽo và mệt nhọc của anh em suốt một đoạn đường dài. Oan mà không cãi được, phân trần được. Bởi ai cũng thấy, cũng rõ sự việc cả . Không ai taì thánh naò nhóm được bếp lữa giữa rừng trong những ngày mưa dầm như trút nước được. Chẳng qua tại khổ như chó, như súc vật cả, nên có cơ hội chửi rủa cho hả cái bệnh trầm uất mà thôi. Chẳng nhằm vào bạn bè, những người cùng thảm cảnh như nhau.

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có những giờ an nhàn, lạc thú ở cái đập nước này, trong những ngày đột nhiên mưa tạnh, nắng ấm.

Đập rộng chừng hai mẫu tây. Mặt nước phẳng lặng như gương. Hoa sung mọc quanh đập, rụng tím cả mặt nước. Ánh nắng nhảy nhót trên những cánh hoa đọng nước, trông như những viên kim cương lấp loé... Nho rừng leo quanh khắp nơi, thòng những chùm trái đen, đung đưa trên mặt nước. Chúng tôi ngồi trên thân súc, bơi nhẹ nhàng giữa màu tím hoa sung đi hái nho. Màu tím rẽ sang hai bên, nhường chỗ cho thuyền lướt tới rồi lại nhẹ nhàng khép lại đằng sau. Tiếng ai đó vang trên mặt hồ mấy câu thơ bài "MÀU TÍM HOA SIM" của Hữu Loan nghe buồn da diết.

.....Những chiều hành quân, qua những đồi hoa sim,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết,
Màu tím hoa sim, tím chiều hoang biền biệt......

Chúng tôi mê say bứt những chùm nho đầy cả hai vạt aó. Vị nho chua chua, ngọt ngọt. Ăn hơi ngứa miệng. Chúng tôi đem về bỏ vào ống bô giả dập , hoà thêm ít đường đen, ủ vài ngày, lên men thành rượu nho. Cũng có vài anh em vào rừng tìm nấm mèo. Sau mưa lại nắng, nấm mèo mọc rộ lên từ những cây gỗ mục. Những tai nấm đỏ hồng to bằng bàn tay, nằm lồ lộ, lấp lánh dưới những tia nắng chiều xuyên thủng rừng cây, rọi xuống. Được ngày nắng tốt như thế anh em chúng tôi trúng mánh, có thêm cái ăn. Gọi là cải thiện. Ở trong vòng "tù cải tạo", cải thiện có nghĩa là ăn cắp. Lén "thuổng" dăm quả cà, trái bí, vài trái bắp non để thêm vào bửa ăn quá ít ỏi, chữ "cách mạng" gọi là cải thiện. Ngoài những anh đi cải thiện, những anh khác nằm phơi nắng trên bờ đập trông như những con cá khô, đang lim dim tìm một giấc ngủ ngắn. Riêng một mình bác sĩ Trân, truồng ngồng ngồng, chấp hai tay sau đít, đi đi, lại lại trên bờ đập phiá bên kia, mặt đâm chiêu như một triết gia đang nghiền ngẫm một chân lý! Anh đang nghĩ ngợi gì trong đầu? Một kế hoạch trốn trại chăng?(Quả thật, khi chúng tôi bị chuyển ra A 30, anh được chuyển lên trại Đồng Găng để đảm nhiệm một trạm xá ở đó. Anh đã vượt trại và trốn được). Thỉnh thoảng có tiếng chọc phá anh người Thượng vang lên :

"Buồn quá! Hát nghe chơi Man Tin"

Tiếng Man Tin cất lên:

"Cùng mắc voõng trên rừng Trường Sơn...."

Cả tiếng cươì rộ lên, làm xao động không gian im ắng một lúc, rồi chìm khuất. Lần nào cũng vậy. Y hệt. Cứ có yêu cầu là Man Tin cất tiếng: "Cùng mắc voõng ...." Với cái giọng lơ lớ, với một bài duy nhất, một vaì câu chấp vá, Man Tin giúp cho chúng tôi những tràn cười vui vẻ. Anh cũng nhe răng cười mà không hiểu vì sao cả đám lại cười.

Chẳng là những ngày đầu mới đưa đám tù lên Đá Bàn, trại chỉ là một khu rừng, chúng tôi đêm phải ngủ ngoài trời. Trại tập trung hết đám tù quanh đống lửa to gọi là "sinh hoạt trại". Lão Luân, Trưởng trại, hàm Trung Uý, với đầy đủ nét đặc thù của một cán sinh miền Bắc, răng hô, môi thâm, bắt đầu đêm sinh hoạt. Vẫn cái kiểu ba hoa xích thố về thiên đường Cộng Sản sắp với tới được như bất cứ anh cán bộ nào mở miệng nói được. Hết quanh quẩn ca tụng chế độ Cộng Sản ưu việt, lại quay sang sỉ nhục những "cải taọ viên" bằng những lơì lẽ thô bỉ, hạ cấp. Đại loại như:

"Chúng mày ôm chân Đế quốc Mỹ...", "Có nợ máu với nhân dân... đáng lẽ đem bắn bỏ, nhưng phí đạn. Cách mạng với chính sách khoan hồng, đánh người chạy đi, không đánh người chạy lại..."

Khi nhìn lại đám tù, thấy đa số đã gục đầu xuống hai đầu gối, hoặc ngã dựa vào nhau ngủ, lão ngưng ba hoa và bắt mọi người hát để lấy khí thế. Laõ hô hào nhiều lần mà đám tù vẫn im lặng bởi không ai biết những bài "cách mạng" cả. Đêm đầu, chúng tôi hát bài "Giải phóng miền Nam":

"Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến tới...."

Mới được mấy câu, lão đã ra lệnh ngưng và mắng sa sả:

"Miền Nam giải phóng rồi, còn giải gì nữa mà hát! Mấy anh xỏ lá hở? Đánh chết cái nết không chừa! Nguỵ các anh là chúa bố láo."

Từ đó bài "giải phóng....." bị cấm tiệt. Cuối cùng, không biết ai mách nước, Man Tin được chỉ định. Anh người Thượng phân trần là chỉ biết có mấy câu bài " Trường Sơn đông, Trường Sơn tây " thôi. Lão Tuân mừng quá, kêu lên:

"Thế là tốt! Tốt! Tốt!"

Xong, lão ra lệnh cho Man Tin dạy cả đám tù hát. Man Tin nói tiếng Việt lơ lớ, không phát âm được tiếng "võng" nên mỗi khi Man Tin bắt đầu bằng: "Cùng mắc voõng.... hai...ba....." là cả trại cùng cười ồ lên. Lâu quen dần. Cũng vẫn mấy câu đầu. Gần hai năm sau, khi chuyển trại ra A 30, chúng tôi vẫn chưa thuộc hết bài hát.

Mặt trời vừa sụp sau rừng cây, tuy mới bốn giờ mà đã thấy tối. Chúng tôi tách khỏi dòng suối, đưa súc vào đường mương để về trại. Mương đào, bề ngang chừng bốn thước, sâu hai thước, dẫn nước từ Hòn Dù-Đá Bàn Thượng về tận Vạn Ninh để tưới ruộng dướí đồng bằng. Hai bên bờ mương, cây con, cỏ dại mọc um tùm, cành lá xà xuống mặt nước, che khuất gần nữa lòng mương. Dòng nước chảy yếu không đủ sức đẩy khối súc nặng đi. Chúng tôi phải xuống nước để kéo. Keó súc theo đường mương dễ dàng, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nổi khổ cũng không kém phần. Khi trên dòng thác cuốn, chúng tôi ngồi trên thân súc để chèo chống, chỉ bị ướt phần dưới nên đỡ lạnh. Bây giờ chúng tôi phải ngâm mình trong nước bạc suốt mấy tiếng đồng hồ để keó súc. Chỗ cạn ngang ngực còn đỡ. Những chỗ sâu phải lút đầu, vừa bơi vừa keó rất mất sức. Còn một cái đáng sợ nưã là : những thân cây mục nằm ngỗn ngang dưới lòng mương, giơ ra những lõi cây nhọn hoắt bén như dao lúc nào cũng chờ chém hay đâm những ống chân lạnh buốt, tê cứng của chúng tôi. Phải khéo léo và may mắn nưã, chúng tôi mới thoát được một ngày đi bè bình an, không trầy vi, tróc vẩy. Không phải ngày naò cũng gặp may. Qua mùa bè súc, ai cũng đều bị xây xát. Vết trầy, vết cứa khắp thân người. Một lần, tôi vấp vaò một gốc cây dưới lòng mương. Nghe thấy nhói đau ở đầu ngón cái, chân phải, nhưng không có thì giờ leo lên bờ xem nó bị gì. Lúc di chuyển có cảm giác cái gì đó cứ phập phà, phập phờ khó chịu ở đầu ngón chân. Về đến bến mới biết móng chân đã tróc ra. Chân móng còn dính ít thịt nên chưa rớt ra hẳn, móng dưng đứng lên, lật tới lật lui theo bước chân đi. Ngâm trong nước suốt ngày, móng tay móng chân mền oặc ra như bánh tráng, rất dễ bị bong. Phải lấy keó cắt bỏ và quấn ngón chân lại bằng giẻ. Chẳng thuốc men gì. Mấy tháng sau cũng lành. Thành cái móng non sứt sẹo.

Trời càng về chiều mưa càng lớn. Bảy giờ tối mới về đến bến trại. Chúng tôi buộc tất cả súc vaò những cây cọc trên bến trại xong là kiệt sức. Vưà đói quay quắt vừa lạnh run lẩy bẩy. Đội tiếp tế cho anh em chúng tôi những gàu nước nóng để xối khắp thân ngươì từ đầu đến chân, lấy hơi ấm. Tính ra từ sáng đến giờ chúng tôi dầm mình trong mưa lũ, nước bạc suốt 13 tiếng đồng hồ để lao động tích cực, làm ra của cải vật chất cho Xã Hội Chủ Nghĩa.

"Lao động là vinh quang". Tổ bốn chúng tôi đã vượt qua được một ngaỳ từ chốn âm ty trở về. Ngày mai đến phiên tổ một lên đưòng thay chúng tôi, tiếp tục tìm của cải ở nơi địa ngục trần gian, mang về cho xã hội. Những "cải tạo viên" như Bác sĩ Oánh, Bác sĩ HỒng, Bác sĩ Thái, Giáo sư Lự, Giáo sư Tánh, Kỹ sư nông lâm Súc Đôn, Thanh Tra Tiểu học Khánh Hoà Tri.... Rồi tổ hai, tổ ba sẽ tiếp tục... Rồi lại đến phiên tổ bốn chúng tôi lên đường... Đội "bè gỗ" gồm hơn 40 bác sĩ, kỹ sư, giáo sư ở dạng biệt phái bị liệt vào tổ chức C.I.A của đế quốc Mỹ, hằng ngaỳ phải "lên rừng kiếm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai " dâng lên "Đảng" để chuộc "nợ máu" với nhân dân.

Đoạn kết.



Muà mưa còn lâu. Những bốn tháng nưã. Chúng tôi còn hơn 120 ngày như thế để " lao động vinh quang". Nhà thơ "nhớn" miền Bắc, Hoàng Trung Thông, một đời theo "Đảng" nhe hàm răng hô ra, nói láo rằng:

"Bàn tay ta làm nên tất cả
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm"

để phỉnh gạt nhân dân miền Bắc, bây giờ luôn cả dân miền Nam, dại dột cắm cổ đi "lao động", moi sỏi và đá lên ăn thay cơm.

Phải, để biến sỏi đá thành cơm, "chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa", của "Đảng" và "Bác" đã không ngần ngại biến con người thành súc vật để đạt được mục đích ấy!

"Bác" đã chẳng dạy rằng: Con người là "vốn" (liếng) quý đó sao?

Những ngày không đi bè, chúng tôi cùng anh em trong trại cuốc đất phá núi, san đồi để làm lán ở, làm doanh trại cho cán bộ. Những cây súc được toán thợ cưa trong trại dựng "mà" xẻ ra từng tấm, dày từ hai đến bốn phân.

Những tấm ván xẻ từ cây hương, cây gõ, thịt đỏ au. Máu chúng tôi đã thấm vào đó. Ván gỗ bằng lăng trắng phau phau như màu xương chúng tôi đã lộ ra khi bị thương nát da, té thịt trong lúc đi bè.

Nhìn đám cán bộ, từ tên Trưởng trại xuống đến mấy tay công an baỏ vệ, đứng chỉ trỏ khối gỗ vưà xẻ ra, giành nhau xí phần để làm tủ, làm bàn, llàm giường cho mình, chúng tôi càng hiểu thêm cái "ưu việt" của chế độ xã h,ội chủ nghĩa. Và càng hiểu rõ vì sao chế độ miền Bắc đã chịu hy sinh biết bao nhiêu xương máu của hằng trăm ngàn cán binh, suốt ba mươi năm trời đằng đẳng, để chiếm cho được miền Nam, mà "Bác" luôn gọi cho đến chết là "miền Nam ruột thịt".

Trưởng trại Tuân búng tay, gọi tù trưởng Chín Luân(còn gọi là Chín Đen vì hắn đen như lọ chảo, một Xã trưởng, ngày xưa ở huyệb Vạn Ninh, nay được phong chức tù trưởng, ác ôn với chính anh em mình), ra lệnh:

"Tôi muốn có một bộ xa-lông thẻ, bằng gỗ trắc cẩm lai! Anh baỏ chúng nó phải tìm cho tôi đúng gỗ trắc nhé."

Chín Luân vâng dạ luôn miệng, còn tâng bốc thêm :

"Dạ thưa Ông Giám thị Trưởng, xa lông làm bằng gỗ trắc cẩm lai có vân đủ màu, đủ hình thù, đẹp lắm. Tui biểu là tụi nó phải tìm cho ra. "

Quay sang chúng tôi, Chín Luân ra lệnh lại cho đội bè súc thi hành.

Chúng tôi sẽ phải vaò chốn rừng sâu, núi thẳm để tìm cho ra gỗ trắc.

"Phải! Phải đúng là "trắc cật"!

Nguyễn Thanh Ty



Trích từ sách viết "Chuyện Người Tù Cải Tạo" trang 321-337 tập I năm 2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn