BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng 4-75 tại Sư Đoàn V Không Quân TSN

08 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1793)
Tháng 4-75 tại Sư Đoàn V Không Quân TSN
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42
Mất tiền của là mất ít
Mất danh dự là mất nhiều
Mất can đảm là mất tất cả

(Goethe)

Trưa nay, mồng 1 tháng tư 1975, Đại Tá Phước sau buổi thuyết trình tại trường CH và TM tại Tân sơn Nhất đã trở về Nha trang trên chiếc T-41 Skyhawk của TTHL Nha trang thì tôi được tin căn cứ Nha Trang bắt đầu di tản, gia đình Mệ là một gia đình lớn rất đông người không biết có chuẩn bị kịp thời không?

Chiều tối xe của hậu trạm mới chở thân quyến của Mệ tới, tôi đã chuẩn bị một số phòng dành cho những thuyết trình viên thượng khách để gia đình Mệ tạm trú, riêng Mệ đã phải trải qua một đêm tại Phan Rang để tìm kiếm tin tức gia đình . Tôi mường tượng tới những gì đã xảy ra tại Đà Nẵng mà ái ngại cho những người đang giành nhau để lên phi cơ... Sáng hôm sau Chuẩn Tướng Oánh và Đại Tá Lý Bá Phẩm, tỉnh trưởng Nha Trang, mới lên chuyến phi cơ cuối cùng rời Nha Trang sau khi hoàn tất tốt đẹp việc di tản, giọng nói của Chuẩn Tướng Oánh khản đặc vì suốt một đêm phải điều động các đơn vị di tản trong vòng trật tự, sự hiện diện của cấp chỉ huy trong lúc khẩn cấp đã củng cố được niềm tin cũng như nâng cao tinh thần của thuộc cấp, nên công cuộc di tản được hoàn tất như đã dự trù không hỗn loạn như tại Đà Nẵng.

Những ngày tiếp theo, những nhân viên thuộc TTHLKQ lần lượt tới trình diện tại Trường Kỹ Thuật một đơn vị biệt phái của TTHLKQ tại TSN, các trưởng phần sở tiếp tục hoạt động cầm chừng trong khi chờ đợi tình hình sáng sủa hơn.



Riêng trường CH và TM Trung cấp KQ vẫn tiếp tục công tác huấn luyện như thường ngày, Chuẩn Tướng CHT/TTHLKQ đến dự khán buổi thực tập Dự án X vào mỗi sáng thứ năm trên bãi tập gần cổng Phi Long, lúc này tình hình chiến sự biến chuyển mau chóng cùng với những tin đồn, nhất là về việc vợ con các hoa tiêu khu trục được ưu tiên di tản đã làm tinh thần các học viên sa-sút trầm trọng, tôi điện thoại hỏi BTLKQ thì được lệnh cho phép các hoa tiêu khu trục trở về đơn vị nhận chỉ thị.

Vào buổi sáng ngày 8-4 những tiếng nổ làm rung chuyển mặt đất khiến mọi người bàng hoàng, một lát thì có tin là một phi cơ F5 đã ném bom vào dinh Độc Lập, phòng Tài Chánh phát lương sớm, đài BBC loan tin Quốc Hội Mỹ cúp viện trợ quân sự cùng với tin tức chiến sự càng làm mọi người hoang mang, khu gia binh trong căn cứ đông nghẹt những thân bằng quyến thuộc từ mọi nơi cũng như ngay tại Sai Gòn xin tá túc để tiện việc ra đi. Buổi tối khu này biến thành khu ăn nhậu đèn điện sáng choang, âm nhạc ầm ĩ như là người ta cố quên đi những gì đã, đang và sẽ xảy ra ...

Ngày 21-4 đài truyền hình phát đi buổi từ chức của Tổng Thống Thiệu, tôi nhớ mãi hình ảnh Tổng Thống Thiệu tay giơ lên chiếc phong bì, thơ của Tổng Thống Nixon cam kết riêng với Tổng Thống Thiệu về việc giúp đỡ VNCH chống lại sự bành trướng của CNCS, để tố cáo sự không tôn trọng lời hứa của một nước Đồng Minh, và lời tuyên bố: " từ nay quân đội có thêm một tướng lãnh", sau đó là Tướng Cao văn Viên lên tuyên bố "nhiệm vụ của quân đội vẫn là bảo vệ Tổ quốc".

Hôm sau , những người Mỹ bắt đầu di tản cùng với những nhân viên VN và gia đình , những cột khói lớn bắt đầu xuất hiện ở phía Đông nơi cửa ngõ của Sài gòn.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 28, bỗng nhiên nhiều tiếng nổ phát ra từ phía sân bay và 5 chiếc phản lực A37 nhào lên nhào xuống thả bom vào phi đạo, mọi người nhớn nhác có tin cho rằng một số hoa tiêu của ta đã phản đối sự di tản nên đã phá hủy đường bay..., sau đó một phi tuần F5 xuất hiện bay lòng vòng quanh TSN, chiều tối có tin Tướng Dương văn Minh lên thay thế Tổng Thống Hương, tôi bắt đầu lo tìm cách để có thể đưa gia đình của nhân viên trong trường và tôi cùng đi, và cũng do lối tuyên truyền rỉ tai tôi lên BTLKQ để gặp Trung Tá Đỗ văn Ri thì thấy văn phòng vắng lặng, tôi lủi thủi đi xuống cầu thang ra cửa, thấy bộ mặt thất vọng của tôi, người Quân cảnh đứng gác nói nhỏ:" Đại Tá muốn gặp Trung Tá Ri thì hãy đến nhà riêng bên khu Huỳnh hữu Bạc", tôi cám ơn anh QC tốt bụng và điều làm tôi ngạc nhiên khi tới nhà Trung Tá Ri là phòng khách đã biến thành phòng làm việc giấy tờ bừa bãi, tôi thấy một số bạn bè người đứng người ngồi chờ đợi, điện thoại reo liên hồi, Trung Tá Ri nhận chỉ thị và chuyển những tin tức bằng những mật mã mà chỉ có những người liên hệ mới hiểu nổi, rồi từng người lần lượt ra đí, đến lượt tôi , ông đưa mảnh giấy bảo điền tên các gia đình vào rồi sẽ cho biết sau, tôi cảm thấy có gì không ổn theo kiểu cách làm việc nửa kín nửa hở như thế này. Mệ là con người biết lo xa đã dặn dò tôi:" anh phải giữ chiếc xe Jeep để lúc cần có phương tiện mà di chuyển", buổi chiều Trung Tá Nguyễn trắc Yên, sĩ quan huấn luyện đến mượn chiếc xe Jeep để đưa gia đình vào trạm tiếp liên, tôi không thể từ chối nên lúc Mệ gọi điện thoại cho tôi khoảng 11 giờ khuya đem gia đình ra trạm tiếp liên để đi Côn sơn, tôi đành phải thúc thủ chờ vì Trung Tá Yên chưa trả xe. Khoảng 1 giờ sáng, loạt pháo đầu tiên của VC bắt đầu dội vào TSN, khu nhà của nữ quân nhân bốc cháy dữ dội, điện bị cắt, trong nhà tối thui, căn phòng rung lên từng chập theo nhịp độ pháo 130 m/m bắn từ Nhơn Trạch gần Long Thành và từ Cát Lái, hơn 300 quả pháo đã bắn vào TSN trong đêm 28 rạng ngày 29 tháng tư, tiếng đổ vỡ loảng xoảng trong nhà, cháu trai lớn của tôi bị thương nơi đầu do một mảnh gương văng phải, Thiếu Tá Minh ( Minh chè) ở gần đó chạy sang và giúp gia đình tôi đem các cháu chạy bộ vào Trường CH và TM gần đó để tránh đạn vì nhà trường được xây cất kiên cố để chịu đựng những cuộc pháo kích, ngay trước cổng trường xác của người Quân cảnh giữ an ninh cho doanh trại của ủy ban hỗn hợp 4 bên, nằm chình ình giữa mặt đường, trong khi đó một binh sĩ mất bình tĩnh la hét ầm ĩ, ôm súng lăn lộn trên vỉa hè, anh ta sợ quá nên phát điên.

Trong văn phòng làm việc của tôi nhờ hệ thống dây điện ngầm nên vẫn có điện sáng, Đại Tá Phan quang Phúc cũng tới gặp tôi, hai anh em ngồi chịu trận để chờ trời sáng, mỗi lần nghe tiếng nổ và rung nhẹ của hàng loạt pháo bắn đi từ xa vang lại là chúng tôi lại nhìn nhau hồi hộp để chờ những tiếng nổ xé trời làm rung chuyển mặt đất của những loạt đạn đến vì chẳng biết chúng sẽ rơi vào đâu. Đại Tá Phúc than phiền: "Đúng là anh em mình đang nằm trong cái rọ!", còn tôi thì vẫn mang một triết lý trong thời chiến là sau khi đã thực thi những biện pháp an toàn thì đạn nó né mình, nếu chẳng may mình lãnh đủ thì cũng không còn thì giờ để mà ân hận. Tôi rất ưa thích bản tính bộc trực tiêu biểu cho người miền Nam của Đại Tá Phúc, chúng tôi đã quen biết nhau từ hồi cùng phục vụ tại PĐ1QS từ năm 1956 , chúng tôi thường gọi anh là Phúc "Gogo", vì anh có một chiếc xe scooter do trúng số độc đắc, hiệu Gogo rất ít thấy trên thị trường, và cũng để phân biệt anh với những anh Phúc khác trong KQ như Phúc Philippe, Phúc De La Roquette, Phúc vẹo.. .anh còn một biệt danh nữa mà chỉ những bạn thật thân quen mới dám gọi là" Phúc hạt mít", bởi lẽ thân hình anh tròn trịa như hạt mít, nhưng tên gọi thân thương nhất mà anh em vẫn thường gọi anh là anh Năm Phúc hay là anh Năm. Gia đình anh đã được di tản từ tuần trước, nhưng với cương vị TLP Sư đoàn 2 KQ anh đã ở lại đến giờ phút cuối cùng và tôi lại ngỡ ngàng khi gặp anh trong trại cải tạo, tưởng rằng anh có những điều kiện để ra đi một cách dễ dàng hơn những người khác.

Mờ mờ sáng hôm sau đứng trước cổng trường CH và TM, nhìn về phía nhà thờ qua làn sương mù xen lẫn khói của đạn pháo, tôi thấy ẩn hiện những bóng người thất thểu đi về phía cổng Huỳnh hữu Bạc, khi mặt trời sáng rõ con đường chạy từ đài radar đến cổng BTLKQ bắt đầu rộn rịp đủ những loại xe chạy tới lui. Trên không trung một chiếc AC119 Hỏa Long đang tiếp tục nhả đạn xuống vòng đai phi trường, tôi đang nhìn theo với lòng cảm phục tinh thần chiến đâu của phi hành đoàn đang thi hành nhiệm vụ được giao phó thì một phi đạn địa không xịt khói màu da cam đâm thẳng vào phía sau chiếc Hỏa Long đang ở cao độ khoảng 1,000 bộ, cánh trái gẫy rời khỏi thân phi cơ từ từ rơi xuống lạng qua lạng lại như một chiếc lá khô, còn chiếc phi cơ thì vừa xoáy vòng vừa đâm thẳng xuống mặt đất, tấn thảm kịch chỉ diễn ra trong vài giây tôi nghĩ không một ai sống sót. Tôi buồn bã quay vào vừa lúc Trung Tá Yên mang xe Jeep vào trả và hối hả đi ra khỏi bằng xe Mini Lambretta của anh, một số hoa tiêu A37 và F5 được tập họp tại BCH Không Chiến theo lệnh của Đại Tá Vũ văn Ước, một lát sau mọi người lên xe ra đi, sau cùng tôi thấy Đại Tá Ước lên chiếc sedan của KQ, ông nói với tôi là sang bên Nhảy dù họp., một HSQ phóng xe qua nói vọng với tôi:" Ở bên BTL người ta đi hết cả rồí, Đại Tá còn đứng đấy làm gì?", một chiếc xe “hai ngựa” màu hồng của bác sĩ Phạm gia Lữ chạy qua về phía BTLKQ.



Trở lại văn phòng, tôi gặp Thiếu Tá Lưu huy Cảnh và Phạm Quý Bình , tôi giục họ nên tìm cách đi ngay vì bên ngoài đã bắt đầu có tiếng súng nhỏ vọng lại, tôi lái xe sang bên BTLKQ thì thấy vắng lặng, trên sân cờ xe cộ vất ngổn ngang, từng cơn gió hất tung những giấy tờ vất bừa bãi, tôi thấy chiếc xe VW màu đỏ kiểu sport rât đẹp của một sĩ quan Quân báo cánh cửa mở tung. Tôi vội vã trở lại Trường cho phép những nhân viên còn ở lại hãy trở về nhà theo dõi tình hình mà tùy cơ ứng biến, trong số này còn gia đình Thiếu Tá Phụng và gia đình Thiếu Tá Hưng, tình hình trong căn cứ có vẻ bất an vì các binh sĩ Quân cảnh bắn súng bừa bải nên tôi cho tài xế chở gia đình tôi tạm lánh ra nhà bà chị ngoài phố.

Tôi đi kiểm soát lại các phòng sở, lớp hội thảo, giảng đường, tất cả đều chìm trong một sự im lặng lạ thường, anh tài xế đã trở lại báo cáo ngoài phố rất là hỗn loạn, tôi nghĩ ở lại trong căn cứ cũng không ích gì nên lên xe cùng tài xế đi ra phía cổng Lăng Cha Cả, trên người tôi chỉ có một áo bay mũ ca lô và giây đeo súng P38, anh tài xế có một khẩu AR15, tôi gặp một vài anh Quân cảnh mặt mũi hung dữ đòi giữ xe tôi lại và hỏi một cách vô lễ: “ Bây giờ các đàn anh bỏ rơi đàn em phải không ?" và họ bắn từng tràng tiểu liên lên không như để giải tỏa nỗi uất ức và thất vọng. Tôi phải trả lời là nếu tôi bỏ các anh em thì tôi đã đi rồi, bây giờ các anh kéo dây kẽm gai ra để tôi sang Bộ Tổng Tham Mưu nhận chỉ thị.

Ra khỏi TSN điều làm tôi ngạc nhiên là trên đường phố gần phi trường sao nhiều dây kẽm gai kéo ngang đường thế, xe Jeep muốn vượt qua chỉ còn cách leo lên lề và thay vì bấm còi để qua những đám đông người thì cứ bắn một tràng AR15 lên không là có lối đi ngay, sau lưng tôi những cột khói đen bốc cao trong phi trường như chào vĩnh biệt, trên không những phi tuần khu trục cơ của hạm đội Mỹ bay bảo vệ cho những trực thăng đang di tản những nhân viên của chính phủ Mỹ theo yêu cầu của Tổng thống Dương văn Minh trên đài phát thanh là phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Suốt đêm , trong căn phòng nhỏ nơi gia đình tôi tạm trú trên đường Tự Đức gần tòa Đại sứ Hoa kỳ, tiếng trực thăng xen lẫn tiếng nhạc của đài FM Mỹ phát ra để hướng dẫn trực thăng Mỹ làm homing vào tòa Đại sứ Mỹ cho đến 6 giờ sáng ngày 30 tháng tư thì cuộc di tản bằng trực thăng chấm dứt. Đài phát thanh Sài gòn thỉnh thoảng lại phát đi những chỉ thị của Tổng thống, nào là Tướng Vĩnh Lộc hiện là Tham mưu trưởng của quân đội, tướng Nguyễn Hữu Tần là tân tư lệnh KQ, quân nhân các cấp phải trình diện ngay Bộ TTM, tôi tới nhà Thiếu Tá Đoàn Hựu để cùng nhau lên Bộ TTM trình diện thì bỗng nghe trên trên đài phát thanh lời tuyên bố của Tổng Thống Dương văn Minh : " Người anh em bên kia hãy ngưng bắn..." , thôi thế là tan hàng rồi, tôi trở về nhà và giữ thái độ chờ xem.

Khoảng gần trưa, tiếng xích của xe tăng VC vang trên đường phố và những người mang băng đỏ trên cánh tay, những người theo đóm ăn tàn được mệnh danh là "cách mạng 30 tháng tư", bắt đầu xuất hiện cùng với những lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Giải phóng.

Dân chúng đổ xô ra đường để xem những đoàn quân giải phóng đang ngơ ngác tiến vào thành phố, phần lớn họ rất trẻ và có vẻ bàng hoàng như vừa qua một giấc mơ, đồng bào nhìn họ bằng đôi mắt tò mò, thỉnh thoảng một vài đôi bàn tay lạc lõng đưa lên vẫy chào khác hẳn với tình cảm mến thương của toàn dân hồi tháng tám năm 45 khi đoàn quân giải phóng từ chiến khu Việt Bắc "Đoàn quân đi giữa sóng mến thương bao người trìu mến" tiến vào thành phố giữa những tiếng hoan hô vang dậy hòa lẫn những khúc nhạc quân hành của thời kháng chiến, bây giờ thì chỉ nghe tiếng tiếng máy nổ của từng đoàn xe Molotova thô kệch xen lẫn tiếng xích sắt rợn người đang nghiến trên mặt đường của những chiến xa T54 cùng mùi xăng khét lẹt tỏa trên đường phố.

Những ngày sau, tôi đi lang thang trên khắp đường phố quan sát tình hình, cả một hệ thống loa phát thanh được đặt ra khắp nơi, thỉnh thoảng lại phát ra những chỉ thị thường thường bắt đầu bằng câu :" Lưu ý đồng bàọ..." và âm điệu của bản nhạc Giải phóng miền Nam cùng với bản Tiến về Thành Đô luôn là nhạc nền nghe phát rùng mình.

Dấu vết của sự tháo chạy còn được thấy khắp nơi, trực thăng HU1 nằm chình ình trên bùng binh Ngã Bảy hoặc trên sân thượng một vài tư gia trên đường Trương Minh Giảng , tôi còn thấy cả một chiếc L19 còn nguyên vẹn trên ngọn cây một con đường chạy vào Chợ lớn, tới TSN nơi cổng Huỳnh hữu Bạc tôi còn thấy xác người nằm trên vệ đường , ngạc nhiên và mừng rỡ khi thấy Thiếu Tá Trần bảo Lộc đang cầm loa giữ trật tự cho đám người muốn trở vào lại khu gia binh, gia đình anh Lộc bị kẹt lại trong căn cứ và bộ đội thì có lẽ chưa có chỉ thị rỏ rệt nên không muốn cho ai ra vào, không hiểu anh Lộc, một trong nhửng sĩ quan huấn luyện ưu tú của trường CH và TM, làm sao đã thuyết phục được toán bộ đội cho anh đứng ra bảo lãnh cho những gia đình được về nhà trong khu gia binh, tôi nghĩ không có anh rất nhiều anh em Không Quân không có dịp trở lại mái nhà cũ, lý do nào mà anh đã có hành động như vậy, những người đa nghi có thể có những ý nghĩ xấu về anh, riêng tôi thì tôi cho rằng anh đã làm theo cảm tính của một người lương thiện và nhất là của một con người Không Quân, không bỏ anh em, không quên bạn bè, bằng chứng cụ thể là anh cũng phải chịu đựng những năm tháng khổ cực trong những trại cải tạo từ Nam ra Bắc. Tôi cũng ké theo đoàn người và lọt vào tới khu cư xá của học viên và nhân viên của trường CH và TM, nơi đây đã bị cháy rụi chỉ còn trơ lại những bức tường xi măng chống pháo kích. Tôi ghé qua trường CH và TM gặp viên chỉ huy bộ đội đang chiếm giữ trường , anh ta có vẻ mừng rỡ khi biết tôi là Cựu Giám đốc, anh ta muốn tôi chỉ cho cách mở mấy phòng lưu giữ hồ sơ tài liệu giảng huấn , trước đây những phòng này dùng giữ những hồ sơ mật của Đệ Thất Không Lực Mỹ (7th Airforce) nên đóng mở bằng mật mã điện tử chỉ những người có trách nhiệm mới biết mà thôị, tôi thấy nơi đâu cũng điêu tàn, văn phòng cũ của tôi đẹp đẽ đã biến thành nhà bếp với những vết khói loang trên tường, họ đã xé giấy để làm củi nấu cơm, các sách quý trong thư viện bị vất bừa bãi trên mặt đất, các lớp hội thảo cửa kính mở toang ướt nhẹp vì những trận mưa đêm, trên bục giảng trong giảng đường khẩu súng chống chiến xa M72 để các học viên thực tập còn nằm lăn lóc..., tôi tò mò hỏi anh ta về số phận những thành phần ở lại như tôi sẽ ra sao? thì được nghe một bài luân lý: Ta có câu người ta đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người ở lại, các anh sẽ có chính sách riêng...

Nhưng việc trước mắt của tôi là phải lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, lúc này những tình cảm trung thực của các bạn bè được thể hiện bằng những an ủi về tinh thần cũng như vật chất, chia sẻ cho nhau từ tiền bạc còn lại cho đến cả từng gói mì ..., và điều quan trọng là vẫn tìm đến với nhau, tôi tự hỏi làm sao trong những lúc hoạn nạn như thế này mà chúng ta vẫn gìn giữ được tình thân thương cao đẹp đó, phải chăng đó là sự đúc kết của những năm tháng, của cả một thời son trẻ đồng cam cộng khổ, của tinh thần đồng đội, của những đối xử đầy tình người trong những lúc phải ứng biến với những đòi hỏi khắc nghiệt của cuộc sống quân ngũ trong thời chiến, những suy nghĩ này làm tôi hãnh diện và tự hào vì đã được phục vụ cùng với những con người hào sảng, những con người tuyệt vời như vậỵ.

Và quả nhiên chúng tôi có chính sách riêng, ngày thứ sáu 13 tháng sáu 1975 tôi và Đại Tá Nguyễn minh Tiên hẹn nhau cùng lên chiếc xe Lam tới trình diện tại Đại học xá Minh Mạng trong Chợ lớn để học tập trong một tháng, với chính sách riêng này thời gian một tháng đã biến thành trên 12 năm trong những trại tù rải rác từ Hoàng liên Sơn cho tới đồng bằng sông Cửu long. Tinh thần tôi luôn luôn bị dao động vì những bất trắc của ngày mai, vì mặc cảm thiếu trách nhiệm với vợ con, vì không được tin tức của gia đình và nhất là không biết vợ tôi xoay-xở ra sao để lo cho năm đứa con còn nhỏ được ăn học.

Những tình cảm phức tạp này một phần nào đã được diễn tả trong những bài thơ và nhạc của những anh em sáng tác trong tù mà tôi còn nhớ được một vài câu:

Chiều Suối Máu xót xa buồn nhớ con
Tình yêu em vẫn đong đầy nơi khóe mắt
Chiều Long Giao đèo cao heo hút gió
Nắng lưng đồi hẹn hò vương áng chân mây



Bài thơ trên của anh Thục Vũ đã được phổ nhạc , Suối Máu và Long Giao là địa danh của các trại tù đã giam giữ chúng tôi trưóc khi đầy ra ngoài Bắc.

Tôi xin tạm ngưng nơi đây, mắt tôi bắt đầu nhòa khi miên man nghĩ đến những lời đầy cay đắng trong bản nhạc "Bỗng dưng " của Trần ngọc Phong:

Anh tự nhiên hóa kiếp, thành con chim trong lồng
Làm sao bay tới em, làm sao hót qua đêm
Ru em ngủ yên, thủy chung êm đềm.

Và lời ca đầy niềm tin trong bản nhạc "Em ơi nơi anh ở " của anh Nguyển văn Trân, Đại tá Pháo binh bị bắt tại Ban mê thuột hồi tháng ba 75, đã đem lại cho tôi lòng can đảm để sống sót qua cơn ác mộng:

...Em ơi, em ơi xin vì anh
Đàn con thơ ngây em dạy dỗ
Em gắng vui lên, đón chờ tương lai
Một tương lai không xa, anh trở về
Một tương lai hân hoan trong hạnh phúc
Ta sống bên nhau suốt đời.

Đằng Vân

Chú thích:- Chiếc AC119 này thuộc Phi đoàn Hỏa Long 821 do Trung úy Thành và Trần văn Hiền điều khiển

-"Mệ" tức Đại tá Trần Phước, chỉ huy phó TTHLKQ

- Thục Vũ tên thật là Vũ văn Sâm, Thiếu Tá Trưởng Khối CTCT, SĐ5BB, chết tại trại cải tạo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn