BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chậu Hoa Tết Trong Trại Tù

08 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1409)
Chậu Hoa Tết Trong Trại Tù
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trời ui ui không chút nắng mà hết sức ngột ngạt Rét thì đã hẳn, nhưng cái rét giữa núi rừng càng thẩm thấu hơn. Sương mù vốn đã dầy đặc khó thở, càng ở thâm sâu càng đặc quánh và nặng khó thở hơn. Bọn tù chúng tôi cũng đã vêu vao lại càng vêu vao tợn. Thấm thoắt cuối năm lại về rồi mà tơ hao việc được thả về vẫn còn lảng vảng dạo chơi mãi tận đâu xa lắc, chưa có lóe chút sáng nào hết.

Những buổi sáng cả bọn vẫn phải thức dậy sớm chuẩn bị đi làm. Lon gô kêu leng keng, xộc xà xộc xệch như bọn hủi. Thằng nào cũng lẩm rẩm trong bụng nỗi nhớ nhà và xót xa cho thân phận mà phải dấu bưng không nói. Ai cũng sợ lời phát ra chẳng những vô duyên còn làm xao động tất cả nỗi lóng ngóng mong sum họp vốn đã lụi tàn theo ngày tháng.

Ấy vậy mà rồi bỗng nhiên trong đám tù lềnh khênh đi ra trại có tiếng ai đó la hoảng nhè nhẹ : lại Tết nữa rồi. Tiếng kêu trầm thống như tiếng con hươu tơ vừa bị trúng mũi tên hay như con hoẵng non vừa bị ông ba mươi ngoạm vào cổ. Chẳng những nó đánh thức những tế bào vốn sật sừ vì thiếu ăn, nhọc mệt mà còn lây sang đám cai tù đang xách súng lẽo đẽo dẫn bọn tôi đi lao động sáng nay.

Thằng lính ranh chửi um rất tục : mẹ chúng mày, thân tù chẳng lo còn bặng nhặng kêu tết với nhất. Giọng nó rất hằn học và như một tập quán thường lệ, thằng nhãi kéo lạch xạch cò súng khẩu AK nghe rốp rốp. Bọn tù chúng tôi quá quen với những thái độ lên gân hống hách này nhưng nghĩ chẳng dại “ ách giữa đàng quàng vào cổ “ nên cứ lẳng lặng bước đi.

Chừng thấy sự im thin thít của chúng tôi làm cho thằng lính mất oai đột ngột nên nó sủa tiếp : bố tiên sư chúng mày, nếu chẳng mắc đọa vì lũ tù thì giờ ông đã về dự Tết với u, có đâu lếch thếch dắt chúng mày như dắt chó. Chúng tôi hiểu ra và thấy thương cho nó hơn là trách.

Phải rồi, bọn thất trận chúng tôi bị băm vằm, hành hạ nào có gì lạ, nhưng bọn vệ binh là kẻ coi canh chúng tôi mà vì trách nhiệm vẫn phải ngong ngóng dạc dài đi theo thì đáng tội nghiệp thực. Chiến thắng cả bao ngày tháng rồi mà lời hứa cho một lần về phép vẫn chưa đến phiên họ làm sao hắn chẳng bực.

Trong đầu óc từng thằng lính trẻ con hẳn đã nghĩ chỉ yên độ dăm ba hôm là đứa nào cũng ào ào về quê hết thảy. Thôi thì ba hoa đủ thứ chuyện để kể với thày u, với người yêu nhỏ nhoi chờ chờ đợi đợi. Vậy mà phép đâu chửa thấy, lại ngang nhiên bị đày ải vào chốn rừng không mông quạnh này, ngày lê la vác cái súng đi, tối khắc khoải vì nhớ thương cô quạnh.

Đối với bọn tù, tiếng kẻng oang oang xé màn sương sớm là lại một ngày vắt sức ra trả nợ cuộc thua, còn bọn hắn là kẻ đang nao nức với hào quang chiến thắng sao cũng hẩm hiu nào khác thân tù. Chúng tôi bị thất hứa tàn nhẫn đã đành, nhưng những lời ngon ngọt hứa hẹn để bọn trẻ hăng lên đường sao cũng vội nhanh lơ là đi thế.

Mấy tháng rồi, chúng tôi không được một lần tiếp tế nên thằng nào thằng ấy đói dài ra. Không một ai còn tin ngày về gần gụi, anh em đã có lúc sửng cồ nhau, tưởng có thể ăn thua đến chí mạng. Con người bị kềm chế dễ trở thành bức bách, nói chơi với nhau có thể dẫn đến loạn đả nhau. Khiến có tay phải bảo ban nhau : mình đã sa cơ đừng làm trò cười cho họ nữa.

Sáng nay lại một lần lời nhắc nhở của một anh suýt đã thành cái ung cho cả đám. Nhìn cặp mắt lừ lừ của bọn vệ binh, ai cũng phải giữ mình. Tránh voi không xấu mặt, nhất là gặp thứ voi điên, nên bọn tù đều nín thở qua sông. Có trách thân, oán thượng cấp thì cũng chẳng làm sao được. Thân thì đã trong tù, còn thượng cấp thì giờ ở tận đâu đâu ngó ngàng gì tới nữa. Bọn chúng tôi thua hận đau đã đành, còn đám vệ binh chiến thắng ngẫm ra có hơn gì chúng tôi đâu.

Cả bao ngày lầm lũi dãi dầu mưa nắng, bị cơn sốt quật lên quật xuống liên miên, có những thứ từ thuở nào giờ chưa từng để mắt đến thì nay thấu suốt không ai bằng. Những lá giang, cải trời, sâm đất lâu dần ai cũng biết, đi khổ sai chẳng ai bảo ai cũng dấm dúi hái xách về. Lại thêm nấu hà thủ ô hay các loại lá thổ tả nào đó uống thay trà và cho đen tóc, toàn những món lỉnh kỉnh để tự đánh lừa mình đừng quá mong ngày về mà nản.

Buổi chiều dù thân xác rã rời cũng bon chen “ cải thiện “ linh tinh với lon gô bắc thay nồi, hầu có thêm chút sức mà qua ngày đoạn tháng. Chẳng nói ra, ai cũng mong ngày tư ngày tết, trại cho nghỉ mấy hôm, nhưng trông như trông hạn chẳng nghe ai đá động gì hết. Mặt các tay quản giáo khó đăm đăm, bí xị tựa anh bị táo bón, lầm lầm lì lì. Có anh ánh lên được chút tia nhìn thương hại thì cũng vội xóa bay xóa biến ngay kẻo bị phẩm bình gay gắt giữa nhau.

Chúng tôi bị bao vây bởi trùng trùng dò xét, tệ hại hơn lại còn bị dòm dỏ bởi những chiếc “ ăng ten “. Dạo thịnh trị, ta đã sợ bọn nuôi ong tay áo, giờ thân tù với nhau lại đi tâng bốc kẻ giam giữ mình. Nhiều thằng đã ngấm ngầm đi mach lại để mong được về sớm, song đời nào họ cho nó về sớm uổng đi. Thằng đó đã táng tận lương tâm một lần tố cáo anh em thì khai thác nó sẽ còn nhiều lần khác tâng công nữa chứ. Phải giữ nó lại lâu hơn để còn moi móc thêm nhiều điều, cho nên có họa dại mới đi làm bọn theo voi hít bã mía.

Thậm chí anh em ngồi nói chơi với nhau thôi, chẳng động chạm đến ai, vậy mà ngay hôm sau bọn cai tù đã tỏ. Nhẹ thì xa xôi bóng bẩy dằn mặt nhau chơi, nặng thì bắt nghỉ, đưa cả lũ ra hội trường bắt ngồi nghe chửi. Đại để là : bọn mày ngoan cố vô cùng, đảng đã tha cho tội phản quốc còn bày điều nói xấu đảng. Ngữ chúng mày chỉ có nước đem bắn bỏ cho xong. Bọn tù không hé môi, song ai cũng hiểu là họ chẳng nghĩa hiệp gì, chẳng qua tại vì sao đó mà họ đành để lại cái gai đâm nhói vào mắt họ thế thôi.

Thời gian lượn lờ, càng cuối năm bọn tù càng hết sinh khí. Tay chân người nào cũng nặng chình chịch hơn mang cùm, miệng đắng khô, cổ vươn ra như cổ rắn. Sương càng ngày càng dầy, mặn mặn mùi sương muối, bước vào cỏ nghe sàn sạt nhói buốt, nhìn khắp quanh chỉ có núi với rừng. Giữa mung lung sầu hận, bọn chúng tôi đã có người vắt ra thơ, nhưng dấu còn hơn của gì khác.

Hẳn nhiên đó là những lời thơ tâm sự, nhưng chắc lọt đến tai bọn quản giáo là khó được yên. Cho dù chỉ là những lời than thống khổ về một kiếp đọa đày có thực hay một cảnh ngộ rành rành. Bọn “ ăng ten “ nhân thấy Tết đến nơi càng xục xạo dữ. Chúng lân la hỏi chuyện với từng người, ngọt ngào như anh em ruột, để mong ai kia nhún lòng thố lộ gì ra là chúng đi “ tâu “ với ước vọng xuân này được tha về.

Như thường lệ, đời tù kín bưng kín bít, sinh hoạt trại tù cũng lơ lửng dửng dưng. Cho đến mãi tận ngày 28 mới có thông báo cho tù nghỉ xả hơi mấy ngày đầu năm mới. Ban quản trại còn tá ơm tổ chức một ngày họp mặt cuối năm ba hoa khoe về lòng đạo đức vô biên của họ. Ngoài những lời khoác lác thường lệ, họ còn đưa tin Tết này trại sẽ phát cho mỗi 2 anh một bao thuốc lá Điện Biên hoặc Phù Đổng và mỗi người được thêm một miếng thịt lợn đàng hoàng. Họ cũng không quên kháo với bọn chúng tôi là thuốc Điện Biên, Phù Đổng là loại bậc nhất sợi vàng mà chỉ những buổi chiêu đãi thượng khách mới có.

Thế là họ hí ha hí hửng với chúng tôi : sướng nhé, ở tù như các anh là nhất. Đêm giao thừa hút thuốc liên hoan, khói thơm bên này sông bay sang bên kia sông còn thơm ngát. Lần đầu, được nghe có thuốc tay nào cũng sáng mắt lên, những tay không biết hút được o bế tận tình để xin nhường lại cho bạn mình. Thành ra không dưng trại tù cũng nhộn nhịp tuồng như ngoài đời lo sửa soạn Tết nhất vậy.

Buổi tối còn hơi có vẻ sinh động, đêm về nỗi âm u bọc kín từng tâm tự. Nhiều anh nằm lơ mơ không tài nào ngủ được, hết nhìn đình mùng đến mỏi mắt, lại lăn bên này trở bên kia, thở dài sườn sượt. Ai cũng thấy lững thững những khuôn mặt mẹ cha, anh em, vợ con, bè bạn ở nhà. Lao xao như cây ngô đồng trước ngõ, lục lạc như chiếc khánh gỗ đong đưa.

Những anh trước cùng đơn vị với nhau và biết rõ nhau nhờ tâm tình ngày cũ thì lào rào nhắc đến người này người kia, hoặc mất hoặc còn. Chẳng ai hỏi han đến những ông thầy của mình ngày cũ nhẫn tâm bỏ rơi đàn em để nhanh chân vọt chạy.

Đêm trại tù đầy tâm tư thiểu não, những tiếng mớ thất thanh như bị cào xé ruột, những bàn tay chập chờn như vươn ra cố giữ một hình bóng thân yêu. Có anh được đánh thức dậy còn khóc lên rưng rức, một chút hình ảnh quê xa nào đó đang lảng vảng cấu xé anh.

Đi lao động hết ngày 28 thì được nghỉ. Đi làm thì nhọc mà nghỉ thì buồn. Kẻ ra người vào chẳng biết nói năng gì hết, thằng nào cũng nẫu cả người, lại có lệnh nhà nào ở nhà đó, không được qua lại linh tinh. Anh em châu vào nhau sát phạt với bộ tú lơ khơ hoặc người đánh kẻ chầu rìa ở bàn cờ tướng suốt ngày.

Chúng tôi còn lơ ngơ vì những tâm sự ngổn ngang thì lại có lệnh đòi đi làm công tác. Vài anh được gọi lên trại quản giáo sửa soạn bày biện để họ đón Tết đến nơi. Đúng là mấy khứa được ăn và được nói, một hai cứ chê trách lũ tôi trốn lao động, chây lười, chỉ biết chắp tay sau đít sai lính.

Bây giờ mấy cha còn lợi dụng nước sông công tù của chúng tôi nhiều hơn ai hết, song họ luôn được bọc bằng cái vỏ rất kêu thuộc giai tầng “ lãnh đạo “ và một hai “ không làm thay “ cho ai cả. Lũ chúng tôi bóp bụng cười thầm, nói phét đúng là có bằng cấp. Những anh em bị bắt làm xâu hùng hục đứ đừ, anh hì hụi khiêng bàn khiêng ghế, chuyển dịch giường nằm, dựng bàn thờ lãnh tụ, cắt khẩu hiệu mừng xuân, người bị cắt cử đi gom những chậu hoa, lá cảnh của xưa còn sót lại để tô điểm bộ mặt ban quản lý trại tù.

Một hột nước cũng chẳng được cho hưởng, cứ chúi đầu làm, khát thì mò ra giếng tự giải khát với nhau. Làm miết mãi tới trưa mới xong, đám vệ binh lại lục tục dẫn tù về, các tay mệnh danh là ưu việt đến quên luôn một lời cám ơn, dù giả tạo. Ấy đấy, thân tù tội là như thế, còn gì đâu là nhân phẩm với xã giao.

Nói của đáng tội, trong bọn họ cũng có người hơi khác. Nhìn anh em tù làm cái việc chẳng phải của họ, một vài cá nhân có tỏ dấu thương tâm. Nhưng tình cảm ở chốn guồng máy sắt thép thì cũng đành đè nén cho thui chột đi kẻo bị chê là nhẹ dạ.

Trở về nhà, anh em kể lại với nhau, mượn quân bài, nước cờ để nhóc nhách truyền đến nhau sự châm biếm dấu mặt. Nhưng có một điều ai cũng thấy nhức nhối trong lòng là vật cũ còn đó, người xưa đâu rồi ?

Chỉ mới năm đầu tiên gọi là đổi đời thay kiếp mà sao nghe nặng trĩu trong tim. Chậu hoa Tết trong trại tù đã ngác ngơ tệ hại mà lũ chúng tôi nào có khác gì đâu. Mùa xuân năm thứ nhất sống trong cảnh xa nhà, ai cũng nghe tàn phai màu hoa dường như thời gian đã chết hẳn. Ai cũng nháo nhác nhìn nhau như tự hỏi khi nào về.

Đặc biệt Tết năm ấy trời rét đâu rét lạ. Gió u u và cái lạnh muốn nứt da, tù đã phải khiêng những gộc cây vào giữa lán để đốt lên mong đuổi cái rét ra ngoài. Nhưng lại càng hầm hiu vì nỗi nhớ muôn trùng.

Sáng mùng Một, thằng nào cũng len lén nhìn nhau như xẻ chia sự trống vắng. Góc rừng thâm u càng se sắt với gió rung. Trông lên vạt núi cao lờ mờ con thác chảy ngoằn ngoèo như ẩn như hiện, tiếng con tác lạc lõng cầm canh, những tên tù chẳng bảo ra ai cũng mong mưa đổ ào xuống cho nỗi lẻ loi đừng bám chặt lấy mình.

Không nghe ai hỏi han nhau về lời chúc đầu Xuân như thông lệ và cũng không ai nghĩ ra mình đang đón Tết bây giờ. Chỉ còn giăng giăng tơ trời giữa bao la cô quạnh, đám quản giáo cũng chẳng có ai xuống gặp bọn tôi.

Trời lênh đênh, mây lênh đênh, cả từng ấy cuộc đời cũng lênh đênh mù mịt.

Đỗ Thành

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn