BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73321)
(Xem: 62233)
(Xem: 39421)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những tin tức cuối cùng về Đại Tá Phạm Văn Phúc

22 Tháng Chín 200612:00 SA(Xem: 3906)
Những tin tức cuối cùng về Đại Tá Phạm Văn Phúc
56Vote
48Vote
39Vote
213Vote
119Vote
2.455
Trong số báo Thứ Năm tuần trước, tôi có cung cấp một số tin tức về Đại Tá Phạm Văn Phúc nguyên tỉnh trưởng Long Khánh để giúp Giáo Sư Sử Học Lê Đình Cai đối chiếu một vài điểm còn lấn cấn trong khi ông viết một bộ sách về chiến tranh Việt Nam. Sau khi bài báo tới tay các độc giả và được đưa lên trang nhà của báo Người Việt, có thêm rất nhiều độc giả gởi thư, e-mail cung cấp thêm những tin tức cho biết Đại Tá Phạm Văn Phúc không tử trận khi ông cùng ban tham mưu tiểu khu rút ra khỏi Long Khánh ngày 20 Tháng Tư năm 1975.

Chẳng hạn như thư e-mail của ông Nhất Tâm Lê Bá Phùng ngày 6 Tháng Chín năm 2006 cho biết nhiều chi tiết quý báu:

“Tôi có thể xác nhận Đại Tá Phạm Văn Phúc đã không tử trận ngày 20 Tháng Tư năm 1975... Đại Tá Phúc sau khi ở trại Suối Máu Biên Hòa được chuyển lên trại K-3 Giaray Long Khánh cùng một số sĩ quan cấp tá trong đó có Đại Tá Nguyễn Sùng (tiếp vận) và ông Cao Văn Tường bộ trưởng phủ thủ tướng dưới thời Tướng Trần Thiện Khiêm. Tới Tháng Mười Một năm 1976, Đại Tá Phạm Văn Phúc cùng một số anh em tù cải tạo khác, trong đó có tôi, được chuyển về trại Thủ Đức. (Cộng Sản đặt tên các trại này là trại Thủ Đức nhưng không nằm ở quận Thủ Đức mà ở rải tác khắp nơi thuộc tỉnh Bình Tuy. Họ xây dựng các căn cứ hỏa lực cũ 5 và 6 của Việt Nam Cộng Hòa thành những trại lao động khổ sai và là trại chuyển tiếp để từ đó tù nhân được chuyển ra các tỉnh phía Bắc Việt Nam và đặt tên có các trại này là các trại Thủ Đức - V.A.)

Đêm 1 Tháng Mười Hai năm 1976, các tù nhân trại Thủ Đức được đưa ra cảng Newport và bị đưa xuống tàu ra Hải Phòng. Từ trại Thủ Đức xuống tàu, chúng tôi đều bị xiềng tay cứ hai người một với nhau. Tôi chung xiềng với Đại Tá Phạm Văn Phúc, số chìa khóa là 304. Giám Mục Nguyễn Văn Thuận (sau này là hồng y) chung xiềng với Đại Tá Lý Bá Phẩm (cựu tỉnh trưởng Khánh Hòa, sau là tỉnh trưởng An Giang - V.A.) Chuyến đi đó tổng cộng có hơn một ngàn tù nhân. Đến Hải Phòng thì tôi và Đại Tá Phúc được đưa vào nhóm đi Lào Kay. Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận và Đại Tá Lý Bá Phẩm đi trại Sơn Tây. Đại Tá Phúc và tôi luôn luôn sống chung buồng giam ở Lao Kay cho đến Tháng Năm năm 1978 thì được chuyển về trại Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng Ba năm 1979 tôi được chuyển ra trại Mễ cho gần nghĩa địa vì sức khỏe của tôi lúc đó quá yếu và theo sự chẩn đoán của bác sĩ tôi không sống được bao lâu nữa. Từ đó, tôi xa Đại Tá Phúc vì ông vẫn còn ở trại Nam Hà để vác đá, đào chạc.

Thân mến cùng quý bạn và giáo sư sử học.

(Nhất Tâm Lê Bá Phùng)

Một e-mail khác của ông Hùng Nguyễn viết:

“Anh Vũ Ánh thân mến, Đại Tá Phạm Văn Phúc không tử trận ngày 20 Tháng Tư năm 1975. Sở dĩ tôi cả quyết như vậy vì cuối 1991 hay đầu năm 1992 gì đó, tôi có tới sở công an thành phố để xin vào thường trú thì có một người đàn ông dong dỏng cao và gầy cũng bước vào phòng đợi và vô tình ông ngồi gần tôi. Tôi nhớ lúc đó chỉ có hai người chúng tôi ngồi ở dãy ghế dưới. Tôi chào ông. Ông mỉm cười và nói đến đây và xin vào hộ khẩu, nghĩa là cũng giống tôi. Thấy tôi nói mình là sĩ quan chế độ cũ nên ông vui vẻ nói chuyện. Ông kể với tôi sơ sơ về những ngày cuối cùng và ông có cho tôi biết ông chính là Đại Tá Phúc tỉnh trưởng Long Khánh. Tôi có nói với ông rằng trong trại họ đồn ông đã tử trận Tháng Tư năm 1975. Đại Tá Phúc cười nói: tôi còn sống đây. Đã hơn mười lăm năm qua, những gì ông nói với tôi, tôi quên hết, nhưng tôi có thể xác nhận với anh là tôi đã gặp Đại Tá Phúc ở Sài Gòn cuối năm 1991 ở sở công an thành phố...

(Hùng Nguyễn)

Một e-mail khác của “Trâu Nam Bộ” PNV:

“Đại Tá Phạm Văn Phúc cựu liên đoàn trưởng liên đoàn 3 Biệt Động Quân được bổ nhiệm thay thế Đại Tá Mạch Văn Trường trong chức vụ tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Long Khánh. Bị địch bắt tại mặt trận Long Khánh. Đại Tá Phúc đi tù cải tạo, sau đó định cư ở Virginia, Hoa Kỳ theo diện HO. Năm 2004, hiền thê của ông lâm bệnh nặng và chính ông sức khỏe và tinh thần suy sụp, nên cùng gia đình về Việt Nam khoảng cuối năm 2004. Từ đó đến nay, chưa nhận được thông tin về Đại Tá Phúc.

(Trâu Nam Bộ, PNV)

Một e-mail nữa của ông Kiệt Vương ngày 6 Tháng Chín năm 2006:

“Đại Tá Phạm Văn Phúc bị tù ở trại giam nữ Tân Hiệp, gọi là B-5 Biên Hòa sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975”.

(KietVương)

E-mail của ông Hà Nam Anh ngày 6 Tháng Chín năm 2006 viết:

“Cách đây vài năm, Đại Tá Phạm Văn Phúc cựu tỉnh trưởng Long Khánh và người vợ sau cùng có ghé thành phố Wichita thuộc tiểu bang Kansas để thăm thân nhân bên vợ, sau đó ông đã đưa vợ về Việt Nam vì chị bị bệnh ở giai đoạn cuối. Nghe đâu chị đã mất và ông không trở lại Hoa Kỳ nữa”.

(HaNamAnh)

Vâng, đúng như ông Hà Nam Anh và khá nhiều thư khác cho biết, cựu Đại Tá Phạm Văn Phúc không thể quay lại Hoa Kỳ nữa, không phải vì đất nước này mênh mông hay lạnh lẽo quá mà vì cựu Đại Tá Phạm Văn Phúc cũng đã qua đời tại Việt Nam khoảng một năm sau khi người vợ qua đời. Thiếu Tá Hội, trong bộ tham mưu của tỉnh và tiểu khu Long Khánh, người cùng đi trên chuyến xe đoạn hậu với Đại Tá Phúc trên đường rút và bị Cộng quân chặn đường đánh nhiều lần, xác nhận ông Phúc không tử trận mà chỉ bị bắt làm tù binh. Tôi gặp Thiếu Tá Hội và Đại Tá Phúc trong trại giam Tân Hiệp và chính chi tiết này trên bài báo đầu tiên trong mục Sổ Tay Người Việt đã khiến cho tôi gặp lại người cựu sĩ quan đã trải qua từ giây phút đầu tiên của vụ rút lui khỏi tỉnh Long Khánh với Đại Tá Phạm Văn Phúc. Ông Hội đã đến tòa soạn hôm Thứ Bảy vừa rồi. Ba mươi mốt năm sau mới gặp lại, thấy ông vẫn còn tráng kiện, tôi cũng rất mừng. Chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu về đời tù và về Đại Tá Phúc. Theo lời ông kể, Đại Tá Phúc sang định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO, nhưng chuyến ra đi rất khó khăn. Vài ba lần bị chặn lại tại phi trường Tân Sơn Nhất, cho nên ông đến Hoa Kỳ muộn màng với tuổi già và sức khỏe yếu kém. Trong một lần điện đàm với Thiếu Tá Hội, cựu Đại Tá Phúc cho biết ông đang cộng tác viết lại tài liệu cho một viện nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc sống của những người như hoàn cảnh của cựu Đại Tá Phúc rất khó khăn, khó đương đầu nổi với đời sống của một guồng máy chạy với tốc độ nhanh như ở Mỹ. Rồi tình cảm, sự cô đơn và nỗi day dứt vì kết quả của cuộc chiến... chúng giống như chất cường toan mài mòn thêm cơ thể và tinh thần vốn rất sắt đá của một người cả đời miệt mài chiến trận, rồi thêm chịu đựng lưu đày tù ngục, phải làm chứng nhân cho những điều không thành của chính mình và các đồng ngũ. Ngẫm nghĩ lại, cái cay đắng nhất cho cuộc đời của người lính chiến này là ông lại phải trở về nơi mà mình đã chiến đấu để bảo vệ nó nhưng thất bại, thất bại rồi phải dứt áo ra đi, đi rồi lại phải quay về chốn cũ, nơi tình người đã tan nát thành những mảnh vụn trước cơn bão tố của tiền, quyền lợi vật chất và quyền lực như ở Việt Nam.

Riêng tôi, tôi nghĩ cuộc đời của cựu Đại Tá Phạm Văn Phúc, nếu có ai tìm hiểu và viết lại cho ngọn nguồn thì đó sẽ là những trang sử làm chứng cho giai đoạn khốc liệt của một cuộc chiến còn được nói tới trong một thời gian lâu nữa. Nhưng bây giờ ông đã là người thiên cổ, có lẽ đã quá muộn rồi chăng?

Vũ Ánh
Ý kiến bạn đọc
27 Tháng Bảy 20176:04 SA
Khách
Tôi là cháu vợ của đại tá Phúc, sau 75 gia đình luôn tìm kiếm tin tức mà vô vọng. Tôi mong được biết thêm thông tin về ông. Cảm ơn!
08 Tháng Mười 20107:00 SA
Khách
thanks for the memory and pray for him ,at last he can rest in peace cam on cac chu bac da chien dau cung chung voi ba chau
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn