Nơi đó, Nguyễn vẫn thường chờ tôi ngày xưa.
Nơi đó, giờ chỉ còn trơ lại một thẻo đất nhỏ, nằm lạc lõng, xéo góc với bảo tàng viện, một ngôi đền cũ của người Chàm duy nhất sót lại ở thành phố. Tượng chiến sĩ trong công viên đã biến mất. Trang trại lính sau lưng cổ viện, dọc theo bờ sông, có lẽ còn mất sớm hơn. Người ta mở ra một con đường mới, khá rộng, chạy thẳng về thành phố cổ. Phía bên kia sông, nơi ngày xưa có những dãy nhà sàn ẩn hiện dưới các lùm cây mờ xanh, nơi đã ngốn của tôi hằng bao nhiêu giờ ra chơi chỉ dán mũi vào cửa kính lớp học để ngắm nhìn, bây giờ là nhà hàng là khách sạn là bia ôm là quán nhậu.
Nơi đó, mọi thứ đều biến mất. Tàng hình.
Tôi nói với Nguyễn, tôi không nhận ra bất cứ nơi nào. Từ cái hí viện mỗi năm trường chúng tôi tổ chức văn nghệ Tết. Từ cái chợ mang tên thật dễ thương, Vườn Hoa. Từ con đường hơi cong cong có quán cà phê Thanh Long dẫn về quán hủ tíu gần nha phát thanh một thời tôi thường ghé. Đến cái góc phố tôi vẫn cố tình đạp xe chậm chạp để nhìn thấy bóng dáng Nguyễn xuất hiện từ đàng xa xa… Tầt cả đều như thể cái thành phố này không hề dính dáng gì đến mình. Như thể tôi đang lọt thỏm vào một nơi tôi chưa từng đặt chân đến trước đây. Tôi ngẩn ngơ:
- Mấy cái quán nước dừa làm khúc sông này trông thơ mộng như vậy mà người ta cũng dẹp bỏ đi Nguyễn nhỉ?
Nguyễn im lặng không trả lời. Tôi nhìn quanh. Mười năm trước tôi về, người ta chận tôi trước cổ viện để đòi thu tiền vé vào cổng. Tôi đã đứng lặng người nhìn những bông sứ trắng rơi rụng trên lối đi, nhớ tới thời nít nhỏ, lũ chúng tôi hay thơ thẩn hàng giờ trong sân cổ viện, nhặt hoa rồi xâu lại thành từng chuỗi. Khi lớn lên thêm chút nữa, lúc đã biết làm thơ tình, biết nhớ thương, lại cũng thẩn thơ, nhưng thay cho những tràng hoa dài đeo lên cổ là những chiều hò hẹn, những lãng mạn đợi chờ.
Mười năm trước, khi trường tôi vẫn còn, cái góc đường vẫn còn, mà sân cổ viện dường đã xa. Tôi nói:
- Bây giờ người ta ám sát mọi thứ hết rồi.
Nguyễn cười gượng, đưa mắt ngó loanh quanh. Lát sau Nguyễn mới nói, khe khẽ:
- Nhưng dầu gì thành phố cũng có những dấu hiệu đi lên, đường phố khoảng khoát, rộng lớn hơn và có lẽ đẹp hơn ngày xưa…
Tôi giật mình quay lại nhìn Nguyễn. Giọng Nguyễn thật nhẹ nhàng, lời lẽ thật mềm mại, nhưng những điều quẩn quanh trong đầu óc tôi chưa kịp thốt ra bỗng như chạm phải một tảng đá lạnh lẽo, đông cứng. Tôi chưng hửng. Khi mắt tôi chạm đôi con mắt nâu trong -vẫn trong vắt như ngày xưa- cái cảm giác mình chưa hề quen biết con người này, chưa hề có một thứ gọi là mối tình với người này làm tôi lặng đi không biết nói gì trong nhiều giây rất lâu. Nguyễn của tôi đây ư? Nguyễn của tôi vô tình đến độ không nhận ra những cảm xúc đớn đau của tôi bằng một câu trả lời tàn nhẫn đến vậy ư?
Tôi ngẩn ngơ một hồi. Không biết cười hay nên khóc. Tôi nói:
- Đành là có đôi chỗ đẹp hơn, khoảng khoát hơn. Hay nói như Nguyễn, là có dấu hiệu đi lên. Nhưng Nguyễn có nghĩ, nếu miền nam không mất, nếu thị xã mình không có chủ mới, thì nơi đây không có sự đi lên hay sao?
Nguyễn im. Tôi và Nguyễn nhìn nhau. Khoảng cách giữa chúng tôi giang xa ra. Rất xa. Dẫu chỉ cần bàn tay đưa lên là Nguyễn đã có thể cài lên tóc tôi cánh hoa sứ như ngày xưa vẫn thường nghịch trêu tôi. Tôi không biết phải nhìn đi đâu cho bớt buồn. Hai bàn tay tôi se sắt đan vào với nhau. Tôi băn khoăn mãi một lúc cuối cùng tôi khẽ dịu giọng:
- Thành phố này bây giờ nhiều quán ăn, nhiều quán nhậu và nhiều khách sạn quá Nguyễn à. Nguyễn nhớ ngày xưa, ông thầy Việt văn mình gọi đường mang tên vua Thành Thái là đường cô Kiều hay không? Con đường đó ngày xưa đám nữ sinh đâu dám đi qua. Vậy mà bây giờ…
Tôi buông hai tay ra với nhau rồi để vòng trên ly nước. Tôi không biết nói tiếp điều gì. Bây giờ thành phố nhan nhản những con đường có hộp đêm, tửu điếm, chẳng lẽ tôi nói với Nguyễn rằng dường như người ta không còn biết ngượng khi ngang qua mà còn có vẻ hãnh diện vì những đổi thay ầy. Trời tháng sáu nắng cháy da mà tay tôi lành lạnh. Tôi lắc đầu:
- Không tin nổi cái gạch nối với xứ mình bây giờ chỉ còn lại là Nguyễn và bè bạn.
Chỉ còn lại Nguyễn và bạn bè. Tôi đã cùng bè bạn xuống phố. Nhiều đứa chỉ cho tôi thấy một nơi, nói đây là cầu vồng, con đường có cái dốc cao vòi vọi, nên thơ nhất thành phố. Nơi có thể nhìn thấy những tà áo trắng tinh khôi như một đàn hạc xuống lên, ngược xuôi con dốc trong nắng sớm hay buổi tan trường. Con đường bây giờ, phẳng. Thẳng tắp. Con đường trông khô khan như một cô gái già vô duyên. Nhà cửa hai bên mọc chen chúc. Con đường không còn tên, không còn dáng hình. Tôi đã sững sờ nhìn con đường bị san bằng mà như thấy chính mình bị san bằng.
Tôi nói với Nguyễn:
- Mới thì có mới, nhưng không phải là nơi Nga muốn được nhìn khi trở về.
Nguyễn và tôi đã đi với nhau một vòng phố, ngồi với nhau gần một tiếng đồng hồ trong quán nước. Trước khi tôi về, Nguyễn và tôi đã nói hai đứa sẽ có nhiều điều để hàn huyên, tâm sự, đã mường tượng sẽ có những giờ phút rất vui khi ôn chuyện ngày thơ. Vậy đó mà kết cuộc lại chúng tôi đã chỉ ngồi với nhau, đi với nhau như thế thôi.
Trước ngày về, tôi đã đùa với bạn bè, rằng tôi muốn gặp lại Nguyễn, ít nhất là một lần trong đời để khi chết sẽ không phải thấp thỏm chờ đợi người vuốt mặt. Thật lòng mà nói, tôi đã đùa nhưng chừng như ẩn sâu cuối đáy lòng đã có vương chút sự thật. Tôi đã đùa nhưng quả thật người con trai của những ngày trước khi làm người lớn vẫn là kẻ tôi ước ao được gặp lại.
Tôi đã đùa, tôi đã thật, và cũng đã ngạc nhiên trong ngày gặp lại Nguyễn. Bởi dẫu đã được nói trước, thông báo trước, vậy mà lúc nhìn thấy Nguyễn, tôi cũng vẫn giật mình. Cái giật mình, cái ngạc nhiên, y hệt như lúc không nhận ra con đường mình vẫn đi, về học mỗi ngày. Chúng tôi đã đứng nhìn nhau khá lâu. Tôi cười. Nguyễn cười. Tôi không dám nói với Nguyễn, rằng nếu như tình cờ đối mặt nhau ở một nơi nào đó, chắc có lẽ tôi sẽ nghĩ đây là một người tôi chưa hề quen biết. Và chúng tôi cứ đứng như thế, cuối cùng sau nhiều giây ngần ngừ, tôi quyết định tiến tới nắm lấy bàn tay, rồi ôm vòng qua lưng Nguyễn bằng cánh tay còn lại. Cả người Nguyễn nóng ran. Bàn tay nắm lấy tay tôi có phần hơi cuống quít. Phần nào đó ngập ngừng. Không hiểu vì Nguyễn không đoán ra được diễn biến tâm tư của chính mình lúc gặp lại tôi, hay vì ngượng bởi sự thân thiết và tự nhiên quá bất ngờ của tôi.
Sau khi buông tay nhau ra, nhìn nhau thêm một hồi, tôi khá ngẩn ngơ, không tin nổi đấy là người tôi từng yêu rất lâu.
Thị xã ngày tôi trở về, vô cùng lạ lẫm. Nhưng một trong những điều không ngờ với tôi là có rất nhiều cặp chung lớp thành hôn với nhau. Đám bạn tôi cười:
- Cái thị xã bé tí tẹo, lẩn quẩn chừng đó khuôn mặt, chừng đó con người cùng thời, nếu không lấy người quen này, thì cũng… phải lấy người quen kia.
Và một đứa đã quay sang nói cả với tôi cùng Nguyễn:
- Nếu mi không đi đâu, không chừng cũng đã lấy ông Nguyễn.
Câu nói cứ như đinh đóng cột làm tôi bật cười. Nguyễn cũng cười. Nhưng cả hai đều im lặng không dám trả lời. Tuy nhiên cũng bởi câu nói ấy, dưng không sau bao nhiêu năm lao xao, tôi chợt nhận ra chừng như chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện thành đôi cùng Nguyễn. Và chừng như cũng chẳng biết gì nhiều về người đàn ông này. Từ thói quen, tánh tình, sở thích, nhân cách…, Nguyễn của tôi hôm xưa và Nguyễn của ai đó ngày hôm nay, hoàn toàn như một kín dấu chưa hề được khai quật trong tôi.
***
Hôm sau, trong bữa tiệc chung với tất cả bạn bè cũ, Nguyễn chừng có vẻ không được tự nhiên. Nguyễn chào tôi bằng cái bắt tay vội vã, rồi lùi về phía bên kia, rơi xuống chiếc ghế đối diện, hai bàn tay đặt trên ly bia lấm chấm hơi nước đá, những ngón đan lấy nhau, thỉnh thoảng co vào rồi lại duỗi ra như thể bồn chồn, như thể cũng muốn hòa nhập vào không khí chung mà không được. Đám bạn tôi đùa ầm ầm:
- Những lần họp bạn trước đây, ông Nguyễn lúc nào cũng hát “những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ”( *), mà sao bây giờ hai người “hai phương trời cách biệt” như vầy?
Nguyễn cười. Nụ cười ngập ngừng. Tôi cũng cười. Chẳng biết nụ cười mang tên gì. Nhỏ bạn ngồi cạnh quay sang đọc cho tôi nghe phần đầu của bài thơ Xuân Quỳnh đã được phổ nhạc. Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu về đâu, Chỉ có thuyền mới hiểu, Biển mênh mông dường nào… Tuy nhiên chưa hết được một đoạn, đứa khác đã nhảy xen vào giữa:
- “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”… Ê, ê, Nga ơi, mi có thấy rùng rợn chưa hả?
Tôi phì cười:
- Đâu có phải anh Nguyễn hát bài đó cho ta mà rùng rợn với không!
Đám bạn tôi lao nhao lên hỏi Nguyễn, tôi đã nói đúng hay sai. Nguyễn cười hiền. Tôi bắt chước Nguyễn đưa hai tay ôm lấy ly nước của mình, đưa mắt sang nhìn bên ấy, rồi quay lại nhìn bè bạn. Dưới ánh điện vàng hắt xuống từng gương mặt không còn những dáng nét, cho dầu là thấp thoáng chút gì đó từ mớ hình ảnh mà tôi đã mang theo trong ký ức bao năm, dưng không làm tôi bỗng bùi ngùi. Lần nữa, tôi như lạc loài. Tất cả những câu chuyện được tán gẫu trong bàn tiệc, tôi chỉ tham gia được đôi điều. Có khi chẳng hiểu gì cả vì sau lưng những câu chuyện ấy lànhững diễn biến, hay những trình tự rất dài dòng đã xảy ra trong thời gian tôi không có mặt tại đất nước này, thị xã này. Rồi cũng có lúc Nguyễn và đám bè bạn tôi nói về chuyện quá khứ nhưng những quá khứ ấy tôi cũng không có mặt. Và nhiều kỷ niệm chung của họ, tôi mất hút.
Tôi gần như là một đoạn nhạc lạc điệu, một cung phách lõi chõi giữa giàn đồng tấu nhịp nhàng của bạn bè. Tôi ngồi lắng nghe Thiên Hương nói chuyện buôn bán mà có cảm tưởng như đang nghe chuyện ba tôi chạy áp phe ngày xưa, nghe Lãng nói chuyện giỗ quảy, đình đám, tộc họ với tư cách chủ nhà mà như nghe chuyện cổ tích. Rồi nghe chuyện dạy học, chuyện làm hiệu trưởng, chuyện giáo dục chuyện gửi gấm con cái.., càng như chuyện hoang đường.
Những câu nói giọng cười bắn ra xa khỏi cái quỹ đạo mà Nguyễn và bè bạn tôi đang đi, đang cuốn theo mỗi ngày. Tất cả mọi thứ đều vượt quá giới hạn con đường đời tôi đang bước đến hàng ngàn dặm. Tôi nhận ra ở bờ bên này, nơi tôi vẫn gọi là quê hương, đã từ lâu không còn chỗ dành cho tôi, nhưng cả những ngày tháng cũ có tôi, có Nguyễn, có hoa sứ chiều hò hẹn, có góc phố nhớ thương nhau đau đáu, chừng cũng không còn gì, không có gì dành cho tôi.
Tôi không muốn bật lên một câu nói thật ấu trĩ mà thiên hạ vẫn nói, biết vậy thì tôi đã không về. Biết vậy. Thật lòng mà nói thì tôi đã biết vậy. Biết những đổi thay, biết những mất mát. Nhưng tôi chỉ không ngờ ngày thơ của tôi cũng không còn nữa.
Tôi ngẩn ngơ nhìn Nguyễn. Muốn hỏi Nguyễn một câu, ngày thơ của tôi ở đâu rồi hở Nguyễn…
HOÀNG NGA
Gửi ý kiến của bạn