BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73213)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Biệt Danh Quân Trường

04 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 2194)
Những Biệt Danh Quân Trường
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Tặng các khóa sinh đã qua huấn huấn nhục tại trại

Ngân Hà, Phi Dũng, Hoàng Yến…Nha Trang

Bạn có công nhận là đời lính hay phát sinh những cái tên kỳ quái để gán cho nhau, cho những người cùng đơn vị, cùng một khóa? Có lẻ vì cùng hoàn cảnh, cùng trang lứa nên dễ hiểu nhau, người ta đã nói ra một cách ngắn gọn để diễn tả về ai đó, rồi một cái tên đột nhiên ra đời và có thể cái tên cô đọng này đi theo họ suốt đời.


Khóa tôi tổng cọng bảy chục người, là một trong những khóa sinh sau đẻ muộn của Không Quân, lúc mà số lượng phi cơ của Không Lực tăng từ 600 chiếc lên hơn 2000 chiếc nên cũng cần đào tạo thêm chừng đó người lái, đó là những năm đầu thập niên 70, thời cực thịnh của Không Quân, thời mà thành phố Nha Trang đón nhận nhìều sinh viên sĩ quan nhất, Nha Trang thì đẹp quá rồi!, có núi xanh, biển trong và nắng Nha Trang đã giúp cho các quân trường huấn luyện hữu hiệu. Nhiều quân binh chủng có quân trường ở đây như Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, Trung Tâm Huấn Luyện Hãi Quân, về phía Tây Nam có trường huấn luyện đặc biệt Lam Sơn, Dục Mỹ của Biệt Động Quân …Có thể gọi đây là thành phố quân trường, nơi đây đã để lại cho các sinh viên sĩ quan chúng tôi rất nhiều dấu ấn, đã biến chúng tôi từ những thanh niên đời thường thành những người lính, mặc dầu thời gian chúng tôi ở đây không lâu, qua ba tháng giai đoạn một quân sự, có một tháng huấn nhục hành xác, đã có biết bao biến đổi ghi sâu vào tâm tư người lính mới.



Ngay buổi chiều di chuyễn từ Sài gòn ra Nha Trang, chúng tôi đã được đón tiếp một cách quá “nồng hậu”, rất đông cán bộ và niên trưỡng đứng đón tại cửa phi cơ, rồi mời lên xe buýt về trại, cán bộ nhẹ nhàng bả “Trời chiều rồi, mời các ông lên xe về trại tắm rửa nghỉ ngơi”, tôi nghỉ đúng là Không Quân lịch sự quá! Nhưng khi đòan xe vừa dừng lại trước cổng, sau này mới biết là “Cổng Đại Bàn” của Trung Tâm huấn luyện, tôi thấy có một toán niên trưởng chờ sẳn, chạy tới bao quanh lấy xe, đấm vào thùng xe rầm rầm, chúng tôi rất ngạc nhiên, không biết có chuyện gì thì có nhiều tiếng la lớn:


_ Xuống xe lẹ lẹ lên! kể từ giờ phút nầy các ông không được tà tà nữa! Tôi hô ba tiếng tất cả phải ra khỏi xe!!


Vị niên trưởng lại nhấn mạnh:


_ Một lát nữa chúng tôi sẽ dẫn các ông lên thăm mộ các niên trưởng.Vừa nói ông vừa đưa tay chỉ về hướng núi xa.


Thế là một cảnh xôn xao không thể tả, chúng tôi chen lấn nhau xuống xe để bắt đầu màn “chào đại bàn” cho đến khi một nửa số khóa sinh mệt xỉu bước không muốn nổi, chúng tôi tiếp tục chạy rồi ngừng, ngừng rồi chạy, những tấm thân của đời dân sự mềm nhũn ra và tinh thần bắc đầu căng thẳng, chới với, những tiếng la, tiếng dậm chân của ba bốn niên trưởng bao quanh một khóa sinh làm anh ta hoảng hốt. Một lát sau cả khóa tập họp, đứng trước hàng quân, lời một niên trưởng vang lên:


_ Các ông chưa phải là Sinh viên sĩ quan (SVSQ)! từ đây, các ông sẽ được huấn nhục, tất cả mọi hành động đều làm theo lệnh chúng tôi.


Từ đây khóa huấn nhục bắt đầu do cán bộ niên trưởng“dìu dắt”, niên trưởng là ai mà ghê gớm vậy?, thật ra họ cũng là những khóa sinh nhập ngủ trước chúng tôi một thời gian nhưng đã qua huấn nhục rồi trở lại huấn nhục đàn em. Còn cán bộ là các sĩ quan, hạ sĩ quan cơ hửu thuộc Trung Tâm Huấn Luyện, ít khi tiếp xúc với chúng tôi trừ các buổi lễ hay chào cờ vào đầu tuần.



Không khí quân trường mang một màu sắc khác hẳn, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, nếp sống… đã thay đổi, làm tụi tôi mất bình tĩnh vì không biết mình phải làm gì đây, như khi có một niên trưởng đi qua trước hàng quân rồi đột ngột dừng lại hỏi:


_Ai cho ông đeo SVSQ?


Anh tân khóa sinh hấp tấp trã lời:


_Dạ…em… thì vị niên trưỏng đã la lớn:


_Trời! Ai anh em với ông?. Ông chỉ được xưng “tôi” với các niên trưởng và chúng tôi sẽ gọi lại là “ông với tôi”, rỏ chưa?.


Anh khóa sinh đáp “dạ” thì vị niên trưởng lại la lên:


_Trời, không có dạ bẩm ở đây, chỉ trả lời “rõ”là đủ!


Chúng tôi vừa chạy cà xịch cà tàng vừa la to:


_Tôi là SVSQ lèo!.. Tôi là SVSQ lèo!..


Đại khái là trong cái không khí đó, từ lúc nhập ngủ cho đến khi được chuyễn qua các trường huấn luyện chuyên môn như trường Anh ngữ, trường bay, trước khi ra đơn vị, hầu hết mỗi chúng tôi đã mang một biệt danh nhưng thời gian huấn nhục là biệt danh nổi lên ào ạt nhất.


Tôi rất phân vân, e ngại là không biết có nên kể hết các biệt danh ra đây không! Tôi còn nhớ bốn năm chục tên riêng của các bạn cùng khóa, dự định phải gọi điện thọai xin phép các bạn trước nhưng nhỡ ra có người không đồng ý thì sao!, còn đâu bài viết đầy đủ, với lại có rất nhiều người bây giờ không biết lưu lạc phương nào, nếu xếp lại thì bỏ phí một kho tàng quý báu, đầy sức sống, đầy tình người của một trời kỷ niệm.



Thôi các bạn cứ yên tâm, nếu bà xã có thắc mắc về cái tên riêng cuả bạn thì cứ cười ruồi, đừng phân bua giải thích mà hãy bình tĩnh trã lời: “ Bạn bè gọi anh như thế em thấy đúng không?”, còn bạn nào lỡ làm ông này ông nọ, cô thư ký riêng hỏi tới biệt danh thì bạn galăng như:”Hồi đó tôi như vậy chứ bây giờ tôi không đến nổi nào, chủ nhật này mời cô đến câu lạc bộ tụi tôi chơi, để nghe các biệt danh khác còn ghê rợn hơn”.


Dù sao tôi cũng xin lổi các bạn trước, cứ gọi phôn mắng một trận tôi xin cam chịu hay nếu sau này gặp lại tôi xin hầu tạ.


Tôi thấy những biệt danh không nhằm tâng bốc hay hạ bệ ai, tựu chung đều có khuynh hướng khôi hài, gây ấn tượng để dễ gọi, dễ nhớ, để ghi dấu một kỷ niệm, một sự kiện vui buồn cho đương sự, dù bằng cách nào, biệt danh đó là của người đó hay đã nói lên một phần của người đó, không sai mấy!.


Biệt danh hầu hết là một lối chơi chữ, chia làm nhiều lọai, cách ghép một hay hai chữ đi kèm, có khi cả một mệnh đề đi sau chính danh mà thành, biệt danh thường được tạo nên dựa trên ngọai hình, diện mạo, nhiều khi dựa trên tính tình, cá tính mà dựa vào ngọai hình là dễ nhận thấy nhất, ví dụ có chàng tên Vương, mập to, thì được gọi là “Vương mập” một cách đơn giản, hay một anh chàng tên Châu, trắng trẻo đẹp trai, mũi cao mắt sâu như Tây thì đặt là “Châu lai”; rồi có anh chàng Hưng, có phải do dị ứng nắng quân trường không mà bên má có một vùng nâu nâu, được đặt tên là “Hưng nám”, không biết bây giờ đã hết chưa vì thời nay mỹ phẫm rất công hiệu.


Khóa tôi có nhiều tên trùng nhau nên cái biệt danh cũng để khỏi nhầm lẫn, ví dụ có hai chàng tên Hùng, một chàng được đặt tên theo diện mạo, anh này giỏi võ quyền Anh hay tập dợt vào ban đêm, có phải khi mới vào nghề bị ăn đòn nhiều hay sao mặt mày lấm tấm và màu da xam xám nên được đặt là “Hùng xùi”, còn cái mũi chàng như miếng cao su, đè xuống phình lên. Một chàng Hùng nữa là “Hùng pi pi”, anh chàng nầy rất đợt sống mới, gặp lúc phong trào hippy đang lên nên đồ dùng của chàng như xách tay, gương đeo mắt có những dấu hiệu đó, có phải vậy không mà chử hippy đoc thành pi pi.


Đặt tên theo ngoại hình còn có chàng “Anh cá lẹp”, tôi đã gặp ở cỗng Phi Long lúc điền đơn gia nhập Không Quân, chúng tôi đã đề tên vào mục bạn bè thân thiết mặc dù mới gặp nhau mấy phút, chàng này cao nhưng lộ xương, ngực hơi lép nên gọi “cá lẹp” là không trật được.


Ngoại hình dễ thấy nhất là lùn, trong một nhóm ba người, một anh tên là “Việt lùn” nhưng chêm thêm đằng sau là “Việt lùn gây máu lửa”, ai phát minh ra tên này tôi không rỏ, sau một thời gian để ý thì tôi thấy biệt danh này có lý… chàng thứ hai là “Hãi lông vịt”, tóc thưa, sợi nhỏ, màu vàng vàng nhợt nhợt, lại hay húi cua phơn phớt da đầu trông như lông vịt con.
Chàng thứ ba trong nhóm này tên Trúc, là một nhân vật kỳ quái nhất mà tôi từng gặp, tôi cũng thấy chịu cá tính mạnh của chàng này, có nhiều người không ưa vì cho là quái đản, chàng không mang biệt danh do tính cách của chàng mà mang tên riêng về một lọai bệnh ngòai da, theo đuổi chàng khá lâu đó là bệnh lác ngoài da nên được gọi là “Trúc lác”. Chàng có nhiều biệt tài, thân hình cao lớn cân đối, có chơi thể thao, biết võ, biết đàn, hát nhạc Pháp rất hay và đào có vẻ đông, lắm lúc cũng có người trong khóa đôi co nhưng rồi không làm được gì nhau nên cho qua vì cải không hơn, đánh đấm chắc không lại…Chàng này hơi đặt biệt nên nói thêm một chút, khi cuối tuần ra phố trông chàng rất sạch sẽ nhưng hầu hết mọi khi là dơ, trông bộ đồ lính lúc điểm danh thì biết, bốc mùi và rách tua tủa một phần là do xé. Có nhiều chuyện không tiện nói rỏ như chuyện mấy cô bán câu lạc bộ tới đòi nợ, khi nghe tin khóa chàng sắp đi Mỹ lúc đang ở trại Tent City, mấy cô đến gần, biết chàng đang đắp dra nằm đó nhưng không dám đến kéo tấm dra ra, tụi tôi được dịp cười bò sau khi mấy cô đã ra về tay không. Một vụ khác ở trường bay Medina, là chàng tán được một em WAF, dẫn về cơ ngơi chàng cho biết nhưng phòng của chàng ta lộn xộn như đống rác nên không thể cho em vào được, chàng bèn đưa vào phòng bên cạnh của ai đó trò chuyện, khi ra về em còn cầm một kỹ vật trên tay, chiều tối chủ căn phòng la làng lên mất cái tượng mà chủ nhân rất thích, còn đâu nữa, chàng ta đã mượn đở để tặng em rồi.


Tên trùng nhau thì khóa tôi có những ba tên Hoàng: Hoàng “chim sẽ”, Hoàng “em gái” và Hoàng “toilette” đọc kiểu Pháp “toa-lét”. Hoàng chim sẽ nhỏ con, đầu nhỏ, khuông mặt nhỏ, ngày khám sức khỏe chàng ta phải ăn thêm hai trái chuối và uống hết một bịch trà đá để tăng thêm ký, chàng đã cân thử trước chỉ có bốn bảy ký mà thôi, một Hoàng “em gái” sự tích ra sao tôi không nhớ. Anh chàng Hoàng thứ ba là vì một công tác đặc biệt mà chàng có tên này, kể là vào những tuần huấn nhục, mọi khóa sinh như một trái banh căng phồng lăn từ sáng đến tối ngoài sân bãi, vào một sáng sớm nọ, Hoàng bị một lỗi gì đó, một niên trưởng hỏi anh ta muốn ra sân làm hình phạt hay nhận trách nhiệm “thọc huyết heo”, ra sân phạt chung hay riêng gì cũng khổ, còn thọc huyết heo là lo chùi dọn mấy cái nhà cầu mà thôi, anh đã chọn dãy toilette nên có tên là “Hoàng toa-lét”.


Khóa không mấy người mà tên trùng cũng nhiều, có hai Hãi, một Hãi ‘lông vịt” ở trên và một Hãi “cố đạo”, các bạn có đạo thì không nói làm gì, còn các bạn khác có bao giờ đứng trước một linh mục lúc giảng đạo chưa? Hãi có giọng Bắc rất ấm, hàm răng trắng đều, nói năng khoan thai, hai tay đưa lên đưa xuống nhịp nhàng và miệng luôn cười nhẹ nhàng thì đó không phải hình ảnh của một linh mục giảng đạo là gì! Ngoài ra thường ngày không bao giờ thấy bạn giận hờn hay phiền hà khó chịu với ai, luôn cười cười và vô tư, cái khoa nói của chàng làm mọi người im phăng phắc lúc chàng kể chuyện tiếu lâm.


Hai tên trùng nhau nữa là Khải “bà già” và Khải”chí chóe”, cặp này có tên riêng từ cử chỉ và giọng nói, một Khải khá cao, tay chân rất dài nhưng chàng ta đi dứng chậm rải, nói năng còn chậm hơn nữa, chàng tập Thái cưc quyền thì hợp hơn Thái cực đạo, sau hơn hai chục năm gặp lại thì lạ thay chàng nhảy đầm có hạng, kể cả các điệu nhanh. Còn Khải “chí chóe” nghe tên bạn đã thấy chói tai rồi phải không? không biết sao mà nội lực trong con người này quá thâm hậu, bằng một giọng thanh, cao, phát ra liên tục thì mọi giọng nói khác phải ngưng.


Về kỹ thuật nói còn có anh chàng Dũng cũng không kém tài, khi chàng “ngôn” với một gịong ồ ồ, phát ra từng loạt đều đều, vừa vỗ vỗ người nghe thì chắc chắn phải để cho chàng nói, khó mà xen được một câu, chàng có biệt danh là Dũng “lia chia”.


Cũng tên Dũng, chàng đã mang một biệt danh từ một sự kiện nổi bật mà cả trại Ngân Hà đều biết, sự việc xẩy ra mới một ngày sau khi đến quân trường. Chiều đầu tiên thì được đàn anh dàn chào để thử sức khóa đàn em như đã nói ở trên, cuộc tiếp đón kéo dài đến khuya, màn sau cùng là xét đồ cá nhân với nhiều hình phạt, cổ họng chúng tôi đã khô ran, không có một giọt nước từ lúc mới đến cho đến khi hành xác xong, mọi người như những bao gạo, rồi ngũ vùi, nữa đêm không hẹn mà bò ra gặp nhau ở W.C để tìm nước uống, về sau mới biết đó là nước dội cầu, đã tích lũy với đủ thứ bên trong từ bao đời. Lúc này tinh thần ai cũng căng thẳng, đến một tuần sau mới định thần nhận ra người nằm bên cạnh, có lẻ tình trạng như thế đã đưa đến trường hợp Dũng: Vào một buổi sáng, trong lúc tập thể dục, một niên trưởng thấy Dũng nắm khủy tay mình lại trong khi có một vệt máu chảy dài, những động tác nhảy tại chỗ làm máu ra nhiều hơn, vị niên trưởng mời Dũng ra khỏi hàng và hỏi lý do mới hay Dũng đã dùng lưỡi dao cạo râu để cắt tay vào đêm qua.


Tôi vẫn nghe tiếng niên trưởng dõng dạc:


- Ông chọn lầm binh chủng rồi! ông hối hận phải không? ông phải biết trong thời gian huấn nhục chúng tôi có thể phạt chết 5%.


Trong gió sớm, sau một hồi đứng yên Dũng đã cảm thấy lạnh, nghe lời niên trưởng Dũng càng lạnh hơn.Về sau mới biết đó chỉ là những lời đe dọa nhưng lúc đó chúng tôi đều tái mặt.Vị niên trưởng tiếp:


-Trong hàng có ai muốn chết nữa không?.


Cả hàng không một tiếng động, rồi ông quay qua Dũng:


-Ông còn muốn chết không?


Sau khi lắc đầu Dũng mới được dìu đi bệnh xá, từ đó Dũng được mang biệt danh “ông già cắt cổ”.


Trong khóa có ba anh chàng cùng xứ với tôi, một chàng tên Phúc, nghe nói nhà bán tiệm café, trong thời gian thời gian học Anh văn tại trường Sinh Ngữ Quân Đội là đã nhàn rổi sau giai đoạn một quân sự ở Nha Trang về, cứ trưa đến chàng Phúc đem gổ thông ra cưa, đục, bào... dụng cụ nào cũng nhỏ xíu, để tạo những bức tranh hoa, lá, chim, cò, tóc ngắn, tóc dài rỏ ràng là rất hợp cho tiệm café, những tiếng đục đẻo cò kè đó làm phiền hàng xóm không ít đang cần yên lặng nghỉ trưa, cho nên chàng được mang biệt danh Phúc “thợ mộc” cho một con người nho nhã.


Người cùng quê thứ hai là Ánh, có biệt danh từ một cảnh tượng khá ly kỳ diễn ra trước cả khóa trong một buổi hành xác ngoài sân, trước đó hình như chàng chưa có tên riêng, sự việc này là một cái mốc, hôm đó Ánh được niên trưởng mời ra khỏi hàng, xin các bạn cho biết cảm tưỏng khi bị niên trưởng mời ra khỏi hàng!, chắc chắn là trúng số rồi! Niên trưởng quần Ánh một hồi khá lâu, chỉ nghe những câu ngắn của niên trưởng” Ông tà tà phải không?”, hình như Ánh đã mệt hay sao đó nên làm không đúng thế, niên trưởng gia tăng hình phạt dần và sau cùng Ánh đã ngất xỉu, nằm bất động, tưởng thế là xong, sẽ đưọc cho vào hàng hay đi bệnh xá. Vị niên trưởng đến gần, ngồi xuống vạch mắt Ánh ra xem con ngươi, hỏi:


_ “Ông có thi hành lệnh không?


Ánh vẫn nằm im, niên trửơng kêu ra khỏi hàng sáu người, thi hành lệnh như sau: Sáu người khiêng Ánh đặt lên ụ cát phòng thủ gần đó, nằm chúc đầu xuống đất, hai người giữ hai chân, hai người giữ hai tay, một người ôm cái đầu, một người múc đầy nón sắt nước đổ từ từ vào… lỗ mũi, chỉ mấy giây sau, một tiếng rống vang trời, nước phun tung tóe, đồng thời năm người bị đẩy văng ra, có vài người loạng choạng, Ánh rơi cái bịch xuống đất, ho sặc sụa một tràng rồi lồm cồm bò dậy, Ánh không xỉu mà rất tỉnh táo, niên trưởng cho Ánh làm một cái nhảy xổm đúng thế danh dự trước khi bước vào hàng. Cán bộ niên trưởng có cách để trị những anh khóa sinh tà tà ma giáo, giả xỉu, từ đó tụi tôi gọi chàng là “Ánh ma giáo”.


Tôi lại gặp một anh chàng học cùng một trường công lập lớn nhất thành phố Đá Nẳng, chàng ở bên trường Tây chuyễn qua, học ban C, tôi B, mà hai phòng ở hai đầu dãy nên ít khi gặp, thời học sinh này tôi nhớ Bảo ăn bận rất sạch sẽ, tươm tất, chàng hay quàng cái khăn “lơ cu-loa” trên cổ rất đúng điệu cho đến khi vào lính, kể ra vóc dáng thon thon trắng trẻo mà đưa anh vào quân trường huấn nhục đã là chịu đựng lắm, anh có bộ đi hơi nhanh, ăn nói điềm đạm, nói chung là rất ư lịch sự. Một buổi sáng nọ, chàng không chuẩn bị để ra sân tập thể dục, trong lúc mọi ngưòi lục đục, di chuyễn rầm rầm như giặc tới thì anh ta vẫn im re trên giường, niên trưởng đi kiểm tra, hỏi lý do, chàng nhỏ nhẻ trả lời: “Hôm nay Bảo cu…úm…”, chàng kéo dài chử cúm để nghe bệnh nặng hơn, từ đó có tên “Bảo cúm”, với cái cách như vậy nên có người còn gọi chàng là “chị Bảo”.


Có những anh chàng bạch diện thư sinh thì cũng có những chàng vai u thịt bắp, đó là chàng Khiêm, không biết có chơi tạ không mà thấy người nổi lên toàn bắp thịt, có điều không mấy cân đối, tay chân đầu cổ đều to, thêm vào cái vẻ vô tư ít nói của anh, lại ít đụng chạm với ai nên được mang tên “Khiêm nông dân” hay Khiêm “người cày có ruộng”, lúc đó luật người cày có ruộng mới được ban hành ít lâu.


Trái với Khiêm to con mạnh khỏe ở trên thì có một anh chàng mang cái tên mới nghe là thấy ốm rồi: Tấn “mắm”, mắm thì phải ốm tong teo, còn một ý mắm thứ hai là vì ngay đêm vừa tới quân trường, sau màn chào Đại Bàn thì đến màn kiểm soát đồ cá nhân, khi vào phòng sắp hai hàng dài thì đem trình ra hết những gì mang theo trong túi marine. Ôi! đây là kỷ niệm muôn đời, thật ra không khóa sinh nào biết nhiều về quân trường, về huấn nhục ra sao… đi đứng, ăn hút có tự do không, nên ai cũng mang theo đồ dùng đề phòng nắng, khát, như cam, chanh, đường, sửa, bánh trái…đồ ăn phụ như thịt hộp, thịt chà bông, trà, thuốc lá…nhưng anh chàng Tấn này mang theo một lon mắm, rất cay và mặn quá cở, đồ ăn trình ra thì phải giải quyết cho hết hay phải “mời bạn dùng”, ai cũng trông gặp miếng chanh, miếng đường cho đở khát vì hồi chiều đến bây giờ là nữa đêm mà chưa uống nước trong khi mồ hôi thì ra bê bết. Trong thủ tục “mời bạn dùng” mọi người đều được nếm đủ mùi vị các bạn đưa tới, một miếng bánh ngọt chưa kịp nuốt thì ngoạm thêm một trái chanh, rồi một miếng cá hộp, một cây kẹo, một miếng thịt và xui xẻo là một miếng mắm…, mặn ngọt như vậy mà bạn phải nuốt không được nhả ra, mà nhả ra đâu trong khi đứng nghiêm hai hàng như trời trồng. Cảm giác tôi lúc đó thật buồn nôn, miệng đã đầy cứng nhưng vẫn cố gắng ngậm lại để đồ ăn ngấm từ từ qua cổ họng, lúc đó ai được mời một điếu thuốc thì thật cay đắng, nước mắt có dịp tuôn trào. Tôi là “con bà phước” (tiếng lóng nói ở xa gia đình) nên không có thức ăn mang theo, chỉ có mấy gói thuốc lá, tôi đã đi mời quanh mà không ai có thể gắn thêm một điếu, hai bên má họ phồng to và nước miếng đã nhễu dài, tôi là chủ nhân số thuốc lá này nên phải giải quyết cho hết, niên trưởng bắt tôi phải hút trong tư thế “chống thế chờ”. Còn hơn nửa gói thuốc tôi ngậm chật cả miệng, đốt một hồi lâu mới cháy, tôi nằm úp mặt chống hai tay chịu để cho khói ngùn ngụt bao phủ quanh đầu tôi, tôi đã nhắm mắt nhưng không thể nín thở, nước miếng ứa ra, một lúc sau tôi ho sặc sụa thì mới được đứng dậy, vào hàng tiếp tục nhận nguồn thực phẩm dồi dào không mong đợi, chẳng có gì là nước, cổ họng tôi nóng rát, thật khó quên món “Tấn mắm”.


Trong thời gian huấn nhục này chúng tôi không được giữ lai một thứ đồ ăn gì kể cả thuốc lá, chỉ có cơm và nước của chính phủ tại nhà bàn, không được phép vào câu lạc bộ hay mua bán lặt vặt, ai vi phạm những điều này sẽ bị phạt tới nơi tới chốn. Cơm nhà bàn thì phải ăn cho hết một cách sạch sẽ, trên khay không được chừa lại thứ gì kể cả cục thịt mỡ hay trái ớt, nếu bỏ lại thì bị cho là chê cơm chính phủ, sẽ bị phạt, ăn mà để muỗng nĩa kêu lách tách thì cho là ăn như gà mổ, phạt, bị thâu muỗng nĩa, để khay dưới sàn nhà bò mà ăn. Đa số chúng tôi là dân nghiền thuốc lá, có chàng trùm mền hút, bị cán bộ đi ngang ngửi được mùi là tàn một đời.Có những lúc quá khát nước mà đang bị phạt thì giả bộ bò lăn tới bên vũng nước mưa, nằm úp mặt xuống làm vài ngụm. Sau mỗi bửa ăn chúng tôi chỉ được uống một nắp bình bi đông, nước thật quý, sau này mới biết là lúc quá mệt uống nhiều nước vào sẽ bị to tim và dễ bị loại sức khỏe.


Có những tên riêng không liên hệ gì trên con người đương sự cả, đó là Long, mà theo tôi Long là tiêu biểu phần nào cho người miền Nam, tính tình vui vẻ, cởi mở, nhân một buổi học Anh văn, có một câu diễn tả một Sam Long đang làm gì đó thì bỗng một ngưòi nói “có Sam Long đây”, từ đó Long nhận thêm chử Sam đằng trước một cách tự nhiên. Đây cũng là cách để phân biệt với “Long mad”, không biết ai đặt tên này, có lẻ gọi "Long mát" là do cái cách nói thẳng tuốt luốt của chàng. Đôi khi tôi cũng muốn đi tìm ai là tác giả hay sự việc liên quan đến các biệt danh nhưng thật khó vô cùng, cũng như khi đi tìm tác giả của tục ngữ ca dao, chỉ nghe rồi truyền miệng.


Những ngày tháng quân trường trôi qua thật chậm, tôi có cảm tưởng một ngày không bao giờ dứt, thời gian được đo từng phút, từng giây, từng tiếng đếm thì làm sao qua mau được, ví dụ một niên trưởng ra lệnh ba mươi giây để hoàn thành một công việc tràng giang đại hãi, như chuẩn bị đầy đủ quân trang, giày mũ áo xống, ba lô, ra sân trình diện thì trể là chắc, có những việc mà lúc bình thường không ai có thể làm xong được nhưng lúc này thì phải xong, có thể xong, nhưng chỉ thiếu vài giây, đó là lý do để chịu phạt, một chuỗi hình phạt. Hình phạt có đủ thứ nhưng cán bộ niên trưỡng không bao giờ đụng chạm đến thân thể hay nhục mạ khóa sinh, kỷ luật quân đội không bao giờ bị lợi dụng. Chúng tôi ghi nhớ những ngày tháng quân trường, không phải để oán hận hay bất mản mà ngược lại để đánh dấu ngày những người trai từ giả cuộc đời dân sự bước vào lính, suy nghỉ đã khác, cuộc sống đã khác để trở thành trai thời chiến, da chúng tôi đã sạm đen, khuôn mặt rắn rỏi hơn. Những biệt danh là để ghi dấu thời gian những người tứ xứ gặp nhau, cùng một lý tưởng rồi mai đây mỗi cánh chim tung mỗi phương trời.



Hình như các biệt danh cũng nhắm cái phần khôi hài của nhân vật và những chuyện dở khóc dở cười ở quân trường, chắc cũng có nhiều bạn không bằng lòng với cái tên riêng của mình nhưng rồi cũng bị nghe mà không sửa được, đã lỡ gán từ lâu, có thể than thầm:” thật thằng nào ác quá, hết tên rồi sao mà đặt tên này!”. Thôi thì dám chơi dám chịu, có những đứa không có biệt danh thì buồn lắm và lại dễ bị lãng quên!


Còn nhiều tên nổi bật nữa cũng nên kể ra, đó là nhân vật mang cái tên mà thiếu nhi rất ưa vào mùa trung Thu, đó là “Vân địa”, người trông ra sao thì người ta kêu như vậy, còn có tên khác nữa là "đại tá Vân" vì có một lần họp hội do một vị Trung tá chủ toạ, ông ta đã đến nhưng Vân đến sau ông thì phải là có cấp bậc lớn hơn rồi nên khi tan họp bạn bè bu lại đặt cho tên đó. Có một tên rất dễ nhớ đó là anh chàng Tốt, có biệt danh khó nói ra quá khi ghép thêm một chữ đằng sau để nói lái.


Khi sống chung người ta thường bộc lộ phần nào về con người mình, không ai giống ai, mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính. Có một chàng Tuấn rất chỉnh tề trong môi trường này cũng là lạ, lúc này đang ở trại Tent City, áo quần chàng Tuấn lúc nào cũng được bỏ giặt ủi hồ thẳng thắn, giày luôn láng bóng làm anh em nhớ hồi còn ở quân trường, bóng đến nổi nhăn răng mà soi phải đếm đủ ba mươi hai cái, khăn tay anh xếp thẳng bỏ túi, mũ calô nhét trên cầu vai, mỗi tuần ra phố anh chàng chuẫn bị khá lâu, anh này có biệt danh là “Tuấn hội đồng Xã”, anh chàng này và “Trúc lác” là khắc tinh của nhau, nhiều lần chọc nhau rất căng, Tuấn có vẻ giận, tôi nghỉ Tuấn cũng muốn làm một cái gì đó phản pháo.


Lúc đầu tôi cũng tưởng trong nhóm Trúc có Du, chàng Du là trưởng khóa, có biệt danh là “sáu Du”, tôi không hiểu biệt danh này chắc khi nào gặp tôi hỏi cho biết sự tình, hồi đó Du đúng điệu là trưởng khóa, một con người chọn đường binh nghiệp không sai, không to lớn lắm nhưng có bề ngang, giọng nói ồm ồm rất có âm hưởng mỗi lần hô trước hàng quân. Anh ta không kém tài hoa, trong một buổi liên hoan taị câu lạc bộ Chaparel, Lacland, với cái đầu trọc, chàng vừa đàn organ vừa hát hai bài của The Beatles rất mùi, khán giả vỗ tay quá chừng. Du chơi với Cát, Cát thì hơi nhỏ con nhưng có bộ gió kênh kiệu rất tiếu lâm, anh đi còng còng lưng và hai tay khuỳnh ra, tụi tôi kêu chàng là “Cát lặc”, chàng nói chuyện rất có duyên và cũng hay làm nghiêm, thường lân la đến bên tôi kiếm chuyện chọc quê.


Hiện nay tụi tôi cùng các bạn ở những khóa cùng thời, có lập một cái hội nhỏ gọi là “flying club”, một số anh em lấy lại bằng lái nên cuối tuần rủ nhau lên phi trường Long Beach thuê máy bay loại nhỏ một động cơ bay lai rai, chung nhau trả tiền xăng, có khi bay kéo “banner” trong ngày lễ do cộng đồng tỗ chức, bay vòng vòng trên bầu trời Little Saigòn, nhận ra các khu phố Việt mà thấy lòng nao nao về một quê nhà, anh em bầu Bùi Thanh Vân tức "đại tá Vân" làm club trưỏng, Lê Hưng hội phó, chuyện trò sinh hoạt là lúc các biệt danh được đem ra xử dụng tới tấp.


Kế đến là anh chàng có đầy đũ họ tên là Quang Chí Thành, sơ sơ về ngoại hình thì chàng có đôi mắt đen nháy, lông mi dài, khóe miệng duyên dáng, thêm vào là giọng nói nhẹ nhàng thanh tao, ít khi nóng giận, nên ai đã đổi chữ Chí Thành qua “chị Thành” một cách đơn giản mà đầy đủ nghĩa.


Khóa tôi có nhiều chàng rất trẻ mà thích bay bỗng sớm, trẻ trông như học sinh trung học khi khoác bộ đồ civil, trẻ cả người và tính tình là “Thạch nhô”, nhô là nhỏ nói trại ra, nhỏ mà lại rất cương, đôi khi cũng ì xèo với người khác nhưng không đến nổi nào làm náo động. Có những buổi trưa, lúc mọi người yên giấc thì chàng và “Hòa ke” tổng dợt các điệu nhảy trong khi trên người ăn mặt rất mát mẻ, sau này có gặp lại thì hình ảnh Nhô không còn nữa nhưng vẫn cái vẻ trẻ hơn tuổi.


Nhắc đến “Hòa ke” là đã thấy dễ cười, có khi còn được gọi là “Hòa ké”, gọi đằng nào cũng đúng. Các bạn có để ý mấy người hay hoa lá cành, xạo xạo thì người ta gọi là “xạo ke”, còn gọi là “ké” là vì chàng mâm nào cũng có mặt, xía vào một chút cho vui, cười cười lim dim dôi mắt với hàm răng đều đặn.


Khi gần xong giai đoạn huấn nhục thì hầu hết mỗi chàng đã mang một tên đệm riêng, về sau khi qua các trường Anh Ngữ, trường bay thì được bổ sung thêm, ví dụ như “Khuê xì”, Xì là Spanish, chuyện là trên một chuyến xe buýt xuống phố San Antonio, Khuê ngồi lẫn lộn với người Nam Mỹ, thấy da chàng sậm sậm nên người khách ngồi bên cạnh hòi chàng có phải Spanish không, chàng gật đầu nên mấy bạn cùng khóa đi trên xe tặng luôn tên “Khuê xì” cho chàng.



Khóa tôi có một số SVSQ không phi hành, sau thời gian huấn nhục họ được đi học các trường chuyên môn khác, tôi không nhớ tên nhiều, trong số đó đã để lại một dấu ấn đau buồn và đã làm thay đổi quy chế hình phạt quân trường từ Cục Quân Huấn vì đã có hai khóa sinh đã chết trong lúc huấn nhục, khi đó ít ai biết là do hành xác hay do bệnh đau màng óc, ai cũng thấy hai anh này bị phạt xỉu, chở đi bệnh xá. Những cảnh hành xác đó vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi như khi một khóa sinh không thể hay không muốn thi hành một lệnh phạt thì có thể bị xem là chống đối, lập tức có hai người cầm hai chân kéo ngữa trên sân lạo xạo sỏi đá, nếu còn tỉnh, người bị kéo sẽ cố gắng ngóc đầu lên để khỏi chạm đất đá và hai tay cố ôm cứng cái nón sắt cho khỏi rơi ra. Một loại hình phạt khác có tên là “nướng vỉ sắt”, loại tấm ri sắt lỗ, được phơi giữa trưa nắng mà người bị phạt sẽ bị bốn người khác khiêng đặt lên, người anh ta cong lại và la lên thất thanh rồi lăn nhào xuống đất, hôm sau tấm lưng nạn nhân lỗ chỗ tím bầm.


Sau sự kiên đau buồn về hai anh bạn đó thì các hình phạt trên được hũy bỏ kể cả các hình phạt thông thường như “móc gìò”, “đổ nước”, chống thế chờ trên sân nhựa, bỏ trong thùng phi lăn,…Móc giò là một môn cũng khá nguy hiểm, người bị phạt tự móc hai chân lên thành cửa sổ hay xà nhà, hai tay chống trên vành nón sắt gập ghềnh, phải nắm thật chặt vì nón sắt lăn như trái cầu, nếu để bị rớt thì cái mặt sẽ ủi xuống nền nhà. Chống thế chờ thì đơn giản nhưng vào buổi trưa sân nhựa đường bốc hỏa sẽ làm lột da tay, anh nào không biết ưỡn bụng để hờ hờ thì vài ngày sau sẽ có hai bàn tay bó băng trắng. Bị lăn thùng phi thì không nặng nhọc gì, chỉ chui vào thùng rồi có người lăn dùm, nhưng rất chóng mặt và muốn ói, tôi nghe các bạn có nếm thử kể là rất ồn như trống đánh bên tai nên phải bịt thật chặt.


Càng về sau các hình phạt nhẹ nhàng hơn, cán bộ trở lại các món thông thường của quân trường như hít đất, nhảy xổm, chạy, bò…, thỉnh thoảng làm trực thăng, quay cho chóng mặt rồi đáp. Có khi làm máy bay đáp bụng là phải dang hai tay, chạy lạng qua lạng lại, giảm tốc độ rồi đột nhiên xà người nằm ẹp xuống đất, đưa bụng ra đở như máy bay hạ không có bánh đáp. Nếu thấy khóa sinh nào có vẻ mệt, niên trưởng sẽ hỏi: “Ông chết rồi phải không? Vậy ông được làm Drango chết trên mình ngựa!”, đó là cách nằm nghỉ vắt qua một cây ngang, để hai tay buông thỏng xuống và đầu nghẻo sang một bên như chàng cao bồi đã chết trên lưng ngựa, lững thững trên đồng hoang, cán bộ niên trưởng thật nhiều tuỡng tượng nhưng khóa sinh cười không nổi.


Chúng tôi trông cho đến ngày gắn alpha để trã nợ quân trường, rồi ngày đó cũng đến, đó là đêm được tắm suối tiên để rủ bỏ nhọc nhằn nhưng "suối" là con mương ngoằn nghèo không nắp đậy, có thứ nước đen đen mà gió ngược gió xuôi ai cũng có thể nhận ra mùi đặc trưng của nó. Cả khóa đứng trải dài, sát mép bờ mương, chờ niên trưởng hô ba tiếng là nhảy ùm xuống để quậy lên con mương đã yên nghỉ từ lâu, nước mương chỉ sâu ngang gối nên ai cũng bò, hụp cho ngập tới cổ, cũng là lệnh, đã thối cả một vùng. Thôi! Sau cơn mưa trời lại sáng, ngày mai sẽ được phép mặc bộ đồ vàng tiểu lễ ra phố Nha Trang.


Nhiều khi chúng tôi cũng đặt tên cho những niên trưởng, trong số họ vì lý do gì đó bị kẹt lại quân trường, chưa đi học chuyên môn, chưa đi học bay hay xuất ngoại được, trong khi đó các bạn cùng khóa đã ra trường, ra đơn vị, đã có lon lá mà mình vẫn còn đeo con cá (lon SVSQ hình con cá) thì chướng vô cùng, nên các niên trưởng đã tặng mọi sự khó chịu lên các khóa đàn em, họ đã trở thành siêu cồ, chúng tôi gọi họ là những hung thần Nha Trang, nếu lỡ mà gặp một siêu cồ móc ra khỏi hàng thì trúng số to, ví dụ như siêu cồ Hùng có bệt hiệu “Hùng công lực” vì ông ta chỉ phạt nhảy công lực đúng thế, nhảy chân phải hỏng đất thật cao, khi đáp xuống phải đánh gót giày kêu rầm rập, nhưng khó là thi hành gần đủ số rồi lại bị bỏ đi, đếm lại từ đầu; có một "Ánh siêu cồ" mà sau này ở cùng phòng với tôi bên Medina, với bộ đi khệnh khạng, rất ít nói, hai mươi năm sau gặp lại ở California bộ điệu vẫn như xưa.


Nói đến quý bạn mà không kể về mình là không được, người ta sẽ nghi ngờ, chắc nó có biệt hiệu ghê lắm nên dấu đi; kiểm chứng lại trong gương, cái biệt danh gán cho tôi không sai mấy, đó là “Dinh già”, bình thường thì tôi không đến nổi nào, với cái tuổi hai mươi mấy đầy mộng ước mà có tên “già” kể cũng lạ, chắc lúc đó tôi trông chậm chậm, ít nói năng và hay tư lự chứ không có vẻ nhiều chuyện như bây giờ, tính tôi thuộc loại nhát với ngưòi khác phái, ai thương thì nhờ chứ mục tán tỉnh thì rất dở nhưng không ngờ có nàng Laurie trên trời rơi xuống, khi không xách vali đến văn phòng Locator tìm tôi, chuyện xém rắc rối khi lên gặp đại uý Reed, không nhớ lúc đó ông là gì của trường sinh ngữ Lackland, những lúc buồn buồn, nhìn vào gương tôi thấy tôi già thiệt, tướng số nói thần sắc mà xuống nhanh là không tốt nên tôi vẫn phải cố yêu đời.


Có một anh chàng mà biệt danh trùng với tôi đó là “Yêm già”, có khi được kêu là Yếm già, cái yếm của bà già, anh ta không ồn ào, cái gì cũng từ từ như ông già, ít nói và cười mím chi rất có duyên, tôi mong được găp lại để xem ai già hơn ai.


Gần đây có vài bạn khi nghe gọi đến biệt danh của mình thì than thở "gọi chi kỳ, kêu chi lạ...", muốn không gọi nữa cũng dễ thôi!, đây là tên do khóa đặt nên đợi khi nào họp khóa rồi năn nỉ, sữa hay xóa cũng không muộn, mà nhớ là mời cho đông đũ vì có nhiều bạn đang ở dưới lòng đất.


Không phải bạn cùng khóa nhập ngủ mới thân nhau mà những người huấn luyện chung cũng thân thiết, có chàng Lý học cùng lớp Anh ngử, đi tới đâu cũng rất vui vẻ ồn ào, khi cười thì miệng há lớn, thật là một anh chàng đầy cá tính, có tên là “Lý nhà bàn”. Lúc ở Lackland các khóa sinh đều ăn ở mess hall, đây là lúc an nhàn, chuyện buồn cười về cách ăn ở đây là để tiết kiệm tiền bạc không có ai ăn đúng ba bửa mỗi ngày tại nhà ăn, với lại bụng dạ nào mà ăn cho nổi theo kiểu buffet, nên mỗi ngày chỉ ăn sáng và chiều hoặc ăn một bửa trưa rồi tối về phòng ăn mì gói, cho nên bửa ăn tại nhà bàn phải là một bửa ăn đích đáng. Khi chuông nghỉ học buổi trưa vừa reo là mọi người chen lấn nhau ra cửa, ùa ra hành lang tiến về nhà bàn, tiếng chuông còn kêu mà lớp học đã trống trơn. Tại sao phải vội vàng thế! vì một giờ nghỉ trưa không kịp cho bửa ăn, chưa kể sắp vào cái hàng dài rồng rắn, tận ngoài cửa, xuống bậc thềm ra ngoài sân cỏ, không riêng gì khóa sinh nước nào, tất cả đều chạy về đây. Khi vào bên trong rồi phải canh đồng hồ để ăn như thế nào cho kịp về lớp; thế mới có chuyện một ride hay ba rides, ride đầu chỉ lấy đồ ăn chính bỏ qua đồ phụ, ride sau mới lấy đầy đủ rồi lai rai cho đến giờ vào lớp. Có chàng tới ride thứ ba nhưng có ai hỏi mấy rồi thì chỉ đưa lên hai ngón. Trở lại chuyện Lý nhà bàn, anh ta nói lên cân lia lịa.


Hình ảnh cáí nhà bàn, cái mess hall, thỉnh thoảng lại chạy qua bao tử tôi sau này đi tù “cải tạo” mà ngày ngày chỉ thấy toàn màu xanh cứt ngựa tươi của kaki Nam Định, súng AK và núi rừng trùng điệp. Khi con người bị vắt kiệt sức và đói lâu ngày thì lúc nào cũng nghĩ kiếm cái gì để bỏ vào miệng, khi mà rau tàu bay mọc hoang không kịp để tù nhân “cải thiện”, cách nói lạ tai của quân canh; không hiểu sao lại có chữ tàu bay ở đây! có lẻ vì hạt bông của loài rau dại này đã bay bay đi rất xa để gieo lại mầm sống cho tù nhân, khi mà cóc nhái, cắc kè rắn mối...châu chấu cào cào trốn đi đâu hết hay không kịp sinh sôi nẩy nở để người tù có chút mùi tanh, tôi có một nhóm ba người, nhiều khi túng quá nữa đêm chui rào, men ra triền suối ăn trộm sắn khoai hay chia nhau những gì kiếm được cũng là nương nhau lúc khó khăn.


Còn nhiều tên riêng nữa xin kể vắn tắt ra đây như “Giao khổng lồ” đã lựa hết kho giày mà không có đôi nào vừa chân; như Thu, ghép với một chữ đi sau để nói lái, ai muốn ghép chữ nào cũng vui; “Định ma cô” với tướng đi nghênh ngang, tên riêng này do cán bộ đặt là vì khi thấy Định xâm chử H trên tay bèn hỏi rằng: “Ông Hận đời nên đi lính phải không?. “Bích vịt bầu” như có sau mông hai bong bóng, lại có người được tặng biệt hiệu là “cu li” nữa chứ! Có dịp tôi sẽ sưu tầm đầy đủ hơn về các biệt danh như “Thịnh đầu noa” vì ít khi thấy có tóc trên đầu; Bình “thét mét” vì hay hỏi dông dài trong khi mọi người muốn tan hàng, còn gọi là “Bình chuột bạch” vì da trắng như chuột để phân biệt với “Bình lờ đờ” có cặp mắt lững lờ; “An gà rù” chắc đã hết rù!, anh chàng Đồng trung Quốc được kêu là “Đồng Trung Cọng”, “Ngôn con” vì nhỏ con, vui tính…Tôi cố nhớ thêm vì sao một anh chàng lại có biệt danh “đỉ Nghiêm”, ai biết mách dùm! Nếu tôi có thiếu sót mà không kể tên một số bạn ra đây thì xin cáo lỗi, những bạn chưa gặp lại từ hồi ở Nha Trang như Sơn, Ngôn, Bông, Mỹ, Ban…nếu có biệt danh thì xin bổ sung vào danh sách kỳ quái này, hy vọng tất cả bạn bè trong khóa không đánh rơi biệt danh của mình để chúng ta còn sợi dây kết nối.


Những gì chúng ta ghi nhớ là những gì vui sướng hay khổ đau nhất phải không?, những ngày đầu vào lính chúng ta gặp nhau ở Nha Trang hẳn là một dấu ấn hân hoan và hưng phấn, mỗi lần nhắc lại tên một người bạn trong khóa, tên một địa danh đã đi qua là tôi như sống lại thời xa xưa đó, lúc mà tình cảm dạt dào với niềm tin yêu rạng rỡ, để cùng nhau xây dựng một lý tưởng nhưng than ôi! nhiệm vụ không thành, dù sao tôi cũng cám ơn thời khắc đó, đã cho tôi sống đúng với vị trí của mình và trong tôi khó phai mờ biệt danh của những chàng trai thời ly loạn…


CA, 1994 -


Phan v Dinh, 72C


Trích ĐÔI CÁNH BẠC, Silver Wings Flying Club


 



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn