BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76302)
(Xem: 63007)
(Xem: 40404)
(Xem: 32000)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện Chuột & Người

01 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 1050)
Chuyện Chuột & Người
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
Khách quan mà nói thì “những chặng đường tiến” của người Rục – rõ ràng – dài hơn, và nhanh hơn, những bước (“chân dép lốp đi vào vũ trụ”) của đồng bào dưới miền xuôi nhiều lắm. Họ phóng (cái rẹt) từ Thời Kỳ Săn Bắt, nhẩy băng qua qua giai đoạn bán định canh và định canh, để bước (cái rột) lên Thời Kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ trong một thời gian rất ngắn: năm mươi năm chẵn. Kỷ lục này thiệt là đáng kể, đáng nể và cũng (vô cùng) đáng ngại!

Cách đây chưa lâu, có bữa, ký giả Hoàng Nam của tờ Tiền Phong hớn hở đi tin:
“Ngày 6 tháng 9 năm 2011 Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cho biết, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện 2 cá thể sống (một đực, một cái) của loài thú được cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm tại vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình).

“Tin cho hay, các nhà khoa học đã phát hiện trong những loài chuột rừng được đồng bào Rục, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) bẫy bắt để ăn thịt có loài chuột đá, tên khoa học Laonastes aenigmamus. Trước năm 2005, khi xem xét các mẫu hóa thạch, các nhà khoa học khẳng định loài chuột đá đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Loài chuột đá này có mình như chuột, đuôi như đuôi sóc, lông mịn như cầy và người Rục gọi là con “Ninh Cùng”.

Tôi vốn tuổi Mẹo nên không quan tâm gì (mấy) đến sự sống còn của chuột, bất kể là loại chuột gì. Hơn nữa, điều mà ký giả Hoàng Nam vừa mô tả là “một phát hiện quan trọng” (nói nào ngay) cũng không quan trọng gì cho lắm.

Trước đó, vào ngày 15 tháng 12 năm 2008, BBC đã có chưng hình loại chuột này, với lời chú thích rất bất ngờ: “The Laotian rock rat (Laonastes aenigmamus) was first recorded by scientists at a food market in Laos. Remarkably, researchers say this species is the sole survivor of an ancient group of rodents understood to have died out 11 million years ago.

Nguồn ảnh: BBC

Coi: loài chuột đá mà thiên hạ cứ tưởng đã tuyệt chủng từ lâu (thiệt ra) đang được dân Lào bầy bán cả sâu ngoài chợ, mua về nhậu lai rai mệt nghỉ, có qúi hiếm gì đâu mà phải làm rầm rĩ vậy – mấy cha? Tuy thế, cái địa danh “xã Thượng Hoá” – trong bài viết thượng dẫn – lại cứ khiến tôi băn khoăn mãi. Nó nhắc nhớ đến một bài viết khác (“Vào Rục Ứa Nước Mắt”) của nhà báo Dương Minh Phong – trên blog Cu làng cát:


“Cuối tuần, gọi mấy nhà báo lão luyện lên Rục (Thượng Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình) anh nào cũng ởm ờ, mình lên núi, bà con gọi điện về nói hết gạo, ăn sắn cầm hơi, ăn cả củ nhút, củ mài trong lũ…

 

Vào chạn bếp đồng bào, lạnh tênh. Bữa trưa nhiều gia đình chỉ có sắn và sắn, Nhà khá hơn có chút ngô. Nhà tốt hơn chút còn hai bữa gạo nấu cháo cho trẻ con ăn.


Bữa trưa. Ảnh Dương Minh Phong chụp vào tháng 10 năm 2011.




Nhiều người ăn sắn đến gầy rạc người. Hỏi Cao Thị Thanh thèm cơm không? Thanh nói: “Cơm mà không thèm thì thèm chi”. Thèm thịt cá không?

Thanh: “Thèm chơ, nhưng chừ thèm cơm nhất, thịt cá mơ cũng không có mô, chừ thèm cơm thôi, mình đang có thai, thèm cơm quá”. Thật sự giấc mơ nhỏ của người Rục chẳng lớn lao gì, họ không dám mơ bữa ăn có thịt cá như người dưới xuôi, mà mơ có cơm, cơm họ thèm đến quặn lòng, họ nói thèm cơm mà nghe thắt ruột.

 

Với họ có bữa cơm là ấm bụng, có bữa cơm gân cốt như mạnh thêm lên, có bữa cơm họ phấn chấn tinh thần hơn. Một ngày vào Rục, ứa nước mắt khi nhà mình bưng bát cơm trắng, thức ăn đôi lúc chê vợ nấu dỡ, còn đồng bào, thèm cơm đến lạ lùng. Họ từng được bộ đội biên phòng cấp gần 6kg gạo chống đói trung lũ, nhưng mỗi khẩu như thế bị lũ quần 40 ngày, ăn chỉ trong chưa đầy năm ngày hết veo. Bởi bữa ăn của họ không có thức ăn ngoài muối trắng đâm ớt. Cơm chấm ớt ăn qua ngày, hết năm ngày ngồi bóc sắn nhai đắng họng.”


Bữa trưa của trẻ con ngày mình vào Rục. Ảnh Dương Minh Phong chụp tháng 10/2011



Trên blog Quê choa, với tựa đề là “Người Rục Đang Đói,” nhà văn Nguyễn Quang Lập còn cho biết thêm vài tình tiết (ly kỳ) khác nữa:



“Nhà báo Dương Minh Phong đã gắn bó với người Rục hơn chục năm nay. Năm 2006, anh đã cùng các nhà báo Phan Phương, Nguyễn Quang Vinh đấu tranh vô cùng gian khổ chứng minh người Rục đang đói trong khi cả tỉnh ủy lẫn UBND tỉnh Quảng Bình ra sức che đậy việc bỏ đói người Rục. Việc này Nguyễn Quang Vinh đã viết phóng sự 9 kì có tên Sự thật, ai muốn xem bấm vào đây: Sự thật kì 1,Sự thật kì 2,Sự thật kì 3, Sự thật kì 4,Sự thật kì 5, Sự thật kì 6,Sự thật kì 7, Sự thật kì 8, Sự thật kì 9.”
Loạt bài phóng sự này có nhiều đoạn, và nhiều hình ảnh, xem khó mà cầm nước mắt:



Chúng tôi vào thôn.

Khủng khiếp.

Tôi không hình dung được, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa lại có một thôn sống trong cảnh lay lắt như vậy. Tan hoang. Nhà nào cũng đói. Nhà chị Cao Thị Liên đang ngồi ôm đứa con nhỏ, đói lả, bên chị là cái nồi chứa những con nòng nọc. Đó là món ăn duy nhất còn lại trong ngày của nhà chị.”


Chị Cao Thị Liên và rổ đựng nòng nọc. Ảnh Nguyễn Quang Vinh chụp tháng 10 năm 2006.

“Nhà ông Cao Xuân Hiếu, 7 người đang ngồi, nằm trên nền đất, đói lả. Nhà nào cũng như vậy. Cái đói bao trùm.”


Ông Cao Xuân Hiếu nói: “Đói lắm cán bộ ạ.” Ảnh Nguyễn Quang Vinh chụp tháng 10 năm 2006.

Theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia:
Tộc người Rục được một tiểu đội Công an Quảng Bình phát hiện vào ngày 12 tháng 8 năm 1959 trong hang sâu tại vùng hang động Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) gồm 11 hộ với 34 người. Người Rục có tập quán rất lạc hậu, quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm, nhưng họ cũng có một cuộc sống tinh thần phong phú với những nhạc cụ núi rừng như đàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc và làn điệu cà lưm cà lềnh. Do tập quán lạc hậu, sống trong hang đá, săn bắt, hái lượm tận rừng sâu, người Rục có nguy cơ suy giảm dân số hết sức nghiêm trọng.
Trong hơn 40 năm, người Rục đã làm một cuộc hành trình về với cộng đồng. Đến cuối năm 2006, nhân khẩu đã lên đến 414 người và được phân bố trong bốn bản Phú Minh, Ón, Yên Hợp và Mò O – Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, ở xen với các tộc như Sách, Mày, Kinh.”

“Cuộc hành trình về với cộng đồng” của người Rục được GS.TS Trần Trí Dõi, chuyên gia nghiên cứu về dân tộc Chứt, đánh giá khá cao:

Với một tộc người đang sống hồng hoang, mặc vỏ cây, lấy lửa bằng đá… thì nửa thế kỷ hoà nhập cộng đồng của người Rục là quãng thời gian ngắn ngủi. Cộng đồng đã làm được nhiều việc cho người Rục và người Rục cũng đã tiến được chặng đường rất dài.”

 

“Những chặng đường tiến rất dài” này được nhà báo Dương Minh Phong, tác giả bài viết dẫn thượng (“Vào Rục Ứa Nước Mắt”) ghi nhận với đôi mắt dè dặt hơn – chút xíu:


Người Rục rời hang đá 50 năm đã có chi bộ đảng, hội phụ nữ, hội thanh niên, đoàn viên, hội phụ nữ, hội nông dân…tức là đủ thứ hội. Mình thấy thế thì quả là thiên tài cho ai sắp xếp được ở đây các hội này. Nhưng hội đầy đủ thế mà bà con vẫn 6 tháng không có gạo ăn là nổi đau vô cùng. Nhà nước trợ cấp 6 tháng gạo, mỗi khẩu 15kg một tháng cho người Rục, 6 tháng còn lại chỉ biết sắn và củ quả rừng.”

Khách quan mà nói thì “những chặng đường tiến” của người Rục – rõ ràng – dài hơn, và nhanh hơn, những bước (“chân dép lốp đi vào vũ trụ”) của đồng bào dưới miền xuôi nhiều lắm. Họ phóng (cái rẹt) từ Thời Kỳ Săn Bắt, nhẩy băng qua qua giai đoạn bán định canh và định canh, để bước (cái rột) lên Thời Kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ trong một thời gian rất ngắn: năm mươi năm chẵn. Kỷ lục này thiệt là đáng kể, đáng nể và cũng (vô cùng) đáng ngại!

Không hiểu trước đó thì người Rục sinh sống ra sao trong hang động giữa rừng sâu nhưng từ khi được “phát hiện” (vào năm 1959) thì chỉ qua năm sau là họ bị đói khùng luôn – “từ năm 1960 đến nay,” theo như ghi nhận của nhà văn Nguyễn Quang Lập.

 

Hơn nửa thế kỷ qua người Rục vẫn tồn tại như một phép lạ, ở tỉnh Quảng Bình – nơi mà cả tỉnh ủy lẫn UBND tỉnh ra sức che đậy việc bỏ đói” họ. Phép lạ này chắc không kéo dài mãi được. Ngoài loài chuột đá (Laonastes aenigmamus) ở Việt Nam, tôi trộm nghĩ, Tổ Chức Bảo Tồn Động Thực Vật Hoang Dã Quốc Tế cũng ghi thêm tên người dân tộc Rục vào danh sách những chủng loại có nguy cơ bị biến mất khỏi mặt đất này.


Trẻ thơ người Rục. Ảnh Lam Phong/SGTT


Cá nhân tôi không đủ từ tâm, cũng như lòng bao dung, để quan tâm gì (nhiều) đến sự tồn vong của chuột. Sự hiểu biết vô cùng giới hạn của một thường dân cũng không giúp tôi hiểu thấu được sự hiện diện của loài chuột đá quan trọng ra sao với hệ thống sinh thái của quả địa cầu. Tôi chỉ biết được thêm (đôi điều) về những đồng bào người Rục mình qua Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia, như sau:

Người Chứt, còn gọi là người Rục, người Sách, người A rem, người Mày, người Mã liềng, người Tu vang, người Pa leng, người Xe lang, người Tơ hung, người Cha cú, người Tắc cực, người U mo, người Xá lá vàng, là một dân tộc ít người sinh sống tại LàoViệt Nam..

Người Chứt là tộc người sử dụng ngôn ngữ cùng ngữ hệ với tiếng Việt. Tiếng Chứt được nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm vì gần gũi với tiếng Kinh nguyên thủy. Giáo sư Trần Trí Dõi đã nhận xét tiếng Chứt như ‘bảo tàng lưu giữ các giai đoạn phát triển của tiếng Việt. Văn hóa của người Chứt cũng cho phép tìm lại lịch sử phát triển của người Việt cổ.”

Nhất định mang chi bộ đảng, hội phụ nữ, hội thanh niên, đoàn viên, hội phụ nữ, hội nông dân … để xen vào đời sống của những bộ tộc này (cho bằng được) là một việc làm ngu xuẩn. Còn bỏ họ sống dở (và chết dở) trong đói lạnh lại là một tội ác. Trong cái tội ác tầy đình này chưa biết ai là chính phạm nhưng tất cả chúng ta sẽ đều là tòng phạm.

Theo hướng dẫn của nhà văn Nguyễn Quang Lập “Ai có điều kiện hãy cùng nhau góp gạo cứu đói cho người Rục, hãy Bấm vào đây!” Chúng tôi cũng sẽ có bài viết kế tiếp về Thời Đại Bấm Nút (đáng buồn) vào tuần lễ tới, cũng trên diễn đàn này.
Tưởng Năng Tiến

11/2011

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn