BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đồi Fanta

16 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1613)
Đồi Fanta
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tháng Tư 1984 trong lần bị tù thứ hai của tôi, tôi từ sà-lim – ngôn ngữ Tù Đầy Bắc Cộng gọi là “Phòng biệt giam” – sang Phòng Giam Chung Số 6 Khu C Một, Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Vào Phòng 6, tôi được xếp nằm cạnh một người tù trẻ. Hỏi, tôi được biết chú là một ông sư Chùa Già Lam, Phú Nhuận, chú bị bắt vì tôi phản động, nôm na là “tội âm mưu cho Bàn Thờ Bác Hồ xuống Cống.”


Chú trẻ hơn tôi khoảng 10 tuổi. Năm ấy chú trạc Ba Bó Lẻ Năm Que, chú người Thừa Thiên, nói giọng khá nặng. Nhiều lần tôi nói với chú:


“Khổ thì nói là Khổ. Cứ Khộ Khộ là cái gì?”

Chú gọi tôi là bác. Tôi kể chú nghe:

“Chú biết những chuyện này không? Các thầy Tuệ Sĩ, Trí Siêu, cô Trí Hải bị bắt. Bẩy ngày sau ngày ba vị ấy bị bắt, Hoà Thượng Thích Trí Thủ viên tịch.”

Tên vị sư trẻ là Thích Tâm Lạc. Tôi kể chú nghe một lô sự việc mới xẩy ra trong chiến dịch bọn Bắc Cộng triệt hạ Phật Giáo miền Nam Tháng Ba, Tháng Tư năm 1984. Chú nằm trong tù đã hai năm, làm sao chú biết những chuyện ấy. Tổ chức chống Cộng trong có chú bị bọn Công An Thành Hồ phá năm 1982, chú đã nằm ở Trung Tâm Thẩm Vấn này trọn năm 1982, năm 1983 chú bị đưa sang Nhà Tù Chí Hòa, năm nay 1984 chú bị đưa từ Nhà Tù Chí Hoà về đây chịu thẩn vấn thêm, vì ba vị Tu sĩ Trí Siêu, Tuệ Sỹ, Trí Hải, những người bị bọn Công An Thành Hồ coi là ba nhân vật lãnh đạo Tổ Chức Già Lam, mới bị bắt. Chú hỏi tôi:

“Bác không phải là Phật tử, sao bác biết những chuyện này?”

Tôi trả lời:

“Tôi quen với ông Cao Hữu Đính. Ông ấy kể cho tôi nghe.”

Ông Cao Hữu Đính nguyên là Tổng Thư Ký Ủy Ban Liên Tôn năm 1963. Nhờ anh Hiếu Chân Nguyễn Hoat, năm 1980 tôi đươc quen ông Cao Hữu Đính. Ông Đính biết nhiều chuyện về đời Tu, và đời Tư, nhiều vị Tu Sĩ Miền Trung. Những chuyện ông Đính kể 10 phần, tôi chỉ nhớ được 2, 3 để kể lại với chú Thích Tâm Lạc. Ông Cao Hữu Đính đã qua đời ở Sài Gòn khoảng năm 1990.

Nằm cạnh chú Thích Tâm Lạc, tôi ăn chung với chú. Nói là ăn chung, thực ra tôi ăn chiã đồ chay của chú, chú ăn chay, chú không thể ăn thịt kho, thịt chà bông của tôi mỗi khi tôi được nhận thực phẩm vợ con tôi gửi vào. Một ông sư Già Lam gửi đồ nuôi chú. Chú không có gì nhiều nhưng chú có một số thức ăn chay khô, chú có một số thuốc hút Gò Vấp, chú sẵn sàng chia xẻ những thứ ấy với tôi. Chú đặt bát lấy cơm canh cho tôi, chú rửa bát muỗng cho tôi, chú xé những cọng rau muống ra từng sợi nhỏ, trộn chanh, muối mè làm nộm, Trong tù ăn thiếu rau, kể cả món rau muống già cho heo ăn heo cũng chê cũng không có nhiều. Chú làm món nộm Vỏ Chuối. Phải là vỏ chuối sứ mới làm nộm ăn được, vỏ chuối tiêu đắng, chát không ăn được. Vỏ chuối treo lên vài ngày, khô queo, lấy xuống tước thành từng sợi, ngâm nước qua đêm, để khô, vắt chanh, nêm muối mè, làm nộm. Nhờ chú, tôi được ăn Nộm Vỏ Chuối mấy lần trong Nhà Tù VC.

Rồi người tù trẻ thú hai mới ở sà-lim sang đến với tôi. Trần Văn Bẩy là một Thầy Sáu, Bẩy đã học xong nhưng không được bọn VC cho thụ phong linh mục. Bẩy thuộc gia đình Đạo gốc, Bắc Kỳ Ri Cư. Thầy Sáu Trần Văn Bẩy trạc tuổi Sư Thích Tâm Lạc. Bẩy cùng hai ông Thầy Sáu bạn hầu việc Chuá trong những nhà thờ khu Ngã Ba Ông Tạ. Vì giáo dân đói Lời Chuá, ba ông in roneo một số bài giảng phát cho giáo dân. Ba ông bị bắt về “tội in ấn bất hợp pháp.”

Bẩy cũng gọi tôi là bác. Bẩy kể nhiều người trong gia đình Bẩy



rất ái mộ Nhà Văn Duyên Anh. Năm 1981 Duyên Anh đi tù về, viết tác phẩm “Đồi Fanta.” Đề phòng bị mất, Duyên Anh nhờ người quen thân đánh máy “Đồi Fanta” ra nhiều bản. Bẩy giữ việc đánh máy. Một bản “Đồi Fanta” được Bẩy giữ lại trong nhà. Khi bọn Công An bắt Bẩy vì “tội in ấn bất hợp phàp” đến khám xét nhà Bẩy để tìm thêm tang vật, chúng vớ được quyển “Đồi Fanta.”

Bẩy nói trong bản thảo Đồi Fanta có bức thư Trần Tam Tiệp ở Paris viết cho Duyên Anh. Thư Tiệp có nhắc đến Dương Hùng Cường và tôi.

Trần Văn Bẩy ghé vào ăn chung với tôi và Tâm Lạc. Rồi ông bạn già đàn anh của tôi là ông Vương Văn Bách – ông anh ruột Trung Tá Vương Văn Đông – từ sà-lim ra, xách giỏ hành lý vào Phòng 6. Anh Bách cũng ghé vào ăn chung với ba chúng tôi. Anh Bách, Bẩy, tôi và Tâm Lạc nằm cạnh nhau.

Những ngày sống trong Tù của tôi êm ả, yên vui được chừng ba, bốn tháng thì chia ly xẩy ra. Mỗi tháng bọn Cai Tù Số 4 Phan Đăng Lưu đưa một số tù nhân đã xong thẩm vấn sang Nhà Tù Chí Hoà. Người ra đi trước nhất trong bọn tôi là anh Vương Văn Bách. Tháng sau, Tâm Lạc và Văn Bẩy cùng đi sang Chí Hoà. Tôi ở lại một mình. Buồn và thương thân, tôi ưá nước mắt.

Rồi cũng đến lượt tôi bỏ Số 4 Phan Đăng Lưu để sang Nhà Tù Chí Hoà. Buổi trưa Tháng Năm 1985, tôi ôm mùng chiếu theo anh em vào sân Nhà Tù Chí Hoà. Tôi đã viết về cảm giác này: đứng trong sân Nhà Tù Chí Hoà, tôi nhìn lên, quanh tôi chỉ có những hàng chấn song sắt và những hàng chấn song sắt. Lúc ấy tôi nghĩ:

“Đây là Nhà Tù Chí Hoà. Mình đang đứng trong Nhà Tù Chí Hoà. Ngày nào mình ra khỏi đây mình sẽ kiêu hãnh vì mình từng sống trong Nhà Tù Chí Hoà.”

o O o

Dân Tầu có mấy câu diễn tả sự sướng khoái của người ta ở đời:

Cửu hạn phùng cam vũ.
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ.
Kim bảng quải danh thì.

Sang tiếng Việt, đại khái là:

Nắng hạn lâu ngày gặp mưa rào.
Ở quê người gặp người quen.
Lấy vợ, đêm động phòng.
Thi đỗ, tên đề ở bảng vàng.

Người ta viết thêm để cực tả nỗi suớng khoái:

Thập niên cửu hạn phùng cam vũ.
Vạn lý tha hương ngộ cố tri.
Tu sĩ động phòng hoa chúc dạ.
Độn nho kim bảng quải danh thì.

Nghĩa Việt:

Hạn hán mười năm được trời mưa.
Xa nhà ngàn dặm gặp người quen.
Thầy tu lấy vợ, đêm động phòng.
Học trò dzốt mà thi đỗ.

Tôi – CTHĐ – có nỗi Sướng Khoái:

Nhập khám ngộ cố tri.
Vào tù, gặp người quen.

Anh em Tù từ Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu sang Nhà Tù Chí Hoà buổi trưa hôm ấy bị Cai Tù chia ra cho vào các phòng giam. Tôi xách giỏ vào Phòng 10 Khu ED. Tôi mừng hết lớn khi người tù đón tôi trong Phòng 10 ED là Thầy Trần Văn Bẩy. Bẩy sang đây tháng trước, đi cùng tù xa với Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Bẩy và Thát nằm cạnh nhau, ăn chung. Tôi nhập bọn. Rồi có chú tù trẻ vào phòng. Chú này tên là Tới nên được gọi là Lâm Tới. Tới từng là học trò của Thầy Bẩy. Tới ở trong một tổ chức vượt biên. Tới nhập bọn với chúng tôi. Tôi như sống trong một gia đình, tôi có người bao bọc, giúp đỡ mọi mặt. Những ngày tháng tù đầy phơi rốn cứ thế êm đềm qua.




Cuộc hội tụ nào rồi cũng phải ly tan. Tới ra toà trước. Người ra toà thứ hai trong gia đình tôi là Trần Văn Bẩy. Buổi chiều từ toà án về, Bẩy chỉ được về phòng lấy hành lý rồi bị đưa ngay sang khu FG. Hỏi Bẩy án tù bao nhiêu, Bẩy nói:


“Tù 8 năm.”

Chúng tôi choáng váng: “Tù gì mà nặng thế?” Hỏi hai ông Thầy kia tù bao nhiêu năm? Bẩy nói:

“Mỗi anh tù 3 năm.”

“Hai ông kia can tội in ấn, Bẩy cũng can tội in ấn. Sao hai ông tù 3 năm mà Bẩy lại tù 8 năm?”

Bẩy trả lời:

“Tôi tù thêm 5 năm vì tội giữ bản Đồi Fanta.”

Chỉ vì giữ bản thảo tiểu thuyết Đồi Fanta của Duyên Anh mà bị tù 5 năm. Chuyện xẩy ra ở Sài Gòn năm 1986. Rất ít người biết chuyện này. Tôi chắc cả Duyên Anh cũng không biết – năm 1986 khi Thầy Trần Văn Bẩy vì giữ quyển Đồi Fanta mà bị bọn Cộng Thành Hồ kết án Tù 5 năm, Duyên Anh còn sống ở Pháp. Năm 1986 Duyên Anh chưa bị thuơng tật.

Năm 1995 tôi đến Hoa Kỳ. Từ Pháp, Duyên Anh gọi phone cho tôi vài lần, mỗi lần nói chuyện vài phút. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau, nhưng rồi Duyên Anh qua đời.

Dòng thời gian nhẹ một ánh bay… Những ngày như lá, tháng như mây… Năm 2007 tôi có blog “hoànghaithuy.com.” Một hôm, Blog của tôi có thư:

Bố Thủy. Con là Tới. Bố phone cho con, số…”

Lâm Tới, anh Con Dzởm Phòng 10 Nhà Tù Chí Hoà của tôi, ra tù, vượt biên sang Mỹ. Chỉ sau vài năm ở Mỹ, Tới học và trở thành chuyên viên bảo trì Phi Cơ Không Người Lái của Quân Đội. Tới ở Arizona. Tới và tôi phone cho nhau. Tôi hỏi Tới về Thầy Trần Văn Bẩy, Tới nói:

“Thầy Bẩy đã trở thành linh mục. Để con hỏi mấy ông Linh mục Việt con biết ở Mỹ về Thầy Bẩy, có tin con cho Bố biết ngay.”

Thầy Trần Văn Bẩy, Bạn Tù Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà 20 năm xưa của tôi nay là Linh Mục. Ông giữ một xứ đạo ở Kontum. Tới cho tôi I-meo, số phone của ông. Tôi phone cho ông. Tôi nghe lại tiếng người tù Trần Văn Bẩy nói, cười như ông nói, cuời trong nhà tù cộng sản năm xưa. Có bao giờ tôi nghĩ Người Tù Trần Văn Bẩy trở thành Linh Mục.

Cảm khái cách gì.

Viết xong bài này, tôi gửi bài đến Linh mục Trần Văn Bẩy, Kontum, Việt Nam, gửi bài đến Chuyên Viên Lâm Tới, Arizona, Hoa Kỳ.

Trước khi trở thành Linh mục, Tu sĩ Trần Văn Bẩy được Giáo hội cho sang Pháp học 2 năm về giáo lý. Năm 2005 Linh mục sang Houston, Texas làm phép hôn phối cho người cháu của ông ở đây.

Qua trường hợp Linh mục Joseph Trần Văn Bẩy, tôi thấy được chuyện Giáo Hội có nhiều cách chống Cộng sản: đào tạo Linh Mục là một trong những cách bảo vệ Đạo, giữ Lòng Tin của giáo dân là cách chống Cộng thật Đẹp. Và Hữu hiệu.

Nhà Văn Duyên Anh viết tiểu thuyết Đồi Fanta ở Sài Gòn năm 1981, năm thứ nhất sau 5 năm ông bị bọn Bắc Cộng bắt tù khổ sai. Tôi thấy không một nhà văn nào tôi quen sáng tác được như Duyên Anh: sáng tác ở Sài Gòn khi vừa đi tù khổ sai về, sáng tác với việc biết mình có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào. Vượt biên đi thoát năm 1983, những năm 1987, 1988 là những năm danh tiếng Nhà Văn Duyên Anh nổi nhất ở Âu châu. Đồi Fanta được dịch ra Pháp văn, được thực hiện thành phim.

Tôi đăng bài viết về tiểu thuyết Đồi Fanta để Linh mục Trần Văn Bẩy đọc:

ĐỒI FANTA.

Cuốn sách này viết để tặng:

- Hội Bảo Vệ Súc Vật các nước trên thế giới

- Quý vị nuôi Chó và sưu tầm Chó trên thế giới

- Tòa Án Bertrand Russell

- UNICEF

- Các nước viện trợ nhân đạo cho Việt Nam

Tác giả rất trân trọng

Duyên Anh

Thay lời TỰA

Người viết: Oliver Todd.

VIỆT NAM ĐÃ CÓ SOLJHENITSYNE

Cách đây hai năm, qua “Một người Nga ở Sài Gòn”, người ta đã so sánh ông với Vercors. Ngày nay với tác phẩm “Đồi Fanta” (Belfond xuất bản) Nhà văn Duyên Anh, cân nhắc trên mọi tầm vóc, chẳng mấy chốc sẽ là Soljhenitsyne Việt Nam: xen lẫn giả tưởng và thực tế, ông đã miêu tả trại tập trung Cộng sản Việt Nam qua tình bạn giữa Mai Bím, tên móc túi khéo xoay xở và Nguyễn Hữu Vũ, mười ba tuổi, bị bắt vì cha là sĩ quan “Ngụy”. Điều nguy hiểm nhất cho hai em nhỏ: đồi Fanta. Nơi đây là mồ chôn hàng trăm trẻ em chết vì bị quản giáo sát hại, chết vì kiệt lực, vì “lao động tốt”, vì kiết lỵ, sốt rét ngã nước, dịch tả. Ở một nước gió mùa và thiếu hụt đủ thứ, các em không có được một tấm mộ bia. Thay vào đó là các mảnh giấy nhỏ ghi lại họ tên, có đủ hoặc thiếu sót, thường chỉ thu gọn vào tên gọi và ngày chết, được nhét vào vỏ chai nước ngọt Fanta cắm ngược đầu trên nấm mộ.

Được mệnh danh là “Nhà văn của thiếu nhi”, Duyên Anh đã cho xuất bản khoảng năm chục tác phẩm gồm tiểu thuyết, biên khảo, thơ. Trước khi Sài Gòn mất năm 1975, Duyên Anh mô tả sự chán chường và nỗi cô đơn của tuổi trẻ Việt Nam. Và ông vẫn đang tiếp tục công trình này! Thời đó ông chỉ trích Hoa Kỳ và đồng thời chống đối Cộng sản. Cộng sản Việt Nam liệt ông vào “một trong mười tên Biệt Kích Văn Nghệ nguy hiểm nhất”. Tác phẩm bị cấm, còn ông bị bắt giam mà không tuyên án với số tù 239D TCT CT XM, ông chỉ được trả tự do năm 1981 nhờ sự can thiệp của Văn Bút và Ân Xá Quốc Tế.

Ngày 30 tháng 4 năm ngoái, Duyên Anh phải trả một giá đắt về sự dấn thân của ông: trong dịp qua thăm California (Hoa Kỳ), ông bị bốn người Việt vây đánh gục. Ông nằm hôn mê nhiều ngày, rồi được đưa trở về Pháp điều trị trong một nhà thương ở Paris. Dần dà Duyên Anh đã lấy lại được sức khỏe. Ai là kẻ hành hung? Cảnh sát Hoa Kỳ không đưa ra được một kết luận nào cả. Rất có thể đó là những người quốc gia cực hữu thiển cận đã gán cho ông tội làm “ăng ten” cho Hà Nội, bất cần biết đến tư tưởng trong các tác phẩm của ông. Người ta cũng không thể loại trừ đó là sự can thiệp trực tiếp hoặc âm mưu của cơ quan tình báo Việt cộng, vì đối với một chính thể đang muốn tạo ra một bộ mặt có vẻ nhân đạo hơn, Duyên Anh với những tiết lộ, quả thật là một nghệ sỹ nguy hiểm.

Oliver Todd

Le Vietnam a trouvé son Soljhenitsyne”, Paris Match ngày 9/3/1989

14-11-2011

Hoàng Hải Thủy

Theo http://hoanghaithuy.wordpress.com/2011/11/14/doi-fanta/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn